Mỹ: Nợ thẻ tín dụng kỷ lục; Bộ Tư pháp kiện Apple; Trump sắp có 3 tỷ đô; Cuộc chiến kinh tế; Mất kiên nhẫn với Israel

NGƯỜI MỸ GHI NHẬN NỢ THẺ TÍN DỤNG CAO KỶ LỤC

Tại Mỹ, các khoản nợ thẻ tín dụng đã tăng mạnh trong năm qua và chạm mốc kỷ lục hơn 1.129 tỷ USD vào quý IV/2023.

Đây trở thành một dấu hiệu đáng lo ngại cho nền kinh tế số 1 thế giới. Báo cáo của Fed New York cho thấy nước Mỹ hiện có tổng cộng hơn 578 triệu tài khoản thẻ tín dụng và hạn mức đạt hơn 4,6 nghìn tỷ USD. Theo tạp chí Fortune, trung bình mỗi người Mỹ có khoảng gần 4 cái thẻ tín dụng với hạn mức chi tiêu lên tới hơn 30.000 USD, tương đương 742 triệu đồng.

Đặc biệt, nhóm người trẻ Gen Z tức là những người sinh từ năm 1997 đến năm 2012 sở hữu trung bình hơn 2 thẻ tín dụng mỗi người. Đà tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã khiến lãi suất thẻ tín dụng trung bình tăng lên mức 22%. Nhưng loại hình tiêu trước, trả sau này vẫn luôn là lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng Mỹ.

Bà Paulina Likos - Phóng viên kênh tài chính CNBC nhận định: "Người tiêu dùng vẫn dùng thẻ tín dụng để chi tiêu cho các sinh hoạt hàng ngày vì giá cả mọi thứ càng ngày càng trở nên đắt đỏ, trong khi thu nhập và lương của họ không tăng kịp với tốc độ lạm phát. Khi càng tiêu nhiều bằng thẻ tín dụng, nợ thẻ của họ lại càng phình to. Cuối cùng là họ mất khả năng trả nợ".

Đây là cái vòng luẩn quẩn. Còn về phía các ngân hàng thì sao? Năm ngoái, các ngân hàng tại Mỹ đã thu phí chậm trả lãi thẻ tín dụng với tổng số tiền thu được lên tới 14 tỷ USD trên cả nước. Mới đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, sẽ công bố một quy định giới hạn mức trần là 8 USD đối với các khoản trả chậm đối với thẻ tín dụng. Nếu ngân hàng muốn thu nhiều hơn, họ phải chứng minh được lý do họ thu nhiều như vậy.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết: "Chúng tôi ước tính số phí chậm trả nợ thẻ tín dụng mà các ngân hàng đang thu của người tiêu dùng cao hơn gấp 5 lần so với mức hợp lý. Với đạo luật mới này, phí chậm trả nợ thẻ bây giờ sẽ giảm xuống chỉ còn 8 USD và sẽ giúp người tiêu dùng Mỹ tiết kiệm được tới 10 tỷ USD phí thẻ tín dụng mỗi cuối năm".

Đối mặt với những áp lực từ núi nợ thẻ tín dụng, người Mỹ đang có dấu hiệu suy giảm trong chi tiêu loại thẻ này. Tháng 9 năm ngoái, chi tiêu thẻ tín dụng tại các nhà bán lẻ đã giảm gần 11% theo dữ liệu từ ngân hàng Citi.

Một số nhà kinh tế cho rằng, việc giảm chi tiêu bằng thẻ tín dụng phản ánh những căng thẳng tài chính ngày càng lớn đối với người tiêu dùng có thu nhập thấp. Những người này vốn phụ thuộc nhiều hơn vào tín dụng quay vòng cũng như chịu sức ép lớn hơn từ việc thắt chặt các tiêu chuẩn cho vay của các ngân hàng.

BỘ TƯ PHÁP MỸ KIỆN APPLE, CÁO BUỘC ĐỘC QUYỀN PHI PHÁP THỊ TRƯỜNG ĐIỆN THOẠI THÔNG MINH

Bộ Tư pháp Hoa Kỳ hôm 21/3 công bố một vụ kiện chống độc quyền sâu rộng đối với Apple, cáo buộc gã khổng lồ công nghệ đang độc quyền bất hợp pháp về điện thoại thông minh nhằm loại bỏ các đối thủ cạnh tranh, kìm hãm sự đổi mới và khiến cho giá tăng cao một cách giả tạo.

Vụ kiện được đệ trình lên tòa án liên bang ở New Jersey, trong đó cáo buộc rằng Apple giữ thế độc quyền trên thị trường điện thoại thông minh và tận dụng quyền kiểm soát iPhone để “tham gia vào một hành vi bất hợp pháp, lâu dài và sâu rộng”.

Phó Bộ trưởng Tư pháp Lisa Monaco nói rằng “Apple đã khóa người tiêu dùng của mình vào iPhone trong khi loại các đối thủ cạnh tranh ra khỏi thị trường”. Bà cho rằng việc ngăn chặn sự phát triển của chính thị trường mà nó đã cách mạng hóa đã “bóp nghẹt toàn bộ ngành công nghiệp”.

Apple nói vụ kiện là “sai sự thật và phi pháp” và cho biết họ “sẽ mạnh mẽ chống lại nó”.

Vụ kiện cũng nhắm vào cách Apple bị cáo buộc tạo dựng các mối quan hệ kinh doanh và công nghệ của mình để “kiếm thêm tiền từ người tiêu dùng, người lập trình, người sáng tạo nội dung, các nghệ sĩ, nhà xuất bản, doanh nghiệp nhỏ, thương gia và những người khác”.

Nó bao gồm việc giảm bớt chức năng của các đồng hồ thông minh không phải của Apple, hạn chế quyền truy cập thanh toán điện tử đối với ví kỹ thuật số của bên thứ ba và từ chối cho phép ứng dụng iMessage trao đổi tin nhắn được mã hóa với các nền tảng cạnh tranh.

Đặc biệt, vụ kiện tìm cách ngăn chặn Apple phá hoại các công nghệ cạnh tranh với những ứng dụng của chính họ – trong các lĩnh vực bao gồm streaming trực tuyến, nhắn tin và thanh toán kỹ thuật số – và ngăn hãng này tiếp tục ký hợp đồng với các nhà lập trình, nhà sản xuất phụ kiện và người tiêu dùng để Apple “có được, duy trì, mở rộng hoặc củng cố sự độc quyền”.

Vụ kiện – được đệ trình lên 16 tổng chưởng lý tiểu bang – chỉ là ví dụ mới nhất về việc thực thi chống độc quyền mạnh mẽ của một cơ quan chính quyền, vốn đã từng áp dụng đối với Google, Amazon và những gã khổng lồ công nghệ khác với mục đích được nêu là làm cho thế giới kỹ thuật số trở nên công bằng, sáng tạo và cạnh tranh hơn.

“Bộ Tư pháp có một di sản lâu đời khi xử lý các công ty độc quyền lớn nhất và khó khăn nhất trong lịch sử”, Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Jonathan Kanter, người đứng đầu bộ phận chống độc quyền, cho biết tại cuộc họp báo công bố vụ kiện. “Hôm nay chúng tôi đứng đây một lần nữa để thúc đẩy cạnh tranh và đổi mới cho thế hệ công nghệ tiếp theo”.

Nhà nghiên cứu chống độc quyền Dina Srinavasan, một thành viên của Đại học Yale, so sánh tầm quan trọng của vụ kiện với hành động của chính phủ chống lại Microsoft một phần tư thế kỷ trước – chọn một “cuộc chiến lớn” chống lại công ty thịnh vượng nhất thế giới.

“Thực sự là dữ dội khi tiến tới và đấm vào một kẻ đang hành động như một kẻ bắt nạt mà giả vờ không phải là kẻ bắt nạt”, bà nói.

Tổng thống Joe Biden đã kêu gọi Bộ Tư pháp và Ủy ban Thương mại Liên bang thực thi mạnh mẽ các đạo luật chống độc quyền.

Apple nói vụ kiện, nếu thành công, sẽ “cản trở khả năng của chúng tôi trong việc tạo ra loại công nghệ mà mọi người mong đợi từ Apple — nơi phần cứng, phần mềm và dịch vụ giao thoa nhau” và sẽ “đặt ra một tiền lệ nguy hiểm, trao quyền cho chính phủ can thiệp sâu vào việc thiết kế công nghệ của con người”.

“Tại Apple, chúng tôi đổi mới mỗi ngày để khiến mọi người yêu thích công nghệ — thiết kế các sản phẩm hoạt động liền mạch với nhau, bảo vệ quyền riêng tư và bảo mật của mọi người, đồng thời tạo ra trải nghiệm kỳ diệu cho người dùng”, công ty nói trong một tuyên bố. “Vụ kiện này đe dọa chúng tôi là ai và những nguyên tắc tạo nên sự khác biệt của các sản phẩm Apple trong các thị trường cạnh tranh khốc liệt.”

Hồ sơ vụ kiện nói rằng Apple tính phí tới 1.599 USD cho một chiếc iPhone và tỷ suất lợi nhuận cao mà họ kiếm được trên mỗi chiếc cao hơn gấp đôi so với những gì những công ty khác trong ngành nhận được. Và khi người dùng sản phẩm của Apple thực hiện tìm kiếm trên internet, Google sẽ “cắt một khoản đáng kể” doanh thu quảng cáo mà những tìm kiếm đó tạo ra.

Cửa hàng ứng dụng của công ty cũng tính phí đối với những người lập trình tới 30% giá ứng dụng cho người tiêu dùng.

Các cơ quan quản lý chống độc quyền nói rõ trong đơn khiếu nại rằng họ coi hệ sinh thái khép kín của Apple chủ yếu là vũ khí để ngăn chặn sự cạnh tranh, tạo ra các điều kiện thị trường cho phép hãng tính giá cao hơn, giúp tăng tỷ suất lợi nhuận cao trong khi kìm hãm sự đổi mới sáng tạo.

ÔNG TRUMP CÓ THỂ KIẾM ĐƯỢC 3,5 TỶ USD TỪ MỘT THƯƠNG VỤ

Nếu thành công, thương vụ này có thể mang lại cho Cựu Tổng thống Mỹ lên đến 3,5 tỷ USD…

Trước đó, các nhà đầu tư của công ty Digital World Acquisition Corp, một công ty mua lại mục đích đặc biệt (SPAC), đã chấp nhận thỏa thuận hợp nhất của công ty hãng truyền thông xã hội Trump Media & Technology Group.

Trong đó, cổ phần của ông Trump trong Trump Media & Technology Group, công ty nắm giữ ứng dụng Truth Social, được định giá là khoảng 3,6 tỷ USD. Các cổ đông của Digital World Acquisition Corp đã bỏ phiếu ủng hộ thương vụ này hôm 22/3 vừa qua.

Thỏa thuận này cũng sẵn sàng cung cấp khoản tiền mặt trị giá 300 triệu USD quan trọng cho Trump Media & Technology Group. Công ty truyền thông xã hội này đã lỗ 10,6 triệu USD từ hoạt động của mình trong 9 tháng đầu năm 2023, sau khi lỗ 23,2 triệu USD vào năm 2022 và tự tài trợ bằng cách vay 40,7 triệu USD thông qua các trái phiếu chuyển đổi có thể trả lại bằng cổ phiếu.

SPAC là các công ty vỏ bọc niêm yết trên thị trường chứng khoán với mục đích duy nhất là mua lại một công ty khác và đưa công ty đó lên sàn chứng khoán. Nhà đầu tư mua và bán cổ phiếu của SPAC như bất kỳ cổ phiếu thông thường nào khác, dựa trên kỳ vọng về doanh nghiệp mục tiêu hoặc hiệu suất hoạt động của các công ty mà SPAC dự định mua. Các thương vụ như vậy thường phức tạp.

Các nhà đầu tư bán lẻ ủng hộ ông Trump đã mua cổ phiếu của Digital World, đẩy giá cổ phiếu của công ty này tăng mạnh tương tự như cơn sốt xung quanh cổ phiếu của GameStop trong đại dịch Covid-19. Do đó, nếu thương vụ sáp nhập giữa Truth Social và Digital World Acquisition được hoàn tất, giá trị của mạng xã hội này có thể lên đến khoảng 6 tỷ USD.

Hiện nay, ông Trump sở hữu khoảng 60% cổ phần của công ty mẹ của Truth Social. Do đó, nếu thương vụ thành công, cựu Tổng thống Mỹ có thể thu về khoảng 3,5 tỷ USD.

Các cổ đông của Digital World Acquisition sẽ tiến hành bỏ phiếu để phê duyệt hoặc từ chối thương vụ sáp nhập này. Nếu thành công, Trump Media & Technology Group, công ty mẹ của Truth Social, sẽ thay thế Digital World trên sàn chứng khoán và quá trình này có thể diễn ra sớm nhất vào thứ Hai tiếp theo. Theo quy định, vốn của các SPAC có thể được chuyển cho công ty mà họ đưa lên sàn trong các thương vụ như vậy.

"Sự thật" về Truth Social

Ý tưởng của Truth Social được được phát triển và sở hữu bởi Trump Media & Technology Group (TMTG), một công ty do cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump thành lập. Mạng xã hội này cung cấp một nền tảng truyền thông xã hội mà những người dùng muốn chia sẻ quan điểm chính trị và xã hội có thể làm điều đó một cách tự do, không bị kiểm duyệt hay gò bó bởi các quy tắc nghiêm ngặt về nội dung.

Truth Social được tuyên bố là một phản ứng với việc các mạng xã hội khác, như Twitter và Facebook, áp dụng các biện pháp kiểm duyệt nghiêm ngặt đối với nội dung và người dùng, đặc biệt là trong bối cảnh các tranh cãi về tự do ngôn luận và quyền tự do biểu đạt trực tuyến. Trump và các nhà lập trình của TMTG đã tuyên bố rằng Truth Social sẽ tôn trọng quyền tự do ngôn luận và cho phép người dùng tự do thảo luận mà không lo sợ bị kiểm duyệt hay cấm đoán.

Tuy nhiên, nền tảng này đã đối mặt với nhiều khó khăn, bất cập trong quá trình phát triển và ra mắt:

Trễ hạn và trì hoãn: Truth Social đã gặp nhiều sự trì hoãn và trễ hạn trong quá trình phát triển và ra mắt. Dự kiến ban đầu, mạng xã hội này sẽ ra mắt vào mùa thu năm 2021, nhưng đã bị trì hoãn đến năm 2022 và tiếp tục gặp phải các vấn đề kỹ thuật và pháp lý.

Sự phụ thuộc vào công nghệ bên thứ ba: TMTG, công ty mẹ của Truth Social, đã thông báo rằng họ sẽ sử dụng công nghệ của công ty khác để phát triển ứng dụng mạng xã hội. Sự phụ thuộc này có thể tạo ra các vấn đề về quản lý và kiểm soát chất lượng, cũng như làm tăng khả năng xảy ra sự cố kỹ thuật.

Thách thức về nội dung: Một trong những điểm nổi bật của Truth Social là cam kết không kiểm duyệt nội dung. Nhưng điều này có thể dẫn đến việc mạng xã hội này trở thành nơi chứa đựng nội dung gây tranh cãi, bạo lực hoặc sai lệch mà không được kiểm soát.

Sự chú ý từ pháp luật và chính trị: Với tư cách là một sản phẩm của cựu Tổng thống Donald Trump và được quảng cáo như một nền tảng không kiểm duyệt, Truth Social đã thu hút sự chú ý từ các tổ chức pháp luật và chính trị. Điều này có thể tạo ra áp lực lớn về việc tuân thủ các quy định pháp luật và quy tắc cộng đồng.

CUỘC CHIẾN KINH TẾ TRUMP - BIDEN TRÊN ĐƯỜNG ĐUA VÀO NHÀ TRẮNG

Chủ đề kinh tế vốn là thế mạnh của ông Trump lại được đem ra luận bàn trong cuộc so găng gần đây giữa hai ứng viên Tổng thống, nhưng có vẻ lần này, ông Biden chưa hẳn ở kèo dưới. Tuy nhiên, quyết định từ phía cử tri vẫn là điều quan trọng nhất trên đường đua vào Nhà Trắng năm nay.

“Hôm nay bạn có khá giả hơn so với 4 năm trước hay không?”

Đây là câu hỏi dành cho những người ủng hộ ông mà cựu Tổng thống Donald Trump đã đăng tải trên nền tảng mạng xã hội Truth Social vào ngày 18/2.

Câu hỏi “bạn có khá giả hơn không” bắt nguồn từ cuộc chạy đua tổng thống năm 1980, khi ông Ronald Reagan trực tiếp chất vấn tổng thống đương nhiệm lúc bấy giờ là ông Jimmy Carter trong một cuộc tranh luận trên sóng truyền hình. Chính câu hỏi hiểm hóc này đã trở thành bệ phóng đưa ông Reagan vào Nhà Trắng trong cuộc bầu cử năm đó; đồng thời khẳng định tầm quan trọng của vấn đề kinh tế đối với cử tri Mỹ.

Ông Trump – vốn xuất thân là một doanh nhân, có sở trường về quản lý kinh tế. Tăng trưởng kinh tế của Mỹ tương đối mạnh mẽ, vượt mức 2% trong mỗi 3 năm đầu tiên sau khi ông Trump lên nắm quyền. Đặc biệt, tuy tăng trưởng kinh tế đã giảm từ 2,9% vào năm 2018 xuống còn 2,3% vào năm 2019 do tình hình đại dịch nhưng con số này vẫn cao hơn so với các nền kinh tế lớn khác.

Về chính sách kinh tế, ông Donald Trump được ủng hộ cao hơn so với đối thủ Joe Biden, với tỷ lệ 52% - 41%, theo một nghiên cứu được công bố vào cuối năm ngoái. Theo một cuộc thăm dò của AP-NORC vào tháng 2, chỉ 24% người Mỹ cho biết họ trở nên khá giả sau khi ông Biden trở thành Tổng thống, trong khi 41% cho biết tình trạng kinh tế của họ đã xuống dốc và 34% ở phe trung lập.

“Dưới thời chính quyền Trump, bạn khá giả hơn, gia đình bạn khá giả hơn, hàng xóm của bạn khá giả hơn, cộng đồng của bạn khá giả hơn, và đất nước của chúng ta ngày càng khá giả hơn. Đó là điều chắc chắn,” ông Trump phát biểu tại một sự kiện tranh cử trong tháng này.

Cựu Tổng thống cũng lên tiếng chỉ trích đối thủ Joe Biden vì đã đẩy nước Mỹ vào “những cuộc chiến mà lẽ ra sẽ không bao giờ xảy ra”.

“Nga sẽ không bao giờ tấn công Ukraine. Hamas sẽ không bao giờ tấn công Israel. Và nước Mỹ sẽ không bị lạm phát như hiện nay”, ông Trump nói.

“Hãy xem xét lại quá khứ”

Trước câu hỏi của đối thủ Donald Trump, ông Joe Biden đã nhanh chóng lên tiếng đáp trả.

“Tôi rất vui vì ông Trump đã hỏi câu hỏi đó, vì tôi hy vọng mọi người hãy dành một chút thời gian để nghĩ về thời điểm tháng 3/2020”, ông Biden phát biểu trước cử tri trong buổi gây quỹ tại Texas trong tuần này.

Ông Biden gợi nhắc lại những khoảnh khắc đen tối từ những ngày đầu của đại dịch, khi ông Trump còn đang nắm quyền. Các phòng cấp cứu của bệnh viện luôn trong trình trạng quá tải, các y bác sĩ phải liều mạng để chăm sóc người bệnh trong tình khan hiếm vật tư y tế. Có thời điểm, Mỹ là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong do Covid-19 cao nhất thể giới.

Nước Mỹ phải đóng cửa do đại dịch. Tại xứ sở cờ hoa lúc bấy giờ, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, thị trường chứng khoán sụt giảm và các kệ hàng trống rỗng.

Tổng thống Mỹ đương nhiệm cho rằng người tiền nhiệm đã phớt lờ lời khuyên của các chuyên gia y tế công cộng và áp dụng các phương pháp điều trị chưa được chứng minh cho công chúng; khiến tình hình trở nên xấu đi. Đồng thời, đội ngũ vận động tranh cử của ông Biden đã phát hành một video tổng hợp một số khoảnh khắc gây tranh cãi nhất của đối thủ Donald Trump trong năm 2020; bao gồm những bình luận tự đề cao bản thân và thái độ thờ ơ của ông Trump trước hiểm họa khôn lường của đại dịch Covid-19.

Tổng thống Joe Biden cũng chỉ trích đối thủ Donald Trump quá chìm đắm trong hào quang của bản thân mà không để ý tới những rủi ro có thể xảy đến – sai lầm mà ông Trump đã mắc phải trong nhiệm kỳ của mình.

“Vấn đề không phải là quay lại thời điểm mà ông Trump đã chiến thắng. Vấn đề nằm ở cách mà người lãnh đạo sẽ dẫn dắt nước Mỹ ”, ông Biden nói.

Câu trả lời của cử tri

4 năm trước, cựu Tổng thống Donald Trump mất điểm trước cử tri vì đại dịch Covid-19 đã khiến hơn 1,1 triệu người Mỹ thiệt mạng. Tiếp nhận nước Mỹ từ tay người tiền nhiệm, bản thân Tổng thống Joe Biden cũng phải vật lộn để ngăn chặn sự phát triển của các biến thể mới trong cộng đồng. Cả hai Tổng thống đều gặp khó khăn trước vấn đề kinh tế trong thời kỳ đại dịch. Theo Văn phòng Quản lý và Ngân sách, thâm hụt ngân sách lên tới 3,1 nghìn tỷ USD vào năm 2020 (thời kỳ ông Donald Trump) và gần 2,8 nghìn tỷ USD vào năm 2021 (thời kỳ ông Joe Biden).

Theo chiến lược gia Alex Conant của Đảng Cộng hòa, hai ứng cử viên Tổng thống đều có những mặt tốt và chưa tốt trong thời kỳ nắm quyền của mình: “Không ai đổ lỗi cho ông Trump vì đã để dịch bệnh xảy ra hay ghi công ông vì đã tạo ra loại vắc xin đã chấm dứt đại dịch. Nền kinh tế Mỹ đã hồi phục dưới thời ông Biden nhưng vẫn không đủ để làm hài lòng cử tri”.

“Hầu hết cử tri chưa thể đưa ra câu hỏi rõ ràng cho câu hỏi của ông Trump. Đó là lý do tại sao kết quả của cuộc bầu cử vẫn là một ẩn số”, ông Conant nói thêm.

GIỌT NƯỚC TRÀN LY KHIẾN MỸ MẤT KIÊN NHẪN VỚI ISRAEL

Vụ lính Israel nổ súng khiến hơn 100 dân thường Gaza thiệt mạng hồi tháng hai được cho là "giọt nước tràn ly" khiến ông Biden mất kiên nhẫn với Tel Aviv.

Việc Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu quyết định cử một phái đoàn tới Washington để trình bày với chính quyền Mỹ về kế hoạch mở chiến dịch tấn công vào Rafah, thành trì cuối cùng của Hamas ở Dải Gaza, đang phản ánh tình trạng thực sự của mối quan hệ giữa hai đồng minh thân thiết, khi chiến sự Gaza đã kéo dài hơn 5 tháng.

Thủ tướng Israel thường xuyên hứa hẹn với công chúng về một chiến thắng toàn diện trước Hamas và tự hào về quyền ra quyết định độc lập của Israel, bất chấp căng thẳng với Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Tuy nhiên, ý tưởng về việc Israel có thể tự do hành động mà không có sự trợ giúp, hậu thuẫn của Mỹ đã bị ngoài nghi ngay từ khi Tel Aviv phát động chiến dịch tấn công Gaza hồi tháng 10 năm ngoái.

Tổng thống Biden ban đầu ủng hộ hành động của Israel, nhưng khi thương vong dân thường ở Gaza ngày một cao, ông đã tăng cường sức ép để Thủ tướng Netanyahu sớm chấm dứt chiến dịch và đàm phán một thỏa thuận ngừng bắn.

Ông Biden gần đây phát tín hiệu quyết liệt hơn bằng quyết định thả dù hàng viện trợ vào Dải Gaza và xây dựng một bến tàu nổi nhằm đưa hàng hóa thiết yếu vào khu vực nhanh hơn. Mỹ cũng giảm tốc độ cung cấp vũ khí cho Israel trước làn sóng phản đối ngày càng tăng của công chúng nước này.

Thông điệp ban đầu được Nhà Trắng gửi qua Benny Gantz, Bộ trưởng nội các thời chiến của Israel, người đã đến thăm Washington hồi đầu tháng, với nội dung nhấn mạnh chính quyền Mỹ sẽ không cho phép Israel tiến quân vào thành phố Rafah trong tháng Ramadan của người Hồi giáo, điều có thể gây ra một thảm họa nhân đạo thực sự.

Nhưng lời cảnh báo này dường như đã bị Thủ tướng Netanyahu phớt lờ, khi ông tuyên bố chiến dịch tấn công Rafah sẽ sớm diễn ra. Điều đó đã khiến Mỹ tức giận và quyết định có động thái quyết liệt hơn.

Tổng thống Biden hồi đầu tuần điện đàm với Thủ tướng Netanyahu, yêu cầu Israel cử một phái đoàn tới Washington để thảo luận về chiến dịch tấn công Rafah mà họ dự định tiến hành.

Lãnh đạo Israel quyết định cử Bộ trưởng các Vấn đề Chiến lược Ron Dermer và Cố vấn An ninh Quốc gia Tzachi Hanebbi lên đường vào tuần tới. Tuy nhiên, những người đứng đầu cơ quan quốc phòng Israel chỉ biết về việc này qua thông báo từ Nhà Trắng. Thủ tướng Netanyahu không thông báo cho họ.

Giới quan sát cho rằng việc cử hai quan chức cấp cao tới Washington là động thái xoa dịu của Israel, khi nhận thấy Mỹ đã hoàn toàn mất kiên nhẫn với họ. Những thay đổi cơ bản trong chính sách của Tổng thống Biden với Israel bắt đầu vào cuối tháng hai, sau "giọt nước tràn ly" là vụ hơn 100 thường dân ở Gaza thiệt mạng trong lúc vây quanh một đoàn xe tải viện trợ.

Giới chức Gaza cáo buộc binh sĩ Israel đã nổ súng vào dân thường đang tìm cách tiếp cận đồ viện trợ, gây ra cảnh hỗn loạn, khiến 115 người thiệt mạng và ít nhất 750 người bị thương.

Dù Israel giải thích rằng binh sĩ nước này nổ súng để "vô hiệu hóa mối đe dọa" khi phát hiện nhóm khả nghi tiếp cận lúc đám đông giành giật hàng viện trợ, thảm kịch đã gây phẫn nộ trong dư luận quốc tế và khiến Tổng thống Biden mất kiên nhẫn ngay lập tức.

Kể từ đó, những lời cảnh báo cứng rắn từ Mỹ liên tục được phát đi. Biểu hiện đáng chú ý nhất là phát biểu của lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Chuck Schumer vào tuần trước, khi mô tả Thủ tướng Netanyahu là "trở ngại cho hòa bình" và kêu gọi tổ chức cuộc bầu cử mới ở Israel.

Tuyên bố của Schumer được đánh giá là một đòn giáng vào uy tín của Netanyahu, thậm chí tương đương một lời kêu gọi hạ bệ lãnh đạo này. Tổng thống Biden cho rằng bình luận của ông Schumer là "một bài phát biểu hay".

Theo giới quan sát, thông điệp mà Mỹ đưa ra là họ đã mất kiên nhẫn và đang gây áp lực ngày càng tăng lên Israel nhằm ngăn chặn những hành động tiếp theo của quân đội nước này ở Gaza.

Ảnh hưởng của Mỹ tới Israel đã được nhìn thấy rõ ngay từ đầu cuộc xung đột, khi Tổng thống Biden cảnh báo Tel Aviv không được phép mở ra một mặt trận mới với Iran bằng cách đối đầu Hezbollah, hay thông qua những cuộc họp thường xuyên thảo luận về kế hoạch hành động giữa các quan chức chính quyền với nội các thời chiến Israel. Kể từ đó, mối phụ thuộc của Israel vào Mỹ ngày càng sâu sắc.

Sức ép công khai của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) chống lại chiến dịch tấn công Rafah đã hạn chế đáng kể phương án hành động của Israel.

Cộng đồng quốc tế bày tỏ quan ngại về chiến dịch tấn công Rafah vì hơn 1,5 triệu thường dân Palestine đang tập trung ở đó, trong hoàn cảnh bên bờ vực của một thảm họa nhân đạo.

Công chúng Israel hầu như không biết đến điều này bởi hầu hết các phương tiện truyền thông nhà nước đều hạ thấp cuộc khủng hoảng. Nhưng theo bình luận viên Amos Harel của báo Haaretz, Hamas cũng đang thổi phồng tình hình nhân đạo ở Gaza và nó đang ảnh hưởng đến phản ứng của cộng đồng quốc tế cũng như triển vọng đạt được lệnh ngừng bắn.

Mỹ đang tăng cường gây áp lực để Israel đi đến một thỏa thuận thả con tin kết hợp lệnh ngừng bắn với Hamas. Theo đó, hai bên sẽ ngừng giao tranh 6 tuần, Israel thả gần 1.000 tù nhân Palestine để đổi lấy khoảng 40 con tin đang bị Hamas bắt.

Tuy nhiên, các bên đến nay chưa đạt được bất cứ thỏa thuận nào và thông tin về tiến trình đàm phán ở Doha, thủ đô Qatar, vẫn còn nhiều mâu thuẫn. Điểm sáng là một số thành viên phái đoàn Israel vẫn ở Doha và các cuộc đàm phán vẫn diễn ra cho thấy cơ hội đạt được tiến bộ vẫn còn.

Đây là thứ không có ở các vòng đàm phán trước tại Paris và Cairo, nơi phái đoàn Israel nhanh chóng quay trở về nước mà không đạt được bất kỳ tín hiệu tích cực nào.

Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken hôm 20/3 nói các bên đang tiến gần hơn tới việc đạt thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi con tin, thêm rằng họ chỉ còn chờ sự chấp thuận của Hamas.

Bên quyết định cuối cùng nằm ở Yahya Sinwar, người lãnh đạo Hamas ở Gaza. Có thông tin cho rằng liên lạc với Sinwar đã bị gián đoạn vì ông đang phải lẩn trốn IDF và cơ quan an ninh nội địa Israel Shin Bet.

Theo một số nguồn tin, hồi cuối tháng 11/2023, Sinwar từng mất kiên nhẫn trong việc xử lý các tiểu tiết của cuộc đàm phán và chỉ đơn giản quyết định ủng hộ thỏa thuận mà không lắng nghe thêm bất kỳ lời khuyên nào từ những lãnh đạo Hamas khác. Lần này, điều đó cũng có thể xảy ra, bình luận viên Harel từ báo Haaretz lưu ý.

Nhiều người hy vọng một giải pháp chấm dứt cuộc xung đột ở Gaza có thể đạt được thông qua thỏa thuận giữa Israel và Hamas, trong đó Sinwar và các lãnh đạo Hamas khác sẽ rời khỏi Gaza, đổi lại họ có thể được Israel đảm bảo an toàn.

Nguồn: VTV; VOA; Soha; VOV; Vnexpress

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang