Mỹ: Bán lẻ chịu ảnh hưởng; 90 triệu người chật vật kiếm tiền; Đàm phán trần nợ công thất bại; Đỉnh điểm cuộc chiến chip

Lạm phát làm thay đổi ngành bán lẻ Bắc Mỹ

(Ảnh minh họa).

Lạm phát dai dẳng đang là một trong những nguyên chính khiến sức mua giảm. Không chỉ diễn ra tại Mỹ, lạm phát đang làm thay đổi ngành bán lẻ khu vực Bắc Mỹ.

Mặc dù lạm phát Mỹ đã hạ nhiệt 10 tháng liên tục kể từ mức đỉnh, chỉ tăng 4,9% trong tháng 4 vừa qua, nhưng giá tiêu dùng khó đạt mục tiêu 2% như FED đặt ra đang cản trở kế hoạch đi du lịch và chi tiêu của hầu hết người Mỹ vào mùa hè này.

Lạm phát dai dẳng đang là một trong những nguyên chính khiến cho sức mua giảm buộc hàng loạt chuỗi bán lẻ lớn tại Mỹ như: Nordstrom, Walmart, Whole Foods, Starbucks hay CVS gần đây đã đóng cửa nhiều cửa hàng tại những thành phố lớn, làm dấy lên hồi chuông cảnh báo về tương lai của ngành bán lẻ nước này. Thực trạng trên không chỉ diễn ra tại Mỹ, lạm phát đang làm thay đổi ngành bán lẻ khu vực Bắc Mỹ.

Đầu tháng 5 vừa qua, chuỗi cửa hàng bách hóa cao cấp Nordstrom thông báo sẽ đóng 2 cửa hàng ở thành phố San Francisco. Đây chỉ là 2/13 cửa hàng Nordstrom sẽ cắt giảm trong năm nay. Chuỗi siêu thị lớn nhất Mỹ là Walmart cũng dự định đóng cửa 20 trung tâm mua sắm.

Còn chuỗi nhà thuốc bán lẻ lớn nhất nước này là CVS cho biết, 900 cửa hàng, tương đương 1/10 cơ sở kinh doanh ngừng hoạt động giai đoạn 2021 - 2023.

Theo Wall Street Journal, tại nhiều thành phố lớn của Mỹ, tỷ lệ lấp đầy văn phòng trung bình vẫn chỉ bằng một nửa so với trước đại dịch COVID-19. Điều này làm giảm lượng khách đáng kể đối với các nhà bán lẻ. Bên cạnh đó, lạm phát đang bào mòn sức mua của mọi người.

Nghiên cứu của Đại học Stanford cho biết, một nhân viên văn phòng điển hình đang chi tiêu giảm khoảng 2.000 - 4.600 USD/năm ở các trung tâm đô thị lớn.

Từ đầu năm đến nay, khoảng 2.200 cửa hàng bán lẻ bị đóng cửa trên toàn nước Mỹ.

Tình hình tương tự cũng đang diễn ra tại Canada. Nordstrom thông báo đóng toàn bộ 13 cửa hàng ở nước này từ tháng 6. Chuỗi bán lẻ nội thất Bed Bath & Beyond cũng đóng khoảng 65 cửa hàng.

Số liệu mới nhất của tập đoàn bán lẻ Canadian Tire cho thấy, nhu cầu đối với hàng hóa không thiết yếu đã giảm mạnh. Tổng chi tiêu của người tiêu dùng đã chậm lại lần đầu tiên kể từ năm 2020.

(Nguồn: VTV)

Gần 90 triệu người Mỹ chật vật kiếm tiền vì đất nước sắp vỡ nợ

Có gần 90 triệu người Mỹ gặp khó khăn trong việc thanh toán các chi phí nhà ở. Nhiều hộ gia đình chuyển sang sử dụng thẻ tín dụng để duy trì cuộc sống.

Theo Bloomberg , cuộc khảo sát của Cục điều tra Dân số gần đây cho thấy nhiều người Mỹ đang phải vật lộn để trang trải chi phí. Con số này thậm chí nhiều hơn sau khi nước Mỹ trải qua biến động đại dịch COVID-19 với hàng triệu người mất việc làm.

Khoảng 38,5% người Mỹ trưởng thành, tương đương 89,1 triệu người, gặp khó khăn trong việc thanh toán các chi phí nhà ở, thông thường từ ngày 26/4 - 8/5, theo Khảo sát mức sống hộ gia đình. Con số này tăng từ 34,4% một năm trước và 26,7% trong cùng kỳ năm 2021.

Cục Điều tra Dân số hợp tác với nhiều cơ quan liên bang để thực hiện cuộc khảo sát, theo dõi từ lúc đại dịch nhằm nhằm thu thập dữ liệu và đo lường trải nghiệm của các hộ gia đình, giúp cung cấp thông tin cho chính phủ liên bang và các bang.

Theo điều tra, tỷ lệ các hộ gia đình đang gặp khó khăn rất khác nhau theo khu vực địa lý. Cư dân ở các bang có thu nhập trung bình thấp hơn như Louisiana và Mississippi đang phải đối mặt với những vấn đề ngân sách lớn nhất.

Tại 15 tiểu bang, cứ 10 người lớn thì có hơn 4 người sống trong các hộ gia đình gặp khó khăn phần nào hoặc rất khó khăn trong việc thanh toán các chi phí sinh hoạt thông thường. Và ở một số khu vực đô thị, chẳng hạn như Los Angeles và Riverside, California, gần một nửa số hộ gia đình đang gặp khó khăn.

Để giải quyết những vấn đề ngân sách này, nhiều hộ gia đình đang chuyển sang sử dụng thẻ tín dụng để được trợ giúp. Hơn 25 triệu hộ gia đình cho biết họ đã sử dụng thẻ tín dụng hoặc vay tiền để đáp ứng nhu cầu chi tiêu. Một năm trước, con số này chỉ vào khoảng 22,4 triệu hộ.

Việc sử dụng thẻ tín dụng có thể sẽ mang lại thêm những lo lắng về ngân sách trong thời gian tới vì lãi suất trung bình đối với loại nợ này hiện đã vượt quá 20%.

(Nguồn: CafeBiz)

Đàm phán nâng trần nợ công lại thất bại, Mỹ cận kề nguy cơ vỡ nợ

(Ảnh minh họa).

Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đã không thể đạt thỏa thuận trong cuộc đàm phán mới nhất về trần nợ công của Mỹ, khiến nước này có nguy cơ vỡ nợ chỉ trong 10 ngày nữa.

Tổng thống Biden và phe Dân chủ đang nỗ lực đạt thỏa thuận với các nhà lập pháp hàng đầu của đảng Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ, bao gồm cả ông McCarthy về việc nâng giới hạn nợ của chính phủ lên cao hơn mức 31,4 nghìn tỷ USD như hiện nay.

Tuy nhiên, trong khi phe Cộng hòa tiếp tục gây áp lực buộc Nhà Trắng phải đồng ý cắt giảm chi tiêu trong ngân sách liên bang để đổi lấy việc chấp nhận nâng trần nợ công, chính quyền Biden coi yêu cầu “thắt lưng, buộc bụng” này là biện pháp cực đoan và muốn Quốc hội phải thông qua việc tăng trần nợ vô điều kiện để tránh khủng hoảng. Ông Biden cũng tìm cách thúc đẩy các loại thuế mới mà phe Cộng hòa đã bác bỏ.

“Chúng tôi nhắc lại một lần nữa rằng, nguy cơ vỡ nợ là điều không cần bàn cãi và cách duy nhất để tiến về phía trước là thiện chí hướng tới một thỏa thuận lưỡng đảng”, ông Biden cho biết trong một tuyên bố sau cuộc đối thoại với ông McCarthy tối 22/5 theo giờ địa phương. Lãnh đạo Nhà Trắng cũng mô tả cuộc thương lượng kéo dài hơn 1 giờ với vị chủ tịch Hạ viện của đảng Cộng hòa là “hiệu quả”.

Reuters dẫn lời ông McCarthy phát biểu trước báo giới rằng, các nhà đàm phán lưỡng đảng "sẽ gặp nhau, làm việc xuyên đêm" để cố gắng tìm ra tiếng nói chung.

Dẫu vậy, ông McCarthy nói sẽ không sẵn sàng xem xét kế hoạch của ông Biden về việc cắt giảm thâm hụt ngân sách bằng cách tăng thuế đối với những người giàu cũng như lấp các lỗ hổng thuế đối với ngành công nghiệp dầu mỏ và dược phẩm.

Trước đó trong ngày, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tái cảnh báo nước này hiện còn rất ít thời gian nhằm đảo ngược nguy cơ bị vỡ nợ, khi chính phủ liên bang có thể cạn tiền và không thể thanh toán các nghĩa vụ nợ sớm nhất vào ngày 1/6.

Nếu viễn cảnh tồi tệ chưa từng có trong lịch sử này xảy ra, hậu quả có thể rất lớn. Các chuyên gia kinh tế dự báo, trong trường hợp đó, các thị trường chứng khoán Mỹ nhiều khả năng sẽ lao dốc, người hưởng các khoản chi trả từ ngân sách liên bang sẽ không còn được nhận tiền và nhiều cơ quan chính phủ sẽ phải ngừng hoạt động. Hàng triệu người dự kiến sẽ bị mất việc, tỷ lệ thất nghiệp cao hơn và nền kinh tế Mỹ đối mặt nguy cơ suy thoái cũng như hứng chịu những tổn thất lâu dài. Ngoài ra, việc Mỹ vỡ nợ có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến các nền kinh tế khác khắp toàn cầu.

(Nguồn: Vietnamnet)

Cuộc chiến chip giữa Mỹ và Trung Quốc đến đỉnh điểm?

Mỹ hôm 22-5 chỉ trích Trung Quốc vì đã hạn chế doanh số bán chip từ gã khổng lồ Micron. Trung Quốc cấm bán các sản phẩm của hãng chip Micron Technology với lý do công ty Mỹ gây ra rủi ro an ninh quốc gia.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết: "Chúng tôi rất lo ngại về việc Trung Quốc hạn chế bán chip Micron cho các nhà khai thác cơ sở hạ tầng thông tin trong nước. Động thái này dường như không phù hợp với tuyên bố mở cửa thị trường và cam kết tuân thủ một khung pháp lý minh bạch của Trung Quốc".

Ông Miller nói rằng Bộ Thương mại đang giải quyết các mối quan ngại của Mỹ với Trung Quốc.

Bộ Thương mại Mỹ khẳng định sẽ hợp tác với các đồng minh để giải quyết "những biến dạng của thị trường chip bởi các hành động của Trung Quốc".

Hành động của phía Mỹ được đưa ra ít lâu sau khi cơ quan quản lý không gian mạng của Trung Quốc công bố, các sản phẩm của nhà sản xuất chip Micron (Mỹ) đã không vượt qua cuộc đánh giá an ninh mạng.

Trong ngày 22-5, Công ty chip Micron thông tin họ đang cân nhắc các bước hành động tiếp theo. Micron thông báo: "Chúng tôi muốn tiếp tục tham gia thảo luận với chính quyền Trung Quốc".

Theo nhà phân tích Mark Li của hãng Sanford C. Bernstein, trong tình huống xấu nhất, Micron sẽ mất khoảng 11% doanh thu do lệnh cấm. Trang Nikkei dẫn lời nhà phân tích Brady Wang thuộc hãng nghiên cứu Counterpoint dự đoán nếu lệnh cấm sản phẩm Micron tại Trung Quốc diễn ra lâu dài (2,3 năm hoặc lâu hơn), những công ty cạnh tranh từ Hàn Quốc sẽ được lợi.

Quyết định của Bắc Kinh được đưa ra trước thềm chuyến thăm Washington của Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào. Mới đây, phát biểu tại một hội thảo ở Thượng Hải với sự góp mặt của Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải, các Tập đoàn Johnson & Johnson và Honeywell International (Mỹ), Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc cho biết Bắc Kinh sẽ tiếp tục chào đón các công ty Mỹ tới phát triển tại nước này.

Ông Vương nêu rõ: "Nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi và cải thiện. Tiềm năng thị trường tiếp tục được giải phóng. Điều này sẽ mang đến nhiều cơ hội phát triển hơn cho doanh nghiệp từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm công ty Mỹ".

Trong một diễn biến khác, kênh truyền hình Deutsche Welle (DW) ngày 22-5 đưa tin các công tố viên Đức buộc tội 4 cựu giám đốc điều hành của Công ty FinFisher. Công ty này bán phần mềm bất hợp pháp cho các cơ quan mật vụ của Thổ Nhĩ Kỳ để theo dõi phe đối lập của nước này.

Theo các công tố viên ở miền Nam nước Đức, Công ty FinFisher ký một thỏa thuận trị giá hơn 5,4 triệu USD vào năm 2015 để bán phần mềm giám sát cho tình báo Ankara, cùng với việc đào tạo và hỗ trợ. Phần mềm gián điệp cho phép những người dùng giành quyền kiểm soát máy tính và điện thoại thông minh, cũng như theo dõi thông tin liên lạc.

Các công tố viên cho biết phần mềm Finspy được cung cấp cho một phong trào đối lập Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2017, tải xuống từ một trang web "với mục đích giả mạo, nhằm theo dõi họ".

(Nguồn: Soha)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang