Điểm yếu của Ấn Độ; Giành tài nguyên ở Phi; Putin nâng án tội phản quốc; Ukraine tấn công miền Đông; Cơn đau đầu ở biển Đen

Nắng nóng phơi bày điểm yếu của năng lượng tái tạo tại Ấn Độ

Giới chức cùng giới nghiên cứu Ấn Độ cho rằng nước này chưa thể bỏ hẳn điện than vì năng lượng tái tạo vẫn chưa ổn định và đáng tin cậy, nhất là trong mùa nóng hiện nay.

Năm 2022, bang Karnataka - địa phương đi đầu về năng lượng tái tạo tại Ấn Độ - đón một mùa gió lộng. Nhờ đó, áp lực đặt lên vai các nhà máy điện than trong bang đã giảm đi phần nào.

Tuy nhiên, giữa tình trạng nắng nóng chưa từng có vào mùa hè năm nay, các nhà máy này đã phải hoạt động hết công suất trở lại để đáp ứng nhu cầu bơm nước lên ruộng của nông dân và sử dụng điều hòa của cư dân đô thị, Reuters cho biết.

Thách thức mà Karnataka đang đối mặt cho thấy khó khăn chung mà Ấn Độ gặp phải: Than vẫn là nhiên liệu thiết yếu và đáng tin cậy duy nhất, bất chấp sự phát triển của ngành năng lượng tái tạo.

Điện than giảm nhưng chưa “chết”

Theo giới chức khí tượng Ấn Độ, nhiệt độ tại Karnataka đang cao hơn 3-4 độ C so với mức trung bình 36-40 độ C cùng kỳ hàng năm.

Hôm 19/4, bang Karnataka ghi nhận lượng điện tiêu thụ trong ngày lớn nhất lịch sử. Nhiệt độ tại bang hôm đó lên đến 41,5 độ C.

Ông Kapil Mohan, quan chức cấp cao trong lĩnh vực năng lượng tại Karnataka, mô tả tháng 4 là tháng “đỉnh điểm của mùa hè”, cả về nhiệt độ tối đa lẫn mức sử dụng năng lượng.

Tuy các nhà máy năng lượng Mặt Trời có thể hoạt động hết công suất trong tháng, sản lượng điện gió thường bị ảnh hưởng tiêu cực. Trong khi đó, nhiều hồ thủy điện trở nên cạn khô.

“Trong lĩnh vực năng lượng, sự phụ thuộc của chúng tôi đối với nhiên liệu hóa thạch sẽ không giảm đột ngột. Lượng điện dư thừa không cố định và chúng tôi cần cung cấp năng lượng suốt ngày đêm”, ông Mohan nói, cho rằng Ấn Độ cần tăng cường khả năng lưu trữ năng lượng sạch để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng.

Trong thời gian qua, Karnataka đã xây dựng hàng loạt nhà máy điện Mặt Trời và điện gió lớn. Tổng công suất của các cơ sở này đã vượt mục tiêu 14,8 GW mà chính quyền trung ương đặt ra cho bang.

Theo nghiên cứu gần đây của Viện Kinh tế và Phân tích Tài chính Năng lượng (IEEFA), Karnataka là bang dẫn đầu tại Ấn Độ về chuyển đổi năng lượng. Bang này được coi là hình mẫu cho các địa phương khác tại Ấn Độ noi theo.

“Năng lượng tái tạo chiếm 48% tổng nguồn cung năng lượng tại Karnataka. Khi khả năng lưu trữ năng lượng tăng lên, sự phụ thuộc vào than - thứ được coi là một nguồn tài nguyên linh hoạt - sẽ giảm xuống”, bà Saloni Sachdeva Michael, chuyên gia về năng lượng tại IEEFA, nói.

Tuy vậy, bà cũng chỉ ra địa phương này sẽ vẫn cần đến than trong tương lai gần do nguồn cung năng lượng tái tạo chưa ổn định. “Chúng ta chưa thể đóng cửa hoàn toàn các nhà máy nhiệt điện. Đây sẽ là sự chuyển dịch dần dần”, bà Michael nói.

Ông Venkata Chalapathi, Giám đốc nhà máy điện than Bellary (công suất 1.700 MW) tại Karnataka, cho biết nhà máy đã có thể giảm công suất khi năng lượng tái tạo phát triển. Tuy nhiên, xu thế này đang đảo ngược do nhu cầu tăng lên.

Với việc lượng sử dụng than tại Ấn Độ được dự báo sẽ chỉ đạt mức đỉnh trong giai đoạn 2030-2035, Ấn Độ vẫn ngần ngại chưa muốn ký thỏa thuận đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với các nước phát triển - văn bản sẽ yêu cầu New Delhi cắt giảm tiêu thụ than mạnh mẽ hơn.

Thay vào đó, Ấn Độ đang muốn thu hút nguồn đầu tư từ quốc tế để phát triển lưới điện phục vụ năng lượng tái tạo, cũng như cơ sở hạ tầng lưu trữ năng lượng.

Tiềm năng của năng lượng tái tạo

Ông Naranaiah Amaranath, Giám đốc điều hành Tập đoàn Phát triển Năng lượng Mặt trời Karnataka (KSPDCL), cho biết năng lượng Mặt Trời từng không được coi trọng. Tuy nhiên, loại năng lượng này giờ đây đã trở thành nguồn cung chủ chốt trong bang.

Nhà máy năng lượng Mặt Trời Pavagada - một trong những cơ sở có công suất lớn nhất thế giới - đã đi vào hoạt động năm 2019 tại miền Đông bang này.

Nhờ đó, công suất của các nhà máy điện than được giảm đi phần nào. Điện Mặt Trời sẽ được sử dụng vào ban ngày, trong khi nhiệt điện phối hợp để đáp ứng nhu cầu vào giờ cao điểm sáng và tối.

Nhờ điện Mặt Trời, nông dân Karnataka đã có thể dùng điện tới 7 tiếng/ngày - thay vì chỉ 3-4 tiếng như trước. Đây là giấc mơ của họ từ nhiều năm nay.

“Đất ở đây khô, buộc nông dân phụ thuộc vào giếng để có nước tưới tiêu”, ông Govinda Gowda, người đứng đầu một trung tâm khoa học nông nghiệp tại huyện Tumkur, bang Karnataka, nói. “Họ dùng bơm để đưa nước lên. Tình trạng cắt điện thường xuyên ảnh hưởng đến năng suất do mùa màng bị ảnh hưởng nếu không được tưới đủ nước”.

Nhờ nguồn điện ổn định, sản lượng nông nghiệp trong huyện đã tăng 10% trong bốn năm qua.

Giờ đây, Karnataka thậm chí có thể sống hoàn toàn nhờ vào năng lượng tái tạo vào một số ngày gió thổi mạnh nhất từ tháng 7 đến tháng 9. Tuy nhiên, loại năng lượng này phụ thuộc vào thời tiết. Bên cạnh đó, khi mùa hè càng nóng, nhu cầu sử dụng điện càng tăng - khiến năng lượng tái tạo không thể tự mình đáp ứng.

Karnataka đang đầu tư vào công nghệ thủy điện tích năng để lưu trữ năng lượng - năng lượng dư thừa sẽ được dùng để bơm nước lên cao, và lượng nước này sẽ được cho chảy xuống để tạo ra điện khi nhu cầu tăng.

Ông Mohan chỉ ra một khi năng lực lưu trữ năng lượng chưa hoàn thiện, các nhà máy điện than vẫn cần tồn tại vì chúng có thể được bật, tắt tùy lúc dựa trên sự biến động của nguồn năng lượng tái tạo.

Tình hình tại Karnataka cũng phản ảnh bức tranh chung về năng lượng tại Ấn Độ. Bộ Than Ấn Độ hồi năm ngoái cho biết nhu cầu về than đang có xu hướng tăng và sẽ đạt mức 1,45 tỷ tấn trong năm tài khóa 2029-2030 - so với mức 956 triệu tấn năm tài khóa 2019-2020.

“Chúng tôi không thể nghĩ đến việc thay thế hoàn toàn than trong ít nhất 20 năm tới”, ông Sankar Mukhopadhyay, người đứng đầu Viện Quản lý Năng lượng châu Á (AIPM), dự báo.

(Nguồn: Zing News)

"Nóng bỏng" cuộc tranh giành tài nguyên ở châu Phi

Châu Phi - nơi từng bị coi là kém phát triển nhất thế giới, đang trỗi dậy trong bàn cờ thế giới với vai trò là "lối thoát" năng lượng cho nhiều cường quốc.

Trong nhiều thập kỷ, Mỹ, châu Âu hay Trung Quốc đã thay nhau đóng vai trò là những “kẻ định đoạt” cục diện thế giới. Thế nhưng, cuộc tranh giành tài nguyên trong thời đại 4.0 đang thay đổi thế giới một cách không ngờ, với vị thể tối quan trọng của một nơi từng bị xem là kém phát triển nhất thế giới – Châu Phi.

Năm 2022 bận rộn của Châu Phi

Năm 2022, châu Phi trở thành điểm đến của hàng loạt nguyên thủ quốc gia trên thế giới. Sau khi tái đắc cử vào tháng 4/2022, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thực hiện chuyến công du đầu tiên ngoài châu Âu đến ba nước châu Phi là Cameroon, Benin và Guinee-Bissau.

Lần lượt, Thủ tướng Ðức Olaf Scholz (tháng 5/2022), Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda (tháng 9/2022) cũng đến thăm một số nước châu Phi để đàm phán các thỏa thuận năng lượng.

Không chỉ châu Âu, các cường quốc châu Á cũng sốt sắng trước các quốc gia châu Phi. Tháng 1/2023, tân Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương chọn châu Phi là điểm đến cho chuyến công du đầu tiên kéo dài 7 ngày. Mặc dù Nga vẫn đang bận rộn với xung đột tại Urkaine, nhưng vẫn không quên cử Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov bay tới “Lục địa Đen”.

Trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng này, Mỹ tỏ ra lo lắng hơn cả. Chỉ vài ngày sau chuyến thăm của ông Tần Cương, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yallen cũng đến châu Phi nhằm củng cố các cam kết, hành động của Mỹ sau hội nghị thượng đỉnh hồi cuối năm 2022.

Bỏ quên lục đia đen, Washington đang làm mọi cách để giành lại ảnh hưởng. Dưới thời chính quyền Biden, Mỹ đề ra “Chiến lược châu Phi thịnh vượng” cam kết hàng trăm tỷ USD để xây dựng châu lục. Thế nhưng cho đến nay, kết quả đạt được vẫn là một dấu hỏi.

Vị thế mới của châu Phi

Lý do đầu tiên mà các cường quốc ngày càng để mắt tới châu Phi là trữ lượng tài nguyên khổng lồ của châu lục, bao gồm dầu khí và nguyên liệu thô.

Với các mỏ dầu khí tự nhiên còn chưa được khai thác hết, các quốc gia Senegal, Cameroon hay Nigeria trở thành một lối thoát mới của châu Âu trong cuộc “chia ly” về năng lượng với Nga.

Nguồn dầu khí của châu lục nhiều tiềm năng tới mức, chỉ một nhà máy trên đảo Bonny (Nigeria) cũng sản xuất đủ lượng khí hóa lỏng (LNG) để sưởi ấm cho một nửa nước Anh trong mùa đông. Đa số lượng khí đốt này cũng được bán ra nước ngoài, với khách hàng chủ yếu là Tây Ban Nha, Pháp và Bồ Đào Nha.

Trong tương lai, châu Phi có thể sẽ là một “thế lực mới” trong ngành năng lượng tái tạo. Theo ước tính của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, 60% các địa điểm tốt nhất để sản xuất điện mặt trời nằm tại “Lục địa Đen”.

Điển hình, Ma-rốc có một trong những nhà máy năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới, cung cấp năng lượng 24 giờ cho hơn một triệu ngôi nhà. Chưa kể nhiều quốc gia châu Phi cũng có nguồn tài nguyên gió khổng lồ chưa được khai thác.

Tuy nhiên, “đòn bẩy” độc đáo nhất khiến vị thế của châu lục ngày càng gia tăng chính là trữ lượng khổng lồ các mỏ coban, mangan và bạch kim - là những nguyên liệu đầu vào thiết yếu cho pin và công nghệ sạch của tương lai.

Nguồn tài nguyên đó đang trở thành nguồn cơn cho sự tranh giành giữa một bên là Trung Quốc và bên kia là Mỹ và đồng minh. Trong cuộc đua này, Trung Quốc đang là bên thắng thế.

Trong suốt 20 năm qua, Bắc Kinh đã coi châu Phi là một điểm đến ưu tiên hàng đầu. Kim ngạch thương mại hai bên đã đạt 254 tỷ USD, gấp 4 lần so với Mỹ.

Bắc Kinh giờ đã trở thành quốc gia có ảnh hưởng nhất châu lục. 12% sản lượng công nghiệp của châu Phi, trị giá khoảng 500 tỷ USD/năm nằm trong tay các công ty Trung Quốc. Với ngành cơ sở hạ tầng, các đại diện từ Trung Quốc chiếm gần 50% thị trường xây dựng theo hợp đồng quốc tế của châu Phi. Ngoài ra, Bắc Kinh có quyền tiếp cận nguồn tài nguyên khổng lồ thiết yếu cho ngành bán dẫn đang phát triển như vũ bão.

Ông Tim Zajontz, nghiên cứu viên tại Trung tâm Chính trị Quốc tế tại Đại học Stellenbosch của Nam Phi, cho biết: “Các khoản đầu tư của Trung Quốc trên khắp châu Phi phục vụ nhiều mục đích khác nhau. Tiếp cận các nguyên liệu thô là một trong số đó, đặc biệt là về dầu thô và các loại khoáng sản khác nhau hay tài nguyên chiến lược như coban, lithium và đất hiếm, những thứ cần thiết trên toàn cầu để sản xuất pin và chip".

Không chỉ thua kém về đầu tư, chính quyền Mỹ còn đối mặt vô vàn khó khăn trước chủ nghĩa hoài nghi của châu Phi. Dưới thời ông Donald Trump, Mỹ thường xuyên coi thường và chỉ trích châu lục với các vấn đề “nhạy cảm” như dân chủ, nhân quyền – những điều mà Trung Quốc thường tránh nói tới trong hợp tác với lục địa đen.

Với vị thế đó, Bắc Kinh không hề lép vế khi Mỹ và châu Âu phát động cuộc chiến thương mại nhắm vào ngành công nghệ nước này. Ngược lại, Mỹ và đồng minh sẽ phải lo lắng trước viễn cảnh thiếu đi nguồn cung nguyên liệu thô khổng lồ từ châu Phi để có thể tự chủ trong chuỗi cung ứng công nghệ tương lai.

(Nguồn: Diễn Đàn Doanh Nghiệp)

Putin kí sắc lệnh nâng án tù lên mức chung thân cho tội phản quốc

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày thứ Sáu kí một sắc lệnh chính thức nâng mức án tối đa cho tội phản quốc lên tù chung thân, một phần trong nỗ lực đàn áp quan điểm bất đồng chính kiến kể từ khi bắt đầu chiến tranh ở Ukraine.

Sắc lệnh được đăng trên website của Điện Kremlin. Các nhà lập pháp trước đó đã biểu quyết tăng các mức án dài nhất cho tội phản quốc lên tù chung thân, từ mức 20 năm.

Các nhà lập pháp cũng chấp thuận tăng mức án tối đa cho tội thực hiện "hành động khủng bố" - được định nghĩa là hành động gây nguy hiểm đến tính mạng và nhằm gây bất ổn cho nước Nga - lên 20 năm tù, từ mức 15 năm hiện thời.

Những người bị kết tội phá hoại cũng có thể bị phạt tù 20 năm, tăng từ 15 năm, trong khi những người bị kết tội "khủng bố quốc tế" có thể bị kết án tù chung thân, tăng từ 12 năm. Sắc lệnh không giải thích "khủng bố quốc tế" là gì.

Ông Putin kí sắc lệnh mới vào thời điểm các nhóm nhân quyền nói rằng chính quyền đang tăng cường nỗ lực nhằm dập tắt những tiếng nói đối lập ít ỏi còn sót lại.

Nga nói phải có những luật như vậy để bảo vệ đất nước khỏi sự xâm nhập của Ukraine và các cơ quan tình báo phương Tây.

(Nguồn: VOA)

Ukraine điều trọng pháo, tăng cường tấn công ở miền Đông

Các lực lượng vũ trang Ukraine đã nổ súng 18 lần vào các khu định cư ở Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng, bắn 237 quả đạn pháo.

Thông tin trên do hãng thông tấn TASS dẫn thông tin từ phái bộ của DPR tự xưng tại Trung tâm Kiểm soát và Điều phối chung (JCCC) hôm 29-4.

Cụ thể, theo dữ liệu được công bố, lực lượng vũ trang Ukraine đã thực hiện 48 vụ pháo kích từ pháo đại bác cỡ nòng 122, 152 và 155 mm, cũng như từ các hệ thống rocket phóng loạt (MLRS). Các khu định cư bị hỏa hoạn bao gồm Aleksandrovka, Vasilievka, Vladimirovka, Verkhnetoretsky, Gorlovka, Donetsk, Yegorovka, Krasny Partizan, Nikolsky, Yakovlevka và Yasinovataya.

Trước đó, trong ngày 28-4, lực lượng an ninh Kiev đã thực hiện 47 vụ tấn công.

Trong khi đó, tờ Kyiv Post đưa tin chính quyền Novaya Kakhovka, thành phố bị Nga kiểm soát ở tỉnh Kherson, ngày 29-4 cho biết đang hứng chịu "đạn pháo dữ dội" từ lực lượng Ukraine. Hỏa lực dữ dội khiến thành phố và các khu dân cư xung quanh bị mất điện.

Vụ pháo kích vào Novaya Kakhovka diễn ra cùng ngày với vụ tấn công bằng máy bay không người lái vào kho nhiên liệu ở Crimea, nơi Nga tuyên bố sáp nhập năm 2014.

Nga kiểm soát hầu hết diện tích tỉnh Kherson, trong đó có Novaya Kakhovka, từ những ngày đầu Moscow phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine hồi tháng 2-2022. Nơi đây nằm ở thượng nguồn sông Dnipro so với TP Kherson và có đập thủy điện Kakhovka, mục tiêu chiến lược mà Moscow đã nhắm đến để kiểm soát.

Kherson là một trong 4 tỉnh của Ukraine mà Nga đã đơn phương tuyên bố sáp nhập tháng 10-2022, cùng 3 tỉnh khác là Donetsk, Lugansk và Zaporizhzhia.

Ngoài ra, TASS dẫn lời ông Alexander Bogomaz, thống đốc bang Bryansk của Nga gần biên giới Ukraine, cho biết trên ứng dụng Telegram ngày 30-4 rằng đã xảy ra pháo kích vào làng Suzemka ở vùng Bryansk.

Ông Vyacheslav Gladkov, tỉnh trưởng vùng Belgorod miền Tây Nga, giáp với Ukraine, ngày 29-4 cũng cho biết 5 ngôi làng tại biên giới đã bị mất điện do Ukraine nã pháo.

(Nguồn: Người Lao Động)

Tàu ngầm không người lái Toloka, 'cơn đau đầu' mới tại Biển Đen

Tàu ngầm không người lái (UUV) Toloka của Ukraine được cho là sẽ đem lại nhiều khó khăn cho Hạm đội Biển Đen của Nga.

Theo Defense Express, nhóm phát triển vũ khí Brave-1 của Ukraine mới đây đã giới thiệu UUV Toloka, một loại tàu cảm tử mới sẽ sớm được triển khai. Các chuyên gia quân sự nhận định, Toloka giống như một quả ngư lôi có thể di chuyển linh hoạt.

Đại diện nhóm sản xuất cho biết, Toloka được trang bị 2 bộ đẩy và các bộ ổn định ở giữa thân tàu, được sử dụng cho cả việc chuyển hướng và tăng tốc. Với tầm hoạt động khoảng 1.200km hoặc trong bán kính 400km, Toloka có thể tập kích các mục tiêu chiến lược từ khoảng cách an toàn.

UUV có một cột liên lạc được trang bị camera quang học, cho phép người điểu khiển do thám và xác định mục tiêu. Trong khi vận hành, cột liên lạc này sẽ nổi trên mặt nước.

Chuyên gia về tàu ngầm H.I Sutton cho biết, ý tưởng về UUV của Ukraine khá giống với các thiết bị mà quân đội Croatia sử dụng trong cuộc xung đột Balkan. Tuy vậy, thiết kế của Toloka có sự cải thiện đáng kể, tăng cường được cả khả năng ẩn nấp và tốc độ di chuyển.

Brave-1 thực chất là một nền tảng chia sẻ giải pháp và ý tưởng công nghệ vũ khí do Chính phủ Ukraine thành lập. Những người muốn đề xuất sáng kiến có thể đăng tải thông tin lên trang web của Brave-1. Những ý tưởng được phê duyệt sẽ được phát triển và thử nghiệm, thậm chí đưa vào sản xuất hàng loạt.

Trong thời gian gần đây, căn cứ của Hạm đội Biển Đen của Nga tại Sevastopol thường xuyên phải đối mặt với các cuộc tập kích bằng xuồng cảm tử của Ukraine. Sự xuất hiện của UUV Toloka được dự báo sẽ tiếp tục đem lại nhiều cơn đau đầu cho Hải quân Nga.

(Nguồn: Vietnamnet)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang