Mỹ: Phố Wall thất vọng; Công ty công nghệ lao đao; Bắt tỉ phú TQ; Cảnh cáo Nga vụ drone bị rơi; Cạnh tranh TQ ở Trung Đông

Phố Wall thất vọng

(Ảnh minh họa).

Một số nhà đầu tư dự đoán Fed sẽ dừng tăng lãi suất trong cuộc họp tiếp theo vì vụ sụp đổ của SVB. Nhưng báo cáo lạm phát mới nhất cho thấy điều ngược lại.

Lạm phát tại Mỹ tiếp tục đi lên trong tháng 2. Điều này cho thấy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tiếp tục tăng lãi suất trong cuộc họp chính sách sắp tới bất chấp những bất ổn gần đây của ngành ngân hàng.

Cụ thể, theo dữ liệu mới được Bộ Lao động Mỹ công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 0,2% trong tháng 2 và 6% so với một năm trước đó, giống với dự báo trước đó của giới quan sát.

Nếu loại trừ giá năng lượng và lương thực biến động, CPI cốt lõi tăng 0,5% so với tháng 1 và 5,5% sau một năm.

Lạm phát vẫn nóng

Trước khi báo cáo CPI được công bố, các thị trường dự đoán Fed sẽ tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp chính sách sắp tới. Theo dữ liệu của CME Group, sau báo cáo CPI, giới đầu tư định giá khả năng này là 85%.

"Ngay cả trong bối cảnh các ngân hàng đang run rẩy, Fed vẫn ưu tiên ổn định giá cả hơn tăng trưởng, và có thể tăng lãi suất 25 điểm cơ bản trong cuộc họp sắp tới", CNBC dẫn lời ông Jeffrey Roach - chuyên gia kinh tế trưởng của LPL Financial - nhận định.

Đà giảm của chi phí năng lượng đã giúp hạ nhiệt CPI trong tháng 2. Lĩnh vực này ghi nhận mức giảm 5,2%, riêng giá dầu nhiên liệu lao dốc 7,9%.

Giá lương thực tăng 0,4% so với tháng trước đó và 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trứng đã giảm 6,7%, dù vẫn tăng 55,4% trong vòng một năm.

Chi phí ở - chiếm khoảng 1/3 chỉ số CPI - đã tăng 0,8%, nâng mức tăng một năm lên 8,1%. Nhóm này chiếm hơn 60% tốc độ tăng của CPI.

Những bất ổn trong lĩnh vực ngân hàng thời gian qua làm dấy lên suy đoán rằng Fed sẽ tạm dừng tăng lãi suất trong cuộc họp sắp tới. Silicon Valley Bank (SVB) bị đóng cửa sau khi khách gửi ồ ạt rút tiền.

Lãi suất tại Mỹ tăng cao đã đè nặng lên các khoản nắm giữ trái phiếu của nhà băng này. Trước khi sụp đổ, SVB vẫn là ngân hàng lớn thứ 16 tại Mỹ.

Theo Bloomberg, giá trị của các cổ phiếu tài chính trên toàn cầu đã bay hơi 465 tỷ USD sau sự sụp đổ của SVB. Từ New York tới Nhật Bản, nhà đầu tư ồ ạt bán tháo cổ phiếu ngành tài chính - ngân hàng.

Kịch bản "diều hâu" bị loại bỏ

Tính tới sáng 14/3, các thị trường định giá là mức lãi suất cực đại của chu kỳ tăng khoảng 4,95%. Điều này đồng nghĩa với việc ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tăng lãi suất thêm một lần nữa rồi dừng hẳn.

Nhưng theo CNBC, báo cáo lạm phát được công bố trong tuần này có thể làm thay đổi phán đoán của giới đầu tư. Khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư do đó cũng thay đổi theo.

Dẫu vậy, tâm lý thị trường chắc chắn đã thay đổi so với trước khi khủng hoảng SVB xảy ra.

Thời điểm đó, các nhà đầu tư tin rằng Fed sẽ buộc phải tăng lãi suất 50 điểm cơ bản do những dữ liệu chỉ ra lạm phát tại Mỹ vẫn còn rất nóng. Nhưng đến giờ, khả năng này đã hoàn toàn bị loại bỏ.

"Khả năng Fed tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm đã hoàn toàn bị loại bỏ. Ngân hàng trung ương Mỹ nên nâng 0,25 điểm phần trăm nếu lạm phát vẫn nóng", ông Edward Moya - chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Mỹ - trả lời Zing trong một cuộc phỏng vấn gần đây.

"Một số người đang đặt cược vào khả năng Fed tạm dừng tăng lãi suất. Nhưng đó có thể là một sai lầm chính sách của Fed", vị chuyên gia nói thêm.

(Nguồn: Zing News)

Ngân hàng SVB phá sản, hàng loạt công ty công nghệ "lao đao": Người bị treo cả tỷ USD, kẻ không thể thanh toán cho người dùng

Sự việc của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) được coi là vụ sập ngân hàng lớn thứ hai trong lịch sử nước Mỹ. Vụ việc này đã dấy lên những lo ngại về hệ thống tài chính, đặc biệt là đối với các công ty công nghệ vì đây là ngân hàng chuyên cung cấp dịch vụ cho các startup công nghệ và các quỹ đầu tư tại Thung lũng Silicon.

Ngày 10/3, SVB chính thức sụp đổ và bị giao lại cho Tổ chức Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC). Theo The Washington Post, nhiều nhà sáng lập của các startup có tiền gửi trong ngân hàng tự hỏi liệu họ có thể lấy lại khoản tiền gửi trong ngân hàng để tiếp tục vận hành và trả lương cho nhân viên hay không. Dưới đây là danh sách một số công ty công nghệ bị ảnh hưởng bởi sự việc sập SVB.

Roku

Roku, công ty chuyên về các thiết phát trực tuyến giá rẻ, cho biết, tính đến ngày 10/3, họ có khoảng 487 triệu USD gửi tại SVB, chiếm khoảng 26% lượng tiền mặt của công ty. Steve Louden, Giám đốc tài chính Roku cho biết: “Các khoản tiền gửi của công ty với SVB phần lớn không được bảo hiểm. Tại thời điểm này, chúng tôi không rõ liệu có thể rút được bao nhiêu tiền từ SVB”.

Đại diện công ty cho biết, Roku có đủ tiền mặt để “đáp ứng vốn lưu động” trong ít nhất 12 tháng tới.

Circle

Công ty công nghệ thanh toán Circle xác nhận đã gửi 3,3 tỷ USD tiền bảo chứng tại ngân hàng SVB, số tiền chiếm 8,25% tổng tài sản 40 tỷ USD bảo chứng cho USDC.

Đại diện Circle cho biết, công ty sẽ theo dõi tình hình và cách xử lý của chính quyền Mỹ để rút tài sản về. Jeremy Allaire, CEO Circle cũng lên tiếng về sự kiện này và cam kết sẽ bù đắp thâm hụt tài sản bảo chứng. Circle hiện có 9,7 tỷ USD tiền mặt cất giữ tại nhiều ngân hàng với 5,4 tỷ USD tại BNY Mellon, 3,3 tỷ USD tại Silicon Valley Bank và 1 tỷ USD tại Customers Bank.

Allaire cũng tiết lộ đã gửi yêu cầu chuyển tiền từ Silicon Valley Bank đến các đối tác ngân hàng khác vào ngày 9/3, trước khi FDIC can thiệp. Tuy nhiên, những giao dịch này đang bị treo và chờ hướng giải quyết của FDIC.

Việc này đã khiến giá của USDC bất ngờ giảm xuống còn 0,89 USD, giảm 11% so mốc 1 USD đáng lẽ phải luôn được duy trì. Đây cũng là mức giảm lớn nhất của tiền số này kể từ khi ra mắt năm 2018.

Roblox

Nền tảng trò chơi trực tuyến Roblox cho biết, tính điện ngày 28/2 công ty có khoảng 150 triệu USD được gửi tại SVB, chiếm 5% lượng tiền mặt công ty đang có. Tuy nhiên, Giám đốc tài chính Michael Guthrie nhấn mạnh “tình huống này sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày của công ty” bất kể kết quả của sự việc.

Etsy

Ngày 10/3, nền tảng bán hàng trực tuyến Etsy đưa ra thông báo rằng một số giao dịch thanh toán tiền gửi với nhà bán hàng đã bị trì hoãn. Trong email thông báo, công ty này viết: “Một số khoản tiền gửi đã được lên lịch của người dùng bị chậm trễ trong ngày hôm nay. Chúng tôi đang làm việc với các đối tác thanh toán khác để giải quyết vấn đề và dự kiến thanh toán cho các nhà bán hàng trong vài ngày làm việc tới”.

Đại diện Etsy chia sẻ với NBC News rằng, các vấn đề thanh toán này liên quan trực tiếp tới sự sụp đổ của SVB, một trong những đối tác thanh toán của Etsy. Nền tảng này đang có hơn 7,5 triệu nhà bán hàng và 95 triệu người mua từ khắp nơi trên thế giới. Hiện số người bị ảnh hưởng bởi sự cố này không được thông báo.

BlockFi

Theo hồ sơ, BlockFi, công ty cho vay tiền điện tử đã phá sản, thông báo có 227 triệu USD tại Ngân hàng SVB. Người được ủy thác của công ty đã cảnh báo vào tuần trước rằng các quỹ của BlockFi không được bảo hiểm vì chúng nằm trong quỹ hỗ trợ thị trường tiền tệ.

Tháng 11/2022, BlockFi đã nộp đơn xin phá sản sau vụ bắt giữ Sam Bankman-Fried, đồng sáng lập sàn giao dịch tiền điện tử FTX.

DIANOMI

Nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo kỹ thuật số cho biết công ty có gần 5 triệu USD đang được giữ ở nhiều tài khoản khác nhau tại SVB và SVBUK. DIANOMI đang tích cực làm việc với ngân hàng để thu hồi các khoản tiền gửi này.

Rippling

Rippling, công ty cung cấp dịch vụ trả lương trực tuyến được Y Combinator chọn là một trong những công ty hàng đầu năm 2022, đã phải vật lộn để cung cấp dịch vụ cho khách hàng sau khi SVB sụp đổ.

"Hoạt động kinh doanh của chúng tôi không liên kết với SVB, nhưng công ty cung cấp dịch vụ thanh toán lương của chúng tôi thì có. Vì vậy, chúng tôi rất không may bị vướng vào tình huống này", CEO Flow Health Alex Meshkin chia sẻ với CBS News.

"Sự việc SVB khiến chúng tôi không thể thanh toán lương đúng hạn cho nhân viên vào ngày 10/3. Chúng tôi buộc phải chờ sang tuần mới để xoay sở việc trả lương", Meshkin nói.

Theo Meshkin, giải pháp của Ripple cho phép công ty trả lương cho nhân viên bất kỳ lúc nào, kể cả vào cuối tuần. CBS News cho biết, Rippling đã phải làm việc một đối tác ngân hàng mới là JPMorgan để giải quyết các vấn đề thanh toán lương cho khách hàng.

(Nguồn: Soha)

Mỹ bắt tỉ phú Trung Quốc với cáo buộc lừa đảo cả tỉ USD

(Ảnh minh họa).

Bộ Tư pháp Mỹ cho biết Mỹ ngày 15-3 đã bắt giữ tỉ phú Trung Quốc lưu vong Quách Văn Quý vì cáo buộc lừa đảo hàng nghìn nhà đầu tư số tiền lên tới 1 tỉ USD.

Bộ Tư pháp Mỹ cho biết Mỹ ngày 15-3 đã bắt giữ tỉ phú Trung Quốc (TQ) Quách Văn Quý (đang sống lưu vong ở Mỹ) vì cáo buộc lừa đảo hàng nghìn nhà đầu tư số tiền lên tới 1 tỉ USD, theo đài CNN.

Ông Quách bị bắt vào sáng 15-3 tại TP New York. Theo hồ sơ cáo trạng, ông Quách đã chỉ đạo các kế hoạch lừa đảo, biển thủ tiền của những nhà đầu tư vào công ty truyền thông GTV Media Group, chương trình cho vay nông trại thông qua tổ chức Himalaya Farm Alliance và công ty tiền điện tử Himalaya Coin của ông.

Thay vì sử dụng số tiền theo như cam kết với các nhà đầu tư, ông Quách đã đưa số tiền một quỹ phòng hộ để kiếm lợi cho công ty GTV và một người thân của ông. Số tiền còn được ông này sử dụng để bảo trì chiếc du thuyền trị giá 37 triệu USD, mua một biệt thự ở bang New Jersey (Mỹ) và một siêu xe Bugatti 4,4 triệu USD.

Tại phiên tòa chiều 15-3, ông Quách đã không nhận tội.

Đồng phạm với ông Quách còn có ông Dư Kiến Minh - người được cho là “kiến trúc sư” của vụ lừa đảo. Ông Dư hiện chưa bị bắt.

Cả hai bị cáo buộc 11 tội danh: 8 tội danh về gian lận chuyển khoản và gian lận chứng khoán; 2 tội rửa tiền quốc tế và 1 tội danh liên quan giao dịch tiền tệ bất hợp pháp.

10 trong số các cáo buộc, nếu cấu thành tội trạng, có mức án lên đến 20 năm tù.

Bản cáo trạng cho biết 2 bị cáo đã “lợi dụng sức ảnh hưởng của ông Quách trên mạng xã hội” để “hứa hẹn mang lại lợi nhuận tài chính khổng lồ và các lợi ích khác” cho các nhà đầu tư sau đó thực hiện hành vi “gạ gẫm, rửa và chiếm đoạt” tiền của các nạn nhân.

Ông Quách có hàng trăm nghìn người theo dõi trên mạng xã hội vì có các phát ngôn chống TQ.

Các công tố viên cho biết đã tịch thu 634 triệu USD từ 21 tài khoản ngân hàng và một chiếc Lamborghini Aventador SVJ Roadster.

(Nguồn: Pháp Luật)

Nga-Mỹ cảnh cáo nhau sau vụ rớt máy bay không người lái

Moscow ngày 15/3 cảnh báo Washington tránh xa không phận của họ, sau khi một máy bay không người lái của Mỹ bị máy bay phản lực Nga nghênh cản, rớt xuống Biển Đen, cuộc đối đầu trực tiếp đầu tiên được biết đến giữa hai siêu cường kể từ khi Nga xâm chiếm Ukraine.

Washington và Moscow đổ lỗi cho nhau về vụ việc, xảy ra trong không phận quốc tế gần lãnh thổ mà Nga tuyên bố đã sáp nhập từ Ukraine. Moscow gọi đó là bằng chứng cho thấy Hoa Kỳ đang trực tiếp tham chiến; Washington gọi đó là hành động liều lĩnh của Nga.

Nga nói sẽ cố gắng trục vớt xác máy bay không người lái trên biển. Washington cho biết máy bay có thể không bao giờ được thu hồi và các bước đã được thực hiện để đảm bảo Nga không thể thu thập thông tin tình báo từ xác máy bay.

“Người Mỹ liên tục nói rằng họ không tham gia các hoạt động quân sự. Đây là bằng chứng mới nhất cho thấy họ đang trực tiếp tham gia các hoạt động này - trong chiến tranh”, Thư ký Hội đồng An ninh Điện Kremlin Nikolai Patrushev nói.

Quân đội Hoa Kỳ cho biết hai máy bay chiến đấu Su-27 của Nga đã tiếp cận một trong những máy bay không người lái MQ-9 Reaper của Mỹ trong một nhiệm vụ trinh sát trên vùng biển quốc tế. Các máy bay chiến đấu quấy rối máy bay không người lái và phun xăng vào nó, trước khi cắt đứt cánh quạt của máy bay không người lái, khiến nó lao xuống biển.

Ông James B. Hecker, chỉ huy lực lượng không quân Hoa Kỳ ở châu Âu, nói: “Vụ việc này cho thấy sự thiếu năng lực bên cạnh việc không an toàn và không chuyên nghiệp”.

Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc John Kirby cho biết các quan chức Mỹ đã nói với đại sứ Nga Anatoly Antonov rằng Moscow phải cẩn thận hơn: “Thông điệp là: Chớ có làm điều này một lần nữa.”

Theo tuyên bố của Nga thì không có va chạm gì. Nga nói chiếc máy bay không người lái bị rơi sau khi thực hiện “các thao tác đột ngột” khi bay “có chủ ý và khiêu khích” gần không phận Nga. Moscow đã huy động các máy bay chiến đấu của mình để xác định nó.

“Hoạt động không thể chấp nhận được của quân đội Hoa Kỳ ở gần biên giới của chúng tôi gây lo ngại,” đại sứ Antonov nói trong một tuyên bố, cáo buộc Washington sử dụng máy bay không người lái để “thu thập thông tin tình báo mà sau đó được chế độ Kyiv sử dụng để tấn công vào các lực lượng vũ trang và lãnh thổ của chúng tôi.”

“Chúng ta hãy đặt một câu hỏi: ví dụ, nếu một máy bay không người lái tấn công của Nga xuất hiện gần New York hoặc San Francisco, Lực lượng Không quân và Hải quân Hoa Kỳ sẽ phản ứng như thế nào?” ông nói, kêu gọi Washington “ngừng thực hiện các chuyến bay gần biên giới Nga.”

Điện Kremlin cho biết không có tiếp xúc cấp cao nào với Washington về vụ việc, mô tả quan hệ song phương là “thảm hại”.

Về phần mình, Kyiv nói vụ việc cho thấy Moscow sẵn sàng “mở rộng khu vực xung đột” để lôi kéo các nước khác. Ông Oleksiy Danilov, Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine, viết trên Twitter rằng Nga làm gia tăng các rủi ro khi nước này phải đối mặt với “các điều kiện thất bại chiến lược” ở Ukraine.

Hoa Kỳ tiến hành các chuyến bay giám sát thường xuyên trong không phận quốc tế trong khu vực. Mỹ đã hỗ trợ Ukraine hàng chục tỷ đô la viện trợ quân sự nhưng nói rằng quân đội của họ không trực tiếp tham gia vào cuộc chiến mà Moscow miêu tả là một cuộc xung đột chống lại sức mạnh tổng hợp của phương Tây.

Tổng thống Zelenskyy cam kết giữ Bakhmut

Moscow đã tiến hành một cuộc tấn công mùa đông với sự tham gia của hàng trăm nghìn lính trừ bị mới được động viên và những tù nhân được tuyển mộ từ nhà tù làm lính đánh thuê. Nga đang cố gắng chiếm thành phố nhỏ Bakhmut phía đông để giành được chiến thắng đáng kể đầu tiên sau hơn nửa năm.

Tháng trước, Kyiv có vẻ như đang chuẩn bị rút khỏi thành phố nhưng kể từ đó đã tăng gấp đôi việc bảo vệ nó, nói rằng họ đang làm cạn kiệt lực lượng tấn công của Nga ở đó để mở đường cho cuộc phản công của chính họ.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho biết trong một bài phát biểu đêm qua rằng ông đã gặp các quan chức quân sự hàng đầu của mình và họ nhất trí khuyên nên tăng cường cho Bakhmut.

Một số chuyên gia quân sự phương Tây và Ukraine đã đặt câu hỏi liệu có hợp lý khi Kyiv tiếp tục ở lại đó hay không, bởi những tổn thất nặng nề của chính họ ở đó.

Nhưng Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Malyar cho biết việc bảo vệ Bakhmut là rất quan trọng vì “một lượng lớn trang thiết bị của kẻ thù đang bị phá hủy... Một số lượng lớn binh lính đang bị giết và cho đến hôm nay, khả năng tiến công của kẻ thù đang bị suy giảm.”

Các chiến tuyến ở Ukraine hầu như không di chuyển trong bốn tháng mặc dù cuộc chiến đã phát triển thành trận chiến bộ binh đẫm máu nhất châu Âu kể từ Thế chiến Thứ hai, được cả hai bên mô tả là “máy xay thịt” với chiến trường đầy xác chết.

Các cuộc tấn công của Nga phần lớn đã thất bại trên hầu hết chiến tuyến, ngoại trừ Bakhmut nơi họ đã chiếm được phía đông thành phố và tiến về phía bắc và nam trong khi cố gắng bao vây nó.

Giao tranh dữ dội cũng đang diễn ra xa hơn về phía bắc, nơi Nga đang cố gắng chiếm lại lãnh thổ mà nước này đã mất trong cuộc phản công của Ukraine năm ngoái, và xa hơn về phía nam, nơi Moscow chịu tổn thất nặng nề trong các cuộc tấn công thất bại vào pháo đài Vuhledar do Ukraine trấn giữ hồi tháng Hai.

Kể từ khi chiếm lại nhiều vùng lãnh thổ vào nửa cuối năm 2022, Ukraine gần đây đã giữ thế phòng thủ, lên kế hoạch phản công vào cuối năm nay khi mặt đất lầy lội khô đi và xe bọc thép và xe tăng phương Tây được chuyển đến.

Nga, xâm lược nước láng giềng một năm trước, mô tả Ukraine là mối đe dọa an ninh. Nga tuyên bố đã sáp nhập gần 1/5 lãnh thổ Ukraine. Kyiv và phương Tây coi đây là cuộc chiến vô cớ để chiếm đất.

Hàng chục nghìn thường dân Ukraine và quân đội của cả hai bên đã thiệt mạng. Các thành phố của Ukraine đã bị phá hủy và hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa.

(Nguồn: VOA)

Trung Đông thành “đấu trường mới” cho cạnh tranh Mỹ - Trung

(Ảnh minh họa).

Việc Trung Quốc làm trung gian hòa giải cho thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Iran và Saudi Arabia đã đánh dấu một thành công ngoại giao bất ngờ và cho thấy trật tự quyền lực mới đang hình thành ở Trung Đông.

Đằng sau thỏa thuận “chuyển mình” của Saudi Arabia và Iran

Quyết định của Saudi Arabia và Iran nhằm khôi phục quan hệ ngoại giao là một bước chuyển quan trọng với cả hai bên. Mối quan hệ giữa Riyadh và Tehran đã căng thẳng trong nhiều thập kỷ qua bởi hai nước đều cạnh tranh vị trí lãnh đạo khu vực Trung Đông và thế giới Hồi giáo.

Hai quốc gia này thường ủng hộ các bên đối lập nhau trong khu vực. Saudi Arabia trang bị và hỗ trợ lực lượng muốn lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong khi Iran cung cấp cho ông Assad sự hỗ trợ quân sự cần thiết để tiếp tục cầm quyền. Tại Yemen, Iran và Saudi Arabia đều chiến đấu trong một cuộc xung đột ủy nhiệm suốt 8 năm qua khi Tehran ủng hộ lực lượng Houthi còn liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu ủng hộ lực lượng chính phủ.

Tại Iraq, Riyadh và Tehran ủng hộ các chính trị gia đối lập nhau và tìm cách kiểm soát các cơ quan chính phủ. Tehran cũng bị cáo buộc có liên hệ với lực lượng tiến hành các cuộc không kích vào các cơ sở sản xuất dầu của Saudi Arabia.

Quan hệ ngoại giao giữa Tehran và Riyadh đã tạm dừng sau khi phái đoàn ngoại giao của Saudi Arabia tại Iran bị buộc phải rời đi vào năm 2016 sau việc nước này hành quyết một giáo sĩ dòng Shiite.

Saudi Arabia cũng tập hợp các quốc gia trong khu vực phản đối chính sách đối ngoại mà nước này cho là "bành trướng" của Iran, đồng thời ủng hộ các lực lượng vũ trang phi nhà nước như Hezbollah ở Lebanon và nỗ lực theo đuổi vũ khí hạt nhân của lực lượng này.

Động thái khôi phục quan hệ giữa Saudi Arabia và Iran dường như phản ánh việc mỗi quốc gia đang đánh giá lại chiến lược và lập trường của mình. Theo đó, cả hai nước đều nhận ra rằng không có bên nào đủ mạnh để giành ưu thế trong cuộc đối đầu trực tiếp cũng như hiểu rõ, cái giá của cạnh tranh đang trở nên quá cao.

Với Saudi Arabia, việc bình thường hóa quan hệ sẽ dẫn đến cam kết từ phía Iran về việc dừng tấn công vào các cơ sở sản xuất dầu của nước này và hạn chế sự ủng hộ với lực lượng Houthi.

Điều này cũng củng cố vai trò của Saudi Arabia như một nhân tố quan trọng ở Trung Đông dưới thời Thái tử Mohammed bin Salman. Với Thái tử Mohammed bin Salman, thỏa thuận với Iran sẽ giúp ông tăng cường ảnh hưởng và vị thế trong quan hệ với Mỹ.

Trong khi đó, Iran hy vọng, mối quan hệ tốt đẹp hơn với Saudi Arabia sẽ góp phần cải thiện tỷ lệ đầu tư và mang đến một số lợi ích. Thỏa thuận trên cũng giúp Tehran "dễ thở" hơn về mặt ngoại giao và kinh tế.

Thực tế là giữa bối cảnh ngày càng bị cô lập trong khu vực, chính quyền Iran thời gian qua phải bận rộn giải quyết vấn đề chi phí sinh hoạt leo thang, đồng rial sụt giảm, lạm phát tăng cao và tình trạng bất ổn gia tăng. Ở nước ngoài, lập trường của Iran với Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine đã khiến các nước châu Âu duy trì quan điểm cứng rắn với nước này.

Trung Đông thành “đấu trường mới” cho cạnh tranh Mỹ - Trung?

Mỹ đã dành hơn 1 thập kỷ để giảm bớt trách nhiệm an ninh và ngoại giao ở Trung Đông nhằm tập trung nguồn lực vào Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương - khu vực được đánh giá như một đấu trường chính trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc.

Tuy nhiên, “nước cờ” mới đây của Trung Quốc ở Trung Đông đã làm phức tạp thêm chính sách xoay trục sang châu Á của Mỹ.

Trung Quốc được đánh giá là bên duy nhất có thể trở thành trung gian cho thỏa thuận Saudi Arabia - Iran khi duy trì quan hệ tích cực với cả hai nước và được cả hai coi là một bên trung lập.

Dù vậy, không phải ngẫu nhiên Trung Quốc có được vị trí đó. Từ tháng 12/2022, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến công du tới Trung Đông, tổ chức cuộc họp Thượng đỉnh đầu tiên giữa Trung Quốc với các nhà lãnh đạo thế giới Arab ở Riyadh. Tại đây, ông cân nhắc đến sáng kiến tổ chức một Hội nghị Thượng đỉnh giữa các nước vùng Vịnh và Iran. Tháng trước, ông Tập Cận Bình cũng đã tiếp đón Tổng thống Iran Ebrahim Raisi tại Bắc Kinh, đánh dấu chuyến công du cấp nhà nước đầu tiên của một nhà lãnh đạo Iran tới đây trong vòng 20 năm.

Theo nhà quan sát Dave Sharma nhận định trên Nikkei Asia, là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Đông, Trung Quốc đang cố gắng biến sức mạnh kinh tế thành ảnh hưởng chính trị và ngoại giao. Với Bắc Kinh, thỏa thuận trên vừa có ý nghĩa về mặt danh tiếng khi cho thấy rằng Mỹ không phải là nước duy nhất tham gia vào quá trình kiến tạo hòa bình toàn cầu, vừa phục vụ lợi ích quốc gia trực tiếp bởi thỏa thuận này góp phần làm giảm rủi ro xung đột trong một khu vực Trung Quốc phụ thuộc lớn về năng lượng.

Với Trung Đông, Trung Quốc là một nhân tố được chào đón. Không giống như Mỹ và châu Âu, Bắc Kinh không nêu ra các mối lo ngại về nhân quyền hay phản đối các vấn đề trong nước để thúc đẩy quan hệ.

Thỏa thuận Saudi Arabia - Iran cũng được đánh giá là bước lùi đáng kể cho Israel khi Riyadh vốn là tiếng nói mạnh mẽ nhất ủng hộ nỗ lực kiềm chế Iran. Trong khi Saudi Arabia hàn gắn quan hệ với Iran thì các nước vùng Vịnh khác chắc chắn sẽ có bước đi tương tự. Liên minh khu vực nhằm cô lập Iran - một ưu tiên quan trọng hơn bất kỳ điều gì với Israel, đang rạn nứt.

Kể từ cuộc khủng hoảng Kênh đào Suez năm 1956, Mỹ là một nhân tố không thể thay thế ở Trung Đông. Nhưng với việc Mỹ đứng bên lề thỏa thuận quan trọng trên, trật tự quyền lực đang dịch chuyển.

Mỹ xoay trục sang châu Á để tập trung vào việc cạnh tranh với Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và để khu vực Trung Đông tự giải quyết các vấn đề của mình. Song với việc Trung Quốc lựa chọn bước vào khoảng trống mà Mỹ để lại, Trung Đông đã trở thành một phần trong cuộc cạnh tranh toàn cầu giữa Washington và Bắc Kinh./.

(Nguồn: VOV)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang