Nghịch lý giá lương thực; Nghĩa trang Tunisia kín chỗ; Khủng hoảng Sudan; Tâm điểm đổ về Afghanistan; Tên lửa tấn công Kiev

Nghịch lý giá lương thực: Giảm trên thị trường thế giới nhưng lại đắt đỏ tại bàn ăn

Một nhà hàng ở ngoại ô Nairobi (Kenya) phải chế biến bánh mì chapatis nhỏ hơn để tiết kiệm dầu ăn. Người nghèo ở Pakistan miễn cưỡng ăn chay vì không đủ tiền mua thịt. Ở Hungary, một quán cà phê bỏ bánh mì kẹp thịt và khoai tây chiên ra khỏi thực đơn do giá dầu và thịt bò đắt đỏ.

Trên khắp thế giới, giá lương thực liên tục tăng cao. Thật khó hiểu. Trên thị trường toàn cầu, giá ngũ cốc, dầu thực vật, sữa và các mặt hàng nông nghiệp khác đã giảm đều đặn từ mức cao kỷ lục. Nhưng hai từ “hạ nhiệt” đó không hề xảy ra tại thế giới thực của những người bán hàng, người bán hàng rong và những gia đình đang cố gắng kiếm sống qua ngày.

Bà Linnah Meuni, một bà mẹ 4 con người Kenya, chia sẻ: “Chúng tôi không đủ tiền để ăn trưa và ăn tối trong hầu hết các ngày vì chúng tôi còn phải trả tiền thuê nhà và học phí”. Bà cho hay một gói bột ngô nặng 2kg có giá gấp đôi số tiền mà bà bán rau được mỗi ngày.

Giá lương thực vốn đã tăng cao từ trước khi xung đột nổ ra tại Ukraine vào tháng 2/2022. Nhưng cuộc chiến này đã càng làm gián đoạn thương mại ngũ cốc và phân bón, khiến giá cả thậm chí còn tăng cao hơn nữa. Nhưng trên phạm vi toàn cầu, cú sốc giá đó đã kết thúc từ lâu.

Liên hợp quốc cho biết giá lương thực đã giảm trong 12 tháng liên tiếp, nhờ vụ mùa bội thu ở tại những vựa nông nghiệp như Brazil, cùng với thỏa thuận cho phép vận chuyển ngũ cốc Ukraine ra khỏi Biển Đen.

Chỉ số giá lương thực của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) thấp hơn so với khi quân đội Nga tiến vào Ukraine.

Tuy nhiên, bằng cách nào đó, giá lương thực đắt đỏ - mà mọi người không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải chi trả - vẫn đang tăng lên, góp phần vào tình trạng lạm phát kỷ lục tại Mỹ và châu Âu cho đến các quốc gia đang phát triển.

Ian Mitchell, nhà kinh tế học và đồng giám đốc Chương trình châu Âu tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu có trụ sở tại London, cho biết: “Các thị trường thực phẩm có mối liên hệ chặt chẽ với nhau đến mức bất kể bạn ở đâu trên thế giới, bạn đều cảm nhận được tác động nếu giá cả toàn cầu tăng lên”.

Tại sao lạm phát giá lương thực lại khó khắc phục như vậy? Ông Joseph Glauber, cựu chuyên gia kinh tế của Bộ Nông nghiệp Mỹ, lưu ý rằng giá cả của một số sản phẩm nông nghiệp như cam, lúa mì, thịt gia súc mới chỉ là bước khởi đầu.

Và nhiều chi phí trong số đó bị gắn với cái gọi là lạm phát cơ bản, loại trừ giá lương thực và năng lượng dễ bay hơi cũng như đã được chứng minh là khó có thể loại bỏ khỏi nền kinh tế thế giới. Giá lương thực tăng vọt 19,5% tại Liên minh châu Âu (EU) vào tháng trước so với một năm trước đó và con số này là 19,2% tại Anh, mức tăng lớn nhất trong gần 46 năm.

Tại Mỹ, nơi giá lương thực đã tăng 8,5% vào tháng 3 so với một năm trước đó. Ông Glauber giải thích 75% chi phí đó xuất hiện sau khi nông sản rời khỏi trang trại. Đó là chi phí năng lượng, toàn bộ các chi phí xử lý, chi phí vận chuyển cùng với tất cả các chi phí lao động.

Ông Glauber tin rằng lạm phát lương thực sẽ giảm, nhưng nó sẽ giảm từ từ, phần lớn là do những yếu tố khác vẫn đang ở mức khá cao.

Nhiều chính trị gia, trong đó có Tổng thống Mỹ Joe Biden, đã nhìn ra một “thủ phạm” khác: làn sóng sáp nhập doanh nghiệp diễn ra nhiều năm qua đã làm giảm sự cạnh tranh trong ngành thực phẩm.

Năm 2022, Nhà Trắng đã phản ánh rằng bốn công ty đóng gói thịt đang kiểm soát 85% thị trường thịt bò Mỹ.

Tương tự như vậy, chỉ bốn công ty kiểm soát 70% thị trường thịt lợn và 54% thị trường gia cầm.

Các nhà phê bình nói rằng những công ty đó có thể và thực sự lợi dụng sức mạnh thị trường của họ để tăng giá.

Ông Glauber, hiện là nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực quốc tế, không tin rằng việc hợp nhất trong kinh doanh nông nghiệp là nguyên nhân dẫn đến giá lương thực cao liên tiếp.

Ông khẳng định chắc chắn các doanh nghiệp nông nghiệp lớn có thể kiếm được lợi nhuận khi giá tăng. Nhưng mọi thứ thường cân bằng theo thời gian và lợi nhuận của họ giảm dần trong thời kỳ khó khăn.

Ông nói, bên ngoài nước Mỹ, đồng USD mạnh là nguyên nhân khiến giá cả ở mức cao. Trong các cuộc khủng hoảng giá lương thực khác gần đây, như năm 2007-2008, đồng USD không đặc biệt mạnh như bây giờ.

Ở Kenya, hạn hán làm tăng thêm tình trạng thiếu lương thực và chi phí đắt đỏ do tác động của chiến tranh ở Ukraine. Và các loại chi phí vẫn ở mức cao kể từ đó.

Bột ngô - lương thực chính trong các hộ gia đình Kenya - đã tăng giá gấp đôi so với năm ngoái. Sau cuộc bầu cử năm 2022, Tổng thống William Ruto đã chấm dứt các khoản trợ cấp nhằm hỗ trợ người tiêu dùng khỏi mức giá cao hơn. Tuy nhiên, ông đã hứa sẽ giảm giá bột ngô.

Các nhà xay xát Kenya đã mua lúa mì khi giá toàn cầu cao vào năm ngoái. Họ cũng phải đối mặt với chi phí sản xuất cao phát sinh từ hóa đơn nhiên liệu lớn hơn.

Để đối phó, các nhà hàng quy mô nhỏ tại Kenya như của ông Mark Kioko đã phải tăng giá và đôi khi cắt giảm khẩu phần.

Ông Kioko cho biết nhà hàng đã phải giảm kích cỡ bánh chapati, vì ngay cả sau khi tăng giá bán, ông vẫn phải “chịu đựng” vì giá dầu ăn ở mức cao.

Tại Hungary, người dân ngày càng không thể đối phó với mức giá lương thực tăng đột biến ở EU, lên tới 45% trong tháng 3.

Để theo kịp chi phí nguyên liệu tăng cao, quán Cafe Csiga ở trung tâm Budapest đã tăng giá khoảng 30%. Chủ nhà hàng cho biết đầu bếp của họ phải theo sát giá cả thực phẩm hằng ngày để đảm bảo việc thu mua nguyên liệu. Nhà hàng này thậm chí còn loại bỏ bánh mì kẹp thịt và khoai tây chiên khỏi thực đơn.

Trong khi đó, ông Joszef Varga, người bán rau quả tại chợ Grand Market Hall của Budapest, cho biết chi phí bán buôn của ông đã tăng từ 20% đến 30%. Tất cả khách hàng của ông đều nhận thấy giá tăng đột biến.

Tại Pakistan, chủ cửa hàng Mohammad Ali cho biết một số khách hàng không ăn thịt mà thay vào đó là rau và đậu. Dù vậy, giá rau, đậu, gạo và lúa mì cũng tăng tới 50%.

Ngồi trong ngôi nhà đắp bằng gạch bùn ở ngoại ô thủ đô Islamabad, góa phụ Zubaida Bibi, 45 tuổi, cho biết: “Cuộc sống của chúng tôi chưa bao giờ dễ dàng, nhưng giờ giá cả mọi thứ đều tăng cao khiến cuộc sống trở nên khó khăn”.

Trong tháng lễ Ramadan này, bà nhiều lần đứng xếp hàng chờ phát lúa mì miễn phí từ chính phủ. Bà Bibi làm giúp việc với mức lương chỉ 8.000 rupee Pakistan (30 USD) một tháng. “Chúng tôi cần nhiều thứ khác, nhưng không đủ tiền để mua thức ăn cho con mình”, bà nói.

(Nguồn: Soha)

Nghĩa trang Tunisia kín chỗ vì thi thể liên tục dạt vào bờ biển

Giới chức Tunisia đang xem xét việc xây dựng thêm các nghĩa trang mới, khi nước này không còn chỗ để chôn cất thi thể hàng chục người tị nạn dạt vào bờ biển mỗi ngày.

Guardian dẫn nhận định của Liên Hợp Quốc cho biết ba tháng đầu năm 2023 là giai đoạn “chết chóc nhất” đối với những người cố gắng vượt trung tâm Địa Trung Hải kể từ năm 2017, khi ngày càng nhiều thuyền chở người xin tị nạn bị đắm trên biển.

Các thi thể, bao gồm cả trẻ em và phụ nữ mang thai, thường xuất hiện trên các bãi biển của Tunisia. Thi thể của họ đã được chôn cất tại đây.

Gần đây, hơn 200 người di cư Tusinia đã chết ở ngoài khơi chỉ trong 10 ngày, BBC dẫn lời một quan chức cấp cao.

Năm ngoái, tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Tunisia cho biết chỉ riêng khu vực Sfax đã chứng kiến hơn 800 thi thể, và hơn 300 thi thể đã được phát hiện kể từ đầu năm 2023.

Do đó, tang lễ được tổ chức hầu như hàng ngày, nhà xác địa phương đã quá tải và nhiều nghĩa trang thành phố đang hết chỗ chôn cất người tị nạn.

“Trước số lượng lớn nạn nhân đổ về, hơn 170 thi thể đã vượt quá sức chứa của khoa pháp y của bệnh viện đại học Habib Bourghiba”, chính quyền Sfax tuyên bố.

Chính quyền đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp với giới chức y tế để tìm ra “giải pháp triệt để” cho vấn đề này, bao gồm “nhanh chóng bố trí một nghĩa trang cho người nhập cư và cung cấp xe tải đông lạnh để vận chuyển các thi thể đang phân hủy”.

“Hệ thống tiếp nhận và quản lý thi thể của Tunisia không được chuẩn bị cho tình huống như vậy”, Filippo Furri, một nhà nghiên cứu tại Mecmi - tổ chức tìm hiểu về những cái chết trong quá trình di cư, nhận định.

Silvia Di Meo, một nhà nhân chủng học tại Đại học Genoa, cho biết nhiều người đã chết khi cố gắng vượt biển hơn số người đã được nhận dạng, hoặc thậm chí được tìm thấy.

Để đối phó với tình trạng khẩn cấp này, một số thành phố của Tunisia đã cho phép chôn cất những người di cư tại các nghĩa trang địa phương của họ. Tại một trong những nghĩa trang ở thành phố ven biển Sfax, chính quyền đã chỉ định một khu vực chôn cất những người di cư cận Sahara, với những bia mộ trống và vô danh đang chờ chôn cất thi thể.

Một nhà hoạt động xã hội nhận định một trong những vấn đề chính trong quá trình trục vớt thi thể những người di cư trên bờ biển Tunisia là xác định danh tính các nạn nhân.

“Đây là một nhiệm vụ rất phức tạp vì phần lớn các thi thể được tìm thấy không có giấy tờ và đang trong tình trạng phân hủy nặng. Điều này cho thấy họ đã ở dưới nước trong vài ngày”, vị này nói thêm.

(Nguồn: Zing News)

Khủng hoảng Sudan: giao tranh dữ dội ở Khartoum, lệnh ngừng bắn đổ bể

Giao tranh gia tăng ở thủ đô Khartoum của Sudan, làm đổ vỡ lệnh ngừng bắn mới nhất, vốn được đưa ra nhằm cho phép người dân sơ tán đến nơi an toàn.

Hôm Chủ nhật, quân đội cho biết họ đang tấn công thành phố từ mọi hướng, bằng các cuộc không kích và nã pháo hạng nặng, để tiêu diệt các đối thủ bán quân sự.

Thỏa thuận ngừng bắn mới nhất dự kiến kết thúc vào cuối ngày Chủ nhật. Hàng triệu người vẫn bị mắc kẹt ở thủ đô, nơi lương thực đang cạn kiệt.

Các nước đã sơ tán công dân của mình khỏi đây trong bối cảnh hỗn loạn.

Tin cho hay có hơn 500 người đã thiệt mạng kể từ khi giao tranh nổ ra vào ngày 15/4 giữa quân đội chính quy và Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF). Nhưng số người chết và bị thương có thể cao hơn nhiều.

Chỉ huy quân đội, Tướng Abdel Fattah al-Burhan và người đứng đầu RSF, Tướng Mohamed Hamdan Dagalo, được biết đến với cái tên Hemedti, đang tranh giành quyền lực - và bất đồng về kế hoạch đưa RSF nhập vào quân đội.

Thỏa thuận gia hạn lệnh ngừng bắn vào tối thứ Năm diễn ra sau những nỗ lực ngoại giao ráo riết của các nước láng giềng, Hoa Kỳ, Anh quốc và Liên Hiệp Quốc. Nhưng thời gian gia hạn 72 giờ đã không được đảm bảo duy trì.

Tính đến tối thứ Bảy, tình trạng giao tranh ác liệt lại tiếp diễn ở Khartoum. Quân đội nói họ đã tiến hành các chiến dịch chống lại lực lượng RSF ở phía bắc trung tâm thành phố.

Các nhân chứng nói với hãng tin Reuters rằng máy bay không người lái (drone) của quân đội đã nhắm mục tiêu vào vị trí của RSF gần một nhà máy lọc dầu lớn.

"Chúng tôi một lần nữa thức giấc khi nghe tiếng máy bay chiến đấu và vũ khí phòng không gầm gào khắp khu phố chúng tôi," một người dân nói với hãng tin AFP hôm Chủ nhật.

Phóng viên ngoại giao của BBC Paul Adams, người đang theo dõi các sự kiện từ Nairobi ở Kenya, nói quân đội sẽ gặp khó khăn trong việc đẩy RSF ra khỏi Khartoum.

Phóng viên của chúng tôi cho biết thêm, so sánh với tất cả cả loại hỏa lực vượt trội của quân đội thì RSF có tính cơ động cao và phù hợp hơn với việc giao tranh trong đô thị hơn.

Vào thứ Bảy, chính phủ Anh đã kết thúc hoạt động sơ tán. Bộ Ngoại giao nước này cho biết chuyến bay cuối cùng rời Khartoum lúc 22:00 giờ địa phương (20:00 GMT) và tổng cộng gần 1.900 người đã được đưa ra khỏi Sudan.

Một đoàn xe do Hoa Kỳ tổ chức đã đến Cảng Sudan để sơ tán thêm nhiều công dân Mỹ bằng tàu đến Jeddah ở Ả Rập Saudi. Nước này nói biết hàng trăm người Mỹ đã rời khỏi Sudan, ngoài các nhà ngoại giao đã được sơ tán bằng đường hàng không một tuần trước.

Cũng trong ngày thứ Bảy, cựu Thủ tướng Sudan Abdalla Hamdok cảnh báo rằng cuộc xung đột có thể trở nên tồi tệ hơn những cuộc xung đột ở Syria và Libya. Những cuộc chiến đó đã khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng và gây ra sự bất ổn diện rộng ở các khu vực vượt ra ngoài lãnh thổ những nước đó.

Phát biểu tại Nairobi, ông nói: "Tôi nghĩ đó sẽ là cơn ác mộng đối với thế giới. Đây không phải là cuộc chiến giữa một lực lượng quân đội và một nhóm nổi dậy nhỏ. Đây gần giống như hai lực lượng quân đội."

Đã xảy ra những cảnh hỗn loạn ở Port Sudan, nơi mọi người tuyệt vọng tìm cách lên tàu, trong đó một số sẽ đi về hướng Ả Rập Saudi và Yemen.

(Nguồn: BBC)

Khủng hoảng Afghanistan – Mối quan tâm toàn cầu đang lan rộng

Một nhóm nhỏ phụ nữ Afghanistan đã tổ chức một cuộc biểu tình ở thủ đô Kabul để phản đối bất kỳ sự công nhận quốc tế nào đối với chính quyền Taliban.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres sẽ có một cuộc hội đàm quan trọng với các phái viên quốc tế tại một địa điểm bí mật ở thủ đô Doha của Qatar vào ngày 1/5, trong một nỗ lực ngày càng tuyệt vọng để tìm cách gây ảnh hưởng đến chế độ Taliban đang nắm quyền ở Afghanistan.

Được LHQ coi là cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất thế giới, tình cảnh ở Afghanistan đang làm khó tổ chức toàn cầu khi Taliban có động thái ngăn cản các bé gái đến trường và cấm hầu hết phụ nữ làm việc, ngay cả đối với các cơ quan của LHQ ở quốc gia Nam Á.

Theo các nhà ngoại giao, quan chức Taliban, trở lại nắm quyền ở Afghanistan từ tháng 8/2021, sẽ vắng mặt trong cuộc hội đàm với đại diện của khoảng 25 quốc gia và tổ chức quốc tế.

Sự đoàn kết hiếm thấy

Trước thềm cuộc hội đàm, một nhóm nhỏ phụ nữ đã tổ chức một cuộc biểu tình ở thủ đô Kabul hôm 29/4 để phản đối bất kỳ sự công nhận quốc tế nào đối với chính quyền Taliban. LHQ và các cường quốc phương Tây cũng kiên quyết rằng điều này sẽ không được thảo luận.

“Bất kỳ hình thức công nhận nào đối với Taliban điều hoàn toàn không có trên bàn đàm phán”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel cho biết.

Nhưng ngoài việc xác nhận rằng lãnh đạo Taliban không có tên trong danh sách tham gia, LHQ đã từ chối cho biết cuộc hội đàm sẽ được tổ chức tại địa điểm cụ thể nào ở thủ đô của Qatar, hoặc ai sẽ tham gia cùng ông Guterres.

Các nhà ngoại giao cho biết Tổng thư ký LHQ sẽ đưa ra thông tin cập nhật về đánh giá hoạt động cứu trợ quan trọng của tổ chức này ở Afghanistan, được yêu cầu thực hiện vào tháng 4, sau khi chính quyền Taliban ra lệnh cấm phụ nữ Afghanistan làm việc với các cơ quan của LHQ.

LHQ cho biết họ phải đối mặt với một “lựa chọn đau lòng” về việc có nên duy trì hoạt động khổng lồ của mình ở đất nước 38 triệu dân hay không.

Mặc dù bị chia rẽ vì cuộc xung đột ở Ukraine và những căng thẳng toàn cầu khác, các thành viên của Hội đồng Bảo an LHQ (UNSC) hôm 27/4 đã cùng nhau thông qua một nghị quyết lên án những hạn chế đối với phụ nữ và trẻ em gái Afghanistan, đồng thời kêu gọi tất cả các nước tìm kiếm “sự đảo ngược khẩn cấp” các lệnh cấm như vậy của Taliban.

Nghị quyết, được thông qua với toàn bộ 15 phiếu thuận – với Mỹ, Nga và Trung Quốc đều ủng hộ – là một sự đoàn kết hiếm thấy và dấu hiệu cho thấy mối quan tâm toàn cầu đang lan rộng đối với các hành động của Taliban.

UNSC chưa bao giờ xem xét các biện pháp trừng phạt chống lại Taliban nhưng sự quở trách mạnh mẽ của cơ quan quyền lực nhất của LHQ là một đòn giáng mạnh vào uy tín của các nhà cầm quyền ở Afghanistan, những người đang cố gắng giành được sự tín nhiệm trên trường quốc tế – bao gồm cả sự công nhận chính thức của LHQ rằng chính phủ hiện thời ở Afghanistan là chính phủ hợp pháp.

Theo Taliban, những người tuân theo cách giải thích nghiêm ngặt luật Hồi giáo, quyền của phụ nữ ở Afghanistan được tôn trọng. Đại diện của Taliban tuyên bố rằng lệnh cấm “là một vấn đề xã hội nội bộ của Afghanistan”.

Thế tiến thoái lưỡng nan

Ông Richard Gowan, chuyên gia về LHQ của Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế (ICG), một tổ chức phi chính phủ độc lập, cho biết LHQ đang trong tình thế “tiến thoái lưỡng nan” ở Afghanistan.

“Ông Guterres phải gỡ một nút thắt rất phức tạp. Người đứng đầu LHQ cần tìm cách tiếp tục đưa viện trợ vào Afghanistan, nhưng lệnh cấm phụ nữ làm việc cho LHQ do Taliban áp đặt là một đòn giáng mạnh vào khả năng hoạt động của cơ quan này tại quốc gia Nam Á”, ông Gowan cho biết, bổ sung thêm rằng cộng đồng quốc tế muốn LHQ duy trì sự hiện diện quan trọng của mình ở đó.

“Có rất nhiều khác biệt giữa các thành viên UNSC về Afghanistan. Nhưng tất cả mọi thành viên, bao gồm cả Nga và Trung Quốc, đều đồng ý rằng tốt hơn hết là LHQ vẫn hiện diện ở Kabul”, ông nói.

LHQ đã tiết lộ một vài chi tiết về những đề xuất có thể được đưa ra tại cuộc hội đàm ở Qatar vào ngày 1/5.

Người phát ngôn LHQ Stephane Dujarric hôm 28/4 cho biết, mục tiêu “là tăng cường sự tham gia của quốc tế xung quanh các mục tiêu chung vì một con đường bền vững phía trước đối với Afghanistan”.

Cơ quan toàn cầu này cũng muốn có “sự thống nhất hoặc phổ biến của thông điệp” về phụ nữ và nhân quyền, chống khủng bố và buôn bán ma túy.

“Sự công nhận không phải là vấn đề”, ông Dujarric nhấn mạnh. Việc chính phủ Taliban có chiếm ghế Liên Hợp Quốc của Afghanistan hay không là do Đại hội đồng LHQ (UNGA) quyết định.

Nhưng LHQ và các tổ chức khác đã có các cuộc thảo luận ngày càng căng thẳng về cách giao tiếp với Taliban và có thể đưa ra các khuyến khích để thay đổi. Đặc phái viên của Mỹ về Afghanistan Thomas West đã đi khắp Tây Á trong những tuần gần đây để gặp gỡ các chính phủ và các tổ chức khác nhau.

Năm ngoái, Mỹ đã chuyển 3,5 tỷ USD tài sản của Afghanistan bị tịch thu vào một quỹ có trụ sở tại Thụy Sĩ để chi trả cho hàng cứu trợ và hàng nhập khẩu không do chính quyền Taliban kiểm soát. Các đề xuất đã được đưa ra gợi ý rằng Nhà Trắng nên xem xét nới lỏng các biện pháp trừng phạt.

“Mặc dù chúng ta muốn chứng kiến sự thay đổi chế độ ở Afghanistan, nhưng trong tương lai gần, cần có một chính phủ ổn định và đủ năng lực để giúp tạo điều kiện thuận lợi cho các chương trình nhân đạo, vô hiệu hóa các phần tử khủng bố IS và ngăn chặn sự sụp đổ của nhà nước cũng như nội chiến”, Viện Trung Đông, một tổ chức tư vấn có trụ sở ở Washington, cho biết trong một báo cáo tuần trước

(Nguồn: Người Đưa Tin)

Kiev bị tấn công tên lửa

Giới chức Kiev tuyên bố chặn toàn bộ tên lửa nhằm vào thủ đô, trong khi quân đội Ukraine thông báo bắn rơi 15 trong số 18 quả đạn được Nga sử dụng.

"Các lực lượng phòng không đang làm nhiệm vụ. Hãy bình tĩnh và ở yên trong nơi trú ẩn cho đến khi hết báo động", chính quyền tỉnh Kiev của Ukraine đăng thông báo trên mạng xã hội sáng nay.

Thông báo được đưa ra sau khi Ukraine phát báo động phòng không trên toàn quốc, giới chức cũng cảnh báo nguy cơ thủ đô Kiev bị tấn công tên lửa. Truyền thông nước này cho biết Nga đã huy động 14 oanh tạc cơ chiến lược Tu-95MS cho đòn tấn công, thêm rằng nhiều vụ nổ được nghe thấy ở thủ đô Kiev, cùng tỉnh miền bắc Sumy và miền trung Dnipro.

"Hãy tự bảo đảm an toàn cho bản thân, đừng công khai thông tin về hoạt động phòng không", Andriy Yermak, Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, viết trên Telegram.

Quân đội Ukraine sau đó tuyên bố đánh chặn 15 trong 18 tên lửa được Nga sử dụng, trong khi giới chức Kiev nói rằng toàn bộ vũ khí nhằm vào thành phố đã bị bắn hạ.

Bộ Quốc phòng Nga chưa bình luận về thông tin.

Cuộc tấn công diễn ra vài giờ sau khi thành phố Pavlograd ở tỉnh Dnipro bị không kích dữ dội. Vladimir Rogov, quan chức chính quyền do Moskva bổ nhiệm ở tỉnh Zaporizhzhia, nói rằng quân đội Nga đã tấn công cơ sở hạ tầng và nhà kho được Ukraine sử dụng để tập kết lực lượng cho cuộc phản công sắp tới.

Tài khoản Intel Slava Z trên Telegram chuyên đăng tư liệu về lực lượng Nga tham chiến tại Ukraine, cho biết hai đơn vị tên lửa phòng không tầm xa S-300P với 16 xe phóng và nhiều quả đạn dự trữ đã bị phá hủy trong đòn tập kích.

Bộ Quốc phòng Anh hôm 29/4 nhận định số tên lửa hành trình được Nga triển khai trong những đợt tấn công gần đây ít hơn so với các đòn tập kích trong mùa đông, nhiều khả năng không nhằm vào hạ tầng năng lượng của Ukraine. "Có khả năng Moskva đang tìm cách hủy diệt các đơn vị dự bị và loạt khí tài vừa được viện trợ cho Kiev", báo cáo của quân đội Anh có đoạn.

Nga từ tháng 10/2022 bắt đầu sử dụng UAV và tên lửa hành trình tầm xa tập kích hạ tầng năng lượng và quân sự của Ukraine, với mục tiêu làm suy yếu sức chiến đấu và buộc Kiev ngồi vào bàn đàm phán.

Ukraine nói các vụ tấn công vào cơ sở hạ tầng là "tội ác chiến tranh", cáo buộc Nga cố ý làm hại dân thường và bẻ gãy ý chí của nước này. Trong khi đó, Moskva giải thích rằng họ nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng Ukraine để làm gián đoạn dòng vũ khí Mỹ và đồng minh chuyển đến Kiev.

Một số tài liệu mật của Mỹ bị rò rỉ gần đây đánh giá phòng không Ukraine ngày càng bị bào mòn sau hơn một năm chiến sự và không thể ngăn Nga chiếm hoàn toàn ưu thế trên không. Kho dự trữ đạn tên lửa S-300 và Buk-M1 của Ukraine nguy cơ cạn kiệt trong tương lai gần, tổ hợp NASAMS do Mỹ cung cấp có thể lâm vào tình trạng tương tự.

Bộ trưởng Reznikov hôm 27/4 thừa nhận nước này đang cạn dần tên lửa phòng không thời Liên Xô, hối thúc phương Tây chuyển các tổ hợp thay thế.

Giới chuyên gia phương Tây đánh giá cạn tên lửa phòng không là kịch bản thảm họa đối với Ukraine, khiến lưới phòng thủ xuất hiện nhiều lỗ hổng. Điều đó cho phép máy bay Nga tiếp cận nhiều mục tiêu hơn và khai hỏa vũ khí tầm ngắn, thay vì sử dụng tên lửa tầm xa có chi phí cao và nguồn cung hạn chế.

(Nguồn: Vnexpress)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang