Mỹ: Khủng hoảng nước; Nợ công tăng mạnh; Trump bước vào tuần 'dông tố', đối mặt 2 nỗi sợ pháp lý; Big Tech lo bị chia tách

KHỦNG HOẢNG NƯỚC LAN RỘNG TẠI THỊ TRẤN NƯỚC MỸ

Khủng hoảng nước lan rộng tại một thị trấn ở Louisiana (Mỹ), khiến người dân phải đối mặt với tình trạng thiếu nước nghiêm trọng.

Tháng 6/2023, nước mặn từ đại dương bắt đầu tràn vào sông Mississippi, khiến nước ở thị trấn Louisiana (Mỹ), nơi Katie Mazarac và đứa con gái 18 tháng tuổi của cô sinh sống, không thể uống được. Việc này đã gây ra nhiều khó khăn trong cuộc sống của người dân tại thị trấn. Thậm chí, có lúc Mazarac phải sử dụng túi có thể tái sử dụng hay nước đóng chai để tắm.

Đến tháng 8, khi cô đã quen với việc sử dụng nước mặn thì cả thị trấn hầu như không còn giọt nước nào nữa. Toàn bộ thị trấn Venice và Louisiana rơi vào tình trạng áp suất nước yếu.

Mất nước đột ngột đã làm gián đoạn sinh hoạt cá nhân và hoạt động kinh doanh của người dân và giáo xứ Plaquemines, một cộng đồng ven biển ở cửa sông Mississippi. Lãnh đạo địa phương cũng yêu cầu người dân hạn chế sử dụng nước ít nhất có thể.

Tuy nhiên, trong khi người phải đối mặt với tình trạng thiếu nước nghiêm trọng, một công ty dầu khí vẫn tiếp tục sử dụng hàng triệu lít nước từ nguồn cung cấp nước của thành phố, nhằm phục vụ cho việc xây dựng dự án nhiên liệu hóa thạch lớn nhất đất nước.

Trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 10/2023, Venture Global, nhà sản xuất khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ, đã sử dụng hơn 25% tổng lượng nước ở thị trấn Venice.

Công ty này đang xây dựng một trạm xuất khẩu LNG, với vốn đầu tư lớn nhất từ trước đến nay, ước tính trị giá hàng tỉ USD, ở giáo xứ Plaquemines. Dự án này được xem là chiến lược để Venture Global có thể cạnh tranh với Qatar, nhằm trở thành nhà xuất khẩu LNG hàng đầu thế giới.

Với quy mô lên đến 225 ha, dự án trạm xuất khẩu LNG của Venture Global đang gặp nhiều vấn đề về vi phạm giấy phép. Theo báo cáo từ The Guardian, hoạt động của Venture Global tiêu thụ lượng lớn nước, thậm chí vượt ngoài so với ước tính ban đầu của Công ty. Tháng 10 năm ngoái, Venture Global đã sử dụng hơn 13,2 triệu lít, vượt quá mức sử dụng tối đa dự kiến ​379.000 lít nước mỗi ngày.

Ông Jeff DiMarco, người đứng đầu bộ phận dịch vụ công Plaquemines, cho biết nhu cầu nước ở Plaquemines đang vượt quá nguồn cung cho phép. “Nhà máy xử lý thượng nguồn đã hoạt động tối đa công suất và đang bị đẩy đến giới hạn”, ông DiMarco nói thêm.

Nhiều nhận định cho biết có thể quá trình xây dựng đã vượt qua tổng lượng nước tối đa là 42 triệu lít nước mà Venture ước tính trong báo cáo tác động đến môi trường khi gửi phê duyệt cho Ủy ban Điều tiết Năng lượng Liên bang (Ferc). Ước tính từ tháng 5-10/2023, Venture Global đã sử dụng ít nhất 39 triệu lít nước.

Tháng 8, khi giáo xứ kêu gọi tất cả người dân hạn chế sử dụng nước cũng như tạm dừng các hoạt động không thiết yếu cần dùng đến nước, Venture Global đã sử dụng hơn 3,8 triệu lít nước, tương đương 13% lượng nước trong thị trấn.

Derek Ditcharo, công nhân làm việc ở cảng Buras, Louisiana, cho biết lượng nước còn không đủ để đánh răng vì áp suất thấp. Mặc dù giáo xứ đã nỗ lực sửa chữa nhằm giảm bớt áp lực lên nguồn cung nước cũng như cung cấp nước cho người dân trong thị trấn, tình trạng xâm nhập mặn và hạn hán vẫn đang ảnh hưởng đến Plaquemines và các khu vực ven biển khác trên khắp nước Mỹ.

Vấn đề này đặt ra câu hỏi lớn về tương lai của nguồn cung nước cũng như sự cân bằng giữa sử dụng nước cho mục đích công nghiệp và nhu cầu sinh hoạt của người dân sẽ ra sao.

NỢ CÔNG CỦA MỸ KHÔNG NGỪNG TĂNG MẠNH, "BOM NỢ" TOÀN CẦU LỚN CHƯA TỪNG THẤY

Gánh nặng nợ công của Mỹ đang tăng với tốc độ "chóng mặt" trong những tháng gần đây, cứ mỗi 100 ngày lại tăng thêm khoảng 1.000 tỷ USD. Điều này khiến khối nợ toàn cầu phình to và lập kỷ lục mới.

Nợ công tăng mạnh chưa từng thấy

Dữ liệu từ Bộ Tài chính Mỹ cho thấy nợ công của nước này chính thức vượt mốc 34.000 tỷ USD vào ngày 4/1, sau khi chớp nhoáng chạm mốc này vào hôm 29/12 năm ngoái. Trước đó, khối nợ công khổng lồ của nền kinh tế lớn nhất thế giới vượt 33.000 tỷ USD vào hôm 15/9/2023, và vượt 32.000 tỷ USD vào hôm 15/6/2023.

Quá trình tăng 1.000 tỷ USD từ mốc 31.000 tỷ USD mất khoảng 8 tháng, nhưng con số này thời gian gần đây chỉ cần khoảng 100 ngày. Nợ công của Mỹ, số tiền Chính phủ liên bang vay để trang trải chi phí hoạt động, hiện ở mức gần 34.400 tỷ USD.

Michael Hartnett của Bank of America tin rằng chu kỳ 100 ngày sẽ được giữ nguyên khi quy mô nợ tăng từ 34.000 tỷ USD lên 35.000 tỷ USD.

Chiến lược gia Michael Hartnett của ngân hàng Bank of America nhận định xu hướng tăng 1.000 tỷ USD trong 100 ngày của nợ công Mỹ sẽ duy trì trong quá trình khối nợ đi từ 34.000 tỷ USD đến 35.000 tỷ USD.

Nợ công tăng mạnh của Mỹ góp phần vào sự gia tăng của "bom nợ" toàn cầu. Số liệu từ Viện Tài chính Quốc tế (IIF) cho thấy tổng nợ trên toàn cầu đã lập kỷ lục mới 313.000 tỷ USD trong năm 2023. Trong vòng khoảng 1 thập kỷ, nợ toàn cầu đã tăng thêm hơn 100.000 tỷ USD, từ mức 210.000 tỷ USD.

"Khoảng 55% số nợ tăng thêm này là nợ của các quốc gia phát triển, chủ yếu là Mỹ, Pháp và Đức", IIF cho biết trong báo cáo Theo dõi nợ toàn cầu.

Tuy nhiên, tỷ lệ nợ so với tổng sản phẩm trong nước (GDP) toàn cầu giảm khoảng 2 điểm phần trăm trong năm 2023, còn gần 330%.

"Không có gì khó hiểu khi giới đầu tư lao vào các giao dịch dựa trên mối lo ngại về sự bùng nổ của nợ Mỹ, chẳng hạn như mua vàng hay mua tiền ảo bitcoin", ông Hartnett viết trong báo cáo.

Tỷ lệ nợ/GDP, một chỉ số phản ánh khả năng trả nợ của quốc gia, giảm rõ hơn ở các nước phát triển, nhưng lập đỉnh mới ở một số thị trường mới nổi. Ấn Độ, Argentina, Nga, Trung Quốc, Malaysia và Nam Phi là những nước chứng kiến sự gia tăng nhiều nhất ở tỷ lệ này, cho thấy thách thức gia tăng trong việc trả nợ.

"Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sắp bắt đầu giảm lãi suất, nhưng đường đi của lãi suất Fed và tỷ giá đồng USD là khó lường. Điều này có thể làm gia tăng sự biến động trên thị trường và dẫn tới thắt chặt điều kiện vay vốn đối với các quốc gia có mức độ phụ thuộc lớn vào vay nợ từ bên ngoài" theo báo cáo của IIF.

Tuy nhiên, báo cáo cho rằng nền kinh tế toàn cầu đang chứng tỏ được sự vững vàng trước biến động của lãi suất đi vay, nên tâm lý nhà đầu tư có được sự khởi sắc. Trong bối cảnh như vậy, nhu cầu vay nợ đang tăng lên trong năm nay, nhất là ở các nền kinh tế mới nổi, thể hiện qua lượng phát hành trái phiếu chính phủ trên thị trường quốc tế gia tăng.

Tuy nhiên, IIF bày tỏ lo ngại về khả năng lạm phát trỗi dậy, dẫn đến chi phí đi vay cao hơn. "Thâm hụt ngân sách Chính phủ vẫn đang cao hơn nhiều so với mức trước đại dịch và sự gia tăng của các cuộc xung đột khu vực có thể dẫn tới gia tăng đột ngột trong chi tiêu quốc phòng", báo cáo viết.

"Thành tích đáng buồn"

Bà Maya MacGuineas, Chủ tịch Ủy ban Ngân sách trách nhiệm liên bang (CRFB), một tổ chức giám sát tài chính độc lập và phi lợi nhuận, gọi kỷ lục nợ công mới của Mỹ là một "thành tích đáng buồn".

"Dù mức nợ công đang ở mức nguy hiểm cho cả nền kinh tế lẫn an ninh quốc gia, Chính phủ Mỹ không thể ngừng vay nợ", bà MacGuineas nói trong một tuyên bố ngày 3/1.

Theo CNN, một điều đáng lo ngại nữa là nợ công Mỹ ngày càng tăng trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất thế giới đang ở trạng thái tương đối khỏe mạnh, tỷ lệ thất nghiệp thấp. Trạng thái này vốn được xem là trạng thái tốt để kìm hãm thâm hụt ngân sách.

Bởi thông thường, trong các giai đoạn kinh tế suy yếu và tỷ lệ thất nghiệp cao, Chính phủ tăng chi tiêu nhằm kích thích tăng trưởng. Điều này lại một lần nữa đẩy Chính phủ Mỹ vào nguy cơ đóng cửa.

Nợ công tăng vọt đã khiến Mỹ bị hạ xếp hạng tín nhiệm. Tháng 8 năm ngoái, Fitch hạ xếp hạng nợ quốc gia của Mỹ từ mức AAA xuống AA+.

Tới tháng 11, tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody's Investors Service hạ triển vọng tín nhiệm của Mỹ từ ổn định xuống tiêu cực do những mối rủi ro ngày càng lớn liên quan đến sức khỏe của tài chính công nước này.

"Trong bối cảnh lãi suất tăng lên, nếu không có các biện pháp chính sách tài khóa hiệu quả để giảm chi tiêu công hoặc tăng thu ngân sách, thâm hụt tài khóa của Mỹ sẽ tiếp tục giữ ở mức rất lớn, làm suy yếu khả năng của Chính phủ Mỹ trong việc vay nợ ở mức lãi suất hợp lý", báo cáo của Moody's chỉ rõ.

Gánh nặng nợ công tăng nhanh tại Mỹ và nhiều quốc gia khác đang là mối lo ngại lớn trong bối cảnh lãi suất tăng mạnh gần đây. Lãi suất tăng khiến chi phí trả lãi vay tăng đáng kể. Trong năm tài khóa 2023, chi phí lãi ròng cho các khoản vay của Chính phủ Mỹ tăng 39% so với năm trước đó và gần gấp đôi so với năm tài khóa 2020 - theo số liệu của Bộ Tài chính Mỹ.

Cơn ác mộng nếu lãi suất tiếp tục "neo" cao

Theo dữ liệu của Viện Tài chính quốc tế (IIF), các Chính phủ và giới doanh nghiệp và hộ gia đình trên toàn cầu vay thêm 15.000 tỷ USD trong năm 2023. Riêng nợ của các Chính phủ tăng lên mức 89.900 tỷ USD, từ mức 71.000 tỷ USD trước đại dịch và dưới 33.000 tỷ USD trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.

Năm ngoái, lãi suất tăng mạnh ở hầu hết các nước trên thế giới khiến chi phí trả các khoản nợ này tăng đáng kể.

Jan Friederich, người đứng đầu bộ phận xếp hạng nợ công ở châu Âu, Trung Đông và châu Phi của tổ chức xếp hạng Fitch Ratings cho biết, chi phí vay cao hơn đánh dấu sự thay đổi đáng chú ý từ môi trường lãi suất cực thấp.

Phát biểu tại sự kiện công bố báo cáo giám sát nợ toàn cầu của IIF, Friederich ghi nhận, chi phí lãi vay trung bình so với nguồn thu của các Chính phủ đang có xu hướng tăng, đặc biệt đối với các nước giàu có mức nợ lớn.

Trước đây, mức nợ phình to của Mỹ không gây nhiều lo ngại vì đồng USD là đồng tiền dự trữ toàn cầu, trái phiếu của Chính phủ của Mỹ luôn có thanh khoản tốt. Nhưng những biến động kinh tế trên quy mô toàn cầu hiện nay thì đây cũng là vấn đề đáng lo ngại.

Hiện nhu cầu vay của các Chính phủ ngày càng tăng, đặc biệt ở các thị trường mới nổi. Trong tháng 1, Saudi Arabia, Mexico, Hungary, Romania và một loạt nước khác thực hiện một số đợt phát hành trái phiếu quốc tế lớn, với trị giá kỷ lục 47 tỷ USD.

Trong báo cáo giám sát nợ toàn cầu, IIF cảnh báo, gánh nặng chi phí trả nợ sẽ gia tăng khi lãi suất duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn dự kiến mặc dù nền kinh tế toàn cầu nhìn chung đã chống đỡ khá tốt.

Dù tốc độ tăng trưởng vẫn dưới mức tiềm năng và chi phí lãi vay tăng cao, nền kinh tế toàn cầu đang chứng tỏ khả năng chống chịu trước sự biến động mạnh của chi phí vay.

Báo cáo này cũng nhấn mạnh, tình trạng chặt chẽ của Mỹ về lãi suất điều hành và đồng USD có thể làm tăng thêm sự biến động của thị trường. Điều này dẫn đến các điều kiện vay vốn thắt chặt hơn với các nước phụ thuộc tương đối cao vào vay nợ bên ngoài. Các thị trường tài chính hiện kỳ vọng các ngân hàng trung ương lớn ở phương Tây sẽ bắt đầu giảm lãi suất trong năm nay khi lạm phát hạ nhiệt.

"Sự phân mảnh địa kinh tế ngày càng sâu sắc, xung đột địa chính trị và chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng có thể dẫn đến những thay đổi đột ngột hơn trong dự báo rủi ro toàn cầu. Bất kỳ sự leo thang nào của những vấn đề này đều có thể làm trầm trọng thêm tình trạng về nợ", IIF cho biết.

Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, mức tăng thêm nợ công của Trung Quốc tương đương 25% GDP. Trong khi đó, nợ hộ gia đình và doanh nghiệp ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng tăng mạnh.

Với tốc độ tăng trưởng đang chậm lại, khủng hoảng bất động sản kéo dài và dân số sụt giảm thì gánh nặng nợ nần của Trung Quốc có nguy cơ trở thành mối đe dọa kinh tế nghiêm trọng.

ÔNG TRUMP BƯỚC VÀO 1 TUẦN ĐẦY ‘DÔNG TỐ’

Cuộc sống của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump luôn đầy rẫy biến động với những vụ bê bối cá nhân, luận tội, đắc cử và thất bại, nhưng có lẽ tuần này mới là tuần biến động nhất.

Ông Trump đang xoay xở khoản tiền nửa tỷ đô la nhằm ngăn tòa án New York tịch thu các tài sản của ông trong vụ gian lận lớn. Phán quyết này có thể đe dọa đế chế kinh doanh của ông trùm bất động sản và khối tài sản khổng lồ đóng vai trò quan trọng đối với bản sắc cá nhân và thương hiệu chính trị của ông.

Một diễn biến có thể giúp ông giảm bớt gánh nặng là khả năng mạng xã hội Truth Social mà ông nắm phần lớn cổ phần có thể sắp được bán, mang về cho ông khoảng 3 tỷ USD.

Ngày 25/3, ông Trump phải hầu tòa ở Manhattan trong vụ kiện cựu tổng thống trả tiền bịt miệng cho một diễn viên phim người lớn trước khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Vụ kiện này có thể dẫn đến việc ông Trump bị kết án vào dịp diễn ra cuộc cử vào tháng 11 năm nay.

Không chỉ thế, cựu tổng thống vẫn phải đối phó trên nhiều mặt trận để trì hoãn và bác bỏ 3 vụ án hình sự khác mà ông đều khẳng định mình vô tội.

Từ khi ông Trump gạt bỏ mọi sự phản đối để giành được đề cử lần thứ ba liên tiếp của đảng Cộng hòa và có cơ hội lớn trở thành tổng thống thứ 47, vận may và số phận của ông một lần nữa lại gắn bó chặt chẽ với nước Mỹ trong một kỷ nguyên chính trị đầy biến động.

Một số nhà phân tích pháp lý cho rằng phiên tòa ở Manhattan là vụ án hình sự ít đe dọa nhất đối với ông Trump vì khó có thể dẫn đến án tù, ngay cả khi ông bị kết tội. Và vì cáo buộc liên quan đến sự việc xảy ra trước cuộc bầu cử năm 2016, nên cũng có ý kiến cho rằng tác động của nó đối với cuộc tổng tuyển cử 8 năm sau đó có thể hạn chế.

Tuy nhiên, người Mỹ chưa bao giờ thấy một cựu tổng thống phải ra tòa vì bất kỳ điều gì, chưa kể chuyện diễn ra vào thời điểm chỉ còn vài tháng nữa các cử tri sẽ đi bỏ phiếu.

Điều chắc chắn duy nhất đối với ông Trump có lẽ là ông sẽ không ngừng phá bỏ tiền tệ.

ÔNG TRUMP ĐỐI MẶT 2 NỖI SỢ PHÁP LÝ LỚN NHẤT

Cựu Tổng thống Donald Trump dự kiến dành buổi sáng ngày 25-3 (giờ địa phương) trong phòng xét xử của một thẩm phán New York, người có thể sẽ đưa ông vào song sắt.

Tuy nhiên, đây thậm chí không phải là sự kiện pháp lý khiến ông Trump lo lắng nhất trong ngày hôm đó.

Phiên điều trần truy tố hình sự ở Manhattan – trong đó ông Trump bị buộc tội che đậy một vụ bê bối tình dục để mở đường cho chức tổng thống – diễn ra giữa lúc ông đang cố gắng chống chọi với cuộc khủng hoảng tài chính phát sinh từ phán quyết trị giá 454 triệu USD ở một vụ tố tụng khác.

Tổng chưởng lý New York Letitia James, người khởi xướng vụ tố tụng riêng biệt nêu trên, có thể bắt đầu tịch thu tài sản của ông ngay trong ngày 25-3.

Để tránh kịch bản này, ông Trump phải thanh toán khoản tiền phạt 454 triệu USD, vốn được đội ngũ luật sư của ông mô tả là "bất khả thi" ở thời điểm hiện tại, nhất là khi hàng chục công ty đã từ chối bảo lãnh cho ông.

Hai nỗi bất an nêu trên – đến cùng ngày, tại cùng thành phố - là kết tinh của 2 nỗi sợ lớn nhất và dai dẳng nhất của ông Trump: tiền án và nhận thức của công chúng rằng ông không có nhiều tiền mặt như ông tuyên bố.

"Nếu ông Trump dùng một thứ để ghi điểm, đó luôn là tiền. Nếu ông ta có nhiều tiền hơn ai đó, ông ta thắng còn người kia thua. Nếu ai đó có nhiều tiền hơn ông ta, ông ta sợ rằng sẽ có người nói ông ta đang thua người đó" – ông Jack O'Donnell, cựu giám đốc sòng bạc từng làm việc cho cựu Tổng thống Trump tiết lộ, theo báo The New York Times.

Ông Trump cũng đã 4 lần mô tả nỗi bẽ bàng khi trở thành bị cáo hình sự.

"Không ai muốn bị truy tố. Tôi không quan tâm rằng tỉ lệ ủng hộ dành cho tôi đã tăng lên rất nhiều. Tôi không muốn bị truy tố. Tôi chưa bao giờ bị truy tố. Tôi đã trải qua cả cuộc đời mình, bây giờ tôi lại bị truy tố hai tháng một lần" – ông nói với các phóng viên trên máy bay hồi tháng 6-2023.

Luật sư của cựu Tổng thống Trump đang tìm cách trì hoãn phiên tòa xét xử cáo buộc che đậy bê bối tình dục. Nếu ông Trump tái đắc cử vào tháng 11, các vụ kiện chống lại ông có thể sẽ chấm dứt.

Thẩm phán New York chủ trì vụ án, ông Juan Mercan, mới đây đã trì hoãn phiên tòa trong 3 tuần, cho đến ngày 15-4. Phiên điều trần ngày 25-3 sẽ quyết định liệu ông có hoãn thêm hay không.

BIG TECH CÓ BỊ CHIA TÁCH VÌ ĐỘC QUYỀN?

Các tập đoàn công nghệ khổng lồ (Big Tech) đang phải đối mặt với khả năng bị chia tách giữa cuộc điều tra của các cơ quan quản lý chống độc quyền ở Mỹ và châu Âu.

Án phạt lơ lửng

Tuần qua, Bộ Tư pháp Mỹ và 16 tiểu bang đã khởi kiện Apple vì vi phạm luật chống độc quyền trong thị trường smartphone (điện thoại thông minh), loại bỏ các đối thủ cạnh tranh và buộc người dùng phải bỏ chi phí cao hơn để sử dụng dịch vụ của họ. Trước đó, Google cũng từng bị cơ quan quản lý châu Âu xử phạt về hành vi độc quyền trong lĩnh vực tìm kiếm hay quảng cáo trực tuyến, dẫn đến việc kiện tụng.

Các nhà quản lý ở Mỹ và châu Âu cho rằng các Big Tech như Apple và Google đã xây dựng những hệ sinh thái không thể xâm nhập quanh sản phẩm của họ, hay còn gọi là "khu vườn kín", khiến khách hàng khó chuyển sang sử dụng dịch vụ của các đối thủ. Theo CNN, đơn kiện không đi kèm lời kêu gọi chia tách Apple nhưng cũng không loại trừ khả năng này. Công ty đã bác bỏ những lập luận "sai sự thật và luật" trong đơn kiện.

Tại châu Âu, với việc Đạo luật thị trường số (DMA) của Liên minh Châu Âu (EU) có hiệu lực từ tháng 3, các hãng như Apple, Meta (công ty mẹ của Facebook) và Alphabet (công ty mẹ của Google) sẽ bị soi xét kỹ hơn và có khả năng bị điều tra, dẫn đến những mức phạt nặng và thậm chí là chịu lệnh chia tách công ty nếu tái phạm nhiều lần. Đạo luật được đưa ra với mục tiêu chính là tạo môi trường cạnh tranh công bằng và an toàn hơn cho người sử dụng internet.

Phó chủ tịch Ủy ban Châu Âu Margrethe Vestager, quan chức đứng đầu về chống độc quyền, năm ngoái cáo buộc Google có hành vi độc quyền trong mảng kinh doanh sinh lời chính của công ty là quảng cáo trực tuyến và có thể phải bỏ bớt các công cụ bán hàng. Bà Vestager khi đó nói rằng yêu cầu Google bán bớt tài sản dường như là cách duy nhất để tránh xung đột lợi ích, bởi việc đó sẽ ngăn công ty ưu tiên dịch vụ của mình so với các nhà quảng cáo khác. Phán quyết dự kiến được ban hành trước cuối năm nay. Nghị sĩ châu Âu Andreas Schwab, người góp công lớn trong việc soạn thảo DMA, bình luận: "Nếu họ không tuân thủ DMA, bạn có thể tưởng tượng điều nghị viện sẽ yêu cầu: chia tách. Mục tiêu cuối cùng là giúp thị trường cởi mở, công bằng và có nhiều sự sáng tạo hơn".

Khó khăn và phức tạp

Những vụ kiện như của Bộ Tư pháp Mỹ đối với Apple được dự báo sẽ kéo dài nhiều năm và chưa rõ liệu lệnh chia tách có được cơ quan quản lý ban hành. Năm 1984, đế chế viễn thông AT&T (Mỹ) bị chia tách thành 7 công ty độc lập, chấm dứt sự tồn tại của một trong những công ty độc quyền lớn nhất thế kỷ 20. Kể từ đó, chưa có công ty nào tại Mỹ đối mặt với viễn cảnh bị nhà quản lý buộc phải chia tách cho đến hiện tại. Một quan chức giấu tên của Ủy ban Châu Âu cũng nói với Reuters rằng cách làm đó là điều chưa từng xảy ra tại EU.

Các chuyên gia trong ngành cho rằng để chia tách một hệ sinh thái có tính tích hợp cao như Apple là điều khó khăn và phức tạp. Thay vào đó, giải pháp tốt hơn là áp đặt những biện pháp khắc phục hành vi trong trường hợp của Apple, hoặc buộc phải bán bớt những mảng kinh doanh bổ trợ cho dịch vụ cốt lõi của công ty trong trường hợp Google.

Luật sư Assimakis Komninos, đối tác của Hãng luật White & Case (Mỹ), cho biết: "Tiền lệ về việc áp đặt biện pháp cấu trúc như chia tách công ty là không nhiều nhưng số ít trường hợp trong quá khứ đã cho thấy việc này rất phức tạp, bên cạnh những thách thức pháp lý ghê gớm".

Nguồn: Nhịp Cầu Đầu Tư; Dân Trí; CafeF; Soha; Thanh Niên

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang