Mỹ: Tăng lãi suất; Trump cảnh báo chết chóc, 4 thập niên sóng gió; Trừng phạt Myanmar; Vụ không kích Syria

Mỹ tăng lãi suất cơ bản lần thứ 9 liên tiếp: Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Giới phân tích nhận định, việc tăng lãi suất lên mức 4,75-5% tuy nằm trong tính toán của FED nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro, nhất là với ngành Ngân hàng...

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất thêm 0,25% bất chấp làn sóng khủng hoảng ngân hàng đang gây ra nhiều rắc rối. Giới phân tích nhận định, việc tăng lãi suất lên mức 4,75-5% tuy nằm trong tính toán của FED nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro, nhất là với ngành Ngân hàng...

Động thái tăng lãi suất cơ bản lần thứ 9 liên tiếp của FED diễn ra trong bối cảnh lạm phát ở Mỹ những tháng gần đây đã chậm lại nhưng vẫn ở mức cao so với mục tiêu dài hạn 2%. Thực tế này xảy ra bất chấp chiến dịch thắt chặt tiền tệ được triển khai quyết liệt khiến lãi suất lên cao hiếm thấy. Trong khi đó, giá tiêu dùng ở Mỹ vẫn đang cao hơn khoảng 6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Vì thế, giới chuyên môn cho rằng, việc tăng lãi suất ở thời điểm hiện nay là một dấu hiệu cho thấy FED đang cố gắng cân bằng giữa mối lo ngại về các ngân hàng và tình trạng lo lắng về chi phí sinh hoạt của người dân Mỹ. Tuy vậy, nỗ lực này mang tới một số lo ngại. Bởi lẽ, tăng lãi suất sẽ làm giảm lạm phát nhưng có thể mang đến nhiều thách thức hơn trong lĩnh vực ngân hàng.

Cụ thể, việc tăng lãi suất lên mức 4,75-5% tuy nằm trong tính toán của FED, nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro, nhất là với ngành Ngân hàng Mỹ đang đứng trước nhiều bất cập. Trước đây, việc lãi suất tăng đã làm giảm giá trị nắm giữ trái phiếu của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB), khiến ngân hàng này rơi vào tình trạng khan hiếm tiền và sụp đổ khi bị rút tiền ồ ạt. Lãi suất tăng thêm có thể trầm trọng hóa tác động này, khiến các ngân hàng Mỹ đối mặt cùng lúc với hai trở ngại: Vay mượn trở nên đắt đỏ và các khoản đầu tư - gồm cả trái phiếu - bị giảm giá trị. Hai yếu tố này kết hợp lại có thể dẫn đến tình trạng thiếu vốn và có nguy cơ chung số phận như SVB.

Mặt khác, tăng lãi suất liên tục cũng đặt ra nguy cơ nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái, khi làm chậm lại một số hoạt động kinh tế như chi tiêu của người tiêu dùng và tuyển dụng, hay thu hẹp hoạt động cho vay của ngân hàng. Với khoản nợ công gần 32.000 tỷ USD, lãi suất tăng sẽ làm tăng chi phí của chính phủ liên bang khi đáo hạn nợ và có những khoản vay mới. Vì những lý do này, không ít ý kiến kêu gọi, FED dừng tăng lãi suất cho đến khi những bất ổn trong lĩnh vực ngân hàng lắng xuống, đồng thời cân nhắc lại việc kiểm soát lạm phát, tránh tình trạng lạm phát xảy ra cùng lúc với suy thoái như giai đoạn những năm 70 của thế kỷ trước.

Tuy nhiên, vẫn có quan điểm ủng hộ tăng lãi suất, dựa trên lập luận nhấn mạnh rằng, tăng lãi suất sẽ cho thấy lĩnh vực ngân hàng đủ ổn định để chịu được lãi suất cao hơn. Các ý kiến này nhấn mạnh tới một thực tế là FED từ lâu đã chịu áp lực phải làm nhiều hơn nữa để giảm lạm phát và tăng lãi suất là một trong số ít công cụ mà FED có thể sử dụng. Thực tế FED đã sử dụng tương đối hiệu quả công cụ này trong suốt năm 2022.

Về phần mình, Chủ tịch FED Jerome Powell cho biết, FED đã cân nhắc tạm dừng tăng lãi suất nhưng dữ liệu lạm phát và thị trường lao động lại tác động mạnh hơn dự kiến. Người đứng đầu hệ thống tài chính Mỹ cũng cho biết, các ngân hàng trung ương Mỹ sẽ chứng kiến lãi suất chính sách của xứ Cờ hoa ở mức 5,1%, tương ứng với triển vọng tăng trưởng kinh tế 0,4% và tỷ lệ thất nghiệp 4,5% vào cuối năm nay. Những dự báo này một phần dựa trên cơ sở đánh giá của FED rằng, hệ thống ngân hàng của Mỹ vẫn “khỏe mạnh và ổn định”.

Có thể nói, đợt tăng lãi suất này là một trong những quyết định khó khăn nhất của FED trong những năm gần đây. Dù còn gây tranh cãi, bước đi mới tiếp tục cho thấy FED vẫn đang thể hiện được sự linh hoạt trong ứng phó diễn biến của hệ thống tài chính và nền kinh tế xứ Cờ hoa.

(Nguồn: CafeF)

Cựu Tổng thống Trump cảnh báo ‘chết chóc và huỷ diệt’ nếu bị buộc tội

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo nguy cơ xảy ra “chết chóc và huỷ diệt” nếu ông bị buộc tội hình sự. Cảnh báo được đưa ra chỉ vài giờ sau khi các công tố viên điều tra vụ ông trả tiền "bịt miệng" cho sao khiêu dâm Stormy Daniels tuyên bố rằng họ sẽ không sợ bị đe doạ.

Thông điệp đăng trên mạng xã hội Truth Social ngày 24/3 là một trong hàng loạt tuyên bố của ông Trump nhằm công kích chưởng lý quận Manhattan Alvin Bragg, kể từ khi cựu tổng thống nói rằng ông sắp bị bắt.

Năm 2020, ông Trump cho rằng thất bại của ông trong cuộc bầu cử năm đó là do tình trạng gian lận, khiến lực lượng biểu tình ủng hộ ông xông vào trụ sở Quốc hội Mỹ làm loạn.

“Người nào có thể buộc tội một người khác, trong trường hợp này là cựu tổng thống Mỹ, người đã nhận được số phiếu nhiều hơn bất kỳ tổng thống nào trong lịch sử, và là ứng viên dẫn đầu đề cử của đảng Cộng hoà, dù biết là ông ấy không phạm tội nào, và cũng biết có nguy cơ chết chóc và huỷ diệt trong một cáo buộc sai trái như vậy có thể trở thành thảm hoạ cho đất nước của chúng ta”, ông Trump viết.

Trong lá thư gửi tới các chủ tịch uỷ ban của đảng Cộng hoà trong Quốc hội ngày 24/3, văn phòng của chưởng lý Bragg thách thức việc họ điều tra văn phòng của ông, đồng thời nói rằng ông Trump đã “tạo ra một nhận định sai lầm rằng ông ấy sẽ bị bắt ” trong thông điệp đăng tuần trước.

Bức thư cho rằng việc các chủ tịch yêu cầu việc trao đổi, cung cấp tài liệu và điều trần là hành động “xâm phạm trái pháp luật vào chủ quyền của New York”.

Diễn viên phim người lớn Stormy Daniels, tên thật là Stephanie Clifford, nói rằng đã nhận được tiền để đổi lấy sự im lặng về quan hệ tình ái với ông Trump năm 2006.

Ông Trump phủ nhận đã có quan hệ với Daniels, khẳng định việc đưa tiền “đơn giản là giao dịch riêng tư”. Ông cho rằng đây không phải hành vi hình sự và cáo buộc cuộc điều tra mang động cơ chính trị.

Bồi thẩm đoàn trong vụ này dự kiến sẽ họp lại vào tuần tới.

(Nguồn: Soha)

Bốn thập niên đối mặt sóng gió pháp lý của ông Trump

Trong 40 năm qua, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phải đối mặt với rất nhiều sóng gió liên quan đến luật pháp. Giờ đây, thách thức lớn vẫn đang chờ đợi ông Trump ở phía trước.

Những rắc rối pháp lý trong quá khứ

Rắc rối liên quan tới pháp luật đầu tiên mà cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp phải xảy ra vào năm 1973, khi ông cùng cha bị Bộ Tư pháp Mỹ kiện với cáo buộc vi phạm Đạo luận Công bằng Nhà ở do cố tính từ chối cho người da màu thuê nhà.

Vụ việc trên đã kết thúc sau khi công ty của cha con ông Trump đạt được một thỏa thuận với Bộ Tư pháp Mỹ. Tuy nhiên, kể từ rắc rối này, cựu Tổng thống Mỹ cùng các công ty của ông đã trở thành bị đơn của hơn 1.000 vụ kiện khác nhau.

Theo thống kê của USA Today, ông Trump cùng các pháp nhân liên quan đã bị kiện trong tổng cộng 1.300 vụ kiện hình sự và dân sự. Trong số này, ông Trump chỉ thất bại 38 vụ. Ngoài ra, ông đã giành chiến thắng trong 450 vụ kiện và chấp nhận thỏa hiệp để bãi nại 175 lần. Trong hơn 500 vụ án khác, thẩm phán thậm chí còn bãi đơn kiện của nguyên đơn từ trước khi ra tòa xét xử.

Ở chiều ngược lại, ông Trump cũng tham gia vào 1.900 vụ kiện khác với tư cách nguyên đơn.

Theo giới quan sát, khả năng trì hoãn chính là yếu tố giúp ông Trump vượt qua những sóng gió pháp lý trong ngần ấy năm. Nhiều vụ kiện nhằm vào ông Trump đã kết thúc sau khi nguyên đơn không thể đợi được quá trình xét xử kéo dài. Ngoài ra, tiềm lực tài chính mạnh cùng một đội ngũ pháp lý dày dạn kinh nghiệm cũng giúp ông Trump vượt qua nhiều vụ kiện bằng cách thỏa hiệp với bên nguyên đơn.

Các chuyên gia nhận định tuy đã "bình yên vô sự" với các rắc rối pháp lý trong suốt 40 năm qua, những thách thức lớn nhất hiện vẫn đang đợi cựu Tổng thống Trump ở phía trước. Những rắc rối này bao gồm 3 vụ án hình sự mà ông Trump đang bị điều tra.

Cả 3 vụ án này đều được đánh giá là các vụ án mang tầm quốc gia và thu hút được rất nhiều sự chú ý từ dư luận cũng như các đối thủ chính trị của cựu Tổng thống. Vì vậy, sẽ không dễ để ông Trump vượt qua các vụ án này với những chiến thuật đã được áp dụng trước đây.

Ba cuộc điều tra quan trọng nhất mà ông Trump đang phải đối mặt

Thách thức đầu tiên mà ông Trump đang phải đối mặt là cuộc điều tra về vụ bạo loạn tại Đồi Capitol hồi tháng 1/2021.

Trong một văn bản được đưa ra vào tháng 3/2022, Ủy ban Điều tra của Hạ viện Mỹ về vụ tấn công đồi Capitol cho biết họ có đủ bằng chứng để đi đến kết luận rằng ông Trump đã kích động bạo lực trong nỗ lực đảo ngược kết quả bầu cử tổng thống năm 2020. Ủy ban này sau đó đã chuyển hồ sơ sang Bộ Tư pháp và bộ này đã mở một cuộc điều tra hình sự nhằm vào cựu Tổng thống. Cuộc điều tra hiện vẫn đang tiếp tục.

Bên cạnh đó, vào đầu tháng 3, trong một văn bản gửi đến tòa phúc thẩm tại thủ đô Washington D.C, Bộ Tư pháp Mỹ xác nhận ông Trump đang bị kiện trong một vụ kiện dân sự bởi các sĩ quan cảnh sát Đồi Capitol cũng như một số chính trị gia đảng Dân chủ vì vai trò trong vụ bạo loạn hồi tháng 1/2021. Bộ Tư pháp Mỹ đồng thời khẳng định tòa án hoàn toàn có thể thụ lý vụ án, bất chấp lập luận từ đội ngũ pháp lý của ông Trump rằng cựu Tổng thống được hưởng quyền miễn trừ truy tố khi vụ việc xảy ra.

Tại vụ việc thứ 2, các thẩm phán liên bang tại bang Georgia, Mỹ đã đồng ý thành lập bồi thẩm đoàn để xem xét vụ kiện chống lại ông Trump. Biện lý Fani Willis của hạt Fulton, bang Georgia cáo buộc ông Trump âm mưu làm gián đoạn bầu cử vì gây sức ép lên các quan chức bầu cử của bang này với mục tiêu không công nhận chiến thắng của ông Joe Biden - đối thủ của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.

Trong vụ án thứ 3, đồng thời cũng là vụ án đang làm dậy sóng dư luận trong thời gian gần đây, cựu Tổng thống Trump đã bị cáo buộc liên quan tới nghi án chi tiền để bịt miệng sao khiêu dâm Stormy Daniels.

Stormy Daniels, tên khai sinh là Stephanie Clifford, tuyên bố từng có quan hệ tình dục với ông Trump ở Nevada vào năm 2006, thời điểm ông Trump đã kết hôn với bà Melania.

Để bịt miệng Stormy nhằm chuẩn bị cho chiến dịch tranh cử vào năm 2016, cựu Tổng thống Trump được cho là đã trả khoảng 130.000 USD để đổi lấy sự im lặng từ cựu sao khiêu dâm. Thông tin này đã bị Michael Cohen, người từng là luật sư riêng của ông Trump, khai với cơ quan chức năng.

Trong những tuần qua, một bồi thẩm đoàn ở New York đã liên tục tiến hành lắng nghe lời khai của các nhân chứng có liên quan trong vụ án của ông Trump. Điều này khiến giới quan sát nhận định rằng một bản cáo trạng đã gần kề với cựu Tổng thống.

Nếu bị truy tố, ông Trump sẽ gặp nhiều bất lợi trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng trong năm 2024. Một số chuyên gia pháp lý khẳng định ông Trump vẫn có thể tham gia tranh cử. Tuy nhiên, một số lệnh hạn chế nhất định có thể sẽ được tòa án áp đặt đối với cựu Tổng thống trong khoảng thời gian chờ đợi xét xử. Các lệnh hạn chế này nếu được ban hành sẽ ảnh hưởng lớn tới kế hoạch vận động tranh cử của ông Trump.

Việc truy tố ông Trump cũng sẽ có những tác động nhất định tới niềm tin của cử tri vào đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử sắp tới. Vì vậy, các đồng minh chính trị cùng đội ngũ pháp lý của cựu Tổng thống đang làm nỗ lực để giải nguy cho ông.

Hôm 20/3, 3 nghị sĩ cao cấp của đảng Cộng hòa là Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Jim Jordan, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Hạ viện James Comer và Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hạ viện Bryan Steil đã gửi một bức thư cho công tố viên quận Manhattan Alvin Bragg, yêu cầu ông ra điều trần vì "những quyết định công tố được đưa ra vì mục đích chính trị".

Việc điều trần này nhằm đảm bảo các công tố viên tại New York đã làm tròn trách nhiệm và không "lạm dụng quyền lực" trong quá trình điều tra cựu Tổng thống. Đảng Cộng hòa hy vọng cuộc điều trần này có thể gây sức ép, thậm chí là tìm ra những sai phạm để có thể hủy bỏ quyết định truy tố ông Trump.

Với tính chất vô cùng quan trọng, 3 vụ kiện trên có thể sẽ đóng vai trò định đoạt tương lai chính trị của vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Nếu bị kết luận có tội và truy tố, cánh cửa trở lại chính trường của ông Trump nhiều khả năng sẽ đóng lại vĩnh viễn.

(Nguồn: Dân Trí)

Mỹ công bố thêm các lệnh trừng phạt Myanmar

Mỹ hôm 24/3 đã công bố thêm các biện pháp trừng phạt đối với Myanmar, nhắm vào những cá nhân và thực thể có liên quan đến quân đội Myanmar trong khi Washington tìm cách gia tăng áp lực lên tập đoàn quân sự cầm quyền sau cuộc đảo chính năm 2021.
Bộ Tài chính Hoa Kỳ trong một tuyên bố cho biết họ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với hai cá nhân và sáu thực thể có liên quan đến quân đội Myanmar mà Washington cáo buộc, bao gồm các hạn chế nhập khẩu, lưu trữ và phân phối nhiên liệu máy bay cho quân đội.

Kể từ các lãnh đạo quân sự lên nắm quyền hồi tháng 2 năm 2021, Myanmar đã rơi vào hỗn loạn, với phong trào kháng chiến chống quân đội bùng nổ trên nhiều mặt trận sau các cuộc đàn áp đẫm máu của quân đội vào các đối thủ.

Bộ Tài chính Hoa Kỳ cho biết quân đội Myanmar đã tiếp tục có các hành động tàn ác và bạo lực chống lại người dân Myanmar kể từ cuộc đảo chính và cho biết họ ngày càng dựa vào không kích vào các khu vực dân cư và chỉ ra một cuộc không kích vào làng Let Yet Kone ở miền trung Myanmar đã ảnh hưởng đến một trường học và một cuộc không kích khác ở ở bang miền bắc Kachin đã khiến 80 người thiệt mạng.

“Chế độ quân sự Myanmar tiếp tục gây đau thương và thống khổ cho chính người dân của họ,” ông Brian Nelson, Thứ trưởng Bộ Tài chính Hoa Kỳ, nói.

“Hoa Kỳ vẫn kiên định trong cam kết đối với người dân Myanmar, và sẽ tiếp tục từ chối cho quân đội Myanmar tiếp cận các trang thiết bị mà họ sử dụng để thực hiện những hành vi tàn ác này.”

Bộ Tài chính Mỹ nhắm vào các nhà cung cấp nhiên liệu hàng không quân sự Myanmar, áp đặt các lệnh trừng phạt lên Asia Sun Group, Asia Sun Trading và Cargo Link Petroleum Logistics có trụ sở tại Myanmar.

Cũng bị nhắm đến là các cá nhân và thực thể mà Bộ Tài chính cho biết có liên quan hoặc đã cung cấp thiết bị cho quân đội Myanmar, bao gồm một cộng sự thân cận của nhà lãnh đạo tập đoàn quân sự và các công ty của người này.

(Nguồn: VOA)

Vì sao Mỹ bất ngờ không kích ở Syria

Cuộc xung đột tại Syria leo thang phức tạp sau các cuộc tấn công "ăn miếng trả miếng" giữa lực lượng Mỹ và những chiến binh được Iran hậu thuẫn ở Syria.

Xung đột ở đông bắc Syria leo thang hôm 24/3 khi lực lượng do Iran hậu thuẫn thực hiện loạt vụ tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái nhằm vào các căn cứ của liên minh sau khi Mỹ trả đũa cuộc tấn công khiến một nhà thầu Mỹ thiệt mạng và làm 6 người Mỹ khác bị thương.

Tổng thống Joe Biden, trong một bài phát biểu tại cuộc họp báo ở Canada, đã tìm cách xoa dịu lo ngại rằng các cuộc tấn công “ăn miếng trả miếng” giữa Mỹ và các nhóm chiến binh có thể vượt khỏi tầm kiểm soát, đồng thời cảnh báo Tehran kiềm chế các lực lượng mà họ đang hậu thuẫn, theo Reuters.

“Đừng nhầm lẫn, tôi xin nhấn mạnh rằng Mỹ hoàn toàn không tìm kiếm xung đột với Iran. Thế nhưng, hãy chuẩn bị tinh thần, bởi chúng tôi sẽ hành động mạnh mẽ để bảo vệ công dân của mình. Đó chính xác là những gì đã xảy ra đêm qua”, ông Biden nói tại Ottawa, nơi ông đang có chuyến thăm cấp nhà nước.

Cuộc giao tranh, đánh dấu một trong những xung đột nghiêm trọng nhất trong khu vực kể từ năm 2019, có nguy cơ làm đảo lộn những nỗ lực gần đây nhằm giảm căng thẳng leo thang trên khắp Trung Đông, nơi các cường quốc đối thủ, bao gồm Iran và Saudi Arabia, đã có những bước tiến tới nối lại quan hệ trong những ngày gần đây sau nhiều năm chìm trong hỗn loạn.

Cuộc tấn công ban đầu vào hôm 23/3 xảy ra khi các lực lượng Mỹ ở đông bắc Syria đang trong tình trạng báo động cao sau 78 cuộc tấn công của lực lượng binh sĩ do Iran hậu thuẫn kể từ tháng 1/2021. Một căn cứ của liên minh do Mỹ dẫn đầu đã trúng không kích, ít nhất một nhà thầu Mỹ thiệt mạng và 6 người Mỹ khác bị thương.

Hệ thống Avenger không hoạt động toàn phần

Theo New York Times, hai quan chức Mỹ giấu tên (vì không có thẩm quyền thảo luận về cuộc điều tra) cho biết hệ thống phòng không chủ chốt tại căn cứ "không hoạt động toàn phần" vào thời điểm đó, đặt ra câu hỏi liệu bênh tấn công đã phát hiện và khai thác lỗ hổng đó hay chỉ tình cờ xuất kích máy bay không người lái đúng lúc đó.

Chuẩn tướng Patrick Ryder, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, nói rằng radar của lực lượng phòng không lúc đó đang hoạt động, nhưng ông từ chối thảo luận về bất kỳ chi tiết nào khác của hệ thống, với lý do an ninh và cuộc điều tra đang diễn ra từ Bộ Tư lệnh Trung tâm của quân đội.

Hiện chưa rõ tại sao hệ thống không hoạt động toàn phần và điều đó gây ra tác động ra sao đối với việc bảo vệ căn cứ. Một quan chức giấu tên tiết lộ hệ thống phòng thủ tên lửa Avenger tại căn cứ, được gọi là RLZ, có thể đã gặp sự cố bảo trì.

Các quan chức cho hay căn cứ gần Hasaka có các hệ thống phòng thủ khác, nhưng ngay cả khi tất cả hệ thống đó kết hợp lại cũng không thể bao trùm được.

Lầu Năm Góc và các quan chức Mỹ khác có vẻ miễn cưỡng khi thảo luận về bất kỳ điểm yếu hoặc thất bại nào có thể xảy ra trong mạng lưới phòng thủ nhiều lớp để tránh tạo lợi thế cho các đối thủ trong khu vực.

“Chúng tôi thực hiện nhiều biện pháp để bảo vệ công dân của mình, nhưng một lần nữa, tôi cần lưu ý rằng đó là một nơi vốn nguy hiểm”, tướng Ryder nói.

Tấn công "ăn miếng trả miếng"

Sau khi các nhà phân tích tình báo Mỹ kết luận rằng máy bay không người lái có nguồn gốc từ Iran, lực lượng Mỹ đã trả đũa bằng các cuộc không kích nhằm vào các địa điểm tập trung chiến binh có liên quan đến Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, tướng Ryder công bố. Tuy vậy, Lầu Năm Góc đã viện dẫn các kết luận của giới phân tích mà không cung cấp bất kỳ bằng chứng nào.

Hai máy bay chiến đấu F-15E của Lực lượng Không quân Mỹ đã tấn công một kho đạn dược và một tòa nhà kiểm soát gần đó, cùng một địa điểm thu thập thông tin tình báo ở miền Đông Syria, hai quan chức quân sự cấp cao của Mỹ nói với New York Times.

Theo Tổ chức Quan sát Nhân quyền Syria (SOHR) - một nhóm ở Anh theo dõi cuộc xung đột thông qua các mối liên hệ ở Syria - các cuộc không kích của Mỹ đã giết chết 8 chiến binh thân Iran. Tướng Ryder nói rằng quân đội vẫn đang điều tra các báo cáo về thương vong.

“Như Tổng thống Biden đã nói rõ, chúng tôi sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ người dân của mình và sẽ luôn đáp trả vào thời điểm và địa điểm do chúng tôi lựa chọn”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd J. Austin III tuyên bố hôm 23/3. “Không có lực lượng nào tấn công quân đội của chúng tôi mà không bị trừng phạt”, người đứng đầu Lầu Năm Góc nhấn mạnh.

Lực lượng chiến binh do Iran hậu thuẫn đã đáp trả bằng tên lửa và tấn công máy bay không người lái vào các mục tiêu của liên minh, bao gồm cả căn cứ thứ hai của Mỹ trong khu vực, được gọi là Green Village. Các quan chức Mỹ xác nhận một người Mỹ khác bị thương trong đợt tấn công này, làm dấy lên lo ngại rằng bạo lực có thể leo thang thành một cuộc xung đột rộng lớn hơn.

Khi được hỏi liệu Washington có quy trách nhiệm cho Tehran về cái chết của công dân Mỹ hay không, tướng Ryder trả lời: “Iran chắc chắn ủng hộ các nhóm này, do đó họ có trách nhiệm đảm bảo rằng các nhóm đó không góp phần gây ra tình trạng mất an ninh, bất ổn. Nhưng rõ ràng, bất ổn vẫn tiếp diễn”.

Ông Charles Lister, giám đốc chương trình Syria và chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan tại Viện Trung Đông ở Washington, đánh giá rằng các cuộc tấn công trả đũa có mục tiêu của Mỹ là quan trọng nhưng không đủ để ngăn chặn hành vi của Iran hoặc hành động của các lực lượng ủy nhiệm.

Vị chuyên gia cho biết trong một email: “Cho đến khi Iran cảm thấy rằng các cuộc tấn công như vậy gây ra những hậu quả không bền vững, họ sẽ chưa dừng lại. Điều đó đặt ra cho Tổng thống Biden một câu hỏi chính trị: Liệu ông có sẵn sàng đẩy lùi một cách kiên quyết hơn để khẳng định tác dụng răn đe hay chúng ta sẵn sàng cho phép những cuộc tấn công lặp đi lặp lại này nhằm vào lực lượng Mỹ?”.

Iran phát triển máy bay không người lái

Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo là một nhánh hùng mạnh của lực lượng vũ trang Iran hoạt động song song với quân đội. Lực lượng này chịu trách nhiệm bảo vệ biên giới của Iran, và lực lượng Quds ở nước ngoài, thực hiện các hoạt động trên khắp Trung Đông và xa hơn nữa, đồng thời huấn luyện và trang bị vũ khí cho các lực lượng dân quân ủy nhiệm Shiite hoạt động ở một số quốc gia. Mỹ đã liệt họ vào dánh sách nhóm khủng bố.

Iran đang chế tạo máy bay không người lái có khả năng vũ trang ngày càng tinh vi trong những năm gần đây. Nước này được cho là đã đẩy mạnh chuyển giao loạt thiết bị đó cho các nhóm ủy nhiệm.

Theo các nhà phân tích, máy bay không người lái đang là một phần của mối đe dọa gia tăng nhanh chóng từ các lực lượng ủy nhiệm của Iran ở Syria. Lực lượng chiến binh thân Irann cũng đang vận hành các loại vũ khí tinh vi hơn nhằm vào một số mục tiêu nhạy cảm nhất của Mỹ trong các cuộc tấn công vượt qua hệ thống phòng thủ.

Hai trong số các quân nhân Mỹ bị thương đã được điều trị tại chỗ, trong khi ba quân nhân khác và nhà thầu đã được sơ tán y tế đến các cơ sở y tế của liên quân ở Iraq.

Lầu Năm Góc chưa công bố về nhà thầu đã thiệt mạng, trong khi chờ thông báo cho gia đình, một quan chức quân sự cấp cao cho biết.

Mỹ vẫn có hơn 900 binh sĩ và hàng trăm nhà thầu quân sự khác ở Syria, làm việc với các chiến binh người Kurd để đảm bảo ngăn chặn sự trỗi dậy của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, tổ chức về cơ bản đã bị đánh bại với tư cách là một caliphate tự xưng vào năm 2019, sau 5 năm tàn phá tàn phá khắp Iraq và Syria.

Lực lượng chiến binh do Iran hậu thuẫn đã thực hiện hàng chục cuộc tấn công tại hoặc gần các căn cứ nơi quân đội Mỹ đóng quân trong năm qua. Tướng Michael E. Kurilla, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Trung tâm, cho biết các nhóm do Iran hậu thuẫn là tác giả của 78 cuộc tấn công nhằm vào người Mỹ trước cuộc tấn công hôm 23/3.

“Các lực lượng ủy nhiệm có nguồn lực dồi dào của Iran đứng sau sự bất ổn khắp khu vực và đe dọa các đối tác khu vực của chúng tôi”, tướng Kurilla nói với Ủy ban Quân vụ Hạ viện hôm 23/3. Hồi đầu tháng này, ông Kurilla từng có chuyến thăm tới chính căn cứ ở đông bắc Syria mới bị tấn công.

Mỹ và các lực lượng đối tác với một liên minh bao gồm Lực lượng Dân chủ Syria của người Kurd đã hợp tác để duy trì sức ép lên các chiến binh IS và để đảm bảo rằng các tay súng bị giam giữ sẽ không quay trở lại chiến trường.

Lực lượng người Kurd ở Syria vẫn tấn công các mục tiêu của IS. Họ cũng đang trông chừng hơn 10.000 chiến binh IS trong tù, trong khi Lầu Năm Góc và quân đội Mỹ cung cấp hỗ trợ trên không, tình báo và trinh sát.

Với việc chính quyền Biden đang phải dồn mối quan tâm vào nhiều khu vực khác đã khiến sứ mệnh quân sự chống IS ở Trung Đông không còn được chú ý đúng mức.

Sứ mệnh chỉ được chú ý nhiều hơn khi lực lượng do Iran hậu thuẫn hoặc các chiến binh IS tấn công binh sĩ Mỹ - vốn đang luân phiên triển khai trong 9 tháng ở một số căn cứ tại đông bắc Syria, nơi tướng Mark A. Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, đã đến thăm trong tháng này.

Mỹ đã nhiều lần thực hiện các cuộc không kích đáp trả tương tự. Vào tháng 6/2021, lực lượng Mỹ đã tấn công các cơ sở có lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn ở Iraq và Syria. Lầu Năm Góc cho biết lực lượng này thực hiện các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào nhân viên Mỹ ở Iraq.

Vào tháng 12/2019, quân đội Mỹ đã tấn công 5 mục tiêu ở Iraq và Syria do một nhóm bán quân sự được Iran hậu thuẫn kiểm soát. để trả đũa vụ tấn công bằng tên lửa khiến một nhà thầu Mỹ thiệt mạng.

(Nguồn: Zing News)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang