Mỹ: Lời cảnh báo 'bom tấn'; Kịch bản vỡ nợ; Đối thủ lớn của Trump; Cuộc chiến công nghệ leo thang; Thất bại mới ở Trung Đông

Lời cảnh báo 'bom tấn' từ tổng y sĩ Mỹ

(Ảnh minh họa).

Tiến sĩ Vivek Murthy cảnh báo mạng xã hội có “nguy cơ gây hại sâu sắc” tới sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên, đồng thời kêu gọi thiết lập giới hạn và tiêu chuẩn khắt khe hơn.

Trong báo cáo tư vấn dài 19 trang, tiến sĩ Vivek Murthy - Tổng y sĩ Mỹ - công khai đưa ra cảnh báo bất thường về rủi ro của mạng xã hội đối với người trẻ.

Ông lưu ý tác động của mạng xã hội với sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên vẫn chưa được nhận thức đầy đủ.

Mạng xã hội có thể có lợi cho một số người dùng, song “nhiều dấu hiệu chỉ ra rằng (các nền tảng này) cũng có nguy cơ gây tổn hại sâu sắc đến sức khỏe tâm thần của trẻ em và thanh thiếu niên”.

Báo cáo khuyến nghị các gia đình nên quy định thời gian họp mặt không thiết bị điện tử để hỗ trợ con xây dựng quan hệ xã hội và tăng cường giao tiếp, đồng thời đề xuất xây dựng một “kế hoạch truyền thông gia đình” nhằm giới hạn nội dung và đảm bảo thông tin cá nhân ở chế độ riêng tư.

Tiến sĩ Murthy cũng khuyến nghị các công ty công nghệ giới hạn độ tuổi tối thiểu và tạo cài đặt mặc định cho trẻ em với tiêu chuẩn bảo mật và an toàn cao.

Bên cạnh đó, ông kêu gọi chính phủ tạo ra các tiêu chuẩn an toàn và sức khỏe phù hợp với lứa tuổi cho các nền tảng công nghệ, theo New York Times.

Mối lo ngại âm ỉ

Trong cuộc phỏng vấn ngày 22/5, tiến sĩ Murthy cho biết thanh thiếu niên có nhiều khác biệt so với người trưởng thành. “Chúng đang ở một giai đoạn phát triển khác và trong một giai đoạn phát triển trí não quan trọng”, ông nói.

Báo cáo của tiến sĩ Murthy làm dấy lên những lo ngại âm ỉ từ lâu về mạng xã hội khi các nhà lập pháp tiểu bang và liên bang đang vật lộn với việc giới hạn sử dụng những ứng dụng này.

Gần đây, thống đốc Montana đã ký dự luật cấm TikTok tại bang này, khiến nhiều người dùng trẻ phản đối và chỉ trích đây là “một cú đá vào mặt”.

Vào tháng 3, Utah cũng trở thành tiểu bang đầu tiên cấm các dịch vụ truyền thông xã hội cho phép người dùng dưới 18 tuổi lập tài khoản mà không có sự đồng ý rõ ràng của cha mẹ hoặc người giám hộ. Luật này có thể hạn chế đáng kể quyền truy cập của người trẻ vào các ứng dụng như Instagram và Facebook.

Trong khi đó, kết quả khảo sát từ Pew Research chỉ ra rằng có tới 95% thanh thiếu niên sử dụng ít nhất một nền tảng mạng xã hội, trong khi hơn 1/3 sử dụng mạng xã hội “gần như liên tục”.

Khi việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội tăng lên, chứng lo âu và trầm cảm ở thanh thiếu niên, cùng với số trường hợp nhập viện vì tự làm hại bản thân và có ý định tự tử, cũng gia tăng.

Trong những năm gần đây, nhiều nghiên cứu đã tập trung vào mối liên hệ tiềm tàng giữa thói quen sử dụng mạng xã hội và tình trạng cảm xúc tiêu cực tăng cao ở thanh thiếu niên, song chưa thể đưa ra kết quả nhất quán.

Rõ ràng mạng xã hội có thể mang lại cả tác động tích cực và tiêu cực đến sức khỏe người trẻ. Về mặt tích cực, mạng xã hội có thể giúp nhiều người trẻ tạo diễn đàn kết nối, tìm kiếm cộng đồng và thể hiện bản thân.

Tuy nhiên, việc sử dụng những nền tảng này quá nhiều dần thay thế các hoạt động quan trọng giúp phát triển bộ não như ngủ và tập thể dục.

Tiến sĩ Murthy cũng chỉ ra rằng các nền tảng mạng xã hội tràn ngập “nội dung cực đoan, không phù hợp và có hại”, bao gồm cả nội dung “có thể bình thường hóa” hành vi tự làm hại bản thân, rối loạn ăn uống và các hành vi tự hủy hoại bản thân khác.

Hơn nữa, không gian truyền thông xã hội có thể gây khó khăn cho những người trẻ.

“Ở tuổi vị thành niên sớm (10-15 tuổi), khi cá tính và ý thức về giá trị bản thân đang hình thành, sự phát triển não bộ đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi áp lực xã hội, ý kiến và sự so sánh với những người đồng trang lứa”, báo cáo viết.

Gánh nặng lớn

Tiến sĩ Murthy lưu ý rằng các công ty công nghệ có quyền lợi nhất định trong việc khiến người dùng duy trì hoạt động trên nền tảng, do đó họ sử dụng các chiến thuật lôi kéo mọi người tham gia vào các hành vi như chất gây nghiện.

“Con cái của chúng ta đã vô tình trở thành những người tham gia một cuộc thử nghiệm kéo dài hàng thập kỷ”, báo cáo cho biết.

Bình luận về báo cáo của tiến sĩ Murthy, người phát ngôn của Meta - chủ sở hữu Instagram và Facebook - khẳng định các đề xuất này “hợp lý và phần lớn đã được Meta triển khai”, chẳng hạn biện pháp tự động đặt tài khoản của những người dưới 16 tuổi ở chế độ riêng tư trên Instagram và hạn chế các loại nội dung mà thanh thiếu niên có thể tiếp cận.

TikTok không trả lời ngay lập tức các yêu cầu bình luận.

Báo cáo không đưa ra hướng dẫn về việc sử dụng mạng xã hội lành mạnh cũng như không lên án nền tảng này với tất cả người trẻ, song nó kết luận: “Chúng tôi chưa có đủ bằng chứng để xác định xem mạng xã hội có đủ an toàn cho trẻ em và thanh thiếu niên hay không”.

Song các báo cáo tương tự trước đây từng giúp thay đổi cuộc tranh luận ở cấp độ quốc gia về nhiều vấn đề, chẳng hạn thói quen hút thuốc vào những năm 1960, HIV/AIDS vào những năm 1980 hay tình trạng béo phì vào đầu những năm 2000.

Tiến sĩ Murthy cũng từng tuyên bố bạo lực súng đạn là một bệnh dịch, đồng thời chỉ trích điều mà ông gọi là “cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng về sự cô đơn, cô lập và thiếu kết nối ở (Mỹ)”.

Trong cuộc phỏng vấn hôm 22/5, tiến sĩ Murthy thừa nhận sự thiếu rõ ràng trong quản lý mạng xã hội là gánh nặng lớn mà người dùng và gia đình phải gánh chịu.

“Đó là một gánh nặng rất lớn khi đòi hỏi các bậc cha mẹ hiểu một công nghệ mới đang phát triển nhanh chóng và thay đổi căn bản cách trẻ em nhận thức về bản thân. Vì vậy, chúng ta cần đặt ra các tiêu chuẩn an toàn mà họ có thể dựa vào”, ông nói.

(Nguồn: Zing News)

Nhà Trắng cảnh báo kịch bản tồi tệ nếu nước Mỹ vỡ nợ: Thị trường chứng khoán có thể sụt giảm 45%, suy thoái sâu sẽ ập đến ngay trong quý 3/2023

Hạn chót để giải quyết trần nợ của Mỹ đang ngày một đến gần.

Hội đồng Cố vấn Kinh tế (CEA) của Nhà Trắng đầu tháng 5 đã cảnh báo rằng nếu Mỹ vỡ nợ, thị trường chứng khoán sẽ bị sụt giảm 45% và kéo theo một cuộc suy thoái sâu giống như cuộc Đại Khủng hoàng Tài chính năm 2008.

Hạn chót đầu tháng 6 để các nhà lập pháp nâng trần nợ đang đến rất gần. Nếu không đạt được thoả thuận về trần nợ, Bộ Tài chính sẽ không thể thanh toán cho các khoản phúc lợi, trợ cấp và trả tiền cho những người nắm giữ trái phiếu Mỹ.

Nguy cơ vỡ nợ vào giữa tháng 6 khiến lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 1 tháng tăng từ mức 3,31% của tháng trước vọt lên 5,56%.

CEA của Nhà Trắng cho biết: “Mỹ càng tiến gần đến trần nợ, chúng tôi càng cho rằng các chỉ số thể hiện mức độ căng thẳng của thị trường sẽ xấu đi, dẫn đến biến động lớn trên thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp. Nó sẽ cản trở các công ty vay vốn và đầu tư - hoạt động cần thiết để mở rộng nền kinh tế”.

Nhưng các thước đo thị trường khác cho thấy nước Mỹ ít có khả năng vỡ nợ. Thước đo mức độ sợ hãi VIX của thị trường chứng khoán đang ở mức thấp. Trong khi đó, JPMorgan cho biết các hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) chỉ ra nguy cơ Mỹ vỡ nợ hiện chỉ khoảng 4%.

Nếu Mỹ vỡ nợ kéo dài, tức tình trạng vỡ nợ không được khắc phục nhanh chóng sau khi xảy ra, Nhà Trắng cảnh báo thị trường chứng khoán có thể lao dốc đến 45%, kéo chỉ số S&P 500 xuống mức 2.250 điểm.

Ngoài ra, CEA cảnh báo hàng triệu người sẽ bị mất việc làm và nền kinh tế sẽ rơi vào một cuộc suy thoái sâu.

Những dự đoán này dựa trên mô phỏng do Nhà Trắng thực hiện. Mục đích là để dự đoán những kịch bản có thể xảy ra nếu Mỹ vỡ nợ lần đầu tiên trong suốt 246 năm lịch sử.

Trong kịch bản phỏng đoán đó của CEA, quý 3 năm 2023 (quý đầu tiên sau khi kịch trần nợ), thị trường chứng khoán sẽ giảm mạnh 45%, kéo theo các khoản hưu trí bị ảnh hưởng. Trong khi đó, niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp bị tác động mạnh, dẫn đến sụt giảm chi tiêu và đầu tư. CEA đoán thêm rằng tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng 5 điểm phần trăm.

Trong trường hợp xấu hơn là vỡ nợ kéo dài, chính phủ sẽ không thể ban hành các biện pháp kích thích tài chính để hỗ trợ nền kinh tế, như những gì họ đã làm trong đại dịch và sau cuộc Đại Khủng hoảng Tài chính năm 2008.

Một phỏng đoán khác của cơ quan xếp hạng tín dụng Moody's cho rằng kịch bản vỡ nợ kéo dài sẽ khiến 8 triệu người mất việc làm.

CEA giải thích thêm rằng nếu không thể chi cho bảo hiểm thất nghiệp, chính phủ liên bang và tiểu bang sẽ gặp khó khăn khi đối phó với tình trạng hỗn loạn này. Họ cũng sẽ không thể hỗ trợ các gia đình khỏi ảnh hưởng.

Ngoài ra, các hộ gia đình Mỹ sẽ không thể chuyển thành các doanh nghiệp tư nhân để vay tiền, vì lãi suất thẻ tín dụng và các khoản vay cá nhân sẽ tăng vọt.

(Nguồn: CafeF)

Đối thủ lớn của ông Trump bước ra ánh sáng

(Ảnh minh họa).

Thống đốc bang Florida Ron DeSantis dự kiến khởi động chiến dịch tranh cử vị trí ứng viên tổng của đảng Cộng hòa trong hôm 24-5 bằng buổi xuất hiện trực tuyến trên Twitter.

Theo NBC News, buổi nói chuyện của ông Ron DeSantis dự kiến diễn ra vào lúc 18 giờ tối 24-5 theo giờ miền Đông nước Mỹ (6 giờ sáng 25-5 giờ Việt Nam), trong đó ông sẽ xuất hiện cùng người sở hữu Twitter Elon Musk.

Phát biểu trong một chương trình do Wall Street Journal tổ chức, tỉ phú Elon Musk cho biết mặc dù ông không ủng hộ bất kỳ ứng viên cụ thể nào vào thời điểm này, nhưng ông thích việc Twitter được sử dụng như một phần của "quảng trường công cộng", nơi nhiều người và nhiều tổ chức đưa ra thông báo.

Sau khi hội tụ một nhóm nhà tài trợ được công bố rộng rãi ở Miami, ông DeSantis dự kiến phát hành một video thông báo về cuộc tranh cử vào cùng ngày.

Fox News đưa tin Thống đốc bang Florida cũng sẽ được phỏng vấn bởi người dẫn chương trình Trey Gowdy, cựu nghị sĩ đảng Cộng hòa, vào lúc 20 giờ tối 24-5 (giờ miền Đông nước Mỹ).

Theo NBC News, ông DeSantis sẽ thăm các bang bỏ phiếu sớm vào tuần tới, cũng như công bố nhiều chương trình trong khuôn khổ chiến dịch tranh cử.

Ông DeSantis được coi là đối thủ hàng đầu của cựu Tổng thống Donald Trump , cạnh tranh chiếc ghế ứng cử viên của đảng Cộng hòa trong đường đua vào Nhà Trắng năm 2024.

New York ấn định ngày hầu tòa tiếp theo của ông Trump

Theo Reuters, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump có khả năng phải hầu tòa liên tục liên quan đến vụ án hình sự gần đây ngay giữa lúc chiến dịch tranh cử năm 2024 bắt đầu sôi nổi. Hôm 23-5, thẩm phán Juan Merchan của tòa án quận Manhattan (New York - Mỹ) đã công bố ngày diễn ra phiên điều trần tiếp theo đối với ông Trump là ngày 25-3-2024.

Trong phiên điều trần trước đó - vụ án mà trong đó ông Trump bị buộc tội hình sự vì làm giả hồ sơ kinh doanh để che giấu khoản tiền "giữ im lặng" cho một ngôi sao phim người lớn - ông Trump đã không nhận tội với cả 34 tội danh bị cáo buộc.

Ông Trump đã viết trên mạng xã hội Truth Social của mình: "Họ ấn định ngày xét xử là 25-3, ngay giữa mùa tranh cử. Nhu vậy là can thiệp bầu cử".

(Nguồn: Soha)

Cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung leo thang

Cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung đang có những leo thang mới và có thể sẽ không sớm kết thúc.

Bắc Kinh vừa cấm nhà sản xuất chip Micron Technology có trụ sở tại Boise, Idaho, Mỹ bán vi mạch cho các công ty nội địa của nước này, làm leo thang thêm căng thẳng giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Mặc dù Trung Quốc đã không đưa ra chi tiết về những rủi ro mà họ cho rằng các sản phẩm của Micron gây ra cho an ninh quốc gia của họ. Tuy nhiên, một tuyên bố của Cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) cho biết việc xem xét các sản phẩm của Micron theo Luật An ninh mạng đã phát hiện ra “các rủi ro an ninh mạng nghiêm trọng, gây rủi ro bảo mật đáng kể cho chuỗi cung ứng cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng của Trung Quốc, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của Trung Quốc”.

Điều này có nghĩa là các nhà điều hành cơ sở hạ tầng công nghệ quan trọng ở Trung Quốc sẽ ngừng mua sản phẩm từ nhà sản xuất chip nhớ nước Mỹ. Trong vài giờ sau thông báo, cổ phiếu của Micron đã giảm, công ty là nhà sản xuất chip lớn thứ 13 thế giới, với giá trị vốn hóa thị trường là 74,6 tỷ USD.

Ba ngày trước thông báo của Bắc Kinh, Micron, như thể đoán trước được lệnh cấm, họ cho biết sẽ đầu tư khoảng 3,6 tỷ USD vào Nhật Bản để sản xuất chip thế hệ tiếp theo. Động thái này cho thấy sự nhạy bén của Micron trong việc duy trì chuỗi cung ứng trên thị trường châu Á.

Micron cung cấp chip nhớ cho nhà máy sản xuất iPhone của Apple tại Trung Quốc.

Trên thực tế, động thái này của Bắc Kinh diễn ra chỉ sáu tháng sau khi chính phủ Mỹ cấm phê duyệt thiết bị từ Huawei và ZTE của Trung Quốc, nói rằng họ gây ra “rủi ro không thể chấp nhận được” đối với an ninh quốc gia của nước Mỹ.

Các công ty Trung Quốc khác bị cấm vận chuyển sản phẩm của họ sang Mỹ bao gồm nhà sản xuất thiết bị giám sát Dahua, công ty giám sát video Hikvision và công ty viễn thông Hytera Communications.

Washington từ lâu đã khẳng định rằng các công ty công nghệ Trung Quốc đã theo dõi người Mỹ. Vào tháng 2, Nhà Trắng được cho là đã xem xét lệnh cấm đầu tư của nước này vào các công nghệ cao cấp của Trung Quốc như trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử, 5G và chất bán dẫn tiên tiến.

Không rõ khi nào quy định nói trên có hiệu lực, nhưng tháng 9 năm ngoái, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã cấm các công ty công nghệ Mỹ do liên bang tài trợ xây dựng các cơ sở tiên tiến ở Trung Quốc trong vòng một thập kỷ. Nước này có kế hoạch trị giá 53 tỷ USD để sản xuất chất bán dẫn tại địa phương.

Một nghiên cứu do Barclays công bố vào tháng 11 năm ngoái cho biết, Trung Quốc có thể mất 0,6% GDP vì những căng thẳng này và chứng kiến giá trị đồng tiền của nước này giảm 3% so với đồng đô la Mỹ. Huawei trước đó cho biết họ ghi nhận khoản lỗ 30 tỷ USD hàng năm trong hoạt động kinh doanh điện thoại thông minh do lệnh trừng phạt của Mỹ.

Trong khi đó ở Mỹ, cuộc đối đầu đang gây ra thiệt hại kinh tế, ảnh hưởng xấu đến các công ty công nghệ dựa vào vi mạch để đổi mới và cải tiến sản phẩm.

(Nguồn: Diễn Đàn Doanh Nghiệp)

Thất bại mới của Mỹ ở Trung Đông

(Ảnh minh họa).

Chính sách Syria của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bị giáng một đòn mạnh nhất khi Liên đoàn Arập hoan nghênh sự trở lại của Tổng thống Syria Bashar al-Assad bất chấp sự phản đối của Washington.

Ông Assad đã tham dự hội nghị thường niên ở Saudi Arabia lần đầu tiên kể từ khi cuộc nội chiến ở Syria nổ ra vào năm 2011. Theo tạp chí Newsweek (Mỹ), sự trở lại này mang theo thông điệp rằng Mỹ nên chấm dứt sự hiện diện quân sự và các biện pháp trừng phạt nhằm vào nước này.

Trong thời gian gần đây, một loạt sự kiện ở Trung Đông đã diễn ra liên quan đến Syria. Ngày 18/4, Ngoại trưởng Saudi Arabia Faisal bin Farhan Al Saud đã gặp ông Assad và Liên đoàn Arập tuyên bố sự trở lại của Syria vào ngày 7/5. Ba ngày sau, Vua Salman của Saudi Arabia đã mời nhà lãnh đạo Syria tham dự hội nghị thượng đỉnh khu vực sắp tới tại Jeddah.

Damascus coi việc khôi phục quan hệ ngoại giao trên là một chiến thắng cho Syria và các quốc gia khác trong khu vực. “Syria cho rằng các xu hướng và tương tác tích cực đang diễn ra trong khu vực là vì lợi ích của tất cả các quốc gia và góp phần khôi phục an ninh và ổn định cho khu vực”, phái bộ Syria tại Liên hợp quốc (LHQ) cho biết trong một tuyên bố.

“Syria đã tương tác một cách xây dựng, dựa trên niềm tin vào đối thoại, ngoại giao và hành động chung, cũng như mong muốn xây dựng mối quan hệ tốt nhất với các quốc gia khác”, tuyên bố nêu rõ.

Khi nói đến chính sách của Mỹ, tuyên bố nhấn mạnh: "Về mặt quân sự, chính quyền Mỹ phải từ bỏ các chính sách thù địch đối với Syria, bắt đầu rút lực lượng khỏi lãnh thổ Syria và ngừng hỗ trợ các lực lượng phiến quân và khủng bố một cách bất hợp pháp".

Theo phái bộ Syria tại LHQ, cuộc khủng hoảng kinh tế và lạm phát mà người Mỹ đang phải gánh chịu "đòi hỏi họ phải ngừng lãng phí tiền thuế của người dân vào việc thiết lập các căn cứ quân sự bất hợp pháp ở Syria dưới những cái cớ đã được chứng minh là sai lầm, chẳng hạn như bảo vệ an ninh quốc gia của Mỹ ở nơi cách xa hàng nghìn km”.

Đối với vấn đề kinh tế của Syria, phái bộ Syria khẳng định rằng “chính quyền Mỹ cũng nên bắt đầu dỡ bỏ ngay lập tức các biện pháp cưỡng chế, áp đặt đơn phương đối với Syria, vốn là trở ngại lớn nhất đối với việc cải thiện điều kiện sống và nhân đạo, cũng cung cấp các dịch vụ cơ bản như điện, nước và chăm sóc sức khỏe”.

Về phần mình, Washington đã bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với bất kỳ việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt hoặc bình thường hóa quan hệ nào với Syria, trích dẫn một hồ sơ dài về các cáo buộc "vi phạm nhân quyền và sử dụng vũ khí hóa học".

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã phản ứng với những diễn biến gần đây khi nói trong một cuộc họp báo rằng “chúng tôi không tin rằng Syria xứng đáng được gia nhập lại Liên đoàn Arập”.

Đầu tháng này, chỉ hơn một tuần trước khi Syria khôi phục tư cách thành viên Liên đoàn Arập, các nhà ngoại giao hàng đầu của Ai Cập, Iraq, Jordan, Saudi Arabia và Syria đã tổ chức cuộc họp đầu tiên ở Amman, thủ đô của Jordan, kể từ khi cuộc xung đột ở Syria nổ ra, trong đó họ kêu gọi chấm dứt can thiệp ngoại giao và quay trở lại sự kiểm soát của chính phủ trên khắp Syria.

Trong khi đó, Nga và Iran, cả hai đều đã nhiều lần kêu gọi Mỹ rút quân ngay lập tức, cũng đã tăng cường quan hệ đối tác với Syria. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tiếp ông Assad tại Moskva vào tháng 3 năm nay, vài ngày sau thỏa thuận Iran-Saudi Arabia do Trung Quốc làm trung gian, và Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đã thực hiện chuyến đi đầu tiên tới Damascus kể từ khi cuộc nội chiến bắt đầu vào đầu tháng này.

“Cánh cửa của Syria sẽ vẫn mở cho những ai tin tưởng vào đối thoại, luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ", phái bộ Syria tại LHQ kết luận.

(Nguồn: Báo Tin Tức)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang