Mỹ: 'Vũ khí bí mật' của Trump; Cử tri Dân chủ quay xe; Gặp nguy áp thuế hàng TQ; Bức tường tên lửa; Chuyển vũ khí Iran cho Ukraine

BÀ MELANIA SẼ TRỞ THÀNH 'VŨ KHÍ BÍ MẬT' CỦA ÔNG TRUMP

Chiến dịch của Trump coi bà Melania là "vũ khí bí mật", trở thành tiếng nói nhẹ nhàng, ôn hòa để hỗ trợ chồng chạy đua vào Nhà Trắng.

Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ cùng vợ Melania tham gia sự kiện gây quỹ được tổ chức tại Mar-a-Lago, bang Florida, vào ngày 20/4. Nguồn thạo tin từ chiến dịch tranh cử của Trump cho biết sự kiện này nhằm đưa bà Melania trở thành tâm điểm chú ý về phong thái nữ tính, đối lập với phong cách khô khan của cựu tổng thống.

"Chiến dịch tranh cử của ông Trump nhận ra bà Melania là vũ khí bí mật. Sức hút của bà rất quan trọng để giành chiến thắng ở các bang chiến trường và thuyết phục những cử tri còn do dự", nguồn thạo tin nói.

Hank Sheinkopf, chiến lược gia đảng Dân chủ, cũng nhận định đây mới chỉ là bước khởi đầu khi chiến dịch Trump sử dụng những gương mặt, giọng nói nhẹ nhàng hơn làm đại diện.

"Họ đang đem tới bức tranh đa dạng hơn, cố làm cho cử tri cảm thấy thoải mái", ông Sheinkopf nói.

Caroline Wren, nhà gây quỹ của đảng Cộng hòa, cho biết phu nhân Melania tự tỏa ra sức hút.

"Trước khi đăng ký, mọi người sẽ hỏi tôi liệu phu nhân Melania có tham gia buổi gây quỹ hay không. Mọi người thực sự yêu thích bà ấy. Bà ấy là tài sản lớn của chiến dịch và cho cả việc gây quỹ", bà Wren nói.

Trước đó, việc bà Melania vắng bóng trong các sự kiện quan trọng của chồng đã gây nhiều đồn đoán trong dư luận. Tuy nhiên, cựu đệ nhất phu nhân Mỹ hôm 19/3 đã cùng ông Trump bỏ phiếu sơ bộ ở bang Florida và nói với các phóng viên hãy dõi theo những lần xuất hiện sắp tới của bà.

Nguồn thạo tin cho biết dù trước đó không xuất hiện trước công chúng, bà Melania vẫn hỗ trợ tích cực cuộc đua vào Nhà Trắng của chồng.

"Đó là cuộc hôn nhân thật sự và bà Melania là người ủng hộ ông Trump nhiều nhất, đặt niềm tin vào chồng. Hai người họ cũng muốn công chúng thấy điều đó", nguồn tin nói.

"Liệu bà ấy có thể tác động tới cuộc bầu cử không ư? Thời điểm này, bất cứ điều gì cũng có thể", chiến lược gia Sheinkopf nhận xét về bà Melania.

ĐẢNG DÂN CHỦ LÂM NGUY KHI CỬ TRI QUAY LƯNG ỦNG HỘ ĐẢNG CỘNG HÒA

Nhiều cử tri Mỹ chuyển sang ủng hộ đảng Cộng hòa, giúp đảng của cựu Tổng thống Donald Trump thu hẹp khoảng cách với đảng Dân chủ của Tổng thống Joe Biden, nhất là trong số cử tri gốc Tây Ban Nha.

Trong thời gian chuẩn bị cho cuộc bầu cử năm 2020, có nhiều cử tri trên khắp nước Mỹ được xác định là ủng hộ đảng Dân chủ hơn đảng Cộng hòa. Nhưng 4 năm sau nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden, khoảng cách đó đã thu hẹp lại và tỷ lệ ủng hộ của cử tri Mỹ đối với hai đảng này gần như ngang nhau.

Theo một báo cáo mới từ Trung tâm Nghiên cứu Pew, đảng Cộng hòa đã đạt được những lợi ích đáng kể trong số cử tri không có bằng đại học, cử tri nông thôn và cử tri theo đạo Tin lành da trắng.

Đồng thời, đảng Dân chủ đã nắm giữ được nhóm cử tri quan trọng, chẳng hạn như cử tri da màu, cử tri trẻ tuổi, đồng thời giành được chỗ đứng với các cử tri có trình độ đại học.

Báo cáo đưa ra một góc nhìn về cách cử tri thay đổi sự ủng hộ đảng phái đã diễn ra như thế nào trong 3 thập kỷ qua. Carroll Doherty, Giám đốc nghiên cứu chính trị tại Pew, cho biết: "Đảng Dân chủ và Cộng hòa luôn rất khác nhau về mặt nhân khẩu học, nhưng giờ đây họ khác biệt hơn bao giờ hết".

Ý nghĩa của xu hướng này, vốn cũng được thể hiện trong dữ liệu đăng ký đảng của các cử tri mới, vẫn chưa chắc chắn, vì đảng phái của cử tri không phải lúc nào cũng dự đoán được họ sẽ chọn ai trong cuộc bầu cử. Nhưng các mô hình liên kết đảng phái thực sự đưa ra manh mối giúp hiểu được các liên minh đang thay đổi trong 1/4 thế kỷ qua đã định hình kết quả các cuộc bầu cử gần đây như thế nào.

Dưới thời chính quyền Tổng thống Trump, liên minh đảng Dân chủ ngày càng lớn mạnh, giúp mang về những chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ 2018 và chiến thắng cho Tổng thống Biden vào năm 2020.

Đảng Cộng hòa từ lâu đã phải vật lộn với thực tế là nhìn chung có ít cử tri Mỹ theo đảng này hơn là đảng Dân chủ.

Sau khi ông Barack Obama đắc cử tổng thống năm 2012, đảng Cộng hòa đưa ra báo cáo kết luận rằng, để thành công trong các cuộc bầu cử trong tương lai, đảng này cần phải mở rộng phạm vi của mình để thu hút các cử tri da màu và gốc Tây Ban Nha.

12 năm sau, đảng Cộng hòa đã ghi nhiều điểm hơn đối với cử tri nói tiếng Tây Ban Nha, nhưng việc thu hẹp khoảng cách với đảng Dân chủ chủ yếu do thu hút thêm được cử tri từ tầng lớp lao động da trắng và vùng nông thôn.

Trong khi đó theo kết quả thăm dò dư luận của Reuters/Ipsos được công bố cùng ngày, Tổng thống Biden đã nới rộng khoảng cách dẫn trước đối thủ Donald Trump của đảng Cộng hòa trước thềm cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới.

Cụ thể, khoảng 41% số cử tri tham gia cuộc thăm dò ý kiến kéo dài 5 ngày (kết thúc vào ngày 9/4) cho biết họ sẽ bỏ phiếu cho ông Biden nếu cuộc bầu cử được tổ chức vào thời điểm họ trả lời khảo sát. Con số này đối với cựu Tổng thống Trump là 37%.

Kết quả thăm dò cũng cho thấy nhiều cử tri vẫn chưa đưa ra lựa chọn cuối cùng.

ÁP THUẾ CAO LÊN HÀNG NHẬP KHẨU TRUNG QUỐC, MỸ NGUY CƠ BỊ PHẢN ĐÒN

Mức thuế cao đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có thể thay đổi cơ cấu thương mại của Mỹ và khiến một số mặt hàng tiêu dùng trở nên đắt đỏ hơn.

Bài viết thể hiện quan điểm của Peter Morici – nhà kinh tế học và giáo sư danh dự tại Đại học Maryland.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề xuất mức thuế 60% đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc nếu ông tái đắc cử vào tháng 11 này. Tuy nhiên, một lệnh trừng phạt cực đoan như vậy sẽ không xóa bỏ được thương mại của Mỹ với Trung Quốc mà thậm chí còn ảnh hưởng sâu sắc đến mức độ thâm hụt thương mại của Mỹ. Nó cũng có thể thay đổi cơ cấu thương mại của Mỹ và khiến một số mặt hàng tiêu dùng trở nên đắt đỏ hơn.

Mức thuế 60% đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc sẽ khiến Mỹ chuyển sang mua hàng của các nước khác. Nhưng điều này sẽ khó xóa bỏ được thâm hụt thương mại. Đơn cử, Trung Quốc là nhà cung cấp chính các tuabin gió, pin, lithium và khoáng sản đất hiếm. Allianz ước tính Trung Quốc là nhà cung cấp quan trọng của Mỹ đối với 276 loại hàng hóa.

Để đối phó với mối đe dọa thuế quan, các doanh nghiệp Mỹ đang nhập khẩu nhiều hơn từ Mexico và Việt Nam, do đó, các quốc gia này đang tìm nguồn cung ứng nhiều linh kiện hơn từ Trung Quốc. Elon Musk đang khuyến khích các nhà sản xuất phụ tùng Trung Quốc đặt cơ sở gần nhà máy mới của Tesla ở Mexico. Còn hãng sản xuất xe điện Trung Quốc BYD cũng đang xem xét xây dựng một nhà máy ở Mexico để lách thuế quan của Mỹ.

Người Mỹ đã phải trả nhiều tiền hơn cho hàng hóa có nguồn gốc từ Trung Quốc. Ông Trump tăng mức thuế trung bình theo trọng số thương mại đối với hàng nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc lên khoảng 12% và tăng giá đối với tất cả hàng hóa và dịch vụ cuối lên khoảng 1,3%.

Hậu quả lạm phát của mức thuế 60% lên giá cả – nếu được áp dụng – sẽ gấp khoảng 5 lần. Các nhà sản xuất Mỹ sử dụng linh kiện Trung Quốc sẽ gặp bất lợi trước các nhà sản xuất nước ngoài ở cả thị trường Mỹ và thị trường xuất khẩu. Việc tăng giá một lần sẽ làm giảm mức sống của người Mỹ và có thể gây ra vòng xoáy giá cả – tiền lương khi người lao động tìm cách bù đắp cho mức giảm thu nhập thực tế.

Bất kỳ ai làm tổng thống cũng sẽ phải đối mặt với áp lực hạn chế nhập khẩu từ Trung Quốc, vì Trung Quốc đang tìm cách củng cố nền kinh tế trong nước bởi thúc đẩy xuất khẩu. Kể từ khi đạt đỉnh 22% vào năm 2017, tỷ trọng hàng nhập khẩu từ Mỹ của Trung Quốc đã giảm xuống còn 14% và có thể sẽ tiếp tục giảm.

Những rắc rối với Trung Quốc đã tạo ra một chiến trường thực sự ở các thị trường đang phát triển nhanh chóng ở Đông Nam Á và Ấn Độ. Có khả năng, Mỹ có thể tăng xuất khẩu và thay thế các nhà cung cấp Trung Quốc bằng cách đầu tư mạnh mẽ hơn vào 2 thị trường này.

Hợp tác với châu Âu và Nhật Bản để phát triển các nguồn nguyên liệu quan trọng mới, như chính quyền Tổng thống Biden đang theo đuổi, cũng rất quan trọng. Thay vào đó, các cố vấn thương mại của ông Trump đang suy tính các biện pháp bảo hộ mới chống lại thương mại của EU.

Hiện tại, tổng nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của Mỹ từ Trung Quốc vượt xuất khẩu với tỷ lệ 2,8:1. Để thu hẹp khoảng cách này, Mỹ nên ra quy định yêu cầu giấy phép nhập khẩu từ Trung Quốc, cấp giấy phép theo đấu thầu, và giảm tỷ lệ này theo từng quý cho đến khi đạt mức 1,0 sau 4 năm.

Tuy nhiên, việc này sẽ không giải quyết được vấn đề các nhà máy Trung Quốc chuyển sang nước thứ ba hoặc các linh kiện của Trung Quốc được chuyển đến và lắp ráp ở nước thứ ba. Để giảm bớt sự phụ thuộc của Mỹ vào Trung Quốc một cách hoàn toàn hơn, Mỹ sẽ phải đánh thuế các thành phần của Trung Quốc có trong hàng nhập khẩu của nước thứ ba hoặc hạn chế hàm lượng của Trung Quốc thông qua các quy định.

MỸ LÊN KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI “BỨC TƯỜNG TÊN LỬA” Ở CHÂU Á - THÁI BÌNH DƯƠNG

Mỹ sẽ triển khai hệ thống tên lửa tầm trung mới ở châu Á - Thái Bình Dương vào cuối năm 2024.

Tờ The South China Morning Post ngày 9-4 dẫn lời Tướng Charles Flynn, Tư lệnh lục quân Thái Bình Dương của Mỹ, cho biết Washington chuẩn bị triển khai hệ thống phóng tên lửa tầm trung mới trước cuối năm nay.

Các chuyên gia suy đoán hệ thống này có thể là hệ thống bệ phóng tên lửa mặt đất Typhon mà quân đội Mỹ phát triển từ năm ngoái. Hệ thống Typhon được cho là có thể ứng phó các mối đe dọa từ Triều Tiên và Trung Quốc.

Một nhà phân tích nghĩ rằng việc triển khai hệ thống này tới châu Á - Thái Bình Dương có thể là một phần của quá trình thử nghiệm và đào tạo.

Ông Garren Mulloy, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Trường ĐH Daito Bunka của Nhật Bản, cho biết: "Có rất ít dữ liệu về hệ thống Typhon và tôi nghĩ đây là một phần trong tiến trình phát triển".

Theo giáo sư Mulloy, "các hệ thống mới thường hoạt động tốt trên các phạm vi thử nghiệm ở sa mạc ở Mỹ, khi mà không bị ảnh hưởng bởi khí hậu hàng hải, độ ẩm cao của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Quân đội Mỹ sẽ muốn xem hệ thống hoạt động như thế nào trong nhiều điều kiện thử nghiệm và bắt đầu huấn luyện các đơn vị vận hành".

Giáo sư Mulloy nhận định việc triển khai một hệ thống vũ khí mới có năng lực ở Tây Thái Bình Dương khó có thể bị các đối thủ của Washington trong khu vực bỏ qua. Trung Quốc, Nga và Triều Tiên đều có khả năng bày tỏ lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang ngày càng gia tăng trong khu vực.

"Việc triển khai có thể gặp khó khăn xét vì liên quan đến các hiệp ước kiểm soát vũ khí đã được ký kết" – ông Mulloy giải thích. Hơn nữa, theo ông Mulloy, Nga "rõ ràng là không ở xa và Moscow cực kỳ nhạy cảm với bất kỳ công nghệ quân sự nào" ở gần, bao gồm cả ở Nhật Bản.

Thông tin Mỹ chuẩn bị triển khai bệ phóng tên lửa tầm trung mới trong khu vực lần đầu tiên xuất hiện vào tháng 11-2023. Phát biểu tại Diễn đàn An ninh Quốc tế Halifax ở Canada hồi năm ngoái, Tướng Charles Flynn cho biết Mỹ sẽ triển khai các tên lửa tầm trung và tầm xa, trong đó có Tomahawk và SM-6, đến khu vực Thái Bình Dương trong năm 2024.

Ông Flynn nhắc lại cam kết đó trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Nhật Bản ở thủ đô Tokyo giữa tuần trước, nhưng không tiết lộ mốc thời gian.

Báo Asahi ngày 4-4 dẫn nguồn tin từ chính phủ Mỹ xác nhận đây là hệ thống bệ phóng tên lửa mặt đất Typhon. Ban đầu, các khẩu đội sẽ được đặt tại đảo Guam, sau đó sẽ được triển khai tới Nhật Bản để huấn luyện.

Một đơn vị Typhon bao gồm trung tâm điều hành di động, tối đa 4 bệ phóng di động tự động, phương tiện hỗ trợ.

Các bệ phóng được thiết kế để phóng tên lửa tiêu chuẩn-6 (SM-6), có thể nhắm mục tiêu vào máy bay hoặc tên lửa đối phương, hoạt động như một vũ khí chống hạm tốc độ cao hoặc tên lửa hành trình Tomahawk.

Tên lửa hành trình Tomahawk có tầm bắn vào khoảng 1.600 km.

MỸ TỊCH THU VŨ KHÍ IRAN ĐỂ CHUYỂN CHO UKRAINE

Quân đội Mỹ hôm 9/4 cho biết nước này đã chuyển cho Ukraine hàng nghìn vũ khí bộ binh và hơn 500.000 viên đạn bị thu giữ từ hơn một năm trước khi Iran vận chuyển chúng cho lực lượng Houthi ở Yemen, theo Reuters.

Các vũ khí này được đưa đi hồi tuần trước, là khoản hỗ trợ quân sự mới nhất mà chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cung cấp cho Kyiv trong cuộc chiến giành lại lãnh thổ bị Nga chiếm đóng.

Với việc lực lượng Ukraine sắp cạn kiệt vũ khí và đạn dược, đặc biệt là đạn pháo hạng nặng, Mỹ và các đồng minh đang tìm kiếm những cách mới để trang bị vũ khí cho Kyiv.

Số vũ khí được Mỹ chuyển đến Kyiv hôm 4/4 “đủ trang bị” cho một lữ đoàn Ukraine, Bộ Tư lệnh Trung tâm Hoa Kỳ (CENTCOM) cho hay trong một tuyên bố đăng trên mạng xã hội X.

Một lữ đoàn bộ binh thường bao gồm 3.500 đến 4.000 quân, nhưng không rõ con số chính xác.

Phái bộ thường trực của Iran tại Liên Hiệp Quốc nói: “Chúng tôi không thể bình luận về các vũ khí và khí giới chưa bao giờ thuộc về chúng tôi”.

CENTCOM cho biết các vũ khí này bao gồm hơn 5.000 súng trường tấn công AK-47, súng máy, súng bắn tỉa và đạn chống tăng phản lực cùng hơn 500.000 viên đạn.

Số đạn này bị thu từ 4 con tàu “không quốc tịch” bị tàu hải quân Hoa Kỳ và tàu của các lực lượng đối tác chặn lại - không rõ là lực lượng của những nước nào - trong khoảng thời gian từ ngày 22/5/2021 đến ngày 15/2/2023, CENTCOM cho hay.

Vẫn theo CENTCOM, số vũ khí này được Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran chuyển đến lực lượng Houthi.

Nguồn: Vnexpress; Dân Trí; CafeF; Soha; VOA

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang