Mỹ: Tranh cãi trần nợ; Kế hoạch tham vọng; Tăng viện trợ Ukraine; DeSantis công kích Trump; Liên minh đối phó TQ

Vấn đề tranh cãi nhất trong thỏa thuận trần nợ của Mỹ

(Ảnh minh họa).

Thỏa thuận sắp được đệ trình lên Hạ viện Mỹ vẫn giữ nguyên chi tiêu trong đạo luật khí hậu, nhưng lại xúc tiến một dự án ống dẫn khí đốt gây tranh cãi.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và các đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện đã đồng ý xúc tiến cấp phép cho việc xây dựng đường ống Mountain Valley, một dự án quan trọng đối với phái đoàn Tây Virginia. Đây là cách để Tổng thống Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy thu hút sự ủng hộ của các nhà lập pháp tại Quốc hội Mỹ, theo Washington Post.

Thượng nghị sĩ Dân chủ Joe Manchin III trước đây đã yêu cầu Nhà Trắng ủng hộ dự án để đổi lấy phiếu bầu của ông. Nhiều đảng viên Cộng hòa, bao gồm Thượng nghị sĩ Tây Virginia Shelley Moore Capito, đã ca ngợi các điều khoản về đường ống được đưa vào dự luật.

Đây là một nhượng bộ khác của Nhà Trắng đối với ông Manchin, người từ lâu đã ủng hộ việc xây dựng đường ống dài 487 km vận chuyển khí đốt từ các mỏ đá phiến Marcellus ở Tây Virginia tới Virginia. Dự án này đã vấp phải hàng chục vi phạm môi trường và một loạt cuộc chiến tại tòa án. Các nhà môi trường đã chống lại dự án từ khi nó mới là ý tưởng.

Các điều khoản mới trong dự luật sẽ thúc đẩy việc hoàn thành tuyến đường ống cắt ngang những khu rừng và hàng chục tuyến đường thủy ở địa hình đồi núi của vùng Appalachia.

Đánh đổi vì phiếu bầu

Dự án này chỉ là một trong số ít các điều khoản về năng lượng và khí hậu trong thỏa thuận, thu hút sự phản đối mạnh mẽ từ những nhà hoạt động môi trường. Dự luật cũng sẽ đề xuất chỉnh sửa Đạo luật Chính sách Môi trường Quốc gia để giảm nhẹ yêu cầu đối với một số dự án, đồng thời nghiên cứu phương án phát triển lưới điện quốc gia.

Các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa cho biết họ sẽ làm việc với Nhà Trắng về cách đẩy nhanh các dự án truyền tải điện lớn, vốn quan trọng với mục tiêu chuyển đổi xanh của ông Biden. Nhà Trắng cũng khẳng định đã chống lại những nỗ lực cắt giảm hàng tỷ USD chi tiêu trong các đạo luật lớn được ông Biden ủng hộ, bao gồm gói 370 tỷ USD tài trợ cho chương trình khí hậu.

Điều đó chưa đủ để làm hài lòng các nhóm môi trường. Nhóm Sierra Club cùng Thượng nghị sĩ Tim Kaine từ Virginia hôm 29/5 đã kêu gọi Quốc hội bác bỏ dự luật và phản đối dự án đường ống.

“Bất kỳ thỏa thuận nào cố gắng đẩy nhanh đường ống dẫn khí đốt Mountain Valley đều đi ngược lại các biện pháp bảo vệ môi trường, khiến cuộc sống của người lao động và gia đình khó khăn hơn, và là một thỏa thuận tồi tệ đối với đất nước”, Giám đốc điều hành Sierra Club Ben Jealous tuyên bố.

Ông Kaine cho biết ông dự định đề xuất sửa đổi loại bỏ các điều khoản về đường ống khỏi dự luật.

Một số người chỉ trích ông Biden lưu ý rằng chính quyền Mỹ đã phê duyệt một dự án dầu khổng lồ ở Alaska vào đầu năm nay và ngăn chặn các dự án đường ống khác một cách miễn cưỡng. Các nhà hoạt động đã cố gắng chặn đường ống Mountain Valley và người dân địa phương cũng thất vọng với những rủi ro khi xây dựng.

Nhưng đó là ưu tiên hàng đầu của ông Manchin. Ông đã yêu cầu thúc đẩy dự án để đổi lại phiếu bầu cho gói khí hậu vào năm ngoái. Lần này, sự ủng hộ của ông Manchin tiếp tục cần thiết để thông qua thỏa thuận trần nợ.

Đảng Dân chủ cũng đang tìm cách giúp ông Manchin tái đắc cử để bảo vệ ghế thượng viện cho bang Tây Virginia, nơi vốn thiên về Cộng hòa.

“Tôi rất vui vì Chủ tịch Hạ viện McCarthy và đội ngũ lãnh đạo thấy giá trị to lớn trong việc hoàn thành đường ống Mountain Valley để tăng sản lượng năng lượng trong nước và giảm chi phí trên khắp nước Mỹ, đặc biệt là ở Tây Virginia”, ông Manchin tuyên bố.

“Tôi tự hào vì đã chiến đấu cho dự án quan trọng này”.

“Tổng thống Biden đã bảo vệ luật khí hậu lịch sử của mình. Chúng tôi tin rằng đây là một thỏa hiệp lưỡng đảng mà đảng Dân chủ trong Quốc hội có thể tự hào. Điều đó sẽ thúc đẩy các mục tiêu năng lượng sạch và chương trình nghị sự về khí hậu của chúng tôi”, phát ngôn viên Nhà Trắng Abdullah Hasan nói.

Ảnh hưởng môi trường

Đường ống Mountain Valley là liên doanh giữa các công ty khí đốt lớn nhất khu vực Appalachia và công ty năng lượng NextEra Energy. Nhà đầu tư lớn nhất của dự án là Equitrans Midstream, công ty con của nhà sản xuất khí đốt tự nhiên lớn nhất nước Mỹ.

Ông Manchin nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án đối với an ninh năng lượng của đất nước, đặc biệt là việc cung cấp khí đốt tới những bang có nhu cầu cao. Ông luôn phàn nàn rằng chính quyền không cho phép dự án hoàn thiện nốt đoạn ống 32 km còn lại.

Nhưng việc xây dựng Mountain Valley đã vấp phải hàng loạt sai phạm như tịch thu tài sản tư nhân, vi phạm luật nước sạch và vượt ngân sách hàng tỷ USD. Thống kê từ nhóm môi trường Appalachian Voices cho thấy dự án tổng cộng có hơn 500 sai phạm ở hai tiểu bang.

Tòa án Mỹ hôm 26/5 đã phán quyết Ủy ban Điều tiết Năng lượng Liên bang cần đánh giá ảnh hưởng môi trường của dự án, có thể khiến việc hoàn thành đường ống bị hoãn đến năm 2024.

Tuy nhiên, dự luật mới có thể vô hiệu hóa quyết định đó và những lệnh còn tồn đọng khác.

“Đó thực sự là chính sách công khủng khiếp đối với Quốc hội khi chọn người thắng và người thua trong phòng xử án. Một công ty đang được bỏ qua trong khi mọi người khác phải chơi theo luật”, Peter Anderson, giám đốc chính sách Virginia của Appalachian Voices, nói.

Sự chậm trễ của dự án đã đưa nó vào trung tâm một cuộc thảo luận về việc mất bao lâu để cấp phép cho cơ sở hạ tầng năng lượng. Một đường ống dẫn khí đốt tự nhiên mất khoảng ba năm để xây dựng. Đường dây truyền tải điện thậm chí còn chậm hơn, mất 8 đến 15 năm để xây dựng.

Các quan chức Nhà Trắng cảnh báo sự chậm trễ của các dự án, nếu không được khắc phục, có thể phá hủy những lợi ích từ gói chi tiêu khí hậu của chính quyền Biden.

Phát ngôn viên Natalie Cox của Equitrans cho biết công ty có kế hoạch hoàn thành đường ống vào cuối năm 2023. Bà cho biết công ty rất biết ơn sự hỗ trợ từ Nhà Trắng và các nhà lãnh đạo quốc hội của cả hai đảng.

“Đường ống Mountain Valley là một trong những dự án được xem xét kỹ lưỡng nhất về môi trường được xây dựng ở đất nước này. Nó đã phải chịu mức độ xem xét pháp lý và quy định chưa từng có”, bà Nox nói.

(Nguồn: Zing News)

Mỹ công bố kế hoạch tham vọng: Để robot lái máy bay quân sự

Mỹ tuyên bố trong thập niên tới, không quân nước này sẽ sử dụng robot để điều khiển một số máy bay quân sự.

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Mark Milley, ngày 30/5 cho biết, một số lượng máy bay trong Không quân nước này sẽ không cần tới phi công là con người trong vòng 10-15 năm tới, khi công nghệ về trí tuệ nhân tạo (AI) đang tạo ra những bước đột phá.

"Chúng tôi đã sử dụng robot trong quân đội. Bạn thấy máy bay không người lái giống như một dạng robot. Hiện chúng tôi đang thử nghiệm (công nghệ không người lái) với các tàu nổi và tàu ngầm trong Hải quân. Trong vòng 10-15 năm tới, Không quân Mỹ sẽ ứng dụng robot thay thế một phần con người để điều khiển vũ khí. Hầu hết các máy bay sẽ được tích hợp một loại robot nào đó để điều khiển và sẽ có tương tác người - máy móc", ông nói.

Ông Milley cho biết, trong tương lai, Mỹ sẽ được trang bị các phương tiện mặt đất không người lái - một loại robot chiến đấu - nhằm giảm thiểu thương vong quá trình di chuyển của các đoàn xe ở khu vực chiến sự.

Theo ông, trí tuệ nhân tạo, robot, hỏa lực chính xác và khả năng giám sát nâng cao sẽ tạo ra sự thay đổi cơ bản trong hoạt động tác chiến tương lai.

Hồi tháng 2, cơ quan nghiên cứu của Bộ Quốc phòng Mỹ (DARPA) thông báo, một máy bay chiến đấu F-16 của nước này đã hoàn thành chuyến bay thử nghiệm do AI điều khiển lần đầu tiên trong lịch sử.

Không chỉ lái máy bay, AI thậm chí đã tham gia vào một cuộc diễn tập giả lập tấn công mục tiêu. Đây được xem là diễn biến đánh dấu một bước đột phá quan trọng của ngành quốc phòng Mỹ trong việc phát triển các năng lực liên quan tới AI trong hoạt động tác chiến tương lai.

Cùng với phi công là người thật trong buồng lái, 2 chương trình AI đã điều khiển chiếc tiêm kích F-16 thực hiện 12 cuộc thử nghiệm hồi tháng 12 năm ngoái ở căn cứ Edwards, bang California.

Chiếc tiêm kích tham gia thử nghiệm là F-16 hai chỗ ngồi được chỉnh sửa, với tên gọi "VISTA", theo DARPA. VISTA được cải tiến để AI có thể điều khiển nó. Ngoài ra, máy bay này cũng có thể bắt chước các đặc tính của các dòng máy bay khác nhau, bao gồm F-16 và máy bay không người lái MQ-20, nhằm phục vụ hoạt động huấn luyện và thử nghiệm.

Một thông cáo báo chí do DARPA công bố có nội dung: "Trong vòng chưa đầy 3 năm, các thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI) được phát triển theo chương trình Nâng cấp Không chiến (ACE) của DARPA đã đạt bước tiến từ việc điều khiển những chiếc F-16 mô phỏng trên màn hình máy tính sang điều khiển một chiếc F-16 chiến đấu ngoài đời thực".

DARPA kết luận, công nghệ AI của Mỹ có thể điều khiển một máy bay chiến đấu trên thực tế.

Trong khi đó, các đối thủ chiến lược của Mỹ như Nga và Trung Quốc cũng đang tham gia vào cuộc đua về ứng dụng AI trong vũ khí.

Trong thời gian qua, các chuyên gia quân sự nhận định, sự phát triển bùng nổ của trí tuệ nhân tạo được dự đoán sẽ trở thành tương lai của tác chiến hiện đại, nhưng cũng gây ra những lo ngại về mối đe dọa của dòng vũ khí này. Một số chuyên gia về AI cảnh báo rằng nếu con người không có các biện pháp kiểm soát, sự phát triển bùng nổ về công nghệ có thể gây đe dọa tới chính nhân loại.

(Nguồn: Dân Trí)

DeSantis công kích Trump 'xa rời thực tế'

(Ảnh minh họa).

Thống đốc Florida DeSantis bắt đầu vận động tranh cử ở bang Iowa, công kích đối thủ Donald Trump "xa rời thực tế" và các nguyên tắc bảo thủ.

"Thật không may, ông ấy đã xa rời các nguyên tắc bảo thủ trong những vấn đề như nhập cư, chính sách ứng phó Covid-19, chi tiêu liên bang", Thống đốc Florida Ron DeSantis ngày 30/5 phát biểu trong sự kiện vận động tranh cử tại bang Iowa, nhắc đến cựu tổng thống Mỹ Donald Trump.

Đây là cuộc vận động đầu tiên của DeSantis sau khi ông tuyên bố ra tranh cử, trở thành đối thủ hàng đầu trong đảng Cộng hòa của ông Trump. Trước khi ra tranh cử, DeSantis hầu như tránh công kích Trump, người được coi là ứng viên sáng giá nhất của đảng Cộng hòa.

Cựu tổng thống Trump gần đây cũng công kích ông DeSantis về cách ứng phó Covid-19, khi thống đốc Florida bác bỏ quy định liên bang về đeo khẩu trang và vaccine.

DeSantis mô tả những lời chỉ trích của Trump là "xa rời thực tế" và cử tri đảng Cộng hòa sẽ phản ứng bằng cách quay sang ủng hộ ông. Ông nói có những nhiệm vụ "thực sự cần hai nhiệm kỳ tổng thống mới có thể hoàn thành", trong khi nếu Trump tái đắc cử, "ông ấy chỉ có thể nắm quyền thêm một nhiệm kỳ".

"Ron DeSantis không phải người có thể đối đầu thực sự với ông Joe Biden và đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại", Steven Cheung, người phát ngôn chiến dịch tranh cử của ông Trump, đáp lại bình luận của ông DeSantis.

DeSantis, 44 tuổi, đang bắt đầu hành trình vận động tranh cử sau khi tuyên bố tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng hôm 24/5. Iowa có vai trò quan trọng với ông DeSantis bởi bang này là một trong những khu vực bỏ phiếu sơ bộ đảng Cộng hòa sớm nhất vào tháng 2/2024, và có lượng đáng kể cử tri bất đồng với ông Trump.

Sau hai ngày ở Iowa, ông DeSantis sẽ đến bang New Hampshire và Nam Carolina. Ông Trump, 76 tuổi, dự kiến đến Iowa ngày 31/5, cùng ngày ông DeSantis đến New Hampshire. Ông Trump từng thua thượng nghị sĩ Ted Cruz trong vòng bầu cử sơ bộ đảng Cộng hòa năm 2016 tại bang Iowa.

Todd Jacklin, cử tri ở thành phố Johnston, bang Iowa, cho hay chưa hoàn toàn ủng hộ Thống đốc Florida sau khi tham gia sự kiện. "Tôi sẽ để ngỏ mọi khả năng cho đến tháng 2", Jacklin, 62 tuổi, cho biết.

Ngoài ông Trump và ông DeSantis, nhiều thành viên đảng Cộng hòa cũng đã tuyên bố ra tranh cử, trong đó có cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley, cựu thống đốc bang Arkansas Asa Hutchinson, doanh nhân Vivek Ramaswamy, phát thanh viên Larry Elder, và thượng nghị sĩ Tim Scott, 57 tuổi.

Kết quả thăm dò do Reuters/Ipsos thực hiện ngày 9-15/5 cho thấy ông Trump đang được 49% thành viên đảng Cộng hòa ủng hộ. Ông DeSantis ở vị trí thứ hai với tỷ lệ 19%. Các vị trí tiếp theo là cựu phó tổng thống Mike Pence, người chưa tuyên bố tranh cử, và bà Haley với tỷ lệ lần lượt 5% và 4%.

(Nguồn: Vnexpress)

Mỹ viện trợ Ukraine thêm 300 triệu đô la

Hoa Kỳ sẽ cung cấp thêm 300 triệu đô la viện trợ quân sự mới cho Ukraine trong một gói dự kiến bao gồm đạn dược cho hệ thống phòng thủ phi đạn Patriot của Ukraine, các quan chức quốc phòng cho VOA biết.

Các quan chức nói với VOA với điều kiện giấu tên trước khi gói cứu trợ dự kiến được công bố ngày 31/5, cho biết khoản viện trợ mới nhất cũng bao gồm rốc-két cho Hệ thống Rốc-két Pháo binh Cơ động Cao (HIMARS) và nhiều đạn dược xe tăng và khả năng chống thiết giáp trước một cuộc phản công dự kiến của Ukraine.

Các rốc-két máy bay không điều khiển Zuni và phi đạn không đối không dẫn đường bằng radar AIM-7 đang được cung cấp để hỗ trợ trên không, đồng thời các hệ thống phòng không Avenger và hệ thống phi đạn đất đối không Stinger cũng sẽ được đưa vào gói viện trợ này, theo các quan chức.

Sau khi được công bố, gói viện trợ sẽ đánh dấu lần thứ 39 tổng thống cho phép rút thiết bị quân sự khỏi kho của Bộ Quốc phòng cho Ukraine, kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm 2022.

Gói viện trợ mới nhất được đưa ra trong lúc khoảng 200 binh sĩ Ukraine bắt đầu huấn luyện vũ khí kết hợp trên xe tăng M1A1 Abrams ở Đức, theo một tuyên bố từ Quân đội Hoa Kỳ tại Châu Âu.

Theo tuyên bố, 200 binh sĩ Ukraine khác đang được huấn luyện về vận hành và bảo dưỡng nhiên liệu xe tăng.

Người Ukraine sẽ được huấn luyện trên 31 xe tăng Abrams đã đến Đức vào đầu tháng này. Các quan chức Hoa Kỳ cho biết một đội 31 xe tăng M1A1 Abrams khác đang được tân trang lại ở Hoa Kỳ và sẽ được chuyển giao cho Ukraine vào mùa thu.

Theo một quan chức quân sự cấp cao của Mỹ, khóa huấn luyện tại Đức bắt đầu từ ngày 26/5, dự kiến kéo dài khoảng 10 tuần. Đặc biệt, xe tăng Abrams là một sự bổ sung được chờ đợi từ lâu cho cuộc chiến. Lớp vỏ dày và động cơ tua-bin 1.500 mã lực của xe tăng này khiến nó tiên tiến hơn nhiều so với xe tăng thời Liên Xô mà Ukraine đang sử dụng kể từ khi chiến tranh bắt đầu.

Hoa Kỳ đã cam kết hỗ trợ an ninh trị giá hơn 37 tỷ đô la cho Ukraine kể từ khi Nga xâm lược, dù Ngũ Giác Đài còn đang giải quyết một lỗi kế toán khiến con số hỗ trợ Kyiv bị phóng đại. Các quan chức nói với VOA khi tính toán gói viện trợ của mình, Bộ Quốc phòng đã tính toán chi phí phát sinh để thay thế vũ khí được cung cấp cho Ukraine, trong khi lẽ ra Bộ Quốc phòng phải tính tổng chi phí của các hệ thống thực sự được gửi đi.

Theo các quan chức, lỗi này dự kiến sẽ chuyển thành khoảng 3 tỷ đô la sẵn có để viện trợ thêm cho Ukraine.

Moscow bắt đầu một cuộc tấn công mới ở Ukraine vào đầu năm nay nhưng đã bị đình trệ và Kyiv đang chuẩn bị cho một cuộc phản công lớn dự kiến sẽ bắt đầu trong vài ngày hoặc vài tuần tới.

Một quan chức quân sự cấp cao, nói với VOA với điều kiện giấu tên để thảo luận về các vấn đề an ninh, cho biết cuộc phản công của Ukraine có thể sẽ không “kịch tính” như một số người mong đợi nhưng vẫn sẽ được thực hiện “có chủ ý và hiệu quả” bằng cách nhắm vào khả năng của Nga để kiểm soát hệ thống phòng thủ của nước này bên trong Ukraine.

(Nguồn: VOA)

Liên minh Mỹ-Nhật-Philippines đang được hình thành để đối phó với Trung Quốc?

(Ảnh minh họa).

Từ ngày 01 đến 07/06/2023, lần đầu tiên tuần duyên ba nước Philippines, Nhật và Mỹ tổ chức một cuộc tập trận chung ở Biển Đông, ngoài khơi tỉnh Bataan, phía tây bắc Philippines. Dù Manila khẳng định rằng cuộc tập trận chỉ là một hoạt động thường lệ giữa lực lượng tuần duyên thuộc các nước đối tác, nhưng theo giới phân tích, hoạt động này là một bước mới trong chiến lược của Mỹ muốn hình thành các liên minh nhỏ tại vùng châu Á-Thái Bình Dương để đối phó với Trung Quốc.

Trong khu vực, Hoa Kỳ đã có mặt trong các nhóm như Aukus, kết hợp ba nước Úc, Anh và Mỹ, cũng như là nhóm Quad, tức là Bộ Tứ, liên kết Nhật, Mỹ, Úc và Ấn Độ. Bên cạnh đó, Washington cũng đang nỗ lực thúc đẩy hai đồng minh có hiệp ước phòng thủ với mình là Seoul và Tokyo hòa thuận với nhau để củng cố một liên minh tay ba Mỹ-Nhật-Hàn, vừa để đối phó với Bắc Triều Tiên, vừa nhằm đặt Trung Quốc trong tầm nhắm.

Ý tưởng về một liên minh tay ba mới bao gồm ba nước Mỹ, Nhật Bản và Philippines đã được đặc biệt quan tâm trong thời gian gần đây, kể từ khi ông Ferdinand Marcos Junior, được cho là thân Mỹ, lên cầm quyền tại Manila, thay thế ông Rodrigo Duterte bị coi là thân Trung Quốc.

Theo hãng tin Anh Reuters, cuộc tập trận của lực lượng bảo vệ bờ biển ba nước Mỹ, Nhật và Philippines vào thượng tuần tháng 6, là sáng kiến của Hoa Kỳ và Nhật Bản, đã tiếp cận Philippines về việc tổ chức diễn tập hàng hải chung vào tháng 2, đúng vào thời điểm Manila cáo buộc Trung Quốc có các hoạt động gây hấn ở Biển Đông, vùng biển rộng lớn mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền. Tờ báo Nhật The Japan Times ngày 01/05/2023 đã nhắc lại rằng cả Tokyo và Washington đều muốn siết chặt thêm quan hệ quốc phòng với Manila trong bối cảnh hai nước ngày càng lo ngại về các động thái quân sự của Bắc Kinh gần Đài Loan. Đối với Mỹ và Nhật, Philippines kết hợp hai yếu tố, vừa có vị trí địa lý gần Đài Loan, vừa là nước ở tuyến đầu trên mặt trận Biển Đông.

Trang mạng thông tin Axios của Mỹ ngày 02/05 đã trích dẫn ông Eddie Paruchabutr, chuyên gia tại trung tâm tham vấn Hội Đồng Đại Tây Dương Atlantic Council, nguyên là một nhà hoạch định chiến lược của quân đội Hoa Kỳ từng phục vụ tại Philippines khẳng định rằng vị trí của Philippines khiến cho nước này trở nên rất quan trọng trong bất kỳ cuộc khủng hoảng Đài Loan nào.

Đối với ông, để có thể phản ứng hữu hiệu trong trường hợp Đài Loan bị Trung Quốc tấn công, Hoa Kỳ cần đến các chỗ dựa trên lãnh thổ Philippines vì “nếu không có Philippines, Mỹ sẽ có ít lựa chọn hơn”, trong lúc các lực lượng của Hoa Kỳ có thể bị "lênh đênh trên đại dương" và dễ bị tên lửa Trung Quốc tấn công, nếu không tiếp cận được các sân bay và cảng ở Philippines.

Tổng thống Marcos ngay từ tháng Hai, đã cho biết ông đang xem xét một thỏa thuận an ninh ba bên được đề xuất và đến cuối tháng Ba, nhiều nguồn tin báo chí tiết lộ rằng đó là một thỏa thuận khung đã được cố vấn an ninh quốc gia của ba nước bàn bạc.

Phát biểu trước chuyến thăm của ông Marcos, một quan chức cấp cao của Mỹ xin giấu tên nói rằng cả ba nước đều hy vọng thắt chặt hơn mối quan hệ an ninh. Một trợ lý của Eduardo Ano, cố vấn an ninh của tổng thống Philippines Macros, cho biết vào cuối tháng 3, đề xuất về việc hình thành một cơ chế đối thoại an ninh ba bên đã được Tokyo đưa ra khi Nhật Bản tìm cách phối hợp với các đồng minh để dự phòng Trung Quốc gây khủng hoảng trong vấn đề Đài Loan. Và như hãng tin Nhật Bản Kyodo đã nhấn mạnh, tại Thượng Đỉnh Biden-Marcos ở Washington hôm 01/05 vừa qua, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí thiết lập “những phương thức hợp tác ba bên” với Nhật Bản.

Trong một chừng mực nào đó, có thể nói là cuộc tập trận của lực lượng tuần duyên Mỹ, Nhật và Philippines từ đầu tháng 6 tới đây là biểu hiện cụ thể đầu tiên của cơ chế hợp tác ba bên đó.

(Nguồn: RFI)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang