Mỹ: CEO TikTok 'điều trần'; Phố Wall lao dốc; Đồng minh bảo vệ Trump; Biden lệnh tấn công Syria; 'Phản công' đất hiếm TQ

Cuộc điều trần gây "toát mồ hôi" của CEO TikTok trước Quốc hội Mỹ

(Ảnh minh họa).

Trong lần xuất hiện đầu tiên trước Quốc hội Mỹ hôm 23/3 để điều trần về các cáo buộc liên quan mạng xã hội này, Giám đốc điều hành (CEO) TikTok đã bị các nghị sĩ "quay như chong chóng".

Trong phiên điều trần này, CEO Chu Thụ Tư (Shou Zi Chew) phải trả lời chất vấn về các nghi vấn liên quan đến TikTok như sức khỏe tinh thần thanh thiếu niên và cả cáo buộc chính phủ Trung Quốc kiểm soát mạng xã hội này.

Đây là một cơ hội hiếm để ông Chu tiếp cận rộng rãi hơn với công chúng Mỹ, cũng như bảo vệ công ty của mình khỏi lệnh cấm tiềm tàng của chính phủ nước này hoặc nguy cơ buộc phải bán lại nếu muốn tiếp tục hoạt động.

Hồi tuần truớc, TikTok cho biết, các quan chức Mỹ đang yêu cầu các chủ sở hữu người Trung Quốc bán cổ phần nếu không sẽ có nguy cơ đối mặt với lệnh cấm ứng dụng này tại Mỹ vì các lo ngại về bảo mật.

Tuy nhiên, trong vòng 5 giờ điều trần, nhà lãnh đạo 40 tuổi người Singapore của TikTok đối mặt áp lực cao chưa từng thấy từ các nghị sĩ Cộng hòa và Dân chủ Mỹ, những người lo ngại rằng Bắc Kinh có thể lợi dụng mạng xã hội này để do thám, thu thập dữ liệu và tuyên truyền.

"Nền tảng của bạn cần phải bị cấm", Chủ tịch Ủy ban Năng lượng và Thương mại Hạ viện Cathy McMorris Rodgers nhấn mạnh ngay khi bắt đầu phiên điều trần.

Đáp lại, ông Chu đã nhấn mạnh sự độc lập của TikTok khỏi Trung Quốc khi tuyên bố: "Bản thân TikTok không có bất kỳ hoạt động điều hành nào ở Trung Quốc đại lục, chúng tôi có trụ sở chính tại Los Angeles và Singapore, và hiện chúng tôi có 7.000 nhân viên tại Mỹ".

Ông cũng lặp lại tuyên bố, ByteDance không thuộc sở hữu hay bị điều khiển bởi chính phủ Trung Quốc và là một công ty tư nhân. "Chúng tôi tin rằng cần có quy định minh bạch áp dụng rộng rãi đối với mọi công ty công nghệ, vai trò sở hữu không phải là then chốt khi đề cập những quan ngại này", ông Chu nói thêm

Tại phiên điều trần, vị CEO tốt nghiệp Đại học Harvard đã liên tiếp phủ nhận cáo buộc ứng dụng này chia sẻ dữ liệu hay có bất kỳ liên hệ nào với chính phủ Trung Quốc. "TikTok đang làm mọi thứ có thể để bảo đảm an toàn cho 150 triệu người sử dụng ở Mỹ", ông Chu nhấn mạnh.

Ông Chu nhấn mạnh, TikTok trong 2 năm qua đã xây dựng một "bức tường lửa" để bảo vệ dữ liệu người dùng Mỹ trước nguy cơ bị nước ngoài tiếp cận trái phép. "Giới hạn thấp nhất là dữ liệu của Mỹ được lưu trữ trên đất Mỹ, bởi một công ty Mỹ, được người Mỹ giám sát", ông nói.

Những lo ngại của Mỹ

Tuy nhiên, vị CEO này vẫn chưa thể xoa dịu những mối lo ngại về TikTok tại Mỹ khi bị chỉ trích vẫn lảng tránh câu trả lời về vai trò của chính phủ Trung Quốc và làm dấy lên lo ngại về sức mạnh mà ứng dụng này có được đối với trẻ em.

Những nỗ lực đảm bảo về bảo mật dữ liệu của vị CEO này cũng đã không thể lay chuyển được các nghị sĩ Mỹ, đặc biệt là khi ông Chu không có bất kỳ cam kết gì đối với những mối quan tâm chính của họ.

Nghị sĩ Neal Dunn của phe Cộng hòa tại bang Florida đã hỏi rằng, liệu Bytedance (công ty mẹ của TikTok) có "theo dõi công dân Mỹ không?", ông Chu lảng tránh khi chỉ trả lời rằng: "Tôi không nghĩ rằng gián điệp là cách thích hợp để mô tả về chúng tôi". Cùng một thời điểm đó, trước khi trả lời câu hỏi khác về nguy cơ Trung Quốc truy cập dữ liệu của công dân Mỹ, ông nói: "Tôi không biết".

Không khí tại phiên điều trần căng thẳng cao độ hơn nữa khi bà Rodgers nhắc nhở ông Chu rằng, vị CEO này đã tuyên thệ và có nghĩa vụ phải nói sự thật. "Tôi hy vọng hôm nay ông sẽ nói bất cứ điều gì đúng sự thật. Chúng tôi không mua nó. Trên thực tế, khi Tiktok đạt 150 triệu người dùng, Quốc hội buộc phải hành động. Đó là 150 triệu người Mỹ mà Trung Quốc có thể thu thập thông tin nhạy cảm", bà Rodgers nhấn mạnh.

Ông Chu, một CEO được đánh giá là rất kín tiếng hơn so với các CEO công nghệ khác, đã liên tục nỗ lực nhấn mạnh vị thế độc lập của TikTok với chính phủ Trung Quốc và củng cố mối quan hệ với Mỹ. Nhưng nhiều thành viên của Quốc hội đã cắt ngang lời khai của giám đốc điều hành để nói rằng họ chỉ đơn giản là không tin vị CEO này.

"Gửi những người dân Mỹ đang theo dõi ngày hôm nay, hãy nghe điều này: TikTok là vũ khí của chính phủ Trung Quốc để theo dõi bạn, thao túng những gì bạn nhìn thấy và khai thác cho các thế hệ tương lai", bà Rodgers nói.

Khi các nhà lập pháp đặt ra câu hỏi của họ về các hoạt động thu thập dữ liệu của TikTok, ông Chu cũng nhấn mạnh rằng dữ liệu mà TikTok thu thập là dữ liệu "thường được nhiều công ty khác trong ngành của chúng tôi thu thập". "Chúng tôi cam kết rất minh bạch với người dùng về những gì thu thập được, ông Chu nói. "Tôi không tin những gì chúng tôi thu thập được nhiều hơn hầu hết những công ty trong ngành".

Tuy nhiên, ngay cả khi TikTok thu thập cùng một lượng thông tin như Facebook hoặc Twitter, họ vẫn có nhiều dữ liệu hơn, bao gồm thông tin về video đã xem, nội dung bình luận, tin nhắn riêng đã gửi. Và nếu người dùng bấm nút cho phép, TikTok có thể thu thập cả dữ liệu vị trí truy cập và danh sách liên hệ bạn bè chính xác.

Trọng tâm chính là tác động của TikTok đối với trẻ em

Mặc dù an ninh quốc gia được cho là trọng tâm chính của phiên điều trần, nhưng nhiều nhà lập pháp cũng nêu bật những lo ngại về tác động của TikTok đối với trẻ em.

Một số nghị sĩ cáo buộc TikTok quảng bá những nội dung khuyến khích rối loạn ăn uống ở trẻ em, làm tăng nguy cơ tự tử ở trẻ em và lạm dụng tình dục. Các nghị sĩ Mỹ đã chất vấn ông Chu về những trường hợp người dùng trẻ tuổi cổ súy những trò giả tự sát hoặc hành động nguy hiểm khác dẫn đến chết người và khiến giới chức nhiều nước lo ngại.

"Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các thuật toán của TikTok đề xuất các video được xem nhiều cho thanh thiếu niên, và làm trầm trọng thêm cảm giác đau khổ về tinh thần, bao gồm các video quảng cáo tự tử, tự làm hại bản thân và rối loạn ăn uống", nghị sĩ đảng Dân chủ Frank Pallone bày tỏ lo ngại.

Hạ nghị sĩ Bob Latta thuộc đảng Cộng hòa tại bang Ohio đã cáo buộc TikTok quảng cáo video về cái gọi là "thử thách mất điện" hoặc "thử thách nghẹt thở" khiến một bé gái 10 tuổi ở Pennsylvania bắt chước làm theo và đã tử vong do nghẹt thở.

"Công nghệ của các ông thực sự dẫn đến cái chết", nghị sĩ Gus Bilirakis nói khi ông chỉ vào một gia đình ngồi bên dưới hội trường có con tử vong trong thảm kịch trên đường sắt mà gia đình nói rằng có liên quan việc dùng TikTok. Trích dẫn các ví dụ về nội dung có hại dành cho trẻ em, ông nói rằng không thể chấp nhận được rằng ngay cả sau khi biết tất cả những mối nguy hiểm này, ông Chu vẫn cho rằng TikTok là "một thứ gì đó thật tuyệt vời".

Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Gus Bilirakis của Florida cũng cho rằng, TikTok thiếu kiểm duyệt nội dung đầy đủ, khiến trẻ em có cơ hội tiếp xúc với nội dung khuyến khích tự làm hại bản thân.

Hạ nghị sĩ Kathy Castor thuộc đảng Dân chủ cũng có phát biểu gay gắt tại phiên điều trần về vấn đề này, trong đó nhấn mạnh: "TikTok có thể được thiết kế để giảm thiểu tác hại với trẻ em, nhưng quyết định được đưa ra là nhằm gây nghiện cho trẻ em để thu lợi nhuận".

Về phần mình, trong những tháng gần đây, TikTok đã ra mắt một số tính năng bảo vệ bổ sung cho người dùng trẻ tuổi, bao gồm đặt mặc định 60 phút xem giới hạn hàng ngày cho những người dưới 18 tuổi. Tuy nhiên, các nghị sĩ cho rằng, tính năng này rất dễ bị bỏ qua.

Vấn đề mới gây căng thẳng Mỹ - Trung

Số phận mạng xã hội này trở thành một nhân tố mới làm leo thang căng thẳng Washington - Bắc Kinh. Theo các chuyên gia, căng thẳng này leo thang đến mức những diễn biến quan trọng nhất có thể đã xảy ra trước phiên điều trần.

Trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh vào đêm trước phiên điều trần, phát ngôn viên Bộ Thương mại Shu Jueting cho biết, việc ép buộc bán cổ phần TikTok sẽ "gây tổn hại nghiêm trọng đến niềm tin của các nhà đầu tư khắp thế giới, trong đó có Trung Quốc, khi đầu tư vào Mỹ", và Bắc Kinh sẽ phản đối việc bán cổ phần như vậy.

Tuyên bố đó làm suy yếu bất kỳ sự đảm bảo nào mà CEO TikTok có thể đưa ra về cách nền tảng này bảo mật dữ liệu của Mỹ. Tuyên bố này cũng được cho là như "đổ thêm dầu" vào căng thẳng giữa Tiktok và nghị sĩ Mỹ. Một số nghị sĩ dựa vào những phát biểu này của Bộ Thương mại Trung Quốc để gạt bỏ khẳng định của TikTok rằng ứng dụng này không liên quan đến chính phủ Trung Quốc.

Ngay tại bên ngoài phòng điều trần, các quan chức liên bang cũng liên tục bàn về số phận của TikTok tại Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết TikTok nên "kết thúc bằng cách này hay cách khác", nhưng lưu ý rằng "có nhiều cách khác nhau để làm điều đó".

Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ cho biết, ông tin rằng ứng dụng này là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Mỹ, nhưng sẽ không nói thẳng rằng nó nên bị cấm.

Tuy nhiên, khoảng 20 nghị sĩ, gồm 10 thành viên đảng Dân chủ và 10 thành viên đảng Cộng hòa, đã ủng hộ dự luật của lưỡng viện nhằm trao cho chính quyền của Tổng thống Joe Biden quyền cấm TikTok.

(Nguồn: Dân Trí)

Phố Wall lao dốc mạnh sau khi Fed tăng lãi suất

Ngoài Fed, thị trường còn bị ảnh hưởng bởi những bình luận của Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen.

Chứng khoán Mỹ đã có phiên giảm điểm khá mạnh sau khi Cục dự trữ liên bang (Fed) quyết định tiếp tục tăng lãi suất nhưng cũng thừa nhận rằng cuộc khủng hoảng trong ngành ngân hàng có thể khiến nền kinh tế mong manh tăng trưởng chậm lại.

Chốt phiên 22/3, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 1,63%, đóng cửa ở mức 32.030,11 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,65%, xuống còn 3.936,97 điểm. Nasdaq cũng giảm 1,6%.

Dẫn đầu đà giảm là nhóm cổ phiếu của các ngân hàng khu vực. Ngoài Fed, thị trường còn bị ảnh hưởng bởi những bình luận của Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen rằng hiện nay Mỹ chưa có chế độ bảo hiểm bao trùm cho tiền gửi tại các ngân hàng.

Phát biểu sau cuộc họp, Chủ tịch Fed Jerome Powell lưu ý các điều kiện tài chính dường như đã bị thắt chặt. “Chúng tôi sẽ xem xét tình hình nghiêm trọng đến đâu và liệu có duy trì lâu hay không. Nếu câu trả lời là có, nền kinh tế vĩ mô sẽ dễ dàng bị tác động mạnh và chúng tôi sẽ tính đến yếu tố đó khi đưa ra quyết định về chính sách”, ông bổ sung thêm.

Đúng như dự báo, Fed đã tăng lãi suất 25 điểm cơ bản. Ủy ban thị trường mở liên bang FOMC cho biết “sẽ theo dõi sát sao các dữ liệu kinh tế sắp tới và đánh giá các tác động lên chính sách tiền tệ”. Ngoài ra Fed đã bỏ cụm từ “những đợt tăng đang diễn ra” trong thông báo được đưa ra sau cuộc họp.

Fed dự báo chỉ còn 1 lần tăng lãi suất nữa trong năm nay. Tuy nhiên, ông Powell vẫn khẳng định cuộc chiến chống lạm phát còn lâu mới kết thúc.

“Những động thái của Fed hôm nay phù hợp với nhận định Fed sẽ tăng lãi suất lên mức 5,125% và sẽ tạm ngừng tăng trong 1 thời gian”, chuyên gia kinh tế Thomas Simons của Jefferies nhận định. “Trước những rủi ro dây chuyền trong lĩnh vực ngân hàng, Fed sẽ đối mặt với tình huống tương tự vào tháng 5 và nhiều khả năng sẽ không muốn tăng lãi suất thêm một lần nữa”.

Thời gian gần đây ngành ngân hàng toàn cầu đang gặp nhiều sóng gió. Đầu tháng 3, 2 ngân hàng của Mỹ là Silicon Valley Bank và Singature Bank sụp đổ, sau đó ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse buộc phải bán mình cho UBS để ngăn chặn khủng hoảng trên toàn hệ thống.

Cổ phiếu của các ngân hàng khu vực giảm mạnh sau khi bà Yellen nói rằng Bộ Tài chính không xem xét tăng bảo hiểm tiền gửi trên diện rộng. Chỉ số S&P Regional Bank ETF chốt phiên giảm 5%.

Trong khi đó ông Powell nhận định dòng chảy tiền gửi tại các ngân hàng đã ổn định trở lại trong tuần qua, sau khi Fed và các nhà quản lý có những động thái hỗ trợ người gửi tiền.

(Nguồn: CafeF)

Đồng minh tìm cách bảo vệ ông Trump trước nguy cơ bị truy tố

(Ảnh minh họa).

Các đồng minh của Donald Trump tại Hạ viện Mỹ đang tìm mọi cách để ngăn công tố viên Manhattan truy tố cựu tổng thống.

Sau khi Trump cảnh báo ông có thể bị bắt, các đồng minh của ông đã sử dụng thế đa số mà đảng Cộng hòa đang nắm giữ tại Hạ viện Mỹ để yêu cầu công tố viên quận Manhattan Alvin Bragg ra điều trần, trong nỗ lực ngăn chặn cuộc điều tra liên quan tới cựu tổng thống.

Ông Trump đang đối mặt nguy cơ bị truy tố vì cáo buộc chi 130.000 USD, thông qua luật sư thân tín Michael Cohen, để che giấu mối quan hệ với diễn viên phim khiêu dâm Stormy Daniels trong giai đoạn tranh cử tổng thống năm 2016.

Cuộc điều tra của công tố viên Bragg dường như đang đi đến giai đoạn quyết định và các cơ quan hành pháp New York được cho là đang lên kế hoạch đảm bảo an ninh khi công bố lệnh truy tố ông Trump vào tuần sau.

Chiến lược mà các đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện đang áp dụng không mới mẻ. Ông Trump từ lâu đã có xu hướng công kích dữ dội bất kỳ cá nhân, tổ chức nào muốn tung ra những thách thức pháp lý nhằm vào mình. Nhưng với chiến dịch chống lại công tố viên Bragg, các đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện đang đẩy phương pháp của cựu tổng thống đi xa hơn một bước.

"Đó là một chiêu chính trị", Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy hôm 20/3 thừa nhận, khẳng định không có gì sai trái khi các đồng minh của cựu tổng thống công khai chỉ trích một công tố viên khi người này đang thực hiện nhiệm vụ. Theo cách ông lý giải, các ủy ban Hạ viện có quyền đặt câu hỏi với công tố viên Bragg.

Một trong những nguyên tắc chính có thể áp dụng trong bất kỳ bản cáo trạng nào là tất cả mọi người, kể cả cựu tổng thống, đều bình đẳng trước pháp luật. Nhưng để có thể truy tố Trump, công tố viên phải bác bỏ được lập luận rằng ông bị nhắm mục tiêu vì động cơ chính trị và do đó bị đối xử không công bằng.

Chủ tịch Hạ viện McCarthy đã cố lái vấn đề theo hướng này trong một cuộc phỏng vấn với CNN hôm 21/3.

"Tôi thực sự lo lắng khi nhìn ra ngoài kia và nhận thấy công lý không bình đẳng với mọi người", ông cho hay. "Và điều đáng nói là một công tố viên địa phương lại tham gia vào cuộc chơi chính trị liên quan tới cựu tổng thống. Nếu nó xảy ra ở đây, liệu nó có tiếp tục diễn ra ở những nơi khác trên toàn nước Mỹ không?"

Các thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã cáo buộc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), Bộ Tư pháp và những cơ quan chính phủ khác của Mỹ lợi dụng quyền lực của mình để phục vụ mục đích chính trị, nhưng dường như họ cũng đang đi theo con đường này trong nỗ lực bảo vệ Trump.

Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Jim Jordan gọi cuộc điều tra ở Manhattan nhằm vào cựu tổng thống Trump là "một trò lừa bịp" và đặt câu hỏi liệu chính phủ liên bang có chi ngân sách cho hoạt động này hay không. "Chúng tôi không tin ông Trump vi phạm luật", Jordan tuyên bố.

Jordan và hai chủ tịch ủy ban Hạ viện khác đã yêu cầu công tố viên Bragg ra điều trần liên quan đến cuộc điều tra và cáo buộc ông "lạm dụng quyền công tố chưa từng có."

Tuy nhiên, phát ngôn viên của Bragg khẳng định ông sẽ không khuất phục trước "những nỗ lực phá hoại quy trình tố tụng và không để những lời buộc tội vô căn cứ ngăn cản chúng tôi áp dụng luật một cách công bằng".

Người phát ngôn cũng bác bỏ tuyên bố của đảng Cộng hòa rằng Bragg đã phớt lờ nhiều hành vi tội phạm bạo lực ở New York vì quá chú tâm tìm chứng cứ để truy tố cựu tổng thống Trump nhằm "trả thù chính trị".

Các thành viên đảng Cộng hòa hiện không nắm rõ Bragg đang có trong tay những bằng chứng nào chống lại ông Trump, ngoài những suy đoán trên truyền thông và một vụ án trước đó liên quan đến luật sư Cohen, người từng phải ngồi tù vì gian lận thuế, khai man trước quốc hội và vi phạm luật tài chính vận động tranh cử. Cohen đóng vai trò quan trọng trong cáo buộc mà công tố viên quận Manhattan đang điều tra về ông Trump.

Theo giới quan sát, việc đảng Cộng hòa công kích những nỗ lực truy tố ông Trump gợi nhớ về quãng thời gian ông Trump còn nắm quyền ở Nhà Trắng và liên tục phá vỡ các khi các quy ước, quy tắc chung.

Tuy nhiên, một số chuyên gia pháp lý cảnh báo khả năng bên công tố thắng vụ kiện trước tòa là không chắc chắn. Việc truy tố thất bại một cựu tổng thống sẽ để lại những hậu quả sâu rộng và có thể làm sâu sắc thêm tình trạng phân cực chính trị vốn đã rất trầm trọng của Mỹ.

Cựu tổng thống Trump và các đồng minh của ông chắc chắn sẽ tận dụng sai lầm này để củng cố thông điệp rằng mọi động thái nhằm vào ông, như luận tội hay điều tra, đều mang tính đảng phái và phi lý, bình luận viên kỳ cựu từ CNN Stephen Collinson nhận xét.

Nhiều chuyên gia pháp lý cũng bày tỏ lo ngại trước câu hỏi tại sao công tố viên trước đây không theo đuổi vụ kiện chống lại ông Trump về khoản chi 130.000 USD được cho là nhằm "bịt miệng" sao phim khiêu dâm Stormy Daniels, mà phải chờ tới hơn 6 năm sau, khi ông Trump đã tuyên bố ra tranh cử.

"Tình tiết của vụ án đều đã cũ. Câu hỏi lớn tôi đặt ra là điều gì đã thay đổi gần đây hay trong năm qua dẫn chúng ta đến bối cảnh hiện nay", chuyên gia phân tích pháp lý Carrie Cordero nêu vấn đề.

Một câu hỏi khác là những cáo buộc có thể dẫn tới lệnh truy tố ông Trump phụ thuộc như thế nào vào lời khai và bằng chứng mà luật sư Cohen đưa ra.

Robert Costello, luật sư từng đại diện cho các đồng minh của ông Trump như Steve Bannon hay Rudy Giuliani, hồi đầu tuần xuất hiện trước đại bồi thẩm đoàn để cung cấp bằng chứng chống lại lời khai từ Cohen, người thừa nhận đã chi cho Daniels 130.000 USD để ngăn cô công khai mối quan hệ "ngoài luồng" với cựu tổng thống. Ông Trump phủ nhận điều này.

"Tôi đã nghe Michael Cohen đứng trước tòa án và khai những điều hoàn toàn trái ngược với những gì ông ấy nói với chúng tôi", Costello cho hay.

Lời khai của Costello khiến các chuyên gia pháp lý hoài nghi về khả năng ông có thể tác động tới quyết định cuối cùng của đại bồi thẩm đoàn, nơi định đoạt việc truy tố ông Trump.

Ý tưởng rằng ông Trump sẽ bị truy tố chỉ dựa vào lời khai của Cohen mà không có bằng chứng xác thực dường như là điều bất khả thi. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều điều mà công chúng chưa biết trong cuộc đấu tranh pháp lý mới nhất này.

"Dù vậy, điều đó khó lòng dập tắt được cơn địa chấn sẽ mạnh lên trong những ngày tới, sau khi ông Trump kêu gọi người ủng hộ biểu tình để phản đối nỗ lực truy tố ông và một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý của nền chính trị Mỹ", Collinson lưu ý.

(Nguồn: Vnexpress)

Tổng thống Biden lệnh tiến hành hàng loạt vụ tấn công trả đũa ở Syria

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra lệnh tấn công trả đũa nhằm vào các cơ sở được những nhóm có quan hệ với Iran ở Syria sử dụng.

Lầu Năm Góc tuyên bố vào tối 23/3 rằng, quân đội Mỹ đã thực hiện nhiều đợt không kích ở Syria nhằm vào các nhóm vũ trang có mối liên hệ với Iran, sau cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) khiến một nhà thầu Mỹ tử vong, làm bị thương một người khác và 5 binh sĩ Mỹ.

Reuters đưa tin, vụ tấn công nhằm vào binh sĩ Mỹ xảy ra tại một căn cứ liên minh nằm gần thành phố Hasakah ở đông bắc Syria vào khoảng 13h38 (giờ địa phương) hôm 23/3.

Cộng đồng tình báo Mỹ đánh giá chiếc UAV tấn công có nguồn gốc từ Iran. Thông tin này có thể làm trầm trọng thêm mối quan hệ vốn căng thẳng giữa Washington và Tehran.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết, các cuộc tấn công trả đũa được thực hiện theo chỉ đạo của Tổng thống Joe Biden. Mục tiêu là cơ sở được các nhóm có quan hệ với Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) sử dụng.

"Các đợt không kích được tiến hành nhằm đáp trả cuộc tấn công trong ngày hôm nay, và hàng loạt vụ tấn công gần đây nhằm vào lực lượng liên minh ở Syria do các nhóm liên hệ với IRGC thực hiện”, Bộ trưởng Austin tuyên bố.

"Không có một nhóm nào tấn công quân đội của chúng ta mà không bị trừng phạt", ông Austin nhấn mạnh.

Quân đội Mỹ cho biết thêm vụ tấn công bằng UAV vào đầu giờ chiều ngày 23/3 đã gây thương tích cho 4 binh sĩ Mỹ và một nhà thầu. Những người này đã được đưa tới Iraq để chữa trị. Trong khi đó, 2 binh sĩ khác của Mỹ bị thương đã được điều trị tại căn cứ quân sự ở phía đông bắc Syria.

Con số một người thiệt mạng và 6 người bị thương trong vụ tấn công vào chiều ngày 23/3 được cho là cao bất thường, dù các vụ UAV tấn công nhằm vào căn cứ Mỹ ở Syria là khá phổ biến.

Tướng Erik Kurilla, người đứng đầu Bộ Chỉ huy Trung tâm của quân đội Mỹ, cho biết quân đội nước này đã bị các nhóm do Iran hậu thuẫn tấn công khoảng 78 lần kể từ đầu năm 2021.

(Nguồn: Vietnamnet)

Mỹ định “phản công” Trung Quốc như thế nào trong lĩnh vực đất hiếm?

(Ảnh minh họa).

Chính sách công nghiệp hiệu quả và khôn khéo của Trung Quốc thực sự đã đẩy các công ty phương Tây ra khỏi ngành khai thác và chế biến đất hiếm ở nước này. Phương Tây nói chung và Mỹ nói riêng đang đứng trước áp lực phải “phản công”.

Thách thức an ninh còn lớn hơn cả thiếu đạn dược và vũ khí

Xung đột vũ trang ở Ukraine đã dẫn tới tình trạng thiếu đạn cho quân đội Mỹ và kho dự trữ lâu năm các hệ thống vũ khí chính của họ. Tuy nhiên, mối lo này chỉ là nhỏ bé nếu so với thực trạng Mỹ phụ thuộc Trung Quốc về các nguyên tố đất hiếm.

Các chuyên gia vừa liên tục hối thúc Mỹ giải quyết lỗ hổng an ninh quốc gia trọng yếu này. Cách đây một năm, chính quyền Tổng thống Mỹ Biden công bố nỗ lực mới để xử lý vấn đề này nhưng kết quả thực sự không được ấn tượng lắm.

Trung Quốc sở hữu khoảng 36% nguồn dự trữ đất hiếm được biết tới của thế giới. Tuy nhiên, thông qua một chiến lược chủ động và có phương pháp, Bắc Kinh hiện nay kiểm soát tới hơn 70% năng lực khai thác của toàn thế giới. Đáng kể hơn nữa, Trung Quốc làm chủ gần 90% năng lực chế biến đất hiếm của thế giới.

Chính sách công nghiệp của Bắc Kinh thực sự đã đẩy các công ty phương Tây khỏi ngành khai thác và chế biến đất hiếm ở Trung Quốc. Và đây không chỉ là vấn đề lợi nhuận. Hồi năm 1992, cựu Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Đặng Tiểu Bình tuyên bố: “Trung Đông có dầu mỏ, Trung Quốc có đất hiếm. Trầm tích đất hiếm của Trung Quốc chiếm 80% dự trữ toàn cầu đã được xác định. Các đồng chí có thể so sánh vị thế của các kho dự trữ này với dầu ở Trung Đông: Nó có ý nghĩa chiến lược cực kỳ quan trọng. Chúng ta phải chắc chắn xử lý vấn đề đất hiếm một cách đúng đắn và tận dụng lợi thế của đất nước ta về nguồn đất hiếm”.

Đó chính xác là điều Bắc Kinh đã làm trong những năm qua. Trong cuộc khủng hoảng về quần đảo Sensaku/Điếu Ngư, Trung Quốc đã giảm đáng kể nguồn cung các nguyên tố đất hiếm cho Nhật Bản. Không nghi ngờ gì nữa, Bắc Kinh sẽ tiếp tục áp dụng chiến thuật này. Học giả Liza Tobin gọi đó là “kinh tế sử dụng sức mạnh vật chất”. Trên truyền thông Trung Quốc, các nhà chiến lược Trung Quốc đã thừa nhận điều gần như tương tự.

Mỹ thừa nhận điểm yếu lớn của mình

Mỹ và các quốc gia khác được cho là đã tự làm suy yếu năng lực cạnh tranh của mình trong lĩnh vực đất hiếm. Các nước phương Tây như Mỹ đã sử dụng các quy định chặt chẽ về môi trường và yêu cầu cấp phép nặng nề khiến cho hoạt động khai thác và chế biến của họ trong lĩnh vực đất hiếm cực kỳ khó khăn. Thay vào đó, họ dựa vào việc khai thác đất hiếm ở các nước khác, nơi quy định lỏng lẻo hơn nhiều và môi trường dễ bị tàn phá.

Vấn đề này đã trở thành vấn đề toàn cầu với hậu quả nghiêm trọng không thể phớt lờ. Không nghi ngờ gì nữa, các nguyên tố đất hiếm liên quan sâu sắc đến an ninh quốc gia. Các loại vũ khí hiện đại không thể chế tạo, sửa chữa, bảo dưỡng và triển khai nếu thiếu các nguyên tố này. Cựu quan chức Lầu Năm Góc Roger Zakheim cảnh báo về sự thống trị của Trung Quốc đối với thị trường đất hiếm: “Chúng tôi thực sự đã nhượng lại thị trường này cho Trung Quốc và điều đó tác động lên mọi thứ từ máy bay tiêm kích F-35 cho đến các điện thoại chúng ta sử dụng hàng ngày trong cuộc sống”.

Mặc dù người ta thừa nhận rộng rãi vấn đề này, phản ứng của Mỹ là yếu ớt, không đủ đầy. Mỹ được kỳ vọng sẽ thực hiện các chính sách mạnh mẽ để khôi phục thế cân bằng trên thị trường và tính dẻo dai của chuỗi cung ứng. Nhưng trên thực tế, Mỹ lại lóng ngóng với các chính sách công nghiệp thiên về trình diễn bề ngoài hơn là giải pháp thực sự.

Thí dụ, chính quyền Tổng thống Mỹ Biden năm 2022 đã trao 35 triệu USD cho công ty MP Materials để họ chế biến đất hiếm tại Mountain Pass, California - mỏ đất hiếm duy nhất tại Mỹ. nhưng công ty này vẫn bán nguyên liệu thô đất hiếm cho Trung Quốc để chế biến ở mức độ cao hơn. Đó là vì phần lớn năng lực tinh chế đất hiếm nằm ở Trung Quốc. Tương tự, Mỹ ủng hộ công ty Lynas của Australia trong khai thác và chế biến đất hiếm nhưng công ty này vẫn phải lấy nguồn vật liệu từ Trung Quốc.

Phát triển các cơ sở khai thác và chế biến là điều tất yếu tốn thời gian nhưng tốc độ chậm chạp hiện nay của Mỹ bị coi là không thể chấp nhận được. Người ta cho rằng Mỹ và các nước phương Tây có thể làm thêm nhiều thứ để đẩy nhanh việc phát triển các phương án thay thế cho các công ty do Trung Quốc kiểm soát.

Giới học giả Mỹ cho rằng cả ngành công nghiệp tư nhân của Mỹ lẫn bộ quốc phòng nước này cần tích trữ đủ lượng đất hiếm chưa chế biến, chế biến một nửa và chế biến đầy đủ cho 3 tháng. Lầu Năm Góc đã thực hiện các biện pháp giới hạn nhằm tới mục tiêu này, bao gồm việc bơm 1 tỷ USD lấy từ quỹ Đạo luật trao quyền quốc phòng (NDAA) nhưng như thế vẫn chưa đủ. Nỗ lực này cần được mở rộng sang các doanh nghiệp dân sự nằm trong chuỗi cung ứng các hệ thống quốc phòng trọng yếu.

Giới học giả Mỹ cho rằng quốc hội nước này nên nới lỏng các quy định về khai thác mỏ của liên bang để tạo thêm sản lượng khai thác mỏ nhưng không làm tổn hại các tiêu chuẩn chất lượng không khí và nước. Mục tiêu đặt ra là loại bỏ các rào cản không cần thiết trong các quy định của bang và liên bang mà vẫn duy trì các tiêu chuẩn môi trường.

(Nguồn: VOV)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang