Mỹ: Nghịch lý kinh tế; Khối ngân hàng nhỏ gặp khó; Tăng kiểm soát súng; Toan tính của Trump; Biden công du châu Á

Nghịch lý kinh tế Mỹ: Người tiêu dùng thắt hầu bao, doanh nghiệp vẫn tăng giá

(Ảnh minh họa).

Các công ty ở Mỹ đang tiếp tục tăng giá nhiều mặt hàng, từ tã giấy trẻ em cho tới túi xách phụ nữ, thậm chí một số doanh nghiệp còn “khoe khoang” với nhà đầu tư rằng đây là một dấu hiệu của sức mạnh thương hiệu...

Có một biểu tượng địa vị mới trong thế giới doanh nghiệp Mỹ: khả năng duy trì việc tăng giá bán sản phẩm và dịch vụ - theo tờ Wall Street Journal.

Các công ty ở Mỹ đang tiếp tục tăng giá nhiều mặt hàng, từ tã giấy trẻ em cho tới túi xách phụ nữ, thậm chí một số doanh nghiệp còn “khoe khoang” với nhà đầu tư rằng đây là một dấu hiệu của sức mạnh thương hiệu. Trong một số trường hợp, mức tăng giá thừa để bù đắp sự gia tăng chi phí nguyên vật liệu thô, giá nhân công và các chi phí khác, từ đó giúp tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp càng đậm hơn.

Việc các doanh nghiệp Mỹ tăng giá bán sản phẩm và dịch vụ diễn ra ngay cả khi lạm phát đang dịu đi và nền kinh tế giảm tốc báo hiệu khả năng người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu. Trong tháng 3, tiêu dùng của các hộ gia đình ở Mỹ tăng so với tháng trước đó, nhưng tốc độ tăng chậm lại - một tín hiệu cho thấy tác động bất lợi của giá cả leo thang đã bắt đầu ngấm vào nền kinh tế.

NGƯỜI TIÊU DÙNG LO LẮNG, DOANH NGHIỆP VẪN TĂNG GIÁ

Theo kết quả một cuộc khảo sát do Đại học Michigan thực hiện công bố mới đây, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng Mỹ giảm 9% trong tháng 5 so với tháng 4, trong bối cảnh những lo ngại mới về sức khoẻ của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

“Bức tranh kinh tế đang ngày càng xấu, và người tiêu dùng trở nên thận trọng hơn”, CEO Joanne Crevoiserat của Tapestry - công ty sở hữu các thương hiệu túi xác và thời trang Coach và Kate Spade nói với các nhà phân tích. Bà dự báo doanh thu của hãng tại thị trường Bắc Mỹ trong quý 2 này giảm 4-6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dù vậy, Tapestry vẫn có duy trì tăng giá. “Chúng tôi sẽ tiếp tục chứng kiến sức mạnh thiết lập giá trong danh mục của mình. Chúng tôi thực sự nhìn thấy cơ hội để tăng giá và tăng tỷ suất lợi nhuận”, bà Crevoiserat phát biểu.

Trong vòng 3 năm qua, giá bình quân mà người tiêu dùng phải trả cho một chiếc túi xách Coach đã tăng khoảng 30% - Tapestry cho hay. Bà Crevoiserat nhấn mạnh rằng một trong những chiếc túi xách được ưa chuộng nhất của thương hiệu Kate Spade hiện nay là mẫu túi hình một chú chó chăn cừu được bán với giá gần 500 USD. Vào năm 2020, một mẫu “hot” tương tự, nhưng có hình một trái dứa, có giá rẻ thấp hơn khoảng 100 USD so với mẫu này.

Giá cổ phiếu Tapestry đã tăng gần 11% trong 2 phiên trở lại đây, sau khi công ty báo cáo doanh thu và lợi nhuận quý 1/2023 vượt dự báo của giới phân tích. Trong vòng 1 năm, cổ phiếu công ty này đã tăng 23%.

CEO Robert Iger của Walt Disney cho biết công ty đã mất một lượng nhỏ thuê bao ở Mỹ và Canada sau khi nâng giá thuê bao của dịch vụ phát nội dung Disney+ không có quản cáo. Dịch vụ này hiện có giá 10,99 USD/tháng so với mức 7,99 USD/tháng trước kia. Theo ông Iger, Walt Disney cho kế hoạch tiếp tục tăng giá trong năm nay “để phản ánh giá trị của những nội dung mà chúng tôi cung cấp”.

Việc tăng giá thậm chí còn dễ dàng hơn đối với các thương hiệu xa xỉ. Trong những năm gần đây, Chanel đã tăng giá bán các mẫu túi xách nắp gập được ưa chuộng của hãng thêm hàng nghìn USD mỗi chiếc.

Richemont, công ty sở hữu những thương hiệu hạng sang như Van Cleef & Arpels và Piaget, hoàn toàn có thể tăng giá thêm, nhưng không làm như vậy vì tôn trọng khác hàng - Chủ tịch công ty, ông Johann Rupert, cho biết. Một ngoại lệ là Cartier - thương hiệu cũng thuộc sở hữu của Richemont - đã tăng giá bán sản phẩm khoảng 5% vào tháng 4 vừa qua. “Nhìn chung, chúng tôi không tăng giá nhiều như các đối thủ”, ông Rupert nói với các nhà phân tích.

Mùa báo cáo tài chính quý 1/2023 ở Phố Wall đã đi được quá nửa, và tỷ suất lợi nhuận ròng của các công ty trong chỉ số S&P 500 đã ghi nhận sự tăng trưởng đầu tiên sau 6 quý giảm liên tiếp. Điều này cho thấy việc tăng giá sản phẩm-dịch vụ đã giúp doanh nghiệp bù đắp sự gia tăng chi phí.

“Các công ty đại chúng muốn chứng tỏ được với nhà đầu tư rằng họ có sức mạnh thương hiệu. Cách dễ nhất để làm được điều đó là thông qua việc tăng giá”, nhà phân tích cấp cao Simeon Siegel của BMO Capital Markets nhận định.

“CẢM XÚC LUÔN LẤN ÁT GIÁ CẢ”

Các nhà điều hành doanh nghiệp đang theo dõi chặt chẽ thị trường việc làm của Mỹ, xem đây như một thước đo về sức khoẻ người tiêu dùng. Các báo cáo gần đây cho thấy thị trường lao động vẫn vững vàng, cho dù nhiều công ty tuyên bố sa thải hàng loạt trong những tháng gần đây. Số liệu mới nhất từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy khu vực phi nông nghiệp của nước này có thêm 253.000 công việc mới trong tháng 4 và tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức thấp nhất kể từ năm 1969.

Dù vậy, đã xuất hiện một số dấu hiệu đáng lo ngại. Nhà mạng AT&T mới đây cho biết việc sa thải và cắt giảm chi phí của doanh nghiệp đang gây suy giảm nhu cầu đối với dịch vụ mạng không dây. Theo đó, nhiều khách hàng quyết định tiếp tục sử dụng điện thoại cũ, thay vì đổi sang điện thoại mới. Hồi tháng 4, đối thủ của AT&T là Verizon báo lợi nhuận quý 1 giảm do số thuê bao giảm.

“Người tiêu dùng đang đối mặt với sức ép, và chúng tôi đang theo dõi doanh số chặt chẽ hơn bao giờ hết để xác định ảnh hưởng của giá đối với nhu cầu và những thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng”, CEO Lance Mitchell của công ty hàng tiêu dùng Reynolds nói với các nhà phân tích.

Chuỗi nhà hàng đồ ăn nhanh McDonald’s cho biết thực khách không bị ảnh hưởng bởi việc tăng giá và lượng khách tại các nhà hàng McDonald’s ở Mỹ đã tăng lên, đưa doanh thu quý 1 tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Hãng nước giải khát Pepsi nâng dự báo tăng trưởng doanh thu cả năm sau khi nhu cầu duy trì ở mức cao dù hãng tăng giá 13% trong quý 1.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn mới đây, CEO Rodney McMullen của công ty bán lẻ Kroger nói rừng ông ngạc nhiên khi có nhiều nhà điều hành doanh nghiệp công khai thảo luận việc tăng giá bán sản phẩm, dịch vụ. Trước đây, “họ thường không quyết liệt đến vậy khi đề cập công khai tới vấn đề này. Họ đang minh bạch hơn so với những gì chúng tôi chứng kiến trước đây”.

Nhà phân tích Siegel chỉ ra sự khác biệt giữa những mặt hàng thiết yếu và không thiết yếu. “Mọi người sẵn sàng chi cho những thứ mà họ cần và sử dụng nhiều, chẳng hạn như một thùng sữa hay dịch vụ truyền hình”, ông nói.

Trong khi đó, các công ty thời trang thường có ít sức mạnh thiết lập giá cả hơn. Điều này đúng trong những tháng gần đây, khi lượng hàng tồn kho lớn đã dẫn tới việc các công ty thời trang phải giảm giá mạnh trong mùa nghỉ lễ cuối năm ngoái. Ông Siegel dự báo việc giảm giá này sẽ tiếp tục.

Nhưng một số thương hiệu như Coach và đối thủ của hãng này là Michael Kors không những tránh việc giảm giá mạnh mà còn tiếp tục tăng giá. Việc tăng giá ở cả hai công ty này đều tính đến lạm phát trong tương lai và là một phần trong kế hoạch lớn hơn nhằm nâng tầm thương hiệu thông qua cải thiện chất lượng và giảm tình trạng dư thừa nguồn cung - một nguyên nhân dẫn tới các chương trình khuyến mãi.

CEO Todd Kahn của Coach nói một vài trong số những mẫu túi nhỏ nhất của thương hiệu này lại là những mẫu đắt nhất, vì đang hợp xu hướng và được người tiêu dùng ưa chuộng. “Cảm xúc luôn lấn át giá cả”, ông nói.

(Nguồn: VnEconomy)

Sau loạt khủng hoảng, khối ngân hàng nhỏ ở Mỹ đối mặt vấn đề lớn

Những biến động trong cổ phiếu ngành ngân hàng tuần qua cho thấy cuộc khủng hoảng ngân hàng Mỹ vẫn chưa khép lại sau thương vụ mua lại First Republic của JPMorgan.

Cổ phiếu của PacWest Bancorp đã giảm 50% sau khi ngân hàng này cho biết họ đang xem xét khả năng “bán mình”. Bên cạnh đó, ngân hàng Western Alliance có trụ sở tại Phoenix cũng đang tìm kiếm sự giúp đỡ, buộc phải tạm dừng giao dịch nhiều lần.

Cổ phiếu của PacWest và Western trước đó đã tăng trở lại lần lượt 82% và 49%, nhưng rồi lại tiếp tục sụt giảm.

“Những người gửi tiền vào các ngân hàng khu vực đã mất niềm tin. Họ đang rút cạn vốn của các ngân hàng và đẩy họ vào tình trạng mất khả năng thanh toán”, nhà báo Charles Gasparino của New York Post nhận định.

Còn theo ông Amit Seru, giáo sư tài chính tại trường Kinh doanh Standord, vụ giải cứu First Republic của ngân hàng lớn nhất nước Mỹ JP Morgain không đủ để xoa dịu những lo lắng về hệ thống ngân hàng.

Quá nhỏ để thành công

Những bất ổn gần đây tập trung vào các ngân hàng kém hơn một vài bậc so với những “gã khổng lồ” ở Phố Wall, vốn là nguồn tài trợ quan trọng cho các doanh nghiệp Mỹ.

Sau cuộc khủng hoảng năm 2008, những “ông lớn” tài chính được giải cứu khỏi bờ vực được cho là “quá lớn để thất bại”, và các nhà hoạch định chính sách cũng như cơ quan quản lý tập trung vào việc đảm bảo các ngân hàng đó hoạt động an toàn hơn. Trong khi đó, điều gì xảy ra nếu một số ngân hàng trở nên “quá nhỏ để phát triển” lại ít ai để tâm đến.

“Nhỏ” ở đây chỉ là là một từ ngữ mang tính tương đối. Tình trạng hỗn loạn gần đây trong ngành ngân hàng Mỹ chủ yếu tập trung vào các ngân hàng có tài sản trị giá từ 10 tỷ USD đến những ngân hàng như ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) và First Republic với khoảng 200 tỷ USD.

Những con số này đủ để liệt những ngân hàng này vào danh sách 20 ngân hàng hàng đầu của Mỹ, nhưng lại không nhằm nhò gì so với những ngân hàng top 4 quốc gia này với khối tài sản hàng nghìn tỷ USD.

Số tiền JPMorgan bỏ ra để mua lại First Republic từ Công ty bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC) cũng không nhằm nhò gì so với khối tài sản trị giá gần 4.000 tỷ USD của ngân hàng lớn nhất nước Mỹ.

Có một số hy vọng rằng bóng tối bao trùm các ngân hàng khu vực có thể tan biến sau khi vấn đề của First Republic được giải quyết. Xét cho cùng, cả First Republic và SVB đều có những vấn đề cụ thể, đáng chú ý nhất là mức tiền gửi không được bảo hiểm cao, khiến khách hàng dễ rút tiền hàng loạt khi họ cảm thấy lo lắng.

Tuy nhiên, các ngân hàng vẫn chưa thể dập tắt mối lo đó cho khách hàng. Chỉ số ngân hàng khu vực KBW đã giảm 30% kể từ đầu năm, và giảm 9,5% kể từ ngày 1 tháng 5, khi JPMorgan bước mua lại First Republic.

Điều này không chỉ khiến các cổ đông của các ngân hàng lo lắng. Các ngân hàng khu vực vốn là nguồn tài chính chủ yếu của các doanh nghiệp nhỏ, do đó, nếu những ngân hàng này suy yếu, những doanh nghiệp nhỏ càng khó vay tiền. Họ có thể sẽ phải chuyển sang các ngân hàng lớn hơn, hoặc buộc các ngân hàng nhỏ phải sáp nhập.

Nhiều người đã “đánh giá thấp ý nghĩa của các ngân hàng này đối với hệ sinh thái tài chính của chúng ta”, cựu Chủ tịch FDIC Jelena McWilliams nhận định.

Khoản lỗ khổng lồ

Ngân hàng First Republic đã tìm ra thị trường ngách là tệp khách hàng cao cấp, trong khi SVB trở thành một tổ chức chuyên cung cấp tài chính cho các công ty khởi nghiệp.

Khi có một khoản tiền, các ngân hàng này thường chọn lối đi an toàn là đầu tư số tiền đó vào trái phiếu chính phủ hoặc cung cấp các khoản thế chấp cho khách hàng có điểm tín dụng cao. Tuy nhiên, các khoản này có thời gian đáo hạn dài hơn, khiến các ngân hàng chịu rủi ro về lãi suất.

Khi thực hiện những biện pháp này, các ngân hàng thường đặt cược rằng lãi suất sẽ không tăng quá nhiều và quá nhanh. Tuy nhiên, SVB và First Republic đã đặt cược sai. Năm 2022, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã xoay trục để chống lạm phát và bắt đầu mạnh tay tăng lãi suất từ mức gần bằng 0%. Đến tháng 5/2023, ngân hàng trung ương Mỹ đã đưa lãi suất cho vay cơ bản lên mức 5%, cao nhất kể từ năm 2007.

Những đợt nâng lãi suất của Fed đã khiến các ngân hàng Mỹ chịu khoản lỗ trên giấy tờ 620 tỉ USD, tính đến cuối năm 2022. Một ngân hàng sẽ không gặp rủi ro nếu có thể giữ chứng khoán thua lỗ cho đến ngày đáo hạn, nhưng nếu khách hàng rút tiền ồ ạt, họ sẽ phải bán lỗ số chứng khoán đó, khiến họ mất khả năng thanh toán.

Những ngân hàng sụp đổ đợt vừa rồi đã phải chịu áp lực khi khách hàng bắt đầu nhận thấy những khoản lỗ mà họ sẽ phải gánh chịu, hoặc quyết định chuyển tiền sang các ngân hàng khác mang về nhiều lợi nhuận hơn khi lãi suất tăng.

Sự việc bắt đầu bằng việc cổ phiếu của một ngân hàng sụt giá, khiến sự ngờ vực bắt đầu tăng lên. Tiền gửi sau đó vẫn sẽ ở mức tương đối ổn định, và mọi chuyện dần lắng xuống nhưng sau đó lại tiếp tục bùng lên lần nữa bởi sự hoang mang chưa được dập tắt.

Trong khi các ngân hàng nhỏ hơn bị mắc kẹt trong sự ngờ vực, các ngân hàng lớn lại có thể tránh được nỗi đau này, một phần là do họ phải chịu các quy tắc và sự giám sát nghiêm ngặt hơn. Ngoài ra, họ cũng thường có nhiều vốn hơn và có nhiều cách để loại bỏ những tài sản lợi suất thấp khỏi bảng cân đối kế toán của họ bằng cách chứng khoán hoá hoặc bán tài sản.

Có một cuộc tranh luận đang diễn ra, đó là liệu cuộc khủng hoảng ngành ngân hàng là kết quả của việc Fed đẩy quá nhanh quá trình tăng lãi suất hay là tác động của chính sách thắt chặt tiền tệ. Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế trưởng toàn cầu của ngân hàng Morgan Stanley Seth Carpenter, khi các ngân hàng gặp căng thẳng, họ có thể đổ vỡ theo những cách không thể đoán trước

(Nguồn: Người Đưa Tin)

Mỹ: Tăng cường kiểm soát súng đạn để bảo vệ mạng sống nhiều người

(Ảnh minh họa).

Tổng thống Mỹ đang sử dụng quyền hành pháp để thúc đẩy các biện pháp kiểm soát súng đạn hiện nay, trong đó có những biện pháp đã được thông qua trong một đạo luật lịch sử hồi tháng 6 năm ngoái.

Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây đã nhấn mạnh các biện pháp mà ông đang triển khai để giảm tình trạng bạo lực súng đạn, đồng thời nhắc lại yêu cầu rằng quốc hội cần "làm nhiều hơn nữa" để bảo vệ mạng sống của nhiều người.

Người đứng đầu Nhà Trắng đưa ra tuyên bố trên vào ngày 14/5, đúng một năm sau ngày xảy ra vụ xả súng hàng loạt có động cơ phân biệt chủng tộc tại cửa hàng tạp hóa ở thành phố Buffalo thuộc bang New York, khiến 10 người Mỹ da màu thiệt mạng.

Trong bài viết đăng trên tờ USA Today, Tổng thống Biden đã kêu gọi người Mỹ "nắm bắt động lực" hiện có và thúc đẩy quốc hội hành động.

Ông Biden đồng thời cho biết đang sử dụng quyền hành pháp để thúc đẩy hoặc củng cố các biện pháp kiểm soát súng đạn hiện nay, trong đó có những biện pháp đã được thông qua trong một đạo luật lịch sử hồi tháng 6 năm ngoái.

Ông nhấn mạnh: "Tôi đang làm mọi thứ có thể để giảm tình trạng bạo lực súng đạn, nhưng quốc hội cần phải làm nhiều hơn nữa."

Ông Biden kêu gọi Quốc hội Mỹ cấm các loại vũ khí tấn công và băng đạn dung lượng lớn, yêu cầu chủ sở hữu súng cất giữ vũ khí an toàn, yêu cầu kiểm tra lý lịch người sở hữu súng và chấm dứt quyền miễn trừ đối với các nhà sản xuất súng.

Tuy nhiên, giới quan sát nhận định một lệnh cấm vũ khí tấn công cấp liên bang được cho là rất khó có thể được thông qua tại Quốc hội Mỹ đang bị chia rẽ hiện nay.

Trong một tài liệu đi kèm, Nhà Trắng cũng đã nêu ra một số sáng kiến của chính quyền Tổng thống Biden nhằm giảm bảo lực súng đạn, trong đó có việc tăng cường kiểm tra lý lịch người mua súng, đặc biệt là những người dưới 21 tuổi; bổ sung tình trạng mối quan hệ trong các vụ bạo lực gia đình để súng đạn không rơi vào tay những kẻ bạo hành; nâng cao nhận thức về an toàn trường học; và đẩy mạnh việc truy tố những kẻ buôn bán vũ khí cho những đối tượng bị cấm mua súng.

Vụ xả súng tại Buffalo xảy ra ngày 14/5/2022. Payton Gendron, một thanh niên da trắng 18 tuổi tự coi mình là người "da trắng thượng đẳng," đã xả súng vào những người có mặt tại một cửa hàng tạp hóa trong khu dân cư chủ yếu là người da màu sinh sống.

Sau vụ việc này, nhiều vụ xả súng hàng loạt khác cũng đã xảy ra, trong đó có vụ nổ súng tại trường học xảy ra chỉ 10 ngày sau đó tại thành phố Uvalde thuộc bang Texas, khiến 19 học sinh và 2 giáo viên thiệt mạng.

Theo thống kê của tổ chức phi chính phủ Gun Violence Archive, từ đầu năm 2023 đến nay, tại Mỹ đã xảy ra hơn 215 vụ xả súng hàng loạt

(Nguồn: VietnamPlus)

Toan tính của ông Trump nếu tái cử

Có mặt trên CNN, ông Trump nêu rõ quan điểm về các vấn đề như Ukraine, kinh tế và pháp quyền. Đây là dấu hiệu cho thấy ông sẽ tạo ra sự đối lập với các giá trị của Mỹ nếu tái cử.

Trong vòng chưa đầy một giờ, cựu Tổng thống Donald Trump nói Mỹ nên vỡ nợ, gieo rắc nghi ngờ về cam kết của Washington trong vấn đề Ukraine, để ngỏ khả năng ân xá cho hầu hết tội phạm bạo loạn Điện Capitol, và từ chối chấp nhận kết quả cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.

Tầm nhìn trong nhiệm kỳ thứ 2 của ông Trump đã được phác thảo trong sự kiện do CNN tổ chức hôm 10/5, thể hiện sự khác biệt rõ rệt với các giá trị của Mỹ vốn là nền tảng quốc gia suốt nhiều thập niên qua: Uy tín tín dụng, uy tín với các đồng minh quốc tế và tuân thủ quy tắc pháp quyền.

Những phát ngôn của ông Trump gần như không gây ngạc nhiên. Tuy nhiên, những gì cựu tổng thống nói cũng báo hiệu ông muốn thay đổi chính phủ theo cách ông muốn ở mức độ lớn hơn, theo New York Times.

Lo ngại về "sự trở lại của hỗn loạn"

Sự kiện của CNN cho thấy phiên bản ông Trump tái cử năm 2024 có khả năng sẽ giống phiên bản năm 2020. Trong năm cuối nhiệm kỳ, cựu tổng thống loại bỏ những người ông coi là không trung thành, thăng chức cho những ai hoàn toàn thỏa mãn yêu cầu của ông.

“Theo quan điểm của tôi, ông Donald Trump đã thay đổi trong 4 năm cầm quyền. Tôi nghĩ năm 2020 là phiên bản gần với con người thật của ông ấy”, Mark T. Esper - cựu Bộ trưởng Quốc phòng - cho biết. “Tôi cho rằng đó sẽ là điểm khởi đầu nếu ông ấy đắc cử năm 2024”.

Tại sự kiện của CNN, ông Trump gần như ung dung đưa ra những ý tưởng tái định hình vị thế quốc gia của Mỹ trên thế giới, cam kết chấm dứt chiến sự Ukraine trong “24 giờ” và từ chối hỗ trợ nước này.

Thượng nghị sĩ Chris Coons - đảng viên đảng Dân chủ - cho biết cộng đồng quốc tế phần nào lo ngại về sự trở lại của ông Trump.

“Những gì ông ấy nói hôm đó chỉ củng cố điều mà rất nhiều đồng minh và các đối tác của chúng ta lo ngại trong 2 năm qua: Việc ông Trump trở lại Nhà Trắng sẽ kéo theo sự trở lại của hỗn loạn”, ông nói.

Một số quan chức đảng Cộng hòa - những người hoài nghi về viện trợ của Mỹ cho Ukraine - đã ngợi ca màn trình diễn của ông Trump. Thượng nghị sĩ J.D. Vance gọi câu trả lời về Ukraine của ông Trump như “một chính khách thực thụ”.

Về vấn đề bạo loạn Điện Capitol, ông Trump nói nếu tái cử, ông “rất có thể” sẽ ân xá cho “phần lớn” người ủng hộ, những cá nhân đã bị kết án vì hành động của họ hôm 6/1/2021.

Thượng nghị sĩ Mitt Romney - một trong những người thuộc đảng Cộng hòa chỉ trích ông Trump mạnh mẽ nhất - nói: “Ý tưởng những người đã bị kết án đều sẽ được ân xá, hoặc phần lớn được ân xá, đối lập hoàn toàn với các nguyên tắc của Hiến pháp và của đảng chúng ta”.

Ông Trump cũng chấp nhận khả năng Mỹ vỡ nợ trong lúc Tổng thống Joe Biden và các thành viên đảng Cộng hòa ở Quốc hội đang tranh luận về trần nợ. Các nhà kinh tế học cho rằng việc Mỹ vỡ nợ có thể dẫn tới thảm họa cho nền kinh tế toàn cầu.

Cựu Thống đốc Arkansas Asa Hutchinson - ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa - cho biết khả năng ông Trump trở lại Nhà Trắng đặt ra rủi ro “rất lớn” cho Mỹ.

“Ông ấy thiếu tôn trọng các thể chế quan trọng trong nền dân chủ của chúng ta”, ông Hutchinson nói. “Ông ấy nói như thể việc Mỹ vỡ nợ là hoàn toàn bình thường. Ông ấy như đã áp đặt kinh nghiệm kinh doanh trong quá khứ, sử dụng phá sản như một công cụ và áp dụng điều đó vào chính phủ”.

Vẫn là đối thủ đáng gờm

Bất chấp những lời cảnh báo từ “bậc lão làng” trong đảng Cộng hòa, tiếng hò reo của đám đông ở New Hampshire trong sự kiện của CNN là lời nhắc nhở rõ ràng về việc ông Trump vẫn có lợi thế trong các cuộc thăm dò sơ bộ của đảng.

Karl Rove - cựu Phó chánh Văn phòng Nhà Trắng - cho rằng “với nhóm người thực sự tin tưởng và ủng hộ ông”, ông Trump có màn thể hiện xuất sắc. Tuy nhiên, đảng Cộng hòa giờ bị buộc phải giải đáp về “đống vật liệu độc hại ngay trước cửa nhà họ”.

“Các đảng viên Cộng hòa khác có tin những kẻ bạo loạn đã tấn công cảnh sát, đột nhập vào Điện Capitol, thậm chí tìm cách lật đổ chính phủ, nên được ân xá hay không? Họ có đồng ý việc chính phủ Mỹ vỡ nợ không thành vấn đề?”, ông nói.

Một trong những chính sách gây tranh cãi nhất trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump là chia rẽ gia đình người nhập cư bất hợp pháp tại biên giới. Trước áp lực lớn, ông đã đảo ngược chính sách này hồi tháng 6/2018.

Tuy nhiên, hôm 10/5, ông gợi ý sẽ hồi sinh quy định này. “Nếu một gia đình biết họ sẽ phải ly tán, họ yêu gia đình mình, thì họ sẽ không đến”, vị chính trị gia nói.

Ông Trump cho biết sẽ chấp nhận kết quả cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 nếu sự kiện này được tổ chức một cách công bằng.

Cựu Hạ nghị sĩ Liz Cheney - người từng bị đánh bại trong bầu cử sơ bộ thành ứng viên chính thức của đảng Cộng hòa sau khi dẫn đầu cuộc điều tra của Hạ viện về ngày 6/1/2021 - nói: “Hầu như mọi điều ông Donald Trump nói đều củng cố luận điểm trong vụ kiện chống lại ông ấy”.

“Donald Trump một lần nữa tuyên bố rõ ý định cản trở thủ tục kiểm phiếu đại cử tri chính thức của Quốc hội nhằm lật ngược kết quả bầu cử năm 2020”, bà Cheney - người coi việc ngăn ông Trump trở lại nắm quyền là ưu tiên chính trị hàng đầu kể từ thất bại năm ngoái - nói. “Ông ấy nói những gì xảy ra vào ngày 6/1 là chính đáng, và ca ngợi những người đã tấn công Điện Capitol”.

Tại sự kiện, ông Trump cũng chỉ trích cựu Phó tổng thống Mike Pence vì ủng hộ kết quả bầu cử năm 2020 và bác bỏ ý kiến cho rằng ông Pence đã gặp nguy hiểm vào ngày 6/1/2021.

Marc Short - người đi cùng ông Pence ngày hôm đó với tư cách là chánh văn phòng - đã chỉ trích tiêu chuẩn kép của ông Trump trong việc bảo vệ hành động bạo lực của những người ủng hộ, trong khi tuyên bố ủng hộ luật pháp và trật tự.

(Nguồn: Zing News)

Tổng thống Biden làm gì trong chuyến đi 8 ngày tới châu Á - Thái Bình Dương?

(Ảnh minh họa).

Tổng thống Mỹ Joe Biden có chương trình nghị sự đầy tham vọng khi ông bắt đầu chuyến công du kéo dài 8 ngày tới châu Á - Thái Bình Dương vào tuần này.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đang tìm cách thắt chặt quan hệ với các đồng minh lâu năm của Washington. Ông sẽ trở thành tổng thống đương nhiệm đầu tiên của Mỹ đến thăm quốc đảo nhỏ bé Papua New Guinea và nêu bật cam kết của chính quyền ông đối với Thái Bình Dương. Chuyến công du châu Á - Thái Bình Dương cũng là dịp để ông Biden chứng minh đủ sức khoẻ và năng lực tiếp quản Nhà Trắng thêm nhiệm kỳ nữa.

Tuy nhiên, trước chuyên đi, ông Biden dường như vẫn bế tắc, chưa đạt được thoả thuận với các nhà lập pháp đảng Cộng hòa về việc nâng trần nợ của Mỹ. Nếu vấn đề này không được giải quyết trong những tuần tới, điều đó có nguy cơ gây ra suy thoái kinh tế.

Ông Biden đến thăm những đâu?

Đầu tiên, ông Biden đến Hiroshima, Nhật Bản, để tham dự hội nghị thượng đỉnh G7. Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida năm nay là người chủ trì cuộc họp thường niên của các nhà lãnh đạo từ 7 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ông chọn quê hương mình là Hiroshima - nơi Mỹ thả quả bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới vào năm 1945, để tổ chức hội nghị thượng đỉnh G7.

Việc lựa chọn Hiroshima để tổ chức hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra trong bối cảnh Nga nhiều lần lên tiếng đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Ukraine, Triều Tiên đẩy mạnh các vụ thử tên lửa đạn đạo, trong khi Iran đẩy mạnh chương trình vũ khí hạt nhân.

Sau đó, ông Biden sẽ có một chặng dừng chân ngắn và mang tính lịch sử ở Papua New Guinea. Ông đã tìm cách cải thiện quan hệ với các quốc đảo Thái Bình Dương trong bối cảnh Mỹ ngày càng lo ngại về ảnh hưởng kinh tế và quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Chặng dừng chân cuối trong chuyến công du của ông Biden sẽ ở Australia. Tại đây, ông sẽ dự hội nghị thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo "Bộ tứ" - QUAD, gồm Thủ tướng Australia Anthony Albanese, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida.

Quan hệ đối tác QUAD được hình thành năm 2004. Kể từ khi nhậm chức, ông Biden đã cố gắng khôi phục lại QUAD như một phần trong nỗ lực của Mỹ, tập trung nhiều hơn vào chiến lược đối với khu vực Thái Bình Dương.

Những vấn đề nổi cộm?

Xung đột Nga - Ukraine và các hành động khiêu khích của Trung Quốc ở Biển Đông và eo biển Đài Loan dự kiến sẽ là tâm điểm trong suốt chuyến công du châu Á - Thái Bình Dương của Tổng thống Joe Biden.

Tại cuộc họp các bộ trưởng G7 vào tháng trước, G7 đã cam kết thành lập một mặt trận thống nhất chống lại các mối đe dọa của Trung Quốc đối với Đài Loan và hành động gây hấn của Nga ở Ukraine. Thông cáo cuộc họp ngoại trưởng G7 cho hay, G7 sẽ hướng tới việc “ tăng cường các biện pháp trừng phạt” đối với Nga.

Mối quan hệ Mỹ - Trung cũng trở nên căng thẳng sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Đài Loan vào tháng 8 năm ngoái. Và ngày càng căng thẳng hơn sau khi Washington bắn hạ khinh khí cầu do thám Trung Quốc đi vào lãnh thổ Mỹ hồi tháng 2.

Mỹ có phải là 'đối tác tin cậy'?

Khả năng chính phủ Mỹ vỡ nợ gây khó khăn cho chuyến công du của Tổng thống Joe Biden. Đây là lần đầu tiên ông Biden ra nước ngoài kể từ khi công bố chiến dịch tranh cử năm 2024.

Kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống, ông Biden đã nhiều lần nhấn mạnh với các nhà lãnh đạo thế giới rằng “ Mỹ đã trở lại”. Đó là một cách ngắn gọn để đảm bảo với các đồng minh về việc Washington đang quay trở lại vai trò lịch sử với tư cách là nhà lãnh đạo trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, ông Biden cũng thừa nhận nhiều lãnh đạo thế giới hoài nghi về những cam kết của Mỹ đối với các vấn đề quốc tế. Giới chức chính quyền Mỹ cũng cho rằng nguy cơ khủng hoảng giới hạn nợ là dấu hiệu đáng lo ngại, taọ áp lực đối với chuyến công du của ông Biden.

“Khủng hoảng nợ của Mỹ sẽ gửi một thông điệp khủng khiếp tới các quốc gia. Nga và Trung Quốc sẽ nói rằng 'hãy xem Mỹ không phải là một đối tác đáng tin cậy. Mỹ không phải là một nhà lãnh đạo ổn định đối với hòa bình và an ninh trên toàn thế giới'”, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho biết.

Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ cho biết, “ rủi ro đáng kể” là chính phủ liên bang có thể cạn kiệt tiền mặt trong hai tuần đầu tiên của tháng 6 trừ khi Quốc hội đồng ý tăng mức vay lên 31,4 nghìn tỷ USD.

Vì sao ông Biden thăm Papua New Guinea?

Với chặng dừng chân ngắn ở Papua New Guinea để gặp gỡ lãnh đạo các quốc đảo ở Thái Bình Dương, ông Biden có cơ hội chứng minh Mỹ nghiêm túc trong việc duy trì cam kết lâu dài ở Thái Bình Dương.

Khu vực này nhận được ít sự chú ý hơn từ Mỹ sau hậu quả của Chiến tranh Lạnh, trong khi Trung Quốc ngày càng lấp đầy khoảng trống thông qua tăng viện trợ, phát triển và hợp tác an ninh. Ông Biden nhiều lần nói rằng sẽ thay đổi vai trò của Mỹ ở khu vực này.

Tháng 9 năm ngoái, ông Biden tiếp đón các nhà lãnh đạo từ hơn 10 quốc đảo Thái Bình Dương tại Nhà Trắng, công bố một chiến lược mới giúp hỗ trợ khu vực về biến đổi khí hậu và an ninh hàng hải. Chính quyền Biden gần đây cũng mở các đại sứ quán ở quần đảo Solomon và Tonga, và có kế hoạch mở đại sứ quán ở Kiribati.

Ông Biden sẽ là Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đến thăm đảo quốc có khoảng 9 triệu dân này. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thăm tới Papua New Guinea vào năm 2018.

Ngoài ra, ông Biden có nhiều thời gian với thủ tướng Ấn Độ trong những tuần tới. Ông Modi nằm trong số 8 nhà lãnh đạo của các quốc gia không thuộc G7 được Thủ tướng Kishida mời tham dự cuộc họp G7 ở Hiroshima. Lãnh đạo Ấn Độ cũng sẽ tham gia cuộc họp của Tổng thống Biden với các lãnh đạo các quốc đảo Thái Bình Dương ở Papua New Guinea.

Sau hội nghị G7, lãnh đạo Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản sẽ lên đường đến Australia để tham dự cuộc họp của QUAD ở Sydney. Theo kế hoạch, Tổng thống Biden cũng sẽ đón tiếp Thủ tướng Modi trong chuyến thăm cấp nhà nước vào ngày 22/6.

(Nguồn: CafeF)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang