Mỹ: Trắng tay vì đất; Rác – cuộc chơi mới ở phố Wall; Cái giá Biden phải trả; Thỏa thuận trần nợ; Siết đầu tư vào TQ

Ôm tiền tiết kiệm cả đời đầu tư đất, hàng nghìn người Mỹ trắng tay vì vỡ mộng ngồi không cũng giàu

(Ảnh minh họa).

Một số người đã gom góp số tiền tiết kiệm cả đời để đầu tư với giấc mơ một gấp đôi nhưng giờ đây, họ chẳng còn gì khi lãi suất cao làm sụp đổ mô hình kinh doanh bất động sản dựa quá nhiều vào đòn bảy.

Trước khi gây dựng sự nghiệp với bất động sản, Gajavelli là một người nhập cư từ Ấn Độ. Ông là nhân viên công nghệ thông tin làm việc 60 giờ/tuần. Năm 2022, công ty của Gajavelli sở hữu toà chung cư Sunbelt trị giá hơn 500 triệu USD với hơn 7.000 căn hộ, từ đó trở thành một trong những chủ bất động sản lớn nhất ở Houston, tiểu bang Texas, Mỹ.

4 năm qua, Gajavelli xây dựng “đế chế” bất động sản của mình bằng cách dùng tiền từ hàng chục các nhà đầu tư nhỏ. Họ là những người muốn làm giàu mà không cần làm gì. Người đàn ông 61 tuổi quảng cáo tại các sự kiện và trên mạng xã hội rằng nhà đầu tư sẽ nhận lợi nhuận gấp đôi số tiền đã bỏ ra.

Gajavelli diễn tả quá trình bao gồm mua toà nhà, nâng cấp phòng ốc, tăng giá thuê và bán kiếm lời ít nhất sau 3 năm. Ý tưởng then chốt để đem đi quảng cáo của Gajavelli là “Ai cũng cần nhà để ở”.

Trong buổi hội thảo trực tuyến của công ty ông - Applesway Investment Group, Gajavelli nói với các nhà đầu tư: “Giờ tôi không lo lắng về nền kinh tế nữa. Ngay cả khi kinh tế suy giảm tôi vẫn kiếm được tiền”.

Trên thực tế, các nhà đầu tư của Gajavelli rất dễ bị ảnh hưởng bởi lãi suất tăng cao trong năm qua. Vấn đề này đã phá huỷ mô hình kinh doanh của chính họ và hàng nghìn người khác trên khắp nước Mỹ. Đối với những người đang mong nhận lời lãi, cú sốc này giống như một thảm hoạ đầu tư bất động sản.

Vào tháng 4/2023, công ty của Gajavelli bị tịch thu hơn 3.000 căn hộ tại 4 khu phức hợp cho thuê. Đây là một trong những vụ vỡ nợ công ty bất động sản lớn nhất từ cuộc khủng hoảng tài chính đến nay. Các nhà đầu tư đã mất hàng triệu USD, còn Gajavelli không lên tiếng.

Công ty của ông đã có những khoản nợ bất động sản thương mại với lãi suất thả nổi và được điều chỉnh hàng tháng. Vào năm 2021, những khoản vay đó có lãi suất chỉ 3,5%. Nhưng mọi thứ đã thay đổi khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bắt đầu tăng lãi suất. Lạm phát làm tăng chi phí, trong khi Applesway không kịp tăng giá thuê nhà. Khi không thể thanh toán nợ, tài sản của công ty bị tịch thu.

Ông Gajavelli là một trong hàng nghìn người kinh doanh bất động sản phải chịu áp lực tài chính và nắm giữ những tài sản mà họ không còn đủ khả năng chi trả. Theo phân tích của tờ Wall Street Journal (WSJ), từ năm 2020-2022, các công ty bất động sản đã huy động được ít nhất 115 tỷ USD từ các nhà đầu tư.

Cho đến hiện tại, trường hợp vỡ nợ vẫn còn rất ít. Nhưng các chuyên gia phân tích cảnh báo một làn sóng tịch thu nhà sắp ập tới.

Sự bùng nổ của thị trường cho thuê nhà từng mang lại hàng triệu USD cho các nhà cung cấp dịch vụ và nhà đầu tư. Ông Colin Ralls tại công ty quản lý tài sản Acora Asset Management cho biết rằng cơn sốt nóng đến mức mọi người thậm chí chẳng thèm nhìn ngó căn hộ.

Ông Munzer Haque là một chuyên gia công nghệ thông tin đã nghỉ hưu ở tiểu bang Texas, Mỹ. Ông cho biết bản thân là nhà đầu tư cá nhân lớn nhất của Applesway với 4 căn nhà bị tịch thu và 2 căn khác đang gặp vấn đề. Ông Haque và vợ đều ở độ tuổi 60 và họ đã mất hàng triệu USD. Đó là số tiền họ tiết kiệm cả đời. Cả hai người con trai của ông cũng đầu tư vào công ty này và thua lỗ.

Nhiều đầu mối cung cấp dịch vụ đang chay đôn chạy đáo để huy động tiền hoặc bán nhà trước khi bị tịch thu tài sản thế chấp. Hầu hết họ đều có những khoản nợ đến hạn trả trong năm nay hoặc năm sau.

“Bóng bóng sẽ bắt đầu nổ nếu những người này không thể giải quyết các thoả thuận này kịp thời”, ông Ralls dự đoán. Bên cho vay cũng có nguy cơ bị mất tiền.

(Nguồn: Soha)

Cuộc chơi lớn tiếp theo của Phố Wall là… rác

Sự thúc đẩy kinh tế “xanh” của Mỹ và chính quyền các tiểu bang đang biến rác thành kho báu.

Cổ phiếu của những công ty lớn nhất trong ngành kinh doanh rác thải của Mỹ, như Waste Management (WM) và Republic Services đã được giao dịch ở mức cao kỷ lục kể từ khi Tổng thống Biden ký dự luật về khí hậu, thuế và chăm sóc sức khỏe vào tháng 8 năm ngoái. Bất chấp sự sụt giảm gần đây, các cổ phiếu này là lựa chọn phổ biến ở Phố Wall để tiến tới một cuộc bùng nổ bền vững hơn.

Michael Hoffman, nhà phân tích tại ngân hàng đầu tư Stifel, nhận xét: “Họ đang ở một vị trí phi thường. Rác thải sẽ được đặt lên hàng đầu".

Những nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính và tái sử dụng vật liệu đang mang lại nhiều lợi nhuận hơn cho việc khai thác các bãi chôn lấp để lấy năng lượng và sàng lọc rác thải phục vụ cho nền kinh tế xanh, chẳng hạn như các mặt hàng chai chất tẩy rửa, hộp các tông.

WM và Republic đang xây dựng các nhà máy để cô lập khí mê-tan thải ra từ rác thối rữa và đưa khí này vào lưới khí đốt tự nhiên phục vụ các nhà máy điện, lò nung và nhà bếp. Họ cũng đang trang bị cho các cơ sở tái chế công nghệ tự động hóa mới nhất để phân loại và xử lý vật liệu tốt hơn cho các công ty hàng tiêu dùng đang chịu áp lực phải đảm bảo bao bì của họ không xả ra bãi rác ra đại dương.

Các chủ bãi chôn lấp đang dự đoán những khoản lợi nhuận bổ sung hàng trăm triệu USD từ nhu cầu ngày càng tăng đối với vật liệu tái chế và ưu đãi thuế để tạo ra năng lượng từ khí thải.

Giám đốc điều hành Republic, ông Jon Vander Ark cho biết: “Chúng tôi thật may mắn khi ngồi ngay giữa một xu hướng lớn. Chúng tôi từng nghĩ về việc tăng trưởng doanh thu 5% một năm; bây giờ chúng tôi đang ở chế độ tăng trưởng doanh thu hai con số.”

Republic, sở hữu 206 bãi chôn lấp đang hoạt động, đã liên doanh với một đơn vị của BP để lắp đặt các nhà máy khí đốt tại 43 bãi chôn lấp của họ. Phoenix có 65 nhà máy khí bãi rác. Một số cung cấp khí đốt cho các đường ống tiện ích, số khác cung cấp điện vào lưới.

Republic cũng đang chi khoảng 275 triệu USD để xây dựng 4 cơ sở xử lý polyme sẽ phân loại nhựa mà họ thu gom ở lề đường và biến chúng thành nguyên liệu sản xuất các chai lọ.

Vander Ark cho biết các công ty sản xuất sản phẩm tiêu dùng phải đối mặt với các yêu cầu tối thiểu về hậu tiêu dùng ở California, Washington và các tiểu bang khác, cũng như các mục tiêu bền vững của chính họ. Nhà máy nhựa đầu tiên của Republic dự kiến ​​​​khai trương vào cuối năm nay tại Las Vegas.Và các vị khách đã xếp hàng.

Tara Hemmer, Giám đốc phát triển bền vững của WM, cho biết: “Tái chế vẫn là một trong những khoản đầu tư mang lại lợi tức trên vốn cao nhất của chúng tôi.”

WM, vận hành hơn 250 bãi chôn lấp, đang trong năm thứ hai của kế hoạch bốn năm chi 1,2 tỷ USD để bổ sung 20 nhà máy khí rác, cũng như 1 tỷ USD để mở rộng và tự động hóa hoạt động kinh doanh tái chế.

Các giám đốc điều hành cho biết, công ty ở Houston này kỳ vọng các cơ sở mới và nâng cấp sẽ tăng 25% khả năng thu hồi các vật liệu có thể tái sử dụng vào năm 2025. Việc sử dụng máy móc để thực hiện những công việc bẩn thỉu cũng giúp cắt giảm chi phí lao động.

Theo bà Hemmer, rất nhiều công việc sẽ được thay thế bằng máy phân loại quang học, sử dụng camera hồng ngoại để phát hiện các vật liệu giá trị trong mớ hỗn độn và thổi những mảnh mong muốn vào các thùng riêng biệt bằng những luồng khí chính xác.

WM cho hay giá trị hàng hóa từ các cơ sở thu hồi vật liệu tự động của họ cao hơn khoảng 15% mỗi tấn. Công ty kỳ vọng tới năm 2026 sẽ tăng gấp tám lần sản lượng khí bãi rác và tạo ra hơn 500 triệu USD lợi nhuận bổ sung trước lãi vay, thuế, khấu hao.

Dự luật khí hậu của Mỹ vào năm 2022 đã thúc đẩy lĩnh vực kinh tế khí rác thải. Một đề xuất của liên bang cung cấp các khoản tín dụng bổ sung cho các dự án khí sinh học sản xuất điện cho xe điện có thể khiến các ưu đãi thậm chí còn mạnh mẽ hơn.

Nhà phân tích Jerry Revich tại Goldman Sachs nhận định: “Khí đốt ở bãi chôn lấp về cơ bản là nhiên liệu sinh học duy nhất có thể mở rộng mà không có sự đánh đổi ‘thực phẩm lấy nhiên liệu’. Những dự án này không cần bất kỳ khoản trợ cấp nào, nhưng sẽ thoải mái thu hút tiền”.

(Nguồn: Báo Tin Tức)

Ông Biden đã trả giá như thế nào để đạt được thỏa thuận về trần nợ?

(Ảnh minh họa).

Thỏa thuận mới sẽ củng cố danh tiếng của Tổng thống Mỹ Joe Biden trong việc đàm phán lưỡng đảng, nhưng nó đi cùng với những cái giá mà ông phải trả.

Sau những ngày đàm phán căng thẳng, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về việc dỡ bỏ trần nợ vào cuối ngày 27/5.

Cả hai bên đều coi thỏa thuận này như một bước quan trọng để giúp nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào cảnh vỡ nợ vào ngày 5/6 nếu Quốc hội nước này không hành động, như cảnh báo của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen.

Mặc dù việc Mỹ không thanh toán hóa đơn đúng hạn có thể gây ra nhiều hậu quả, nhưng một thỏa thuận có thể sẽ làm giảm bớt thiệt hại do Quốc hội trả nợ quá hạn.

“Thỏa thuận này là một sự thỏa hiệp, nghĩa là không phải ai cũng đạt được điều mình muốn. Đó là trách nhiệm của người làm quản lý”, ông Biden cho biết.

Nhượng bộ quá nhiều

Đối với ông Tổng thống Mỹ, chiến thắng trần nợ đi kèm với cảm xúc buồn vui lẫn lộn. Mặc dù thỏa thuận này sẽ củng cố danh tiếng của Biden về khả năng đàm phán lưỡng đảng, nhưng cái giá ông phải trả cũng không hề nhỏ.

Theo quan điểm của ông Biden, thỏa thuận này ngăn chặn một vụ vỡ nợ thảm khốc có thể gây ra tình trạng thất nghiệp trên diện rộng, phá vỡ thị trường chứng khoán, gây nguy hiểm cho các khoản thanh toán an sinh xã hội và khiến nền kinh tế lao đao.

Tuy nhiên, nhiều người theo phe cánh tả cấp tiến đã vô cùng tức giận khi cho rằng ông Biden, người từng tuyên bố trần nợ là “không thể thương lượng” đã nhượng bộ chiến lược “bắt nền kinh tế làm con tin” của ông McCarthy.

Nhiều đảng viên đảng Dân chủ, đặc biệt là các thành viên bảo thủ nhất, ngày càng không hài lòng về các điều khoản của thỏa thuận vì cho rằng Tổng thống đã phải nhượng bộ quá nhiều. Trước sự thất vọng của các đồng minh, việc thương lượng trong những tuần gần đây hoàn toàn dựa trên các điều khoản mà đảng Cộng hòa đưa ra.

Thỏa thuận vừa đạt được bao gồm việc giảm các khoản chi liên bang ngay lập tức. Đảng Dân chủ sẽ không thể chi tiêu tùy ý dù vẫn đang điều hành Hạ viện. Đây cũng là lần cắt giảm chi tiêu lớn đầu tiên của chính quyền Mỹ từ trước đến nay.

Nhà Trắng cũng phải nhượng bộ khi đảng Cộng hòa đặt ra nhiều yêu cầu bổ sung đối với các chương trình viện trợ liên bang. Nếu được thông qua trong những ngày tới bởi các nhà lập pháp cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa, những người Mỹ có thu nhập thấp cho đến 54 tuổi sẽ cần phải làm việc để nhận hỗ trợ lương thực liên bang, tăng từ giới hạn 49 tuổi trước đó.

“Thỏa thuận này đại diện cho hệ tư tưởng ngân sách bảo thủ tồi tệ nhất. Nó cắt giảm đầu tư vào người lao động và gia đình, tạo thêm những rào cản mới phiền phức và lãng phí cho các gia đình cần hỗ trợ, đồng thời bảo vệ những người Mỹ giàu có nhất và các tập đoàn lớn nhất khỏi phải trả phần thuế mà đáng ra họ phải trả”, bà Lindsay Owens, giám đốc điều hành của Groundwork Collaborative, một tổ chức tư vấn của phe cánh tả nhận định.

Con đường duy nhất

Tổng thống Mỹ hẳn là có thể nhận thức rõ điều này, nhưng ông không còn lựa chọn nào khác. Nếu thỏa thuận này bị Quốc hội Mỹ bác bỏ, thị trường tài chính nước này có thể rơi vào hỗn loạn, đe dọa thị trường lao động đang phát triển mạnh mẽ và giáng một đòn nặng nề vào vai trò đầu tàu kinh tế của Mỹ trên thị trường toàn cầu.

Ông Biden sẽ không có đủ tiềm lực chính trị để chống lại một cú sốc như vậy. Trong những cuộc đối đầu trước đây, chính quyền Dân chủ thường mô tả đảng Cộng hòa là những kẻ cực đoan tài chính. Nhưng các cuộc thăm dò gần đây cho thấy ông Biden không nắm lợi thế rõ ràng trong lần này.

“Nếu việc này gây ra suy thoái, người ta sẽ đổ lỗi cho cả Tổng thống và đảng Cộng hòa. Đến lúc đấy, những vấn đề chính trị có nguy cơ xảy ra đều rất khó đoán”, ông Jay Campbell, chuyên gia tại tổ chức nghiên cứu Hart Research cho biết.

Đảng Dân chủ đã liên tục yêu cầu ông Biden bỏ qua trần nợ và tiếp tục đi vay trên cơ sở Tu chính án thứ 14, trong đó có điều khoản ghi rõ rằng tính hợp lệ của nợ công Mỹ là “không thể bị nghi ngờ”.

Tuy nhiên, chính quyền ông Biden đã nhấn mạnh rằng giải pháp đơn phương như vậy, cũng như các lựa chọn thay thế khác, sẽ không khả thi và tiềm ẩn nhiều rủi ro về mặt pháp lý. Bất chấp điều đó, một số nhà phê bình cho rằng ông Biden vẫn nên mạnh tay hơn với các đảng viên Cộng hòa để buộc ông McCarthy phải lùi bước.

Ông Biden nói rất ít về các cuộc đàm phán tài chính trong những ngày gần đây, ít hơn nhiều so với ông McCarthy và các nhà đàm phán Cộng hòa. Điều này giúp hạn chế những xung đột nào trong giai đoạn đàm phán cuối cùng.

Càng đối đầu công khai, ông sẽ càng chứng tỏ mình đang làm ngược với những điều mình nói, đồng thời ảnh hưởng đến triển vọng của thỏa thuận.

Giờ đây, thách thức đối với ông Biden là thuyết phục các đảng viên Dân chủ bỏ phiếu thông qua thỏa thuận mới.

Lãnh đạo phe thiểu số Hạ viện Hakeem Jeffries cho biết, đảng Cộng hòa đã cam kết cung cấp ít nhất 150 phiếu thuận. Các đảng viên Đảng Dân chủ sẽ cần bù đắp vào số còn thiếu để đạt được ngưỡng 218 phiếu bầu cần thiết nhằm thông qua thỏa thuận này.

Do đó, ông Biden sẽ phải đóng vai trò quan trọng trong những ngày tới để nhận được sự ủng hộ của các đồng minh

(Nguồn: Người Đưa Tin)

Những chi tiết mới trong thỏa thuận trần nợ Mỹ

Văn bản lập pháp đầy đủ về thỏa thuận trần nợ giữa Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy với Tổng thống Biden dự kiến được các nhà lập pháp Hạ viện bỏ phiếu trong tuần này.

Trọng tâm của thỏa thuận vẫn là việc đình chỉ trần nợ trong vòng hai năm, cho phép chính phủ Mỹ tiếp tục tự do vay tiền. Quốc hội Mỹ cần thông qua thỏa thuận này trước ngày 5/6, khi Bộ Tài chính Mỹ cạn nguồn tiền, theo New York Times.

Đổi lại, đảng Cộng hòa yêu cầu một loạt nhượng bộ chính sách từ ông Biden. Đầu tiên là hạn chế về chi tiêu liên bang trong vòng hai năm tới. Ông Biden cũng đồng ý siết chặt yêu cầu nhận trợ cấp thực phẩm và thu hẹp chương trình hỗ trợ tạm thời cho các gia đình khó khăn.

Cả hai bên đồng ý thúc đẩy việc cấp phép một số dự án năng lượng. Trong một động thái bất ngờ, cả hai đảng nhất trí đẩy nhanh xây dựng một đường ống dẫn khí đốt tự nhiên mới từ Tây Virginia đến Virginia.

Tạm đình chỉ trần nợ

Thỏa thuận mới sẽ đình chỉ giới hạn vay 31.400 tỷ của chính phủ Mỹ cho đến tháng 1/2025. Cần phải chú ý rằng tạm dừng trần nợ trong một khoảng thời gian khác với việc áp một trần nợ mới. Về cơ bản, thỏa thuận cho phép Bộ Tài chính Mỹ vay đủ tiền để thanh toán chi tiêu quốc gia trong khoảng thời gian từ nay đến năm 2025.

Thỏa thuận này khác với đạo luật nâng trần nợ thêm 1.500 tỷ USD vào cuối tháng 3/2024 được Hạ viện Mỹ thông qua vào cuối tháng 4 vừa qua.

Theo thỏa thuận mới, trần nợ sẽ được đặt ở bất kỳ mức nào khi việc đình chỉ kết thúc. Đảng Cộng hòa có xu hướng mong muốn đình chỉ giới hạn nợ thay vì tăng trần nợ, bởi về mặt kỹ thuật họ không hề bật đèn xanh cho việc tăng trần nợ.

Dù vậy, việc đình chỉ trần nợ có thể sẽ khởi động một cuộc chiến nợ công khác vào năm 2025, sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tiếp theo.

Giới hạn và cắt giảm chi tiêu

Dự luật sẽ cắt giảm cái được gọi là chi phí tùy ý phi quốc phòng cho năm tài chính 2024, bao gồm hỗ trợ cho lực lượng thực thi pháp luật, quản lý rừng, nghiên cứu khoa học và hơn thế nữa. Nó sẽ giới hạn tất cả khoản chi tiêu ở mức tăng 1% vào năm 2025, được dự đoán sẽ chậm hơn tốc độ lạm phát của đồng USD.

Ngân sách chi tiêu quốc phòng Mỹ được đề xuất sẽ tăng lên 886 tỷ USD vào năm tới và tăng lên 895 tỷ USD vào năm 2025, phù hợp với đề xuất ngân sách của ông Biden. Chi tiêu chăm sóc sức khỏe cựu chiến binh cũng sẽ được tài trợ ở mức ngân sách đề xuất của ông Biden.

Dự luật sắp được trình lên Hạ viện cho thấy các khoản chi tiêu phi quốc phòng khác sẽ bị thu hẹp vào năm 2024 xuống mức chi tiêu của năm ngoái. Tuy nhiên, giới chức Nhà Trắng cho biết các thỏa thuận phụ với đảng Cộng hòa sẽ cho phép nguồn tiền chi tiêu sát với mức của năm nay.

Đảng Cộng hòa ban đầu kêu gọi giới hạn chi tiêu trong 10 năm, nhưng dự luật mới chỉ giới hạn trong 2 năm và sau đó chuyển sang các mục tiêu chi tiêu không bị ràng buộc bởi luật pháp.

Nhà Trắng ước tính thỏa thuận này sẽ mang lại 1.000 tỷ USD tiết kiệm từ việc giảm chi tiêu trong suốt một thập kỷ.

Một phân tích của New York Times cho thấy chính quyền Mỹ sẽ giảm chi tiêu liên bang khoảng 55 tỷ USD vào năm tới và 81 tỷ USD vào năm 2025. Nếu chi tiêu sau đó trở lại mức Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ dự báo, tổng số tiền tiết kiệm trong một thập kỷ sẽ là 860 tỷ USD.

Điều chỉnh ngân sách cho Sở Thuế vụ Mỹ

Dự luật mới nhắm vào một trong những ưu tiên lớn nhất của Tổng thống Biden - củng cố Sở Thuế vụ (IRS) để truy lùng gian lận thuế và đảm bảo các cá nhân, công ty giàu có trả đủ thuế.

Đảng Dân chủ đã phê duyệt 80 tỷ USD đi kèm với Đạo luật Giảm lạm phát vào năm 2022, bao gồm tài trợ giúp IRS thuê thêm hàng nghìn nhân viên và cập nhật công nghệ lỗi thời. Thỏa thuận nợ công sẽ ngay lập tức thu hồi 1,38 tỷ USD từ IRS và sau đó là 20 tỷ USD từ Đạo luật Giảm lạm phát.

Các quan chức chính quyền Mỹ ngày 28/5 cho biết đã đồng ý điều chỉnh lại 10 tỷ USD phân bổ cho IRS trong năm 2024 và 2025 để duy trì tài trợ cho một số chương trình khác.

Việc thu hồi tài trợ sẽ hạn chế nỗ lực của cơ quan thuế nhằm trấn áp gian lận. Đây cũng là một chiến thắng chính trị cho đảng Cộng hòa, những người phẫn nộ trước việc IRS được tăng cường và mong muốn thu hồi toàn bộ 80 tỷ USD.

Tuy nhiên, do sự chậm trễ của IRS trong việc chi tiêu, việc thu hồi có thể không ảnh hưởng quá nhiều đến kế hoạch của cơ quan này trong vài năm tới. Các quan chức cho biết IRS sẽ không bị gián đoạn hoạt động trong ngắn hạn.

Cơ quan này đã lên kế hoạch chi tiêu trong vòng 8 năm. Các quan chức cho rằng IRS đơn giản chỉ cần phân bổ lại số tiền, tập trung vào các năm tới, sau đó đề nghị thêm tài trợ từ Quốc hội.

Siết chặt tài trợ phúc lợi liên bang

Dự luật sẽ áp đặt những tiêu chuẩn mới đối với những người Mỹ lớn tuổi nhận tem phiếu thực phẩm và những người nhận viện trợ từ chương trình hỗ trợ gia đình khó khăn.

Thỏa thuận sẽ tăng độ tuổi người nhận tem phiếu thực phẩm từ 50 lên 54 và không sống chung với con cái. Hiện tại, người trưởng thành thất nghiệp từ 18 đến 49 tuổi không có người phụ thuộc hoặc bị khuyết tật có thể nhận trợ cấp.

Cựu chiến binh, người vô gia cư và trẻ em được nhận nuôi sẽ được miễn trừ khỏi những yêu cầu mới của chương trình tem phiếu thực phẩm.

Giới hạn độ tuổi sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn trong hơn 3 năm, bắt đầu từ năm tài chính 2023.

Tuy nhiên, việc siết chặt tiêu chuẩn đã thu hút sự phẫn nộ của công chúng, cho rằng nó đang ảnh hưởng đến những người yếu thế cần thực phẩm.

“Thỏa thuận này sẽ khiến hàng trăm nghìn người trong độ tuổi 50-54 có nguy cơ mất hỗ trợ lương thực, bao gồm rất nhiều phụ nữ”, Sharon Parrott, chủ tịch Trung tâm Ưu tiên Ngân sách và Chính sách, cho biết trong một tuyên bố.

Ưu tiên chương trình năng lượng

Thỏa thuận này bao gồm một loạt biện pháp mới nhằm tăng tốc phê duyệt các dự án năng lượng. Một cơ quan sẽ được hình thành để giám sát và yêu cầu các dự án hoàn thành trong 1-2 năm.

Dự luật cũng là một chiến thắng cho Thượng nghị sĩ Dân chủ Joe Manchin III của bang Tây Virginia khi chấp thuận cấp phép cho dự án khí đốt tự nhiên Mountain Valley. Dự án trị giá 6,6 tỷ USD sẽ vận chuyển khí đốt từ các mỏ đá phiến Marcellus ở Tây Virginia tới Virginia.

Dự án này đã vấp phải sự phản đối của nhiều nhà hoạt động môi trường trong nhiều năm.

Dự luật tuyên bố rằng “việc hoàn thành kịp thời và vận hành đường ống Mountain Valley là cần thiết vì lợi ích quốc gia”. Ông Manchin khẳng định trên Twitter rằng ông tự hào vì đã nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng để thực hiện dự án.

Khoản nợ sinh viên và hỗ trợ Covid-19

Dự luật sẽ yêu cầu những người có khoản vay sinh viên bắt đầu trả lại tiền cho chính phủ kể từ tháng 8 và ngăn chặn Tổng thống Biden tiếp tục đóng băng các khoản vay này như hồi đại dịch Covid-19.

Thỏa thuận này không song hành với nỗ lực của các đảng viên Cộng hòa nhằm ngăn chặn chính sách xóa nợ sinh viên của Tổng thống Biden. Sáng kiến chính quyền Biden đưa ra vào năm ngoái đang được Tòa án Tối cao Mỹ xem xét và đối mặt với nguy cơ bị chặn.

Dự luật cũng sẽ thu hồi khoảng 30 tỷ USD chưa được giải ngân từ đạo luật cứu trợ Covid-19, vốn là ưu tiên hàng đầu của đảng Cộng hòa khi tham gia đàm phán. Một phần số tiền sẽ được chuyển sang các chương trình chi tiêu liên bang khác.

Thỏa thuận này vẫn sẽ giữ nguyên nguồn tài trợ cho hai chương trình Covid-19 chính, bao gồm dự án NextGen nhằm phát triển thế hệ vaccine và phương pháp điều trị mới, và sáng kiến cung cấp vaccine miễn phí cho những người không có bảo hiểm.

Ngăn chặn chính phủ ngừng hoạt động

Thỏa thuận chỉ đặt ra các thông số cho hai năm chi tiêu tiếp theo, do đó Quốc hội Mỹ sẽ phải thông qua một loạt các dự luật chi tiêu vào cuối năm nay. Nếu kế hoạch chi tiêu không được thông qua kịp thời, chính phủ Mỹ sẽ phải đóng cửa.

Thỏa thuận giữa ông Biden và ông McCarthy cố gắng thúc đẩy Quốc hội thông qua tất cả các dự luật chi tiêu bằng cách đe dọa giảm chi tiêu đối với cả hai đảng. Nếu các nhà lập pháp không thông qua tất cả 12 dự luật tài trợ thường xuyên vào cuối năm nay, thỏa thuận sẽ thắt chặt giới hạn chi tiêu.

Chi tiêu phi quốc phòng sẽ bị đặt thấp hơn một điểm phần trăm so năm nay. Bên cạnh đó, IRS cũng sẽ không thể tiếp cận khoản tài trợ 10 tỷ USD cho năm tới.

Chi tiêu quốc phòng và cựu chiến binh sẽ được áp dụng mức giảm tương tự - sự cắt giảm đáng kể so với các giới hạn đã thỏa thuận. Đảng Dân chủ coi việc cắt giảm chi tiêu quân sự là động lực để đạt được thỏa thuận phân bổ ngân sách với đảng Cộng hòa vào cuối năm nay.

(Nguồn: Zing News)

Mỹ lên kế hoạch siết đầu tư vào Trung Quốc

(Ảnh minh họa).

Tổng thống Mỹ Joe Biden đang hoàn tất một sắc lệnh hành pháp nhằm hạn chế đầu tư của Mỹ vào ngành công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc, Axios đưa tin.

Axios dẫn các nguồn tin ẩn danh cho biết, sắc lệnh hành pháp nhằm hạn chế đầu tư của Mỹ vào ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc sẽ được ban hành vào cuối mùa hè này.

Trước đó, thông tin về một sắc lệnh mới đã lan truyền trên các phương tiện truyền thông Mỹ từ tháng 4, nhưng các nguồn tin của Axios cho biết việc công bố sắc lệnh đã bị chậm lại do nỗ lực của Washington nhằm thuyết phục các đồng minh G7 đưa ra các biện pháp hạn chế tương tự.

Theo một nguồn tin, "sự tiến triển rõ ràng" về vấn đề này đã được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Nhật Bản trong tháng này.

Không rõ sắc lệnh sẽ quy định "ngành công nghiệp quốc phòng" của Trung Quốc có quy mô ở mức nào. Tuy nhiên, ngành công nghiệp - quốc phòng của Trung Quốc gần như hoàn toàn thuộc sở hữu nhà nước và đã bị chính quyền Tổng thống Joe Biden áp lệnh trừng phạt.

Bloomberg hồi tháng trước đưa tin sắc lệnh của Mỹ sẽ bao trùm "các lĩnh vực chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và điện toán lượng tử", đồng thời lưu ý rằng những công nghệ này đều có ứng dụng quân sự.

Mỹ đã tìm cách kiềm chế tốc độ phát triển công nghệ của Bắc Kinh, áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu vào tháng 10 năm ngoái để chặn việc xuất khẩu công nghệ được sử dụng để sản xuất chất bán dẫn cho Trung Quốc. Ngoài ra, Mỹ đang đàm phán với Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan để chính thức hóa "liên minh chip", vốn bị Bắc Kinh coi là nỗ lực loại Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng chất bán dẫn.

Bắc Kinh đã đáp trả bằng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chất bán dẫn, cấm chip do công ty Micron của Mỹ sản xuất được sử dụng trong cơ sở hạ tầng quốc gia và điều tra công ty về "rủi ro an ninh không gian mạng" tiềm ẩn.

(Nguồn: Dân Trí)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang