Mỹ: Dấu hỏi tương lai Tesla; Siết đạo luật 'mua hàng Mỹ'; Mike Pence từ bỏ Trump; Khó cạnh tranh ở Bắc Cực; Trừng phạt Iran

TƯƠNG LAI THIẾU CHẮC CHẮN CỦA TESLA

Hãng xe điện Tesla từng được coi là tương lai của ngành ôtô, nhưng triển vọng của họ hiện bị nghi ngờ.

Chốt phiên giao dịch 14/3, cổ phiếu Tesla hạ 4%, về 162 USD. Mã này giảm liên tục từ đầu tháng 3. Tổng cộng từ đầu năm, cổ phiếu hãng xe điện này giảm gần 35% - tệ nhất trong chỉ số S&P 500.

Lý do, vài tháng qua, Tesla quay cuồng trong các vấn đề về an toàn và thu hồi xe. Họ cũng ghi nhận tăng trưởng chậm lại và buộc phải hạ giá sản phẩm. Hôm 13/3, báo cáo mới của Colin Langan - nhà phân tích tại Wells Fargo còn hé lộ bức tranh u ám hơn dự báo.

"Tesla thuộc nhóm cổ phiếu tăng trưởng, nhưng mọi thứ đang ngược lại", ông viết.

Langan dự báo tăng trưởng của hãng xe điện này vẫn đi ngang trong năm nay, sau đó giảm vào 2025, do cạnh tranh tăng và tốc độ giao hàng không như kỳ vọng. Hãng sẽ phải hạ giá sản phẩm thêm nữa.

Ngân hàng UBS (Thụy Sĩ) tuần này cũng hạ dự báo giá cổ phiếu Tesla. Các nhà phân tích tại đây giải thích nguyên nhân là nhu cầu xe điện đang chậm lại và các đối thủ Trung Quốc dần chiếm thị phần lớn hơn trên toàn cầu.

Hồi tháng 1, Tesla cảnh báo tăng trưởng doanh số bán xe năm nay "chậm lại đáng kể" so với 2023. Nguyên nhân là họ đang nghiên cứu ra mắt một mẫu xe thế hệ mới.

Trừ hãng xe của tỷ phú Elon Musk, các công ty còn lại trong nhóm vốn hóa lớn trên sàn chứng khoán Mỹ (gồm Apple, Amazon, Meta, Google, Nvidia và Microsoft) đều ghi nhận mức tăng lợi nhuận quý cuối năm ngoái lên đến 3 chữ số. Ngược lại, lợi nhuận của Tesla quý trước chủ yếu có được nhờ khoản giảm trừ thuế lớn. Biên lãi gộp mảng xe hơi của họ (đã trừ lãi từ bán tín chỉ carbon), là 17,2%, kém xa các năm trước.

Tesla đang đối mặt nhiều thách thức khi thị trường xe điện ngày càng thêm nhiều đối thủ. Mặt khác, các yếu tố nền tảng của công ty này cũng bị giới phân tích ngờ vực. Cổ phiếu Tesla đã giảm khoảng 60% so với đỉnh lịch sử năm 2021.

Langan cho rằng xu hướng tăng trưởng nhanh của Tesla trước đây đang dần biến mất. Giá cổ phiếu có thể còn tiếp tục giảm, về 125 USD tới đây, theo Wells Fargo.

NHÀ TRẮNG THẮT CHẶT ĐẠO LUẬT 'MUA HÀNG MỸ'

Theo insidetrade.com, Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục thắt chặt đạo luật "Mua hàng Mỹ" trong các dự án hạ tầng.

Cơ quan quản lý đường cao tốc liên bang (FHWA) mới đây đã đề xuất dừng các miễn trừ đã được áp dụng trong 4 thập kỷ qua, có nghĩa là có thể không cần nhập khẩu các sản phẩm cũng được sản xuất tại Mỹ trong các dự án đường cao tốc.

Các sản phẩm cho đường cao tốc được sản xuất tại Mỹ có quá ít. Do đó, chính quyền Mỹ đã đưa ra các miễn trừ, cho phép các dự án đường cao tốc của Mỹ trong nhiều thập kỷ nhập khẩu các sản phẩm từ các nước khác.

Tuy nhiên, gần đây, chính quyền của Tổng thống Biden đã cam kết thắt chặt các quy định theo đạo luật "Mua hàng Mỹ" nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước. FHWA đưa ra đề xuất xóa bỏ các miễn trừ nhằm tăng cường sử dụng các sản phẩm được sản xuất tại Mỹ. Đề xuất của FHWA được đưa ra sau khi thu thập ý kiến công chúng về việc nên tiếp tục hay dừng các miễn trừ. FHWA cho biết phần lớn các ý kiến ủng hộ việc dừng các miễn trừ này.

Cơ quan này đề xuất các sản phẩm sản xuất trong nước cần tuân thủ theo định nghĩa trong đạo luật "Xây dựng Mỹ, mua hàng Mỹ". Theo đó, một sản phẩm được coi là đủ tiêu chuẩn sản xuất tại Mỹ nếu các thành phần được khai thác, sản xuất hoặc chế tạo tại Mỹ chiếm hơn 55% tổng chi phí của các cấu phần.

Các bên liên quan sẽ có 60 ngày kể từ ngày 12/3 để gửi các ý kiến đối với đề nghị của FHWA. Một số nhóm ủng hộ quyền của người lao động và sản xuất, như Liên minh sản xuất Mỹ và nghiệp đoàn ngành thép United Steelworkers, đã hoan nghênh đề nghị của FHWA, cho rằng đây sẽ là một quyết định đột phá, thúc đẩy sản xuất tại Mỹ.

CỰU PHÓ TT PENCE NÓI SẼ KHÔNG ỦNG HỘ SẾP CŨ TRUMP TRONG CUỘC BẦU CỬ MỸ NĂM 2024

Ông Mike Pence, từng giữ chức phó tổng thống dưới thời ông Donald Trump trong 4 năm, nói hôm thứ Sáu 15/3 rằng ông sẽ không ủng hộ người sếp cũ của mình trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11.

Ông Pence, người đã chấm dứt cuộc vận động tranh cử tổng thống năm 2024 của chính ông trong bối cảnh các cuộc thăm dò dư luận mang lại kết quả ảm đạm, nói với Fox News: “Hẳn là không có gì đáng ngạc nhiên khi tôi sẽ không ủng hộ ông Donald Trump trong năm nay”.

Ông Trump trong tuần này đã đạt được đủ số đại biểu để được đảng Cộng hòa đề cử làm ứng cử viên chính thức, xét theo các tính toán lý thuyết, và sẽ tái đấu trong cuộc tổng tuyển cử với Tổng thống Joe Biden thuộc đảng Dân chủ vào ngày 5/11.

Ông Pence phục vụ ông Trump một cách trung thành nhưng đã công khai đoạn tuyệt với cựu tổng thống thuộc đảng Cộng hòa vì ông ấy có vai trò trong vụ bạo loạn ngày 6/1/2021 tại Điện Capitol tức tòa nhà quốc hội của Mỹ, do những người ủng hộ Trump gây ra.

Vào ngày hôm đó, ông Pence, với tư cách là phó tổng thống, giữ vai trò là chủ tịch Thượng viện Hoa Kỳ, mang tính nghi thức. Ông đã giám sát quá trình chứng nhận chiến thắng của ông Biden trước ông Trump trong cuộc bầu cử năm 2020.

Ông từ chối làm theo chỉ thị của ông Trump là phải trì hoãn hoặc tạm dừng việc chứng nhận, dẫn đến những lời chỉ trích đầy giận dữ của ông Trump trong lúc bạo động diễn ra. Một số người tham gia bạo loạn đã hét: “Hãy treo cổ Mike Pence”.

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống của mình, ông Pence nói rằng tính mạng của ông bị đe dọa vào ngày hôm đó và ông kêu gọi các cử tri trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa hãy không bầu chọn ông Trump làm ứng cử viên chạy đua vào Nhà Trắng năm nay. Ông Pence đã chấm dứt nỗ lực tranh cử bên đảng Cộng hòa vào tháng 10/2023 trước khi có bất kỳ cuộc bỏ phiếu sơ bộ nào được tiến hành.

MỸ THỪA NHẬN KHÓ CẠNH TRANH VỚI NGA Ở BẮC CỰC DO THIẾU TÀU PHÁ BĂNG

Quân đội Mỹ không có tàu phá băng để cạnh tranh với Nga ở Bắc Cực.

Theo mạng tin Business Insider ngày 15/3, Nga đang bỏ xa Mỹ về số lượng tàu phá băng sẵn sàng cho các hoạt động ở Bắc Cực.

Tướng Không quân Mỹ Gregory Guillot, chỉ huy NORTHCOM (Bộ Tư lệnh phía Bắc và Bộ Tư lệnh Phòng thủ Hàng không Vũ trụ Bắc Mỹ), cho biết Mỹ hiện thực sự chỉ có một tàu phá băng hạng nặng cho các hoạt động ở Bắc Cực, trong khi Nga có khoảng 40 tàu. Ông Guillot cảnh báo về khả năng cơ động hạn chế của Mỹ trong khu vực do thiếu tàu phá băng.

Phát biểu trong phiên điều trần của Ủy ban Quân lực Mỹ, Tướng Guillot nêu rõ: “Chúng tôi đánh giá cao việc Lực lượng Bảo vệ Bờ biển đang mua thêm tàu phá băng, nhưng ngay cả với những phương tiện đó, chúng ta cũng vẫn bị bỏ xa về số lượng. Điều đó hạn chế khả năng hoạt động của chúng ta trong khu vực đó".

Tàu phá băng là loại tàu chuyên dụng, có thân tàu chắc chắn, công suất hoạt động mạnh để vượt qua lớp băng dày một cách hiệu quả, tăng khả năng tiếp cận các tuyến đường thủy chiến lược và dọn đường cho các tàu khác.

Mỹ hiện chỉ có một tàu phá băng hạng nặng là USCGC Polar Star và một tàu phá băng hạng trung Healy.

Thượng nghị sĩ Mỹ Angus King cũng bày tỏ lo ngại trong phiên điều trần về số lượng hạn chế của tàu phá băng và kêu gọi quân đội Mỹ đừng chờ đợi để xây dựng hệ thống phòng thủ ở Bắc Cực khi Nga tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực.

Nga đã triển khai các tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân có tên Arktika và Sibir, được coi là tàu phá băng lớn nhất và mạnh nhất trên thế giới.

Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ có cảnh báo về việc thiếu tàu phá băng. Mùa thu năm ngoái, Mỹ đã xác nhận bị Nga bỏ xa về tàu phá băng và các nghị sĩ nước này xác định rằng đầu tư vào Lực lượng Bảo vệ Bờ biển là rất quan trọng để duy trì động lực ở Bắc Cực.

Thượng nghị sĩ Dan Sullivan cho biết vào thời điểm đó: "Chúng ta cần đảm bảo rằng Mỹ đang nỗ lực thu hẹp khoảng cách rất lớn về tàu phá băng. Ngay cả năng lực tàu phá băng của Trung Quốc cũng đang trên đà vượt qua chúng ta vào năm 2025 và họ thậm chí còn không phải là một quốc gia Bắc Cực".

Trong hơn 20 năm, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ đã yêu cầu kinh phí cho hoạt động ở Bắc Cực, nhưng những yêu cầu đó đã bị trì hoãn. Giờ đây, các cuộc thảo luận xung quanh việc quân sự hóa Bắc Cực đang được tăng cường trong bối cảnh có các đề xuất về ngân sách năm tài chính 2025.

Với các mối đe dọa ngày càng tăng ở khu vực Bắc Cực, quân đội Mỹ ngày càng chú ý đến hoạt động huấn luyện ở Bắc Cực. Ví dụ, Lực lượng SEAL (đặc nhiệm) của Hải quân Mỹ gần đây đã tiến hành các hoạt động huấn luyện chuyên sâu ở Bắc Cực và Lục quân Mỹ vừa mới kết thúc một cuộc tập trận huấn luyện quy mô lớn ở Alaska để chuẩn bị cho binh lính tham chiến trong môi trường đầy thách thức và nhiệt độ dưới 0.

MỸ TRỪNG PHẠT IRAN: LOẠT CÔNG TY VÀ CÁ NHÂN HỨNG ĐÒN, TÀI SẢN BỊ PHONG TỎA

Mỹ tuyên bố sẽ tiếp tục sử dụng tất cả các phương tiện sẵn có để ngăn chặn những nỗ lực của Iran nhằm mua công nghệ nhạy cảm.

Ngày 15/3, Bộ Tài chính Mỹ công bố các biện pháp trừng phạt một mạng lưới các công ty và cá nhân vì đã tạo điều kiện cho việc chuyển giao công nghệ bất hợp pháp từ hàng chục công ty Mỹ cho các tổ chức của Iran, bao gồm cả Ngân hàng Trung ương nước này.

Bộ trên cho biết trong một tuyên bố rằng, các lệnh trừng phạt liên quan đến Công ty Dịch vụ tin học (ISC), chi nhánh công nghệ của Ngân hàng Trung ương Iran (CBI).

Mỹ cũng trừng phạt một số công ty con và công ty bình phong của ISC bị cáo buộc có trụ sở tại Thổ Nhĩ Kỳ và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), cùng 3 cá nhân được cho là có liên quan trong đó có Pouria Mirdamadi, một công dân mang hai quốc tịch Pháp-Iran.

Ông Brian Nelson, Thứ trưởng Tài chính Mỹ phụ trách chống khủng bố và tình báo tài chính, cho biết, CBI "đã đóng một vai trò quan trọng" trong việc cung cấp hỗ trợ tài chính cho lực lượng Hezbollah ở Lebanon và nhánh nước ngoài của Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran là Quds.

Quan chức này tuyên bố, Washington sẽ tiếp tục sử dụng tất cả các phương tiện sẵn có để ngăn chặn những nỗ lực của Tehran nhằm mua công nghệ nhạy cảm cũng như các nguyên vật liệu đầu vào quan trọng của Mỹ.

Cơ quan trên cũng sẽ phong tỏa mọi tài sản ở Mỹ liên quan đến các cá nhân và tổ chức bị trừng phạt, đồng thời cấm công dân nước này kinh doanh với mạng lưới bị liệt vào danh sách đen.

Trước đó, ngày 27/2, Bộ Tài chính Mỹ ra thông báo áp lệnh trừng phạt đối với 2 công ty sở hữu chiếc tàu biển vận chuyển hàng hóa của Bộ Quốc phòng Iran, trị giá trên 100 triệu USD, để cung cấp cho các công ty Trung Quốc.

Hai công ty bị trừng phạt có đăng ký kinh doanh ở Hong Kong (Trung Quốc) và Quần đảo Marshall, sở hữu và vận hành tàu KOHANA treo cờ Panama để chở hàng cho Bộ Quốc phòng và hậu cần vũ trang Iran (MODAFL).

Theo Văn phòng Quản lý tài sản nước ngoài thuộc Bộ Tài chính Mỹ (OFAC), hiện MODAFL đang hỗ trợ việc vận chuyến vũ khí, chủ yếu là máy bay không người lái, cung cấp cho Nga và các nhóm vũ trang do Iran hậu thuẫn ở Trung Đông. Do đó, MODAFL đã vi phạm Luật 13224 ngày 26/3/2019 về việc cấm các hoạt động liên quan tới Lữ đoàn Quds thuộc IRGC.

Vì vậy, mọi tài sản và quyền lợi ở Mỹ của 2 công ty trên sẽ bị phong tỏa và báo cáo với OFAC, đồng thời, các thực thể và cá nhân có giao dịch liên quan có thể bị trừng phạt.

Nguồn: Vnexpress; Báo Tin Tức; VOA; Soha; Báo Quốc Tế

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang