Thỏa thuận lịch sử; Cơn sốt khai thác niken; Giảm phụ thuộc USD; Kịch bản 2 Singapore; TQ-phương Tây tiến gần xung đột

Phía sau thỏa thuận lịch sử của Liên Hợp Quốc

(Ảnh minh họa).

Chuyên gia nhận định thỏa thuận lịch sử về bảo tồn biển là bước tiến lớn khẳng định tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương, song vẫn còn nhiều yếu tố cần hoàn thiện.

Sau gần hai thập kỷ lập kế hoạch và đàm phán, phần lớn các quốc gia đã đạt được đồng thuận về một hiệp ước lịch sử của Liên Hợp Quốc nhằm bảo vệ đa dạng sinh học đại dương. Đỉnh điểm của nỗ lực này là cuộc họp xuyên đêm tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York (Mỹ) hôm 4/3.

Khi sinh vật biển đối mặt với các mối đe dọa từ biến đổi khí hậu, đánh bắt cá quá mức, khả năng khai thác khoáng sản dưới đáy biển và các mối nguy hiểm khác, hiệp ước sẽ cho phép tạo ra các khu bảo tồn biển và ban hành nhiều biện pháp bảo tồn khác trên vùng biển quốc tế.

“Thỏa thuận tạo ra khung pháp lý để thiết lập một mạng lưới khu bảo tồn biển và các công cụ quản lý dựa trên từng khu vực. Văn bản thỏa thuận không quy định mức độ bảo tồn, nhưng bao gồm cả bảo vệ mức độ cao và bảo vệ hoàn toàn, cũng như các công cụ quản lý khác giúp đạt mục tiêu sử dụng bền vững”, bà Liz Karanm, Giám đốc dự án Bảo tồn Sinh vật Đại dương thuộc Quỹ từ thiện Pew, chia sẻ với Zing.

Trong khi đó, bà Jessica Battle, chuyên gia chính sách và quản trị đại dương toàn cầu cấp cao của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), nhận định đây là một thỏa thuận tốt, “vì nhiều quốc gia với những mối quan tâm khác nhau về nhiều chủ đề đã đạt được sự đồng thuận”.

Không những vậy, việc Liên Hợp Quốc đạt được thỏa thuận này ở thời điểm hiện tại khẳng định tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương giữa lúc thế giới ngày càng trở nên phân cực, bà Battle lưu ý.

Quyền lợi đi kèm trách nhiệm

Bà Karanm nhận định thỏa thuận lịch sử trên nhằm bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học ngoài phạm vi quyền tài phán quốc gia, bao gồm các vùng biển và đại dương nằm ngoài giới hạn 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế của một quốc gia.

Theo vị chuyên gia từ Quỹ từ thiện Pew, các khu bảo tồn này có thể đáp ứng mục tiêu bảo tồn ít nhất 30% diện tích đất và đại dương vào năm 2030, được thống nhất vào tháng 12/2022 theo Khung đa dạng sinh học toàn cầu (Global Biodiversity Framework).

Cùng chung quan điểm, bà Battle cho biết thỏa thuận tạo ra khuôn khổ chỉ định các khu bảo tồn trên vùng biển quốc tế, khi 2/3 đại dương nằm ngoài quyền tài phán quốc gia.

Theo WEF, gần 2/3 bề mặt Trái Đất là đại dương, và biển bao bọc 95% môi trường sống của các loài sinh vật. Tuy nhiên, chỉ 1% vùng biển quốc tế được bảo vệ theo quy định và 39% biển thuộc quyền tài phán của từng quốc gia. Phần còn lại hiện chưa có ràng buộc pháp lý rõ ràng và đang chịu nhiều rủi ro từ các hoạt động gây tổn hại môi trường biển.

“Khả năng thành lập các khu bảo tồn trên vùng biển quốc tế được coi là cần thiết nếu các quốc gia muốn đáp ứng mục tiêu trong Khung đa dạng sinh học toàn cầu đã thống nhất vào tháng 12/2022: Bảo vệ và bảo tồn ít nhất 30% đại dương và đảm bảo 30% các khu vực bị suy thoái sẽ trong giai đoạn phục hồi vào năm 2030”, bà Battle cho biết.

Để đạt được thỏa thuận lịch sử này, các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc đã trải qua gần 20 năm đàm phán. Lý giải về hành trình dài này, bà Battle cho rằng hiệp ước có nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến vùng biển quốc tế, vốn thuộc sở hữu chung của tất cả quốc gia, khiến việc tìm kiếm điểm chung cần nhiều thời gian.

“Việc tìm kiếm điểm chung về các vấn đề chia sẻ kiến thức, công nghệ và lợi ích, cũng như tài trợ cho quá trình thực hiện hiệp ước rất tốn thời gian. Tuy nhiên, cuối cùng, các quốc gia đã đồng ý rằng quyền lợi chung với tài nguyên đại dương phải đi kèm trách nhiệm chung”, bà cho hay.

Trong khi đó, bà Karanm chia sẻ vấn đề khó khăn nhất trong các cuộc đàm phán này liên quan đến chia sẻ lợi ích tài chính từ việc thương mại hóa nguồn gene biển trong vùng biển quốc tế.

Vị chuyên gia cũng chỉ ra một khó khăn tương tự, liên quan đến mối quan hệ giữa thỏa thuận mới và các cơ quan khác đang hoạt động ở vùng biển quốc tế, chẳng hạn các tổ chức quản lý đánh bắt cá khu vực và Cơ quan Quản lý Đáy biển Quốc tế.

Theo bà Liz Karanm, các khu bảo tồn biển quốc tế có thể góp phần đảm bảo một đại dương khỏe mạnh nhờ cung cấp nơi trú ẩn cho sinh vật biển - nơi chúng thích nghi với biến đổi khí hậu mà không phải chịu thêm tác nhân tiêu cực từ hoạt động công nghiệp.

“Luôn có không gian cải thiện”

Theo bà Liz Karanm, các khu bảo tồn biển quốc tế có thể góp phần đảm bảo một đại dương khỏe mạnh nhờ cung cấp nơi trú ẩn cho sinh vật biển - nơi chúng thích nghi với biến đổi khí hậu mà không phải chịu thêm tác nhân tiêu cực từ hoạt động công nghiệp.

Bà Karanm cũng ghi nhận một trong những yếu tố cốt lõi của thỏa thuận này là hỗ trợ nâng cao năng lực quốc gia, nhằm đảm bảo thực hiện hiệu quả và công bằng các mục tiêu bảo tồn, sử dụng bền vững, bao gồm thông qua chuyển giao công nghệ biển cho các nước đang phát triển.

Chia sẻ chung quan điểm với giám đốc Karanm, bà Battle nhấn mạnh đại dương là “đồng minh to lớn” trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, vì một đại dương khỏe mạnh có thể giúp hấp thụ và loại bỏ carbon.

“Chẳng hạn, cá biển và cá voi được chứng minh có khả năng lưu trữ carbon trong cơ thể và khi chết, chúng chìm xuống đáy đại dương, khóa lượng carbon đó suốt hàng trăm năm. Vì vậy, bảo tồn quần thể động vật biển rất quan trọng trong việc giúp điều hòa khí hậu”, bà nhận định với Zing.

“Điều quan trọng nữa là giữ nguyên đáy biển sâu và ngăn chặn các hoạt động khai thác mang tính phá hoại, vì điều này sẽ cản trở quá trình cô lập carbon của biển sâu”, bà nói thêm.

Nhận thức được tầm quan trọng của bảo tồn biển, vị chuyên gia từ WWF cũng ghi nhận việc đạt được thỏa thuận trong một cuộc đàm phán đa phương là bước tiến lớn. Đây là tín hiệu cho thấy chủ nghĩa đa phương vẫn có hiệu quả ngay cả trong một thế giới ngày càng phân cực.

“Chúng tôi đang mong chờ thời điểm thỏa thuận có hiệu lực và các quốc gia có thể gặp nhau tại các hội nghị COP”, bà nói.

“Tại đây, chúng tôi hy vọng họ sẽ bổ sung tiêu chuẩn chi tiết và hướng dẫn thực tế đối với cách đánh giá tác động môi trường, cũng như thiết lập và quản lý các khu bảo tồn biển”, bà Battle nhận định, đồng thời nhấn mạnh thỏa thuận này vẫn chưa hoàn thiện và luôn có không gian để cải thiện.

(Nguồn: Zing News)

Cơn sốt khai thác niken để sản xuất pin xe điện bùng nổ: Người dân Indonesia cầm mã tấu giữ đất

Ba phụ nữ đứng gác trên đỉnh đồi trang trại trên đảo Wawonii, Indonesia, hướng mã tấu về phía thợ khai thác niken đang làm việc ở khu đất bên dưới.

Người dân chiến đấu bảo vệ đất

Cô Royani, một dân làng 42 tuổi, cho biết, họ sẽ bảo vệ vùng đất của mình đến chết, bởi đất nhà cô nằm gần khu mỏ khai thác niken - kim loại đang gây sốt ở Indonesia.

Với tư cách là quốc gia sản xuất niken lớn nhất thế giới, các doanh nghiệp trong và ngoài Indonesia đang đổ xô về đây để khai thác thành phần quan trọng được sử dụng trong pin xe điện.

Tuy nhiên, theo AFP, cơn sốt niken có thể đe dọa quyền sử dụng đất của nông dân và gây hại cho môi trường thiên nhiên ở Wawonii.

Đối mặt với viễn cảnh mất đất và kế sinh nhai, khoảng chục dân làng Wawonii thay phiên nhau canh gác trong một túp lều được bao quanh bởi những cây đinh hương trên đỉnh đổi. Phía dưới là máy móc gầm rú.

Royani nỗ lực bảo vệ vùng đất sau khi một công ty khai thác khoáng sản chặt bỏ hàng trăm cây trồng của gia đình cô hồi đầu năm.

"Khi chúng tôi phát hiện ra thì không còn gì nữa, chúng đã bị phá hủy", cô nói.

Nhu cầu toàn cầu tăng vọt đối với kim loại sản xuất pin lithium-ion và thép không gỉ đã đẩy các công ty tới Indonesia. Hàng chục nhà máy chế biến niken hiện đang xây dựng Sulawesi - một trong những hòn đảo lớn nhất thế giới và nhiều dự án khác đã được công bố.

"Ngay cả với giá 1 tỷ rupiah (65.537 USD), tôi cũng không muốn bán [đất]", nông dân trồng điều Hastati, 42 tuổi, cho biết về các kế hoạch đàm phán liên quan.

Nhiều vùng nước bị ô nhiễm

Theo AFP, bờ biển phía đông nam đảo Sulawesi hiện đang bị tác động môi trường nghiêm trọng do các mỏ khai thác khoảng sản gây ra.

Tại một ngôi làng trên đảo, những ngôi nhà nằm trên lớp bùn đỏ, trẻ em thì bơi lội trong làn nước đục ngầu.

Người dân địa phương cho biết, những trận mưa cuốn đất ô nhiễm từ các mỏ niken từ các ngọn đồi rồi đổ vào vùng nước ven biển Thái Bình Dương, nhuộm đỏ vùng nước.

"Khi chưa có mỏ, nước không như thế này. Nó rất sạch", Guntur, 33 tuổi, cho biết.

Antam là một trong những công ty được nhượng quyền khai thác trong khu vực nhưng đại diện công ty nói với AFP rằng "không có hoạt động khai thác nào" ở đó.

Ngư dân cũng phải chịu tác động của ô nhiễm niken. Asep Solihin cho biết, ông phải đi xa hơn nhiều so với trước đây để đánh bắt.

"Trên là mỏ, dưới là bùn. Thế hệ sau sẽ ra sao?", ông đặt câu hỏi.

Tuy nhiên, không phải tất cả người dân địa phương đều phản đối các dự án. Nhiều người kiếm được công việc ổn định từ khu mỏ.

Sasto Utomo, 56 tuổi, dựng một quán cơm gần nhà máy luyện kim ở Morosi.

"Tôi hoàn toàn ủng hộ các nhà máy. Trước đây chúng tôi không bán được gì nhưng giờ đây thu nhập của tôi đã tăng lên", ông cho biết, ông đã mua thêm một ngôi nhà và đất nông nghiệp bằng số tiền kiếm được.

(Nguồn: Soha)

Nhiều quốc gia hướng đến giảm phụ thuộc vào USD

(Ảnh minh họa).

Đồng bạc xanh của Mỹ đã đóng vai trò chủ đạo của thế giới tài chính trong gần 8 thập niên kể từ khi Chiến tranh Thế giới Thứ hai kết thúc. Nhưng hiện nay, nhiều quốc gia đang dịch chuyển xa rời đồng USD trong thương mại.

Việc Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022 đã châm ngòi cho làn sóng trừng phạt tài chính của phương Tây với Moskva. Chính phủ các nước phương Tây đã đóng băng gần một nửa dự trữ ngoại hối của Nga và loại các ngân hàng nước này ra khỏi Hiệp hội viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT), một hệ thống thanh toán quốc tế. Vai trò trung tâm của SWIFT trong lĩnh vực ngân hàng quốc tế thường được so sánh với Gmail trong lĩnh vực thư điện tử.

Ông Ahmadi Ali tại Trung tâm Chính sách An ninh Geneva (Thụy Sĩ) nhận định: “Một khi ra khỏi SWIFT, bạn đánh mất khả năng giao dịch xuyên biên giới dễ dàng. Bạn cũng đứng trước rủi ro đứng ngoài chuỗi cung ứng toàn cầu và điều này có thể gây tổn tại nền kinh tế quốc gia”.

Các lệnh trừng phạt này được một số người gọi là “vũ khí hóa đồng USD”, khiến Nga cùng Trung Quốc thúc đẩy cơ sở hạ tầng tài chính thay thế. Theo các nhà phân tích, những quốc gia như Trung Quốc, vốn đã nằm trong tầm ngắm lệnh trừng phạt của Mỹ, lo ngại các biện pháp như vậy có thể được sử dụng để chống lại họ trong tương lai và có thể ảnh hưởng đến hoạt động nền kinh tế của họ.

Tuy nhiên, không chỉ có Bắc Kinh và Moskva. Từ Ấn Độ đến Argentina, Brazil rồi Nam Phi, Trung Đông tới Đông Nam Á, trong những tháng gần đây, các quốc gia và khu vực đã gia tăng nỗ lực hướng tới thỏa thuận giảm phụ thuộc vào đồng USD. Các nhà kinh tế học và chuyên gia cho rằng căn nguyên dẫn đến xu hướng này là mối lo ngại Mỹ một ngày nào đó cũng sử dụng sức mạnh đồng bạc xanh để nhắm đến họ như cách nước này trừng phạt Nga.

Nhưng các nhà phân tích cũng nhấn mạnh với Al Jazeera rằng trong tương lai gần, vị trí của đồng USD nhiều khả năng không lung lay và vẫn là đồng tiền chính của giao dịch, thương mại quốc tế. Tuy nhiên, vị thế của đồng USD trong hệ thống tài chính toàn cầu có thể chịu ảnh hưởng nếu các quốc gia chuyển sang những đồng tiền khác.

Vị trí vững chắc bất chấp thời gian

Phần lớn thương mại toàn cầu sử dụng đồng USD, và điều này bắt nguồn từ sự kiện cuối Chiến tranh Thế giới thứ hai. Năm 1944, đại diện của 44 quốc gia đã tề tựu tại Bretton Woods, New Hampshire (Mỹ) để tìm cách khôi phục nền kinh tế thế giới sau chiến tranh. Các đại diện nhất trí rằng Mỹ với tư cách là nền kinh tế lớn nhất thế giới, sẽ cố định giá trị của đồng USD với vàng và các quốc gia khác sẽ lần lượt ổn định đồng tiền của họ với đồng bạc xanh. Các quốc gia dự trữ USD để duy trì tỷ giá hối đoái của họ, khiến nó trở thành đồng tiền thống trị toàn cầu.

Thị trường tài chính sâu rộng và linh hoạt của Mỹ cùng các chuẩn mực quản trị tương đối minh bạch và sự ổn định của đồng USD đã đảm bảo rằng đồng tiền này vẫn chiếm ưu thế. Sự thống trị của đồng USD đã vượt qua các “cơn bão” Liên minh châu Âu (EU) ra mắt đồng euro năm 1999 và cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009. Ngày nay, gần 60% dự trữ ngoại hối do các ngân hàng trung ương trên thế giới duy trì là đồng USD. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chú ý đến thực tế trong năm 2000 tỷ lệ này là 70%. Theo họ, đó là sự thay đổi nhỏ trong trật tự tài chính toàn cầu.

Bà Alicia García Herrero tại Viện nghiên cứu Bruegel (Bỉ) phân tích: “Rõ ràng chúng ta đang hướng tới một thế giới đa phương hơn, thể hiện qua tỷ lệ dự trữ ngoại hối của đồng USD giảm”.

Trên toàn cầu, đồng USD được các nhà đầu tư coi là tài sản dự trữ an toàn, đặc biệt là trong các cuộc khủng hoảng kinh tế, do niềm tin cao vào nền kinh tế Mỹ. Sự đảm bảo đó thể hiện ở nhu cầu USD tăng lên vào những thời điểm khủng hoảng kinh tế. Nhưng nhu cầu đó cũng là nguyên nhân dẫn đến sự mất giá của hầu hết các loại tiền tệ so với USD vào năm 2022 khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát.

Xa rời đồng bạc xanh

Trong tháng 3, đại sứ của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) tại Ấn Độ cho biết hai nước đang cố gắng hoàn tất một thỏa thuận để giao dịch bằng đồng nội tệ của họ là dirham và rupee. UAE là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Ấn Độ. Vào tháng 1, một quan chức Bộ Thương mại Ấn Độ tiết lộ với các phóng viên rằng Nga, Sri Lanka, Bangladesh và Mauritius đều muốn giao dịch với Ấn Độ bằng đồng rupee.

Trong khi đó, các nền kinh tế lớn của Đông Nam Á đang lên kế hoạch tạo ra một cơ chế với các ứng dụng điện thoại có thể được sử dụng để giao dịch giữa các nước trong khu vực bằng nội tệ của họ mà không cần phải dựa vào đồng USD làm trung gian.

Và trong một thông báo gây xôn xao dư luận toàn cầu vào tháng 1, Tổng thống Brazil và Argentina cho biết họ sẽ thiết lập một đồng tiền chung Nam Mỹ để giải quyết các giao dịch thương mại.

Vào tháng 2, ngân hàng trung ương của Iraq tuyên bố lần đầu tiên sẽ cho phép thương mại với Trung Quốc được thanh toán bằng đồng nhân dân tệ. Ngân hàng trung ương của Bangladesh cũng đưa ra thông báo tương tự vào tháng 9/2022. Và vào tháng 12/2022, Trung Quốc cùng Saudi Arabia đã thực hiện giao dịch đầu tiên bằng đồng nhân dân tệ .

Một số chuyên gia tin rằng mặc dù các động thái hướng tới xa rời USD sẽ không thay thế vị trí thống trị đồng bạc xanh bằng một loại tiền tệ khác, nhưng điều này có thể đưa ra các lựa chọn để cho phép giao dịch thương mại không sử dụng USD.

Bà Zongyuan Zoe Liu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Mỹ) nhận định rằng có lợi thế khi thực hiện giao dịch bằng một loại tiền tệ duy nhất. Theo bà, nó giúp giảm chi phí giao dịch và chịu trách nhiệm về bản chất tích hợp cao của hệ thống tài chính toàn cầu. Bà Liu còn gọi đồng USD là “chất bôi trơn trong thương mại và tài chính quốc tế”. Giao dịch bằng nhiều loại tiền tệ làm tăng rủi ro biến động tiền tệ.

Bà kết luận: “Nếu câu hỏi đặt ra là liệu một hệ thống tiền tệ đa dạng hơn là tốt hay xấu, tôi sẽ nói rằng tốt hơn hết là chúng ta nên có một loại tiền tệ tiêu chuẩn để kinh doanh vì điều này đã hoạt động tốt cho đến nay. Nhưng điều kiện cho điều đó là Mỹ không vũ khí hóa đồng USD”.

(Nguồn: Báo Tin Tức)

Kịch bản "2 Singapore" khi khoảng cách giàu nghèo tăng nhanh

Khoảng cách giàu nghèo tại Singapore ngày càng trở nên rõ ràng hơn khi người dân phải vật lộn với chi phí sinh hoạt và sự cạnh tranh trong công việc.

Tờ South China Morning Post (SCMP) thậm chí đã có bài phân tích về khả năng sẽ có "2 Singapore" do sự khác biệt giàu nghèo này.

Theo SCMP, chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, Singapore thu hút sự chú ý của giới siêu giàu với các văn phòng gia đình cùng những khoản đầu tư hàng triệu USD. Tuy nhiên, việc giới thượng lưu đổ xô đến Singapore đã khiến chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ, có những mặt hàng như rau cải giá đã tăng gấp đôi.

Kịch bản về "2 Singapore", trong đó một nơi có mức lương cao, lối sống quốc tế và nơi còn lại với nhận thức chậm về sự dịch chuyển xã hội cùng giá nhà đất tăng liên tục đã được đưa ra tại Quốc hội nước này trong cuộc tranh luận về các khoản chi ngân sách của đất nước.

Lãnh đạo đảng Công nhân, ông Pritam Singh cảnh báo về khả năng kịch bản "2 Singapore" có thể dễ dàng trở thành hiện thực và gây xích mích trong xã hội.

Ông Pritam Singh nói: "Nếu kịch bản "2 Singapore" xảy ra, chắc chắn sẽ tạo nên những mẫu thuẫn xã hội. Bản chất ghen tị của con người, chủ nghĩa vô danh và câu chuyện hơn thua có thể nhanh chóng đầu độc xã hội và làm gia tăng sự phân chia giàu nghèo hơn nữa.

Những lo ngại về sự bất bình đẳng không phải là vấn đề mới tại Singapore. Trước đó, Tổ chức thăm dò ý kiến độc lập Blackbox Research đã công bố một nghiên cứu vào năm 2018 cho thấy, cứ 5 người Singapore được hỏi thì có 4 người lo lắng về khoảng cách thu nhập ngày càng lớn. 7/10 người tham gia khảo sát nhận định rằng bất bình đẳng thu nhập đang trở nên tồi tệ hơn trong 5 năm qua.

Phó Thủ tướng Singapore Hoàng Tuần Tài cho hay, giới chức nước này đã đạt được nhiều thành quả trong những nỗ lực không ngừng nhằm giúp đỡ những người lao động có mức lương thấp. Những biện pháp mà Chính phủ Singapore thực hiện bao gồm trợ cấp cho trẻ nhỏ và mở rộng chương trình cứu trợ kinh tế. Tuy nhiên, theo Eugene Tan, giáo sư Luật, Đại học California, Mỹ, không có sự hỗ trợ nào là đủ trong thời kỳ kinh tế bất ổn và những thách thức về mức sống có thể trở thành một vấn đề lớn trong bầu cử.

(Nguồn: CafeF)

Thỏa thuận tàu ngầm Aukus: Trung Quốc và Phương Tây tiến gần hơn đến xung đột?

(Ảnh minh họa).

Trung Quốc đã phản ứng với sự giận dữ, vốn đã được dự đoán trước, đối với một tuyên bố chính thức về hiệp ước Aukus.

Các chi tiết được công bố vào hôm thứ Hai 14/03 tại San Diego, gắn kết ba nước Úc, Anh và Mỹ trong một liên minh an ninh và quốc phòng quan trọng nhằm đối phó với sự bành trướng quân sự của Trung Quốc ở vùng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

"Bước vào một con đường nguy hiểm", "bỏ ngoài tai những quan ngại từ cộng đồng quốc tế" và thậm chí "gây rủi ro về một cuộc chạy đua vũ trang và phổ biến hạt nhân mới" chỉ là một trong số các cáo buộc do phía Bắc Kinh đưa ra nhằm vào bộ ba đồng minh Phương Tây.

Kể từ khi cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi có chuyến đi đầy tranh cãi đến Đài Loan vào mùa hè vừa qua, Trung Quốc đã cho thấy sự bất đồng mạnh mẽ liên quan đến các hành động của Phương Tây.

Trung Quốc, quốc gia đông dân nhất thế giới, cùng một nền quân đội và hải quân lớn nhất thế giới, cho biết đã bắt đầu cảm thấy bị Mỹ và các đồng minh của Washington ở Tây Thái Bình Dương "lập vòng vây". Đáp trả, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gần đây thông báo Trung Quốc sẽ gia tăng ngân sách quốc phòng và an ninh quốc gia là mối quan tâm trọng yếu trong những năm tiếp theo.

Không lấy làm ngạc nhiên khi tuần này Thủ tướng Anh Rishi Sunak nói đến một thập kỷ nguy hiểm trước mắt và cần phải tăng tốc để giải quyết những thách thức an ninh ngày càng gia tăng.

Làm thế nào mà chúng ta đến cấp độ này và phải chăng thế giới đang ngày càng xích lại gần hơn đến một cuộc xung đột thảm họa ở Thái Bình Dương giữa Trung Quốc, Mỹ và các đồng minh của Washington?

Phương Tây đã hiểu sai về Trung Quốc. Trong nhiều năm, đã có một giả định ngây thơ trong các bộ ngoại giao các nước rằng quá trình tự do hóa kinh tế của Trung Quốc sẽ không tránh khỏi dẫn đến mở cửa xã hội và tự do chính trị nhiều hơn. Khi các tập đoàn đa quốc gia Phương Tây thành lập liên doanh và hàng trăm triệu công dân Trung Quốc bắt đầu tận hưởng một mức sống cao hơn, thì theo lập luận, rõ ràng Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ nới lỏng sự kiểm soát nhằm vào dân chúng, cho phép những cải tổ dân chủ khiêm tốn nhất và trở thành một thành viên toàn diện đối với điều gọi là "trật tự quốc tế dựa trên luật pháp".

Nhưng mọi chuyện đã không diễn ra như vậy.

Vâng, Trung Quốc là một gã không lồ kinh tế, một phần sống động, quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và một đối tác thương mại quan trọng nhất đối với một số nước trên khắp thế giới. Nhưng thay vì để bước chuyển biến này đi đôi với nền dân chủ và tiến trình tự do hóa thì Bắc Kinh lại bước vào một lộ trình gây nên hồi chuông báo động đối với các chính phủ Phương Tây và những quốc gia láng giềng như Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines.

Cụ thể như thế nào? Danh sách thật dài nhưng đây là những vấn đề bất đồng chính giữa Trung Quốc và Phương Tây:

Đài Loan: Trung Quốc đã thường xuyên lặp lại cam kết tái thống nhất hòn đảo tự trị này, bằng vũ lực nếu cần thiết. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố Mỹ sẽ bảo vệ Đài Loan mặc dù chính sách chính thức của Mỹ không cam kết có hành động quân sự

Biển Đông: Trong những năm gần đây Trung Quốc đã sử dụng lực lượng hải quân hùng mạnh của mình để thâu tóm một số phần trên Biển Đông, tuyên bố chủ quyền, một điều trái với luật pháp quốc tế

Công nghệ: Trung Quốc ngày càng bị cáo buộc đã bí mật thu thập một số lượng lớn dữ liệu cá nhân cũng như đánh cắp tài sản trí tuệ nhằm giành được lợi thế thương mại

Hong Kong: Bắc Kinh đã thành công trong việc nghiền nát nền dân chủ tại lục địa trước đây thuộc Anh, kết tội các nhà hoạt động với án tù kéo dài

Người Hồi giáo Uyghur: Các dữ liệu vệ tinh và câu chuyện của nhân chứng cho thấy việc cải tạo mang tính cưỡng ép đối với gần một triệu người Uyghur theo Hồi Giáo ở các trại trên khắp tỉnh Tân Cương

Về mặt quân sự, Trung Quốc ngày nay là một lực lượng không dễ đối phó. Trong những năm gần đây, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa đã đạt những bước tiến vô cùng lớn trong lĩnh vực công nghệ và cải tiến cũng như về mặt số lượng.

Ví dụ như các tên lửa siêu thanh Gió Đông của Trung Quốc có tốc độ di chuyển vượt mức Mach 5 (tức gấp năm lần vận tốc âm thanh), và được trang bị chất nổ có sức công phá cao hoặc những đầu đạn hạt nhân. Điều này đang khiến Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ, có căn cứ tại Yokosuka, Nhật Bản phải dừng lại cân nhắc về mức độ sẵn sàng đối phó với những tên lửa của Trung Quốc từ trên đất liền này.

Về các tên lửa đạn đạo hạt nhân cũng vậy, Trung Quốc đã bước vào một chương trình mở rộng nhanh chóng, nhắm vào việc tăng cường số lượng đầu đạn hạt nhân khi xây dựng các hầm silo mới ở những vùng xa xôi phía tây.

Mặc dù vậy, không có điều nào đồng nghĩa Trung Quốc muốn bước vào một cuộc chiến tranh. Trung Quốc không muốn. Khi nói đến vấn đề Đài Loan, Trung Quốc muốn gây đủ áp lực để có thể bắt hòn đảo này quy phục, tuân theo sự cai trị của Bắc Kinh mà không phải mất phát súng nào. Về Hong Kong, người Uyghur và tài sản trí tuệ, Trung Quốc biết rằng qua thời gian thì sự chỉ trích sẽ chết dần bởi vì giao thương với Trung Quốc đóng vai trò quá quan trọng đối với phần còn lại của thế giới.

Vì vậy mặc dù những căng thẳng lúc này đang dâng cao, thì có thể vẫn có những vấn đề vẫn xảy đến, mà theo đó cả hai phía - Trung Quốc và Phương Tây - đều hiểu rằng một cuộc chiến tranh ở Thái Bình Dương là thảm họa cho tất cả mọi người và mặc cho những ngôn từ giận dữ, đây hoàn toàn là điều không ai mong muốn.

(Nguồn: BBC)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang