Mỹ: Khủng hoảng dầu đá phiến; Đồng USD khuynh đảo thế giới; Bảo trợ người tị nạn; Trump bỏ đơn kiện; Dừng rút dầu từ kho

THỜI KỲ HOÀNG KIM CỦA DẦU ĐÁ PHIẾN MỸ ĐÃ CHẤM DỨT

(Ảnh minh hoạ).

Công nghệ fracking dùng trong sản xuất dầu đá phiến đã giúp nước Mỹ dẫn đầu trong hệ thống phân phối năng lượng, song ngành khai thác này đang đối mặt nhiều rủi ro.

Trong cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu do ảnh hưởng của chiến sự Ukraine, Mỹ là một trong những bên hưởng lợi lớn nhất.

Sản lượng khí đốt tự nhiên và dầu mỏ vận chuyển từ Mỹ đến châu Âu tăng vọt. Theo công ty dữ liệu OilX, khoảng 500 tàu chở dầu của Mỹ đã đến châu Âu kể từ tháng 2/2022, giúp xuất khẩu dầu thô của nước này đạt mức cao kỷ lục vào năm ngoái.

Cột mốc này đánh dấu đỉnh cao của cuộc cách mạng đá phiến sét kéo dài suốt 15 năm tại Mỹ. Trong đó, công nghệ fracking dùng trong sản xuất dầu đá phiến đã giúp nước Mỹ trở thành nhà sản xuất dầu và khí đốt lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, với những vướng mắc trong kế hoạch tái đầu tư và gia tăng sản lượng, kỷ nguyên đá phiến của Washington sắp kết thúc kéo theo những hậu quả khó lường.

Kỷ nguyên đá phiến

Sự tăng trưởng nhanh chóng của đá phiến sét đã mang lại lợi ích lớn cho nền kinh tế toàn cầu thông qua việc duy trì giá nhiên liệu ở mức thấp, đồng thời giúp Washington “rảnh tay” ứng phó với các đối thủ giàu dầu mỏ - Iran và Venezuela - mà không cần lo ngại tác động kinh tế đối với cử tri trong nước.

Sản lượng dầu đá phiến tăng vọt đã xoa dịu thị trường dầu thô đầy biến động - ngay cả khi Mùa xuân Arab gây bất ổn cho các nhà sản xuất Trung Đông hay xung đột mới nổ ra ở miền Bắc Iraq và bán đảo Arab.

Ông David Goldwyn - cựu cố vấn năng lượng cấp cao của cựu Tổng thống Barack Obama - cho biết thời kỳ hoàng kim của đá phiến “đã đưa Mỹ trở lại vị trí đầu bảng, xét về khía cạnh địa chính trị”.

“Mỹ không còn ở trong tình thế phải lo lắng về nguồn cung dầu hay khí đốt nữa và điều đó giúp họ tự do hành động hơn trong các vấn đề quốc tế”, ông nhận định.

Không nơi nào gói gọn câu chuyện về đá phiến tốt hơn mỏ Bakken ở Bắc Dakota. Trong thập kỷ từ năm 2010 đến 2020, sản lượng dầu của bang này đã tăng vọt hơn 7 lần, chạm mốc gần 1,5 triệu thùng/ngày, nhiều hơn sản lượng của một số thành viên OPEC.

Từ nền kinh tế nông nghiệp ảm đạm, Bắc Dakota đã trở thành một vùng đất giàu năng lượng, biến ông Harold Hamm, 77 tuổi, từ một chủ trang trại thành nhà khai thác dầu nổi tiếng nhất nước Mỹ và là một tỷ phú, theo NBC.

Tuy nhiên, chi phí cao và tình trạng thiếu lao động đang gây khó khăn cho ngành đá phiến. Theo Goldman Sachs, trong những tháng gần đây, ngành khai thác này thiếu khoảng 20.000 lao động, OGV Energy đưa tin.

Hơn nữa, Phố Wall muốn trả lại lợi nhuận cho các nhà đầu tư chứ không phải tiếp tục tái đầu tư vào các giàn khoan mới. Dù giá dầu thô ở mức 80 USD/thùng, cao hơn nhiều so với mức trung bình dài hạn, các nhà sản xuất dầu đá phiến vẫn sợ vung tiền. Và trên hết, các giếng mới đang sản xuất ít dầu hơn.

Scott Sheffield - Giám đốc điều hành của Pioneer Natural Resources, nhà sản xuất đá phiến lớn nhất nước Mỹ - cho biết: “Kỷ nguyên tăng trưởng mạnh mẽ của đá phiến Mỹ đã kết thúc”.

Và điều này có thể phá vỡ trật tự năng lượng toàn cầu. Các nhà phân tích và giám đốc điều hành công ty khai thác nhiên liệu cảnh báo thế giới có thể đang bước vào giai đoạn thị trường dầu mỏ biến động nhiều hơn.

Đây sẽ là một vấn đề lớn với các nước nhập khẩu dầu mỏ, nhưng lại là một kỷ nguyên quyền lực mới với một số nhà cung dầu, đặc biệt là Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và các nước khác trong nhóm OPEC.

Ông Jeff Currie, trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hóa toàn cầu tại Goldman Sachs, cho biết đá phiến từng là công cụ để Mỹ “cạnh tranh với OPEC, tạo ra cái mà chúng ta gọi là “trật tự dầu mới”.

“Ngày nay, tình thế đó đã không còn nữa, buộc chúng ta trở lại ‘trật tự dầu mỏ cũ’ với sự thống trị của OPEC”, ông nói.

Phố Wall chùn bước

Sự sụp đổ giá dầu do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 vào năm 2020 tác động rất lớn đến ngành khai thác chủ chốt của Mỹ, gây ra một làn sóng phá sản đá phiến. Đó là dấu hiệu đầu tiên cho thấy sự bấp bênh của đá phiến sét.

Sản lượng của Bakken đã giảm xuống hơn 1 triệu thùng/ngày và hầu như không phục hồi. Chỉ có 39 giàn khoan hoạt động trên toàn mỏ trong tuần đầu tiên của tháng 1, giảm so với hơn 200 giàn khoan từ một thập kỷ trước.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ dự đoán sau 12 tháng tới, nguồn cung sẽ chỉ tăng 250.000 thùng/ngày - tương đương 2% - không thể theo kịp mức tăng dự báo về nhu cầu dầu mỏ của Mỹ.

Theo Financial Times, nhiều cơn gió ngược chiều đang thổi qua lĩnh vực dầu đá phiến tại Mỹ. Ngay cả ở Permian, khu vực tăng trưởng sản xuất duy nhất trong thời kỳ đại dịch, các nhà khai thác cho biết nhiều năm khai thác tràn lan đã khiến diện tích khoan giếng bị thu hẹp. Các nhà sản xuất lớn nhất ở Permian - gồm Pioneer, Chevron, Devon Energy, ConocoPhillips và một số công ty khác - vẫn nắm giữ một lượng lớn điểm khoan hàng đầu, nhưng các công ty nhỏ hơn đang cạn kiệt.

Không giống như sản xuất dầu thông thường, sản lượng từ các giếng đá phiến mới khoan giảm mạnh sau một năm hoạt động. Vì vậy, để duy trì sản lượng ổn định mỗi năm, các công ty phải tiếp tục khoan thêm giếng.

Trong khi đó, một số chuyên gia nhận định có lẽ trở ngại lớn nhất đối với sự tăng trưởng của ngành dầu đá phiến hiện nay là Phố Wall. Trong thời kỳ hoàng kim, các nhà khai thác liên tục chi vượt dòng tiền, tiêu tốn hàng chục tỷ USD vốn để tài trợ cho hoạt động khoan giếng. Sản lượng tăng vọt, nhưng sự hoang phí đã khiến giới đầu tư chùn bước.

“Chúng tôi đã sản xuất quá nhiều dầu và cạnh tranh với OPEC. Chúng tôi thực sự đã giảm giá 20-30 USD/thùng trong 10 năm qua dẫn đến việc mất toàn bộ cơ sở đầu tư”, ông Sheffield cho biết.

Do đó, các công ty khai thác đang nỗ lực thay đổi từ một ngành dành 100% dòng tiền để tăng trưởng sản xuất sang tái đầu tư chỉ 40-50%, với mục tiêu tăng trưởng 0-5%.

Sau một thập kỷ thua lỗ trong lĩnh vực dầu đá phiến, các nhà đầu tư đang thích thú với mô hình mới, đồng thời cảnh giác với việc đặt cược vào một lĩnh vực có kết quả tồi và một tương lai không chắc chắn khi thế giới hướng tới mục tiêu khử carbon.

Với những diễn biến hiện nay, ông Currie lập luận rằng sự tăng trưởng chậm chạp của đá phiến sét sẽ đưa quyền lực thị trường dầu mỏ và sức mạnh địa chính trị trở lại tay của Saudi Arabia và các đồng minh OPEC+.

Ông giải thích do quá trình khử carbon, các nhà đầu tư không muốn chi tiền cho các dự án dài hạn, tốn kém. Thay vào đó, họ đã chuyển sang cái gọi là các dự án “chu kỳ ngắn”.

“Với việc (ngành dầu đá phiến) Mỹ đang gặp khó khăn. Lựa chọn tốt nhất của các nhà đầu tư chỉ còn là các quốc gia vùng Vịnh ở Trung Đông”, ông nhấn mạnh.

Sự thay đổi này đặt số phận của thị trường dầu thô toàn cầu vào tay các quốc gia mà phương Tây có mối quan hệ không ổn định. Theo giới phân tích, nếu những nhà sản xuất này không tăng sản lượng, cách duy nhất để giải quyết vấn đề giá cao là giảm bớt nhu cầu dầu mỏ, có thể là thông qua suy thoái kinh tế.

(Nguồn: Zing News)

ĐỒNG USD: TỜ GIẤY NỢ KHUYNH ĐẢO THẾ GIỚI CỦA FED

Năm 2022 là một năm "quá khỏe" của đồng USD, nhưng sự thật là đồng tiền này đã mất giá 96% trong hơn 100 năm qua.

Theo tờ Wall Street Journal (WSJ), năm 2022 là năm của đồng USD khi chỉ số WSJ Dollar Index đo lường đồng USD với 16 đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới cho thấy tính đến ngày 28/12/2022, đồng USD đã tăng 8,9% từ đầu năm, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2014. Đồng tiền này đã đạt đỉnh vào cuối tháng 9/2022 và là mức cao nhất kể từ năm 2001.

Trong năm 2022, đồng USD đã san bằng giá trị với đồng Euro vào tháng 7, trong khi đồng Bảng Anh đã xuống mức thấp nhất hơn 200 năm qua vào tháng 9. Đồng Yên Nhật cũng xuống mức thấp nhất so với đồng USD kể từ năm 1990.

Thế nhưng ít ai biết rằng đằng sau đồng tiền này là cả một câu chuyện nợ nần của chính phủ Mỹ cũng như tham vọng khuynh đảo thế giới của nền kinh tế số 1 toàn cầu.

Mất giá

Cách đây 109 năm, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) được thành lập và kể từ đó đến nay, đồng USD đã mất giá đến 96% tính theo sức mua tương đương (Purchasing Power-Lượng hàng hóa/dịch vụ có thể mua được bằng một đơn vị tiền tệ).

Cụ thể, số liệu của Viện doanh nghiệp Mỹ (AEI) cho thấy trong khoảng 1913-2017, sức mua tương đương của đồng USD đã giảm đến hơn 96%. Trong khi đó một nghiên cứu khác thì cho thấy 1 USD năm 1913 tương đương tới 30,07 USD hiện nay nếu so sánh theo sức mua tương đương.

Đồng quan điểm, một biểu đồ minh họa của Visual Capitalist cho thấy vào năm 1933, 1 USD có thể mua được 10 chai bia thì hiện nay người Mỹ may mắn lắm mới có thể mua 1 cốc cà phê nhỏ với chừng đó tiền.

Cũng theo Visual Capitalist, lượng cung tiền M2 ra thị trường Mỹ đã tăng mạnh trong 20 năm trở lại đây, từ mức 4,6 nghìn tỷ USD năm 2000 lên 19,5 nghìn tỷ USD năm 2021. Cuộc khủng hoảng 2008 cùng đại dịch Covid-19 là 2 nguyên nhân chính khiến nước Mỹ bung lượng lớn đồng USD ra nền kinh tế và hậu quả là cả thế giới phải đối mặt với rủi ro lạm phát.

Thậm chí, khoảng 20% lượng cung tiền USD hiện nay, tương đương 3,4 nghìn tỷ USD là được thực hiện vào năm 2020 để chống đại dịch.

Chính vì hậu quả này mà mới đây Bộ trưởng tài chính Janet Yellen, đồng thời cũng là Cựu chủ tịch FED phải cảnh báo Mỹ có khả năng đối mặt nguy cơ vỡ nợ vào ngày 19/1 tới đây khi chỉ còn cách trần nợ công 7,8 tỷ USD.

Trên thực tế, nhiều chuyên gia kinh tế trong 100 năm qua đã chỉ trích FED trong việc khiến đồng USD mất đi vị thế như thời hoàng kim của mình trước đây, khi mà thế giới còn dùng bản vị vàng để neo tỷ giá vào đồng USD Mỹ.

Những tờ giấy nợ

Trước khi bắt đầu cuộc hành trình từ đỉnh vinh quang đến khi mất giá của đồng USD, chúng ta cần hiểu một chuyện là chính phủ Mỹ về bản chất không có quyền phát hành tiền và nó thuộc về FED, một tổ chức tài chính siêu quyền lực của tư nhân do một số tài phiệt sừng sỏ quản lý. Chức Chủ tịch FED mặc dù do Tổng thống Mỹ công bố bổ nhiệm nhưng các ứng viên lại do tổ chức này đề cử và Nhà Trắng hầu như chỉ mang tính thừa nhận.

Bởi FED là một tổ chức tài chính tư nhân có quyền quyết định phát hành tiền nên hầu hết các đời Tổng thống Mỹ đều chấp nhận đề cử những ứng viên được đưa ra, và Nghị viện cũng thường thông qua các đề cử này.

Trên thực tế, FED không phải là nơi in tiền mà Bộ tài chính Mỹ, thế nhưng tổ chức này mới là bên quyết định sẽ cung bao nhiêu tiền ra thị trường chứ không phải chính phủ, Tổng thống Mỹ hay thậm chí là Nghị viện.

Chính phủ Mỹ chỉ chịu trách nhiệm phát hành tiền kim loại dưới 1 USD, còn tiền giấy thực chất chỉ là tờ chứng nhận trao đổi của chính phủ. Cho tới năm 1971 khi chế độ “bản vị vàng” (Gold Standard) chấm dứt, nước Mỹ chỉ còn duy nhất đồng USD do FED phát hành.

Muốn có được tiền giấy USD, Chính phủ Mỹ cần phải đem công trái của người dân thế chấp cho FED, lúc này "phiếu dự trữ liên bang" (Federal Reserve Note) do FED phát hành chính là tiền USD.

Quay ngược dòng lịch sử, Mỹ không phải nước đầu tiên xây dựng hệ thống chính phủ vay tiền từ tổ chức tư nhân như thế này mà mọi chuyện bắt đầu từ 200 năm trước ở Anh.

Năm 1689, vua William đệ nhất lên ngôi tại Anh với ngân khố trống rỗng vì chiến tranh. Trong cảnh túng quẫn, chủ một ngân hàng ở London là W.Paterson đã hiến kế thành lập Ngân hàng trung ương tư nhân đầu tiên trong lịch sử nhân loại.

Cụ thể, ngân hàng sẽ cho nhà vua vay vĩnh viễn 1,2 triệu Bảng Anh với lãi suất 8%/năm và phí quản lý mỗi năm là 4.000 Bảng. Vậy là chính phủ Anh khi đó chỉ mất có 100.000 Bảng mà lại có ngay 1,2 triệu Bảng bỏ túi, thậm chí còn vĩnh viễn không cần thanh toán nợ gốc.

Tất nhiên để đổi lại, các ngân hàng này sẽ có một đặc ăn là độc quyền phát hành tiền giấy, qua đó coi đây như một đồng tiền quốc gia.

Năm 1694, Ngân hàng trung ương tư nhân Anh ra đời. Kể từ đây các khoản nợ của hoàng gia thành nợ của quốc gia và người dân phải đóng thuế để trả nợ cho chủ ngân hàng. Nhà vua chỉ cần đem thuế dân ra thế chấp cho ngân hàng Anh phát hành tiền giấy. Bên nào cũng có lợi khi nhà vua có tiền đem đi đánh nhau mở rộng đế chế tùy thích còn ngân hàng thì được hưởng lãi lớn nhờ quyền phát hành tiền, chỉ mỗi người dân là phải đóng thuế trả đống nợ này.

Khi Châu Mỹ được khai phá và người Châu Âu di cư sang, do thiếu tiền Bảng Anh nên chính quyền thuộc địa đã phát hành tiền giấy pháp định của riêng họ nhằm phát triển kinh tế. Việc thoát ly quyền kiểm soát đã khiến các ông chủ ngân hàng Anh nổi giận, qua đó gây sức ép để Nghị viện Anh thông qua đạo luật tiền tệ cấm thuộc địa Mỹ in tiền riêng. Chính điều này đã vùi dập nền kinh tế Mỹ và trở thành một trong những ngồi nổ dẫn đến cuộc chiến giành độc lập sau đó.

Năm 1787, Hiến pháp Mỹ được ban hành và khẳng định Nghị viện nắm quyền đúc tiền. Thế nhưng Bộ trưởng tài chính đầu tiên của Mỹ lúc đó là Alexander Hamilton lại không đồng tình và lên kế hoạch thành lập Ngân hàng trung ương tư nhân theo mô hình Anh. Điều này đồng nghĩa một tổ chức tư nhân sẽ in tiền cho quốc gia để chính phủ vay lại, qua đó giảm áp lực nợ nần từ cuộc chiến giành độc lập.

Tuy vậy người chấp bút bản Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ, ngài Thomas Jefferson lại kịch liệt phản đối khi cho rằng không thể để các ngân hàng thành chủ nợ của chính phủ cũng như người dân Mỹ cả đời. Vậy là vấn đề được đưa ra Nghị viện để rồi cuối cùng kế hoạch của Hamilton được thông qua.

Mặc dù Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ khi đó là George Washington thừa hiểu Hiến pháp quy định chỉ Nghị viện mới có quyền phát hành tiền tệ nhưng trước lời cảnh báo sụp đổ chính phủ do thiếu tiền từ Hamilton, nhà lãnh đạo này đã thỏa hiệp.

Ngày 25/2/1792, Tổng thống Mỹ ký thành lập Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ thứ nhất (The First Bank of the United States).

Thế nhưng khi Jefferson lên làm Tổng thống thì dự án Ngân hàng trung ương này đã bị buộc đóng cửa vào năm 1811. Bất chấp điều đó, giới chủ ngân hàng vẫn cố gắng thành lập Ngân hàng trung ương lần thứ 2 sau cuộc chiến tranh Anh-Mỹ năm 1812 do chính phủ đang nợ ngập đầu.

Sau đó 37 năm, Tổng thống Mỹ Andrew Jackson đã dùng quyền phủ quyết để đóng cửa Ngân hàng trung ương thứ 2 này bất chấp sự tranh cãi từ Nghị viện.

Nền kinh tế Mỹ có được 80 năm ổn định sau sự đóng cửa của Ngân hàng trung ương thứ 2. Vậy nhưng trận động đất kinh hoàng năm 1906 khiến thị trường tài chính rung chuyển đã khiến nhu cầu thành lập một ngân hàng trung ương Mỹ trỗi dậy.

Năm 1910, sáu vị khách đại diện cho ¼ tổng tài sản toàn cầu lúc đó là là A.P. Andrew - Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, Nhà kinh tế học, xuất thân đại học Harvard; F.A.Vanderlip - Chủ tịch National City Bank; H.P. Davision- nhân vật số 2 của J.P.Morgan & Company; C.D.Norton - Chủ tịch First National Bank; B.Strong - Giám đốc Bankers Trust Company, và người cuối cùng là Paul Warburg, thay mặt đế chế ngân hàng Rothschild lừng lẫy châu Âu, đã bí mật tụ họp trên hòn đảo Jekyll để thành lập nên một ngân hàng trung ương tư nhân mới.

Do từ “ngân hàng trung ương” dễ gây phản cảm từ công chúng và khó lòng thông qua nghị viện nên cái tên “Cục dự trữ liên bang Mỹ” (FED) đã được sử dụng. Chức năng của tổ chức tư nhân này chẳng khác các ngân hàng trung ương trên thế giới là bao, chỉ có điều không có sự can thiệp của chính phủ.

Do sự độc lập của mình nên quyết định của FED không cần sự phê chuẩn của chính phủ, nhưng mỗi năm tổ chức này phải báo cáo nghị viện về chính sách tiền tệ và triển vọng kinh tế 2 lần. Tổ chức này cũng có quyền tự kiểm soát hầu bao của mình nhờ lãi thu được từ những trái phiếu kho bạc và tài sản khác của nó. Riêng trong năm 2018, FED đã lãi tới 102 tỷ USD.

Nhờ được thiết kế thông minh như thế, FED đã được nghị viện Mỹ thông qua và chính thức bước vào hoạt động ngày 25/10/1914.

Khuynh đảo thế giới

Trước khi chế độ “Bretton Woods” sụp đổ thì FED vẫn chưa phải là cơ quan phát hành tiền quyền năng nhất Mỹ do đồng USD lúc đó vẫn có mối liên quan đến vàng. Mỹ đã áp dụng chế độ bản vị vàng (Gold Standard) từ năm 1879 khi mỗi đồng USD phát hành được bảo đảm bằng lượng vàng nhất định.

Sau Thế chiến I, các quốc gia đã cố gắng phục hồi lại hệ thống bản vị vàng nhưng nó đã sụp đổ hoàn toàn trong cuộc Đại khủng hoảng thập niên 1930.

Trong hoàn cảnh đó, 730 đại biểu đến từ 44 quốc gia đã gặp nhau tại Bretton Woods vào năm 1944 để để xây dựng hệ thống tài chính thế giới sau Thế chiến II nhằm tránh nguy cơ tái diễn khủng hoảng kinh tế.

Tại đây, các nước đã thống nhất thành lập ra một hệ thống tài chính được gọi là Bretton Woods - bao gồm Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng thế giới (WB) và chế độ tỷ giá hối đoái cố định được xây dựng quanh đồng USD gắn với vàng.

Do tại thời điểm đó Mỹ chiếm hơn một nửa tiềm năng sản xuất của thế giới và giữ gần như toàn bộ lượng vàng của thế giới nên các nhà lãnh đạo quyết định gắn các đồng tiền thế giới với đồng USD, loại tiền tệ được đồng ý đổi ra vàng ở mức cố định 35 USD/ounce.

Dưới hệ thống Bretton Woods, các ngân hàng trung ương của các nước trừ Mỹ phải có nhiệm vụ duy trì tỷ giá hối đoái cố định giữa các đồng tiền của họ với đồng USD. Họ làm điều này bằng việc can thiệp trực tiếp vào các thị trường ngoại hối. Nếu đồng tiền của một nước quá cao so với đồng USD thì ngân hàng trung ương của nước đó cần phải bán tiền của mình để đổi lấy USD, đẩy giá trị của đồng tiền đó xuống và ngược lại.

Đây được coi là thời kỳ đỉnh cao của đồng USD khi có sức ảnh hưởng mạnh đến toàn bộ nền kinh tế thế giới cũng như thị trường ngoại hối.

Hệ thống Bretton Woods đã kéo dài cho tới năm 1971 rồi sụp đổ. Tại thời điểm đó, lạm phát và thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ gia tăng đã làm suy giảm giá trị đồng USD.

Tháng 2/1965, Tổng thống Pháp Charles De Gaulle đã ra lệnh cho hải quân chở USD sang Mỹ đổi lấy vàng và hàng loạt các nước cũng học tập sau đó.

Động thái này khiến dự trữ vàng của Mỹ suy giảm và làm mất giá thêm đồng USD, buộc Tổng thống Mỹ Richard Nixon quyết định ngừng hoạt động này. Suy cho cùng đồng tiền này cũng chỉ là tấm phiếu nợ và chẳng thể so với vàng. Hậu quả là hàng loạt các nước từ bỏ hiệp định này.

Kể từ khi chế độ Bretton Woods chấm dứt, FED trở thành tổ chức quyền lực nhất thị trường tiền tệ khi không còn mối liên hệ giữa đồng USD với vàng và họ là nơi duy nhất phát hành được loại tiền tệ này.

Với vai trò là nền kinh tế số 1 thế giới, đồng USD của Mỹ được coi là tài sản trú ẩn an toàn của nhiều nhà đầu tư. Thế nhưng trên thực tế đây chỉ là tờ giấy vay nợ của FED và với tình hình tổng nợ ngày một cao của nền kinh tế, liệu đồng tiền này có giữ được sức hút trong năm 2023 hay không vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.

(Nguồn: CafeF)

CHÍNH PHỦ MỸ MỞ CHƯƠNG TRÌNH TÌM KIẾM NGƯỜI BẢO TRỢ NGƯỜI TỊ NẠN

(Ảnh minh hoạ).

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ phát động chương trình mới nhằm tuyển dụng hàng ngàn người Mỹ giúp những người tị nạn thích nghi với cuộc sống mới ở Mỹ. Chương trình Welcome Corps sẽ kết hợp những người tị nạn đã qua thanh lọc với những người Mỹ đã qua sàng lọc, một phần của nỗ lực hiện đại hóa và mở rộng chương trình tái định cư cho người tị nạn tại Mỹ.

Theo đó, công dân Hoa Kỳ hoặc thường trú nhân ghi tên tham gia. Nếu được chấp thuận, các nhóm ít nhất năm người sẽ làm việc để gây quỹ 2.275 đô la bảo lãnh cho một người tị nạn trong ba tháng đầu tiên sau khi họ đặt chân đến Mỹ. Chương trình hướng đến những người tị nạn có ý định định cư lâu dài tại Hoa Kỳ.

Bộ Ngoại giao gọi kế hoạch này là sự thay đổi lớn nhất đối với việc tiếp nhận người tị nạn của Hoa Kỳ trong hơn bốn thập niên, khi Hoa Kỳ bắt đầu làm việc với các tổ chức tư nhân để bảo lãnh cho người tị nạn vào những năm 1980.

Tìm kiếm 10.000 người Mỹ

Mục tiêu của chương trình trong năm đầu tiên là vận động 10.000 người Mỹ bảo trợ cho 5.000 người tị nạn. Bộ cho biết các quan chức đang tìm cách tuyển dụng thành viên của các nhóm tín ngưỡng và dân sự, cựu chiến binh, cộng đồng hải ngoại, doanh nghiệp, các trường cao đẳng và đại học, và các nhóm cộng đồng khác.

Những người bảo trợ sẽ được đào tạo cách đóng vai trò là người hướng dẫn, hàng xóm, bạn bè của người tị nạn. Người tị nạn từ bất kỳ quốc gia nào đều đủ điều kiện.

Bà Julieta Valls Noyes, Trợ lý Bộ trưởng Dân số, Người tị nạn và Di trú, cho biết chương trình sẽ có hai giai đoạn.

Bà nói: “Giai đoạn đầu tiên, các nhóm từ năm người Mỹ trở lên hoặc thường trú nhân hợp pháp có thể ghi tên để thành lập một nhóm bảo trợ tư nhân.” “Khi được chứng nhận, họ sẽ được kết hợp với một người tị nạn đã được chấp thuận cho tái định cư tại Hoa Kỳ.”

Trong giai đoạn thứ hai, dự kiến bắt đầu vào nửa cuối năm 2023, những người Mỹ là thành viên của Welcome Corps sẽ có thể giới thiệu những người tị nạn sống ở hải ngoại tái định cư tại Hoa Kỳ và sau đó hỗ trợ họ khi họ đến nơi. Bộ Ngoại giao cho biết họ sẽ công bố chi tiết về chương trình đó trong năm nay.

Khôi phục Mỹ như một mái ấm an toàn

Các chính sách tiếp nhận người tị nạn của Hoa Kỳ đã vấp phải sự chỉ trích từ các tổ chức tị nạn và các nhóm nhân quyền, dưới chính quyền Trump vốn đã cắt giảm số người tị nạn, và cả dưới chính quyền Biden.

Chính quyền hy vọng chương trình này sẽ dẫn đến việc tiếp nhận nhiều người tị nạn hơn. Năm ngoái, hơn 25.000 người tị nạn đã được nhận vào Hoa Kỳ, chỉ bằng 1/5 so với mục tiêu đã nêu của Tổng thống Joe Biden là tiếp nhận 125.000 người tị nạn.

Ông Biden đã tuyên bố sẽ khôi phục Hoa Kỳ như một nơi an toàn cho những người trên khắp thế giới đang phải đối mặt với bạo lực và đàn áp, đồng thời mở rộng việc nhập cư hợp pháp cho những người tị nạn và di dân có thành viên gia đình hoặc những người khác ở Hoa Kỳ sẵn sàng bảo trợ cho họ.

(Nguồn: VOA)

ÔNG TRUMP BỎ ĐƠN KIỆN SAU CẢNH BÁO SẮC LẠNH CỦA THẨM PHÁN

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút lại đơn kiện 250 triệu USD nhằm vào Tổng chưởng lý bang New York Letitia James, ABC News đưa tin ngày 20-1.

Động thái trên được tiến hành sau khi Thẩm phán liên bang Donald Middlebrooks cảnh báo đội ngũ pháp lý của cựu Tổng thống Trump rằng vụ kiện của họ là "vô nghĩa".

Ông Middlebrooks thông báo cựu Tổng thống Trump đã tự nguyện từ bỏ các yêu cầu của mình trong vụ kiện nhằm vào bà James.

Đơn kiện 250 triệu USD được đệ trình nhằm đáp lại quyết định của bà James, người kiện tập đoàn Trump Organization với cáo buộc gian lận.

Trước đó, vào ngày 19-1, Thẩm phán liên bang John Middlebrooks cũng đã phạt cựu Tổng thống Trump và luật sư của ông, bà Alina Habba, 1 triệu USD vì đơn kiện "vô nghĩa" của họ nhằm vào cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và nhiều người khác.

"Chúng tôi xử lý một vụ kiện mà lẽ ra không bao giờ được khởi xướng, một vụ kiện hoàn toàn vô nghĩa cả về mặt pháp lý và thực tế, với mục đích không tốt" – Thẩm phán Middlebrooks nói.

Đơn kiện của ông Trump cáo buộc bà Clinton cùng 30 người khác gian lận bầu cử tổng thống Mỹ 2016 theo hướng có lợi cho bà Clinton thông qua chiến dịch bôi nhọ ông. Đơn kiện yêu cầu bà Clinton và những người này bồi thường thiệt hại 70 triệu USD cho ông Trump.

Thẩm phán Middlebrooks khẳng định ông Trump cùng đội ngũ luật sư lạm dụng quy trình pháp lý "một cách tinh vi" nhằm trả đũa đối thủ chính trị.

"Ông ấy biết rất rõ tác động từ các hành động của mình... Do đó, tôi thấy rằng cần phạt ông Trump và cố vấn chính của ông ấy, bà Habba" – Thẩm phán Middlebrooks nhấn mạnh.

(Nguồn: Soha)

CHÍNH QUYỀN MỸ NGỪNG RÚT DẦU TỪ KHO DỰ TRỮ CHIẾN LƯỢC

(Ảnh minh hoạ).

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ngừng rút dầu thô từ kho dự trữ dầu mỏ chiến lược, trong bối cảnh chính phủ cố gắng củng cố lại kho dự trữ quốc gia sau khi đã rút hơn 200 triệu thùng trong 14 tháng qua để bơm ra thị trường nhằm duy trì mức giá nhiên liệu thấp đáp ứng nhu cầu của người dân nước này.

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, trong báo cáo lượng hàng tồn kho hằng tuần, công bố hôm 19/1, Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) cho biết số dư dầu thô trong kho dự trữ dầu mỏ chiến lược của Mỹ vào cuối tuần kết thúc ngày 13/1 là 371,6 triệu thùng, không thay đổi so với tuần trước đó. Mức giảm bằng 0 trong tuần trước đã khép lại một chương lịch sử khi khoảng 220 triệu thùng dầu được rút từ kho dự trữ khẩn cấp kể từ tháng 11/2021 để bổ sung dầu thô cho thị trường và kéo giá xăng giảm xuống.

Trước khi diễn ra những đợt bơm dầu ra thị trường, lượng dầu trong kho dự trữ chiến lược của Mỹ ở mức xấp xỉ 600 triệu thùng. Tuy nhiên, EIA cho biết lượng dầu dự trữ hiện tại chỉ khoảng hơn 370 triệu thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 12/1983.

Có thời điểm, chính quyền rút tới 8 triệu thùng dầu mỗi tuần từ kho dự trữ. Việc rút dầu thô khỏi kho dầu dự trữ chiến lược của Mỹ, cùng với các diễn biến khác trên thị trường toàn cầu, đã bổ sung đáng kể vào nguồn cung dầu quốc tế trong năm qua, giúp giảm giá dầu thô từ mức cao hơn 130 USD/thùng vào đầu tháng 3/2022 - ngay sau khi chiến sự ở Ukraine bùng nổ và các lệnh trừng phạt sau đó đối với mặt hàng dầu thô của Nga, xuống dưới 90 USD/thùng vào tháng 8/2022.

Chiến lược này đã phát huy hiệu quả khi giá xăng đã giảm xuống dưới 3 USD/gallon (1 gallon = 3,78 lít) tại một số bang ở Mỹ vào cuối năm ngoái từ mức cao kỷ lục vào giữa tháng 6 là 5 USD/gallon khi các đợt bơm dầu từ kho dự trữ quốc gia đã đảm bảo nguồn cung cho thị trường dầu thô trong nước. Trang web của Hiệp hội ô tô Mỹ (AAA) ngày 19/1 cho biết giá xăng tại các trạm bơm của Mỹ hiện trung bình là 3,38 USD/gallon.

Việc ngừng rút dầu khỏi kho dự trữ quốc gia diễn ra sau khi chính quyền Mỹ công bố vào cuối năm ngoái rằng họ đang giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn dự trữ và chuẩn bị bổ sung cho các kho chứa. Hiện chính quyền Biden đang đàm phán với các công ty năng lượng của Mỹ để nhập hàng bổ sung cho kho dầu dự trữ, bắt đầu với mức giá cơ bản là 70 USD/thùng. Tuy nhiên, với việc giao dịch dầu thô của Mỹ ở mức trên 81 USD/thùng vào ngày 19/1, các công ty này có thể sẽ tìm cách yêu cầu mức giá hời hơn, dẫn đến việc bổ sung cho kho dự trữ bị chậm trễ.

(Nguồn: Báo Tin Tức)

(Xem thêm:

=> Mỹ: Vụ hàng không tê liệt; Nguy cơ 'vỡ nợ'; Bài toán của FED; Trump bị phạt 1 triệu USD; Cảnh báo TQ về Ukraine ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang