Mỹ: 'Lạm phát trứng'; 72 giờ quay cuồng; Kho vũ khí 'khó đầy'; Máy bay MQ-9 bị Nga ngăn cản; Nội bộ chính quyền rạn nứt

"Lạm phát trứng", người Mỹ tự nuôi gà trong sân nhưng nhận cái kết dở khóc dở cười

(Ảnh minh họa).

Giá trứng tăng cao đã khiến ý tưởng nuôi thả gà trong vườn thêm hấp dẫn với người Mỹ.

"Lạm phát trứng"

Tình trạng lạm phát và dịch cúm gia cầm bùng phát khiến giá trứng tăng vọt. Kể từ tháng 1/2022, hơn 58 triệu con gia cầm đã chết do lây nhiễm cúm gia cầm hoặc bị tiêu hủy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung cấp trứng. Trong năm qua, giá trứng đã tăng hơn 70%, theo dữ liệu từ Cục Thống kê Lao động.

Đầu năm nay, The New York Times và Insider đã đưa tin về việc nhiều người Mỹ chuyển sang nuôi gà ở nhà để đối phó với nạn lạm phát.

Những người nông dân cho biết họ đã nhận được vô số yêu cầu muốn mua gà đẻ trứng về nuôi tại gia, một xu hướng thậm chí còn có trước cả nạn "lạm phát trứng".

Tractor Supply Co., công ty cung cấp gà con hàng đầu, nói với The Wall Street Journal rằng doanh số bán gà của họ đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2018 và dự kiến sẽ bán được 11 triệu gà con chỉ riêng trong năm 2023.

Tự nuôi gà để tiết kiệm nhưng chi phí còn tốn hơn mua trứng

Nhưng những con gà được nuôi thả sân sau có thể không phải là cách tiết kiệm ngân sách khả thi mà một số người hy vọng.

Những người làm trong ngành chăn nuôi đã dự báo tình trạng người dân vứt bỏ gà nuôi sau khi nhận ra rằng họ không thể theo kịp chi phí hoặc thời gian liên quan đến việc chăm sóc những con gà.

Matt Lieurance, người đồng sáng lập Farm Animal Refuge ở San Diego, California, nói với Insider: "Mọi người chủ yếu nuôi gà để lấy trứng nhưng lại không có chuồng trại phù hợp và những con gà sớm bị động vật ăn thịt tấn công".

Gà có thể biến thành mồi cho chó sói, diều hâu hoặc thú có túi. Người nuôi gà có thể mua một cái chuồng gà nhưng chúng sớm trở nên quá nhỏ khi gà lớn lên hoặc không đủ khả năng bảo vệ khỏi những kẻ săn mồi. Hệ thống chuồng thích hợp cho gà ở sân sau có thể dao động từ vài trăm đến vài nghìn USD.

Ngoài ra còn có một số chi phí liên quan đến gà thả vườn mà người mới nuôi có thể không biết, chẳng hạn như chi phí thức ăn liên tục ngày càng đắt đỏ và hóa đơn y tế cao bất ngờ do gà cần bác sĩ thú y chuyên khoa.

Bên cạnh đó, nhiều người cũng không biết rằng có thể mất từ 4 đến 6 tháng để gà con bắt đầu đẻ trứng hoặc chúng sẽ chỉ đẻ trứng trong vài năm.

Một sai lầm dở khóc dở cười mà những người mua gà hay mắc phải đó là họ muốn mua gà mái để đẻ trứng nhưng lại mua nhầm gà trống.

Việc xác định giới tính của gà con có thể khó khăn và các cửa hàng thường bán một nhóm gà mái nhỏ và đôi khi có lẫn một chú gà trống.

"Khi bạn mua gà con, họ nói với bạn rằng đó là gà mái, và sau đó từ 6 đến 8 tuần, một trong số chúng bắt đầu gáy và hàng xóm của bạn phàn nàn," Lieurance kể lại.

(Nguồn: CafeF)

72 giờ quay cuồng trong vụ sụp đổ ngân hàng lớn thứ hai của lịch sử Mỹ

Trong 72 giờ, các cơ quan quản lý của Mỹ đã gấp rút triển khai kế hoạch cứu trợ với mục tiêu bảo vệ niềm tin của công chúng trước "cơn địa chấn tài chính mạnh 7,9 độ".

Chỉ vài giờ sau khi Phố Wall mở cửa giao dịch vào sáng 10/3 (giờ địa phương), giới chức Mỹ đã nắm quyền kiểm soát Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB). Trước đó, ngân hàng này đã sụp đổ do áp lực đến từ lượng người rút tiền ồ ạt.

Tình hình nhanh chóng trở nên căng thẳng khi hệ quả đến từ sự sụp đổ của SVB ngày càng trở nên mất kiểm soát, tờ Financial Times nhận định.

Trong vòng 48 giờ, các cơ quan quản lý của Mỹ đã lên kế hoạch khẩn cấp để trấn an những khách hàng đang gửi tiền tại SVB, đồng thời ngăn chặn sự hoảng loạn lan rộng trong phần còn lại của hệ thống ngân hàng.

Cơn địa chấn tài chính

Đến tối 12/3 (giờ địa phương), chính phủ Mỹ tuyên bố sẽ đảm bảo toàn bộ tiền gửi của khách hàng tại SVB và Signature Bank (SB) đều được giữ lại. Trước đó, SB cũng nối gót SVB và buộc phải đóng cửa.

Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cung cấp nguồn tiền vay cho nhiều ngân hàng khác để đảm bảo họ có thể đáp ứng nhu cầu rút tiền của khách hàng.

“Trong số những lựa chọn khả dĩ, chính quyền đã triển khai các chính sách hợp lý nhất có thể vào ngày 12/3”, Krishna Guha, cựu nhân viên FED, hiện là phó chủ tịch Evercore ISI, nói với Financial Times.

Đi kèm với nỗ lực cứu trợ ban đầu là nỗi lo sợ rằng chính phủ sẽ không thể vãn hồi hệ quả đến từ sụp đổ của các ngân hàng lớn. Vào ngày 13/3, cổ phiếu của First Republic và một số ngân hàng khác vẫn đang trên đà lao dốc.

Trên thực tế, các biện pháp cứu trợ được công bố hôm 12/3 là hồi chuông cảnh báo về sự mong manh của hệ thống tài chính Mỹ, bất chấp những cải tổ mà các cơ quan quản lý đã áp dụng trong suốt 15 năm sau cuộc đại khủng hoảng năm 2008.

Sự sụp đổ của SVB đặt giới chức Mỹ vào tình trạng báo động và buộc phải nắm quyền kiểm soát ngân hàng này.

“Tôi hiểu rằng chúng tôi có 72 giờ để đưa ra kế hoạch giải quyết thảm họa này”, nữ nghị sĩ đảng Dân chủ Anna Eshoo nói. Bà thậm chí ví sự sụp đổ của SVB với một “cơn địa chấn” tài chính mạnh 7,9 độ.

Quyết định của ông Biden

Vào 13h ngày 10/3 (giờ địa phương), sau phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã tổ chức một cuộc họp với các quan chức để đối phó với sự sụp đổ tiềm tàng của hệ thống tài chính Mỹ.

Cuộc họp có sự góp mặt của Martin Gruenberg, người đứng đầu FDIC, quyền giám sát viên kiểm soát tiền tệ Michael Hsu và Chủ tịch FED San Francisco Mary Daly. Chủ tịch FED Jay Powell cũng tham gia buổi họp qua Internet.

Cuộc thảo luận trở nên căng thẳng hơn vào ngày 11/3 và Michael Barr, phó chủ tịch phụ trách giám sát FED, cũng được mời tham dự cuộc họp. Các quan chức thảo luận chủ yếu về ba lựa chọn khả dĩ: Tìm người mua lại SVB; FED triển khai hệ thống hỗ trợ mới cho toàn bộ ngân hàng; hoặc tạo một ngoại lệ mới về “rủi ro hệ thống” đối với trường hợp của SVB và SB.

Ban đầu, các nhà lập pháp không tập trung vào việc triển khai những giải pháp cứu trợ mà cố gắng bán SVB. “Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là tìm người mua, nhưng khả năng hiện thực hóa việc này tương đối thấp”, bà Eshoo nói.

Nỗ lực bán đấu giá SVB trở nên vô vọng khi những người mua tiềm năng nhanh chóng nhận ro rủi ro từ thương vụ này. Họ kỳ vọng chính phủ cung cấp bảo lãnh cho việc mua lại SVB. Tuy nhiên, trong một lần xuất hiện trên truyền hình hôm 12/3, bà Yellen ngụ ý không muốn viện trợ trực tiếp cho các ngân hàng mà chỉ tập trung giải cứu những khách hàng gửi tiền.

FDIC đã mời Dịch vụ Tài chính PNC và Ngân hàng Hoàng gia Canada tham gia đấu thầu mua lại SVB. Tuy nhiên, cả hai ngân hàng đều rút khỏi thương vụ này.

Nỗi lo rằng chính phủ sẽ không thể vãn hồi tình hình đã khiến các nhà đầu tư mạo hiểm bắt tay vận động hành lang với mục tiêu ngăn chặn hiệu ứng dây chuyền xảy ra.

Brad Sherman, nghị sĩ đảng Dân chủ, cho biết chính phủ tin rằng các nhà quản lý cần hành động quyết liệt để khôi phục lòng tin từ phía công chúng sau sự sụp đổ của SB.

“Một con thiên nga đen thì chỉ là một con thiên nga đen, nhưng hai con thiên nga đen thì là một đàn rồi”, ông Sherman nói. “Khi ngân hàng thứ hai phải đóng cửa, điều này thực sự mang tính hệ thống”.

Theo nguồn tin từ một quan chức Nhà Trắng, mặc dù dành kỳ nghỉ cuối tuần tại nhà riêng ở Delaware, Tổng thống Joe Biden vẫn thường xuyên cập nhật tin tức về tình hình hiện tại từ Lael Brainard, cựu phó chủ tịch FED, và Jeff Zients, Chánh văn phòng tổng thống.

Ông Biden cũng nói chuyện với Thống đốc California Gavin Newsom “về những nỗ lực cải thiện tình hình”, nguồn tin trên cho biết.

Trong một cuộc họp, Chánh văn phòng tổng thống Jeff Zients, Giám đốc kinh tế quốc gia Lael Brainard và bà Cecilia Rouse - một trong những cố vấn kinh tế hàng đầu của ông Biden - đã cảnh báo tổng thống về một nguy cơ chưa từng thấy kể từ cuộc khủng hoảng tài chính gần 15 năm trước: Sự thất bại của SVB - một tổ chức ít được biết đến với hầu hết người Mỹ - có thể gây ra một cuộc khủng hoảng rộng lớn hơn trong hệ thống ngân hàng của quốc gia.

“Chúng tôi đã rất tập trung vào điều đó khi nói chuyện với tổng thống vào sáng 10/3”, theo một quan chức Nhà Trắng. “Chúng tôi đã cảnh báo về khả năng điều này có thể dẫn đến sự lây lan và có thể liên quan đến một loạt ngân hàng khá lớn”.

Cuộc họp mang tính quyết định diễn ra vào chiều 12/3 (giờ địa phương), khi Tổng thống Biden phê duyệt kế hoạch viện dẫn quyền hạn khẩn cấp và thực hiện cứu trợ. 18h cùng ngày, các cơ quan quản lý công bố triển khai những biện pháp hướng đến việc ngăn chặn một cuộc khủng hoảng diễn ra.

“Hôm nay chúng tôi sẽ đưa ra các hành động quyết đoán để bảo vệ nền kinh tế Mỹ bằng cách củng cố niềm tin của công chúng vào hệ thống ngân hàng”, giới chức Mỹ nói trong một công bố.

Tối 12/3 (giờ địa phương), một quan chức cấp cao Bộ Tài chính Mỹ khẳng định những giải pháp được đưa ra lần này khác với gói cứu trợ năm 2008. Cụ thể, các cổ đông và những người nắm giữ trái phiếu sẽ không được giúp đỡ.

Hôm 13/2, Tổng thống Biden khẳng định sẽ không dùng tiền thuế của người dân để chi trả cho các thiệt hại xuất phát từ SVB và Signature. Số tiền này sẽ được trả bằng khoản phí bảo hiểm tiền gửi mà các nhà băng đóng vào Quỹ bảo hiểm tiền gửi của Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC), ông Biden nói.

Andrew Ross Sorkin, chuyên gia kinh tế của New York Times, tác giả cuốn sách "Too Big To Fail" nói về khủng hoảng tài chính 2008, cho rằng những gì nhà chức trách đã và đang làm trong vụ sụp đổ SVB thực chất là biện pháp giải cứu, nhưng đối tượng giải cứu không phải là 2 ngân hàng.

"Không giống 2008, chính phủ hiện nay giải cứu các nhà đầu tư mạo hiểm và các công ty nằm trong danh mục đầu tư của họ, chính là những khách hàng gửi tiền chủ yếu tại SVB. Đây là điều đúng đắn vào thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, vụ việc này vẫn sẽ để lại hậu quả và sẽ dẫn tới các quy định giám sát mới", ông Sorkin nói.

(Nguồn: Zing News)

Kho vũ khí 'chỉ vơi khó đầy' - 'Hồi chuông cảnh tỉnh' Mỹ?

(Ảnh minh họa).

Mỹ là một trong những nước tích cực nhất trong việc hỗ trợ vũ khí cho Ukraine. Rõ ràng, sát cánh cùng Kiev giúp Washington bảo vệ được các lợi ích an ninh cốt lõi, tuy nhiên, 'cái giá' cho điều này cũng không hề nhỏ.

15 năm cho sự bù đắp

Theo ước tính của một bài viết gần đây trên tờ The Washington Post, Mỹ sẽ mất khoảng 15 năm chỉ để bổ sung các hệ thống vũ khí chính.

Vấn đề cốt lõi dẫn tới thực trạng cạn kiệt kho vũ khí của Lầu Năm Góc là do khối lượng cũng như mức độ cung cấp đạn dược và vũ khí chưa từng có cho Ukraine, trong bối cảnh cuộc xung đột quân sự này có nguy cơ kéo dài.

Các đồng minh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO ở châu Âu, chịu áp lực từ Washington, cũng đã cung cấp gần như những kho vũ khí cuối cùng cho Lực lượng Vũ trang Ukraine (VSU).

Có ý kiến cho rằng, có vẻ như ngành công nghiệp châu Âu đang rơi vào khủng hoảng và không thể độc lập triển khai sản xuất các sản phẩm quân sự với số lượng đủ để ít nhất là đáp ứng nhu cầu hiện tại của quân đội Ukraine.

Theo The New York Times, cuộc xung đột Nga-Ukraine đặt ra những vấn đề sâu sắc mà Mỹ phải vượt qua để sản xuất vũ khí cho mình và các đồng minh.

Các nhà phân tích quân sự Mỹ đánh giá, Lầu Năm Góc chưa sẵn sàng hỗ trợ một chiến dịch quân sự quy mô lớn vì không nỗ lực hết sức để bổ sung kho vũ khí được chuyển đến Kiev.

Theo các chuyên gia, sẽ mất khoảng 15 năm với tốc độ và quy mô sản xuất hiện nay và hơn 8 năm với tốc độ thời chiến để bổ sung số vũ khí đã được tổ hợp công nghiệp quân sự Mỹ chuyển giao cho Ukraine.

Mỹ sẽ mất 4 năm để bổ sung tên lửa dẫn đường độ chính xác cao M982 Excalibur được gửi tới Kiev, và khoảng 2,5 năm đối với tên lửa phóng loạt HIMARS. Con số này chưa tính đến các chuyến hàng mới được hứa hẹn.

Vấn đề không chỉ liên quan đến việc bổ sung lượng vũ khí đã được chuyển đến Ukraine. Sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, giới lãnh đạo Mỹ đã giảm đáng kể đầu tư cho phát triển các doanh nghiệp quốc phòng.

Bất chấp ngân sách quân sự chưa từng có kể từ những năm 1990, hiện chỉ có 5 công ty trong tổng số 51 công ty liên hợp công nghiệp-quân sự lớn ở Mỹ đang hoạt động.

Bên cạnh đó, với năng lực công nghiệp hiện hành của ngành công nghiệp quốc phòng, Lầu Năm Góc phải đối mặt với nhiều vấn đề trong hiện đại hóa lực lượng vũ trang.

Với tốc độ sản xuất hiện nay, sẽ mất hơn 10 năm để thay thế phi đội trực thăng UH-60 Black Hawk và gần 20 năm đối với tên lửa không đối không tầm trung hiện đại. Để thay thế hạm đội tàu sân bay hiện có, Hải quân Mỹ sẽ phải chờ ít nhất 44 năm.

Theo The New York Times, việc sản xuất các thiết bị quân sự hiện đại, đặc biệt là với số lượng ngày càng tăng, không tương thích với các hợp đồng ngắn hạn và cần có kế hoạch dài hạn rõ ràng. Quá trình lắp ráp và hoàn thiện một máy bay chiến đấu F-35 cần 300.000 chi tiết từ 1.700 nhà cung cấp.

Những bài toán chưa lời giải

Cùng chủ đề này, tờ American Conservative ước tính Washington sẽ mất 6 năm để bổ sung kho vũ khí và đạn dược của mình.

Mỹ hiện sản xuất khoảng 14.000 quả đạn pháo 155mm mỗi tháng, khoảng 168.000 quả đạn mỗi năm, chỉ bằng 1/5 lần số đạn pháo Mỹ đã gửi cho Ukraine.

Trước tình hình đó, ngành công nghiệp quân sự Mỹ đang nỗ lực tăng sản lượng lên 20.000 quả mỗi tháng, song ngay cả với tốc độ này, Mỹ cũng sẽ phải mất tới 4 năm để bù đắp thâm hụt trong điều kiện không có đợt giao hàng mới nào cho Kiev.

Các kho dự trữ vũ khí khác cũng đã cạn kiệt - đặc biệt là đối với những vũ khí đã được chứng minh là đặc biệt hữu ích trên chiến trường ở Ukraine, như tên lửa Javelin và Stinger.

Quân đội Mỹ đã cung cấp cho Ukraine hơn 8.500 tên lửa Javelin, tên lửa chống tăng vác vai di động, song mức sản xuất hiện tại, với sự đóng góp của nhà thầu Raytheon và Lockheed Martin, chỉ là 400 hệ thống Javelin mỗi tháng.

Điều đáng nói, đây đã là mức tăng đáng kể so với trước đó, được Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ước tính là khoảng 1.000 tên lửa mỗi năm.

Nói cách khác, Mỹ đã tự nguyện trao khoảng 1/3 kho dự trữ Javelin cho Ukraine. Số liệu tương tự cũng ghi nhận với kho tên lửa Stinger. Mỹ cũng đã chuyển giao cho Ukraine khoảng 1/3 kho dự trữ Stinger, tương đương hơn 1.600 hệ thống phòng không vác vai. Tuy nhiên, dây chuyền sản xuất tên lửa Stinger đang ở trong tình trạng tồi tệ hơn so với Javelin.

Giám đốc điều hành của tập đoàn công nghệ Raytheon Greg Hayes từng nhắc đến những lo ngại về việc cạn dần các kho dự trữ Javelin từ tháng 12/2022.

Ông nói “Trong 10 tháng đầu tiên của cuộc xung đột, về cơ bản, chúng ta đã sử dụng hết số vũ khí trong 13 năm sản xuất Stinger và 5 năm sản xuất Javelin… Vì vậy, câu hỏi đặt ra là chúng ta sẽ bù đắp và bổ sung như thế nào?”.

Hồi chuông cảnh tỉnh

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, Thượng nghị sĩ Jack Reed, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, thừa nhận rằng "đó là một hồi chuông cảnh tỉnh" khi đề cập đến các vấn đề bộc lộ trong xung đột ở Ukraine. "Chúng ta phải có một cơ sở công nghiệp có thể đáp ứng rất nhanh với khủng hoảng", ông nói thêm.

Tuần trước, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Colin Kahl đã nói với các nghị sĩ rằng: "Xung đột Ukraine cho thấy rõ ràng rằng ngành công nghiệp quốc phòng của chúng ta đang không ở mức có thể sản xuất đủ đạn dược, tăng tốc sản xuất đạn pháo, tên lửa dẫn đường và các mặt hàng khác".

Lầu Năm Góc từng thiết kế các chương trình vũ khí để có ít nhất 2 nguồn sản xuất, nhưng theo thời gian, họ bắt đầu coi năng lực dư thừa đó là lãng phí.

David Berteau, cựu quan chức phụ trách mua lại của Lầu Năm Góc và là người đứng đầu Hội đồng Dịch vụ chuyên nghiệp, cho rằng việc chậm trễ trong sản xuất cũng một phần do thiết bị quân sự ngày nay phức tạp hơn so với thời Chiến tranh thế giới thứ Hai, khi công ty Ford có thể sản xuất một máy bay chiến đấu trong một giờ. Vũ khí hiện tại thường yêu cầu vi điện tử và các bộ phận đến từ hàng chục hoặc hàng trăm cơ sở khác nhau.

Tướng Mark A. Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, dự đoán việc tăng cường kho dự trữ vũ khí có thể buộc Lầu Năm Góc phải tăng chi tiêu hơn nữa.

(Nguồn: Báo Quốc Tế)

Máy bay không người lái của Mỹ bị Nga nghênh cản, rơi xuống Biển Đen

Một máy bay giám sát không người lái MQ-9 của quân đội Hoa Kỳ rơi xuống Biển Đen hôm 14/3 sau khi bị máy bay chiến đấu của Nga nghênh cản. Đây là sự cố đầu tiên kiểu này kể từ khi Nga xâm lược Ukraine hơn một năm trước.

Ngũ Giác Đài cho biết một trong những máy bay phản lực Su-27 của Nga va vào cánh quạt của máy bay không người lái Mỹ khiến máy bay không thể hoạt động.

Bộ Quốc phòng Nga nói tai nạn là do máy bay không người lái ‘thao tác gắt’ và rằng các máy bay phản lực của Nga không va đụng.

Mặc dù không có thiệt hại về người, nhưng đây là sự nhắc nhở về nguy cơ đối đầu trực tiếp giữa Hoa Kỳ và Nga về vấn đề Ukraine, quốc gia mà Moscow xâm lược từ hơn một năm trước và đang được các đồng minh phương Tây hỗ trợ về tình báo và vũ khí.

Tư lệnh Tối cao lực lượng đồng minh NATO ở Châu Âu, Tướng lục quân Christopher Cavoli, đã thông báo cho các đồng minh NATO về vụ việc.

Sự cố này bị Tòa Bạch Ốc và Ngũ Giác Đài lên án gay gắt và các quan chức cảnh báo về nguy cơ leo thang. Bộ Ngoại giao Mỹ đã triệu tập đại sứ Nga.

Hai máy bay phản lực Su-27 của Nga đã thực hiện điều mà quân đội Mỹ mô tả là nghênh cản liều lĩnh máy bay do thám không người lái của Mỹ. Quân đội Mỹ nói các máy bay chiến đấu của Nga đã đổ nhiên liệu lên MQ-9, có thể là tìm cách che tầm nhìn hoặc làm hỏng máy bay, và bay trước mũi một cách không an toàn.

Sau khoảng 30 đến 40 phút, vào lúc 7:03 sáng (giờ GMT), một trong những máy bay phản lực của Nga va chạm với máy bay không người lái Mỹ, khiến nó bị rơi, quân đội Hoa Kỳ cho biết.

“Máy bay MQ-9 của chúng tôi đang thực hiện các hoạt động thường lệ trong không phận quốc tế thì bị một máy bay Nga chặn và đâm trúng, dẫn đến một vụ tai nạn và chiếc MQ-9 thiệt hại hoàn toàn,” Tướng Không quân Hoa Kỳ James Hecker, người giám sát không lực Mỹ tại khu vực, cho biết.

“Trên thực tế, hành động không an toàn và thiếu chuyên nghiệp của phía Nga suýt làm cho cả hai máy bay gặp nạn.”

Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga bác thông tin cho rằng máy bay của họ va đụng, khẳng định máy bay không người lái của Hoa Kỳ rơi xuống nước do ‘thao tác gắt’.

“Các máy bay chiến đấu của Nga không sử dụng vũ khí trên máy bay, không tiếp xúc với máy bay không người lái và đã trở về sân bay an toàn,” Bộ Quốc phòng Nga nói.

Vẫn theo Bộ Quốc phòng Nga, máy bay không người lái của Mỹ được phát hiện trên vùng biển gần bán đảo Crimea, nơi Moscow đã sáp nhập từ Ukraine vào năm 2014.

(Nguồn: VOA)

Nội bộ chính quyền Mỹ: Người đòi bỏ rơi Ukraine, người đòi đánh bại Tổng thống Putin

(Ảnh minh họa).

Thượng nghị sĩ Mỹ Lindsey Graham hôm qua (14/3) cảnh báo Washington không được quay lưng lại với Ukraine, sau khi Thống đốc bang Florida Ron DeSantis lên tiếng cho rằng cuộc chiến của Nga ở Ukraine không nên là một trong những “lợi ích quốc gia sống còn” của nước Mỹ.

“Nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin thua ở Ukraine thì thế giới sẽ khởi động lại theo con đường đúng đắn,” Thượng nghị sĩ Graham đã bình luận như vậy trên Twitter. “Nếu ông Putin thắng ở Ukraine và phương Tây đầu hàng giống như trong quá khứ thì sẽ có nhiều cuộc xung đột xảy ra hơn”, Thượng nghị sĩ Graham cảnh báo.

“Khi nói đến Tổng thống Putin, các bạn hoặc trả tiền ngay bây giờ hoặc phải trả giá về sau,” ông Graham nói thêm, “Nếu bạn không hiểu rằng thành công của Tổng thống Putin ở Nga sẽ dẫn đến sự xâm lược của Trung Quốc đối với Đài Loan thì bạn đã tính toán sai nghiêm trọng một trong những quan hệ nhân quả hiển nhiên nhất trên thế giới.”

Ông DeSantis – vị quan chức được nhiều người coi là một trong những ứng cử viên tiềm năng hàng đầu cho đề cử của Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2024, đã mô tả cuộc chiến ở Ukraine là một “tranh chấp lãnh thổ” khi trả lời một bảng câu hỏi do Tucker Carlson của Fox News gửi đến cho các ứng cử viên tổng thống tiềm năng.

“Mặc dù Mỹ có nhiều lợi ích quốc gia sống còn — đảm bảo biên giới của chúng ta, giải quyết cuộc khủng hoảng về năng lực sẵn sàng trong quân đội của chúng ta, đạt được an ninh và sự độc lập về năng lượng, đồng thời kiểm soát sức mạnh kinh tế, văn hóa và quân sự của Đảng Cộng sản Trung Quốc — nhưng việc bị vướng sâu hơn nữa vào một tranh chấp lãnh thổ giữa Ukraine và Nga không phải là một trong số đó,” ông DeSantis nhấn mạnh.

Thống đốc bang Florida Ron DeSantis nói thêm rằng: “Việc chính quyền Tổng thống Biden tài trợ ‘séc gần như ký khống’ cho cuộc xung đột này ‘chừng nào nó còn diễn ra’ mà không có bất kỳ mục tiêu hoặc trách nhiệm giải trình xác định nào khiến chúng ta mất tập trung vào những thách thức cấp bách nhất của đất nước”.

Thống đốc DeSantis cũng chỉ trích Washington vì đã thúc đẩy Nga xích lại gần Trung Quốc một cách hiệu quả. Theo ông DeSantis, Trung Quốc là nước mà ông tin là mối đe dọa lớn hơn nhiều so với Moscow.

Ông DeSantis – vị chính khách được nhiều người kỳ vọng sẽ tranh cử tổng thống Mỹ trong cuộc bầu cử năm 2024, đã tạo nên sự khác biệt với các nhà lãnh đạo hàng đầu khác của Đảng Cộng hòa với lập trường của ông về Ukraine.

Trong khi đó, nói đến vấn đề tương tự, cựu Phó Tổng thống Mike Pence khẳng định “không có chỗ cho những người biện hộ cho Tổng thống Putin trong Đảng Cộng hòa” và phải ngăn chặn ông Putin để ngăn Nga tiến về phía các đồng minh NATO của Washington. Lãnh đạo thiểu số Thượng viện Mitch McConnell cũng đã khẳng định lại cam kết của đảng Cộng hòa đối với nỗ lực chiến tranh của Ukraine.

Về phần mình, cựu Tổng thống Donald Trump khẳng định rằng cuộc xung đột mà ông tin rằng sẽ không bao giờ xảy ra nếu ông còn đương nhiệm, phải kết thúc càng sớm càng tốt và Tổng thống Mỹ phải gặp gỡ cả hai bên cũng như nhanh chóng thúc đẩy một thỏa thuận.

Ông Trump cũng tuyên bố rằng mặc dù chống lại Nga ở Ukraine không phải là lợi ích chiến lược sống còn của Mỹ, nhưng nó lại quan trọng đối với châu Âu. “Đó là lý do tại sao châu Âu nên trả nhiều tiền hơn chúng ta, hoặc ngang bằng,” cựu Tổng thống nhấn mạnh.

Thượng nghị sĩ Marco Rubio đã lên tiếng bác bỏ những quan điểm của ông DeSantis về cuộc chiến ở Ukraine, nhấn mạnh rằng cuộc chiến tranh ở Ukraine không chỉ đơn giản là “tranh chấp lãnh thổ”.

Ông Graham không giống với các đồng nghiệp khác trong Đảng Cộng hòa – những người cùng đồng thanh lên tiếng bày tỏ sự quan ngại về việc Mỹ viết “séc ký khống” cho Ukraine. Thay vào đó, Thượng nghị sĩ Graham thúc đẩy chính quyền Tổng thống Biden cung cấp thậm chí nhiều viện trợ quân sự hơn nữa cho Kiev. Tháng trước, Thượng nghị sĩ Graham còn miêu tả quyết định của Tổng thống Biden trong việc không cung cấp chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine là “vượt xa cả sự thất vọng”.

Ông Graham đã than thở vào thời điểm đó rằng: “Để chính quyền này đưa mọi hệ thống vũ khí mà Ukraine yêu cầu đến chiến trường thật sự là điều cực kỳ khó khăn”.

(Nguồn: Soha)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang