TQ quốc tế hóa đồng nội tệ; Những thảm kịch chết chóc; Cuộc đua sản xuất bán dẫn; Ukraine sắp phản kích; Nga gia tăng không kích

Trung Quốc quốc tế hóa đồng nội tệ

Đồng nhân dân tệ lần đầu vượt qua đồng USD trở thành đồng tiền được sử dụng nhiều nhất trong các giao dịch xuyên biên giới của Trung Quốc, phản ánh nỗ lực của Bắc Kinh nhằm quốc tế hóa việc sử dụng đồng nội tệ.

Theo ước tính của Reuters dựa trên số liệu từ Cục Quản lý ngoại hối quốc gia Trung Quốc, đồng nhân dân tệ đã được sử dụng trong 48,4% tổng số giao dịch xuyên biên giới của Trung Quốc cuối tháng 3, mức cao kỷ lục kể từ mức gần bằng 0 hồi năm 2010.

Trong khi đó, tỉ lệ giao dịch bằng đồng USD giảm còn 46,7%. Cụ thể, các khoản giao dịch xuyên biên giới bằng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã tăng từ 434,5 tỉ USD trong tháng 2 lên mức kỷ lục 549,9 tỉ USD trong tháng 3.

Theo Bloomberg, sự đảo ngược này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang nỗ lực đẩy mạnh sử dụng đồng nhân dân tệ trong thương mại và thị trường vốn. Trung Quốc đã tham gia vào các hiệp định thương mại "phi đô la hóa" với các nước như Brazil.

Đồng nhân dân tệ cũng vượt mặt đồng USD trở thành đồng tiền được giao dịch nhiều nhất của Nga kể từ khi Moscow bị cô lập khỏi hệ thống tài chính toàn cầu liên quan đến chiến dịch quân sự tại Ukraine từ năm ngoái.

Argentina hôm 26-4 cũng cho biết sẽ bắt đầu thanh toán hàng nhập khẩu của Trung Quốc bằng nhân dân tệ thay vì USD. Bộ trưởng Kinh tế Argentina Sergio Massa cho rằng quyết định này nhằm ngăn dòng tiền USD chảy ra nước ngoài.

Theo Reuters, quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh quốc gia này đang có nguồn dự trữ đồng USD ở mức thấp trong khi xuất khẩu nông sản giảm mạnh do hạn hán nặng.

Dù vậy, các nhà phân tích cho rằng đồng USD khó có thể mất vị thế thống trị trên thị trường toàn cầu trong tương lai gần. Theo Reuters, tỉ lệ giao dịch thương mại trên toàn cầu bằng đồng USD trong tháng 3 là 83,7%, vượt xa so với tỉ lệ 4,5% của đồng nhân dân tệ.

(Nguồn: CafeF)

Những thảm kịch chết chóc nhất thế giới liên quan tới tà giáo

Thế giới từng chứng kiến một số vụ tự sát hoặc giết người tập thể liên quan tới giáo phái gây rúng động không kém vụ việc về “giáo phái nhịn đói” diễn ra gần đây ở Kenya.

Ít nhất 90 thi thể đã được tìm thấy trong trang trại của mục sư Kenya Paul Mackenzie. Mackenzie được cho là có hành vi "tẩy não" tín đồ, kêu gọi họ từ bỏ cuộc sống "trên thế gian" và tụ họp tại trang trại rộng 325 hecta của vị mục sư này với mục đích tuyệt thực để "gặp chúa Jesus”.

Số người chết có thể tăng thêm nữa khi Hội Chữ thập đỏ Kenya cho biết hiện còn 213 người mất tích.

Theo AP, vụ việc về “giáo phái nhịn đói” khiến nhiều người nhớ tới một số vụ người chết hàng loạt liên quan tới giáo phái trên thế giới.

Jonestown

Hơn 900 đàn ông, phụ nữ và trẻ em đã chết khi nhà thuyết giáo người Mỹ và lãnh đạo Peoples Temple Jim Jones dàn dựng nghi thức tự sát và giết người hàng loạt vào năm 1978.

Vụ việc diễn ra khi tín đồ uống loại nước nho có pha xyanua tại khu định cư biệt lập trong rừng ở Guyana. Cả thế giới biết tới vụ việc với cái tên Jonestown.

Tháng 11/1978, nghị sĩ Leo Ryan đến kiểm tra hoạt động của nhóm người này. Jim Jones lo sợ vị chính trị gia sẽ báo cáo tiêu cực về cộng đồng và phái chính phủ Mỹ đến can thiệp nên đã sai người đến tấn công đoàn người của nghị sĩ, khiến ông Ryan và 4 người khác thiệt mạng.

Jones sau đó kêu gọi 912 tín đồ sống tại khu định cư uống nước nho. Mặc dù ban đầu giới chức coi đây là tự sát hàng loạt, những người sống sót cho biết một số tín đồ bị lính canh bắn, tiêm thuốc độc hoặc ép uống nước.

Jones đã chết vì một vết thương do súng bắn vào đầu. Tuy nhiên, chưa rõ người này tự sát hay bị sát hại. Nghi thức khủng khiếp được ghi lại trên “Death Tape” - bản ghi âm trên băng cassette được cho là do Jones dàn dựng.

Waco

Năm 1993, các đặc vụ liên bang Mỹ và giáo phái Branch Davidians do David Koresh lãnh đạo đã đối đầu nhau trong suốt 51 ngày. Vụ việc kết thúc bằng trận hỏa hoạn lớn tại khu trại của nhóm tôn giáo bên ngoài Waco, Texas.

Hơn 70 tín đồ Branch Davidians, bao gồm cả thủ lĩnh Koresh, đã chết bên trong khu nhà. Giới chức xác định những tín đồ của giáo phái đã gây ra trận hỏa hoạn.

Vụ việc khởi nguồn khi các đặc vụ từ Cục Rượu, Thuốc lá và Súng tìm cách khám xét và bắt giữ những người liên quan tại Mount Carmel Center vào ngày 28/2/1993, do nghi ngờ Koresh tàng trữ vũ khí.

Đột kích thất bại châm ngòi cho cuộc đấu súng khiến 6 tín đồ và 4 đặc vụ thiệt mạng. FBI và Koresh trải qua nhiều tuần đàm phán, trong đó Koresh cho phép một số phụ nữ và trẻ em rời đi. Người này nói với các đặc vụ rằng mình “đang chờ thêm chỉ dẫn từ Chúa”.

FBI cuối cùng tấn công vào trang trại vào ngày 19/4/1993, khi các tòa nhà bị thiêu rụi. Một số tín đồ bị bắn chết, trong khi những người khác tử vong vì ngạt thở và ngạt khói. Thủ lĩnh Koresh được tìm thấy qua đời với viên đạn trên trán.

Heaven’s gate (Cổng thiên đường)

Khi giới chức ập vào biệt thự triệu USD ở Rancho Santa Fe, ngoại ô San Diego vào tháng 3/1997, họ phát hiện thi thể 39 phụ nữ và đàn ông.

Những người thiệt mạng nằm trên giường tầng, mặc quần áo đen giống hệt nhau và đi giày đen trắng. Mặt và ngực của họ được che bằng tấm vải liệm màu tím hình tam giác.

Các điều tra viên ghép nối thành vụ tự sát tập thể của giáo phái Heaven’s Gate do Marshall Applewhite lãnh đạo. Applewhite cũng nằm trong số những người tự sát.

Người này quay video nói tự sát hàng loạt là cách duy nhất để ông và các tín đồ “sơ tán” khỏi Trái Đất. Họ tính toán thời điểm cái chết trùng với sự xuất hiện của sao chổi Hale-Bopp - lời cảnh báo “cổng thiên đàng” đã đóng cửa. Applewhite nói một tàu vũ trụ sẽ theo sau sao chổi, đưa linh hồn của họ lên cấp độ tồn tại cao hơn.

Applewhite và 38 tín đồ đã uống thuốc chống động kinh phenobarbital trộn với sốt táo hoặc bánh pudding. Hầu hết cũng uống rượu vodka để tăng hiệu lực của thuốc. Họ đã buộc túi ni lông lên đầu để tự làm mình ngạt thở.

Uganda Doomsday Sect

Ban đầu, giới chức tin hơn 500 thành viên của Phong trào Khôi phục Mười Điều Răn của Chúa - giáo phái kín ở tây nam Uganda - chết trong vụ tự sát tập thể vào năm 2000. Khi đó, nhà thờ của họ bị cháy và họ bị thiêu sống.

Tuy nhiên, giới chức sau đó tìm thấy 6 thi thể người đàn ông với những vết đâm và có bằng chứng bị siết cổ. Họ chuyển hướng sang điều tra giết người hàng loạt.

Các thi thể cũng được phát hiện trong những ngôi mộ tập thể ở nhiều địa điểm khác nhau. Kết luận, hơn 700 người đã chết trong các vụ thảm sát của giáo phái Kanungu.

Thủ lĩnh giáo phái Joseph Kibweteere được cho là đã thuyết phục các tín đồ thú nhận tội lỗi và bán tài sản chuẩn bị cho ngày tận thế 1/1/2000. Khi “ngày tận thế” không xảy ra, các tín đồ mất niềm tin. Kibweteere sau đó chọn “ngày tận thế” mới là 17/3.

Tại bữa tiệc, các tín đồ ăn thịt và uống coca. Sau đó, hỏa hoạn xảy ra khiến 530 người chết. Giới chức phát hiện cửa sổ và cửa ra vào bị bịt kín ngăn mọi người chạy thoát.

Điều tra viên cũng nghi ngờ giới lãnh đạo của giáo phái này giết hàng trăm tín đồ tại nhiều địa điểm khác nhau bằng cách đầu độc họ. Không ai chịu trách nhiệm cho vụ việc, và Kibweteere biến mất vào ngày vụ cháy nhà thờ xảy ra.

(Nguồn: Zing News)

Cuộc đua trong ngành thiết bị sản xuất chất bán dẫn đang 'nóng' lên

Trang mạng eastasiaforum.org vừa có bài viết nhận định các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với công nghệ sản xuất bán dẫn đã được mở rộng, sau khi Mỹ, Nhật Bản và Hà Lan kết thúc các cuộc đàm phán song phương vào tháng Ba.

Theo bài báo, đây mới chỉ là bước khởi đầu. Chính phủ Mỹ đang chuẩn bị thắt chặt hơn nữa các biện pháp kiểm soát xuất khẩu theo khuyến nghị nêu trong báo cáo mới nhất của Ủy ban An ninh Quốc gia về Trí tuệ nhân tạo (AI).
Cục Công nghiệp và An ninh thuộc Bộ Thương mại Mỹ hồi đầu tháng 10/2022 đã ban hành các quy định mới, dự kiến đối mặt với nhiều ý kiến phản đối từ các nhà sản xuất thiết bị bán dẫn. Mặc dù phía chính phủ khẳng định các biện pháp được thiết kế để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp Mỹ và đảm bảo an ninh quốc gia, song giới quan sát nhận định các quy định này phản ánh sự cạnh tranh ngày một gay gắt trong ngành công nghiệp thiết bị sản xuất chất bán dẫn toàn cầu.
Theo số liệu năm 2019, Mỹ chiếm 17% tổng xuất khẩu thiết bị sản xuất chất bán dẫn toàn cầu, xếp sau Nhật Bản (28%), và theo sát là Hà Lan (17%), Singapore (10%) và Hàn Quốc (10%). Mỹ chiếm ưu thế trong quy trình thiết kế vi mạch, nhưng phải đối mặt với sự cạnh tranh từ Hà Lan và Nhật Bản trong quy trình sản xuất vi mạch. Mỹ cũng không có thị phần đáng kể trong quy trình thử nghiệm và đóng gói vi mạch.
Bản chất cạnh tranh của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đặc biệt nổi bật trong thiết bị in thạch bản. Công ty Hà Lan ASML Holding NV đang thống trị thị trường này với kim ngạch xuất khẩu trị giá 11,8 tỷ USD vào năm 2022. Dự kiến ASML sẽ ghi nhận tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 10% và đạt kim ngạch sản xuất 18 tỷ USD vào năm 2025.
Các động thái hiện tại nhằm ngăn cản Hà Lan và Nhật Bản xuất khẩu thiết bị bán dẫn sang Trung Quốc cũng có thể dẫn đến những biến động về thị phần, tùy thuộc vào biện pháp kiểm soát xuất khẩu nào được thực hiện. Sau nhiều tháng cân nhắc trong các cuộc đàm phán với Mỹ, ASML thông báo sẽ ngăn chặn việc bán các mẫu thiết bị bán dẫn cụ thể cho một quốc gia giấu tên.
Về phần mình, Nhật Bản đã bày tỏ ý định tham gia kiểm soát xuất khẩu, công bố các cơ chế kiểm soát xuất khẩu từ tháng Ba vừa qua. Tùy thuộc vào cách Nhật Bản thực hiện các biện pháp hạn chế xuất khẩu, các công ty Canon và Nikon của nước này có thể tìm cách khôi phục hoạt động kinh doanh in thạch bản của họ. Các công ty này từng phát triển rất mạnh trên thị trường này, nhưng đã mất đi ưu thế khi họ tập trung phát triển ống kính máy ảnh.

(Nguồn: Báo Tin Tức)

Ukraine hoàn tất chuẩn bị phản kích, Nga lên án Mỹ

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov tuyên bố, các lực lượng vũ trang nước này đang hoàn tất quá trình chuẩn bị cho một chiến dịch phản kích quân Nga.

Phát biểu tại một cuộc họp báo trực tuyến hôm nay (28/4), ông Reznikov cho biết: “Công tác chuẩn bị cho chiến dịch phản công sắp kết thúc. Nói cách khác, chúng tôi đã ở tư thế sẵn sàng cao độ. Vấn đề tiếp theo tùy thuộc vào Bộ Tổng tham mưu ... Khi ý trời, thời tiết và cấp chỉ huy quyết định, chúng tôi sẽ hành động”.

Theo CNN, khi được hỏi liệu Kiev đã nhận được các vũ khí mà các đồng minh quốc tế hứa hẹn chuyển giao hay chưa, lãnh đạo Bộ Quốc phòng Ukraine nói, đất nước của ông đã nhận được các xe tăng chiến đấu Leopard 2 và Challenger, cũng như đang chờ nhận các xe tăng Leopard 1 “muộn hơn một chút”.

Ông Reznikov tiết lộ, các xe tăng Abrams do Mỹ sản xuất sẽ không đến kịp để tham gia cuộc phản kích, nhưng các binh sĩ Ukraine đang được huấn luyện sử dụng loại khí tài hiện đại này.

Ông Reznikov lưu ý, quân đội Ukraine đang có trong tay một lượng lớn xe bọc thép thuộc các loại khác nhau do các nước viện trợ, kể cả những mẫu xe chiến đấu bộ binh Bradley (Mỹ), Marder (Đức) và CV90 (Thụy Điển) cũng như xe thiết giáp bánh lốp Stryker (Canada). Các lực lượng Kiev đã hoàn thành những khóa đào tạo sử dụng các phương tiện này.

Moscow lên án Mỹ trợ giúp Ukraine

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 28/4 cáo buộc Mỹ đang “trực tiếp góp phần” làm người Nga thiệt mạng bằng cách viện trợ quân sự và tài chính cho Ukraine. Tuyên bố của bà Zakharova nhằm đáp trả phát biểu trước đó của Đại sứ Mỹ tại Moscow Lynne Tracy trên tờ Kommersant rằng Washington “không coi người Nga là kẻ thù”.

Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nga cũng cáo buộc Mỹ đã đứng sau dàn dựng một cuộc đảo chính năm 2014, giúp đưa những người thân phương Tây lên nắm quyền ở Kiev.

Mỹ đã áp nhiều biện pháp trừng phạt với Nga sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi cuối tháng 2/2022. Washington và nhiều nước thành viên NATO khác cũng cung cấp các khí tài hạng nặng, bao gồm cả xe tăng và các khẩu pháo, cũng như chia sẻ thông tin tình báo với Kiev.

Giới chức Nga cảnh báo, viện trợ quân sự khiến Mỹ và NATO thực sự trở thành bên tham gia trực tiếp vào xung đột. Moscow cũng nhiều lần buộc tội các lực lượng Kiev đã sử dụng những vũ khí do Mỹ chế tạo như hệ thống pháo phản lực cơ động cao HIMARS và lựu pháo M777 để tấn công dân thường. Các quan chức Ukraine đã bác bỏ điều này.

(Nguồn: Vietnamnet)

Nga gia tăng không kích tại Ukraine

Làn sóng không kích của Nga vào các thành phố trên khắp Ukraine, bao gồm cả thủ đô Kyiv, đã khiến ít nhất 19 người thiệt mạng.

Ukraine nói 17 người, trong đó có một trẻ em, đã thiệt mạng trong vụ tấn công nhằm vào một dãy căn hộ ở trung tâm thành phố Uman.

Bộ Quốc phòng Nga nói quân đội nước này đã tấn công các đơn vị dự bị Ukraine.

Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Zelensky nói các cuộc tấn công cho thấy cần có thêm hành động quốc tế chống lại Nga.

"Cái ác có thể bị ngăn chặn bằng vũ khí - những người bảo vệ chúng ta đang làm điều đó. Và nó có thể bị ngăn chặn bằng các biện pháp trừng phạt - các biện pháp trừng phạt toàn cầu phải được tăng cường", ông viết trên Twitter.

21 trong số 23 tên lửa và 2 máy bay không người lái của Nga đã bị hệ thống phòng không của Ukraine bắn hạ, Kyiv nói.

Các cuộc tấn công diễn ra trong khi Ukraine cho biết sẵn sàng tiến hành một cuộc tấn công quân sự với các thiết bị mới, bao gồm cả xe tăng, do các đồng minh phương Tây cung cấp.

Nga đã trải qua trận chiến kéo dài 10 tháng để giành quyền kiểm soát thành phố quan trọng chiến lược Bakhmut.

Moscow trước đây đã nói không cố ý nhắm mục tiêu vào thường dân, nhưng hàng ngàn người đã bị thương và thiệt mạng trên khắp Ukraine kể từ cuộc xâm lược của Nga.

(Nguồn: BBC)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang