Mỹ: Xả súng tại khu mua sắm; 'Khôn' như Google; Nhảy xuống đường tàu biểu tình; Nguy cơ vỡ nợ; Suy tính của FED

Xả súng tại khu mua sắm ở Mỹ, nhiều người bị thương

(Ảnh minh họa).

Ít nhất 9 người bị thương và một số người không xác định đã chết trong một vụ xả súng xảy ra bên ngoài trung tâm thương mại sầm uất ở ngoại ô Dallas, bang Texas của Mỹ. Tay súng đã chết.

Hãng Reuters và NBC đưa tin, vụ xả súng diễn ra ngay sau lúc 3h30 chiều qua (6/5 giờ địa phương) tại khu mua sắm Allen Premium Outlets, cách Dallas khoảng 40km về phía đông bắc.

Cảnh sát trưởng ở Allen, Texas là Brian Harvey nói, hiện còn quá sớm để đưa ra con số chính xác về số người thiệt mạng. Ông cũng cho biết, tay súng đã bị một cảnh sát vô hiệu hóa.

Theo các nhân chứng, tay súng mặc toàn đồ đen và nổ súng về khắp mọi hướng ở bên ngoài khu mua sắm. Hiện thông tin về tay súng rất sơ sài. Cảnh sát trưởng Harvey nói, nhà chức trách tin rằng đối tượng trên hành động một mình và không còn mối đe dọa nào khác.

Thống đốc bang Texas Greg Abbott gọi sự việc trên là một thảm kịch.

Các vụ xả súng hàng loạt đã trở nên phổ biến ở Mỹ, với ít nhất 198 vụ đã xảy ra tính đến năm 2023, nhóm Gun Violence Archive cho biết. Xả súng hàng loạt được định nghĩa là bất kỳ vụ nổ súng nào có 4 người bị thương hoặc thiệt mạng trở lên, không bao gồm kẻ xả súng.

(Nguồn: Vietnamnet)

‘Khôn’ như Google: Bỏ nửa tỷ USD mỗi năm nuôi đối thủ Firefox, tưởng vô nghĩa nhưng đằng sau là toan tính hết sức “cao tay”

‘Cáo lửa’ Firefox từng là trình duyệt web được kỳ vọng chấm dứt sự độc quyền của Internet Explorer-Microsoft. Thế nhưng dự án này hiện nay lại chỉ sống lay lắt được nhờ tiền trợ cấp từ đối thủ Chrome-Google.

Theo hãng tin Bloomberg, nhà phát triển Mozilla của trình duyệt lướt web Firefox đã nhận của Google gần nửa tỷ USD mỗi năm, chiếm hơn 80% doanh thu của hãng chỉ để treo công cụ tìm kiếm này làm mặc định. Điều trớ trêu là Google cũng có trình duyệt riêng của mình mang tên Chrome và cả 2 đều là đối thủ của nhau trên thị trường trình duyệt web.

Vậy tại sao Google lại bỏ nhiều tiền để nuôi đối thủ đến vậy? Phải chăng họ quá giàu không biết tiêu như thế nào?

Lay lắt

Mozilla là một tổ chức phi lợi nhuận phát triển Firfox (biệt danh cáo lửa), ra mắt trình duyệt web này lần đầu vào năm 2004 khi Google phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).

Cả Google và Mozilla khi đó đều muốn hạ bệ gã khổng lồ Internet Explorer-Microsoft. Vì thế mà Google đã hỗ trợ nhà cáo lửa lập trình nên Fifefox, qua đó giúp trình duyệt web này chiếm đến 30% thị phần khi đó. Đáp trả, Mozilla đồng ý để công cụ tìm kiếm của Google làm mặc định.

Thế nhưng hiện nay, Google vẫn là ông trùm mảng công cụ tìm kiếm, nhưng tập đoàn này cũng chiếm luôn thị phần trình duyệt web khi Chrome có đến 2/3 tổng thị phần. Lúc này Firefox chỉ có chưa đến 3% thị phần và nếu chỉ tính trình duyệt trên điện thoại thì còn thấp hơn nữa.

Rất rõ ràng, Firefox đang lâm vào khủng hoảng khi Mozilla đã cố gắng phát triển hàng loạt dự án để tìm nguồn thu nhưng chẳng cái nào thực sự thành công.

Tuy nhiên doanh nghiệp này còn lâu mới phá sản bởi theo báo cáo tài chính mới nhất, họ có đến hơn 1 tỷ USD tiền mặt dự trữ và phần lớn trong số đó đến từ Google. Nói chính xác hơn, đây là số tiền Alphabet (Google) trả để Firefox đặt công cụ tìm kiếm của họ làm mặc định.

Số tiền này được thanh toán kể từ năm 2005 và đã tăng đến 50% trong 10 năm, đạt hơn 450 triệu USD hiện nay, bất chấp thị phần của Firefox teo nhỏ trước Chrome.

Năm 2021, số tiền của Google chiếm đến 83% doanh thu của Mozilla.

Độc quyền

Theo Bloomberg, việc Google thanh toán tiền để trở thành công cụ tìm kiếm mặc định chẳng có gì lạ khi tập đoàn này cũng trả khoản tài chính tương tự cho Apple để xuất hiện trên hệ điều hành iOS.

Thế nhưng việc Mozilla với hệ điều hành đối thủ chỉ chiếm chưa đến 3% thị phần và sống lay lắt nhờ tiền cứu trợ của Google lại khiến nhiều chuyên gia nghi vấn. Về mặt kinh tế, động thái này không hề logic chút nào.

Trong thời điểm trí thông minh nhân tạo (AI) đang được phát triển mạnh bởi Microsoft với công cụ tìm kiếm Bing, việc Google đốt tiền lãng phí là điều bất hợp lý. Thậm chí rủi ro Apple tự phát triển công cụ tìm kiếm của riêng mình, biến Google thành đồ cổ cũng cần được tập đoàn này tính đến.

Hãng tin Bloomberg nhận định nước đi bất hợp lý về kinh tế này của Google có lẽ mang hơi hướng bảo hộ độc quyền trước con mắt của chính phủ nhiều hơn là tìm kiếm lợi nhuận.

“Thật là quá tiện lợi khi Google tài trợ cho một đối thủ yếu, duy trì nó sống sót để đỡ mang tiếng độc quyền”, nhà thiết kế Chris Messina của Firefox nói.

Rất rõ ràng, đạo luật chống độc quyền và sự lo lắng của chính phủ Mỹ khi Google kìm hãm đà phát triển công nghệ của những doanh nghiệp khác sẽ biến tập đoàn này thành đích ngắm cho các buổi điều trần, kiện tụng và quy định tiêu cực.

Bởi vậy, duy trì cho một đối thủ không có cơ hội lật bàn là điều tất yếu, nhằm giữ thị trường trong tình trạng có vẻ như công bằng, dù Google và Chrome hiện đang thống trị cả mảng công cụ tìm kiếm lẫn trình duyệt web.

Bù nhìn

Năm 2020, Bộ tư pháo Mỹ đã từng kiện Google vì cho rằng tập đoàn này có hành vi xâm phạm quyền cạnh tranh bình đẳng trên thị trường công cụ tìm kiếm.

“Một Google đầy tinh thần khởi nghiệp và sáng tạo đã biến mất rồi. Giờ đây Google chỉ còn là một gã khổng lồ độc quyền thích đứng canh cửa Internet”, biên bản cáo buộc của Bộ tư pháp Mỹ mỉa mai.

Về phía Mozilla, động thái của hãng chẳng khác gì một “bù nhìn”.

Trước đây khi Microsoft bị cáo buộc độc quyền, Mozilla đã dồn hết nguồn lực để cạnh tranh, giành thị phần và hô hào một cuộc cải cách. Thế nhưng khi Google bị tố cáo điều tương tự thì nhà Cáo lửa lại khá mềm mỏng.

Trong vụ kiện năm 2020, Mozilla tuyên bố việc chống lại Google có thể tạo ra những tổn thất tài sản không mong muốn cho các doanh nghiệp như chính bản thân họ, qua đó ảnh hưởng gián tiếp đến thị trường và người tiêu dùng.

“Tất cả chúng tôi đều biết, từ ban giám đốc cho đến nhân viên, rằng công ty sẽ không đời nào chỉ trích công khai Google. Đây là quan điểm cực kỳ rõ ràng”, một cựu giám đốc xin giấu tên của Mozilla nói với Bloomberg.

Theo Bloomberg, việc Mozilla “ngậm tiền” của Google khiến hãng đương nhiên phải làm theo lệnh. Trên thực tế ban đầu mối quan hệ này cũng chỉ bình thường là một trình duyệt web muốn phá vỡ độc quyền của Microsoft, còn một công ty muốn duy trì công cụ tìm kiếm của mình.

Tuy nhiên theo thời gian, khi Chrome đã đánh bại Internet Explorer-Microsoft thì Mozilla dần trở thành một công cụ để “trưng bày” cho chính phủ xem hơn là đối thủ xứng tầm.

Sự phụ thuộc này lớn đến mức vào năm 2006, giám đốc kỹ thuật Mike Schroepfer của Mozilla đã phải thanh minh rằng họ “không phải công ty con của Google”. Đồng thời ông Schroepfer cũng tuyên bố không có chuyện Google sẽ cạnh tranh với Mozilla khi phát triển Chrome bằng một nhóm các kỹ sư vốn là cựu nhân viên của nhà Cáo lửa.

Thế rồi thực tế đã “vả mặt” Mozilla khi Chrome bùng nổ. Chỉ vài năm sau đó, Firefox từ bỏ Google để lấy Yahoo làm công cụ tìm kiếm mặc định, qua đó cho thấy sự cạnh tranh gay gắt giữa 2 nhà.

Thế nhưng khi Verizon mua lại Yahoo vào năm 2017, nhà Cáo lửa lại trở về với trình duyệt mặc định Google, chấp nhận lấy tiền để sóng sót.

Vô dụng

Khi Firefox thất bại trước Chrome và những dự đoán của các giám đốc Mozilla đều sai bét, nhà Cáo lửa đã cố gắng tìm kiếm đường sống bằng hàng loạt dự án nhưng chẳng cái nào thành công.

Hệ điều hành Firefox OS được tung ra để cạnh tranh với Android trên điện thoại nhưng thất bại. Dòng Samrtphone Firefox được trình làng nhưng dự án chết yểu chỉ trong 1 năm.

Doanh nghiệp này cũng đã phát triển các dự án về vũ trụ số theo gót Meta (Facebook) của Mark Zuckerberg nhưng rõ ràng đây là con đường cụt. Thế rồi Mozilla.ai cũng được ra đời theo trào lưu AI, nhưng hầu như chẳng ai biết đến những sản phẩm này.

Với nguồn tiền của Google, Mozilla vẫn có thể phát triển các dự án khác nhằm tìm lối ra, nhưng có vẻ chẳng cái nào nên hồn và hãng vẫn chỉ có thể là “bù nhìn” cho ông lớn Alphabet.

Báo cáo tài chính mới nhất cho thấy Mozilla chi tiêu đến 340 triệu USD năm 2021 và 240 triệu USD trong số đó là dùng để trả lương thưởng. Bất chấp tình hoạt động kinh doanh “bù nhìn”, CEO Mitchell Baker vẫn nhận 5,6 triệu USD thu nhập trong khi Mozilla cũng phải sa thải hàng loạt nhân viên trong làn sóng đuổi việc ngành công nghệ.

Hiện vô số cựu nhân viên và chuyên gia đang chỉ trích các lãnh đạo Mozilla chẳng làm được gì nên hồn ngoài ngồi nhận tiền của Google. Hiện công ty không có một phương hướng phát triển rõ ràng nào và cũng chẳng có sản phẩm gì nổi trội.

Thậm chí nhiều nguồn tin còn cho biết Mozilla trả lương cao cho nhiều nhân viên chỉ để thu hút nhân tài khỏi đối thủ, ngăn không cho công ty khác tuyển dụng mà chẳng có việc làm hay dự án gì giao cho mọi người làm.

Hiện chưa rõ việc Google chậm chân trong mảng AI trước Microsoft có khiến công ty thay đổi chính sách với Mozilla hay không. Tuy nhiên rõ ràng thực trạng khó khăn của ngành công nghệ đang khiến nhiều nhà đầu tư kêu gọi Google xem xét lại những quyết định bất hợp lý về kinh tế như với Mozilla.

(Nguồn: CafeF)

Nhảy xuống đường tàu phản đối vụ người da màu bị kẹp cổ chết

(Ảnh minh họa).

Hàng chục người nhảy xuống đường ray để phản đối vụ cựu binh kẹp cổ chết người da màu, khiến tuyến tàu điện ngầm ở New York tê liệt.

Nhóm người biểu tình tụ tập trên đường ray ở trạm dừng Lexington Avenue và trạm East 63rd Street vào chiều tối 6/5, hô khẩu hiệu "không có công lý, không có hòa bình", buộc đoàn tàu đang lao tới phải phanh lại trong đường hầm.

Họ cho rằng vụ cựu lính thủy đánh bộ Daniel Penny kẹp cổ người đàn ông da màu vô gia cư Jordan Neely đến chết trên chuyến tàu điện ngầm ở Manhattan, New York hôm 1/5 là hành vi "phân biệt chủng tộc" và yêu cầu giới chức trừng phạt Penny.

Hành động của người biểu tình đã buộc ga Lenox Hill phải ngắt điện tạm thời để đảm bảo an toàn. Sau vài phút, cảnh sát xuất hiện, yêu cầu những người biểu tình khỏi đường ray để đoàn tàu vào ga.

Tuy nhiên, khi tàu dừng lại ở ga, những người biểu tình đã đứng chặn cửa tàu, khiến hành khách bên trong không thể ra ngoài. Một hành khách tuyệt vọng đã cầu xin cảnh sát giải tán nhóm biểu tình để có thể ra ngoài, nhưng đám đông tuyên bố "Anh không được xuống đoàn tàu này".

Hỗn loạn nổ ra khi cảnh sát tìm cách giải tán đám đông. Một số người biểu tình đã xô xát, ẩu đả với các sĩ quan. Giới chức đã bắt ít nhất 7 người có hành vi bạo lực.

Cảnh sát Mỹ tới nay chưa có hành động pháp lý nào với cựu lính thủy đánh bộ Penny. Các luật sư của Penny ngày 5/5 cho biết cựu binh 24 tuổi này "không thể lường trước" cái chết của Neely khi khống chế người đàn ông da màu này bằng đòn kẹp cổ trên chuyến tàu điện ngầm ngày 1/5.

Theo cảnh sát và các nhân chứng, Penny đã can thiệp khi Neely bắt đầu la hét, đe dọa và ném rác vào hành khách trên tàu trong khi xin họ thức ăn. Neely nói sẵn sàng vào tù, thậm chí là chết.

Lính thủy đánh bộ Mỹ được đào tạo về đòn kẹp cổ, có khả năng gây bất tỉnh đối phương trong vòng 8 giây. Penny đã kẹp cổ Neely ít nhất ba phút, nhưng cựu binh nói "không có ý định làm hại" người đàn ông da màu này.

Jordan Neely phải vật lộn với chứng trầm cảm trong nhiều thập kỷ sau khi mẹ bị sát hại. Cảnh sát cho biết anh bị bắt 42 lần trong thập kỷ qua, lần gần nhất là vào tháng 11/2021. Văn phòng công tố Manhattan đang xem xét khả năng đưa ra cáo buộc đối với Penny.

(Nguồn: Vnexpress)

Nguy cơ nước Mỹ vỡ nợ: “Nút thắt” chính trị và những tác động

Khủng hoảng trần nợ công không phải chuyện mới ở Mỹ. Với người Mỹ, niềm tin vào thị trường tài chính của họ đang đứng trước thử thách của hai cuộc khủng hoảng liên tiếp: ngân hàng sụp đổ và chính phủ đứng trước nguy cơ vỡ nợ. Còn với thế giới, tác động của việc Mỹ vỡ nợ sẽ đến đâu là câu hỏi được quan tâm lúc này.

Khó khăn trong đàm phán nâng trần nợ công

Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ phải đối mặt với nguy cơ vỡ nợ và lần gần nhất là năm 2021. Mặc dù đây không phải là vấn đề mới nhưng điểm đáng chú ý đó là bối cảnh hiện nay ở nước Mỹ và các cuộc đàm phán giữa hai đảng được cho là khó khăn hơn để có thể đạt được 1 thỏa thuận về mức trần nợ công.

Năm 2021, đảng Dân chủ kiểm soát cả hai viện ở quốc hội trong khi đó, ở thời điểm hiện tại, đảng Cộng hòa đang nắm thế đa số tại Hạ viện và đang tận dụng yếu tố này để gây sức ép trong đàm phán vấn đề trần nợ với Tổng thống Biden.

Tuần trước, Hạ viện Mỹ do phe Cộng hòa nắm thế đa số đã thông qua đề xuất tăng giới hạn nợ quốc gia, nhưng đi kèm với các biện pháp cắt giảm mạnh chi tiêu. Điều kiện “thắt lưng, buộc bụng” này của phe Cộng hòa bị Tổng thống Biden và phe Dân chủ phản đối kịch liệt. Theo giới phân tích, các nghị sĩ đảng Cộng hòa quyết tâm thúc đẩy thông qua dự luật Giới hạn, Tiết kiệm, Tăng trưởng tại Hạ viện để củng cố vị thế của đảng này trong các cuộc đàm phán với Tổng thống Biden.

Nền kinh tế Mỹ chạm ngưỡng giới hạn vay nợ 31.400 tỷ USD hồi tháng 1 vừa qua và bộ Tài chính nước này đã phải áp dụng các biện pháp đặc biệt để có thể tiếp tục trang trải cho các hoạt động của chính phủ. Tuy nhiên, nếu mức trần nợ không được nâng lên, Chính phủ Mỹ có nguy cơ không thực hiện được các khoản thanh toán, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế, trong bối cảnh nợ công của nền kinh tế số 1 thế giới không ngừng phình ra.

Chính phủ Mỹ từng vay mượn để giúp nền kinh tế quốc gia chống chọi với tác động của đại dịch Covid-19 gây ra cho thị trường lao động và chuỗi cung ứng. Việc vay nợ diễn ra dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump và thời kỳ đầu trong nhiệm kỳ của Tổng thống Biden, vào thời điểm lãi suất còn thấp. Giờ đây, trong thời kỳ lạm phát cao lịch sử và một loạt đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) để kiềm chế giá cả tăng cao, chi phí vay đã cao hơn trước rất nhiều.

Trước cảnh báo Mỹ có nguy cơ vỡ nợ ngày từ đầu tháng 6 tới, Tổng thống Joe Biden ngày 9/5 sẽ có cuộc gặp với các lãnh đạo hàng đầu của quốc hội bao gồm Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, thành viên đảng Cộng hòa, lãnh đạo đảng Dân chủ tại Hạ viện Hakeem Jeffries, lãnh đạo phe đa số Thượng viện Chuck Schumer và lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell.

Mặc dù cả hai bên đều khá cứng rắn trong đàm phán thời gian qua, tuy nhiên, trước sự cấp bách của tình hình hiện nay, có khả năng cuộc họp này sẽ có kết quả khả quan khi hai bên có thể sẽ có những thỏa hiệp và nhượng bộ nhất định để tránh tình trạng chính phủ vỡ nợ, điều có thể sẽ mang lại những hậu quả to lớn.

Người dân Mỹ bị ảnh hưởng ra sao?

Một báo cáo mới công bố của Hội đồng Cố vấn kinh tế của Tổng thống Joe Biden cho biết nếu Mỹ vỡ nợ dài hạn, hơn 8 triệu người có thể mất việc và một nửa giá trị thị trường chứng khoán có thể bị mất, nền kinh tế sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng.

Trong báo cáo này, Nhà Trắng chỉ ra 3 kịch bản có thể xảy ra với nền kinh tế Mỹ, bao gồm trường hợp tránh được vỡ nợ, vỡ nợ ngắn hạn và vỡ nợ kéo dài. Theo đó, ngay cả khi Mỹ không chịu cảnh vỡ nợ, khoảng 200.000 người vẫn bị mất việc làm và GDP trong năm vẫn bị suy giảm 0,3 điểm phần trăm. Đối với trường hợp vỡ nợ ngắn hạn, nền kinh tế sẽ mất khoảng nửa triệu việc làm và tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng 0,3 điểm phần trăm.

Trong tình huống xấu nhất là vỡ nợ kéo dài, các chuyên gia kinh tế của Nhà Trắng cho biết khoảng 8,3 triệu người sẽ mất việc, GDP giảm 6,1 điểm phần trăm và thị trường chứng khoán “bốc hơi” gần một nửa giá trị. Tỷ lệ thất nghiệp trong trường hợp này sẽ tăng tới 5 điểm phần trăm. Báo cáo nhấn mạnh kịch bản vỡ nợ kéo dài sẽ khiến Mỹ rơi vào tình trạng bế tắc suốt 3 tháng.

Trong khi đó, một số chuyên gia kinh tế cho rằng việc Mỹ vỡ nợ có thể khiến quá trình suy thoái kinh tế diễn ra nhanh hơn đặc biệt là trong bối cảnh các đợt nâng lãi suất liên tiếp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhằm kiềm chế lạm phát đã làm tăng chi phí đi vay đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp, đồng thời làm chậm hoạt động cho vay của ngân hàng. Tình hình này đã làm suy yếu nền kinh tế và có thể bắt đầu làm tăng tỷ lệ thất nghiệp, hiện đang ở mức thấp lịch sử 3,5%.

Mỹ có thể vỡ nợ nếu cả hai đảng không đạt được thỏa thuận. Điều đó có khả năng dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính, gây thiệt hại cho sản lượng kinh tế và gây ra một cuộc suy thoái sâu sắc nếu đất nước không thể thanh toán tất cả các hóa đơn đúng hạn. Ngoài ra, việc vỡ nợ cũng có thể gây ra hậu quả toàn cầu và làm mất ổn định thị trường trái phiếu trên toàn thế giới, vì trái phiếu kho bạc Mỹ thường được coi là một trong những khoản đầu tư an toàn nhất.

Tác động đối với thế giới

Mặc dù khả năng nước Mỹ vỡ nợ, dù là vỡ nợ kỹ thuật hay vỡ nợ thực sự trên lý thuyết là có thể xảy ra và việc này sẽ gây ra tác động lớn đến kinh tế Mỹ cũng như kinh tế thế giới với hậu quả chưa thể lường trước. Các tác động từ việc vỡ nợ sẽ ảnh hưởng trước hết đến nước Mỹ sau đó là nền kinh tế toàn cầu và cuối cùng là ảnh hưởng đến các nền kinh tế khác, đặc biệt là các nền kinh tế đang phát triển có nợ công cao.

Việc nước Mỹ vỡ nợ có thể tàn phá hệ thống tài chính toàn cầu, vốn trong thời điểm nhạy cảm khi đang mất ổn định hậu khủng hoảng do đại dịch Covid-19 và tác động tiêu cực từ các vụ đổ vỡ ngân hàng vừa qua. Vì Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới và hơn một nửa số dự trữ ngoại tệ của thế giới là đồng đô la Mỹ nên bất kỳ tác động nào đến niềm tin vào nền kinh tế Mỹ, cho dù do vỡ nợ hay mất ổn định, rơi vào suy thoái đều có thể khiến các nhà đầu tư bán trái phiếu kho bạc Mỹ và do đó làm suy yếu đồng USD.

Việc giá trị của đồng tiền này giảm đột ngột sẽ khiến các nền kinh tế kém và đang phát triển có nợ công cao phải trả nợ nhiều hơn, các khoản nợ bằng ngoại tệ khác cũng tăng lên khiến các nước này đứng trước nguy cơ khủng hoảng nợ.

Đối với giới đầu tư và các nước đang nắm giữ trái phiếu dài hạn chính phủ Mỹ, nếu chính phủ Mỹ vỡ nợ, thì các trái phiếu này sẽ mất giá nghiêm trọng, kéo theo giá trị tài sản của các bên nắm giữ thông qua trái phiếu Mỹ vì vậy cũng giảm theo. Ngoài ra, số tiền phải trả cho bảo hiểm vỡ nợ trái phiếu dài hạn chính phủ Mỹ hiện đang ở mức 0,34%, tăng gần gấp đôi so với mức 0,2% từ đầu năm, có thể tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến trong giới kinh tế cũng cho rằng, mặc dù vẫn có nguy cơ vỡ nợ nhưng khả năng này không cao cộng với các tác động từ việc này có thể sẽ không nghiêm trọng như những gì mà giới chức Mỹ cảnh báo. Theo thông lệ trên thị trường tài chính quốc tế, vỡ nợ được định nghĩa là người đi vay không thể trả đầy đủ và đúng loại tiền giá trị khoản nợ đến hạn. Trong lịch sử, nước Mỹ đã từng bị coi là vỡ nợ ít nhất 5 lần, gần đây nhất là năm 1979 khi Chính phủ và Quốc hội Mỹ tranh chấp nâng trần nợ công như hiện nay khiến Bộ Tài chính Mỹ không thể trả các khoản nợ đến hạn.

Hay nói cách khác, những cảnh báo nghiêm trọng mà giới chức Mỹ đưa ra chỉ nhằm gây sức ép trong nội bộ liên quan đến tranh cãi ngân sách là chính chứ không phải thực tế sẽ diễn ra như vậy. Dù nghe có vẻ nghiêm trọng nhưng trong lịch sử nước Mỹ, việc nâng trần nợ là một thủ tục tương đối thường xuyên đối với Quốc hội. Kể từ năm 1960, Quốc hội Mỹ đã tăng mức trần nợ 78 lần, với lần tăng gần đây nhất vào năm 2021, lên mức 31.400 tỷ USD hiện nay.

(Nguồn: VOV)

Suy tính của FED

(Ảnh minh họa).

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) lại vừa tăng lãi suất cơ bản hôm 3-5. Đây là lần thứ 10 liên tiếp FED điều chỉnh chính sách lãi suất theo hướng tăng lãi suất cơ bản.

Với mức độ hiện tại là 5% - 5,25%, lãi suất chiết khấu và lãi suất thế chấp của FED cao nhất kể từ năm 2007, tức là trước khi bùng phát cuộc khủng hoảng tài chính trên thế giới. Gần như ngay lập tức sau đấy, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định tăng lãi suất cơ bản cho đồng euro, cũng với mức độ 0,25 điểm phần trăm như FED.

Việc FED tiếp tục nâng mặt bằng lãi suất cơ bản cho đồng USD với mức độ "nhỏ giọt", tức 0,25 điểm phần trăm chứ không phải 0,5 hoặc 0,75 điểm phần trăm, là chuyện có thể dự đoán được trước. Cho nên, điều được bên ngoài để ý đến nhiều nhất ở động thái nói trên chính là thời điểm.

Yếu tố chi phối quyết định điều hành chính sách tiền tệ nói chung và chính sách lãi suất nói riêng của FED lúc này là tỉ lệ lạm phát. Con số này đã giảm nhiều nhưng vẫn còn ở mức 5%, tức vẫn cao hơn rất nhiều so với mục tiêu 2% của FED.

Kinh tế Mỹ tuy vẫn tăng trưởng nhưng không còn được mạnh mẽ và năng động, làm dấy lên nỗi lo về nguy cơ suy thoái. Những mối bận tâm khác là cuộc khủng hoảng ngân hàng bùng phát ở Thung lũng Silicon và tình trạng chính phủ ngấp nghé bờ vực ngừng hoạt động nếu không có thỏa thuận về nâng trần nợ công.

FED tiếp tục tăng lãi suất cơ bản trước hết vì nhu cầu đòi hỏi phải tiếp tục chống lạm phát. Tỉ lệ lạm phát còn cao và điều này thách thức năng lực ứng phó, uy danh của FED nên cơ quan này vẫn phải dành ưu tiên chính sách hàng đầu cho công cuộc chống lạm phát.

Xem ra, FED hiện tại thiên về suy tính là tăng trưởng kinh tế của Mỹ có bớt năng động và vẫn chưa thật sự bền vững nhưng chưa đến mức đã xuất hiện nguy cơ suy thoái hay trì trệ nên FED không chỉ vẫn có thể nâng mặt bằng lãi suất cơ bản mà còn phải làm ngay việc này trước khi quá muộn, nhất là khi tỉ lệ thất nghiệp vẫn thấp.

Tăng lãi suất cơ bản như thế cũng còn là cách FED gián tiếp ứng phó cuộc khủng hoảng ngân hàng ở Thung lũng Silicon. Ở đây ẩn hiện nhận thức của FED cho rằng hệ thống ngân hàng và tài chính của Mỹ "vẫn rất bền vững" nên FED có thể "sàng lọc ngân hàng" thông qua tăng lãi suất, cụ thể là để cho ngân hàng này bị phá sản và ngân hàng kia được cơ cấu lại trên phương diện sở hữu. FED coi cuộc khủng hoảng ngân hàng hiện tại chỉ là cục bộ và nhất thời, không có khả năng tiếp tục diễn tiến thành cuộc khủng hoảng toàn quốc và kéo dài.

Việc FED tăng lãi suất cơ bản luôn giúp cho đồng USD mạnh thêm lên so với tất cả đồng tiền khác trên thế giới, luôn đưa lại hiệu ứng sâu rộng về kinh tế đối ngoại đối với Mỹ, cũng như cả hiệu ứng chính trị đối nội nữa.

Tiền tệ không bao giờ phi chính trị và FED trên thực tế cũng đâu có hoàn toàn độc lập với chính trị. Nâng lãi suất cơ bản như thế, FED gia tăng áp lực đối với chính phủ và quốc hội Mỹ trong việc nhanh chóng đạt được thỏa thuận giúp ngăn ngừa nguy cơ bộ máy chính quyền không còn ngân sách để duy trì hoạt động.

(Nguồn: Người Lao Động)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang