Mỹ: Kịch bản khủng hoảng; Kiện các hãng ôtô HQ; Cơn sốt săn vàng; Trump mất cơ hội tại Iowa, khiến EU thấp thỏm

Mỹ nguy cơ vỡ nợ và kịch bản khủng hoảng kinh tế toàn cầu

(Ảnh minh họa).

Theo giới chuyên gia, nếu Mỹ vỡ nợ công sẽ khiến kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng, nhưng khả năng này là rất khó xảy ra.

Nợ công vượt ngưỡng và nguy cơ Mỹ vỡ nợ

Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây đã cho biết khả năng vỡ nợ có thể xảy ra trong trường hợp đàm phán nâng trần nợ công Hoa Kỳ thất bại, khi đó nền kinh tế đất nước sẽ bị tàn phá.

Nhà Trắng yêu cầu nâng trần nợ công mà không kèm theo điều kiện nào; tuy nhiên, Hạ viện, mà Đảng Cộng hòa chiếm ưu thế, kiên quyết đòi hỏi cắt giảm đáng kể chi tiêu ngân sách.

Mới đây, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cảnh báo rằng, việc Quốc hội không có khả năng thông qua quyết định về việc nâng trần nợ công có thể gây ra khủng hoảng hiến pháp và dẫn đến vỡ nợ vào tháng 6 tới.

Trong khi nguy cơ vỡ nợ đang hiển hiện trước mắt, Tổng thống Biden thậm chí không loại trừ rằng nếu tình hình không được giải quyết, ông có thể từ chối tham gia Hội nghị thượng đỉnh G7 tại thành phố Hiroshima.

Tuy nhiên, sau cuộc gặp với lãnh đạo Quốc hội Mỹ bao gồm Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Mitch McConnell để thảo luận về các cách thoát khỏi tình huống này, ông Joe Biden đã nói rằng ông có thể tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 trong tuần tới.

Về phía Hoa Kỳ, báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ và Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ mới đây đã nói về hậu quả của việc Mỹ chính thức chạm giới hạn nợ công 31,4 nghìn tỷ USD.

Theo dự đoán của Văn phòng Ngân sách Quốc hội, nếu nền kinh tế Mỹ đối mặt với tình trạng vỡ nợ ngắn hạn, số lượng việc làm sẽ giảm 200-500 nghìn, GDP sẽ giảm 0,3% ~ 0,6% và tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng 0,1% ~ 0,3%. Đây không phải là một thảm họa.

Tuy nhiên, trong trường hợp Mỹ vỡ nợ hoàn toàn, số lượng việc làm có thể giảm 8,3 triệu, GDP sẽ giảm 6,1%, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng 5% và thị trường chứng khoán sẽ giảm 45%. Và tất cả những điều này sẽ vô hiệu hóa những thành công từ đầu nhiệm kỳ của chính quyền Biden.

Tuy nhiên, việc chính phủ Mỹ vỡ nợ không chỉ gây ra hệ lụy lớn đối với nền kinh tế nước này, mà còn có khả năng dẫn đến một cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới mới.

Những hệ lụy với kinh tế toàn cầu

Theo bà Natalia Milchakova, nhà phân tích hàng đầu tại công ty Freedom Finance Global, nếu một vụ vỡ nợ xảy ra, bất kể thời gian của nó là bao lâu, thì vụ này sẽ gây ra sự sụt giá của đồng dollar Mỹ và dẫn đến sự bất ổn kinh tế toàn cầu.

Nếu sự kiện như vậy xảy ra, thì việc Mỹ vỡ nợ sẽ ảnh hưởng mạnh nhất đến các nước nắm giữ nhiều nhất trái phiếu chính phủ Mỹ, gồm Nhật Bản, Anh, Bỉ và Trung Quốc.

Vào cuối năm 2022, Nhật Bản là chủ nợ lớn nhất của Mỹ nắm giữ 1,8 nghìn tỷ USD trái phiếu Mỹ, tức là 3,7% tổng nợ công của Mỹ. Còn Trung Quốc đang giảm dần lượng trái phiếu kho bạc Mỹ chắc là vì trái phiếu Mỹ được coi là loại tài sản ngày càng rủi ro hơn.

Bà Milchakova chỉ ra, trong 10 năm qua, nợ công của Hoa Kỳ đã tăng trung bình 6% mỗi năm. Và một ngày nào đó quá trình này phải dừng lại, bởi vì chi tiêu của chính phủ Mỹ ngày càng tăng đòi hỏi phải vay mượn ngày càng nhiều.

Mặt khác, nếu Hoa Kỳ không ngừng tăng chi tiêu và theo đó các khoản nợ cũng tăng lên, họ sẽ phải đối mặt với ít nhất một cuộc vỡ nợ kỹ thuật - không có khả năng thanh toán đúng hạn các khoản nợ.

Bà Natalya Milchakova cho biết, một tiền lệ như vậy đã diễn ra vào năm 1979, nhưng vụ vỡ nợ đó là do lỗi kỹ thuật và chỉ kéo dài ít ngày nên ít tác động đến nền kinh tế Mỹ và không ảnh hưởng gì đến nền kinh tế toàn cầu.

Vỡ nợ kỹ thuật được giải quyết nhanh chóng, khiến dòng tiền từ trái phiếu rủi ro của chính phủ Hoa Kỳ và các quốc gia khác sẽ chảy vào đồng dollar Mỹ, nhưng nếu Hoa Kỳ từ chối trả nợ, thì đồng USD sẽ gặp vấn đề và có thể sụp đổ.

Việc Mỹ mất khả năng thanh toán trước hết sẽ dẫn đến sự mất lòng tin vào đồng USD và gây hoang mang trên các sàn giao dịch chứng khoán trước nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu. Giá trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ sẽ sụp đổ và trên khắp thế giới sẽ có làn sóng tháo chạy khỏi các tài sản rủi ro.

Vấn đề thứ hai là kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái kéo dài, ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế các đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ là Trung Quốc và Nhật Bản. Kết quả là tăng trưởng của các nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ giảm mạnh và bắt đầu suy thoái kinh tế toàn cầu.

Sẽ có những nhượng bộ, khả năng Mỹ vỡ nợ là rất khó

Theo Tiến sĩ kinh tế Vladimir Vasilyev, trưởng nhóm nghiên cứu tại Học viện Hoa Kỳ và Canada thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, nhận xét trong cuộc phỏng vấn với Sputnik, Hoa Kỳ đang tiến gần đến cuộc khủng hoảng nếu không thể đạt được một thỏa thuận nâng trần nợ công.

Theo ông, Tổng thống Mỹ Joe Biden rất thận trọng cho biết rằng, ông có thể sử dụng Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp Hoa Kỳ, theo đó chính quyền tổng thống hoàn toàn nắm quyền kiểm soát hệ thống tài chính nợ công mà không cần sự tham gia của Quốc hội.

Thực tế là trong suốt lịch sử Hoa Kỳ, Tu chính án này chưa từng được sử dụng. Việc sử dụng Tu chính án này có nghĩa là tất cả các nghĩa vụ của chính phủ liên bang sẽ được thực hiện: Thanh toán, thu thuế, bán chứng khoán…

Tuy nhiên, với việc sử dụng Tu chính án này, tình hình sẽ chuyển từ tài chính sang lĩnh vực chính trị và pháp lý với những hậu quả khó lường, thậm chí có thể dẫn đến việc xét xử và luận tội Tổng thống. Do đó, ông Biden sẽ chỉ sử dụng đến nó khi đã ở “bước đường cùng”.

Chuyên gia Vladimir Vasilyev nhận định, Tổng thống Joe Biden sẽ cố gắng hết sức để tìm được một giải pháp cho phép nâng trần nợ công, tránh viễn cảnh nước Mỹ vỡ nợ.

Theo ông Vladimir Vasilyev, khoản nợ của chính phủ Hoa Kỳ không hẳn là khoản nợ thông thường. Hoa Kỳ không vay tiền mà bán trái phiếu, đây là một trong những công cụ đáng tin cậy nhất để bảo vệ tiền của mình.

Tất cả những quốc gia có tiền nhàn rỗi như Trung Quốc, Nhật Bản, các nước sản xuất dầu mỏ, các ngân hàng và cá nhân đều mua trái phiếu kho bạc Mỹ. Tiền lãi ở khoản đầu tư này nhỏ, nhưng độ tin cậy cao.

Theo kinh nghiệm của ông Vasilyev, thỏa thuận nâng trần nợ có thể đạt được. Đã nhiều lần chính phủ Mỹ tiến đến ngưỡng vỡ nợ nhưng điều này chưa bao giờ xảy ra, bởi dù kình địch nhau đến đâu thì giới tinh hoa chính trị ở Washington đều hiểu rằng, sẽ không ai được lợi nếu điều này xảy ra.

Do đó, chuyên gia Vladimir Vasilyev khẳng định rằng, khả năng Mỹ vỡ nợ công là rất thấp và xác suất “gần như bằng không”. Sẽ có những nhượng bộ nhất định giữa chính quyền của ông Joe Biden và nghị viện, trần nợ công Hoa Kỳ nhất định sẽ được nâng.

(Nguồn: Soha)

Lý do thành phố Mỹ kiện các hãng ôtô Hàn Quốc

Thành phố Baltimore của Mỹ đã khởi kiện Hyundai và Kia, với cáo buộc hai nhà sản xuất ôtô Hàn Quốc này khiến các sản phẩm của họ quá dễ bị đánh cắp.

Trong phát biểu thông báo về vụ kiện tuần này, Thị trưởng Baltimore Brandon Scott cho rằng, Hyundai và Kia đã không trang bị cho các sản phẩm của họ “công nghệ cố định phương tiện tiêu chuẩn của ngành công nghiệp xe hơi”, khiến các chủ xe dễ trở thành nạn nhân của bọn tội phạm.

“Tỉ lệ trộm cắp xe Hyundai và Kia tăng lên đáng kể ở Baltimore đã đòi hỏi các nguồn lực của thành phố và cảnh sát, điều lẽ ra không cần thiết nếu không có sai lầm cố ý của hai nhà sản xuất này. Những tên trộm xe hơi, nhiều đối tượng trong số đó là thanh thiếu niên, đã lợi dụng các sai sót ấy và có hành vi lái xe liều lĩnh, tạo ra những rủi ro đáng kể về an toàn cho chính họ cũng như cư dân thành phố cùng tài sản”, trích đơn kiện của Baltimore.

Theo đài RT, các thành phố khác của Mỹ gồm Cleveland, Milwaukee, San Diego, Columbus và Seattle đã có các hành động pháp lý tương tự trong những tháng gần đây. Các nhà chức trách địa phương đều đổ lỗi tình trạng tăng trộm cắp ôtô cho hai hãng xe Hàn Quốc.

Năm trong số 6 thành phố trên, trừ San Diego, đều đang nằm dưới sự lãnh đạo của các chính khách Dân chủ. Tất cả đều bị cắt giảm ngân sách hoặc nhân sự ở các sở cảnh sát trong thành phố sau làn sóng biểu tình đòi công bằng cho cái chết của công dân da màu George Floyd trong tay lực lượng chấp pháp năm 2020.

Thống kê cho thấy, chỉ tính riêng ở Baltimore, các vụ trộm xe hơi đã tăng 95% trong năm nay, với 41% trường hợp liên quan đến xe hơi Hyundai và Kia. Thị trưởng Scott cũng lên án việc gia tăng đáng kể các video trên TikTok có nội dung chỉ dạy cách trộm những phương tiện một cách dễ dàng chỉ bằng các công cụ như tuốc-nơ-vít hoặc cáp sạc USB.

Tập đoàn Hyundai, vốn cũng sở hữu thương hiệu Kia, mới đây thông báo đã cung cấp các bản cập nhật phần mềm miễn phí cho một số mẫu xe bị đánh cắp nhiều nhất và chuyển giao hơn 40.000 khóa vô lăng cho các cơ quan thực thi pháp luật trên khắp Mỹ để phân phát cho các chủ phương tiện.

(Nguồn: Vietnamnet)

Cơn sốt săn vàng sau mưa lớn bất thường ở California, Mỹ

(Ảnh minh họa).

"Khi có nước chảy thì vàng cũng chảy ra theo" - đây là câu nói của một hướng dẫn viên ở một khu mỏ vàng tại bang California, Mỹ.

Đó là vì mùa đông vừa qua đã xuất hiện lượng mưa lớn bất thường, nước chảy xối xả và ở đáy các dòng sông - suối đã lộ ra các hạt vàng. Bang California lại được mùa săn vàng, gợi nhớ đến cơn sốt săn vàng ở bang này hồi giữa thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20.

Trang bị bảo hộ, dụng cụ trong tay, thợ đào vàng không chuyên Albert Fausel dò dẫm dưới dòng nước sau những cơn mưa lớn ở miền bắc bang California. Chưa đầy 10 phút, anh Fausel đã đào lên từ dưới đáy sông 1 hạt vàng. Còn khi đổ đất cát xúc dưới đáy sông vào khay nhựa, lắc một hồi thì những hạt vàng lấp lánh đã hiện lên.

Hai thập kỷ hạn hán và một mùa đông mưa gần như kỷ lục đã giúp làm lộ ra thứ vật chất khiến nhiều người phát sốt. Khó có nơi nào lũ lụt lại được mang ơn như ở đây.

Anh Albert Fausel - Thợ săn vàng không chuyên nói: "Tôi mới chỉ đào một lỗ dưới đáy mà đã tìm được từng này vàng, vậy thì nếu mà đào sâu thêm xuống nữa thì có khi còn nhiều vàng hơn. Chắc tôi sẽ kiếm được 50 USD sau 5 phút đào bới, có lúc may thì còn tìm được nhiều hơn, nhưng cũng có lúc lại ít hơn. Chẳng biết được".

Ông Barron Brandon - Nhà địa chất học cho biết: "Người ta nói là ở California mới chỉ có khoảng 80% vàng được tìm thấy, nhưng cũng có nguồn nói là ít hơn. Nên nếu tính toán hết các khả năng thì có lẽ chỉ mới 15% được tìm thấy".

Thành phố Placerville có nguồn thu phụ thuộc chủ yếu vào du lịch, nhờ quá khứ vàng son thời cơn sốt săn vàng thế kỷ 19, nhưng nay làn sóng người đổ về đây tìm vàng dường như đang khiến thành phố lên cơn sốt mới.

Ông Pat Layne - Hướng dẫn viên, Công viên Gold Bug Park & Mine, California: "Hồi những năm 1800, vàng được tìm thấy là vàng trồi lên sau hết đợt lụt này đến đợt lụt khác trong hàng triệu năm. Một lượng vàng lớn đã nằm dưới các dòng sông suối này".

Nhưng lần này, lượng vàng lộ ra chỉ sau một mùa đông mưa lớn, nên quy mô của cuộc săn vàng cũng ngắn hạn như những kỳ vọng của những tay thợ đào vàng không chuyên".

(Nguồn: CafeF)

Ông Trump mất cơ hội tỏa sáng tại Iowa

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã mất đi cơ hội cạnh tranh trực tiếp với đối thủ chính là Thống đốc Ron DeSantis tại bang Iowa vào cuối tuần này do điều kiện thời tiết cực đoan.

Theo Politico, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã buộc phải hủy bỏ các sự kiện vận động tranh cử ở bang Iowa vào hôm 13/5 do tình trạng mưa lớn và lốc xoáy tại khu vực này.

Trước đó, các nhà phân tích nhận định Iowa sẽ là bang chiến địa giúp thử phản ứng của công chúng đối với 2 ứng viên chính của đảng Cộng hòa là Thống đốc bang Florida Ron DeSantis và cựu Tổng thống Trump. Cả 2 vị chính trị gia đều có kế hoạch tổ chức các buổi vận động tranh cử tại khu vực trên hôm 13/5.

Trước khi quyết định hủy bỏ sự kiện ở bang Iowa, ông Trump đã khoe trên mạng xã hội rằng đài Fox News có kế hoạch phát trực tiếp toàn bộ buổi vận động bầu cử của vị cựu tổng thống này.

Tại thành phố Des Moines của bang Iowa, đám đông những người ủng hộ của cựu Tổng thống Trump đã xếp hàng từ sớm bên ngoài địa điểm tổ chức buổi vận động của ông.

Họ vẫn kiên nhẫn chờ đợi phía sau những hàng rào bằng sắt ngay cả khi trời đổ cơn mưa nặng hạt. Nhiều phóng viên có mặt tại sự kiện cho biết quần áo của họ "ướt sũng nước" sau trận mưa trên.

"Thật là cơn ác mộng ướt át và đầy bùn đất", bà Kelly Koch, chủ tịch đảng Cộng hòa tại hạt Dallas, người có mặt tại sự kiện được tổ chức ở công viên Water Works từ 11h (giờ địa phương) cho biết.

Bà khẳng định đội ngũ của ông Trump đã có quyết định "sáng suốt" khi hủy bỏ sự kiện ở thành phố Des Moines do nơi này nằm ở vùng trũng, dễ bị ảnh hưởng bởi các trận mưa lớn.

"Những người ủng hộ đều nói rằng khi cựu Tổng thống Trump quay lại bang của chúng tôi, sự kiện của ông ấy sẽ lớn hơn và hay hơn nữa", bà Koch khẳng định.

(Nguồn: Zing News)

Ông Trump khiến châu Âu thấp thỏm về Ukraine

(Ảnh minh họa).

Việc ông Trump không cam kết viện trợ Ukraine nếu đắc cử tổng thống khiến châu Âu không khỏi lo ngại cho số phận Kiev nếu kịch bản này xảy ra.

Donald Trump trong cuộc phỏng vấn hôm 10/5 với CNN cho biết nếu giữ chức tổng thống Mỹ, ông sẽ gặp lãnh đạo Nga và Ukraine để yêu cầu họ ngừng giao tranh, chấm dứt xung đột trong 24 giờ.

Tuy nhiên điều gây chú ý là việc khi được hỏi về viện trợ cho Ukraine, Trump đã không cam kết tiếp tục chính sách này nếu đắc cử năm 2024. "Chúng ta đang cho đi rất nhiều vũ khí, để rồi ngay lúc này, Mỹ không có đủ đạn cho chính mình. Chúng ta đã cho đi quá nhiều", ông nói.

Trump còn cho rằng Mỹ đã viện trợ Ukriane quá nhiều, do đó châu Âu nên "chi thêm tiền". Tuyên bố này của Trump làm nhiều người nhớ lại lời đe dọa rút Mỹ khỏi NATO nếu các nước châu Âu không chi nhiều hơn cho quốc phòng mà ông đưa ra khi còn giữ chức tổng thống Mỹ.

Châu Âu đã từng rất bất an với những tuyên bố quyết liệt của Trump khi ông làm tổng thống, dù hành động của ông đôi lúc không đi đôi với lời nói.

Đến nay, nỗi lo lắng đó tiếp tục trỗi dậy, khi Mỹ sắp bước vào bầu cử tổng thống và Trump, ứng viên hàng đầu của đảng Cộng hòa, cho thấy ông vẫn không thay đổi quan điểm với châu Âu. Câu hỏi lập tức được đặt ra là số phận Ukraine sẽ ra sao nếu giao tranh kéo dài qua năm 2024 và ông Trump trở lại lãnh đạo Nhà Trắng.

Kể từ khi Nga phát động chiến dịch ở Ukraine hồi tháng hai năm ngoái, Mỹ đã lãnh đạo các đồng minh phương Tây cung cấp viện trợ quân sự và kinh tế cho Ukraine cũng như áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm gây áp lực tối đa lên Moskva.

Mỹ đến nay đã cung cấp cho Ukraine khoản viện trợ quân sự trị giá 36,9 tỷ USD, cao hơn nhiều so với các quốc gia phương Tây khác.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 10/5 tìm cách trấn an những lo ngại rằng đảng Cộng hòa và Dân chủ của Mỹ đang ngày càng chia rẽ về cuộc xung đột.

"Ai biết được chúng ta sẽ ở đâu vào thời điểm diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Mỹ", ông Zelensky nói với BBC. "Tôi tin rằng Ukraine sẽ giành chiến thắng vào lúc đó".

Một số quan chức châu Âu cho rằng khu vực cần phải làm nhiều hơn nữa để hỗ trợ Ukraine, nhằm đập tan những chỉ trích từ Mỹ rằng họ không chịu chia sẻ gánh nặng và phụ thuộc quá nhiều vào Washington để đảm bảo an ninh của chính mình.

"Tôi không phải người hâm mộ tổng thống Trump, nhưng tôi nghĩ ông ấy đã đúng một điều, châu Âu không chia sẻ gánh nặng với Mỹ", Josep Borrell, quan chức phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), ngày 11/5 nói.

Lo ngại của châu Âu về nguy cơ Mỹ thay đổi chính sách với Ukraine không ngừng tăng lên kể từ cuộc bầu cử giữa kỳ năm ngoái, khi nghị sĩ Cộng hòa Kevin McCarthy, tuyên bố quốc hội sẽ không còn duyệt những "tấm séc trắng" cho Kiev nữa.

Tuy nhiên, sau khi được bầu làm Chủ tịch Hạ viện, ông McCarthy gần đây nói rằng ông ủng hộ việc tiếp tục hỗ trợ Kiev. Nhiều thành viên cấp cao của đảng Cộng hòa, trong đó có lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Mitch McConnell, vẫn cam kết tiếp tục hỗ trợ vũ khí và tài trợ cho Ukraine.

Hôm 11/5, một số đảng viên Cộng hòa đã kêu gọi các đồng minh ở châu Âu không nên quá coi trọng bình luận của Trump. Họ thừa nhận điều này là đáng lo ngại, song lưu ý rằng còn quá sớm để khẳng định Trump sẽ trở thành ứng viên đại diện đảng tranh cử vào Nhà Trắng.

"Tôi hiểu rằng chúng ta không thể phớt lờ ông ấy, nhưng chúng ta cũng không thể trao quyền lực cho ông ấy quá sớm", một thành viên đảng Cộng hòa tại quốc hội nói.

Những người phản đối viện trợ Ukraine trong quốc hội Mỹ hiện vẫn là thiểu số. Một lá thư gửi vào tháng trước cho Tổng thống Joe Biden phàn nàn về việc viện trợ "quá nhiều" cho Ukraine chỉ nhận được 19 chữ ký từ các thành viên đảng Cộng hòa, trong đó có ba thượng nghị sĩ.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa bang North Carolina Thom Tillis nhấn mạnh "cam kết cơ bản của quốc hội Mỹ với Ukraine vẫn rất mạnh mẽ".

Tổng thống Biden đã nhiều lần khẳng định mục tiêu của ông là hỗ trợ Ukraine đối đầu với Nga càng lâu càng tốt, nhằm đưa Kiev vào vị thế mạnh nhất có thể để sẵn sàng cho các cuộc đàm phán hòa bình với Moskva.

Ukraine đang chuẩn bị cho một chiến dịch phản công lớn nhằm giành lại các phần lãnh thổ quan trọng mà Nga đang kiểm soát. Năm ngoái, quân đội nước này đã đạt được một số thành công, nhưng sau đó, với việc lực lượng cả hai bên đều suy kiệt vì tổn thất nặng nề, tiền tuyến ở miền đông và nam Ukraine những tháng gần đây không có nhiều thay đổi.

Những hoài nghi về tương lai nguồn viện trợ từ Mỹ khiến giới chức châu Âu càng chắc chắn hơn với quan điểm rằng những tháng tới sẽ là cơ hội tốt nhất để Kiev phát động chiến dịch phản công.

Đến nay, Nga vẫn chưa thể hiện bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy họ muốn chấm dứt chiến dịch. Một số người cho rằng ông Trump chính là một trong những động lực khiến Tổng thống Putin quyết định tiếp tục cuộc chiến.

Ông Trump "có thể chiến thắng cuộc bầu cử Mỹ vào năm sau và đây dường như là điều Tổng thống Putin mong chờ", Tobias Ellwood, chủ tịch ủy ban quốc phòng của quốc hội Anh, nhận định.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace hôm 11/5 cho biết nước này có mối quan hệ tốt với Tổng thống Biden và người Mỹ "nói đi đôi với làm" trong hỗ trợ Ukraine. Đây được cho là một nỗ lực của ông nhằm trấn an những lo ngại rằng Mỹ sẽ thay đổi quan điểm với xung đột Ukraine nếu ông Trump đắc cử.

"Tôi biết chắc những người Mỹ tử tế và tốt bụng sẽ nhận ra rằng quyền của họ cũng quan trọng như quyền của người Ukraine", Bộ trưởng Wallace nói. "Tôi tin tưởng rằng bất cứ ai làm tổng thống Mỹ tiếp theo cũng sẽ duy trì nỗ lực bảo vệ những quyền này".

(Nguồn: Vnexpress)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang