Mỹ: Vụ hàng không tê liệt; Nguy cơ 'vỡ nợ'; Bài toán của FED; Trump bị phạt 1 triệu USD; Cảnh báo TQ về Ukraine

NHÂN VIÊN XÓA NHẦM TẬP TIN KHIẾN MẠNG LƯỚI HÀNG KHÔNG MỸ TÊ LIỆT

(Ảnh minh hoạ).

Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) thông báo sự cố khiến mạng lưới hàng không nước này tê liệt vào ngày 11.1 là do một nhân viên xóa nhầm tập tin trên hệ thống máy tính chủ chốt.

Hôm 11.1, một trục trặc trong hệ thống máy tính khiến hơn 11.000 chuyến bay tại Mỹ bị hoãn hoặc hủy. Kết quả điều tra sơ bộ của FAA được công bố ngày 19.1 cho thấy một nhân viên hợp đồng của cơ quan đã “vô tình xóa tệp tin” trên hệ thống máy tính chủ chốt dẫn đến sự cố, theo Reuters hôm nay.

FAA nói rằng vấn đề xảy ra khi nhân viên nói trên khắc phục việc đồng bộ hóa giữa cơ sở dữ liệu gốc và cơ sở dữ liệu dự phòng. FAA đến nay không tìm thấy bằng chứng về một cuộc tấn công mạng hay hành động có ý đồ xấu.

Tuần trước, FAA nói rằng đã xảy ra lỗi quy trình liên quan đến một tập tin dữ liệu gây ra sự cố trong Hệ thống Điện văn thông báo hàng không (NOTAM). NOTAM là hệ thống cung cấp thông báo an toàn quan trọng cho phi công, phi hành đoàn và những đầu mối khác trong không phận Mỹ.

Sự cố xảy ra vào ngày 10.1 nhưng FAA ra lệnh ngừng bay vào sáng ngày 11.1. Đó là lần đầu tiên từ vụ khủng bố ngày 11.9.2001, toàn bộ các chuyến bay khởi hành tại Mỹ bị ngừng hoạt động.

FAA nói đã có những khắc phục cần thiết nhằm giúp tăng khả năng chống chịu của hệ thống. Hơn 120 nghị sĩ đã tỏ thái độ bất bình với FAA về sự cố và yêu cầu cơ quan này giải trình.

Quyền lãnh đạo FAA Billy Nolen dự kiến có buổi báo cáo trực tuyến với các nghị sĩ trong ngày 20.1 về những thông tin liên quan sự việc trên.

(Nguồn: Thanh Niên)

NỀN KINH TẾ LỚN NHẤT THẾ GIỚI ĐÃ HẾT KHẢ NĂNG VAY THÊM TIỀN, BẾ TẮC ĐẢNG PHÁI THỔI BÙNG LO NGẠI “VỠ NỢ”

Chính phủ Mỹ đã đạt giới hạn vay 31,4 nghìn tỷ USD vào ngày 19/1 trong bối cảnh Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát đang đối đầu với Tổng thống Joe Biden và những người Dân chủ về kế hoạch nâng trần nợ.

Điều này có thể dẫn tới khủng hoảng tài chính sau vài tháng.

Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã thông báo với các nhà lãnh đạo Quốc hội, bao gồm Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, về việc cơ quan của bà đã phải bắt đầu sử dụng các biện pháp quản lý tiền mặt “phi thường” để có thể ngăn chặn tình trạng vỡ nợ cho đến ngày 5/6 - dấu mốc mà chính bà Yellen cũng không thể tự tin chắc chắn.

Đảng Cộng hòa, những người đang chiếm đa số ở Hạ viện Mỹ, không có ý định nâng trần nợ cho Chính phủ. Họ cũng sẵn sàng chờ tới khi các biện pháp khẩn cấp của Bộ Tài chính Mỹ không thể cầm cự được nữa nhằm buộc Chính quyền ông Biden và Thượng viện do người Dân chủ chiếm đa số phải cắt giảm các kế hoạch chi tiêu.

Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp và ít nhất một cơ quan xếp hạng tính dụng đã cảnh báo tình trạng vỡ nợ của Chính phủ Mỹ có thể làm rung chuyển thị trường và gây bất ổn cho nền kinh tế toàn cầu, vốn đã khá yếu ớt.

Bà Yellen đã kêu gọi Quốc hội Mỹ hành động kịp thời để ngăn nước Mỹ vỡ nợ, nhằm bảo vệ niềm tin và uy tín của nước Mỹ. Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy các bên có ý định nhượng bộ.

Hiện tại, đảng Cộng hòa đang cố gắng sử dụng lợi thế đa số trong Hạ viện và trần nợ công để buộc Chính phủ của ông Biden phải cắt giảm các chương trình chi tiêu. Họ cũng lập luận rằng Bộ Tài chính có thể tránh vỡ nợ trong thời gian bế tắc bằng cách ưu tiên thanh toán nợ. Ý tưởng này không phải là mới, từng được đưa ra trong những cuộc đối đầu trước đây nhưng các chuyên gia tài chính luôn tỏ ra nghi ngờ về tính khả thi của nó.

“Sẽ không có cuộc đàm phán nào về trần nợ. Quốc hội sẽ phải quyết vấn đề này vô điều kiện như những gì họ đã làm dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump”, Phó thư ký báo chí Nhà Trắng Olivia Dalton cho biết.

Những gì đang diễn ra làm dấy lên mối lo ngại ở Washington và phố Wall về một cuộc chiến căng thẳng xung quanh trần nợ trong năm nay với khả năng gây xáo trộn như cuộc chiến tương tự vào năm 2011, khiến xếp hạng tín dụng của Mỹ bị đánh tụt và nhiều năm cắt giảm chi tiêu quốc phòng và các lực lượng quân sự trong nước.

Tuy nhiên, Moody lại tin rằng Quốc hội có thể đạt thỏa thuận để ngăn chặn vỡ nợ nhưng các cuộc đàm phán sẽ sóng gió và gây tác động tới thị trường.

“Chúng ta sẽ không vỡ nợ. Chúng ta có khả năng quản lý khoản vay và lãi suát của mình. Tuy nhiên, chúng ta không nên tăng trần nợ một cách mù quáng”, Hạ nghị sĩ Chip Roy nói với Reuters.

Lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell cũng tin rằng trần nợ sẽ được dỡ bỏ vào khoảng nửa đầu năm 2023 nhưng Quốc hội và Nhà Trắng sẽ phải thương lượng với nhau để có thể đạt được điều đó.

“Điều quan trọng cần nhớ là nước Mỹ không bao giờ được phép vỡ nỡ. Quốc gia này chưa bao giờ và sẽ không bao giờ vỡ nợ”, ông McConnell cho biết.

(Nguồn: CafeF)

BIẾN SỐ TỪ TRUNG QUỐC TRONG BÀI TOÁN CỦA FED

(Ảnh minh hoạ).

Việc Trung Quốc mở cửa trở lại có thể kéo giá hàng hóa và lạm phát lên cao. Điều này khiến bài toán của Fed càng trở nên hóc búa.

Theo CNBC, việc Bắc Kinh chấm dứt các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt sẽ đẩy nhanh quá trình phục hồi của nền kinh tế thứ 2 thế giới. Sự bùng nổ về nhu cầu có khả năng kéo theo lạm phát. Đó là tin xấu với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Các dữ liệu kinh tế chỉ ra hàng loạt đợt tăng lãi suất mạnh tay của Fed đã kéo lạm phát tại Mỹ đi xuống. Nhưng nhu cầu của Trung Quốc có thể đẩy giá hàng hóa lên cao, thậm chí trở về mức giá hồi đầu năm 2022. Đó là thời điểm ngân hàng trung ương Mỹ bắt đầu chu kỳ tăng lãi suất.

"Chúng tôi cho rằng một Trung Quốc khỏe mạnh hơn có khả năng cao tạo ra một Fed diều hâu hơn", ông Tavis McCourt - chiến lược gia tại Raymon James - bình luận.

Trung Quốc mở cửa trở lại

Theo ông, nếu sự mở cửa trở lại của Trung Quốc đẩy giá hàng hóa sát với hồi đầu năm ngoái, vị thế của Fed trong cuộc chiến chống lạm phát sẽ bấp bênh hơn nhiều.

Ông McCourt cho rằng các hoạt động kinh tế tại Trung Quốc sẽ phục hồi và kéo nhu cầu đối với nhiều loại hàng hóa đi lên.

"Người tiêu dùng được ra khỏi căn hộ của họ và đi lại nhiều hơn. Nhu cầu về xăng và nhiên liệu máy bay do đó sẽ gia tăng", ông lập luận.

Vị chuyên gia tin rằng nhu cầu "sẽ quay lại rất nhanh". Trên thực tế, giá hàng hóa đã tăng đáng kể từ tháng 12 năm ngoái. Đó là thời điểm Trung Quốc công bố kế hoạch dỡ bỏ các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhất.

Trên Sàn giao dịch Kim loại London sáng 19/1, giá đồng kỳ hạn 3 tháng ở mức 9.436 USD/tấn, tăng khoảng 12,5% kể từ đầu tháng. Giá nhôm cũng tăng 11,7% trong tháng 1.

"Giá nhôm đã bùng nổ trong vài tháng qua do những suy đoán liên quan tới việc Trung Quốc mở cửa trở lại", bà Timna Tanners - Giám đốc điều hành của Wolfe Research - nói với CNBC.

"Chúng tôi đặt nghi vấn về tính bền vững, nhưng rất khó để phủ nhận đà tăng này diễn ra trong quá trình mở cửa giao thương trở lại", bà nhận định.

Trên thực tế, các quan chức Fed đã lo ngại sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc là lực cản đối với nỗ lực kìm hãm lạm phát của Washington.

Chủ tịch Fed St. Louis James Bullard cảnh báo việc Trung Quốc mở cửa trở lại, cùng với nguy cơ suy thoái của châu Âu giảm đi, có khả năng tiếp nhiệt lượng cho lạm phát.

Bài toán khó giải

"Trung Quốc đã từ bỏ chính sách Zero-Covid và đang hướng tới việc mở cửa trở lại sớm hơn dự kiến", ông Bullard lập luận. Vị quan chức cho rằng các thị trường hàng hóa do đó sẽ đi lên.

"Tôi lo ngại điều đó sẽ dẫn tới áp lực gia tăng đối với lạm phát nói chung. Đó là rủi ro mà chúng ta cần tính tới khi hoạch định chính sách tiền tệ", ông Bullard cảnh báo.

Các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt tại Trung Quốc từng giúp kìm hãm giá dầu thế giới, vốn đã tăng cao vì nguồn cung bị thu hẹp. Nhưng điều này có thể đảo ngược trong năm nay.

Trên thực tế, nền kinh tế hàng đầu thế giới đã phát đi dấu hiệu hạ nhiệt của lạm phát. Điều này có thể cho phép Fed giảm tốc độ tăng lãi suất.

Các dữ liệu mới nhất cho thấy doanh số bán lẻ tại Mỹ giảm mạnh hơn dự kiến trong tháng 12/2022. Còn chỉ số giá sản xuất lao dốc chưa từng thấy kể từ tháng 4/2020.

Theo dữ liệu trước đó, trong tháng 12 năm ngoái, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ đã ghi nhận mức giảm hàng tháng mạnh nhất kể từ đầu đại dịch, và mức tăng hàng năm thấp nhất trong hơn một năm.

Theo tính toán của CME Group, các nhà đầu tư tin rằng khả năng Fed tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm lên tới 94,3%.

Các nhà giao dịch trên thị trường kỳ hạn dự báo Fed sẽ đẩy lãi suất điều hành lên 4,75-5% vào giữa mùa hè, rồi cắt giảm 0,5 điểm phần trăm cuối năm nay.

Còn theo Morgan Stanley, việc Trung Quốc mở cửa trở lại có thể làm gia tăng sức ép lạm phát. Nhưng tác động lan tỏa tới nền kinh tế toàn cầu sẽ không quá lớn.

"Sự phục hồi của Trung Quốc được thúc đẩy bởi tiêu dùng thay vì đầu tư. Do đó, tác động lan tỏa đối với lạm phát trong phần còn lại của khu vực sẽ khá hạn chế", đội ngũ chuyên gia của ngân hàng đầu tư nhận định.

(Nguồn: Zing News)

ÔNG TRUMP BỊ PHẠT GẦN 1 TRIỆU USD VÌ VỤ KIỆN BÀ HILLARY CLINTON

Một thẩm phán Liên bang Mỹ đã yêu cầu cựu Tổng thống Donald Trump và luật sư của ông trả hơn 937.000 USD tiền phạt vì vụ kiện chống cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton.

Hãng Reuters và CNBC đưa tin, Thẩm phán Middlebrooks thuộc tòa án ở quận phía nam Florida, người đã bác đơn kiện của ông Trump hồi tháng 9/2022, cho biết việc trừng phạt trên là xác đáng vì cựu Tổng thống đã "lạm dụng tòa án để thúc đẩy chương trình nghị sự chính trị của bản thân".

Thẩm phán Middlebrooks nói: "Chúng tôi phải đối mặt với một vụ kiện lẽ ra không bao giờ nên được trình lên, một vụ kiện hoàn toàn phù phiếm, cả về mặt thực tế lẫn pháp lý, và được đưa ra vì mục đích không thích hợp".

Ông Trump kiện bà Hillary Clinton và 30 người khác âm mưu thêu dệt một câu chuyện sai sự thật trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016, rằng ông và bộ máy chiến dịch tranh cử của ông thông đồng với Nga nhằm giành thắng lợi trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Cựu Tổng thống Mỹ đòi bồi thường thiệt hại 70 triệu USD.

Trong quyết định đưa ra ngày 19/1, Thẩm phán Middlebrooks lưu ý: "Ông Trump biết rõ tác động của các hành động của mình... Do đó, tôi thấy nên áp dụng các biện pháp trừng phạt ông Trump và cố vấn pháp lý chính của ông ấy, bà Alina Habba".

Theo lệnh của tòa án, ông Trump và bà Habba phải chịu trách nhiệm chung về tổng số tiền trừng phạt mà thẩm phán đưa ra để trang trải án phí và phí luật sư của phía bị cáo là 937.989,39 USD. Số tiền phạt này thấp hơn khoảng 120.000 USD so với con số mà các bị cáo nêu ra.

Hiện cả ông Trump và bà Alina Habba đều chưa bình luận gì về thông tin trên.

Cựu Tổng thống Donald Trump, đảng viên Cộng hòa, đã tái tranh cử trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 nhưng bị ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden đánh bại. Kể từ đó, ông Trump thường xuyên đưa ra các cáo buộc rằng có nhiều gian lận trong cuộc bầu cử.

(Nguồn: Vietnamnet)

MỸ CẢNH BÁO TRUNG QUỐC LẰN RANH ĐỎ TRONG CUỘC CHIẾN UKRAINE

(Ảnh minh hoạ).

Hoa Kỳ cảnh cáo Trung Quốc chớ hỗ trợ vật chất và an ninh cho Nga trong cuộc chiến tranh Moscow gây ra trên đất Ukraine, vạch ra ranh giới đỏ của Washington trước chuyến thăm của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken tới Bắc Kinh vào đầu tháng tới.

Hôm 17/1, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ chuyên trách về Trung Quốc Michael Chase đã trao đổi với ông Song Yanchao, phó giám đốc Văn phòng Hợp tác Quân sự Quốc tế của Quân ủy Trung ương Trung Quốc, một quan chức Hoa Kỳ cho VOA biết với điều kiện ẩn danh.

Các cuộc thảo luận giữa quân đội đôi bên trong tuần này diễn ra giữa lúc Hoa Kỳ đang theo dõi chặt chẽ bất kỳ quyết định nào của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nhằm đáp ứng các yêu cầu hỗ trợ an ninh của Nga. Quan chức Mỹ vừa kể lưu ý các báo cáo về nhiều chuyến thăm của máy bay vận tải Nga tới Trung Quốc.

“Tôi không có đánh giá mới để đưa ra,” phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói với VOA vào tuần trước khi được hỏi liệu Washington có còn đánh giá rằng Bắc Kinh không hỗ trợ an ninh cho Nga hay không.

“Nếu chúng tôi thấy CHND Trung Hoa có hành động hỗ trợ một cách có hệ thống giúp Nga né tránh các chế tài, tất nhiên họ sẽ phải trả giá,” ông Price cảnh cáo.

Cuộc trao đổi kéo dài hai giờ hôm 17/1 diễn ra sau khi Trung Quốc từ chối lời đề nghị của Hoa Kỳ về các cuộc thảo luận giảm xung đột quân sự giữa Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa hồi đầu tháng này.

Trong cuộc họp báo tại Bộ Ngoại giao sau cuộc thảo luận 2+2 giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản vào tuần trước, ông Austin cho biết ông đã yêu cầu người đồng cấp Trung Quốc tương nhượng và giữ “đường dây liên lạc cởi mở” để tránh tính toán sai lầm.

Ông Ngụy sẽ nghỉ hưu vào tháng Ba. Ông Lý Thượng Phúc, một thành viên mới của Quân ủy Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc được xem là bộ trưởng quốc phòng tiếp theo của CHND Trung Hoa.

Ông Lý đã bị chính phủ Hoa Kỳ chế tài vào năm 2018 do Trung Quốc mua máy bay chiến đấu và hệ thống phi đạn tiên tiến của Nga. Nhưng các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ sẽ không ngăn ông Lý tổ chức các cuộc gặp chính thức với các quan chức Mỹ, theo một quan chức Bộ Ngoại giao.

Trong cuộc trao đổi hôm 17/1, quan chức Hoa Kỳ nói với VOA rằng Trung Quốc cũng bày tỏ quan ngại về chuyến thăm khả dĩ tới Đài Loan của tân Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Kevin McCarthy. Ông McCarthy năm ngoái tuyên bố sẽ đến thăm Đài Loan nếu trở thành chủ tịch Hạ viện, một động thái sẽ khiến Trung Quốc tức giận.

Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền đối với Đài Loan dân chủ tự trị, một yêu sách bị Đài Loan bác bỏ.

Các nhà ngoại giao và quan chức quân sự Hoa Kỳ đã chỉ ra rằng Hạ viện hoạt động độc lập với chính quyền Biden và cảnh báo Trung Quốc chớ có phản ứng thái quá gần Eo biển Đài Loan mà có thể dẫn đến một tai nạn quân sự “ngoài ý muốn”.

Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định: “Chúng ta không thể để chính sách đối ngoại của mình làm con tin cho những điều mà Trung Quốc có thể hoặc không thể làm.”

(Nguồn: VOA)

(Xem thêm:

=> Mỹ: Hỗ trợ người di cư; Khủng hoảng ở Nhà Trắng; Dịu giọng với TQ; Rút kho đạn tại Israel; Tạo khoảng trống trật tự thế giới ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang