Nhật gây chấn động toàn cầu; Bệnh viện TQ bỏ khoa sản; Sống thấp thỏm ở Haiti; Hỗn loạn ở Trung Đông; Gaza thành 'mồ chôn trẻ em'

LẦN ĐẦU TIÊN TRONG LỊCH SỬ 17 NĂM, NHẬT BẢN GÂY CHẤN ĐỘNG NỀN KINH TẾ TOÀN CẦU BẰNG MỘT CHỈ SỐ

Đồng Yên đang đứng trước thời khắc lịch sử khi dòng vốn nước ngoài đang dịch chuyển mạnh từ Trung Quốc và Phương Tây vào Nhật Bản.

Tờ Nikkei Asian Review cho hay Nhật Bản sẽ có động thái tăng lãi suất lần đầu tiên trong lịch sử 17 năm qua, đồng thời gây tác động mạnh lên nền kinh tế toàn cầu khi quốc gia có GDP lớn thứ 4 thế giới này chấm dứt nới lỏng tiền tệ.

Trong cuộc họp diễn ra ngày 19/3/2024, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) nhiều khả năng sẽ tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ tháng 2/2007, tạo nên bước ngoặt cho chính sách nới lỏng tiền tệ đã kéo dài 17 năm qua.

Theo Nikkei, lạm phát tại Nhật Bản được duy trì cao hơn 2% cùng với việc nhiều tập đoàn lớn tăng lương đáng kể cho người dân từ đầu năm đến nay đã thúc đẩy BOJ đi đến khả năng thay đổi chính sách.

Lãi suất âm tại Nhật Bản đã được áp dụng từ tháng 2/2016 và BOJ có thể sẽ triển khai nâng từ từ. Mức lãi suất (-0,1%) hiện nay có thể sẽ được nâng lên trong khoảng 0-0,1%

Hiện BOJ là ngân hàng trung ương duy nhất còn lại trên thế giới dùng lãi suất âm, được cho là biểu tượng của chính sách nới lỏng tiền tệ quy mô lớn.

Dù biện pháp này được cho là để kích thích kinh tế, chống giảm phát nhưng cũng khiến đồng Yên mất giá, ảnh hưởng đến nhập khẩu và hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thống đốc Kazuo Ueda của BOJ cho hay kết quả những cuộc đàm phán tăng lương được cho là một trong những yếu tố khiến cơ quan này cân nhắc nâng lãi suất.

Mới đây, Công đoàn Nhật Bản đã thành công đàm phán tăng lương trung bình 5,28%, mức cao nhất 33 năm qua. Tỷ lệ này là 4,42% ở các doanh nghiệp nhỏ.

Trong khi đó, BOJ cho rằng mức tăng lương cơ bản bình quân 3,7% là cũng đủ để duy trì lạm phát xoay quanh ngưỡng 2% trong nền kinh tế.

Kể từ tháng 2/2022 đến nay, hàng loạt ngân hàng trung ương, từ Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) cho đến Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) đã nhanh chóng nâng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát.

Tuy nhiên, Nhật Bản lại mắc kẹt với nguy cơ giảm phát, thậm chí đã có lần suy thoái kỹ thuật, qua đó buộc phải giữ chính sách nới lỏng tiền tệ suốt từ năm 2007 đến nay.

Bởi vậy việc nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới thay đổi chính sách tiền tệ được cho là sẽ có tác động lớn đến kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng đến dòng vốn nước ngoài đang dịch chuyển mạnh từ Trung Quốc và Mỹ sang Nhật Bản.

HIỆN TƯỢNG ĐÁNG LO KHI NHIỀU BỆNH VIỆN TRUNG QUỐC ĐÓNG CỬA KHOA SẢN

Nhiều bệnh viện ở Trung Quốc đã đóng cửa khoa sản trong năm qua, Nhật báo Kinh tế đưa tin. Các chuyên gia cảnh báo về tình trạng “mùa đông sản khoa” do nhu cầu sinh đẻ giảm mạnh.

Trong 2 tháng qua, các bệnh viện ở một số tỉnh, thành như Chiết Giang và Nam Xương thông báo đóng cửa khoa sản . Bệnh viện Nhân dân số 5 ở thành phố Cám châu, tỉnh Giang Tây, thông báo trên tài khoản WeChat của họ rằng dịch vụ sản khoa của họ dừng hoạt động từ ngày 11/3.

Điều này diễn ra trong bối cảnh các nhà làm chính sách Trung Quốc đang tìm nhiều cách để khuyến khích người dân đẻ thêm con, nhằm đối phó với tình trạng xã hội già hóa nhanh.

Dân số Trung Quốc năm 2023 tiếp tục giảm, với tỷ lệ sinh xuống thấp kỷ lục và tỷ lệ tử vong cao trong giai đoạn đại dịch COVID-19. Các lãnh đạo nước này lo ngại tình trạng dân số già hóa nhanh sẽ gây ra nhiều tác động lâu dài lên tăng trưởng kinh tế.

Dữ liệu gần đây nhất do Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc công bố cho thấy, số lượng bệnh viện sản ở nước này năm 2021 giảm xuống còn 793, từ 807 năm 2020.

Theo báo chí trong nước, số lượng trẻ chào đời giảm mạnh khiến nhiều bệnh viện không thể duy trì khoa sản nữa.

“Mùa đông sản khoa có vẻ đang đến lặng lẽ”, Nhật báo Kinh tế viết trong bài đăng ngày 15/3.

Ngày càng nhiều phụ nữ Trung Quốc chọn cách không sinh con vì chi phí nuôi con tốn kém, và không muốn kết hôn để phấn đấu sự nghiệp.

Chính quyền các cấp đã đưa ra nhiều biện pháp và sáng kiến để thúc đẩy tỷ lệ sinh, như tăng thời gian nghỉ sinh, hỗ trợ về thuế và tài chính cho việc sinh đẻ và trợ cấp nhà ở.

Tuy nhiên, một viện nghiên cứu uy tín của nước này gần đây cho biết, Trung Quốc vẫn là một trong những nơi đắt đỏ nhất thế giới để nuôi con tính theo GDP/đầu người.

Số lượng trẻ em chào đời tại các bệnh viện trên khắp Trung Quốc tăng trong năm con rồng, báo Yicai đưa tin. Tuy nhiên, các chuyên gia dân số học cho rằng đây chỉ là hiện tượng ngắn hạn.

SỐNG TRONG THẤP THỎM, NGỜ VỰC GIỮA CUỘC CHIẾN BĂNG ĐẢNG

Bạo lực băng đảng đẫm máu trên đường phố khiến người dân Port-au-Prince cảnh giác cao độ để sinh tồn, thậm chí ngờ vực, xung đột lẫn nhau.

Những ngày này, đại lộ phía trước sân bay quốc tế Toussaint Louverture, thủ đô Port-au-Prince của Haiti tĩnh lặng như thời kỳ hậu tận thế. Con đường từng tấp nập người xe giờ chỉ còn những đám khói bốc lên từ đống rác, làm không khí như đặc quánh lại.

Một xe bọc thép của cảnh sát đỗ gần đó, các sĩ quan đứng gác che mặt bằng khăn trùm đầu. Đại lộ gần như hoang phế, như thể vừa có một thảm họa quét qua.

Người dân thủ đô Haiti hiểu rõ thảm cảnh này hơn ai hết, nhưng họ cũng không thể rời thành phố này. Sân bay duy nhất của Port-au-Prince đã phải đóng cửa sau nhiều cuộc tấn công của băng đảng.

Kể từ đầu tháng, các băng đảng ở Port-au-Prince phối hợp tấn công sân bay, đồn cảnh sát, tòa nhà chính phủ, nhà tù quốc gia, nhằm gây sức ép buộc Thủ tướng Haiti Ariel Henry từ chức. Nhưng việc ông Henry chấp nhận từ bỏ quyền lực tuần trước không có nhiều tác dụng trong khôi phục trật tự.

Các băng đảng bóp nghẹt nguồn cung thực phẩm, nước uống, nhiên liệu cho thủ đô, trong khi cảnh sát Haiti vẫn nỗ lực chiến đấu giành lại từng khu phố. Bạo lực đẫm máu đang làm suy giảm nghiêm trọng trật tự xã hội, cũng như tương tác cơ bản của con người.

Doanh nghiệp, trường học đóng cửa. Nhiều người dân tự cô lập, không ra khỏi nhà. Cuộc sống xoay quanh sự cảnh giác cao độ, sợ hãi, ngờ vực và giận dữ.

Trước tình trạng băng đảng kiểm soát 80% Port-au-Prince, nhiều người Haiti ở vùng thủ đô đã liên minh với nhau thành một phong trào chống tội phạm. Các cộng đồng thành lập ủy ban phòng thủ dân sự, lập công sự, hệ thống giám sát, thậm chí tuần tra chung.

Liên minh thu được một số kết quả, phối hợp với cảnh sát đẩy lùi băng đảng khỏi phố Canape Vert năm 2023. Nhưng trong thời loạn, ranh giới giữa tự vệ và công lý rất mong manh. Liên Hợp Quốc cho hay liên minh hồi tháng 10/2023 đã hành hình hàng trăm người bị nghi ngờ là thành viên băng đảng.

Tại một nhà thờ gần phố Canape Vert, một dân quân cho hay các băng đảng trước đây kiểm soát khu vực có nhiều doanh nghiệp lớn này, thu lời bằng hoạt động tống tiền.

"Sau khi đẩy lùi băng đảng, chúng tôi liên tục bị đe dọa. Chúng cảnh báo sẽ tấn công, phá hủy khu phố, nên dân quân phải chặn đường, nhờ cảnh sát khám xét", người này cho biết, lưu ý dân quân chỉ dùng "dao rựa và tay không".

Cách Canape Vert 5 phút lái xe, một cộng đồng khác cũng đang nỗ lực gắn kết, nhưng gặp nhiều khó khăn khi phải quản lý một trại tị nạn. Đây là một trong hàng chục trại trên khắp thủ đô, nơi hàng chục nghìn cư dân tập trung sau khi mất nhà cửa trong chính thành phố vì nạn bạo lực.

Những người trong trại tị nạn bầu một người lãnh đạo để liên lạc với cảnh sát địa phương, vận động các tổ chức viện trợ thức ăn, nước uống. Nhưng thực tế có rất ít hàng viện trợ đến tay người dân.

Cuối tháng 2, Marie Maurice, 56 tuổi, bỏ lại toàn bộ đồ đạc, cùng nhiều người khác tìm đến trại tị nạn này để trú ẩn. Không ai trong gia đình bà đủ ăn, thậm chí không có không gian nấu nướng. Họ thường chia sẻ với nhau những bữa ăn qua quýt để sống qua ngày, có những hôm phải nhịn đói hoàn toàn.

Nỗ lực sinh tồn của người tị nạn còn khó khăn hơn nhiều khi họ phải sống trong sự ngờ vực của những cộng đồng sống xung quanh trại. Người địa phương nhiều lần ẩu đả, đòi người tị nạn rời đi, vì lo sợ dòng người hỗn tạp có thể thu hút sự chú ý của băng đảng.

Tổ chức Di cư Quốc tế đã nhiều lần cảnh báo về tình trạng bất an cao độ tạo bầu không khí "mất lòng tin" ngày càng gay gắt ở Haiti, khiến các cộng động bất hòa, làm suy giảm gắn kết xã hội.

Port-au-Prince đã chìm trong hỗn loạn do bạo lực băng đảng nhiều năm qua. Sau khi Thủ tướng Henry từ chức, giới chức Haiti đang thảo luận thành lập hội đồng tổng thống chuyển tiếp và bổ nhiệm thủ tướng lâm thời, trong khi cộng đồng quốc tế từ chối can thiệp.

Điều này khiến một giải pháp chính trị cho tình trạng bạo lực trở nên xa vời. Khi cả cảnh sát, băng đảng lẫn các nhóm dân quân đều thi nhau dựng trạm kiểm soát, Port-au-Prince đã trở thành pháo đài của nỗi bất an, cảnh giác.

Marie-Suze Saint Charles, 47 tuổi, cho hay đang phải nằm viện điều trị vì bị gãy chân do một cuộc tấn công của băng đảng trên đường phố hồi đầu tháng. Con trai 17 tuổi của bà cũng đang nằm ở bệnh viện khác do bị bắn.

Charles không rõ có ai đang chăm sóc hai con trai 8 và 13 tuổi còn lại hay không. "Chúng sợ hãi, không dám ra đường, thậm chí không muốn đến thăm tôi", bà nói.

HỖN LOẠN Ở TRUNG ĐÔNG: TRUNG QUỐC ‘GIỮ KHOẢNG CÁCH’ DÙ ĐỀ NGHỊ LÀM TRUNG GIAN HÒA GIẢI

Trong nhiều năm, Trung Quốc đã tìm cách nâng cao vị thế của mình bằng cách đề nghị làm trung gian hòa giải các xung đột và tranh chấp ở Trung Đông, nhưng các nhà phân tích cho rằng sự can dự hạn chế của Bắc Kinh vào cuộc chiến ở Gaza cho thấy Trung Quốc tiếp tục đặt lợi ích của mình lên hàng đầu.

Trong một bài báo gần đây trên tạp chí Foreign Policy, bà Yun Sun, Giám đốc Chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson ở Washington, nói rằng vai trò của Trung Quốc trong việc môi giới nối lại quan hệ giữa Saudi-Iran vào năm ngoái đã làm dấy lên hy vọng nước này có thể tìm ra cách giảm căng thẳng ở Trung Đông. Thế nhưng, bà nói: “Trung Quốc đã không triển khai thành công đó”.

Bà Sun và các nhà phân tích khác chỉ ra nền kinh tế của Trung Quốc phụ thuộc rất lớn vào dầu thô vùng Vịnh và với 53% nhu cầu năng lượng của nước này đến từ khu vực này, Bắc Kinh coi sự ổn định ở Trung Đông là điều tối quan trọng. Bà Sun nói: “Trung Quốc từ lâu đã định vị mình là người tiêu thụ và khách hàng của dầu mỏ Trung Đông,” một vai trò mang lại quyền lực cho nước này mà “Trung Quốc không cần phải mang gánh nặng trong việc mang lại hòa bình”.

Ông Hesham Alghannam là người đứng đầu Chương trình Nghiên cứu Chiến lược và An ninh Quốc gia tại Đại học Khoa học An ninh Naif Arab ở Riyadh, Ả Rập Xê Út. Phát biểu gần đây tại hội thảo trực tuyến của Tổ chức Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, ông ca ngợi quan điểm chung của Trung Quốc với các quốc gia Ả Rập, bao gồm cả việc thúc đẩy lệnh ngừng bắn sớm trong cuộc xung đột ở Gaza. Tuy nhiên, ông Alghannam nói thêm rằng sự can dự chính trị của Trung Quốc vào Trung Đông “vẫn còn hạn chế”.

Ông nói: “Trung Đông không phải là lợi ích cơ bản của Trung Quốc, và tôi nghĩ không ai nên phóng đại sức mạnh và vai trò của Trung Quốc ở Trung Đông”. “Tương tự như Hoa Kỳ, Trung Quốc thiếu một chiến lược an ninh toàn diện để giải quyết những thách thức an ninh chính trong khu vực, chẳng hạn như chấm dứt xung đột ở Gaza. Chúng ta đã không nhìn thấy từ Trung Quốc những gì chúng ta mong đợi. Cho đến nay, Trung Quốc chưa thực hiện bất kỳ hành động nào có thể chấm dứt chiến tranh một cách thực sự nghiêm túc ở Gaza”.

Ông Ahmed Aboudouh, một cộng sự của chương trình Trung Đông tại Trung tâm nghiên cứu Chatham House ở London (Anh), cho biết trong một phúc trình rằng Trung Quốc gây áp lực với Iran về các cuộc tấn công của Houthi ở Biển Đỏ “nhưng chỉ để bảo vệ tàu của chính họ”. Ông nói thêm rằng “Bắc Kinh sẽ không sử dụng ảnh hưởng hạn chế của mình để hỗ trợ chương trình nghị sự của Hoa Kỳ” trong việc tìm cách bảo vệ vận tải thương mại toàn cầu trong khu vực.

“Những nỗ lực của Trung Quốc chỉ tập trung vào việc giành được những đảm bảo để bảo vệ lợi ích trực tiếp của Trung Quốc. Không có bằng chứng nào cho thấy Bắc Kinh quan tâm đến việc đặt uy tín của mình lên hàng đầu để thúc đẩy giảm leo thang hoàn toàn ở Biển Đỏ”, ông Aboudouh viết.

Ông chỉ ra rằng các mối đe dọa của Trung Quốc đã dẫn đến việc lực lượng Houthi cấp quyền miễn trừ cho các tàu Trung Quốc và Nga. Ông Aboudouh nói, Trung Quốc đã áp dụng “cách tiếp cận ‘chờ xem’, rủi ro thấp vì nước này không có đủ khả năng lựa chọn khác”. “Họ không muốn bị buộc phải thực hiện một sự thay đổi chính sách mạnh mẽ và lao vào cuộc tấn công chỉ vì một tàu Trung Quốc bị đánh chìm hoặc hư hỏng nghiêm trọng”.

Giáo sư Degang Sun chỉ đạo nghiên cứu Trung Đông tại Đại học Phục Đán của Trung Quốc ở Thượng Hải. Ông nói với một hội thảo trực tuyến của Chatham House rằng Trung Quốc coi sự nổi lên của các chủ thể phi nhà nước [như Houthis] là mối đe dọa trực tiếp đối với lợi ích của họ ở Trung Đông vì đây là đối tác thương mại và đầu tư lớn nhất của họ.

“Vì vậy, Trung Quốc nói rằng Mỹ không thể rời khỏi Trung Đông. Trung Đông cần Mỹ vì nước này có thể là lực lượng ổn định cho Trung Quốc và phần còn lại của thế giới”, ông nói.

Ông nói thêm rằng Bắc Kinh “muốn gửi tín hiệu tới Mỹ rằng Trung Quốc không phải là đối thủ của Mỹ mà là đối tác của Mỹ trong quản lý Trung Đông” và rằng sự gia tăng của các chủ thể phi nhà nước ở khu vực Trung Đông “là kết quả của sự thiếu hụt quản trị”.

Ông Sun tin rằng Mỹ và Trung Quốc có thể lấp đầy sự khiếm khuyết này thông qua hợp tác trong các vấn đề an ninh Trung Đông.

CHIẾN SỰ TRUNG ĐÔNG: GAZA TRỞ THÀNH “MỒ CHÔN TRẺ EM”

Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Palestine – PRCS chiều 18/3 cho biết, tổng số trẻ em thiệt mạng được xác định trong chiến dịch tấn công bắt đầu ngày 7/10/2023 của quân đội Israel vào dải Gaza đã lên tới 13.790 em.

Trong một thông báo trên mạng xã hội X, Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Palestine khẳng định, dải Gaza giờ đây đã trở thành khu mồ chôn trẻ em, nhấn mạnh rằng trẻ em cần được bảo vệ trong mọi cuộc chiến theo Luật Nhân đạo quốc tế.

Trước đó, các cơ quan Y tế Palestine và khu vực nhiều lần khẳng định, trẻ em và phụ nữ là đối tượng bị tổn thương nặng nề nhất trong chiến dịch tấn công tổng lực kéo dài gần 5 tháng rưỡi qua của quân đội Israel vào Gaza, chiếm tỷ lệ hơn 70% tổng số thương vong.

Liên quan đến phản ứng của cộng đồng quốc tế đối với cuộc chiến tại Gaza, đại diện chính quyền Mỹ hôm qua cảnh báo, một cuộc tấn công bộ binh quy mô lớn của quân đội Israel vào thành phố Rafah, cực Nam Gaza sẽ là một sai lầm.

Phát biểu với báo giới tại Washington, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan nhấn mạnh, một cuộc tấn công quy mô lớn vào thành phố Rafah với hơn 1,5 triệu dân có thể gây ra nhiều thương vong cho dân thường vô tội, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo và tình trạng hỗn loạn tại Gaza, đồng thời khiến cho Israel ngày càng bị quốc tế cô lập hơn. Cũng theo quan chức này, trong cuộc trao đổi qua điện thoại ngày 18/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã yêu cầu Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tiến hành biện pháp khác để đánh bại lực lượng Hamas ở Rafah, thay vì mở cuộc tấn công bộ binh quy mô lớn vào đây.

Trước đó, các nhà lãnh đạo khu vực và thế giới cũng nhiều lần cảnh báo về những hậu quả thảm khốc khó lường của một cuộc tấn công bộ binh quy mô lớn của quân đội Israel vào Rafah.

Nguồn: Soha; CafeF; Vnexpress; VOA; VOV

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang