Mỹ: Ra nước ngoài chữa bệnh; Dự luật cấm TikTok; Cuộc luận tội Biden; Bí mật đàm phán với Iran; Biden-Netanyahu rạn nứt

TẠI SAO HÀNG TRIỆU NGƯỜI MỸ ĐỔ XÔ RA NƯỚC NGOÀI CHỮA BỆNH?

Viện phí khám chữa bệnh ở Mexico chỉ bằng 1/5 so với Mỹ trong khi chất lượng và dịch vụ được đánh giá tốt. Tuy nhiên, người bệnh cũng đối mặt với một số rủi ro tiềm ẩn.

Thiếu bảo hiểm, khoản đồng thanh toán cao và các công ty từ chối chi cho một số phương pháp điều trị khiến nhiều người Mỹ phải tự bỏ tiền túi ra trả viện phí. Cửa khẩu biên giới San Ysidro ở miền nam California (Mỹ) luôn đông đúc. Nhiều người Mexico trở về nhà sau một ngày dài làm việc ở Mỹ trong khi nhiều người Mỹ xuất cảnh với mục đích chăm sóc sức khỏe.

Ngay khi rời khỏi lãnh thổ Mỹ, chỉ cần đi bộ qua đường, mọi người sẽ nhìn thấy một hiệu thuốc lớn. Cách đó khoảng 50m là một bệnh viện đầy đủ dịch vụ. Dọc theo những con đường ngoằn ngoèo từ cửa khẩu là hàng chục phòng khám y tế và nha khoa, nhiều nơi có bảng hiệu nổi bật bằng tiếng Anh.

Tất cả tiện ích đều phục vụ cho ngành du lịch y tế đang gia tăng do chi phí chăm sóc sức khỏe đắt đỏ ở Mỹ khiến hơn 1 triệu người sang Mexico mỗi năm để tìm kiếm những lựa chọn rẻ hơn. 65-70% số bệnh nhân có nhu cầu liên quan tới sức khỏe răng miệng.

Chi phí bằng 1/5

Melissa Jackson, làm việc tại một thẩm mỹ viện ở New Jersey, bị lạc nội mạc tử cung. Theo New York Times, để thoát khỏi những cơn đau đớn quằn quại, cô buộc phải phẫu thuật cắt bỏ tử cung. Do không có bảo hiểm, Melissa đối mặt với khoản chi phí 20.000 USD tại Mỹ. Nhưng nếu sang Mexico, cô sẽ chỉ cần trả 4.000 USD.

Ahmed Abu, người gốc Kenya, đã sống ở thành phố San Diego (bang California) được khoảng 20 năm. Ông Abu nói với The National: “Tôi đã đến Tijuana (thành phố của Mexico) suốt 15 năm để làm mọi việc, thậm chí đưa mọi người đến đó để khám chữa bệnh. Tôi cũng đi sửa kính, khám nha. Bảo hiểm y tế của tôi ở Mỹ không chi trả nhiều thứ”.

Là một tài xế taxi, Abu đã chở nhiều người dân bang California cũng như các vùng khác khắp nước Mỹ đến Mexico để kiểm tra sức khỏe.

Khoảng 9% dân số Mỹ không có bảo hiểm y tế và ngay cả những người có bảo hiểm tốt cũng thường phải chịu “các khoản đồng thanh toán” và khấu trừ cao khiến chi phí tăng thêm hàng nghìn USD. Ngoài ra, các công ty bảo hiểm có thể từ chối chi trả cho một số phương pháp điều trị được coi là “tự chọn” như chỉnh nha, nghĩa là hàng triệu người Mỹ phải bỏ tiền túi ra trả hoặc không được chăm sóc.

Năm 2021, người Mỹ đã tốn khoảng 433 tỷ USD cho các dịch vụ y tế và nha khoa.

Trong khi đó, Mexico cung cấp dịch vụ tư nhân với mức giá rẻ hơn nhiều. Theo Tổ chức Bệnh nhân Không Biên giới, khoảng 1 triệu người Mỹ đến Mexico mỗi năm tiết kiệm được từ 40 đến 65% chi phí y tế và nha khoa. Chẳng hạn, phẫu thuật bắc cầu mạch vành ở Mexico có giá khoảng 27.000 USD nhưng ở Mỹ lên tới 144.000 USD.

Việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc ở Mexico tương đối dễ dàng. Người Mỹ chỉ cần hộ chiếu hợp lệ để vào Mexico theo visa 6 tháng. Chính quyền thành phố Tijuana cho phép khách du lịch y tế vào nước này thông qua một làn đường đặc biệt, đẩy nhanh quá trình nhập cư.

Adina Smith, cư dân lâu năm ở San Diego (Mỹ), đã đến Tijuana nhiều lần để làm dịch vụ nha khoa. Cô nói: “Tôi biết khoảng 7 người đi thường xuyên. Tôi đã nghe bạn tôi kể về trải nghiệm tuyệt vời của cô ấy. Tôi cũng có ấn tượng rất tốt về dịch vụ ở đây. Văn phòng sạch sẽ và nha sĩ có trang thiết bị chất lượng, tôi chưa bao giờ bị nhiễm trùng hay bất cứ điều gì tương tự. Nha sĩ của tôi và các trợ lý thông thạo tiếng Anh”.

Mia Nica, một người không có bảo hiểm, đã qua Mexico nhiều lần để được chăm sóc y tế. “Hầu hết thành viên trong đại gia đình và bạn bè của tôi ở California và Arizona đều đến Mexico, để làm răng. Các nhân viên y tế chuyên nghiệp, cơ sở vật chất sạch sẽ, thủ tục được giải thích rõ ràng và giá cả hợp lý. Chi phí tự trả ở Mexico vẫn hợp lý hơn có bảo hiểm ở Mỹ”.

Chuyên gia tới từ khắp thế giới

Chất lượng dịch vụ ở Mexico nhìn chung khá cao - các bác sĩ muốn vào học tại những cơ sở của Mexico phải đối mặt với quá trình chuẩn bị nghiêm ngặt. Vì học phí của trường y ở Mexico chỉ bằng một phần nhỏ so với ở Mỹ nên một số sinh viên Mỹ muốn đào tạo thành bác sĩ cũng sang đây.

Giáo sư Eduardo Tanori, Đại học California San Diego, người giúp các sinh viên tốt nghiệp trường y quốc tế chuẩn bị cho các kỳ thi hội đồng ở Mỹ, nói với ABC 10News rằng sinh viên được đào tạo ở Mexico có tỷ lệ đỗ hơn 90%.

Bác sĩ Sergio Aviles đã hành nghề chỉnh nha ở Tijuana được gần 50 năm. Ông giải thích, các chuyên gia trên khắp thế giới tới đây để hành nghề. “Nhu cầu tới kiểm tra sức khỏe ở Mexico tăng cao do ba yếu tố: giá cả, ngôn ngữ, và sự nhiệt tình của các y bác sĩ”, bác sĩ Aviles giải thích.

Theo bác sĩ Aviles, điểm khác biệt duy nhất giữa chất lượng y tế ở Mexico và Mỹ là công nghệ. Ông nói: “Mỹ có chất lượng công nghệ cao nhưng về chất lượng con người, Mexico hoặc các nước khác có thể tốt hơn”.

Bác sĩ Sol Klaja, nha sĩ ở Thành phố Mexico, người điều trị cho nhiều bệnh nhân Mỹ hằng tháng, cũng đồng tình: “Chính chi phí và chất lượng dịch vụ đã đưa người Mỹ đến Mexico”.

Tiến sĩ Francisco Contreras, Giám đốc Bệnh viện Oasis of Hope chuyên điều trị ung thư, nói rằng bệnh nhân Mỹ đánh giá cao cách cư xử nhiệt tình của các bác sĩ Mexico. Ngoài ra, ở Mỹ, sai sót y khoa là mối lo ngại lớn nên các chuyên gia không muốn thử nghiệm các lựa chọn điều trị thay thế. “Bác sĩ ở Mỹ rất dễ bị kiện”, Tiến sĩ Contreras nói.

Bệnh viện Oasis of Hope và các trung tâm điều trị ung thư khác ở Tijuana cung cấp các phương pháp điều trị không được sử dụng rộng rãi ở Mỹ do các hạn chế của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm.

Đối mặt với rủi ro

Du lịch y tế ở Mexico cũng tiềm ẩn một số rủi ro. Trải qua thủ thuật xâm lấn và sau đó di chuyển về Mỹ sẽ khiến bệnh nhân có nguy cơ bị nhiễm trùng cao hơn.

Năm 2019, 11 người Mỹ phẫu thuật ở Tijuana đã trở về nhà với tình trạng nhiễm trùng nguy hiểm do kháng thuốc kháng sinh. Diễn đàn trực tuyến tràn ngập các câu chuyện kinh dị về một số lang băm gây ra sự cố khi phẫu thuật hoặc những loại thuốc đáng ngờ gây ra phản ứng nghiêm trọng.

Một số thành phố biên giới Mexico - Mỹ, nơi tập trung cơ sở hạ tầng du lịch y tế cao nhất, đều có mức độ hoạt động tội phạm và bạo lực cao. Tijuana là thành phố nguy hiểm nhất ở Mexico, với 138 vụ giết người trên 100.000 dân. Theo Liên Hợp Quốc, Mexico có tỷ lệ giết người cao gấp 7 lần so với Mỹ.

Một nhóm 4 người Mỹ đang tìm kiếm dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở Mexico bị bắt cóc ở Matamoros đầu năm 2023. Hai người đã bị giết.

Mặc dù vậy, khách du lịch y tế Mỹ vẫn tiếp tục đến.

“Lúc đầu, có thể đáng sợ nếu bạn không biết đường đi và không nói được ngôn ngữ của họ. Tuy nhiên, mọi người rất thân thiện và đều sẵn lòng giúp đỡ khi tôi nhờ”, Nica nói. Ông Abu cho biết thêm: “Tôi chưa bao giờ gặp vấn đề gì. Nếu bạn đến đó vì mục đích y tế và ở những nơi uy tín, bạn sẽ an toàn”.

TÌM HIỂU NỘI DUNG DỰ LUẬT NHẮM VÀO TIKTOK MÀ HẠ VIỆN MỸ VỪA THÔNG QUA

TikTok một lần nữa rơi vào tình thế bấp bênh khi các nhà lập pháp ở Washington xúc tiến dự luật có thể dẫn đến lệnh cấm toàn quốc đối với nền tảng này tại Mỹ.

Hạ viện Mỹ ngày 13/3 đã thông qua luật mà qua đó sẽ cấm TikTok nếu chủ sở hữu ByteDance có trụ sở tại Trung Quốc không bán cổ phần của họ trong vòng sáu tháng kể từ khi dự luật này được ký ban hành thành luật.

Nội dung dự luật của Hạ viện Mỹ

Về cơ bản, luật này mang lại cho ByteDance hai lựa chọn: bán TikTok hoặc đối mặt với lệnh cấm.

Nếu ByteDance chọn thoái vốn cổ phần của mình, TikTok sẽ tiếp tục được hoạt động ở Hoa Kỳ nếu Tổng thống Mỹ xác định “thông qua quy trình liên cơ quan” rằng nền tảng này “không còn bị đối thủ nước ngoài kiểm soát nữa”. Dự luật cũng sẽ yêu cầu ByteDance từ bỏ quyền kiểm soát thuật toán nổi tiếng của TikTok, thuật toán cung cấp nội dung cho người dùng dựa theo sở thích của họ.

Các chuyên gia cho rằng sẽ rất khó để ByteDance bán TikTok trong vài tháng tới.

Theo dự luật, nếu công ty chọn không bán, TikTok sẽ bị cấm hoạt động trên các cửa hàng ứng dụng – chẳng hạn như các cửa hàng do Apple và Google cung cấp – cũng như các dịch vụ web-hosting lưu trữ dữ liệu website trên máy chủ cho đến khi thoái vốn xảy ra.

Tại sao giới lập pháp Mỹ lo ngại về TikTok?

Các nhà lập pháp của cả hai đảng - cũng như các quan chức thực thi pháp luật và tình báo Mỹ - từ lâu đã bày tỏ lo ngại rằng chính quyền Trung Quốc có thể buộc ByteDance giao dữ liệu của 170 triệu người Mỹ sử dụng TikTok. Mối lo ngại bắt nguồn từ một bộ luật an ninh quốc gia của Trung Quốc buộc các tổ chức phải hỗ trợ thu thập thông tin tình báo – điều mà ByteDance có thể phải tuân theo – và các cách thức kiểm soát sâu rộng khác mà chính phủ độc tài của Trung Quốc thực hiện.

TikTok đã phủ nhận chuyện họ có thể được sử dụng như một công cụ của chính phủ Trung Quốc. Công ty cho biết họ chưa bao giờ chia sẻ dữ liệu người dùng Hoa Kỳ với chính quyền Trung Quốc và sẽ không làm như vậy nếu được yêu cầu. Cho đến nay, chính phủ Hoa Kỳ cũng chưa cung cấp bất kỳ bằng chứng nào cho thấy TikTok đã chia sẻ thông tin đó với chính quyền Trung Quốc.

Ngoài những lo ngại về an ninh, một số nhà lập pháp, nhà nghiên cứu và nhà phê bình còn cho rằng ứng dụng này ngăn chặn những nội dung bất lợi cho Bắc Kinh, điều mà TikTok phủ nhận. Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia cũng cảnh báo trong một phúc trình công bố hôm 11/3 rằng chính phủ Trung Quốc đã sử dụng TikTok để gây ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử gần đây ở Hoa Kỳ.

Phúc trình nói: “Các tài khoản TikTok do một bộ phận tuyên truyền của Trung Quốc điều hành được cho là đã nhắm mục tiêu vào các ứng cử viên từ cả hai đảng chính trị trong chu kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ của Hoa Kỳ vào năm 2022”.

TikTok sẽ đóng cửa ngay?

Không. Thượng viện Mỹ cũng cần phải thông qua dự luật để nó trở thành luật. Nhưng chưa rõ điều gì sẽ xảy ra tại Thượng viện, nơi một số dự luật nhằm cấm TikTok đã bị đình trệ. Các nhà lập pháp Thượng viện đã chỉ ra rằng dự luật này sẽ được xem xét kỹ lưỡng.

Tổng thống Joe Biden cho biết ông sẽ ký dự luật để ban hành thành luật một khi các nhà lập pháp ở lưỡng viện Quốc hội Mỹ thông qua. Nếu điều đó xảy ra, ByteDance sẽ có 180 ngày để bán TikTok cho người mua nào đủ điều kiện.

Đề nghị này cũng có thể bị TikTok kiện ra tòa. Công ty đã kiện để chống lại các nỗ lực khác nhằm cấm nền tảng này ở cả cấp quốc gia và cấp tiểu bang.

Điều gì đã xảy ra với những nỗ lực cấm TikTok trước đây?

Vào năm 2020, cựu Tổng thống Donald Trump đã cố gắng cấm nền tảng truyền thông xã hội này bằng một sắc lệnh. Điều này sau đó đã bị tòa án chặn lại sau khi TikTok khởi kiện.

Chính quyền ông Trump cũng đã làm trung gian cho một thỏa thuận vào năm 2020, theo đó các tập đoàn Oracle và Walmart của Hoa Kỳ sẽ nắm giữ cổ phần lớn trong TikTok vì lý do an ninh quốc gia. Tuy nhiên, thương vụ này không bao giờ được thực hiện vì một số lý do, một trong số đó là do Trung Quốc áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chặt chẽ hơn đối với các nhà cung cấp công nghệ.

Chính quyền Biden đã thu hồi sắc lệnh của ông Trump nhưng vẫn tiếp tục công việc đánh giá TikTok do Ủy ban Đầu tư Nước ngoài ở Hoa Kỳ thực hiện. Đây là một ủy ban nội bộ mà tin nói từng dọa cấm TikTok vào năm ngoái nếu các chủ sở hữu Trung Quốc của TikTok không thoái vốn cổ phần của họ. Tòa Bạch Ốc thừa nhận vào tháng trước rằng việc đánh gia vẫn đang tiếp diễn.

Những nỗ lực khác từ các nhà lập pháp liên bang nhằm ban hành lệnh cấm trên toàn quốc đã bị đình trệ vào năm ngoái trong bối cảnh TikTok cũng như những người có ảnh hưởng và doanh nghiệp nhỏ sử dụng nền tảng này vận động hành lang. Liên minh Tự do Dân sự Hoa Kỳ và một số nhóm cổ súy cho quyền kỹ thuật số đã phản đối lệnh cấm TikTok vì lý do tự do ngôn luận và cho rằng dự luật mới nhất của Hạ viện sẽ vi phạm quyền của những người Mỹ dựa vào ứng dụng này để tìm hiểu thông tin, để phục vụ việc vận động và để giải trí.

Những người sáng tạo nội dung TikTok phản ứng thế nào với dự luật mới nhất?

Dự luật của Hạ viện trở thành luật là tin xấu đối với các doanh nghiệp nhỏ dựa vào nền tảng tiếp thị hoặc bán sản phẩm trên TikTok Shop - chi nhánh thương mại điện tử của công ty. Nó cũng sẽ tác động đến cuộc sống của những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, những người đã dành nhiều năm nuôi dưỡng lượng người theo dõi của họ trên nền tảng này và dựa vào đó để có được các giao dịch thương hiệu hoặc các loại thu nhập khác.

Nhiều người có ảnh hưởng trên TikTok đã được công ty đưa đến Washington trong tuần này để tham gia vào một cuộc vận động hành lang rầm rộ chống lại dự luật. Một số người cho biết lệnh cấm ứng dụng này sẽ làm gián đoạn cuộc sống và công việc kinh doanh của họ.

Còn người dùng TikTok thì sao?

TikTok đã gửi thông báo tới một số người dùng vào tuần trước, kêu gọi họ gõ cửa các dân biểu về biện pháp được mô tả là “đóng cửa TikTok”.

Công ty nói với người dùng rằng Quốc hội định “cấm hoàn toàn” nền tảng này, điều này có thể “gây thiệt hại cho hàng triệu doanh nghiệp, phá hủy sinh kế của vô số người sáng tạo trên khắp đất nước và làm các nghệ sĩ mất khán giả.

Vào ngày 7/3, nhiều người dùng đã phản ứng bằng cách ồ ạt gọi vào các văn phòng quốc hội, khiến một số phải tắt điện thoại.

Người dùng ở Mỹ có thể truy cập TikTok chăng, nếu nó bị cấm?

Các chuyên gia cho biết người dùng có thể tìm cách lách lệnh cấm.

Ông Roger Entner, nhà phân tích viễn thông và người sáng lập Recon Analytics, cho biết người dùng ứng dụng TikTok có thể cố gắng sử dụng VPN để ngụy trang địa điểm truy cập của họ và vượt qua những hạn chế đó. Ông Entner nói, sẽ là một thách thức đối với chính phủ trong việc trấn áp hành vi đó vì có nhiều dịch vụ VPN nước ngoài không cần tuân thủ luật pháp Hoa Kỳ.

Nhưng việc sử dụng VPN cũng đặt ra thêm các câu hỏi an ninh, đặc biệt đối với những người dùng sử dụng nhà cung cấp VPN miễn phí hoặc giá rẻ mà họ chưa xem xét kỹ lưỡng.

CUỘC LUẬN TỘI TỔNG THỐNG JOE BIDEN CÓ PHẢI LÀ CON DAO HAI LƯỠI?

Đối với đảng Cộng hòa, cuộc luận tội Tổng thống Joe Biden là một quân cờ quan trọng trên cuộc đua vào Nhà Trắng. Tuy nhiên, nếu được sử dụng không khéo, cuộc luận tội này cũng có thể trở thành con dao hai lưỡi.

Quá trình luận tội Tổng thống Joe Biden đang đi vào ngõ cụt

Tháng 12/2023, đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ chính thức hợp pháp hóa cuộc luận tội Tổng thống nhằm xem xét liệu ông Joe Biden có hưởng lợi bất chính từ các giao dịch kinh doanh của các thành viên trong gia đình ông hay không. Tuy nhiên, không có khoảnh khắc gây chấn động nào xuất hiện sau phiên điều trần cấp cao hôm 12/2 do công tố viên đặc biệt của Bộ Tư pháp Robert Hur đã thất bại trong việc chứng minh Tổng thống Mỹ đương nhiệm phạm tội. Cuộc luận tội đi đến ngõ cụt, buộc các thành viên đảng Cộng hòa phải tìm ra một hướng đi khác để giành thế chủ động khi cuộc tổng tuyển cử tháng 11 đang đến gần.

Cuộc luận tội Tổng thống vẫn là ưu tiên hàng đầu của đảng Cộng hòa, bởi dù thất bại, ảnh hưởng của phiên điều trần vẫn có thể làm suy giảm mức độ tín nhiệm của công chúng dành cho ông Biden. Phát biểu trước báo chí sau phiên điều trần, Chủ tịch Giám sát Hạ viện James Comer khẳng định Hạ viện đang đi đúng hưởng, bởi ưu tiên số 1 của Hạ viện vẫn là “đưa sự thật đến với người Mỹ bằng sức mạnh của pháp luật”.

Trong quyền hạn được cho phép, đảng Cộng hòa đã đưa các phương án dự phòng bao gồm thắt chặt quy định về công khai tài chính, thay đổi luật vận động hành lang tại nước ngoài; chuyển quyền điều tra Hunter Biden và những cá nhân liên quan cho Bộ Tư pháp; kêu gọi tiếp tục điều tra Tổng thống và nỗ đẩy cuộc điều tra đến gần ngày bầu cử. Chủ tịch Uỷ ban Nghiên cứu của đảng Cộng hòa Kevin Hern cũng thừa nhận rằng đảng này vẫn đang nỗ lực tìm ra các chứng cứ cho thấy có mối liên hệ giữa hai cha con Tổng thống Mỹ khi con trai ông, Hunter Biden, đang dính 3 cáo buộc hình sự liên quan đến tàng trữ súng và sử dụng ma túy.

Bất kỳ phương án nào trong số đó đều mang lại rủi ro, bởi quyền quyết định cao nhất thuộc về Thượng viện. Nhưng ít nhất, những nỗ lực của đảng Cộng hòa có thể gây ảnh hưởng đến các cử tri chống Biden để tạo thêm cơ hội thắng cử cho ứng viên của đảng – ông Donald Trump.

“Thay vì lần nào cũng thua do đầu hàng, chũng tôi thà cố gắng, bởi chỉ cần cố gắng là sẽ có cơ hội chiến thắng”, Hạ nghị sĩ Andy Biggs cho biết. Ông Bigs cũng cho biết nhiều hạ nghĩ sĩ cũng có chung quan điểm và quyết tâm như ông.

Thành công hay thất bại đối với Đảng Cộng hòa?

Việc áp dụng các kế hoạch dự phòng có thể có những lợi thế riêng. Nếu đảng Cộng hòa có thể đoàn kết để tạo nên một bước ngoạt trong điều tra, họ có thể thấy thất bại này thành một chiến thắng ở quy mô nhỏ hơn trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

Hiện nay, chỉ còn hai ứng viên trên đường đua là Tổng thống Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump. Trong cuộc khảo sát toàn quốc về mức độ tín nhiệm của các cử tri dành cho hai ứng viên được thực hiện mới đây, ông Trump đang dẫn trước với tỉ lệ ủng hộ là 48%, trong khi ông Biden chỉ có 43%. Đảng Cộng hòa đang kỳ vọng nhờ cuộc luận tội này, ông Trump có thể giữ vững phong độ cho đến tháng 11.

Tuy nhiên, nhìn từ hiện thực, có thể thấy chắc chắn rằng cuộc luận tội Tổng thống sẽ chấm dứt. Trong suốt chiều dài lịch sử Mỹ, chưa có một Tổng thống nào bị luận tội thành công, và có khả năng cao rằng ông Biden không phải ngoại lệ.

Tuy ông James Comer cũng cho biết có thể Hạ viện sẽ đưa ra các đề xuất xử lý hình sự đề nghị hình sự cho cuộc luận tội của Tổng thống Joe Biden và vụ án nghiêm trọng của con trai ông, nhưng không có khả năng Bộ Tư pháp dưới quyền ông Biden sẽ xem xét thực hiện những đề xuất đó. Nỗ lực của đảng Cộng hòa hiện nay sẽ chỉ nhằm vào một mục tiêu duy nhất là lợi dụng cuộc luận tội để lôi kéo cử tri ủng hộ cho đảng của họ.

Cuộc luận tội Tổng thống rất có thể là một con dao hai lưỡi, bởi sẽ đến lúc Hạ viện sẽ phải cho dừng cuộc luận tội. Đảng Cộng hòa tại Hạ viện đang lo lắng sẽ bị cử tri quay lưng khi từ bỏ việc luận tội. Những người ủng hộ trung thành của đảng, đặc biệt là những người ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump, có thể thấy thất vọng trước hành động “đầu hàng” tai Hạ viện, dẫn đến quyết định chuyển phe.

MỸ, IRAN CÓ THỂ ĐÃ BÍ MẬT ĐÀM PHÁN NGĂN HOUTHI TẬP KÍCH BIỂN ĐỎ

Phái đoàn của Mỹ và Iran có thể đang bí mật đàm phán để ngăn Houthi tiếp tục những vụ tập kích nhằm vào tàu hàng trên Biển Đỏ.

FT ngày 13/3 đưa tin phái đoàn Mỹ do Brett McGurk, đặc phái viên Hội đồng An ninh Quốc gia phụ trách Trung Đông và Bắc Phi, dẫn đầu hồi tháng 1 tham gia đàm phán với Thứ trưởng Ngoại giao Iran Ali Bagheri Kani cùng các quan chức tháp tùng.

Hai bên không gặp mặt trực tiếp mà tiến hành đàm phán thông qua vai trò trung gian của các quan chức Oman. Đây được coi là cuộc đàm phán đầu tiên giữa quan chức hai nước từ khi những cuộc trao đổi tại Oman về chương trình hạt nhân của Iran bị đình trệ từ tháng 5/2023.

Cuộc đàm phán diễn ra trong bối cảnh lực lượng Houthi tại Yemen, nhóm được Iran hậu thuẫn, phát động các đợt tập kích bằng tên lửa, máy bay không người lái (drone) nhằm vào Israel và nhiều tàu hàng trên Biển Đỏ.

Các đợt tấn công tàu hàng của Houthi khiến hoạt động vận tải hàng hóa qua Biển Đỏ bị ảnh hưởng, buộc Mỹ cùng nhiều quốc gia châu Âu thành lập nhóm chuyên trách để đối phó. Mỹ và Anh nhiều lần không kích vị trí Houthi đặt trạm radar, tên lửa, drone và xuồng tự sát, song vẫn không ngăn được lực lượng này tiếp tục các cuộc tập kích.

Theo một nguồn tin giấu tên, Nhà Trắng coi cuộc đàm phán hồi tháng 1 với Iran là kênh ngoại giao để truyền đạt "cách ngăn chặn xung đột lan rộng trong khu vực".

"Iran nhiều lần khẳng định họ chỉ có ảnh hưởng về tinh thần với các lực lượng trong trục kháng chiến. Iran không thể ra lệnh cho Houthi, song có thể đàm phán và thảo luận", nguồn tin cho biết.

Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng Iran "có liên hệ sâu sắc" tới các vụ tập kích tàu hàng của Houthi, trong đó có tham gia lên kế hoạch và cung cấp vũ khí.

Vòng đàm phán thứ hai dự kiến diễn ra vào tháng 2, nhưng đã bị trì hoãn khi ông McGurk chuyển hướng tập trung vào nỗ lực đảm bảo thỏa thuận ngừng bắn và thả con tin giữa Israel với Hamas. Tuy nhiên, các bên tới nay vẫn chưa đạt được thỏa thuận này.

Các cuộc tập kích liên tiếp của Houthi đã khiến nhiều hãng vận tải phải chuyển lộ trình tàu hàng khỏi khu vực Biển Đỏ và eo Bab el-Mandeb. Nhiều bên chọn tuyến đường dài hơn vòng qua Mũi Hảo Vọng ở phía nam châu Phi, làm tăng chi phí và thời gian vận chuyển hàng hóa.

RẠN NỨT BIDEN - NETANYAHU NGÀY CÀNG LỚN, CÓ TÁC ĐỘNG CHIẾN SỰ GAZA?

Xung đột Israel - Hamas kéo dài và liên tục xuất hiện thêm diễn biến phức tạp khiến rạn nứt giữa ông Biden và ông Netanyahu ngày càng lớn, liệu điều này có tác động đến chiến sự ở Dải Gaza?

Cuộc xung đột giữa Israel và phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas bước sang tháng thứ sáu trong bối cảnh số người thiệt mạng ở Dải Gaza đã vượt quá 31.000. Cuộc chiến dai dẳng và cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ ở Dải Gaza khiến rạn nứt giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bộc lộ ngày càng sâu sắc hơn.

Bất đồng hàng loạt vấn đề

Từ tháng 2, nhiều quan chức Mỹ đã nói với tờ The Washington Post rằng ông Biden - một người ủng hộ nhiệt thành Israel trở nên thất vọng với ông Netanyahu, song dường như không muốn công khai chỉ trích nhà lãnh đạo Israel. Tuy nhiên, ông Biden đang dần có xu hướng chỉ trích ông Netanyahu khi vị lãnh đạo Israel bác bỏ các yêu cầu của Mỹ liên quan chiến sự ở Dải Gaza. Phần ông Netanyahu gần đây cũng tỏ ra kiên quyết hơn khi đáp trả các phát ngôn của ông Biden, theo tờ The Times of Israel.

Rạn nứt giữa ông Biden và ông Netanyahu thể hiện rõ ở sự khác biệt giữa quan điểm của hai nhà lãnh đạo về thỏa thuận ngừng bắn trong bối cảnh khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng ở Dải Gaza, hoạt động quân sự của Israel, và giải pháp hai nhà nước.

Trả lời phỏng vấn đài MSNBC hôm 9-3, ông Biden tiếp tục chỉ trích ông Netanyahu liên quan chiến lược của Israel khiến thương vong dân thường ở Dải Gaza ngày càng tăng. Ông Biden có quan điểm trái chiều với ông Netanyahu liên quan việc khả năng Israel tấn công TP Rafah (cực nam Dải Gaza, được coi là thành trì cuối cùng của Hamas và là nơi trú ẩn của 1,5 triệu người dân Palestine). Trong cuộc điện đàm với ông Netanyahu hôm 16-2, ông Biden khẳng định quan điểm rằng Israel không nên tiến hành chiến dịch quân sự ở Rafah nếu không có kế hoạch “đáng tin cậy và khả thi” nhằm đảm bảo an toàn cho dân thường.

Trao đổi với đài MSNBC, ông Biden cho rằng ông Netanyahu “có quyền bảo vệ Israel, có quyền tiếp tục truy tìm Hamas nhưng phải quan tâm nhiều hơn đến những sinh mạng vô tội”, đồng thời gay gắt rằng “tôi muốn thấy một thỏa thuận ngừng bắn”. Sau thông tin Israel nã súng vào những người đang chờ viện trợ ở TP Gaza (phía Bắc Dải Gaza) khiến gần 900 người Palestine thương vong hôm 29-2, ông Biden đã cảnh báo rằng vụ việc làm phức tạp thêm tiến trình đàm phán ngừng bắn, điều đang rất cấp thiết. Vị tổng thống Mỹ Biden còn cảnh báo rằng Israel có nguy cơ mất đi sự hỗ trợ quốc tế khi kéo dài chiến dịch ở Dải Gaza.

“Những cân nhắc chính trị ngày càng phủ bóng đen lên mối quan hệ giữa ông Biden và ông Netanyahu. Xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục tồn tại do cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới. Có thể quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo sẽ còn xa cách hơn nữa” - ông Eytan Gilboa, chuyên gia về quan hệ Mỹ - Israel tại ĐH Bar-Ilan (Israel), nhận định về tình trạng rạn nứt trong quan hệ giữa hai ông Biden và Netanyahu.

Đáp trả phát ngôn từ ông Biden, ngày 10-3, ông Netanyahu nói rằng các chính sách hiện tại của ông đại diện cho đa số người Israel. Trước đó, ông Netanyahu cũng cho rằng đa số người Mỹ ủng hộ Israel tiếp tục chiến dịch cho đến khi chiến thắng. Vị thủ tướng Israel cũng khẳng định Israel sẽ tiếp tục tấn công Dải Gaza, bao gồm Rafah, bất chấp áp lực quốc tế ngày càng tăng và sẽ “chiến thắng hoàn toàn” Hamas trong vài tuần tới, theo hãng tin Reuters.

Rạn nứt giữa ông Biden và ông Netanyahu còn thể hiện ở lập trường giải pháp hai nhà nước. Ông Biden cho rằng việc thành lập một nhà nước Palestine là giải pháp lâu dài khả thi duy nhất cho cuộc xung đột. Tuy nhiên, ông Netanyahu tuyên bố Israel không thỏa hiệp quyền kiểm soát an ninh đối với các khu vực phía tây sông Jordan, bao gồm Israel, Bờ Tây và Dải Gaza.

Liệu có tác động đến chiến sự ở Dải Gaza?

Có ý kiến cho rằng sự rạn nứt ngày càng tăng giữa lãnh đạo hai nước đồng minh Mỹ và Israel có thể sẽ có tác động đến tình hình chiến sự ở Dải Gaza. Song cũng có ý kiến cho rằng việc ông Biden có những phát ngôn trái chiều với ông Netanyahu gần đây không tác động gì nhiều tới cuộc xung đột, theo tờ The New York Times.

Nhiều nhân vật trong đội ngũ của ông Biden cho rằng nhà lãnh đạo Mỹ cũng khá “dè dặt” khi phát ngôn chỉ trích ông Netanyahu. Và theo họ, thậm chí nếu có một sự thay đổi lớn trong lời nói của ông Biden thì cũng sẽ không có tác động mấy, trừ khi Washington bắt đầu áp đặt điều kiện đối với việc hỗ trợ Israel.

Người có cùng quan điểm này là cựu Phó Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes. Theo ông này, một khi ông Biden còn đang ủng hộ hoạt động quân sự của ông Netanyahu ở Dải Gaza vô điều kiện thì một số phát ngôn bất đồng, vài dấu hiệu rạn nứt, bất hòa không tạo ra điều gì khác biệt. Về cơ bản, nếu muốn có sự thay đổi trong hành động của Israel ở Dải Gaza thì ông Biden “phải quyết định không trao cho Israel kim bài miễn tử nữa”, theo ông Rhodes.•

Giải mã biểu hiện rạn nứt Biden - Netanyahu

Hãng tin AP cho rằng cả ông Biden và ông Netanyahu hiện đều bị hàng loạt yếu tố chính trị trong nước bủa vây, khiến các bước đi của hai nhà lãnh đạo có phần trái ngược nhau.

Ông Biden từ tháng 10-2023 đã chứng kiến sự ủng hộ sụt giảm trong các nhóm cử tri quan trọng như người Mỹ gốc Hồi giáo và gốc Ả Rập, những cử tri cấp tiến và cử tri trẻ, những người rất tức giận việc ông cho đến nay vẫn từ chối kêu gọi ngừng bắn vĩnh viễn ở Dải Gaza.

Về ông Netanyahu, nhiều quan chức Mỹ cho rằng sở dĩ nhà lãnh đạo Israel công khai bác bỏ các yêu cầu của chính quyền ông Biden là do chịu áp lực từ trong nước. Người Israel vẫn ủng hộ rộng rãi nỗ lực truy lùng Hamas và không có sự khác biệt lớn giữa ông Netanyahu và các đối thủ chính trị của ông về cách tiến hành cuộc chiến, ngay cả trong bối cảnh đau khổ nhân đạo ở Dải Gaza.

Theo ông Aaron David Miller, nhà đàm phán hòa bình Trung Đông đang làm việc tại Viện Carnegie Endowment vì hòa bình (Mỹ), ông Netanyahu sẽ “phải đối mặt với những hạn chế chính trị to lớn trong nước” một khi đồng ý với các điều kiện từ Hamas để đạt được thỏa thuận ngừng bắn.

“Trên thực tế, bên duy nhất có vẻ vội vàng là chính quyền ông Biden. Họ muốn thay đổi những hình ảnh thảm khốc ở Dải Gaza, từ đó giảm bớt áp lực chính trị trong nước. Vấn đề là theo kinh nghiệm của tôi, các cuộc đàm phán ở Trung Đông thường có hai xu hướng, đó là chỉ có chậm và chậm hơn” - ông Miller nói, ngụ ý rằng sự rạn nứt khiến tiến trình đạt được hòa bình cho cuộc xung đột này ngày càng khó khăn.

Nguồn: Vietnamnet; VOA; VOV; Vnexpress; Pháp Luật

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang