Mỹ: New York rung chuyển; Chặn cuộc chiến xe điện; Biden chịu chỉ trích; Đảng CH bất đồng; Mạng lưới 'biến thể NATO' ở châu Á

NEW YORK RUNG CHUYỂN VÌ ĐỘNG ĐẤT

Tối 5/4 (theo giờ Việt Nam), một trận động đất mạnh đã làm rung chuyển khu vực đô thị đông dân cư của thành phố New York.

Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ cho biết trận động đất có độ lớn ước tính 4,7, với tâm chấn gần Lebanon, thuộc bang New Jersey.

Hiện chưa có thông báo về các thiệt hại do trận động đất này gây ra.

Theo những người dân sống tại Brooklyn, họ đã nghe thấy tiếng nổ lớn và tòa nhà rung lắc. Trong khi đó, người dân tại Baltimore, Philadelphia và các khu vực lân cận cũng cho biết họ cảm thấy mặt đất rung chuyển.

Trong bài đăng trên nền tảng X, Thống đốc bang New York Kathy Hochul cho biết cơ quan chức năng đang đánh giá tác động và mọi thiệt hại có thể xảy ra do trận động đất này.

MỸ NỖ LỰC CỨU CUỘC CHIẾN XE ĐIỆN

Mỹ và Trung Quốc trước bờ vực của "cuộc chiến" xe điện, chuyến đi của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen có thể khiến Bắc Kinh thay đổi?

Bộ trưởng Tài chính Mỹ, bà Janet Yellen sẽ đến Quảng Châu, Bắc Kinh trong một nỗ lực tháo gỡ quả “bom nổ chậm” mang tên kinh tế xanh, trọng tâm của vấn đề là cuộc chiến pháp lý giữa Trung Quốc và Mỹ liên quan đến cáo buộc trợ cấp cho ngành xe điện, pin xe điện và tấm năng lượng mặt trời.

Trước đó không lâu, Trung Quốc đã đệ đơn kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về Đạo luật giảm phát của Nhà trắng có khả năng loại Trung Quốc ra khỏi chuỗi cung ứng kinh tế xanh toàn cầu.

Bà Yellen nói với các phóng viên trước khi đến Trung Quốc: “Tôi nghĩ kỳ vọng của chúng tôi là ở cấp cao, và ngày càng ở tất cả các cấp, sẽ tiếp tục đối thoại liên tục và sâu sắc hơn. Chúng tôi đã đi quá xa vấn đề mà ít trao đổi nên hiểu lầm ngày càng gia tăng”.

Người nắm “tay hòm chìa khóa” nước Mỹ dự kiến sẽ gặp Thủ tướng Lý Cường, Chủ tịch Quảng Đông, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và các chuyên gia, CEO, nhà kinh tế trong lĩnh vực năng lượng mới.

Trung Quốc đang phải đối mặt với sự hoài nghi ngày càng tăng của toàn cầu về việc nước này chú trọng xây dựng năng lực sản xuất, có thể bao gồm cả việc sử dụng trợ cấp và hỗ trợ chính sách đã giúp các công ty nước này bán các sản phẩm như tấm pin mặt trời... với giá thấp hơn nhiều so với các nhà sản xuất ở các nước khác.

Liệu bà Yellen có thể thuyết phục các nhà sản xuất Trung Quốc tính toán lại kế hoạch sản xuất và xuất khẩu? Không nhiều nhà phân tích tin vào điều này. Bởi lẽ, guồng máy sản xuất tại Trung Quốc quá lớn để “hãm phanh”.

Hơn thế nữa, kinh tế xanh là mục tiêu lớn của Trung Quốc với tầm nhìn dài hạn, đóng vai trò động lực tăng trưởng mới, gắn với chiến lược giảm phát thải, gầy dựng quyền lực “mềm” trong cạnh tranh với đối thủ phương Tây.

Trung Quốc sẽ không dừng lại! Như trong quá khứ đã từng xảy ra khi hàng hóa nước này ngập tràn thế giới. Trong bối cảnh hiện tại, hệ sinh thái kinh tế sử dụng năng lượng mới được coi là thành tựu đổi mới nền kinh tế Trung Quốc.

Thực ra, sản phẩm giá rẻ từ Trung Quốc có lợi với kinh tế toàn cầu, hỗ trợ chống lạm phát, giúp nhiều nền kinh tế non trẻ tham gia vào chuỗi cung ứng; đặc biệt là môi trường lý tưởng để khởi nghiệp.

Ví dụ, việc tham gia vào hệ giá trị xe điện Trung Quốc có thể tạo ra lượng lớn việc làm. Nhiều doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn linh kiện, thiết bị để thực hiện các dự án năng lượng xanh- điều mà các nhà sản xuất châu Âu và Mỹ chưa bao giờ làm được.

Ngược lại, doanh nghiệp phương Tây với tiêu chuẩn và phong cách kinh doanh có phần khác biệt, chỉ “phân chia” cho các nước nghèo số lượng việc làm hạn chế, cơ hội thừa hưởng công nghệ của họ hầu như không có.

Nhưng, bất cứ sự phát triển nhanh đến bất thường nào cũng sẽ dẫn đến tình trạng thao túng thị trường, "bóp chết" khả năng cạnh tranh của những nền kinh tế mới nổi.

Xét cho cùng, cạnh tranh Trung Quốc và Mỹ trong lĩnh vực năng lượng xanh là tất yếu, giúp giữ nhịp độ tăng trưởng an toàn, ngăn chặn nguy cơ khủng hoảng trong tương lai gần.

SỨC ÉP VỚI BIDEN TĂNG CAO KHI NỘI BỘ MỸ BẤT ĐỒNG VỀ CHÍNH SÁCH TRONG CHIẾN SỰ GAZA

Tổng thống Biden chỉ trích nhưng không gây sức ép mạnh với Israel về chiến sự Gaza, gây nhiều bất bình trong nội bộ Mỹ, khiến ông có thể đánh mất ủng hộ từ cử tri.

Charles Blaha, cựu giám đốc Văn phòng An ninh và Nhân quyền của Bộ Ngoại giao Mỹ, cho hay tâm trạng của các nhân viên trong cơ quan này đang trở nên vô cùng u ám sau vụ quân đội Israel (IDF) không kích nhầm vào đoàn xe cứu trợ của Bếp ăn Trung tâm Thế giới (WCK) khiến 7 người thiệt mạng.

"Tôi chưa bao giờ thấy nhiều người bất đồng quan điểm như vậy", Blaha, người vẫn duy trì liên lạc với các nhân viên Bộ Ngoại giao, cho biết, trong bối cảnh ngày càng nhiều lo ngại về chính sách của Tổng thống Joe Biden đối với Israel trong xung đột ở Dải Gaza. "Tôi đã làm việc ở Bộ Ngoại giao 32 năm, kể cả trong Chiến tranh Iraq, nhưng chưa bao giờ thấy nhiều nỗi bất an như vậy. Nó thậm chí còn tồi tệ hơn Iraq".

Ông Biden ngày càng chịu áp lực về sự ủng hộ lâu dài và vô điều kiện của ông với Israel sau gần sáu tháng xảy ra cuộc chiến tàn khốc ở Gaza, khiến hơn 33.000 người thiệt mạng.

Việc 7 nhân viên WCK thiệt mạng, trong đó có một công dân Mỹ, trong đòn không kích chính xác của Israel, đã gây phẫn nộ khắp thế giới và khiến dư luận chú ý hơn tới việc ông Biden vẫn nhất quyết tiếp tục cung cấp vũ khí cho Tel Aviv.

Nhiều quốc gia, tổ chức lên án hành động tấn công vào tình nguyện viên. Trong cuộc điện đàm hôm 4/4, Tổng thống Biden kêu gọi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thực hiện các biện pháp để giảm thiểu tổn hại cho dân thường, tổn thất về nhân đạo và đảm bảo an toàn cho nhân viên cứu trợ.

Ông cũng cảnh báo chính sách của Mỹ đối với Dải Gaza và Israel sẽ phụ thuộc vào việc nước này có đáp ứng các yêu cầu đó hay không. Đây được cho là lần đầu tiên Washington đặt điều kiện với Tel Aviv kể từ khi xung đột tại Dải Gaza bùng phát tháng 10/2023.

Đây là một trong những lời chỉ trích mạnh mẽ nhất của Mỹ với Israel từ khi nước này mở chiến dịch ở Gaza để đáp trả Hamas hồi tháng 10/2023. Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng cũng bác bỏ khả năng Mỹ chấm dứt viện trợ hay bỏ rơi Israel trong xung đột ở Dải Gaza.

Hai quan chức Mỹ cho biết Nhà Trắng không định có thêm động thái nào khác. "Đó là tất cả những gì chúng tôi đã lên kế hoạch", một người nói với Politico.

Giới chuyên gia cho rằng tâm trạng của các nhân viên ở Bộ Ngoại giao Mỹ cũng như các bình luận của Tổng thống Biden cho thấy nỗi bất bình đang ngày càng tăng ở Washington với chính sách của Mỹ trong chiến sự Gaza. Hiện chưa có dấu hiệu cho thấy sự việc ngày 1/4 sẽ tác động đáng kể đến sự hỗ trợ mà Washington dành cho Tel Aviv.

Tổng thống Biden hai tháng qua đã có những bình luận cứng rắn hơn với Israel, nhưng chưa có hành động cụ thể. Một cố vấn Nhà Trắng tiết lộ ông chủ Nhà Trắng cùng đồng minh vẫn chưa muốn áp trừng phạt với Israel, như áp điều kiện hoặc đình chỉ các thương vụ vũ khí.

Trong ngày Israel không kích đoàn xe của WCK, chính quyền Biden đã phê chuẩn việc chuyển giao hàng nghìn quả bom tới Israel, và đang cân nhắc thương vụ trị giá 18 tỷ USD bán tiêm kích cùng nhiều khí tài khác cho nước này.

"Đang có sự mất kết nối thực sự giữa các phân tích và khuyến nghị chính sách của Bộ Ngoại giao liên quan tới Gaza cũng như vấn đề Israel - Palestine với quyết định cuối cùng được đưa ra ở Nhà Trắng", Brian Finucane, cựu cố vấn pháp lý tại Bộ Ngoại giao Mỹ, nói.

Ông Biden ủng hộ ông Netanyahu về mục tiêu tiêu diệt Hamas. Nhưng sau gần nửa năm chiến sự, Israel chưa đạt được mục tiêu này, dù đã khiến gần 33.000 người chết, hơn 75.500 người bị thương, theo cơ quan y tế Gaza.

Các tổ chức quốc tế đã cảnh báo về cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng nghiêm trọng ở Gaza, một báo cáo hồi giữa tháng 3 dự báo nạn đói "cận kề" miền bắc dải đất. Mỹ đã kêu gọi Israel tạo điều kiện để tăng dòng viện trợ vào Gaza, Tổng thống Biden và cấp phó Kamala Harris nói Tel Aviv "không có lý do gì" để không làm vậy.

Cơ sở dữ liệu An ninh Nhân viên viện trợ, chuyên theo dõi hành động bạo lực nhằm vào nhân viên cứu trợ, cho biết hơn 196 người đã thiệt mạng tại Gaza kể từ tháng 10/2023. Một quan chức Liên Hợp Quốc mô tả con số này cao gần gấp ba lần thương vong trong bất kỳ cuộc xung đột nào khác một năm qua.

Tuy nhiên, chính quyền ông Biden tháng trước nhận định Israel không cản trở hoạt động nhân đạo, điều kiện tiên quyết để các quốc gia như Israel tiếp tục được nhận viện trợ vũ khí và quân sự của Mỹ.

Một số nhà phân tích nhận định những hành động như vậy đã tạo ra chính sách ngày càng khó hiểu của Mỹ, khi ông Biden dùng ngôn từ mạnh hơn với Israel, nhưng lại không gây được áp lực thực sự để Tel Aviv thay đổi cách tiếp cận.

"Hành động tốt hơn lời nói. Nếu lời nói không đi kèm hành động khiến Israel phải chú ý, lịch sử đã chứng minh chúng đều vô nghĩa", Frank Lowenstein, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ từng giúp dẫn dắt đàm phán Israel - Palestine năm 2014 dưới thời ông Barack Obama, bình luận.

"Chúng ta bày tỏ giận dữ vì viện trợ nhân đạo bị ảnh hưởng bởi những sự kiện cực đoan, nhưng lại mô tả quan điểm chính thức là Israel đã hành động phù hợp với Mỹ và luật pháp quốc tế", Lowenstein bổ sung. "Nếu chúng ta nói Israel không làm gì sai và không có hậu quả, sao họ phải thay đổi hành vi của mình?".

Và ngay cả khi ông Biden bất đồng với ông Netanyahu, các trợ lý nhà Trắng cũng nhanh chóng xoa dịu căng thẳng.

Mỹ gần đây bỏ phiếu trắng nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza. Động thái được cho là bước ngoặt bởi Washington trước đây luôn phủ quyết các đề xuất tương tự, do cho rằng chúng có những điều khoản bất lợi cho Tel Aviv.

Diễn biến cho thấy quan hệ Mỹ - Israel đã xuống thấp nhất kể từ khi chiến sự Gaza nổ ra. Nhưng chỉ vài giờ sau, Nhà Trắng nhấn mạnh nghị quyết không mang tính ràng buộc và Mỹ bỏ phiếu trắng không đồng nghĩa có thay đổi về chính sách.

Hệ lụy từ chính sách của ông Biden dần phơi bày. Ngày càng nhiều đảng viên Dân chủ và đồng minh cho rằng Nhà Trắng nên yêu cầu một lệnh ngừng bắn ngay lập tức, đình chỉ hoặc ít nhất là viện trợ quân sự có điều kiện.

Ông Biden đang mất dần sự ủng hộ từ nhóm cử tri người Mỹ gốc Arab, cấp tiến, thanh niên và người da màu. Các tuyên bố của ông về Israel dường như không xoa dịu được tình hình. Gần 50.000 cử tri Dân chủ bang Wisconsin đã bỏ phiếu chọn "đại biểu không cam kết" thay vì ông Biden trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng ngày 2/4 để phản đối chính sách về chiến sự Israel - Hamas.

Con số này cao hơn hai lần mức chênh lệch từng giúp ông Biden đánh bại đối thủ Donald Trump ở bang chiến trường Wisconsin năm 2020. Dù đã hội đủ số đại biểu để trở thành đại diện đảng Dân chủ tranh cử, diễn biến này cho thấy ông Biden phải nhanh chóng thay đổi chính sách với Israel, nếu không sẽ đối mặt nguy cơ để thua ông Trump khi tái đấu tại Wisconsin vào tháng 11, theo bình luận viên Yasmeen Abutaleb của Washington Post.

ĐẢNG CỘNG HÒA BẤT ĐỒNG Ở HẠ VIỆN KHIẾN VIỆN TRỢ CHO UKRAINE TRÌ TRỆ

Cuộc đấu đá giữa các đảng viên Cộng hòa kiểm soát Hạ viện Hoa Kỳ và mối đe dọa lật đổ Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson áp lực ông phải trì hoãn thêm hành động đối với dự luật viện trợ cho Ukraine, Israel và các đồng minh quan trọng khác.

Với việc Kyiv đang thiếu đạn dược trong cuộc chiến chống Nga xâm lược, các đồng minh của Ukraine trong Đảng Cộng hòa ở Washington hy vọng sẽ thấy ông Johnson công bố một gói viện trợ có thể nhanh chóng được thông qua Hạ viện và Thượng viện do Đảng Dân chủ lãnh đạo, và đến bàn làm việc của Tổng thống Đảng Dân chủ Joe Biden sau khi các nhà lập pháp sẽ họp lại vào ngày 9/4 sau hai tuần nghỉ ngơi.

Tuy nhiên, các đảng viên Cộng hòa theo đường lối cứng rắn đang yêu cầu các điều khoản về an ninh biên giới Mỹ và cắt giảm chi tiêu để bù đắp viện trợ cho các đồng minh của Mỹ. Và họ muốn ông Johnson trì hoãn cho đến khi có được văn kiện luật được sự ủng hộ từ hầu hết đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện.

Dân biểu Cộng hòa Marjorie Taylor Greene - một đồng minh trung thành của ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump, người nhiệt tình phản đối viện trợ cho Ukraine - đã tăng cường những lời lẽ đe dọa về một cuộc biểu quyết loại ông Johnson ra khỏi vị trí Chủ tịch Hạ viện.

“Ông Mike Johnson không làm việc cho Đảng Cộng hòa, ông không giúp Đảng Cộng hòa, ông ấy thậm chí không lắng nghe đảng viên Cộng hòa,” bà Greene nói trên X. “Chúng tôi cần một Chủ tịch Hạ viện mới!”

Ông Johnson nói với Reuters: “Tôi tôn trọng bà Marjorie… Đôi khi chúng tôi thực sự có những khác biệt về chiến lược nhưng có chung niềm tin bảo thủ”.

Gần hai tháng đã trôi qua kể từ khi Thượng viện thông qua gói viện trợ trị giá 95 tỷ đô la cho Ukraine, Israel, và cho các đồng minh khác trong cuộc biểu quyết 70-29 của lưỡng đảng. Cho đến nay, ông Johnson vẫn từ chối đưa dự luật đó ra Hạ viện để biểu quyết, điều mà một số nhà lập pháp cho rằng có thể sẽ đảm bảo đủ số phiếu để thông qua bất chấp sự phản đối của một số đảng viên Cộng hòa theo đường lối cứng rắn cũng như mối lo ngại ngày càng tăng của đảng Dân chủ trong việc cung cấp thêm tiền cho Israel trong cuộc chiến chống lại Hamas ở Gaza.

Chiến lược gia thuộc đảng Cộng hòa Ron Bonjean, cựu phụ tá cấp cao của Hạ viện, nói: “Điều này có thể bị trì hoãn”, đồng thời cho biết thêm ông sẽ không ngạc nhiên nếu các cuộc đàm phán kéo dài đến đầu tháng 7.

Quốc hội dự kiến sẽ còn vài tuần làm việc hiệu quả trước khi các nhà lập pháp chuyển phần lớn sự chú ý sang vận động cho cuộc bầu cử ngày 5 tháng 11 tại Mỹ.

Và họ có những ưu tiên khác, bao gồm cung cấp kinh phí để xây dựng lại cây cầu Francis Scott Key bắc qua cảng Baltimore bị sập và gia hạn quyền cho một trong những chương trình giám sát nội địa gây tranh cãi gắt gao nhất của Mỹ.

Toà Bạch Ốc tin rằng các biện pháp chi tiêu này nhận được sự ủng hộ lớn của lưỡng đảng, nhưng biết rằng ông Johnson cũng phải làm hài lòng các thành viên có đường lối cứng rắn trong cuộc họp kín của mình, theo hai quan chức quen thuộc với các cuộc trò chuyện, những người không muốn nêu tên khi nói về các cuộc thảo luận nội bộ.

Các đảng viên Dân chủ sẽ giải cứu ông Johnson?

Một số đảng viên Dân chủ gợi ý rằng họ có thể bác bỏ đề nghị phế truất ông Johnson, nếu gói viện trợ của Ukraine cung cấp đủ cứu trợ cho quốc gia bị chiến tranh tàn phá này. Lãnh đạo đảng Dân chủ tại Hạ viện Hakeem Jeffries đã công khai đưa ra ý tưởng này.

Có rất ít bằng chứng ủng hộ lời đe dọa lật đổ của bà Greene trong số các đảng viên Cộng hòa.

Hạ viện đã thông qua một dự luật viện trợ nhỏ trị giá 300 triệu đô la cho Ukraine vào tháng 9 năm ngoái.

Dân biểu Don Bacon cho biết ông tin rằng sự ủng hộ của các đảng viên Cộng hòa đối với hành động nhanh chóng cho gói viện trợ Ukraine đã tăng lên trong những tuần gần đây khi vị thế của Kyiv trở nên tồi tệ hơn vì thiếu sự trợ giúp mới của Mỹ.

“Chúng ta muốn đứng về phía đúng của lịch sử trong vấn đề này,” ông Bacon nói.

ĐẨY MẠNH MẠNG LƯỚI 'BIẾN THỂ NATO' Ở CHÂU Á

Không tập trung vào việc xây dựng một mạng lưới lớn như NATO ở Bắc Đại Tây Dương, Mỹ đang thúc đẩy phát triển các biến thể "NATO châu Á" với quy mô nhỏ hơn và phù hợp hơn giữa nhiều thách thức nổi lên ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific).

Dự kiến, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Fumio KishidaTổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh ba bên vào ngày 11.4 đến tại thủ đô Washington D.C (Mỹ).

Từ liên minh ba bên Mỹ - Nhật - Philippines

Liên quan hội nghị sắp tới, Reuters dẫn lời quyền Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Hans Mohaimin Siriban cho biết cuộc gặp "không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào". "Chúng tôi có thể mong đợi một sự liên kết về quan điểm giữa ba nước về các sự cố gần đây", ông Siriban thông tin và cho biết thêm 3 nhà lãnh đạo dự kiến đưa ra một "tuyên bố tầm nhìn chung" về quan hệ ngoại giao.

Giữa bối cảnh nhiều căng thẳng xuất hiện ở Indo-Pacific, bóng dáng về một liên minh ba bên Mỹ - Nhật - Philippines đã dần định hình từ năm ngoái với hàng loạt sự kiện ngoại giao cấp cao giữa ba nước kèm theo là các thỏa thuận hợp tác quân sự. Trong đó, Tokyo và Manila đã thỏa thuận cho phép quân đội Nhật Bản tiếp cận nhiều hơn với lãnh thổ Philippines. Tokyo và Manila đẩy mạnh việc hợp tác tăng cường tập trận chung và các hoạt động khác của lực lượng quân sự hai bên, đồng thời tìm cách mở rộng việc chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng của Nhật Bản cho Philippines và tăng cường hợp tác ba bên với Mỹ. Nhật Bản cũng tiến hành chuyển giao nhiều phương tiện quân sự cho Philippines. Cũng vào năm ngoái, Mỹ và Philippines công bố thỏa thuận cho phép binh sĩ Mỹ có thể sử dụng thêm 4 căn cứ quân sự ở Philippines. Đây là Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA) mở rộng được hai bên công bố.

Trong khi đó, Mỹ và Nhật Bản là đồng minh thân cận nhiều năm. Chính vì thế, khi Mỹ - Nhật - Philippines dần hoàn thiện đầy đủ các kết nối song phương giúp từng bước hình thành nên một thỏa thuận ba bên.

Đến mở rộng các thỏa thuận

Không những vậy, ngay bên lề Đối thoại Shangri-La diễn ra ở Singapore vào tháng 6.2023, bộ trưởng quốc phòng của Mỹ, Nhật, Philippines và Úc đã có một cuộc hội đàm với những thỏa thuận tăng cường hợp tác về quốc phòng. Đây được xem là tiền đề để hình thành nên một liên minh bốn bên.

Bên cạnh đó, Mỹ cũng đang thúc đẩy mở rộng thỏa thuận ba bên Mỹ - Úc - Anh (AUKUS) vốn làm nền tảng để Mỹ và Anh chuyển giao công nghệ tàu ngầm hạt nhân cho Úc. Trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ Nikkei Asia mới đây, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Kurt Campbell còn tiết lộ trong cuộc gặp sắp tới, Tổng thống Biden và Thủ tướng Kishida dự kiến sẽ thảo luận về cách thức để Nhật Bản tham gia hợp tác về công nghệ trong thỏa thuận AUKUS. Cũng liên quan đến AUKUS, cả ba bên tham gia đã đồng thuận chào đón thêm sự hợp tác của New Zealand trong thỏa thuận này.

Mặt khác, Mỹ cũng đang thúc đẩy hợp tác ba bên với Nhật Bản và Hàn Quốc. Dự kiến, trong tháng 7 đến, lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc cũng tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO, rồi tiến đến Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nhật - Hàn. Từ năm 2022, Tổng thống Joe Biden đã thúc đẩy Nhật - Hàn giải quyết các bất hòa và dần đạt nhiều thỏa thuận hợp tác an ninh, quốc phòng. Tháng 8.2023, Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản đồng thuận triển khai một loạt các sáng kiến chung về công nghệ và quốc phòng khi Tổng thống Biden, Thủ tướng Kishida và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol gặp nhau ở Camp David (bang Maryland, Mỹ).

Một hợp tác đa phương then chốt khác mà Mỹ đang thúc đẩy ở Indo-Pacific là "bộ tứ an ninh" Mỹ - Nhật Bản - Úc - Ấn Độ.

Vai trò của Nhật

Thực tế, trong hầu hết các hợp tác an ninh đa phương mà Mỹ đang thúc đẩy tại khu vực đều có sự hiện diện hoặc sắp hiện diện của Nhật. Đây được xem là cách để Tokyo có thể chia sẻ gánh nặng cùng Washington trong bối cảnh nước Mỹ bị phân chia nguồn lực ở nhiều khu vực trên thế giới.

Mặt khác, sự khác biệt giữa các nước ở Indo-Pacific tạo ra những rào cản để nhiều nước đồng thời đạt nhiều tiêu chí thỏa thuận để hình thành nên một liên minh rộng lớn như NATO. Đó là lý do khiến Mỹ hình thành nên các liên minh, hợp tác đa phương như trên. Bên cạnh đó, các mạng lưới hợp tác này của Mỹ có xu thế củng cố hợp tác dần bằng các thỏa thuận đa phương, điển hình như hợp tác về hỗ trợ hậu cần, hợp tác tình báo của "bộ tứ" được hoàn thiện thông qua từng thỏa thuận song phương giữa các thành viên. Cách thức này còn giúp tránh những chỉ trích về việc xây dựng liên minh.

Từ các thực tế trên, theo giới quan sát, việc phát triển các liên minh đa phương quy mô nhỏ, như biến thể NATO ở châu Á, vẫn sẽ là chiến lược chủ đạo của Mỹ ở Indo-Pacific trong thời gian tới.

Nguồn: Soha; Năng Lượng Quốc Tế; Vnexpress; VOA; Thanh Niên

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang