Mỹ: Giải cứu ngân hàng; Trump cảnh báo suy thoái; 2 năm lửa giận của Pence; Rạn nứt quan hệ Ukraine; Kế hoạch AUKUS

Chính phủ Mỹ vội vã "giải cứu" lĩnh vực ngân hàng, vì sao thị trường vẫn thiếu niềm tin, khiến cổ phiếu bị bán tháo?

(Ảnh minh họa).

Những đảm bảo từ Nhà Trắng đã không thể trấn an được các nhà đầu tư, dẫn tới cổ phiếu ngân hàng bị bán mạnh, cá biệt có mã giảm hơn 60% trong phiên giao dịch ngày 13/3.

Loạt câu hỏi đằng sau kế hoạch giải cứu của Chính phủ Mỹ

Ngay trước khi bước vào giờ giao dịch của thị trường chứng khoán Mỹ, Tổng thống Joe Biden đã đăng đàn khẳng định hệ thống ngân hàng của nước Mỹ vẫn an toàn. Chính vì thế, các nhà đầu tư cũng như người dân không cần lo lắng về sự việc xảy ra ở các ngân hàng SVB và Signature Bank.

Tuy nhiên, thị trường vẫn chưa an tâm với những gì ông chủ Nhà Trắng nói. Sự thiếu niềm tin dẫn tới việc cổ phiếu ngân hàng lao dốc, trong đó một mã giảm tới hơn 60%.

Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch 13/3, trong khi S&P 500 chỉ giảm 0,15%, cổ phiếu các ngân hàng tiếp tục bị bán mạnh. Cổ phiếu các nhà băng lớn như JPMorgan Chase và Citigroup mất lần lượt 1,8% và 7,5% trong khi Bank of America sụt 5,8%. Những cái tên bé hơn như PacWest Bancorp và Western Alliance Bancorp sụt giảm lần lượt là 21% và 47%. Riêng First Republic mất tới 61% giá trị.

Phản ứng của thị trường là dẫn chứng cho thấy các nhà đầu tư không tin những biện pháp giải cứu của Chính phủ Mỹ sẽ giải quyết được vấn đề. Khi kế hoạch sáp nhập SVB với một ngân hàng khác vừa không tìm được người mua lại vừa bị phản đối, Tổ chức Bảo hiểm tiền gửi Liên bang (FDIC) đã quyết định dừng xúc tiến việc này.

Thay vào đó, các cơ quan quản lý đưa ra giải pháp cứu trợ. Nhà chức trách Mỹ đảm bảo mọi khoản tiền gửi, bao gồm cả những khoản không có bảo hiểm, cũng sẽ được rút tiền nếu khách hàng có nhu cầu. Nhằm trấn an dư luận, giới chức Mỹ cũng khẳng định họ sẽ không dùng tiền thuế của người dân để bù đắp những khoản lỗ (nếu có) của kế hoạch này. Phí tổn sẽ được thu lại từ các ngân hàng này thông qua một cơ chế đặc biệt.

"Chúng tôi sẽ trích khoản phí mà các ngân hàng trả vào Tổ chức Bảo hiểm Tiền gửi liên bang để bù đắp những phí tổn này", ông Biden nói.

Tuy nhiên, rất nhiều người tỏ ra hoài nghi về điều đó.

Quỹ Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang của Mỹ thường chỉ bảo hiểm cho số tiền lên tới 250.000 USD. Đây là phương thức được áp dụng nhằm bảo vệ các khách hàng nhỏ lẻ hay các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Họ không chấp nhận bảo hiểm cho các khoản tiền lớn bởi hậu quả có thể vượt tầm kiểm soát khi ngân hàng phá sản.

Dẫu vậy, sau khi các nhà đầu tư mạo hiểm (các nhà tài trợ cho đảng Dân chủ) và các chính trị gia ở Thung lũng Silicon lên tiếng, FDIC "quay xe" thông báo rằng họ sẽ chi trả các khoản tiền gửi không được bảo hiểm ở SVB và Signature Bank bởi chúng là "rủi ro hệ thống". Việc chỉ định SVB và Signature Bank là nguy cơ đối với hệ thống tài chính Mỹ cho phép các cơ quan quản lý có những biện pháp linh hoạt hơn nhằm ngăn chặn sự đổ vỡ lây lan rộng.

Điều này giúp các nhà đầu tư và công ty khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon đã được bảo vệ ngay cả khi họ gửi tiền không bảo hiểm. Trớ trêu thay, đây cũng chính là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ các gói kích thích kinh tế mà Chính quyền của ông Biden tung ra trong giai đoạn dịch bệnh.

Trải qua kỷ nguyên tiền rẻ, tiền gửi của nhóm này ở SVB cũng tăng gấp đôi trong giai đoạn 2020-2021. SVB trả lãi lên tới 5,28% cho các khoản tiền gửi lớn và dùng chúng để tài trợ cho các khoản vay của những công ty khởi nghiệp đầy rủi ro.

Và giờ đây, FDIC đang phải đi giải quyết mớ bòng bong này. Các khoản tiền gửi không bảo hiểm thường bị giảm 10 đến 15% khi ngân hàng đổ vỡ. Khoảng 85% đến 90% trong số 173 tỷ USD tiền gửi ở SVB không được bảo hiểm. Cho phép người gửi tiền rút toàn bộ số tiền, ngay cả khi không có bảo hiểm, khiến chi phí bảo lãnh của FDIC có thể lên tới 15 tỷ USD.

Nhà Trắng nói rằng phí tổn này sẽ được lấy từ chính các ngân hàng thông qua một "cơ chế đặc biệt". Và cơ chế đó có nghĩa là mọi khách hàng, dù có ít hơn 250.000 USD tiền gửi, sẽ gián tiếp trả tiền cho FDIC thông qua việc tăng phí. Nói cách khác, đây là lấy của người ít tiền để giúp đỡ những người giàu sụ.

Trong khi đó, ông Biden tuyên bố: "Các nhà đầu tư vào ngân hàng sẽ không được bảo vệ. Họ đã chấp nhận rủi ro và khi rủi ro xảy ra, họ sẽ phải chấp nhận mất tiền. Đó là cách chủ nghĩa tư bản vận hành".

Thông thường là thế. Nhưng cơ chế cho vay khẩn cấp mới của Cục Dự trữ Liên bang sẽ đảm bảo các ngân hàng không phải chịu lỗ khi thanh lý trái phiếu. Ngay cả khi giá trị trái phiếu giảm, chúng cũng sẽ được mua lại với giá ban đầu. Cơ chế thị trường không được áp dụng trong trường hợp này.

Trên thực tế, có rất nhiều ngân hàng đã thực hiện các biện pháp phòng ngừa rủi ro khi lãi suất tăng cao cũng như đa dạng hóa đầu tư. Điều này dẫn tới việc họ phải trải nhiều chi phí hơn để đổi lại sự an toàn. SVB và Signature Bank không làm như vậy nhưng bây giờ, FED lại đang đứng về phía các ngân hàng này khi bảo vệ các khoản thua lỗ của họ.

Lỗi tại ông Trump?

Và như thường lệ, Tổng thống Joe Biden lại đổ lỗi cho chính quyền của ông Donald Trump về tình trạng hỗn loạn trong lĩnh vực ngân hàng hiện nay. Người Dân chủ nói rằng chính quyền tiền nhiệm đã thay đổi một số quy định trong Đạo luật Dodd-Frank năm 2010 – vốn ra đời sau khủng hoảng tài chính 2008. Đạo luật này bao gồm những quy định chặt chẽ để ngăn thảm họa trong lĩnh vực ngân hàng.

Chính xác mà nói, ông Biden đã đề cập tới các quy định mới trong lĩnh vực ngân hàng mà lưỡng đảng đã thông qua năm 2018, trong đó phân loại các tổ chức tài chính theo quy mô tài sản của họ. Tuy nhiên, ngay cả Barney Frank, một trong những người soạn thảo Dodd-Frank, cũng không đồng quan điểm sự thay đổi đó là nguyên nhân của tình trạng hiện nay.

Mục đích của quy định năm 2018 là giảm bớt gánh nặng chi phí khi các ngân hàng nhỏ và vừa phải thực hiện quá nhiều biện pháp kiểm soát rủi ro. Đây cũng là rào cản khiến các ngân hàng vừa kém cạnh tranh hơn so với những gã khổng lồ tài chính – những ngân hàng được hưởng lợi từ sự hỗ trợ ngầm của chính phủ. Đạo luật Dodd-Frank khiến tiền gửi chảy mạnh về các ngân hàng lớn.

Tuy nhiên, ngay cả khi không có sự thay đổi năm 2018, người ta cũng không thể ngăn được sự sụp đổ của SVB và Signature Bank – những ngân hàng mắc sai lầm nghiêm trọng trong quản lý rủi ro. Dù được sửa đổi nhưng luật năm 2018 vẫn buộc các ngân hàng nhỏ và vừa phải định kỳ kiểm soát mức độ thanh khoản cũng như kiểm tra khả năng chống chịu với "các điều kiện bất lợi trên thị trường"và những vấn đề bất thường khác, chẳng hạn như việc tăng sốc lãi suất.

Trong khi đó, quy định năm 2010 yêu cầu các ngân hàng thường phải có một vùng đệm thanh khoản, bao gồm các tài sản có tính thanh khoản cao chẳng hạn như trái phiếu kho bạc và các chứng khoán được đảm bảo bằng thế chấp của các cơ quan chính phủ. Tuy nhiên, chính những tài sản này lại là thứ khiến SVB sụp đổ trong môi trường lãi suất cao. Đây là những tài sản vốn đặc biệt nhạy cảm với sự gia tăng lãi suất nhanh chóng. Và các nhà quản lý đã thất bại trong việc giám sát rủi ro với các tài sản này.

Trải qua phiên giao dịch đầu tiên sau khi khủng hoảng nổ ra, việc bán tháo cổ phiếu ngân hàng cho thấy các nỗ lực từ Chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng như việc bơm thanh khoản của FED đã không giúp ích được nhiều cho thị trường.

Các nhà đầu tư vẫn lo ngại với hoạt động của doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ nói riêng và toàn thị trường nói chung. Họ cảm thấy không yên tâm khi FDIC đang nỗ lực giải cứu 2 ngân hàng, vốn gắn liền hoạt động với đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực công nghệ và tiền số. Họ cũng có thể cảm thấy Nhà Trắng đang hành động với hy vọng xoay chuyển thực tế cùng những mục tiêu chính trị.

Không gì trong số này có thể khôi phục lại sự tự tin của thị trường, điều thực sự cần trong cơn hoảng loạn.

(Nguồn: CafeF)

Ông Trump cảnh báo Đại suy thoái sau vụ sụp đổ ngân hàng SVB

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng vụ sụp đổ ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) do lỗi của chính quyền kế nhiệm và cảnh báo nó có thể khiến nước Mỹ rơi vào một cuộc Đại suy thoái mới.

"Dựa vào những gì đang xảy ra với nền kinh tế của chúng ta và những đề xuất tăng thuế mạnh nhất trong lịch sử nước Mỹ, chúng ta có nguy cơ rơi vào một cuộc đại suy thoái mới, tồi tệ hơn nhiều so với năm 1929. Bằng chứng là các ngân hàng đã bắt đầu phá sản", ông Trump viết trên mạng xã hội Truth Social ngày 13/3. Ông cũng đổ lỗi tình hình hiện nay cho chính quyền của Tổng thống Joe Biden.

Cảnh báo được đưa ra sau khi ngân hàng SVB sụp đổ hôm 10/3, đánh dấu sự sụp đổ lớn thứ hai của một tổ chức tài chính trong lịch sử Mỹ.

Sự việc bắt đầu từ hôm 7/3, khi SVB bất ngờ thông báo đã bán một lượng lớn chứng khoán và dự kiến bán thêm 2,25 tỷ USD cổ phiếu nhằm cân bằng bảng cân đối kế toán. Động thái này ngay lập tức đã khiến nhà đầu tư hoảng loạn, nhiều bên khuyến cáo doanh nghiệp rút đầu tư khỏi SVB, làm cho ngân hàng mất khả năng chi trả.

Chỉ hai ngày sau khi SVB sụp đổ, Signature Bank, một ngân hàng nữa ở Mỹ, cũng tuyên bố đóng cửa. Signature Bank là vụ sụp đổ lớn thứ ba trong lịch sử ngành ngân hàng Mỹ,

Theo giới phân tích, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng mạnh lãi suất trong năm qua là một trong những lý do dẫn đến sự sụp đổ của các ngân hàng này. Khi lãi suất gần mức 0%, các ngân hàng tăng cường tích trữ tài sản dài hạn trong kho bạc, nhưng khi lãi suất bất ngờ tăng mạnh để đối phó với lạm phát, tính thanh khoản của các tài sản này sẽ giảm mạnh, khiến ngân hàng phải chịu khoản lỗ.

Giới chức Mỹ, trong đó có Tổng thống Joe Biden, đã lên tiếng trấn an người dân. Họ khẳng định toàn bộ gửi tiền tại Signature Bank và SVB sẽ được bảo đảm. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Biden khẳng định, đây chỉ là biện pháp bảo vệ người gửi tiền và bình ổn hệ thống tài chính, nhưng không có kế hoạch giải cứu ngân hàng nào.

(Nguồn: Dân Trí)

Hai năm giấu lửa giận của ông Pence

(Ảnh minh họa).

Cựu phó tổng thống Mỹ Mike Pence tức giận với ông Trump vì vụ bạo loạn Đồi Capitol, nhưng đã giữ trong lòng suốt hai năm, chờ bộc lộ lúc thích hợp.

Ngày 8/1/2021, hai ngày sau vụ bạo loạn Đồi Capitol, cựu phó tổng thống Mỹ Mike Pence ngồi cầu nguyện, đọc nhẩm câu Kinh Thánh "nhanh lắng nghe, nhưng chậm cất lời và đừng vội nổi giận".

Ông Pence đã "không vội nổi giận" như lời trong Kinh Thánh. Trên thực tế, ông đã vô cùng tức giận, như những gì ông đã chia sẻ trong hồi ký Xin Chúa phù hộ năm 2022. Tuy nhiên, ông không vội thể hiện lửa giận đó bằng lời nói.

Hơn hai năm sau buổi cầu nguyện, cơn giận dữ của ông Pence mới bộc phát, vào thời điểm mà ông cho là phù hợp nhất. Từ một người được nhận xét là luôn trung thành với cựu tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Pence lần đầu tiên trong hai năm qua thể hiện thái độ rạch ròi với cấp trên cũ.

"Lịch sử sẽ buộc ông Donald Trump phải chịu trách nhiệm về ngày 6/1. Hãy nhớ rằng: Chuyện xảy ra ngày hôm đó là nỗi hổ thẹn. Tổng thống Trump đã sai. Những lời nói liều lĩnh của ông ấy đã gây nguy hiểm cho gia đình tôi cũng như mọi người tại Đồi Capitol ngày hôm đó", ông Pence hôm11/3 nói trước các nhà báo và khách mời tại tiệc tối Gridiron, một sự kiện thường niên dành cho giới cổ cồn trắng ở Washington.

Cựu phó tổng thống Pence từng viết rằng những tuyên bố của ông Trump "đã gây nguy hiểm cho gia đình tôi và tất cả những người làm việc tại Đồi Capitol", nhưng chưa từng chỉ trích thẳng thừng và trực diện như vậy.

Dường như ông Pence và các cố vấn coi tiệc tối Gridiron là cơ hội phù hợp để thể hiện rõ hơn thái độ bất bình của ông với Trump.

Nhóm của ông Pence cũng tin rằng động thái này sẽ giúp ông thu phục được những người hoài nghi nhất trong khán phòng, đó là những người hiểu rõ nội tình ở Washington cũng như các nhà báo chính trị, những người ít chú ý tới ông trong cuộc đua tranh ghế ứng viên của đảng Cộng hòa cho bầu cử tổng thống năm 2024.

Pence từ lâu tin rằng vai trò cựu nghị sĩ và thống đốc bang Indiana có thể giúp ông tự do nói lên sự thật khi không còn bị chức vụ phó tổng thống Mỹ ràng buộc.

"Mike Pence đang ở một vị thế khác, nơi ông ấy được tự do và giải phóng theo cách rất ít chính trị gia có được. Tôi tin con đường phía trước của ông ấy sẽ tốt đẹp", Marc Short, cựu phó chánh văn phòng của Pence và là cố vấn cấp cao của ông, cho biết.

Nguồn tin thân cận với Pence nói rằng ông có nhiều cơ hội để phát triển hơn trong vòng bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa so với các đối thủ như Thống đốc Florida Ron DeSantis.

DeSantis được coi là ngôi sao đang lên của đảng Cộng hòa và có thể là đối thủ tiềm năng của Trump, nhưng ông vẫn là người mới và các cử tri chưa biết nhiều về Thống đốc 44 tuổi này. Trong khi đó, mọi người đều đã biết rõ Pence và sẽ bất ngờ nếu ông thể hiện những nét mới mẻ.

"Họ sẽ ồ lên 'ông ấy không như những gì tôi từng nghĩ. Ông ấy quả là người hài hước, cá tính và hay ho'", nguồn tin này nói.

Những người gần gũi với ông Pence coi chiến dịch tranh cử năm 2008 của cố thượng nghị sĩ John McCain là hình mẫu, khi ông McCain bị các đối thủ lúc đó xem thường, nhưng lại là người cuối cùng đại diện đảng Cộng hòa ra tranh cử.

Họ chỉ ra rằng khi còn là nghị sĩ, ông Pence thường xuyên xuất hiện trên báo đài và tham gia các cuộc trò chuyện bên lề với phóng viên trước khi thể hiện "bài bản" hơn trong vai trò thống đốc và sau này là phó tổng thống Mỹ.

Nhóm của ông Pence được cho là đang cố gắng giúp ông có cách tiếp cận với công chúng tự do hơn, đảm bảo rằng các sự kiện vận động của ông sẽ có những cuộc trò chuyện bên lề và không coi báo chí như kẻ thù. Ông Pence đã nhiều lần nhắc lại điều này tại tiệc tối Gridiron.

"Trong nhiệm kỳ, tôi có thể làm tốt công việc của mình một phần là nhờ các bạn đã làm tốt nhiệm vụ của bản thân. Người Mỹ biết hôm đó xảy ra chuyện gì vì nhờ các bạn không ngừng đưa tin", ông Pence nói với các phóng viên từng đưa tin về vụ Bạo loạn Đồi Capitol.

Tuy nhiên, vẫn có những giới hạn về khả năng cựu phó tổng thống Mỹ đi xa hơn. Trong khi ông kêu gọi làm rõ sự việc xảy ra vào ngày 6/1/2021, ông vẫn chống lại trát đòi ra làm chứng về ngày hôm đó. Những lời chỉ trích ông tung ra nhắm vào cựu tổng thống Trump tại tiệc tối Gridiron rất gay gắt, song không được ghi hình lại để thể hiện rõ hơn thái độ của ông.

Sau khi xuất hiện ở tiệc tối Gridiron, ông Pence sẽ tiếp tục tổ chức các sự kiện ở New Hampshire và Iowa, hai bang đầu tiên tiến hành bỏ phiếu sơ bộ của đảng Cộng hòa. Cựu tổng thống Trump chưa lên tiếng về những tuyên bố của phó tướng cũ.

(Nguồn: Vnexpress)

Mối quan hệ Mỹ-Ukraine 'rạn nứt'

Tờ Politico hồi cuối tuần vừa rồi đưa tin Mỹ và đồng minh Ukraine đang ngày càng bất đồng về kế hoạch của Kiev trong cuộc xung đột với Nga. Các quan chức Washington tin rằng việc Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh rằng Ukraine sẽ quyết định khi nào nên tìm kiếm hòa bình có thể không còn “có giá trị” lâu hơn nữa.

Theo tờ Politico, việc Ukraine từ chối từ bỏ thành phố Artyomovsk (được biết đến với tên gọi Bakhmut) bị bao vây đã khiến một số quan chức chính quyền Tổng thống Biden lo ngại rằng họ đang “tiêu tốn quá nhiều nhân lực và đạn dược” đến mức không thể tổ chức một cuộc phản công chống lại lực lượng Nga ở những nơi khác.

Mặc dù Lầu Năm Góc cho rằng việc chiếm giữ thành phố Bakhmut không quan trọng về mặt chiến lược đối với Ukraine, nhưng "Kiev hiện đã phớt lờ ý kiến ​​của Washington", nguồn tin nêu rõ.

Bất đồng giữa Washington và Kiev về giá trị của thành phố Bakhmut đã được truyền thông Mỹ đưa tin, nhưng đó chỉ là một lĩnh vực bất đồng được Politico nhấn mạnh. Thái độ của Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky đối với sự hỗ trợ quân sự từ Mỹ là một điều khác. Trong khi Mỹ đã cung cấp cho Ukraine số vũ khí trị giá hàng chục tỷ đô la từ quỹ 113 tỷ đô la, Tổng thống Zelensky vẫn nhiều lần yêu cầu nhiều hơn nữa.

“Đã có những lời phàn nàn về những yêu cầu liên tục và đôi khi, ông Zelensky không thể hiện lòng biết ơn thích đáng,” tờ Politico dẫn lời hai quan chức Nhà Trắng giấu tên cho biết.

Tổng thống Biden đã nhiều lần tuyên bố rằng Mỹ sẽ tiếp tục đưa vũ khí của mình vào Ukraine “chừng nào còn cần thiết” và rằng một mình Kiev sẽ quyết định khi nào nên ngồi xuống đàm phán hòa bình với Nga. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ được cho là đang rất lo lắng về lời cam kết chiếm lại bán đảo Crimea của Tổng thống Zelensky. Những quan chức này cho rằng, lời cam kết đó sẽ chỉ khiến “cuộc chiến tranh bị kéo dài” và có thể châm ngòi cho “hành động leo thang nghiêm trọng từ Moscow”.

Thông tin được đăng tải trên tờ Politico không phải là dấu hiệu đầu tiên cho thấy Washington không ủng hộ kế hoạch của Tổng thống Zelensky trong việc giành lại bán đảo Crimea – một bán đảo đã được sáp nhập vào năm 2014 sau một cuộc trưng cầu dân ý với đa số người dân ủng hộ hành động này. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ - Tướng Mark Milley đã cảnh báo vào tháng 1 rằng việc tấn công bán đảo Crimea sẽ “rất, rất khó khăn”, trong khi Lầu Năm Góc được cho là đã nói với Quốc hội Mỹ rằng Ukraine thiếu khả năng tiến hành một chiến dịch như vậy ngay từ đầu.

“Tổng thống Biden tiếp tục nhắc đi nhắc lại tuyên bố của ông này về việc Mỹ sẽ để lại mọi quyết định về chiến tranh và hòa bình cho Tổng thống Zelensky. “Tuy nhiên, khắp Washington đã bắt đầu xì xào bàn tán về việc tuyên bố đó sẽ còn có thể giữ vững đến mức nào khi chiến tranh tiếp diễn”, tờ Politico cho hay.

Bộ máy ra quyết định của Ukraine cũng đã bị các nhân viên tình báo Mỹ nghi ngờ. Các nhân viên tình báo Mỹ đã nói với tờ New York Times vào tuần trước rằng một “nhóm thân Ukraine” đứng đằng sau vụ tấn công vào tháng 9/2022 nhằm vào hệ thống đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy Phương Bắc (Nord Stream). Mặc dù các nhân viên tình báo Mỹ nhấn mạnh rằng chính phủ của Tổng thống Zelensky không liên quan nhưng tờ Politico cho rằng chính quyền của Tổng thống Biden đã phát đi tín hiệu với Kiev rằng “bạo lực bên ngoài đường biên giới Ukraine sẽ không được dung thứ”.

Bài báo của New York Times mâu thuẫn với báo cáo trước đó của nhà báo Seymour Hersh, người đã đổ lỗi các vụ nổ cho chính quyền của Tổng thống Joe Biden và CIA. Moscow miêu tả bài báo của New York Times là một "trò lừa bịp có phối hợp" nhằm chuyển lỗi lầm khỏi Mỹ và chuyển sang cho phía Ukraine.

(Nguồn: Soha)

Nhắm Trung Quốc, Mỹ và đồng minh tiết lộ kế hoạch tàu ngầm hạt nhân cho Úc

(Ảnh minh họa).

Các nhà lãnh đạo của Hoa Kỳ, Úc và Anh ngày 13/3 tiết lộ chi tiết về kế hoạch cung cấp cho Úc các tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân, một bước quan trọng để chống lại tham vọng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Trong một tuyên bố chung, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Thủ tướng Úc Anthony Albanese và Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã tán thành các kế hoạch cho cái gọi là dự án AUKUS, được công bố lần đầu tiên vào năm 2021, tại căn cứ hải quân Hoa Kỳ ở San Diego, California, cảng chính của Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ.

Theo thỏa thuận, Hoa Kỳ dự định bán cho Úc ba tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Virginia vào đầu những năm 2030, với sự chọn lựa mua thêm hai chiếc nữa nếu cần, tuyên bố chung cho biết.

Tuyên bố của các nhà lãnh đạo nói dự án nhiều giai đoạn sẽ đạt đến đỉnh cao với việc Anh và Úc sản xuất và vận hành một lớp tàu ngầm mới SSN-AUKUS, một loại tàu “được phát triển ba bên” dựa trên thiết kế thế hệ tiếp theo của Anh và sẽ được đóng ở Anh và Úc và bao gồm các công nghệ “tiên tiến” của Hoa Kỳ.

“Các tàu ngầm đầu tiên của Vương quốc Anh được chế tạo theo thiết kế này sẽ được chuyển giao vào cuối những năm 2030...và các tàu ngầm Úc đầu tiên sẽ tiếp theo vào đầu những năm 2040” một tuyên bố của Anh cho biết.

Các tàu này sẽ được chế tạo bởi BAE Systems và Rolls-Royce.

Theo thỏa thuận, các tàu ngầm của Mỹ và Anh sẽ được triển khai ở Tây Úc để giúp huấn luyện thủy thủ đoàn Úc và tăng cường khả năng răn đe, quan chức cấp cao của Mỹ cho hay. Tuyên bố chung cho biết Hoa Kỳ và Anh sẽ bắt đầu các hoạt động triển khai luân phiên này ngay sau năm 2027 và một quan chức cấp cao của Hoa Kỳ cho biết trong một vài năm sẽ tăng lên thành 4 tàu ngầm của Hoa Kỳ và 1 của Anh.

Các quan chức cho hay giai đoạn đầu tiên của kế hoạch này đã được tiến hành với tàu Virginia, một tàu ngầm tấn công phi đạn hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân, hiện đang ở thăm Perth, Úc.

Chia sẻ công nghệ sức đẩy hạt nhân

AUKUS sẽ là lần đầu tiên Washington chia sẻ công nghệ sức đẩy hạt nhân kể từ khi làm như vậy với Anh vào những năm 1950.

Trung Quốc đã lên án AUKUS là hành động phổ biến vũ khí hạt nhân bất hợp pháp. Khi triển khai quan hệ đối tác này, Úc cũng khiến Pháp giận giữ khi đột ngột hủy bỏ thỏa thuận mua tàu ngầm thông thường của Pháp.

Nói chuyện với một nhóm nhỏ các phóng viên vào ngày 10/3, ông Sullivan đã bác bỏ những lo ngại của Trung Quốc và chỉ ra việc Bắc Kinh đang xây dựng quân đội, bao gồm cả tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

“Chúng tôi đã liên lạc với họ về AUKUS và tìm kiếm thêm thông tin từ họ về ý định của họ,” ông nói.

Vẫn còn những câu hỏi lớn về kế hoạch này, đặc biệt là về những hạn chế nghiêm ngặt của Hoa Kỳ đối với việc chia sẻ công nghệ rộng rãi cần thiết cho dự án và về việc mất bao lâu để chuyển giao các tàu ngầm, ngay cả khi mối đe dọa do Trung Quốc gây ra ngày càng gia tăng.

Quan chức cấp cao của Hoa Kỳ nói với Reuters rằng “rất có thể” một hoặc hai tàu ngầm lớp Virginia được bán cho Úc sẽ là những tàu đã từng phục vụ trong hải quân Hoa Kỳ, điều này cần có sự chấp thuận của quốc hội.

Quan chức này cho biết Úc đã đồng ý đóng góp quỹ để tăng cường năng lực sản xuất và bảo trì tàu ngầm của Mỹ và Anh.

Ông nói Washington đang xem xét khoản đầu tư hàng chục tỉ đô la vào cơ sở công nghiệp tàu ngầm của mình ngoài 4,6 tỷ đô la đã cam kết cho giai đoạn 2023-2029 và khoản đóng góp của Úc sẽ chiếm dưới 15% tổng số.

Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết AUKUS phản ánh các mối đe dọa ngày càng gia tăng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, không chỉ từ Trung Quốc đối với Đài Loan tự trị và ở Biển Đông đang có tranh chấp, mà còn từ Nga, quốc gia đã tiến hành các cuộc tập trận chung với Trung Quốc và cả Triều Tiên.

Việc làm mới

Ông Albanese cho biết hôm 11/3 rằng Nam Úc và Tây Úc sẽ là những nơi hưởng lợi lớn từ AUKUS. “Đây là về việc làm, bao gồm cả việc làm trong sản xuất,” ông nói.

Anh, quốc gia rời Liên hiệp châu Âu vào năm 2020, cho biết AUKUS sẽ giúp thúc đẩy tốc độ tăng trưởng thấp của nền kinh tế nước này.

Ông Sunak cho biết AUKUS đang “ràng buộc quan hệ với các đồng minh thân cận nhất của chúng tôi và mang lại an ninh, công nghệ mới và lợi thế kinh tế tại quê nhà.”

Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles tuần trước cho biết các tàu ngầm đó sẽ đảm bảo hòa bình và ổn định trên khắp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Đông Nam Á và Ấn Độ Dương.

Ông nói: “Thật khó để bày tỏ mạnh mẽ bước đi mà với tư cách là một quốc gia chúng tôi sắp thực hiện.”

Các nhà phân tích chính trị cho rằng với sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc và các mối đe dọa Trung Quốc thâu tóm Đài Loan bằng vũ lực nếu cần thiết, điều quan trọng là phải thúc đẩy giai đoạn thứ hai của AUKUS, liên quan đến vũ khí siêu thanh và các loại vũ khí khác có thể được triển khai nhanh hơn.

Các quan chức Hoa Kỳ cho biết các thông báo ngày 13/3 sẽ không bao gồm giai đoạn thứ hai này.

“Chúng tôi muốn để lại điều đó cho một ngày khác,” quan chức cấp cao nói.

Các quan chức Anh và Úc trong tháng này cho biết vẫn cần phải làm việc để phá bỏ các rào cản quan liêu đối với việc chia sẻ công nghệ.

(Nguồn: VOA)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang