Mỹ: Tiếng súng ngày thứ 7; 'Thương mại mặt trăng'; Thế khó của FED; Điều gì xảy ra nếu vỡ nợ; Tuần tra chung biển Đông

Tiếng súng vang lên vào thứ bảy đẹp trời, ở nơi người Mỹ hay tụ tập

(Ảnh minh họa).

Những người có mặt tại trung tâm thương mại ở Texas (Mỹ) đã mô tả lại nỗi kinh hoàng khi vụ xả súng hàng loạt diễn ra hôm 6/5.

Tay súng giết chết 8 người trong vụ xả súng tại trung tâm thương mại ở Texas (Mỹ) được cho là tin vào chủ nghĩa da trắng thượng đẳng hoặc chủ nghĩa tân phát xít.

Nhà chức trách chưa công bố động cơ đằng sau vụ việc, nhưng một miếng vá trên ngực của kẻ xả súng ghi “RWDS” - từ viết tắt của Right Wing Death Squad. Họ nói rằng cụm từ này phổ biến trong giới cực đoan cánh hữu, tân phát xít và những người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng.

Dù vậy, giới chức Mỹ vẫn chưa đưa ra bất cứ kết luận nào vì còn nhiều bằng chứng khác cần phân tích. Các nhà điều tra đang tiếp cận vụ nổ súng với khả năng xuất phát từ tội ác do thù ghét.

Vụ nổ súng ở trung tâm mua sắm hôm 6/5 đánh dấu lần thứ hai trong vòng chưa đầy 10 ngày Texas xảy ra xả súng hàng loạt, theo Washington Post.

Các nguồn tin cho hay tay súng Mauricio Garcia (33 tuổi), là cư dân Dalla, có nhiều vũ khí trên người và 5 khẩu súng khác trong ôtô gần nơi xảy ra vụ xả súng.

Áo ngoài của nghi phạm cũng chứa đầy băng đạn, cho thấy mức độ tàn sát mà tay súng muốn gây ra tại một trong những địa điểm mà người Mỹ hay tụ tập vào cuối tuần - trung tâm mua sắm.

Nhà chức trách tin rằng tay súng hành động một mình và không có mối đe dọa nào khác, Cảnh sát trưởng Allen Harvey cho biết trong cuộc họp báo.

Cảnh tượng không thể quên

Đoạn video kinh hoàng từ hiện trường cho thấy nhiều người bỏ chạy để thoát khỏi làn đạn. Những chiếc túi mua sắm của họ tung bay xung quanh khi họ chạy qua bãi đậu xe.

Một cậu bé mặc áo phông đỏ vừa bỏ chạy vừa la hét “chạy đi”, với vẻ mặt kinh hoàng.

Theo lời kể của các quan chức và nhân chứng, ít nhất một trong số các nạn nhân là trẻ em. Ngoài ra, một người mặc đồng phục bảo vệ cũng nằm trong số những người thiệt mạng. Không rõ liệu người này có đang làm nhiệm vụ vào thời điểm đó hay không.

Một nhân chứng khác mô tả việc tìm thấy một cậu bé còn sống dưới xác của người mẹ - người đã chết để bảo vệ con trai mình.

Một trong các quan chức cho biết tay súng từng ở tạm tại một nhà nghỉ ở khu vực Dallas và các điều tra viên đã khám xét nhà nghỉ này. Hai quan chức còn lại nói rằng đã khám xét một ngôi nhà ở khu vực Dallas có liên quan đến nghi phạm.

Vì kẻ nổ súng đã chết nên trọng tâm chính của cuộc điều tra là tìm hiểu xem liệu có người biết nghi phạm định làm gì hoặc giúp anh ta lên kế hoạch trước đó hay không.

6 nạn nhân được tìm thấy đã chết tại hiện trường và 9 người bị thương được sở cứu hộ địa phương đưa đến bệnh viện. Hai người trong số họ đã chết tại bệnh viện sau đó, cảnh sát cho biết.

Các nạn nhân, có độ tuổi từ 5 đến 61, đang được điều trị tại cơ sở chăm sóc chấn thương của Medical City Healthcare, theo Kathleen Beathard, phát ngôn viên của hệ thống bệnh viện.

Ít nhất 3 người vẫn trong tình trạng nguy kịch, theo báo cáo vào hôm 7/5.

Sherry Tutt đang đi mua sắm tại Victoria's Secret vào hôm 6/5 thì nghe thấy những tiếng nổ lớn. Cô kể lại nhiều người bắt đầu đổ xô vào cửa hàng và có người hét lên: “Họ đang nổ súng!”.

Tutt và vị hôn phu của cô vội vã chạy vào khu vực để hàng cùng với vài chục người khác, trốn giữa những chiếc hộp. Cô nói rằng sự hoảng loạn lan rộng khi họ gặp khó khăn trong việc tiếp cận 911. Một người phụ nữ đã bật khóc.

Sau khoảng một giờ, cảnh sát đưa họ ra khỏi cửa hàng và nói rằng nếu họ có con nhỏ, họ nên bịt mắt chúng lại. Khi đi ngang qua Fatburger, Tutt nhìn thoáng qua hai thi thể - một cảnh tượng mà cô mô tả là “thứ mà tôi sẽ không bao giờ quên”.

Âm thanh kinh hoàng

Tất cả cửa hàng tại trung tâm mua sắm Allen đã đóng cửa một ngày sau đó. Cảnh sát cũng chặn các lối vào trung tâm của khu phức hợp rộng lớn.

Hôm 7/5, bãi đậu xe ở trung tâm chật cứng ôtô của những người mua sắm và nhân viên không được phép lấy ra. FBI sau đó cho biết nhà chức trách sẽ hỗ trợ họ lấy lại phương tiện cho đến 21h30 cùng ngày.

Tổng thống Joe Biden đã ra lệnh treo cờ rủ cho tới hết ngày 11/5 để tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng. Trong tuyên bố, ông bày tỏ lời chia buồn với nạn nhân và kêu gọi thành viên đảng Cộng hòa tại Quốc hội ủng hộ dự luật cấm vũ khí tấn công và băng đạn công suất lớn, cùng những thay đổi khác đối với luật súng đạn.

“Chúng ta cần hành động nhiều hơn, nhanh hơn để cứu người”, ông nói. “Quá nhiều gia đình có ghế trống ở bàn ăn tối của họ”.

Cảnh quay từ trên không về hiện trường cho thấy những tấm vải trắng, dường như che thi thể, trên mặt đất bên ngoài một cửa hàng H&M, nơi tập trung vụ bạo lực.

Steven Spainhouer đến trung tâm mua sắm vài phút sau khi con trai ông, nhân viên của H&M, gọi điện và nói rằng một tay súng đang ở trong cửa hàng.

Spainhouer (63 tuổi), cho biết ông là một cựu quân nhân, đã đến và thấy nhiều người chạy trên đường. Vào thời điểm đó, cảnh sát và nhân viên y tế vẫn chưa có mặt tại hiện trường.

Spainhouer mô tả việc cố gắng giúp đỡ những người bị bắn bên ngoài H&M, bao gồm một cô gái đang ở “tư thế cầu nguyện” trong bụi cây bên ngoài cửa hàng.

Helen Bennett cho biết cô và con gái đang ở trong cửa hàng HanesBrands thì người quản lý nhìn thấy có người bước ra khỏi ôtô tại bãi đậu xe với vũ khí.

Những người trong cửa hàng sau đó trốn vào và khóa cửa nhà kho - nơi họ hy vọng viên đạn sẽ không bay xuyên qua tường.

Một bà mẹ cố gắng ru con mình để đứa trẻ không quấy khóc.

“Ngay khi chúng tôi vào phòng sau, chúng tôi nghe thấy tiếng súng”, Bennett kể lại.

Colin Palakiko, một đầu bếp 36 tuổi, cho biết anh đến trung tâm mua sắm để chuẩn bị cho kỳ nghỉ sắp tới ở Hawaii. Anh đang ở trong cửa hàng giày Tory Burch với mẹ thì một cô gái chạy vào và nói có kẻ xả súng bên ngoài.

Sau khi trú ẩn trong cửa hàng suốt 45 phút, cảnh sát dẫn họ ra ngoài theo hàng. Palakiko nghe thấy một người phụ nữ la hét điên cuồng, nói rằng chiếc xe bị bắn là của bạn trai cô ấy.

“Đó là âm thanh kinh hoàng nhất mà tôi từng nghe”, Palakiko nói.

Anh kể lại có một người mà anh nghĩ là nhân viên bảo vệ của trung tâm thương mại nằm trên mặt đất trong bộ đồng phục an ninh màu trắng. Người này bị bắn ở phía trước cơ thể và nằm trong tư thế úp mặt.

Deirdra Gordon, người đến từ Arkansas, cho biết cô đã khóc khi cảnh sát dẫn cô và những người khác ra khỏi Banana Republic sau vụ nổ súng. Cô và chồng, Bobby Gordon, cho biết họ nhìn thấy nhiều thi thể, trong đó có một người mặc đồng phục an ninh và một người mà họ nghĩ là kẻ xả súng.

Gần đó, cảnh sát đã giúp một người đàn ông bị thương ở chân ra khỏi nhà hàng. Gordons cũng nhìn thấy những lỗ đạn trên cửa sổ cửa hàng cùng kính chắn gió của một chiếc sedan màu xám.

“Đó là một ngày thứ bảy đẹp trời”, Deirdra Gordon nói. “Mọi chuyện thật tuyệt và rồi đột nhiên, không ai muốn tin rằng nó (vụ xả súng) là điều đang xảy ra”.

Trên con phố ngoại ô nơi cha mẹ của tay súng sinh sống, một số hàng xóm mô tả nghi phạm là một người trầm tính và dường như không thích vướng vào rắc rối.

“Anh ta trông có vẻ xa cách, kiểu như bị tách biệt. Nhưng anh ta không hề giống một mối đe dọa”, Kevin Todd, sống ở cuối phố, nói.

(Nguồn: Zing News)

Cơn sốt “thương mại mặt trăng” chiếm lĩnh nước Mỹ

Nước Mỹ sẽ trở lại mặt trăng nhờ sứ mệnh Peregrine. Con tàu không người lái này do Tập đoàn công nghệ tư nhân Astrobotic chế tạo, có nhiệm vụ vận chuyển các kiện hàng và thiết bị khoa học. Nếu thành công, đây sẽ là khởi đầu cho một ngành thương mại mới trên mặt trăng.

Khát vọng chinh phục mặt trăng

Khá thô sơ và cồng kềnh, tàu Peregrine có một thân chính hình hộp được hỗ trợ bởi 4 chân để hạ cánh. Dự kiến trong vài tuần tới, Peregrine sẽ được phóng lên không gian từ Căn cứ Vũ trụ Cape Canaveral ở bang Florida (Mỹ) nhờ tên lửa đẩy Vulcan do United Launch Alliance (ULA), một liên doanh giữa Boeing Co và Lockheed Martin Corp, phát triển.

Hành trình chinh phục mặt trăng của Peregrine dự kiến mất khoảng 15-54 ngày. Tàu sẽ thực hiện nhiều nhiệm vụ như thăm dò tầng ngoài của mặt trăng, tính chất nhiệt, hydro trong nước hoặc cát (được gọi là regolith) của mặt trăng và môi trường bức xạ. Ngoài ra, Peregrine sẽ vận chuyển các thiết bị khoa học của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) và 13 khách hàng khác, với chi phí 1,2 triệu USD/kg. Theo space.com, Peregrine có thể chở gần 90kg thiết bị.

Mỹ đã quyết định quay trở lại mặt trăng gần 20 năm trước với một chương trình mang tên Artemis. Chương trình này tập trung vào việc thăm dò và khai thác các nguồn tài nguyên trong không gian, bao gồm mặt trăng và trong tương lai là Sao Hỏa, cũng như có tham vọng đưa con người trở lại mặt trăng.

Hiện nay, NASA đang sử dụng các tàu đổ bộ robot tư nhân, máy bay tự hành và tàu vũ trụ khác để làm việc cùng với các phi hành gia của Chương trình Artemis, những người có thể hạ cánh gần cực Nam của mặt trăng ngay sau năm 2025 trong sứ mệnh Artemis 3. Cho đến nay, chỉ có tàu vũ trụ Orion bay thành công vào tháng 12-2022 sau khi quay quanh mặt trăng nhiều ngày nhưng chưa chạm vào nó.

Để vượt qua trở ngại về hạn chế ngân sách, NASA đã áp dụng chiến lược mới, chia sẻ rủi ro và lợi ích với các bên tham gia tư nhân. Điều này đã cho phép SpaceX được hưởng lợi từ các hợp đồng trị giá 3 tỷ USD để chế tạo các bệ phóng có thể tái sử dụng và các tàu chở hàng tới Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS).

Astrobotic nằm trong số 14 công ty được chọn gần đây nhất theo sáng kiến Dịch vụ tải trọng mặt trăng thương mại (CLPS) do NASA khởi xướng vào năm 2018, với số tiền 2,6 tỷ USD được đầu tư trong 10 năm. NASA cho biết, điều này nhằm đẩy nhanh việc tạo ra “các dịch vụ giao hàng trên mặt trăng của các công ty Mỹ”.

Bước tiến lớn của khoa học

CLPS đại diện cho một hình thức thám hiểm mặt trăng mới, bởi các nỗ lực hạ cánh thành công lên mặt trăng cho đến nay đều do các quốc gia dẫn đầu chứ không phải các công ty tư nhân. Tuy nhiên, nhiệm vụ khảo sát trước khi các phi hành gia hạ cánh xuống mặt trăng đã được giao cho các công ty tư nhân, trong đó có Astrobotic.

Nằm trên một bệ phụ của tàu Peregrine, dưới những tấm pin mặt trời là xe tự hành Iris. Phương tiện di chuyển trên mặt trăng này là niềm tự hào của các sinh viên ngành robot tại Trường Đại học Carnegie Mellon ở bang Pennsylvania (Mỹ). “Nó nặng 2kg. Đây là chiếc xe tự hành đầu tiên được chế tạo bởi một trường đại học chứ không phải bởi một cơ quan hàng không vũ trụ. Iris sẽ là robot đầu tiên của Mỹ trên mặt trăng”, Raewyn Duvall, 28 tuổi, nghiên cứu sinh tiến sĩ và là chỉ huy sứ mệnh Iris, vui mừng nói.

Theo ông William “Red” Whittaker, chuyên gia có 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chế tạo robot và là một trong những người sáng lập của Astrobotic, đêm ở mặt trăng dài bằng 14 ngày ở Trái đất, nhưng ở nhiệt độ rất lạnh, -120°C. Vì thế, các linh kiện điện tử xuống cấp rất nhanh. Để tồn tại, các robot cần phải được làm nóng. Do đó, Astrobotic đã đưa ra giải pháp lưu trữ nhiệt trong ngày để khôi phục lại vào ban đêm bằng việc sử dụng pin hạt nhân vi mô. Đây chỉ là một trong số hàng nghìn thử thách đặt ra trong quá trình chinh phục mặt trăng.

Với cơn sốt “kinh doanh mặt trăng”, những bước đi nhỏ của con người là một bước tiến lớn cho khoa học.

(Nguồn: Quân Đội Nhân Dân)

3 'đám mây đen' đẩy Fed vào thế khó: Khủng hoảng ngân hàng, nước Mỹ vỡ nợ và ... El-Nino

(Ảnh minh họa).

Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho rằng nền kinh tế có thể tránh được suy thoái. Tuy nhiên, có nhiều “cơn gió ngược” đang chống lại ông: ngành ngân hàng nhiều bất ổn, các chính trị gia bất đồng về trần nợ và thậm chí là cả thời tiết.

Theo quan điểm của ông Powell, sức mạnh của thị trường lao động Mỹ - được thể hiện mức tăng trưởng tốt trong tháng trước - sẽ dọn đường để nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể “ha cánh mềm” dù chỉ trong hơn 1 năm lãi suất cơ bản đã tăng vọt từ gần 0 lên trên 5%.

“Lần này có thể thật sự rất khác”, ông nói với báo giới tuần trước, sau quyết định tăng lãi suất lần thứ 10 liên tiếp.

Tuy nhiên, với thị trường lao động như hiện nay, tiền lương sẽ tăng lên, đồng nghĩa Fed sẽ phải giữ lãi suất ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn để kiềm chế lạm phát. Đó chính là lý do để nguy cơ suy thoái tăng cao. Và để dự báo lạc quan của ông Powell trở thành hiện thực, nền kinh tế Mỹ còn phải vượt qua được 3 chướng ngại vật lớn đe dọa đẩy Mỹ vào suy thoái trong nửa cuối năm 2023.

Trước tiên là tình trạng khan hiếm tín dụng. Với 2 tác động kép là Fed thắt chặt chính sách tiền tệ và nhiều ngân hàng sụp đổ, khả năng tiếp cận vốn vay của các doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là trong ngành bất động sản thương mại sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Thứ hai là bế tắc trần nợ ở Washington. Sự phân cực chính trị đe dọa sẽ gây nên 1 thời kỳ căng thẳng nghiêm trọng về tài chính. Nếu như Mỹ thực sự vỡ nợ chính phủ, tác động lên nền kinh tế và thị trường tài chính có thể tương đương với khủng hoảng 2008.

Yếu tố cuối cùng tưởng chừng không liên quan nhưng lại khó lường nhất: hiện tượng El Nino. Biến đổi khí hậu đe dọa gây nên những hiện tượng thời tiết cực đoan trên khắp thế giới, có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng, đẩy giá hàng hóa tăng cao và ảnh hưởng đến công cuộc chống lạm phát của Fed.

Và nếu như 3 yếu tố nói trên đẩy kinh tế Mỹ vào suy thoái, ông Powell và các đồng nghiệp ở Fed khó có thể làm gì để can thiệp. Cắt giảm lãi suất là công cụ chính để chống lại suy thoái, nhưng Fed sẽ khó có thể triển khai công cụ này nếu như vẫn chưa thể đưa lạm phát quay trở về mức mục tiêu.

Khan hiếm tín dụng - hệ quả của làn sóng ngân hàng sụp đổ

Lộ trình thắt chặt tiền tệ nhanh nhất trong 4 thập kỷ trở lại đây vẫn luôn đi kèm với cái giá phải trả không hề nhỏ. Fed đã tăng lãi suất từ gần 0 lên trên 5% chỉ từ tháng 3 năm ngoái đến nay. Nhìn lại lịch sử, gần như không có trường hợp nào tăng lãi suất mạnh đến vậy mà không gây ra suy thoái.

Mối quan hệ nhân quả giữa lãi suất tăng và nền kinh tế co cụm rất dễ hiểu. Khi chi phí đi vay tăng và giá tài sản giảm, chi tiêu sẽ hụt hơi và các doanh nghiệp phải cắt giảm việc làm. Đối với các NHTW, tỷ lệ thất nghiệp tăng, tiền lương giảm chính là cơ chế để đưa lạm phát về mục tiêu.Suy thoái hoàn toàn không phải là “tác dụng phụ ít khi xảy ra” của nỗ lực chống lạm phát. Đó là “nhân vật chính trên sân khấu”.

Trong khi đó làn sóng ngân hàng sụp đổ mà khởi đầu là SVB cũng không phải là điều gì bất ngờ. Không ai biết chính xác thứ gì sẽ đổ vỡ khi Fed tăng lãi suất, nhưng mọi người đều nghi ngờ sẽ phải có thứ gì đó sụp đổ. Tuy nhiên có lẽ nếu các quan chức Fed được lựa chọn thì họ cũng sẽ không hề mong muốn cuộc chiến chống lạm phát lại kéo theo các ngân hàng khu vực sụp đổ.

Các ngân hàng sụp đổ càng làm tăng hiệu ứng khan hiếm tín dụng của lãi suất cao, khi các ngân hàng trở nên thận trọng hơn. Tệ hơn, sự căng thẳng trên hệ thống ngân hàng sẽ có xu hướng “bóng tuyết”, tức càng ngày càng lớn. Xét theo tiêu chí tài sản thì các vụ sụp đổ ngân hàng từ đầu năm đến nay đã ngang bằng với thời điểm 2008.

Bế tắc ở Washington

Trần nợ vẫn là vấn đề gây tranh cãi trong Quốc hội Mỹ và thường được giải quyết vào phút chót. Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì lần này nguy hiểm hơn các lần trước. Ngày 1/5, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã lên tiếng cảnh báo khả năng sử dụng các biện pháp đặc biệt để không vượt quá trần nợ của Bộ sẽ cạn kiệt vào đầu tháng 6. Suốt từ tháng 1 đến nay, Bộ Tài chính đã phải sử dụng nhiều cách để tránh vỡ nợ sau khi nợ đã chạm mức trần 31.400 tỷ USD.

Ngày mai (9/5), Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy sẽ tổ chức các cuộc đàm phán về trần nợ nhưng hầu như không có kỳ vọng sẽ có đột phá. Mới đây ông McCarthy đã thông qua dự luật áp dụng cắt giảm chi tiêu trên diện rộng để đổi lại là đảng Dân chủ sẽ đồng ý tăng trần nợ.

Trong trường hợp tốt nhất, căng thẳng trên thị trường sẽ tiếp tục dâng cao trước khi các nhà làm luật đạt được thỏa thuận. Còn trong kịch bản tệ nhất, nước Mỹ vỡ nợ sẽ khiến hệ thống tài chính toàn cầu chao đảo và kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái sâu.

Lạm phát dai dẳng

Khả năng phản ứng của Fed bị bó hẹp bởi lạm phát dai dẳng. Tuần trước ông Powell nói rằng với giá cả tăng nhanh hơn nhiều so với mong muốn của Fed như hiện nay, “sẽ không hợp lý nếu Fed hạ lãi suất và chúng tôi sẽ không làm vậy”. Có thể hiểu là nếu suy thoái ập đến, đừng hi vọng Fed sẽ giải cứu bằng cách kích thích tiền tệ.

Ở mức 5% trong tháng 3, lạm phát đã giảm mạnh so với mức đỉnh hơn 9% lập từ mùa hè năm ngoái. Tuy nhiên chặng đường không hề dễ dàng. Phần lớn là giá năng lượng giảm và chuỗi cung ứng trơn tru hơn đã trợ giúp Fed rất nhiều. Phía trước là chặng đường rất khó khăn. Theo nhận định của Bloomberg Economics, tiền lương tăng và động lực giảm lạm phát từ 2 yếu tố nói trên suy giảm, đến cuối năm nay lạm phát lõi vẫn sẽ mắc kẹt ở quanh mức 4%, thậm chí có thể tệ hơn.

Biến đổi khí hậu - quân cờ khó đoán

Bước vào thời kỳ El Nino, bão và lũ lụt sẽ ba phủ California và miền Nam nước Mỹ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng khai thác năng lượng cũng như thực phẩm. Trên toàn cầu, hạn hán ở châu Á và mưa lớn ở Nam Mỹ cùng châu Phi sẽ phá hoại mùa màng.

IMF ước tính El Nino có thể khiến giá hàng hóa tăng thêm 4 điểm phần trăm. Như vậy kể cả khi Fed có cắt giảm lãi suất thì tác động cũng sẽ bị giảm thiểu đáng kể, thậm chí là triệt tiêu hoàn toàn.

Tất nhiên kinh tế Mỹ vẫn có thể hạ cánh mềm. Một số người hi vọng những cuộc khủng hoảng nhỏ sẽ khiến lạm phát tự động giảm xuống. Tuy nhiên ngày càng có nhiều người nghĩ đến “rolling recession”, tức một cuộc suy thoái mà các ngành sẽ lần lượt suy thoái trong khi toàn bộ nền kinh tế không rơi vào suy thoái. Đã có một số dấu hiệu cho thấy điều này đang diễn ra: ngành sản xuất và bất động sản lao đao nhưng thị trường lao động vẫn rất khỏe, tức 2 ngành nói trên sẽ chạm đáy và thoát đáy trước khi thị trường lao động bắt đầu bộc lộ dấu hiệu suy thoái.

Cuối cùng thì có lẽ trì lạm - nền kinh tế suy giảm trong khi lạ phát vẫn ở mức quá cao - sẽ là kịch bản dễ xảy ra nhất.

(Nguồn: CafeF)

Điều gì xảy ra nếu Mỹ vỡ nợ?

Mỹ chưa từng vỡ nợ trước đây, do đó vẫn chưa rõ chính xác điều gì sẽ xảy ra nhưng chắc chắn đó không phải là điều tốt.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen từng cho biết trong thư gửi Quốc hội hồi đầu năm nay: "Thất bại trong việc thực hiện nghĩa vụ của chính phủ sẽ gây ra tác hại không thể khắc phục đối với nền kinh tế Mỹ, sinh kế của tất cả người Mỹ và sự ổn định tài chính toàn cầu".

Các nhà đầu tư sẽ mất niềm tin vào đồng USD, khiến nền kinh tế suy yếu nhanh chóng. Việc cắt giảm việc làm xảy ra và chính phủ liên bang Mỹ sẽ không có phương tiện để tiếp tục duy trì tất cả các hoạt động.

Trong suốt lịch sử, Mỹ từng có một số khoản nợ. Nhưng khoản nợ thực sự bắt đầu tăng lên vào những năm 1980, sau đợt cắt giảm thuế quy mô lớn của cố Tổng thống Ronald Reagan. Không có nhiều nguồn thu từ thuế, chính phủ cần phải vay thêm tiền để chi tiêu.

Trong những năm 1990, chiến tranh lạnh kết thúc cho phép chính phủ cắt giảm chi tiêu quốc phòng và nền kinh tế bùng nổ dẫn đến nguồn thu thuế tăng cao hơn. Nhưng sau đó, vào đầu những năm 2000, bong bóng dotcom vỡ, dẫn đến suy thoái. Cựu Tổng thống George W Bush đã cắt giảm thuế hai lần vào năm 2001 và 2003, sau đó các chiến dịch quân sự của Mỹ ở Iraq và Afghanistan đã làm tăng chi tiêu lên tới gần 6 ngàn tỉ USD trong suốt cuộc chiến.

Theo Guardian, khi cuộc Đại suy thoái năm 2008 bắt đầu, chính phủ đã phải tăng chi tiêu để giải cứu các ngân hàng và tăng cường các dịch vụ xã hội khi tỉ lệ thất nghiệp lên tới 10%.

Khi tỉ lệ thất nghiệp quay trở lại mức trước suy thoái, vào năm 2017, một đợt cắt giảm thuế lớn đã được thông qua dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. Khoản nợ đã tăng thêm 7,8 ngàn tỉ USD khi ông còn tại nhiệm.

Khi đại dịch COVID-19 ập đến, chính phủ Mỹ đã thông qua một loạt dự luật kích thích kinh tế để bù đắp những tác động tồi tệ nhất của đại dịch khiến số tiền chi tiêu lên đến 5 ngàn tỉ USD.

Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho biết Mỹ có thể không đủ tiền để đáp ứng tất cả các nghĩa vụ tài chính trước ngày 1-6 hoặc trong vài tuần sau đó. Bế tắc chính trị đã làm dấy lên mối lo ngại về khả năng vỡ nợ có thể ảnh hưởng đến thị trường tài chính toàn cầu.

Nếu điều đó xảy ra, Bộ Tài chính có thể sẽ thực hiện kế hoạch dự phòng mà họ đã chuẩn bị vào năm 2011, thời điểm nước Mỹ đối mặt với tình huống tương tự. Theo kế hoạch này, Bộ Tài chính sẽ không để trái phiếu kho bạc vỡ nợ và sẽ tiếp tục trả lãi cho những trái phiếu chính phủ đến hạn. Dù cho kịch bản vỡ nợ không xảy ra, tình huống gần như vậy cũng sẽ gây xáo trộn cho thị trường và nền kinh tế.

Theo hãng tin AP, nếu chính phủ không thể vay tiền để tiếp tục thanh toán các hóa đơn của mình trong một thời gian dài, hàng triệu người có thể mất việc làm, doanh nghiệp phá sản, sự sụp đổ chồng chất trên thị trường tài chính và nỗi đau kinh tế kéo dài. Thiệt hại về tài chính sẽ xảy ra nhưng nguyên nhân có thể đến từ chính trị, sự rạn nứt giữa Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ, hơn là vấn đề sức khỏe của nền kinh tế Mỹ.

(Nguồn: Soha)

Mỹ cùng các nước đồng minh sẽ sớm bắt đầu tuần tra chung ở Biển Đông?

(Ảnh minh họa).

Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Manuel Romualdez cho rằng những cuộc tuần tra chung ở Biển Đông giữa Philippines và Mỹ cùng một số nước khác có thể bắt đầu "rất sớm".

"Tôi thấy trước việc đó (tuần tra chung ở Biển Đông) sẽ diễn ra rất sớm", Đại sứ Romualdez nói với mạng truyền hình ABS-CBN News hôm nay 8.5. Ông Romualdez khẳng định cuộc tuần tra chung này nhằm bảo vệ quyền tự do hàng hải ở Biển Đông.

Trước đó, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. nói rằng các cuộc tuần tra chung ở Biển Đông có thể bắt đầu trong năm nay. Các quốc gia tham gia tuần tra chung ở Biển Đông là Mỹ, Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc, theo ABS-CBN News.

Trong tuyên bố chung sau khi Tổng thống Marcos Jr gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng ngày 1.5, hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh cam kết vững chắc của họ đối với tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Họ ghi nhận phán quyết năm 2016 của tòa trọng tài quốc tế bác bỏ yêu sách "đường lưỡi bò" phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.

Cũng theo tuyên bố chung, được đăng trên trang web của Nhà Trắng, Tổng thống Biden nhấn mạnh một cuộc tấn công vũ trang nhắm vào các lực lượng vũ trang, tàu công vụ hoặc máy bay của Philippines ở Thái Bình Dương, bao gồm cả ở Biển Đông, sẽ kích hoạt cam kết phòng thủ chung của Mỹ theo Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Philippines năm 1951.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Philippines ngày 1.5 là phần trọng tâm trong chuyến thăm Mỹ kéo dài 4 ngày của Tổng thống Marcos Jr, bắt đầu từ ngày 30.4, trong lúc ông Marcos Jr tìm kiếm mối quan hệ nồng ấm với cả Mỹ lẫn Trung Quốc.

Giới chuyên gia cho rằng Mỹ xem Philippines là một địa điểm tiềm năng để triển khai các hệ thống rốc két, tên lửa và pháo binh nhằm chống lại nguy cơ một cuộc tấn công đổ bộ tiềm tàng của Trung Quốc vào Đài Loan.

Tuy nhiên, trước khi gặp Tổng thống Biden tại Nhà Trắng, Tổng thống Marcos Jr nói với các phóng viên trên máy bay của mình rằng Trung Quốc đã đồng ý thảo luận về quyền đánh bắt cá ở Biển Đông và ông cũng sẽ không cho phép Philippines trở thành một nơi dành cho hành động quân sự, theo Reuters.

(Nguồn: Thanh Niên)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang