Người giàu nói dối; 2,5 tấn uranium biến mất; Cuộc gặp Hàn-Nhật; Nổ lớn rung chuyển Kharkov; Căng thẳng Nga-NATO

Lời nói dối lớn nhất của người giàu

(Ảnh minh họa).

Trong khi những người quyền lực luôn nói tiền không mua được hạnh phúc, nghiên cứu mới xác nhận rằng nhiều tiền hơn có thể cải thiện cảm xúc hạnh phúc.

Nhiều người thường nói tiền không mua được hạnh phúc. Vào năm 2010, Daniel Kahneman - nhà kinh tế học và tâm lý học từng đoạt giải Nobel - đã đưa ra giả thuyết rằng có một “mức độ hạnh phúc bình ổn” về tiền bạc.

Khi bạn đạt thu nhập hộ gia đình hàng năm là 75.000 USD, việc kiếm thêm tiền không khiến bạn hạnh phúc hơn chút nào.

Tuy nhiên, năm 2021, nhà nghiên cứu hạnh phúc Matthew Killingsworth đã công bố một nghiên cứu không đồng tình, cho thấy hạnh phúc tăng lên cùng với thu nhập và không có bằng chứng về sự “bình ổn” hạnh phúc.

Cặp đôi trên sau đó đã cùng tham gia quá trình “hợp tác đối nghịch” và công bố nghiên cứu mới phát hiện ra cả hai đều đúng. Nhưng lập luận của Killingsworth có phần đúng hơn: Đối với hầu hết con người, kiếm được nhiều tiền hơn khiến họ hạnh phúc hơn.

Đáp ứng nhu cầu cơ bản

Theo đó, nếu một người đang cực kỳ bất hạnh, hạnh phúc dường như tăng lên khi thu nhập hộ gia đình lên tới 100.000 USD. Nhưng rồi nó “đột ngột” chững lại vì có một số vấn đề mà tiền bạc không thể giải quyết được.

Đối với những người ở “phạm vi cảm xúc hạnh phúc trung bình”, hạnh phúc tăng tuyến tính với thu nhập.

Nghiên cứu không xem xét thu nhập trên 500.000 USD, vì vậy khó có thể biết liệu việc đi vòng quanh không gian có khiến tỷ phú Jeff Bezos cảm thấy thỏa mãn hay không. Hay liệu bể bơi nước nóng mới của Thủ tướng Anh Rishi Sunak có đang sưởi ấm trái tim và thỏa mãn những cảm xúc sâu sắc nhất của ông hay không.

Cây bút Arwa Mahdawi của Guardian đánh giá đây dường như là một trong những nghiên cứu mà có thể nhận thấy “khá rõ ràng" trong thực tế. Một người không cần những chiếc xe ôtô thể thao và máy bay riêng để hạnh phúc, nhưng họ cần nơi ở và sự ổn định - những thứ ngày nay tiêu tốn rất nhiều tiền.

Theo dữ liệu mới, khả năng chi trả nhà ở ở Mỹ đang ở mức thấp kỷ lục. Một hộ gia đình trung bình ở Mỹ cần chi 42,9% thu nhập của mình để mua một ngôi nhà có giá trung bình.

Câu chuyện tương tự xảy ra ở Anh. Những ngôi nhà ở nước này chưa từng đắt như bây giờ kể từ năm 1876, theo Bloomberg. Mahdawi chia sẻ cô từng nghĩ đến việc chuyển về London từ Philadelphia nhưng sau 5 phút trên trang web bất động sản, ý định đó đã bị dập tắt.

Sau đó là vấn đề nghỉ hưu. Căng thẳng về việc liệu có phải sống bằng thức ăn của mèo khi về già hay không thường không dẫn đến hạnh phúc.

Ở Mỹ, hầu hết công ty không còn cung cấp lương hưu phù hợp, Mahdawi nhận định.

Vào giữa những năm 1980, khoảng một nửa số người lao động trong khu vực tư nhân có kế hoạch hưu trí với mức phúc lợi được xác định. Theo đó, chủ lao động cam kết một khoản thanh toán lương hưu cụ thể, một lần hoặc kết hợp khi nghỉ hưu, phụ thuộc vào thời gian làm việc, lịch sử thu nhập và tuổi tác của nhân viên.

Vào năm 2022, chỉ 15% người lao động trong khu vực tư nhân được tiếp cận với kế hoạch hưu trí trên.

Vì vậy, giờ đây, nhiều người thường phụ thuộc vào lợi nhuận đầu tư cá nhân như bỏ tiền vào thị trường chứng khoán và xem còn lại bao nhiêu khi nghỉ hưu. Tuy nhiên, đánh giá dựa trên các sự kiện và tình hình gần đây, nó có thể chẳng còn gì.

Điều chỉnh lại câu chuyện

Một vấn đề khác là chi phí chăm sóc trẻ em. Với nhiều người, trẻ em mang lại niềm vui, nhưng chăm sóc những “món quà” này rất đắt đỏ.

Nghiên cứu năm 2019 cho thấy ở nhiều xã hội công nghiệp hóa, có “sự suy giảm về mức độ hạnh phúc chủ quan của các cá nhân - hạnh phúc hoặc sự hài lòng trong cuộc sống - một khi vai trò làm cha mẹ bắt đầu”.

Đây là điều mà các nhà nghiên cứu gọi là “khoảng cách hạnh phúc của việc nuôi dạy con cái”.

Người Mỹ có khoảng cách hạnh phúc làm cha mẹ lớn nhất. Điều đó phần lớn là do chi phí chăm sóc trẻ em và việc các bậc phụ huynh không có ngày nghỉ được trả lương cùng ngày đau ốm.

Tuy nhiên, nếu kiếm đủ tiền, họ có thể khắc phục những “vết nứt cấu trúc” này bằng cách thuê trợ giúp.

Trên thực tế, trừ khi là tỷ phú sống trên du thuyền với một “đội quân” bảo mẫu, thông tin này không có gì mới lạ.

Hầu hết mọi người đều nhận thức rõ rằng sức khỏe tinh thần sẽ tốt hơn nếu không có một cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, với giá cả mặt hàng thiết yếu hàng ngày nằm ngoài tầm kiểm soát. Và việc không phải căng thẳng về vấn đề thanh toán hóa đơn sẽ giúp họ hạnh phúc hơn.

Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ từng nhận định những người trưởng thành gặp khó khăn về tài chính có nguy cơ bị phiền muộn, mệt mỏi hơn người có mức sống trung bình hoặc cao.

Tuy nhiên, dù kết luận của nghiên cứu có vẻ hiển nhiên, Mahdawi nhận định nó vẫn đóng vai trò điều chỉnh quan trọng đối với câu chuyện mà rất nhiều người nắm quyền từng cố gắng thúc đẩy.

Thật buồn cười là bằng một cách khó hiểu, có rất nhiều người giàu cố gắng nói với những người khác rằng tiền không làm bạn hạnh phúc.

Ví dụ, CEO của Google gần đây đã nói với tất cả nhân viên của mình rằng “vui vẻ… không phải lúc nào cũng bằng tiền” sau khi cắt giảm phúc lợi của nhân viên.

(Nguồn: Zing News)

2,5 tấn uranium biến mất ở Libya

Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) ngày 15-3 thông báo có khoảng 2,5 tấn uranium tự nhiên đã bị thất lạc tại một cơ sở ở Libya.

Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi thông báo với các nước thành viên rằng có 10 thùng chứa khoảng 2,5 tấn uranium tự nhiên ở dạng UOC (quặng tinh uranium) "không còn hiện diện như tuyên bố trước đó tại" tại Libya . Theo hãng tin Reuters, địa điểm trên không nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ Libya.

Tuyên bố của IAEA cho biết sẽ tìm hiểu thêm hoàn cảnh diễn ra việc di dời nhiên liệu hạt nhân cùng vị trí hiện tại của các nguyên liệu này. Tuy nhiên, IAEA không đưa ra bất cứ thông tin chi tiết nào về cơ sở này.

Tuyên bố của IAEA nêu rõ: "Việc không có thông tin về vị trí hiện tại của các thùng chứa uranium làm tăng khả năng dẫn đến rủi ro phóng xạ, cũng như những lo ngại về an ninh hạt nhân". Đồng thời, IAEA cho rằng việc tiếp cận cơ sở ở Libya sẽ gặp nhiều thách thức hậu cần phức tạp.

Theo thông báo của Tổng giám đốc IAEA, phát hiện vừa nêu là kết quả của một cuộc kiểm tra ban đầu được lên kế hoạch vào năm ngoái, song "đã phải hoãn lại vì tình hình an ninh trong khu vực" và cuối cùng được thực hiện vào ngày 14-3.

Năm 2003, Libya đã từ bỏ một chương trình phát triển vũ khí hạt nhân dưới thời cố lãnh đạo Moamer Kadhafi. Nước này trước đó đã sở hữu máy ly tâm có thể làm giàu uranium và có thông tin thiết kế bom hạt nhân, mặc dù đạt được rất ít tiến bộ trong việc chế tạo bom.

Libya rơi vào tình trạng bất ổn và chia rẽ chính trị sau khi chính quyền của ông Kadhafi sụp đổ năm 2011.

Kể từ năm 2014, quyền kiểm soát chính trị bị phân chia giữa các phe phái đối địch ở phía Đông và phía Tây. Phía Tây nằm dưới sự kiểm soát của Chính phủ Đoàn kết dân tộc (GNA) đứng đầu là Thủ tướng Fayez al-Sarraj, có trụ sở tại thủ đô Tripoli. Phía Đông nằm dưới sự kiểm soát của Thống chế Khalifa Haftar, lãnh đạo lực lượng bán vũ trang mang tên Quân đội Quốc gia Libya (LNA).

Sự chia rẽ của quốc gia giàu dầu mỏ này đã thúc đẩy bạo lực giữa các nhóm vũ trang, khiến hành trình từ Libya qua Địa Trung Hải không an toàn.

Đầu năm 2021, Quốc hội Libya đã thông qua chính phủ lâm thời với nhiệm vụ giúp chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử vào ngày 24-12-2021, bước đi quan trọng hướng tới việc chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài một thập kỷ tại quốc gia Bắc Phi này. Tuy nhiên, theo hãng tin Reuters, cuộc tổng tuyển cử vẫn chưa được tổ chức và tính hợp pháp cũng đang bị tranh cãi.

(Nguồn: Soha)

Cuộc gặp lịch sử trong quan hệ Nhật - Hàn

(Ảnh minh họa).

Ngày 16/3, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk–yeol bắt đầu chuyến thăm Nhật Bản và dự kiến có cuộc hội đàm với Thủ tướng Kishida Fumio. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Hàn Quốc đến Nhật Bản kể từ năm 2011, được kỳ vọng sẽ trở thành một dấu mốc quan trọng để cải thiện và phát triển quan hệ Hàn Quốc - Nhật Bản.

Chuyến thăm diễn ra sau khi Hàn Quốc công bố kế hoạch chấm dứt tranh cãi hiện nay về vấn đề lao động thời chiến với Nhật Bản, cho thấy thiện chí thúc đẩy mối quan hệ tích cực của Hàn Quốc với Nhật Bản. Trước đó, Hàn Quốc cũng dừng việc khiếu nại Nhật Bản lên Tổ chức Thương mại thế giới liên quan các biện pháp hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản đối với các vật liệu sử dụng cho công nghệ cao. Những động thái tích cực nhằm phá băng quan hệ với Nhật Bản của chính phủ Hàn Quốc làm “mềm lòng" Nhật Bản, đồng thời phủ lên khu vực một năng lượng tích cực.

Điểm nhấn

Chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk–yeol có những điểm nhấn quan trọng không phải bất cứ chuyến thăm cấp cao nào cũng có được, nhất là trong thời điểm hiện tại.

Thứ nhất, thể hiện chính sách ngoại giao hai nước có những thay đổi tích cực khi khẳng định coi trọng hợp tác với các nước láng giềng. Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk–yeol trong thời gian gần đây đều có những phát biểu thể hiện mạnh mẽ hy vọng cải thiện quan hệ hai bên vốn đã nguội lạnh từ lâu. Trong Sách Trắng Quốc phòng, hai bên đều nhấn mạnh rằng từng nước đều là nước láng giềng quan trọng và có nhiều lợi ích trong tương lai.

Thứ 2, khẳng định lời hứa của cả hai bên đều được thực hiện. Vào ngày 10/5 năm ngoái, khi tuyên thệ nhậm chức Tổng thống, ông Yoon Suk-yeol bày tỏ mong muốn cải thiện quan hệ hướng tới tương lai với Nhật Bản bất chấp những tranh chấp chưa được giải quyết như vấn đề phụ nữ mua vui trong thời chiến; lao động cưỡng bức… Theo đó, Tổng thống Yoon Suk –yeol đã có những hành động cụ thể khi ngay lập tức sau đó đã cử một phái đoàn tham vấn chính sách tới Nhật Bản cùng với một lá thư gửi tới Thủ tướng Fumio Kishida, hay tăng cường các cuộc điện đàm, gặp gỡ bên lề tại các Hội nghị…đề cập tới việc cải thiện quan hệ hai nước.

Đối với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tuy không được coi là quyết liệt như Tổng thống Yoon Suk–yeol, nhưng trong chính sách ngoại giao được công bố sau khi nhậm chức Thủ tướng vào tháng 10/2021, việc cải thiện quan hệ với Hàn Quốc được coi là nhiệm vụ cần thực hiện. Điều đáng nói là Nhật Bản đã thay đổi cách nhìn nhận đối với Hàn Quốc trong các vấn đề mâu thuẫn, dần cởi bỏ quan điểm cũ, hoan nghênh và cũng chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc hội đàm vốn đã mong đợi từ lâu.

Thứ 3, nhấn mạnh việc bình thường hóa quan hệ song phương không chỉ mang lại lợi ích cho hai nước, mà còn là tín hiệu tích cực cho cộng đồng quốc tế. Ngoài ra, chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Hàn Quốc lần này đã đánh dấu bước tiến đáng kể trong mối quan hệ Hàn-Nhật.

Mâu thuẫn có được giải quyết?

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk–yeol và Thủ tướng Kishida Fumio sẽ có cuộc hội đàm mang tính lịch sử. Tại hội đàm, những biện pháp cụ thể nhằm giải quyết các khúc mắc giữa hai bên là chủ đề chính được dư luận quan tâm.

Hai bên dự kiến sẽ thảo luận việc nối lại hoạt động "ngoại giao con thoi" sau 12 năm gián đoạn. Hoạt động ngoại giao con thoi Hàn-Nhật bắt đầu vào năm 2004 qua các chuyến thăm thường niên của lãnh đạo hai nước, song đã bị ngưng trệ sau chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Lee Myung-bak vào tháng 12/2011.

Nội dung quan trọng đặc biệt chắc chắn được đề cập là việc bồi thường cho nạn nhân thời chiến theo phán quyết của Tòa án Hàn Quốc. Về vấn đề này, Nhật Bản luôn coi đó là điều không thể chấp nhận được và nhiều lần yêu cầu Hàn Quốc phải có biện pháp giải quyết cụ thể. Riêng phía Hàn Quốc, đặc biệt là Tổng thống Yoon Suk–yeol đã từng cân nhắc giải pháp hợp lý là để bên thứ ba-tổ chức trực thuộc Chính phủ chi trả các khoản bồi thường. Tuy nhiên, Tổng thống Yoon Suk–yeol nhận định phán quyết năm 2018 của Tòa án tối cao yêu cầu các doanh nghiệp Nhật Bản bồi thường cho nạn nhân có nhiều mâu thuẫn với “Hiệp định về quyền yêu sách Hàn-Nhật" năm 1965. Theo đó, ông nhấn mạnh nghĩa vụ của bản thân trong việc giải quyết vấn đề này một cách hợp lý.

Như vậy, có thể lạc quan nói rằng ánh sáng của mâu thuẫn không chỉ nhìn thấy ở phía cuối con đường, mà ánh sáng đang rất gần.

Bên cạnh đó, một nội dung không thể không bàn tới, thậm chí là vấn đề khai mào cho hội đàm lần này đó là thúc đẩy hợp tác Hàn-Nhật, Hàn-Nhật-Mỹ trước các động thái khiêu khích hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên ngày càng gia tăng. Cụ thể, hai bên có khả năng xúc tiến nhanh việc chia sẻ thông tin về radar định vị tên lửa của Triều Tiên.

Ngoài ra, việc thúc đẩy hợp tác, giao lưu văn hóa, ngoại giao nhân dân…sẽ được đề cập chi tiết, bởi đây là những vấn đề từ trước đến nay vẫn đang duy trì và chờ đợi cơ hội mới cho sự phát triển mạnh mẽ mới.

Tăng cường an ninh khu vực

Trong bối cảnh tình hình khu vực Đông Bắc Á và thế giới đang đối mặt với những bất ổn hiện hữu như Triều Tiên liên tiếp phóng tên lửa; xung đột Nga-Ukraine chưa thấy dấu hiệu của một kết thúc sớm; tình hình kinh tế khó khăn khi vài ngày trước ngân hàng Silicon Valley của Mỹ sụp đổ và khả năng tác động lớn đến nền kinh tế toàn cầu…thì an ninh quốc gia trong tất cả các vấn đề trên vô cùng quan trọng trong chính sách của mỗi nước.

Bởi vậy, trong cuộc hội ngộ lịch sử này, hai nhà lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ nỗ lực để làm thế nào tổ chức trở lại Đối thoại an ninh Nhật-Hàn. Nếu thuận lợi thì trong vòng 5 năm trở lại đây, Đối thoại an ninh hai nước sẽ có cơ hội được tổ chức, thống nhất được những vấn đề cụ thể đảm bảo an ninh, an toàn mang tính toàn cầu với sự tham gia của hai bên.

Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Matsuno trong buổi họp báo ngày 15/3 nhấn mạnh rằng Hàn Quốc là nước láng giềng quan trọng cần hợp tác ở nhiều vấn đề trong đó có vấn đề mang tính toàn cầu. Hợp tác song phương và hợp tác Nhật-Hàn-Mỹ có vai trò không thể thiếu nhằm thực hiện chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Cụ thể các bên cho rằng sự liên kết mở rộng và chặt chẽ sẽ ngăn chặn được chiến lược mở rộng phát triển hạt nhân của Triều Tiên ở mức độ nào đó, hay giải quyết vấn đề an ninh hàng hải khi có quốc gia vẫn đang đơn phương thay đổi hiện trạng với mục đích mở rộng ảnh hưởng…Như vậy, vượt qua những khúc mắc để thúc đẩy quan hệ hợp tác phục vụ mục đích lợi ích chung là biện pháp mà Nhật Bản và Hàn Quốc mong muốn xây dựng trong thời gian tới. Bởi hai bên nhận thức được rõ ràng vị thế của họ trong khu vực cũng như trên thế giới khi đều là đồng minh của Mỹ.

Việc “phá băng” quan hệ Nhật-Hàn không chỉ mở ra kỳ vọng cải thiện quan hệ song phương mà còn góp phần củng cố quan hệ đối tác an ninh 3 bên Hàn-Mỹ-Nhật nhằm giải quyết các thách thức khu vực và toàn cầu.

(Nguồn: VOV)

Nổ lớn rung chuyển Kharkov, còi báo động vang khắp Ukraine

Nhà chức trách Ukraine cáo buộc quân đội Nga đã tiến hành tập kích tên lửa thành phố Kharkov trong ngày 15/3.

Sáng ngày 15/3, thành phố Kharkov của Ukraine đã rung chuyển bởi nhiều tiếng nổ lớn. Theo nhà chức trách Kharkov cáo buộc quân đội Nga đã tiếp tục tiến hành tập kích thành phố này bằng tên lửa và UAV cảm tử.

"Người dân thành phố Kharkov cùng toàn bộ khu vực chú ý, đối phương đang tiếp tục tập kích", ông Oleh Syniehubov, người đứng đầu chính quyền quân quản vùng Kharkov viết trên Telegram cá nhân.

Sau đó, ông Syniehubov xác nhận một cơ sở công nghiệp quan trọng tại Kharkov đã bị đánh trúng. Một số nguồn tin cho rằng đó là một cơ sở công nghiệp quân sự và thường được sử dụng để sửa chữa và bảo dưỡng máy bay cho quân đội Ukraine.

Theo nhà chức trách địa phương, vụ tập kích dữ dội vào sáng 15/3 không để lại hậu quả về người. Các lực lượng phản ứng nhanh tại Kharkov đã khẩn trương có mặt tại hiện trường để giải quyết vụ việc.

Cũng trong ngày 15/3, còi báo động đã vang lên tại hầu hết các vùng lãnh thổ tại Ukraine. Trang Ukrainska Pravda cho hay các tiêm kích MiG-31K mang theo tên lửa siêu thanh Kinzhal cất cánh tại lãnh thổ Belarus là nguyên nhân của hồi còi báo động hôm 15/3. Nhà chức trách nước này đã yêu cầu người dân chú ý hiệu lệnh, không chủ quan và ở yên tại nơi trú ẩn. Chính quyền tại nhiều thành phố của Ukraine đồng thời thừa nhận nguy cơ của các cuộc tập kích tên lửa từ Nga hiện vẫn đang rất cao.

Trước đó, vào đêm ngày 8, rạng sáng ngày 9/3, một vụ tập kích tên lửa dữ dội đã được quân đội Nga tiến hành nhằm vào nhiều khu vực trên lãnh thổ Ukraine. Không quân Ukraine cáo buộc Nga đã phóng tổng cộng 81 tên lửa hành trình từ 10 máy bay ném bom chiến lược Tu-95, 7 máy bay ném bom chiến lược Tu-22M3, 8 tiêm kích Su-35, 6 tiêm kích MiG-31K cùng các tàu chiến tại Biển Đen nhằm vào nhiều mục tiêu trên lãnh thổ nước này, trong đó có thành phố Kharkov.

Vụ tấn công vào đêm ngày 8, rạng sáng ngày 9/3 đã để lại nhiều tổn thất nặng nề cho phía Ukraine.

Tại thành phố Kharkov, Thị trưởng Ihor Terekhov thừa nhận thành phố này đang phải sống trong cảnh mất điện, sưởi và nước sau khi các nhà máy nhiệt điện và trạm biến áp tại đây bị 11 tên lửa Nga đánh trúng.

"Các cơ sở hạ tầng quan trọng, bao gồm nhà máy nhiệt điện và trạm biến áp đã bị đánh trúng và hư hại. Cả thành phố đang bị mất điện. Các cơ sở hạ tầng quan trọng và bệnh viện đang phải sử dụng máy phát dự phòng", ông Terekhov nói.

(Nguồn: Dân Trí)

Căng thẳng Nato-Nga làm Biển Đen và Baltic nóng lên?

(Ảnh minh họa).

Cùng ngày thiết bị bay drone của Mỹ rớt xuống Biển Đen vì 'suýt va chạm' với phi cơ quân sự Nga, một phi đội chiến đấu cơ của Anh và Đức đã phải cất cánh lên chặn máy bay của không quân Nga gần không phận Estonia.

Trong sự việc hôm 14/03, hai chiếc Typhoon của Không quân Hoàng gia Anh (RAF) và phi đoàn Richhofen 71, không quân Đức đã chặn một chiếc Il-78 Midas đang tiếp dầu ở vùng trời giữa St Petersburg và Kaliningrad.

Ngay sau đó, hai chiến đấu cơ của Nato lại đuổi theo một chiếc An-148 của Nga bay qua không phận Estonia, quốc gia 1,3 triệu dân thuộc cánh phía Đông của Nato.

Hai vụ việc liên tiếp xảy ra chỉ trong một ngày ở hai vùng biển chiến lược với Nato ở châu Âu được cho là khiến căng thẳng Nga-Nato gia tăng.

Không lâu trước đó, tại California, Úc, Anh và Hoa Kỳ tuyên bố hoàn tất các ký kết về hiệp ước quân sự Aukus cho phép Úc, quốc gia Thái Bình Dương sở hữu tàu ngầm nguyên tử với công nghệ của hai đồng minh kia, điều mà Trung Quốc phản đối.

Va chạm hay không?

Sáng 14/03, Hoa Kỳ nói một drone Mq-9 Reaper của họ "va chạm" vào phi cơ Nga do phía Nga "cố ý" khiến thiết bị bay của Mỹ rớt xuống Biển Đen.

Nga nói không hề có vụ va chạm mà chỉ có chuyện drone của Mỹ "mất lái gần Crimea và lao xuống biển" (went into “unguided flight” and then fell into the water).

Hoa Kỳ cho hay phi cơ Nga đã dội dầu vào chiếc drone của họ.

Dù Hoa Kỳ và Nato nói chuyến bay của chiếc drone nói trên được thực hiện trên không phận quốc tế, giới bình luận quốc tế tin rằng bầu trời trên Biển Đen từ lâu nay đã trở thành nơi do thám lẫn nhau giữa Nga và Nato.

MQ-9 Reaper là loại phi cơ không người lái, có sải cánh 20 mét, và được trang bị hiện đại nhằm thực hiện các phi vụ trinh sát, do thám và có năng lực tác xạ bằng hỏa tiễn Hellfire khi cần.

Không có người lái trên drone nhưng thực tế, MQ-9 Reaper có phi công điều khiển từ xa và phòng kiểm soát có thể bắn các mục tiêu bằng hệ thống súng gắn laser chính xác.

Dù dư luận đang tập trung vào trận Bakhmut, tình hình tại Biển Đen vẫn đang nóng lên.

Bộ tư lệnh phía Nam của Ukraine vừa thông báo Nga đã dùng một số phi cơ ném bom chiến thuật Su-24 bắn bốn tên lửa vào bờ biển gần thành phố cảng Odesa. Phía Ukraine tin rằng đây có thể là loại tên lửa Kh-31P nhắm vào hệ thống phòng không của Ukraine.

Còn tại vùng Baltic, lo ngại của các đồng minh Nato cánh phía Đông và vùng Bắc Âu tiếp tục lên cao.

Ba Lan, nước có biên giới với Nga ở đặc khu -căn cứ quân sự Kaliningrad tuyên bố sẽ gửi cho Ukraine MiG-29 trong vòng bốn đến sáu tuần nữa, các báo Ba Lan hôm 15/03 trích thủ tướng Mateusz Morawiecki cho hay.

Các báo Ba Lan nhắc lại quan điểm giới quân sự nước này chia sẻ với phương Tây từ lâu nay rằng thành phố Kalingrad bên bờ Baltic, nằm giữa Ba Lan và Lithuania “đang được trang bị tận răng”, và có thể là bàn đạp cho Nga đánh sang vùng Baltic một khi Ukraine “thất thủ”.

Hồi tháng 11/2022, trang Politico đánh giá rằng vùng xung quanh Kaliningrad, nơi Nga đặt Hạm đội Baltic và vũ khí nguyên tử, cùng Hành lang Suwalki, là “nơi nguy hiểm nhất Trái Đất”, hàm ý nguy cơ bùng nổ chiến tranh Nga-Nato là rất cao.

Hôm đầu tuần, các báo châu Âu đưa tin vua Na Uy đã tới thăm một căn cứ quân sự của nước này ở Kirkenes ngày 13/03 để động viên tinh thần quân sĩ.

Lần đầu từ năm 1969, vua Harald V (86 tuổi) trở lại thăm doanh trại Sør-Varanger và khen ngợi các binh lính, sĩ quan bảo vệ đường biên giới 198 km giữa Na Uy và Nga.

Ngài nói “đây là thời điểm cảnh giác cao độ” với Na Uy và khen ngợi nhiệm vụ “bảo vệ biên giới, bảo vệ tự do” của binh sĩ.

Phần Lan thì đã chuẩn thuận việc xây hàng rào an ninh ở nhiều đoạn đường biên với Liên bang Nga.

Theo một đánh giá của Courtney Stiles Herdt và Matthew Zublic trên trang CSIS tháng 11/2022, Nato phải sẵn sàng đối phó với các đe dọa đa dạng (hybrid threats) từ phía Nga ở vùng Baltic: trên không, trên biển, chiến tranh mạng, thông tin sai lệch, sức ép kinh tế.

Các tác giả này cho rằng Nga có thể tạo ra các vấn đề an ninh, quốc phòng ở vùng Baltic để đánh lạc hướng Nato trong cuộc chiến ở Ukraine. Vì đây là một vùng biển hẹp, việc tổ chức các trận hải chiến lớn là gần như không có, nhưng chiến tranh hạn chế bằng tàu ngầm, bằng hỏa tiễn thì luôn có thể xảy ra.

Ngoài ra, các vùng xám (grey zones) cho Nga hoạt động luôn có thể mở rộng và Nato cần tăng cường độ, cải thiện hoạt động tuần tra, giám sát (Baltic Air Policing) và chống ngầm, hai nhà nghiên cứu này nêu kiến nghị.

Điều khiến Nga có thể không dám triển khai quân sự quá mạnh ở cả Baltic và Biển Đen là lý do kinh tế: 40% dầu khí xuất khẩu từ Nga sang châu Âu phải đi qua biển Baltic và các tuyến xuất khẩu ngũ cốc, nhập khẩu hàng hóa cho vùng Nam nước Nga phải đi qua Biển Đen.

Thời điểm xảy ra các vụ va chạm trên không này là lúc Nato tập trận lớn tại châu Âu. Tháng 3 năm nay, 20 nghìn quân Nato, cùng quân đội Phần Lan và Thụy Điển (chưa vào Nato) tập trận để bảo vệ Na Uy ở vùng Bắc Âu.

Tại Địa Trung Hải, chín quốc gia Nato diễn tập chống tàu ngầm trong cuộc tập trận "Dynamic Manta". Ngoài cuộc tập trận "Orion 23” do Pháp tổ chức còn có tập trận “Griffin Lightning” bảo vệ Lithuanian của quân Đức. Hoa Kỳ cử pháo đài bay B-52 sang châu Âu hỗ trợ diễn tập của các đồng minh, theo thông báo chính thức của khối quân sự Bắc Đại Tây Dương hôm 13/03.

Từ lâu nay Nga phản đối việc mở rộng Nato sang phía Đông.

Làm sao tránh đối đầu?

Trước mắt, vụ drone của Mỹ rớt xuống Biển Đen đặt Hoa Kỳ vào một tình thế không dễ và nguy cơ xung đột leo thang rất cao, theo Paul Adams, biên tập viên ngoại giao của BBC News.

Các tin trên mạng xã hội gợi ý hải quân Nga đang tìm cách trục vớt chiếc drone trị giá nhiều triệu USD.

Nhưng Hoa Kỳ sẽ "không hài lòng nếu công nghệ do thám nhạy cảm như thế rơi vào tay Nga", ông Adams viết.

Với chính quyền Joe Biden, vốn cam kết ủng hộ Ukraine "tới cùng", đây là thời điểm rất tế nhị.

Hoa Kỳ không chỉ giúp Ukraine về vũ khí mà giúp cả bằng thông tin tình báo "real time" - từng lúc, giúp xác định cả mọi cuộc bắn phá bằng hỏa tiễn từ Nga nhằm vào Ukraine.

"Washington muốn tiếp tục các hoạt động này nhưng lo lắng về việc làm sao không phải dùng vũ lực vốn có nguy cơ kéo Hoa Kỳ vào một cuộc đối đầu trực diện với Moscow."

(Nguồn: BBC)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang