Mỹ: Đám cưới dưới nhật thực; Thị trường việc làm 'nóng bỏng'; Biden bị đe dọa vị thế; Trump bị lộ kế hoạch, thu hút cử tri Dân chủ

DỊCH VỤ ĐÁM CƯỚI DƯỚI NHẬT THỰC NỞ RỘ Ở MỸ

Nhiều cặp đôi Mỹ quyết định kết hôn trong dịp nhật thực toàn phần và một số thành phố còn tổ chức đám cưới tập thể.

Zach Horrall và hôn phu Corlan McCollum đính hôn hai năm trước, chưa làm đám cưới bởi muốn tổ chức ngày trọng đại trong một sự kiện lớn. Cặp đôi sống tại Indianapolis, bang Indiana, ban đầu định tổ chức vào dịp Halloween. Nhưng khi biết địa phương chuẩn bị đón nhật thực toàn phần, họ đã thay đổi kế hoạch.

Horrall và McCollum quyết định tổ chức đám cưới ngoài trời, kéo dài 3 phút 45 giây. Cặp đôi đồng tính nam hy vọng 75 khách mời sẽ chú ý đến nhật thực nhiều hơn là đến họ.

"Chúng tôi sẽ bớt được một chút áp lực", Horrall, 27 tuổi, nói. "Bởi mời mọi người dự đám cưới cũng là mời ngắm nhật thực, họ sẽ không chỉ tập trung vào chúng tôi".

Nhật thực toàn phần sẽ xảy ra vào đầu giờ chiều 8/4 (rạng sáng 9/4 giờ Hà Nội), bao trùm nhiều vùng tại Bắc Mỹ. Trong thời gian này, nhiệt độ sẽ giảm và các ngôi sao hiện rõ.

Horrall và McCollum yêu cầu khách mời mặc nguyên cây đen hoặc trắng theo chủ đề nhật thực. Hai người không phải cặp đôi duy nhất ở Mỹ lên kế hoạch tổ chức đám cưới vào ngày này. Một số thành phố Mỹ còn tổ chức đám cưới tập thể.

Một trong những sự kiện lớn nhất là đám cưới tập thể được lên kế hoạch từ tháng 7/2023 ở Russellville, bang Arkansas, thu hút 332 cặp đôi đăng ký. Đây là một phần của lễ hội "Ngày Nhật thực Trái tim" kéo dài ba ngày của thành phố. Ngoài vé vào lễ hội và lệ phí đăng ký kết hôn, các cặp đôi được miễn chi phí tổ chức đám cưới.

Demari, 39 tuổi, và Maxey, 34 tuổi, sống ở Memphis, Tennessee, đang cảm thấy căng thẳng khi lên kế hoạch làm đám cưới thì bắt gặp quảng cáo về sự kiện này trên Facebook. Họ quyết định đến Russellville tham gia.

"Tôi và chồng là những người yêu thích thiên văn học. Tôi rất mong chờ đám cưới, hy vọng nhật thực sẽ đem lại nguồn năng lượng và cảm xúc lớn cho chúng tôi", Maxey nói.

Thị trấn Tiffin, bang Ohio, cũng sẽ tổ chức đám cưới tập thể miễn phí, thu hút 150 cặp đôi trên toàn quốc. "10% là dân địa phương, còn lại là các cặp đôi ở những nơi khác. Tổng quãng đường họ di chuyển đến thị trấn để kết hôn ước tính 26.700 km", Bryce Riggs, quan chức thị trấn, nói.

Thành phố Akron, bang Ohio, lại quyết định tổ chức đám cưới nhật thực khác biệt đôi chút. Tòa án thành phố sẽ tổ chức sự kiện, với thẩm phán David Hamilton chủ trì. Đám cưới miễn phí, nhưng sẽ chỉ dành cho những cặp đôi chiến thắng trong cuộc thi viết luận của tòa án.

"Sẽ là một ngày tuyệt vời, nhiều thành viên gia đình được nghỉ nên có thể đến dự", Kylie Thanasiu và chồng là Timmy Bryan, một trong những cặp đôi chiến thắng cuộc thi, nói. Trường học và nhiều doanh nghiệp ở Akron sẽ đóng cửa vì nhật thực.

Ngày 8/4 rơi vào thứ hai, vốn không phải ngày nhiều người chọn làm đám cưới, nhưng vẫn có gần 750 đám cưới dự kiến diễn ra ở Mỹ, theo website thống kê Knot. Trong khi đó, vào thứ hai ngày 10/4/2023, trang này ghi nhận 360 hôn lễ.

Jim Cross, 67 tuổi, tư vấn viên nghỉ hưu ở Homosassa, Florida, cầu hôn Michelle Cross, 55 tuổi, hồi tháng 8/2017. Là người đam mê vũ trụ học, ông Cross biết trước ngày nhật thực toàn phần và quyết định 8/4 sẽ là ngày trọng đại.

"Tôi sẽ có hai điều tôi yêu trong hôm nay, là vợ và vũ trụ. Tôi muốn tổ chức cho bà ấy một đám cưới không thể nào quên", ông nói.

FED GẶP KHÓ TRONG VẤN ĐỀ HẠ LÃI SUẤT VÌ THỊ TRƯỜNG VIỆC LÀM VẪN CÒN ‘NÓNG BỎNG’

Giới đầu tư giảm kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ hạ lãi suất vào tháng 6 tới sau khi dữ liệu mới nhất cho thấy, thị trường việc làm của nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn “nóng bỏng”.

Thị trường việc làm vẫn sôi động

Theo dữ liệu của Bộ Lao động Mỹ, công bố hôm 5-4, các công ty Mỹ trong lĩnh vực phi nông nghiệp tuyển dụng thêm 303.000 việc làm trong tháng 3. Con số này cao hơn đáng kể so với 200.000 việc làm tăng thêm theo dự báo của các nhà kinh tế và cũng cao hơn nhiều so với dữ liệu của tháng 1 và tháng 2.

Tăng trưởng việc làm đặc biệt mạnh mẽ trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, giải trí và khách sạn, xây dựng cũng như trong các công việc của chính phủ. Thu nhập và số giờ trung bình hàng tuần tiếp tục tăng trong tháng trước.

Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ trong cùng tháng giảm nhẹ xuống 3,8%, thấp hơn mức dự đoán 3,9%. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức dưới 4% trong 26 tháng liên tiếp, khoảng thời gian dài nhất kể từ cuối thập niên 1960. Nền kinh tế Mỹ đang vượt trội so với các nền kinh tế khác trên toàn cầu dù Fed đã tăng lãi suất thêm 525 điểm cơ bản kể từ tháng 3-2022 để kiềm chế lạm phát.

Dữ liệu việc làm mới nhất được đưa ra trong bối cảnh Fed đang cân nhắc thời điểm bắt đầu hạ lãi suất từ biên độ 5,25 – 5,5% hiện nay. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ bật tăng sau khi thị trường đón nhận dữ liệu việc làm do giới đầu tư giảm bớt kỳ vọng Fed sẽ giảm lãi suất 3 đợt trong năm nay. Lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm, biến động theo kỳ vọng về lãi suất, tăng 0,11 điểm phần trăm lên 4,75%.

Theo CME FedWatch, các thị trường tương lai dự đoán xác suất Fed hạ lãi suất lần đầu tiên vào tháng 6 là 50%, giảm từ mức gần 66% vào hôm 4-4.

Chứng khoán Mỹ tăng giá, với chỉ số S&P 500 đóng cửa cao hơn 1,1%, khi giới đầu tư lạc quan hơn trước sức mạnh bền bỉ của nền kinh tế Mỹ.

Theo Chris Zaccarelli, giám đốc đầu tư của Independent Advisor Alliance, dữ liệu việc làm báo hiệu “nền kinh tế Mỹ không có dấu hiệu chậm lại và chi tiêu của người tiêu dùng sẽ có thể duy trì trong thời gian tới”.

Số liệu việc làm tích cực mang lại động lực cho Tổng thống Joe Biden khi ông chuẩn bị bước vào cuộc tái tranh cử. “Báo cáo việc làm hôm nay đánh dấu một cột mốc quan trọng trong sự trở lại của nước Mỹ”, ông Biden nói.

Người đứng đầu Nhà Trắng lưu ý, nền kinh tế Mỹ đã tạo thêm hơn 15 triệu việc làm kể từ khi ông nhậm chức. Tuy nhiên, các cuộc thăm dò cho thấy, cử tri không đánh giá cao năng lực điều hành kinh tế của ông, chủ yếu là do lạm phát gia tăng trong nhiệm kỳ của ông.

Còn quá sớm để Fed hạ lãi suất

Dữ liệu việc làm tốt và số liệu lạm phát cao hơn dự kiến trong những tháng gần đây khiến Fed phát tín hiệu rằng cơ quan này sẽ không vội vàng hạ lãi suất.

Một cuộc khảo sát khác của Bộ Lao động Mỹ cho thấy, có thêm 469.000 người gia nhập lực lượng lao động Mỹ trong tháng 3. Con số đó bao gồm những người đang tìm kiếm việc làm. Các nhà kinh tế cho rằng, dữ liệu này càng củng cố khả năng Fed trì hoãn hạ lãi suất.

Trong tuần trước, Chủ tịch Fed, Jay Powell nhấn mạnh, ông cần “niềm tin lớn hơn” để lạm phát đang giảm bền vững xuống mức mục tiêu 2% của Fed trước khi giảm lãi suất. Hôm 5-4, Lorie Logan, Chủ tịch Ngân hàng dự trữ liên bang khu vực Dallas cảnh báo, rủi ro đang gia tăng khiến tiến trình giải quyết lạm phát có thể bị đình trệ. “Tôi tin rằng còn quá sớm để nghĩ đến việc cắt giảm lãi suất”, bà nói.

“Thật khó để nhìn vào báo cáo việc làm này và nói rằng nền kinh tế cần giảm lãi suất”, Dean Maki, nhà kinh tế trưởng của Point72, bình luận.

Trong khi đó, Sophie Lund-Yates, nhà phân tích chứng khoán của Công môi giới Hargreaves Lansdown cho biết, dữ liệu việc làm mới nhất cho thấy nền kinh tế Mỹ không hề giảm nhiệt. Điều này không chỉ khiến cuộc chiến chống lạm phát trở nên khó khăn hơn mà còn làm kỳ vọng Fed giảm lãi suất vào tháng 6 suy yếu.

Các chuyên gia kinh tế của của ngân hàng ING cũng đưa ra nhận định, Fed sẽ không sớm hạ giảm lãi suất khi số lượng việc làm tăng mạnh như vậy và chỉ số giá tiêu dùng cốt lõi (không bao gồm chi phí thực phẩm và năng lượng) sẽ công bố trong tuần này có thể vẫn nóng.

Fed có thể chờ đợi trước khi nới lỏng chính sách tiền tệ nhưng cũng chịu áp lực vì lạm phát cao dai dẳng. Điều này khiến việc dự đoán thời điểm tối ưu để bắt đầu giảm lãi suất trở nên khó khăn hơn nhiều. “Sức mạnh vượt trội của thị trường lao động Mỹ, lạm phát dai dẳng và các điều kiện tài chính tiếp tục nới lỏng đã làm suy yếu xác suất Fed giảm lãi suất sớm”, Eswar Prasad, giáo sư kinh tế của Đại học Cornell nói.

BẤT NGỜ XUẤT HIỆN MỘT GƯƠNG MẶT CÓ THỂ ĐE DỌA VỊ TRÍ CỦA BIDEN

Mang họ nổi tiếng nhất trong chính trường Mỹ, Robert F. Kennedy Jr có vẻ đang trở thành mối nguy hiểm rõ ràng cho mong muốn của Tổng thống Joe Biden về nhiệm kỳ thứ hai tại Nhà Trắng.

Luật sư môi trường và nhà lý thuyết âm mưu này đang nhận được mức độ ủng hộ hai con số. Một cuộc thăm dò cho thấy ứng cử viên độc lập "RFK Jr" đang đe doạ Tổng thống Biden nhiều hơn cả đối thủ đảng Cộng hòa Donald Trump .

Đảng Dân chủ từng sợ hãi những người ngoài cuộc sau khi hai ông George W. Bush và Donald Trump giành chiến thắng với tỷ lệ sít sao năm 2000 và 2016, do hai ứng viên Al Gore và Hillary Clinton giành được số phiếu bầu đáng kể.

Donald Nieman, giáo sư và nhà phân tích chính trị tại Đại học Binghamton (Mỹ), cho biết: “Phân cực quá mạnh là lý do khiến ứng cử viên thứ ba trở thành mối đe dọa vào thời điểm này”.

"Chỉ có 6 hoặc 7 bang thực sự cạnh tranh và một số bang trong đó sẽ được quyết định chỉ với 10 - 20.000 phiếu. Vì vậy, bất cứ điều gì khiến một nhóm cử tri đáng tin cậy quay lưng có thể là yếu tố quyết định", ông Nieman cho biết.

Sự nổi tiếng của Kennedy giúp ông thu hút trung bình khoảng 10% ủng hộ trong các cuộc thăm dò bầu cử, làm phức tạp thêm chiến lược của Tổng thống Biden khi ông đang muốn cuộc bầu cử vào tháng 11 là cuộc đua song mã với đối thủ Trump.

Ông Kennedy là người hoài nghi về vắc xin và bị cho là đã truyền bá thông tin sai lệch hạ thấp vụ nổi loạn ở Đồi Capitol năm 2021. Ông khẳng định đã có đủ sự ủng hộ để cạnh tranh ở 6 tiểu bang và đặt mục tiêu thu hút được 1 triệu chữ ký để đủ điều kiện ở tất cả 50 bang.

“Kennedy trở thành mối đe dọa thực sự đối với nhóm vận động tranh cử của ông Biden tại các bang dao động chủ chốt. Ông ấy lấy phiếu thực sự tốt từ nhóm cử tri độc lập và trẻ tuổi, những người có truyền thống ủng hộ ông Biden”, Charlie Kolean, chiến lược gia trưởng của hãng tư vấn chính trị RED PAC, cho biết.

Ủy ban quốc gia của đảng Dân chủ đang nỗ lực ngăn cản ông Kennedy, bằng cách đưa bảng quảng cáo di động đến gần những nơi ông vận động và thực hiện những hành động pháp lý để cản chân ứng viên này.

Doanh nhân Ross Perot, một người theo đường lối bảo thủ, trở thành một trong những lá bài ẩn thành công nhất trong lịch sử Mỹ, thu về 19% phiếu bầu trong cuộc bầu cử năm 1992, khiến ông George HW Bush không thể thắng đối thủ Bill Clinton.

Những quan điểm kiểu thuyết âm mưu của Kennedy và việc ông phản đối viện trợ cho Ukraine từng khiến ứng viên này trở thành người được yêu thích trong phong trào "Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại" (MAGA) của ông Trump. Tuy nhiên, ông Trump đã bác bỏ quan điểm cho rằng Kennedy có thể là một Perot khác.

"Anh ấy là đối thủ chính trị của Joe Biden , không phải của tôi. Tôi thích việc anh ấy tranh cử!", ông Trump viết trong bài đăng gần đây trên mạng xã hội Truth Social.

Ông Kennedy, 70 tuổi, bắt đầu tranh cử vào Nhà Trắng với tư cách là thành viên đảng Dân chủ, nhưng rời khỏi cuộc bầu cử sơ bộ sau khi phàn nàn về chiến thuật bắt nạt của các đồng minh nhằm ngăn ông tranh cử.

Keith Nahigian, một phụ tá của ông Bush trong nỗ lực thất bại trước đối thủ Clinton năm 1992, cho rằng ông Biden đã mắc "sai lầm lớn" khi xa lánh Kennedy.

Kennedy đã tìm ra cách nào đó để thu hẹp khoảng cách tài trợ, khiến các thành viên đảng Dân chủ lo lắng hơn nữa, bằng cách chọn người đồng tranh cử là Nicole Shanahan, người từng là nhà tài trợ của đảng Dân chủ ở California với túi tiền dồi dào.

Nahigian mô tả Shanahan, một luật sư và nhà từ thiện, là người “rất cánh tả” và không có khả năng loại bỏ những người ủng hộ ông Trump. Tuy nhiên, ông cảnh báo các thành viên Cộng hòa và đảng Dân chủ không nên tự mãn.

“Chúng ta thấy trong vài tuần qua, cả ông Trump và ông Biden thực sự bắt đầu tấn công RFK bởi vì giờ đây họ coi ông ấy là mối đe dọa thực sự, đặc biệt là đối với ông Biden ở những bang quan trọng, nơi ông ấy có thể thua cuộc”, Nahigian nói.

TRUMP & KẾ HOẠCH ĐỂ KẾT THÚC XUNG ĐỘT NGA – UKRAINE BỊ LỘ?

Tờ The Washington Post mới đây dẫn một số nguồn tin tiết lộ kế hoạch bí mật của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump để kết thúc xung đột Nga - Ukraine.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói rằng ông có thể chấm dứt xung đột Nga - Ukraine bằng cách gây áp lực buộc Ukraine từ bỏ một số lãnh thổ, theo The Washington Post ngày 7.4 dẫn lời những người biết về kế hoạch này.

Đề xuất của cựu Tổng thống Trump bao gồm việc thúc đẩy Ukraine nhượng bộ bán đảo Crimea và vùng biên giới Donbass cho Nga, theo những người đã thảo luận về vấn đề này với ông Trump hoặc các cố vấn của ông. Họ hé lộ đề xuất này với điều kiện giấu tên vì những cuộc thảo luận liên quan là bí mật, theo The Washington Post.

Trong đó, một người thảo luận trực tiếp với ông Trump cho hay vị cựu tổng thống đã nói rằng ông nghĩ cả Nga và Ukraine đều "muốn giữ thể diện, họ muốn có một lối thoát", và rằng người dân ở những vùng của Ukraine sẽ ổn khi trở thành một phần của Nga.

Cách tiếp cận như trên của ông Trump, chưa từng được đưa tin trước đây, nếu thành sự thật có thể đảo ngược đáng kể chính sách của Tổng thống Mỹ Joe Biden, vốn nhấn mạnh đến việc hạn chế sự gây hấn của Nga và cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine.

Bà Emma Ashford, thành viên cấp cao tại Trung tâm Stimson (Mỹ), một tổ chức nghiên cứu phi đảng phái, cho rằng việc trao đổi lãnh thổ lấy lệnh ngừng bắn sẽ khiến Ukraine rơi vào tình thế tồi tệ hơn nếu không có sự đảm bảo rằng Nga sẽ không tái vũ trang và tiếp tục các hành động quân sự ở Ukraine như trước đây. "Đó là một thỏa thuận khủng khiếp", bà Ashford nhận định về đề xuất của ông Trump, theo The Washington Post.

Chấp nhận sự kiểm soát của Nga đối với một số vùng của Ukraine sẽ mở rộng tầm ảnh hưởng của Moscow sau xung đột, theo The Washington Post. Một số người ủng hộ ông Trump đã cố gắng thuyết phục ông chống lại một kết quả như thế.

"Tôi đã dành 100% thời gian của mình để nói chuyện với ông Trump về Ukraine", Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, người từng chỉ trích ông Trump nhưng nay trở thành đồng minh, cho hay. Ông Graham nói về Tổng thống Putin: "Ông ấy phải trả giá. Ông ấy không thể giành chiến thắng khi kết thúc cuộc xung đột này".

Chiến dịch tranh cử của ông Trump từ chối trả lời trực tiếp các câu hỏi về kế hoạch trên. Phát ngôn viên chiến dịch tranh cử Karoline Leavitt nói: "Mọi suy đoán về kế hoạch của ông Trump đều đến từ những nguồn giấu tên và không biết chuyện gì đang hoặc sẽ xảy ra".

Khi tìm cách quay trở lại Nhà Trắng, ông Trump, hiện gần như chắc chắn là ứng cử viên của đảng Cộng hòa cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 5.11, từng tuyên bố ông có thể đàm phán một thỏa thuận hòa bình giữa Nga và Ukraine trong vòng 24 giờ nếu đắc cử. Tuy nhiên, ông Trump đã nhiều lần từ chối công khai làm thế nào để giải quyết nhanh chóng cuộc xung đột Nga - Ukraine, vốn đã kéo dài hơn hai năm, khiến hàng chục ngàn binh sĩ và dân thường thiệt mạng, theo The Washington Post.

Hiện chưa có thông tin về phản ứng của Nga cũng như Ukraine đối với kế hoạch trên của ông Trump. Nga trước đây tuyên bố sẽ sáp nhập đất Ukraine ngoài vùng Donbass và Crimea. Trong khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố ông sẽ không chấp nhận từ bỏ bất kỳ lãnh thổ nào.

"QUÂN BÀI" NHẬP CƯ GIÚP TRUMP THU HÚT CỬ TRI DÂN CHỦ

Ngày càng nhiều cử tri Dân chủ thất vọng trước cách Tổng thống Mỹ Joe Biden xử lý vấn đề nhập cư. Đây là "cơ hội vàng" để phe Cộng hòa giành phiếu trong cuộc bầu cử tháng 11 tới.

Bà Gracie Martinez là người gốc Latinh tại thành phố Eagle Pass, bang Texas. Bà là thành viên của đảng Dân chủ và từng bỏ phiếu cho cựu Tổng thống Barack Obama. Tuy nhiên, giờ đây bà ủng hộ ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump, chủ yếu do vấn đề biên giới.

"Thật tồi tệ. Có nhiều người và họ đang được phát thuốc men, tiền và điện thoại", bà nói với AP. Bà phàn nàn rằng những người nhập cư hợp pháp bị đối xử tồi tệ hơn thế.

Cũng tại Eagle Pass, Rudy Menchaca, chủ một quán bar, cho rằng các vấn đề ở biên giới đang ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của anh. Menchaca tuyên bố anh không ủng hộ các phát ngôn của ông Trump nhưng sẵn sàng ủng hộ cựu Tổng thống do tình hình thực tế.

"Tôi cần các binh sĩ ở quanh khi tôi kinh doanh. Những đối tượng xấu có thể đột nhập", anh nói về các binh sĩ bang Texas được điều tới biên giới.

Eagle Pass vốn là thành trì hiếm hoi của phe Dân chủ tại Texas, nơi đảng Cộng hòa chiếm ưu thế. Ảnh hưởng của ông Trump và vấn đề người nhập cư tới cử tri Dân chủ nơi đây thể hiện xu thế chung trên khắp nước Mỹ: Phe Cộng hòa đang "tấn công" đối thủ bằng một trong những quân bài hữu hiệu nhất họ đang sở hữu.

Nỗi thất vọng của cử tri

Theo một khảo sát được AP công bố hồi tháng 3, khoảng 2/3 số người Mỹ được hỏi không tán thành cách ông Biden xử lý vấn đề an ninh biên giới, bao gồm khoảng 40% đảng viên Dân chủ, 55% người da đen trưởng thành và 73% người trưởng thành gốc Latinh. Đây đều là các nhóm cử tri được ông Biden đặt nhiều kỳ vọng trong cuộc bầu cử sắp tới.

Trong khi đó, khảo sát khác gần đây của trung tâm thăm dò dư luận Pew cho thấy 45% người Mỹ coi tình hình đã ở mức "khủng hoảng", còn 32% cho rằng đây là "vấn đề lớn".

Giới chuyên gia đánh giá vấn đề nhập cư sẽ có nhiều ảnh hưởng tới bầu cử Mỹ năm nay.

"Nhập cư rõ ràng sẽ là một trong những vấn đề nổi trội, nếu không muốn nói là nổi trội nhất, trong bầu cử 2024. Ít có khả năng tình hình vượt biên sẽ dịu đi trong mùa xuân và mùa hè này, trừ khi chính quyền Biden áp đặt các biện pháp mạnh, điều họ không thể hoặc không muốn làm", ông Peter Skerry, giáo sư chính trị học tại trường Boston College, Mỹ, nói với Newsweek.

Trong những tháng còn lại, cả hai phe sẽ dành nhiều công sức để chứng minh phía đối thủ đang có chính sách sai lầm, cũng như khẳng định đảng mình sẽ đem tới giải pháp.

Ủy ban tranh cử của ông Biden mới đây khởi động chiến dịch quảng cáo trị giá 30 triệu USD nhằm vào cử tri gốc Latinh ở các bang "chiến địa". Trong chiến dịch này, đội ngũ của ông chủ Nhà Trắng sẽ sản xuất nhiều sản phẩm truyền thông nhấn mạnh những phát ngôn của ông Trump trước đây mô tả người gốc Mexico là "tội phạm".

Nhà Trắng cũng đang xem xét hàng loạt biện pháp nhằm hạn chế người nhập cư. Kể cả khi Quốc hội Mỹ không đạt được thỏa thuận lưỡng đảng, giới hành pháp vẫn mong muốn tìm cách đơn phương thực thi quy định. Dù vậy, đây không phải điều dễ dàng.

Trong khi đó, đội ngũ của ông Trump không giấu giếm thực tế rằng cựu tổng thống sẽ nhắm đến vấn đề nhập cư khi vận động tranh cử tại các bang "chiến địa".

Khi số vụ bắt giữ người nhập cư trái phép tại biên giới tây nam của Mỹ đang đạt mức kỷ lục, ông Trump gọi đây là một cuộc "xâm chiếm" do phe Dân chủ đạo diễn nhằm thay đổi tận gốc nước Mỹ. Ông Trump thậm chí cáo buộc ông Biden cho phép "tội phạm" và "đối tượng khủng bố tiềm tàng" nhập cảnh vào Mỹ mà không bị kiểm tra.

"Cơn đau đầu" của phe Dân chủ

Vấn đề biên giới có tác động lớn đến mức ngay cả những người dân ở xa biên giới cũng cảm nhận được tác động.

Các đồng minh của ông Trump, tiêu biểu là Thống đốc Texas Greg Abbott, đã lấy tiền của bang để chi trả cho các tuyến xe buýt chở hơn 100.000 người nhập cư tới các thành phố do phe Dân chủ kiểm soát như New York, Denver hay Chicago.

Lãnh đạo các thành phố này phải đau đầu giải quyết nơi ăn, chốn ở và dịch vụ chăm sóc y tế cho người nhập cư, trong khi ngân sách thành phố ngày càng trở nên eo hẹp. Bên cạnh đó, tin tức trên các phương tiện truyền thông đại chúng địa phương cũng tương đối tiêu cực: Người nhập cư bị coi là nguyên nhân của mọi vấn đề, từ tội phạm tới bệnh sởi lây lan.

Theo Newsweek, trong số những cử tri bầu cho ông Biden năm 2020, 38% ủng hộ xây tường ở biên giới giữa Mỹ và Mexico, trong khi chỉ có 34% phản đối.

"Nhiều người từng nghĩ rằng đây là điều mà các thành viên đảng Dân chủ không thể đồng ý. Tuy nhiên, nền chính trị dựa trên sự sợ hãi đã lan rộng trong dân chúng Mỹ", giáo sư Guadalupe Correa-Cabrera, chuyên gia về an ninh biên giới tại Đại học George Mason, nói với Newsweek.

"Cách vấn đề biên giới được phe bảo thủ tại Mỹ mô tả (với thành công nhất định) cũng ảnh hưởng tới phe Dân chủ. Trong khi đó, phe Dân chủ chưa thể mô tả vấn đề theo khía cạnh khác", bà nói thêm.

Về phần mình, ngày càng nhiều cử tri Dân chủ tại Eagle Pass tính đến phương án bầu cho ông Trump, dù đây không phải ứng viên họ hoàn toàn ủng hộ.

"Lựa chọn giữa ông Biden và ông Trump là điều khó khăn vì tôi là thành viên đảng Dân chủ. Tuy nhiên, tôi không thích những gì đang diễn ra xung quanh mình. Tôi không thích điều đang diễn ra ở biên giới. Tôi có thể sẽ chọn ông Trump", bà Asalia Casares, người từng bầu cho ông Biden năm 2020, chia sẻ với Reuters.

Nguồn: Vnexpress; The Saigon Times; Soha; Thanh Niên; Dân Trí

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang