Mỹ: Công ty Elon Musk quay xe; Thế khó của đảng CH; Thận trọng với biểu tình TQ; Câu trả lời của Biden; Bán vũ khí cho Qatar

CÔNG TY CỦA ELON MUSK 'QUAY XE'

(Ảnh minh hoạ).

Sau nhiều lần hứa hẹn với các quan chức địa phương về kế hoạch giải quyết vấn đề giao thông cốt lõi, công ty của Elon Musk đã âm thầm rút lui và bỏ mặc nhiều kế hoạch dang dở.

Boring - công ty xây dựng của Elon Musk - đề xuất xây dựng đường hầm nối sân bay quốc tế Ontario (Los Angeles, California) với hệ thống đường sắt liên bang vào tháng 1/2020. Đối với cơ quan quản lý giao thông địa phương, đề nghị này giống như một tấm vé vàng.

Ban đầu, họ dự định thiết lập một tuyến đường sắt với chi phí một tỷ USD. Tuy nhiên, công ty của tỷ phú Elon Musk hứa hẹn xây dựng đường hầm chỉ với 45 triệu USD.

Bị hấp dẫn bởi những lời khoe khoang về việc “cách mạng hóa” công nghệ đào hầm của Boring, cùng sức hấp dẫn từ cơ hội hợp tác với tỷ phú hàng đầu thế giới, Cơ quan Quản lý giao thông quận San Bernardino (California) đã hủy bỏ kế hoạch ban đầu và chấp nhận đường hầm tương lai của Boring.

Song cho đến nay, chính quyền San Bernardino và nhiều địa phương khác vẫn đang bị công ty của tỷ phú Musk “ngó lơ”.

Lời đề nghị hấp dẫn

Trong nhiều năm, chính quyền San Bernardino đã tìm kiếm giải pháp cho tuyến đường đến sân bay quốc tế Ontario (thuộc quận San Bernardino). Họ đề xuất xây dựng một tuyến đường sắt hạng nhẹ, ước tính trị giá 1-1,5 tỷ USD, nhưng lập tức bị lời đề nghị của Boring hấp dẫn.

“Khi tôi thông báo kế hoạch này, mọi người đều hào hứng vì mong chờ điều gì đó mới mẻ và khác biệt. Và đó là công ty Boring”, Janice Rutherford, giám sát viên kiêm ủy viên Cơ quan Quản lý giao thông địa phương, cho biết.

Tuy nhiên, đến thời điểm hợp thức hóa quan hệ đối tác và bắt đầu dự án, Boring bỗng “mất tăm tích” - giống như cách công ty này đã làm ở Maryland, Chicago và Los Angeles. Họ không gửi giá thầu cho thành phố Ontario trước thời hạn tháng một năm nay, theo Wall Street Journal.

Theo các cựu giám đốc điều hành và quan chức địa phương, Boring nhiều lần hứa hẹn với các thành phố, nhưng nhanh chóng lùi bước khi đối mặt với thực tế.

“Mỗi lần tôi nhìn thấy ông (Musk) trên TV với một dự án mới, hoặc bất cứ điều gì, tôi lại nhớ đến chuyến tàu cao tốc tới Chicago O’Hare”, Alderman Scott Waguespack nói, đề cập đến việc Boring rút lại đề xuất xây dựng một đường hầm cao tốc dẫn đến sân bay ở Chicago.

Ông Musk và Steve Davis - chủ tịch của Boring - không trả lời yêu cầu bình luận.

Công ty Boring, có trụ sở tại Pflugerville (Texas), chiếm một vị trí kỳ lạ trong đế chế kinh doanh của tỷ phú Musk, bên cạnh Tesla, SpaceX và gần nhất là Twitter. Theo New York Times, ông Musk đã hoàn thành thương vụ mua lại Twitter hôm 28/10.

Boring hoạt động dưới sự lãnh đạo của ông Davis - một phụ tá lâu năm của tỷ phú Musk và từng làm việc tại SpaceX. Một số cựu giám đốc điều hành cấp cao cho biết phong cách lãnh đạo của ông Musk hiện diện rõ ràng ở công ty này. Nhân viên của Boring phải làm thêm nhiều giờ và cả cuối tuần, khiến công ty chật vật giữ chân họ, đặc biệt là các vị trí kỹ thuật.

Theo Wall Street Journal, đến nay, Boring vẫn chưa đạt được mục tiêu tham vọng nhất: Thiết kế những cỗ máy khoan đường hầm với tốc độ gây chấn động ngành công nghiệp này.

Tham vọng này bắt đầu từ tháng 12/2016, khi tỷ phú Elon Musk khởi động dự án xây dựng đường hầm chỉ với một dòng tweet mà nhiều người coi như trò đùa.

“Giao thông làm tôi phát điên. Tôi sẽ chế tạo một chiếc máy khoan và bắt đầu đào hầm”, ông viết khi đó, theo Reuters.

“Tôi thực sự sẽ làm điều này”, ông Musk nhấn mạnh trong bài đăng thứ hai trên Twitter.

Cam kết dang dở

Công ty Boring và cơ quan quản lý giao thông quận San Bernardino đã trải qua nhiều cuộc thảo luận. Đến cuối năm 2021, dự toán chi phí đã tăng lên gần 500 triệu USD, theo tài liệu của cơ quan này.

Chính quyền địa phương cũng đã yêu cầu bên thứ ba đánh giá tác động của dự án đến môi trường, theo luật tiểu bang. Và đó là khi quá trình dừng lại.

“Chúng tôi đã cố gắng đạt được thỏa thuận với họ”, Carrie Schindler, một quan chức địa phương, cho biết. “Chúng tôi đã tiến hành quá trình đánh giá tiêu chuẩn. Và cuối cùng, khi nó kết thúc, họ quyết định hủy đề xuất”.

Trước dự án ở Ontario, Boring cũng đã bỏ dở nhiều kế hoạch khác.

Kể từ khi ông Musk tuyên bố xây đường hầm vào năm 2016, chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đã thúc đẩy vị tỷ phú theo đuổi mục tiêu xây dựng tàu siêu tốc hyperloop dưới lòng đất, nối New York với Washington. Song bất chấp sự mong chờ của các nhà đầu tư, chưa có hệ thống nào được xây dựng.

Ở Maryland, Boring cũng hứa hẹn xây dựng chuyến tàu cao tốc từ Baltimore đến Washington với Thống đốc Larry Hogan. Chính quyền khu vực thậm chí đã đẩy nhanh quy trình xét duyệt và cấp phép cho dự án vào năm 2017. Tất cả những gì Boring phải làm là mang máy đến và bắt đầu đào, cựu quan chức bang cho biết.

Nhưng nhiều năm trôi qua, Maryland vẫn đang chờ đợi. Đến năm 2021, Boring đã xóa dự án ở Maryland khỏi trang web công ty.

Gần đây, tỷ phú Musk đăng các video về một cỗ máy do Boring thiết kế, có biệt danh Prufrock, đang đào hố thử nghiệm ở Texas. Công ty cho biết Prufrock có tốc độ đào khoảng 1,6 km/tuần và phiên bản tiếp theo có thể đạt mức 11 km/ngày. Tuy nhiên, nhiều người kỳ cựu trong ngành tỏ ra hoài nghi về tuyên bố này.

Lok Home, chủ tịch của nhà sản xuất máy khoan đường hầm hàng đầu Robbins, cho biết những tuyên bố về tốc độ của Boring là “hoàn toàn phi thực tế”.

“Chắc chắn sẽ có những cải tiến, nhưng không thể trông chờ một cuộc cách mạng”, ông nói.

Trở lại Ontario, cơ quan quản lý giao thông quận San Bernardino vẫn không từ bỏ giấc mơ xây dựng đường hầm. Chính quyền quận đang tìm kiếm các công ty xây dựng khác để tiến hành kế hoạch này.

“Mặc dù rất thất vọng vì đến thời điểm này, (chúng tôi) vẫn chưa thể tiến hành bước thiết kế và chuẩn bị thi công, tôi vẫn biết ơn vì sự trì hoãn giúp chúng tôi tìm ra hướng đi thực sự khả thi”, bà Schindler nói.

(Nguồn: Zing News)

THẾ KHÓ CỦA ĐẢNG CỘNG HÒA KHI ÔNG TRUMP TUYÊN BỐ TÁI TRANH CỬ TỔNG THỐNG

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức tuyên bố chạy đua vào Nhà Trắng lần thứ 3, nhưng các chuyên gia cho rằng, vị thế của ông trong đảng Cộng hòa giờ đây rất khác xưa.

Ngày 15/11, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức tuyên bố tranh cử tổng thống lần thứ 3 . Ông cam kết giúp nước Mỹ vĩ đại trở lại. Tuy nhiên chỉ số ít nghị sĩ Cộng hòa tham dự buổi công bố. Những lãnh đạo hàng đầu, tiếng nói có ảnh hưởng, các chiến lược gia cho đến nhà tài trợ dường như thờ ơ. Điều này cho thấy, đảng Cộng hòa có thể đang muốn tách dần khỏi ông Trump. Tuy nhiên theo một số chuyên gia, điều này không hề dễ dàng.

Những người "kề vai sát cánh" không còn chung đường

Đảng Cộng hòa đã giành chiến thắng với cách biệt mong manh ở Hạ viện và thất bại ở Thượng viện trong cuộc bầu cử vừa qua. Điều này gây ra sự tranh cãi rất lớn về ảnh hưởng và vai trò của cựu Tổng thống Trump. Thời gian qua, nhiều người từng kề vai sát cánh với ông Trump ở nhiệm kỳ trước đã bắt đầu suy nghĩ khác.

Cựu Phó tổng thống Mike Pence, trong một buổi trò chuyện với CNN hôm 16/11, đã từ chối ủng hộ chiến dịch tranh cử năm 2024 của ông Trump.

Phát biểu một ngày sau khi phát hành cuốn hồi ký mang tên "So Help Me God" (tạm dịch: "Xin Chúa giúp con"), ông Pence hầu như giữ kín về kế hoạch tiếp theo. Tuy vậy, ông cởi mở hơn khi được hỏi về cuộc bạo động ngày 6/1/2021 tại Điện Capitol. Cựu phó tổng thống gọi đó là ngày khó khăn nhất trong cuộc đời ông.

Khi đề cập đến chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Trump, cựu phó Tổng thống Pence nói rằng, sẽ có những sự lựa chọn tốt hơn xuất hiện trong hai năm tới. Ông Pence để ngỏ khả năng mình là một trong số đó. Ông nói: "Tôi sẽ thông báo cho các bạn sau! Tôi nghĩ đã đến lúc lãnh đạo mới ở nước này cần mang chúng ta lại gần nhau hơn, quanh những lý tưởng cao đẹp nhất".

Khi được hỏi liệu ông có ra làm chứng trước ủy ban điều tra vụ ngày 6/1 hay không, cựu Phó Tổng thống Mike Pence đã bác bỏ và nói rằng: "Quốc hội không có quyền lấy lời khai của tôi. Nó sẽ tạo ra một tiền lệ khủng khiếp, khi một ủy ban quốc hội triệu tập phó tổng thống để thảo luận những vấn đề ở Nhà Trắng. Nó vi phạm sự phân chia quyền lực và làm xói mòn mô hình dân chủ".

Cựu Thống đốc bang New Jersey Chris Christie, người từng là đồng minh thân cận của cựu Tổng thống Trump, mới đây cũng lên tiếng chỉ trích người bạn cũ, khi cho rằng đảng Cộng hòa đã đưa ra những ứng cử viên kém năng lực vào cuộc đua vừa qua.

Ông Christie cùng một số đảng viên Cộng hòa đổ lỗi cho các ứng cử viên có quan hệ với cựu Tổng thống Trump, ủng hộ tuyên bố sai trái của ông Trump về gian lận trong cuộc bầu cử năm 2020, khiến cử tri không hài lòng nên chuyển sang bầu cho ứng viên đảng Dân chủ.

Cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo, một trong những người trung thành nhất của ông Trump, cũng là một ứng viên sáng giá có thể chạy đua vào Nhà Trắng năm 2024, mới đây cũng viết lên Twitter ngầm chỉ trích người sếp cũ với nội dung: "Chúng ta cần sự nghiêm túc hơn, ít ồn ào hơn và những lãnh đạo biết đưa đất nước tiến lên phía trước, chứ không phải người lúc nào cũng cho rằng mình là nạn nhân". Rõ ràng ông Pompeo đã cho thấy một góc nhìn rất khác. Ông cũng giữ khoảng cách khi không tham dự buổi công bố chạy đua chức tổng thống năm 2024 của ông Trump.

Nhà tài trợ không còn hào hứng

Không chỉ các chính trị gia, nhiều nhà tài trợ có tầm ảnh hưởng cũng muốn đảng Cộng hòa tách rời khỏi ông Trump. Đế chế truyền thông News Corp của tỷ phú Rupert Murdoch từng ủng hộ ông Trump nhiệt thành nay cũng phát hành nhiều bài báo chỉ trích ông Trump.

Tỷ phú Stephen Schwarzman, giám đốc điều hành (CEO) công ty Blackstone và là đồng minh một thời của cựu Tổng thống Trump, đã tuyên bố vào hôm 15/11 rằng, ông sẽ không ủng hộ nỗ lực của ông Trump để trở thành ứng cử viên của đảng Cộng hòa tranh cử vào Nhà Trắng. Theo ông Schwarzman, đã đến lúc đảng Cộng hòa chuyển sang một thế hệ lãnh đạo mới có năng lực hơn, nhiệt huyết hơn và biết đoàn kết đất nước hơn. Ông Schwarzman, 75 tuổi, là nhà tài trợ quan trọng của đảng Cộng hòa. Ông đã chi 35,5 triệu USD hỗ trợ đảng Cộng hòa trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm nay.

Ông Ken Griffin, tỷ phú sáng lập công ty chứng khoán Citadel, đã công khai ủng hộ Thống đốc bang Florida Ron DeSantis, người dễ dàng tái đắc cử trong cuộc đua vừa qua. Ông Ken Griffin gọi cựu Tổng thống Trump là người thua cuộc 3 lần, hy vọng ông không chạy đua vào Nhà Trắng, thay vào đó nhường chỗ cho Thống đốc Florida Ron DeSantis. Ông gọi thất bại 3 lần của cựu Tổng thống Trump vào năm 2020, 2021 và 2022 là kết quả khó tin.

Với khối tài sản ước tính hơn 29 tỷ USD, ông Griffin là người giàu nhất bang Florida và là một trong những nhà hảo tâm ủng hộ lớn nhất cho đảng Cộng hòa. Ông Griffin đã ủng hộ Thống đốc DeSantis 5 triệu USD cho cuộc đua mà vị thống đốc 44 tuổi này giành chiến thắng vang dội.

Ông Scott Jennings, chiến lược gia của đảng Cộng hòa phân tích trên CNN rằng, gần như phe Dân chủ sẽ tiếp tục kiểm soát Nhà Trắng, nếu ông Trump đại diện cho đảng Cộng hòa tranh cử 2024. Đảng Cộng hòa cũng hiểu điều này, nhưng để thoát khỏi ảnh hưởng của ông Trump không phải là điều dễ dàng.

Thế khó của đảng Cộng hòa khi muốn tách khỏi ông Trump

Dù đang đối mặt với sự phản đối từ nhiều bên, không thể phủ nhận rằng ông Trump vẫn đang là ứng cử viên sáng giá nhất của đảng Cộng hòa. Những cử tri trung thành với ông luôn duy trì mức ổn định, từ 30-35%. Đây là số cử tri đủ để ông đánh bại bất kỳ ứng viên nào thách thức vị trí số một.

Một số chuyên gia cho rằng, trong cuộc bầu chọn để trở thành ứng cử viên duy nhất đại diện cho đảng Cộng hòa, nếu có nhiều đối thủ cùng tham gia, ví dụ ông Ron DeSantis, ông Mike Pence, ông Mike Pompeo hay bà Nikkey Halley, thì ông Trump dễ dàng đánh bại tất cả, thông qua 30-35% cử tri trung thành. Đây là những người ủng hộ mạnh mẽ khẩu hiệu "Make American Great Again" (tạm dịch: "Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại") của ông.

Do đó, một số lãnh đạo cấp cao đảng Cộng hòa đang muốn chọn ra ứng viên duy nhất đấu với ông Trump, ví dụ Thống đốc Florida Ron DeSantis. Khi đó, 30% cử tri trung thành của ông Trump sẽ không thể đấu lại 70% cử tri khác, trong đó có trên dưới 30% là không ủng hộ ông Trump. Tuy nhiên, cũng có thể từ đây đến khi cuộc đua bắt đầu tăng tốc, sẽ có một số ít ứng viên vượt trội hơn, ví dụ Thống đốc Florida Ron DeSantis và cựu Phó tổng thống Mike Pence. Lúc này, phiếu bầu của đảng Cộng hòa sẽ không bị chia nhỏ và những ứng viên không phải là ông Trump sẽ thu hút được nhiều phiếu hơn.

Theo một số chuyên gia, nếu đảng Cộng hòa chọn một ứng viên không phải ông Trump, có đủ sự mạnh mẽ, uy tín, và thành tích trong quá khứ, trong khi đảng Dân chủ không có ứng viên nổi bật, thì cơ hội chiến thắng của đảng Cộng hòa sẽ vượt trội hơn hẳn.

Ngược lại, nếu ông Trump đại diện cho đảng Cộng hòa năm 2024, cơ hội cho đảng Dân chủ lại cao hơn. Lý do ông Trump có khoảng 35% cử tri Cộng hòa trung thành, nhưng chia ra với tổng cử tri nước Mỹ, thì cũng chỉ chiếm khoảng 15-25%. Lúc này hàng loạt cử tri Cộng hòa có hiềm khích với ông Trump sẽ quay sang bỏ phiếu cho ứng viên Dân chủ, và cơ hội giành chiến thắng của ông Trump gần như bằng không.

Đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa đều hiểu rõ viễn cảnh trên, tuy nhiên để thay đổi là điều không đơn giản.

Trong cuộc bầu cử vừa qua, đảng Cộng hòa đã chiến thắng ở Hạ viện với cách biệt không lớn. Ông Kevin McCarthy trong cuộc bầu chọn nội bộ đảng Cộng hòa để trở thành ứng viên duy nhất ra tranh cử chức chủ tịch Hạ viện đã giành chiến thắng vang dội. Tuy nhiên, vẫn có khoảng 30 nghị sĩ phản đối. Với cuộc bầu cử nội bộ, con số 30 nghị sĩ này không đáng lo ngại, nhưng bầu cử chủ tịch Hạ viện, điều đó dư sức khiến "gió đổi chiều".

Hiện nay đảng Cộng hòa có 220 ghế để kiểm soát Hạ viện. Giả sử khi cuộc bầu cử chủ tịch Hạ viện diễn ra, tất cả nghị sĩ Dân chủ đều bỏ phiếu cho ứng viên Dân chủ, chỉ cần 3 nghị sĩ Cộng hòa quay lưng bỏ phiếu cho ứng viên Dân chủ, ghế chủ tịch Hạ viện sẽ tiếp tục do người của đảng Dân chủ nắm giữ. Do đó con số 30 nghị sĩ phản đối ông McCarthy là quá nhiều, có thể nhấn chìm tham vọng làm chủ tịch Hạ viện của ông. Phần lớn những nghị sĩ trong nhóm này là đồng minh thân cận của ông Trump.

Thời gian qua, có tín hiệu cho thấy ông McCarthy muốn nhượng bộ. Ông đàm phán với các nghị sĩ phản đối, đồng thời cân nhắc bổ nhiệm họ vào ghế chủ tịch các ủy ban đầy quyền lực của Hạ viện như Ủy ban tình báo, Ủy ban tài chính hay Ủy ban quân lực. Những ủy ban này thậm chí có quyền điều tra các mối liên hệ của con trai Tổng thống Joe Biden.

Đây là viễn cảnh cho thấy cựu Tổng thống Trump gia tăng quyền lực của mình trong nội bộ đảng Cộng hòa. Viễn cảnh này còn dẫn tới điều gì? Ông Trump có thêm sức mạnh trong cuộc đua trở thành ứng viên chính thức và duy nhất của đảng Cộng hòa để tranh cử tổng thống năm 2024.

(Nguồn: Dân Trí)

MỸ CHỌN PHẢN ỨNG 'THẬN TRỌNG' VÀ 'THÔNG MINH' TRƯỚC BIỂU TÌNH CHỐNG ZERO-COVID TẠI TRUNG QUỐC?

(Ảnh minh hoạ).

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bị phe Cộng hòa chỉ trích kịch liệt vì cách phản ứng thận trọng trước các cuộc biểu tình trên khắp Trung Quốc liên quan đến lệnh phong tỏa vì Covid. Một số lập pháp đã cáo buộc Washington thất bại trong việc nắm bắt một thời khắc lịch sử, theo phân tích từ Reuters.

Thế nhưng một số nhà phân tích cũng cho rằng sự thận trọng là một cách tiếp cận đúng đắn trong bối cảnh mối quan hệ Mỹ-Trung tiềm ẩn nhiều bất ổn, và cả nguy cơ bị rơi vào diễn ngôn của Trung Quốc với cáo buộc "các thế lực nước ngoài" đang đứng đằng sau các cuộc biểu tình.

Hôm thứ Hai 28/11, Nhà Trắng tuyên bố ủng hộ quyền tự do biểu tình của người dân Trung Quốc nhưng không lên tiếng chỉ trích Bắc Kinh.

Đảng Cộng hòa đã nhanh chóng lên tiếng chỉ trích chính quyền ông Biden. Thượng nghị sĩ Ted Cruz đã gọi phản ứng của Nhà Trắng là "đáng tiếc", nêu thêm trong một dòng tweet: "Vào thời điểm có khả năng xoay chuyển lịch sử thì Đảng Dân chủ lại 'cò mồi' cho Đảng Cộng sản Trung Quốc."

Các thượng nghị sĩ khác thuộc Đảng Cộng hòa, gồm Thượng nghị sĩ Marco Rubio và Chris Smith cũng nêu ý kiến xem phản ứng từ Tổng thống Biden là "yếu kém", trong khi Michael McCaul, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ nêu trong một dòng tweet: "Khi người dân Trung Quốc dũng cảm phản đối thì Joe Biden và tầng lớp tập đoàn lại nhún vai."

Ông McCaul cũng cam kết từ năm sau sẽ có một lập trường cứng rắn hơn chống Trung Quốc từ Hạ viện, vốn hiện do phe Cộng hòa kiểm soát, trong khi hai ông Rubio và Smith thì tuyên bố: "Nước Mỹ sẽ không thay đổi trong sự ủng hộ của chúng tôi dành cho người dân Trung Quốc khi họ can trường đòi hỏi tự do."

Các chính trị gia Đảng Cộng hòa đã không nêu cụ thể họ sẽ phản ứng thế nào nếu ở vị trí của Tổng thống Biden.

Ngôn từ cẩn trọng từ chính quyền Washington đã tương phản với sự thể hiện sự đoàn kết trước đó của ông Biden với người biểu tình chống chính phủ ở Iran, khi hồi đầu tháng này, Tổng thống Mỹ đã nói "Đừng lo lắng. Chúng ta sẽ mang tự do đến cho Iran."

Thời khắc nhạy cảm

Làn sóng bất tuân dân sự lớn nhất của Trung Quốc kể từ khi Tập Cận Bình nhậm chức cách đây 10 năm, xảy ra ngay vào thời khắc mang tính nhạy cảm trong mối quan hệ Mỹ-Trung.

Theo sau chuyến thăm đến Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ, bà Nancy Pelosi hồi tháng Tám, thì khi đó Trung Quốc đã tiến hành các cuộc diễn tập quân sự xung quanh hòn đảo mà Bắc Kinh xem là lãnh thổ của mình, và cắt đứt liên lạc với Mỹ trong một số lĩnh vực, bao gồm các vấn đề quân sự và biến đổi khí hậu.

Kể từ khi đó, Trung Quốc và Mỹ đã cùng làm việc để ổn định mối quan hệ song phương. Hai ông Biden và Tập Cận Bình đã có cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên bên lề Thượng đỉnh G20 tại Bali hồi tháng này và hai quốc gia cũng đồng ý thảo luận sau đó, bao gồm một chuyến đi của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến Trung Quốc vào đầu năm 2023.

Một quan chức Mỹ có tham gia vào chính sách Mỹ-Trung cho biết, Nhà Trắng tin rằng cách xử lý Covid của Tập Cận Bình đang gây tổn hại đến niềm tin về cách tiếp cận của ông ta đối với đại dịch, và Washington muốn tránh việc cho thấy đang can thiệp vào nền chính trị nội bộ của Bắc Kinh, trong bối cảnh đang Mỹ đang đạt những bước tiến trong việc làm nồng ấm thêm mối quan hệ.

Bắc Kinh và Washington đã đối phó với dịch bệnh lây lan theo những cách vô cùng khác biệt.

Chính sách zero-Covid đã giữ mức tử vong chính thức ở con số hàng ngàn, trong khi ở Mỹ là hơn một triệu, nhưng cái giá phải trả khi bắt buộc người dân phải ở nhà trong một thời gian dài đã gây nên sự đứt gãy và tổn thất quy mô lớn đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Công ty Isaac Stone Fish of Strategy Risks, chuyên tư vấn cho các công ty về rủi ro chính trị ở Trung Quốc cho biết cách phản ứng của Nhà Trắng có thể dựa trên một sự thật là Mỹ có nhiều rủi ro hơn trong mối quan hệ song phương với Trung Quốc hơn là với một quốc gia như Iran.

"Có thể đây là một khái niệm về mức độ bền vững. Chính quyền của ông Biden dường như nghĩ rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể tồn tại qua các cuộc biểu tình hơn là chính phủ của Iran."

Ngoài ra, giới phân tích cũng cho rằng Mỹ muốn tránh ngôn từ mà có thể khiến phía Trung Quốc chỉ ra các cuộc biểu tình là do sự can thiệp từ Washington.

"Nhà Trắng sáng suốt khi kiềm chế không tuyên bố bảo vệ người biểu tình và yêu cầu của họ," nhà nghiên cứu Scott Kennedy từ trung tâm nghiên cứu Center for Strategic and International Studies (CSIS) nói.

"Trung Quốc đã từ lâu khẳng định chính phủ Mỹ đã đứng đằng sau các cuộc biểu tình trong nước, từ Thiên An Môn vào năm 1989 cho đến ở Hong Kong vào năm 2020. Việc phát ngôn bất kỳ điều gì hiện nay có thể cho thấy sự liên quan đối với những khẳng định như vậy."

Hôm thứ Hai 29/11, cảnh sát Trung Quốc đã tăng cường an ninh tại các địa điểm xảy ra biểu tình ở Thượng Hải và Bắc Kinh, bắt đầu tra hỏi một số người biểu tình, những người có tham gia biểu tình ở Bắc Kinh nói với Reuters.

Ủy ban Chính pháp Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, phụ trách việc thực thi pháp luật trong nước, cho biết "cần thiết trấn áp sự xâm nhập và các hoạt động phá hoại từ các thế lực thù định căn cứ theo luật pháp", tuyên bố được Tân Hoa Xã công bố, không đề cập đến các cuộc biểu tình gần đây.

Daniel Russel, cựu nhà ngoại giao hàng đầu đối với khu vực Đông Á trong chính quyền Tổng thống Obama nói, Nhà Trắng sẽ tập trung vào những bước đi tiếp theo của chính quyền Trung Quốc.

"Sẽ còn nhiều thời gian để gia tăng mức độ ngôn từ nếu Bắc Kinh làm theo cuộc trấn áp bạo lực tại Quảng trường Thiên An Môn hay mô hình của Iran và giết chóc người dân," ông Daniel cho biết.

"Vì vậy, tránh đường và để chính người biểu tình đứng ở vị trí trung tâm là một bước đi thông minh vào thời điểm này."

(Nguồn: BBC)

CÂU TRẢ LỜI CỦA TỔNG THỐNG BIDEN CHO “CÁI GIÁ” VỀ KINH TẾ CỦA XUNG ĐỘT Ở UKRAINE

Việc áp giá trần dầu mỏ Nga và những nỗ lực nhằm đối phó với tác động tiêu cực của xung đột ở Ukraine đến nền kinh tế toàn cầu sẽ là trọng tâm kinh tế chính của chính quyền Tổng thống Biden.

Cái giá của xung đột ở Ukraine

Cuộc xung đột ở Ukraine đã trở thành thách thức kinh tế lớn nhất của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, đe dọa đẩy thế giới vào một cuộc suy thoái và có thể gia tăng rủi ro cho sự khôi phục kinh tế của Mỹ.

Sự kết hợp giữa các lệnh trừng phạt của phương Tây và đòn đáp trả của Nga đã khiến giá năng lượng và lương thực toàn cầu tăng, làm trầm trọng hóa tình trạng lạm phát và gây sụt giảm tăng trưởng toàn cầu. Cú sốc dầu mỏ do cuộc xung đột ở Ukraine đã đẩy giá xăng dầu trung bình ở Mỹ lên hơn 5 USD/gallon vào tháng 6, trước khi giảm dần vào tháng 7 và tháng 8.

Tuần này, Liên minh châu Âu dự kiến sẽ sửa đổi lần cuối kế hoạch nhằm hạn chế những tổn thất kinh tế của việc áp giá trần dầu mỏ Nga. Ý tưởng trên, được đề xuất bởi Bộ trưởng Tài chính Mỹ, có mục tiêu duy trì dòng chảy dầu mỏ Nga ra thị trường thế giới, thậm chí cả khi châu Âu tiếp tục các biện pháp mới nhằm hạn chế doanh thu của Nga từ dầu mỏ.

Trong năm tới, việc áp giá trần dầu mỏ Nga và những nỗ lực khác nhằm đối phó với những tác động tiêu cực của xung đột ở Ukraine đến nền kinh tế toàn cầu sẽ là trọng tâm kinh tế chính của Tổng thống Biden. Với những lựa chọn hạn chế sau khi đảng Dân chủ mất quyền kiểm soát Hạ viện, Tổng thống Biden sẽ cần tìm kiếm những cách thức mới để bảo vệ thị trường khỏi những ảnh hưởng của xung đột, trong đó có những sáng kiến quốc tế mới nhằm thúc đẩy nguồn cung lương thực và ngăn cản nguy cơ khủng hoảng tài chính ở các nước đang phát triển.

Tổng thống Biden và các cố vấn kinh tế đã dành nhiều thời gian ở Hội nghị Thượng đỉnh G20 trong tháng này tại Bali, Indonesia để xây dựng nền tảng cho những nỗ lực nhằm giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine. Trên thực tế, những quyết định lớn nhất của Tổng thống Biden về kinh tế trong những tháng tới sẽ liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine: Đó là làm sao để hỗ trợ tốt nhất cho Ukraine và làm thế nào để thúc đẩy cuộc xung đột nhanh chóng đi đến hồi kết.

Cuộc xung đột hiện nay là một cuộc khủng hoảng nhân đạo đối với Ukraine nhưng cũng khiến "thế giới phải trả giá đắt", Gita Gopinath, Phó Tổng giám đốc điều hành thứ nhất, Quỹ Tiền Tệ quốc tế (IMF) cho hay. Ông nhận định: "Chúng ta đang ở trong tình thế khó khăn thậm chí cả khi xung đột ở Ukraine không leo thang nghiêm trọng".

Ông cũng đánh giá: "Một nhận định chung mà mọi người đều rút ra là cuộc xung đột này cần kết thúc bởi những hậu quả với nền kinh tế sẽ rất lớn".

Áp giá trần dầu mỏ Nga là câu trả lời của chính quyền ông Biden

Các quan chức trong chính quyền Tổng thống Biden nhất trí rằng cách tốt nhất để thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu trong những tháng tới là thúc đẩy cuộc xung đột đi đến hồi kết - điều mà Tổng thống Biden nhiều lần cho rằng phải dựa trên những điều khoản của Ukraine.

Trong khi đó, các quan chức trong chính quyền Mỹ cho biết, trọng tâm của nỗ lực hạn chế tối đa tổn thất về kinh tế là kế hoạch áp giá trần dầu mỏ Nga. Tổng thống Biden đã thúc đẩy ý tưởng trên nhiều tháng nay qua các cuộc đàm phán xuyên lục địa với mục tiêu là hàng triệu thùng dầu Nga vẫn được xuất ra thị trường toàn cầu nhưng sẽ bị giảm giá nhằm làm giảm doanh thu của Moscow.

Ngày 28/11, Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby nhận định với báo giới rằng, cuộc xung đột ở Ukraine có "tác động rất nghiêm trọng và to lớn đến nền kinh tế", đồng thời nhận định, "đó là lý do tại sao chúng ta cần áp giá trần dầu mỏ Nga".

"Chúng tôi lạc quan cho rằng việc áp thành công giá trần dầu mỏ Nga sẽ tránh được cú sốc tăng giá năng lượng. Đây là một kế hoạch tiến bộ để tránh khủng hoảng", Ben Harris, trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ phụ trách chính sách kinh tế nhận định.

Tổng thống Biden hầu như có rất ít lựa chọn nếu những kế hoạch trên thất bại. Với việc đảng Dân chủ mất quyền kiểm soát Hạ viện, Tổng thống Biden gần như chắc chắn sẽ bị hạn chế trong việc thúc đẩy các biện pháp kinh tế mới tại Quốc hội trong 2 năm tới.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Tổ chức Phát triển và Hợp tác Kinh tế đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm tới khi dẫn ra những tác động từ cuộc xung đột ở Ukraine.

Tuyên bố của các nước sau khi kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Bali, Indonesia cũng khẳng định, cuộc xung đột ở Ukraine đang "gây ra những thương vong to lớn, làm trầm trọng tình trạng bất ổn hiện tại của nền kinh tế toàn cầu, hạn chế tăng trưởng, làm tăng lạm phát, gián đoạn chuỗi cung ứng, gia tăng sự mất an ninh về lương thực và năng lượng cũng như gây ra những rủi to với sự ổn định tài chính".

Theo nhà quan sát Jim Tankersley bình luận trên New York Times, Tổng thống Biden không thể kết thúc cuộc xung đột ở Ukraine nhưng có thể hạn chế những tác động tiêu cực đến nền kinh tế từ cuộc xung đột này.

Điều đó sẽ bắt đầu bằng việc áp giá trần dầu mỏ Nga. Lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ Nga của EU sẽ có hiệu lực vào tháng tới. Những biện pháp trừng phạt này có thể ngăn hàng triệu thùng dầu Nga xuất ra thị trường toàn cầu cũng như đẩy giá dầu thô tăng vọt.

Nỗ lực áp giá trần dầu mỏ tức là dầu mỏ Nga vẫn được tiếp tục bán ra thị trường toàn cầu nhưng sẽ bị giảm giá. Mỹ cho rằng kế hoạch này sẽ làm giảm doanh thu từ dầu mỏ mà Nga đang sử dụng để tài trợ cho cuộc xung đột, song vẫn giữ giá dầu ổn định và tránh được những dự đoán cho rằng giá xăng dầu ở Mỹ sẽ lên tới 7 USD/gallon. Ngoài ra, chính quyền Tổng thống Biden đánh giá, kế hoạch trên sẽ làm giảm sức ép lên nền kinh tế các nước đang phát triển và cho phép họ mua dầu được giảm giá từ Nga so với giá thị trường.

Phản ứng của Nga và nguy cơ xung đột leo thang

Dù vậy, Nga sẽ không dễ dàng để kế hoạch trên được thực hiện. Moscow có thể đáp trả bằng cách rút dầu mỏ khỏi thị trường nhằm khiến giá cả tăng vọt. Tuy nhiên, nếu làm vậy, Nga cũng sẽ tổn thất về doanh thu.

Ngoài ra, các nhà quan sát phương Tây cho rằng, nếu kế hoạch áp giá trần được thực hiện, Moscow sẽ leo thang xung đột ở Ukraine, dẫn đến rủi ro gia tăng cho nền kinh tế thế giới.

Moscow gần đây đã tăng cường các cuộc tấn công tên lửa và UAV vào các cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine. Vụ tên lửa Ukraine rơi ở Ba Lan cũng nhắc nhở thế giới về rủi ro leo thang xung đột có thể vượt khỏi biên giới Ukraine và lan ra các nước châu Âu. Đến nay, chính quyền Tổng thống Biden đã thành công trong việc ngăn cản căng thẳng leo thang bằng cách ngăn cản xung đột ảnh hưởng trực tiếp đến các nước NATO. Tuy nhiên, nếu như ngày càng có nhiều vụ tên lửa "đi lạc" hoặc tình hình chiến trường Ukraine thay đổi, những tính toán trên có thể cũng sẽ thay đổi.

Tổng thống Biden khẳng định, nền kinh tế Mỹ đang ở vị trí thuận lợi để chống chọi trước bất kỳ bước lùi nào của nền kinh tế toàn cầu. Các cố vấn của ông dẫn ra rằng, là một nhà sản xuất năng lượng lớn, Mỹ sẽ không phải chịu những khó khăn như châu Âu khi không thể tiếp cận nguồn dầu mỏ và khí tự nhiên Nga.

Cho tới nay, Tổng thống Biden cũng đối mặt với hầu như rất ít sức ép trong nước liên quan đến những quyết định trong cuộc xung đột ở Ukraine. Ukraine thậm chí còn không phải một vấn đề ưu tiên của các cử tri Mỹ mà bằng chứng là cuộc xung đột này không nằm trong tốp 60 chủ đề trong các chiến dịch quảng cáo trên toàn quốc trong cuộc bầu cử giữa kỳ vừa qua.

Tuy nhiên, nếu Tổng thống Biden tìm kiếm nhiệm kỳ tiếp theo, kinh tế Mỹ - vốn chịu tác động từ cuộc xung đột ở Ukraine - sẽ chiếm vị trí không nhỏ. Nếu xung đột ở Ukraine khiến giá khí đốt tăng cao, điều đó có thể ảnh hưởng đến lập trường của dư luận với Tổng thống. Tỷ lệ lạm phát lương thực và năng lượng ở mức cao cũng có thể thúc đẩy Quỹ Dự trữ Liên bang tăng tỷ lệ lãi suất nhanh hơn và lâu hơn so với các quan chức dự báo. Điều đó sẽ kìm hãm tăng trưởng và làm tăng rủi ro suy thoái.

Dù vậy, Tổng thống Biden đã nhiều lần khẳng định những mối đe dọa trên sẽ không ngăn cản ông làm những điều mà ông cho là đúng đắn ở Ukraine.

(Nguồn: VOV)

MỸ DUYỆT BÁN MỘT TỶ USD VŨ KHÍ CHO QATAR

Lầu Năm Góc duyệt thương vụ trị giá một tỷ USD cung cấp cho Qatar UAV cỡ nhỏ và các tổ hợp chống loại vũ khí này.

"Thương vụ được đề xuất sẽ cải thiện năng lực của Qatar trong đối phó các mối đe dọa hiện tại và tương lai với việc cung cấp khả năng hạ máy bay không người lái (UAV) bằng động năng lẫn điện tử", Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng (DSCA) thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 29/11 thông báo.

Bộ Ngoại giao Mỹ trước đó phê duyệt thương vụ vũ khí cho Qatar và DSCA đã nộp tờ trình lên quốc hội Mỹ để cơ quan này ký duyệt.

"Tổng chi phí chương trình ước tính là một tỷ USD. Thương vụ được đề xuất sẽ hỗ trợ chính sách đối ngoại và các mục tiêu an ninh quốc gia của Mỹ bằng cách cải thiện an ninh của một quốc gia thân thiện", DSCA tuyên bố.

Thương vụ vũ khí Mỹ phê duyệt cho Qatar có 200 UAV cỡ nhỏ Coyote Block 2 cùng các bệ phóng của tổ hợp Coyote, Tổ hợp Tác chiến điện tử Chống khí tài không người lái (CUAEWS) và các thiết bị liên quan.

UAV Coyote có thể phóng bằng ống trên mặt đất, chiến hạm hoặc máy bay, tác chiến đơn lẻ hoặc theo bầy đàn, thực hiện nhiệm vụ giám sát, tác chiến điện tử và tấn công mục tiêu.

Ngoài ra, thương vụ dự kiến có 10 tổ hợp chống UAV FS-LIDS, có khả năng phát hiện UAV cỡ nhỏ, bay thấp và chậm, phân loại chúng và hạ gục bằng can thiệp điện tử.

DSCA thông báo về thương vụ sau khi nhóm Houthi tại Yemen, do Iran hậu thuẫn, nhiều lần bị cáo buộc sử dụng UAV tập kích các mục tiêu tại Vùng Vịnh.

(Nguồn: Vnexpress)

(Xem thêm:

=> Mỹ: Kỷ nguyên tiền rẻ kết thúc; Hệ lụy từ 'bữa ăn ác mộng'; Thượng đỉnh với Pháp; Rơi vào vòng xoáy ở Ukraine ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang