Mỹ: Kỷ nguyên tiền rẻ kết thúc; Hệ lụy từ 'bữa ăn ác mộng'; Thượng đỉnh với Pháp; Rơi vào vòng xoáy ở Ukraine

KỶ NGUYÊN TIỀN RẺ CỦA MỸ ĐÃ KẾT THÚC, HỆ LỤY LAN RỘNG TỚI NGƯỜI TIÊU DÙNG, DOANH NGHIỆP, CÁC QUỐC GIA

(Ảnh minh hoạ).

Quốc gia, doanh nghiệp và người tiêu dùng đã từng mạnh tay vay nợ khi lãi suất thấp trong thập kỷ qua. Tuy vậy, kỷ nguyên tiền rẻ đã kết thúc khi các ngân hàng trung ương mạnh tay nâng lãi suất, tạo ra một loạt rủi ro.

Theo Bloomberg, thời kỳ tiền rẻ đã ngừng lại vào năm 2022, khi các ngân hàng trung ương chuyển sang thắt chặt để chiến đấu với lạm phát. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nâng lãi suất cơ bản từ mức gần bằng 0 lên 4% chỉ trong vòng 6 tháng.

Doanh nghiệp, quốc gia và người tiêu dùng từng mạnh tay vay nợ khi tiền rẻ, giờ đây đang đối mặt với những căng thẳng mới. Việc điều kiện tín dụng đột ngột bị thắt chặt không chỉ tăng rủi ro suy thoái và vỡ nợ, mà còn làm dấy lên nỗi lo về những lỗ hổng tài chính trước kia từng được lấp đầy bởi các khoản vay.

Vì sao tiền trước đây rẻ thế?

Ngân hàng trung ương đã nới lỏng tiền tệ nhằm ngăn không cho Khủng hoảng Tài chính 2008 gây ra một cuộc suy thoái. Các ngân hàng đã sử dụng lãi suất và những giải pháp khác để thúc đẩy hoạt động kinh doanh.

Lãi suất đã được giữ ở mức thấp trong nhiều năm khi nền kinh tế phục hồi chậm chạp. Đại dịch COVID bùng phát một lần nữa khiến các ngân hàng trung ương mạnh tay nới lỏng chính sách.

Fed hạ lãi suất về gần bằng 0 vào đầu năm 2020 và tới tháng 3/2022 mới nâng lên. Trước đó, Fed liên tục giữ lãi suất thấp từ cuối năm 2008 đến đầu năm 2015.

Kết quả của tiền rẻ

Việc giữ lãi suất thấp đã mở ra một giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ trong thị trường tài chính Mỹ, ngoại trừ thời gian sụt giảm ngắn và sâu do COVID vào năm 2020. Thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng 580% kể từ sau cuộc Khủng hoảng Tài chính 2008.

Đồng thời, động thái nới lỏng cũng dẫn tới các khoản nợ ngày càng lớn của doanh nghiệp và quốc gia. Theo dữ liệu được Giáo sư tài chính Ed Altman tổng hợp, trong giai đoạn 2007 - 2020, tỷ lệ nợ chính phủ trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã tăng từ 58% lên 98%. Nợ của doanh nghiệp phi tài chính so với GDP tăng từ 77% lên 97%.

Trong nỗ lực tìm kiếm lợi nhuận cao hơn những tài sản an toàn như Trái phiếu Kho bạc Mỹ, các nhà đầu tư đã ném tiền vào doanh nghiệp, mua trái phiếu rủi ro với lợi suất cao, mà bỏ qua đánh giá tín dụng kém.

Bất chấp khoản nợ ngày càng phình to, lạm phát vẫn được kiểm soát tại đa số các nền kinh tế phát triển. Ở Mỹ, lạm phát hiếm khi chạm tới mục tiêu 2% của Fed.

Điều gì đã thay đổi?

Lạm phát bắt đầu tăng nhanh vào năm 2021 khi những hạn chế COVID được dỡ bỏ, trong khi chuỗi cung ứng tiếp tục bị gián đoạn. Vào năm 2022, lạm phát đã lên 9% tại Mỹ và hơn 10% tại châu Âu do khủng hoảng năng lượng và tác động từ cuộc xung đột Ukraine.

Dẫn đầu bởi Fed, các ngân hàng trung ương bắt đầu nâng lãi suất với tốc độ cao nhất trong vòng 4 thập kỷ. Mục tiêu của các ngân hàng là làm chậm tăng trưởng bằng cách hạ nhu cầu tiêu dùng, với hy vọng rằng giá cả cũng sẽ giảm theo.

Trong giai đoạn tháng 3-11/2022, Fed đã tăng giới hạn trên của Lãi suất Quỹ Liên bang từ 0,25% lên 4%. Các nhà kinh tế dự kiến Fed sẽ nâng lãi suất này lên 5% vào tháng 3/2023, và giữ nguyên trong gần như cả năm sau.

Nhà đầu tư và thị trường chịu ảnh hưởng như thế nào?

Khi quá trình thắt chặt bắt đầu, thị trường chứng khoán Mỹ đã sụt giảm 25% từ mức đỉnh do các nhà đầu tư lo ngại sự chậm lại của hoạt động kinh tế.

Giá trái phiếu đã tụt mạnh nhất trong nhiều thập kỷ, khi kỳ vọng những đợt phát hành mới mang lại lợi tức cao hơn khiến các trái phiếu đã phát hành mất đi giá trị. Các doanh nghiệp được xếp hạng đầu tư (investment-grade) hoặc có lợi suất cao (high-yield grade) đều cắt giảm hoạt động đi vay.

Bất động sản, một trong những lĩnh vực nhạy cảm nhất của nền kinh tế Mỹ, đã chứng kiến doanh số chậm lại đáng kể. Những nhà đầu tư có xu hướng né tránh loại tài sản nhiều rủi ro, chẳng hạn như các khoản vay có đòn bẩy.

Tác động tới người tiêu dùng và doanh nghiệp

Ở Mỹ, tính đến tháng 11, lợi suất trái phiếu doanh nghiệp được xếp hạng đầu tư đã lên khoảng 6%, trong khi lợi suất trái phiếu lợi suất cao gần chạm 10%. Đồng thời, doanh nghiệp còn đối mặt với chi phí lao động tăng, đặc biệt ở những lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe.

Người mua nhà cũng đang đối mặt với những khoản chi trả lãi suất hàng tháng ngày càng đắt đỏ. Lãi suất thế chấp cố định trong 30 năm đã vượt qua 7%, mức cao nhất trong vòng hai thập kỷ.

Và bất chấp việc người lao động Mỹ được tăng lương đáng kể trong hai năm qua, lạm phát kỷ lục đang bắt đầu ăn mòn thu nhập.

Ngoài nước Mỹ, việc Fed tăng lãi suất cũng đang làm đồng USD mạnh lên. Kết quả là những khoản nợ bằng USD của các thị trường mới nổi đang ngày càng đắt đỏ.

Rủi ro khi tiền không còn rẻ

Tiền rẻ ở Mỹ đã khiến cho nợ của những doanh nghiệp rủi ro nhất ngày càng tăng, đặc biệt là các công ty được quỹ đầu tư tư nhân sở hữu.

Tỷ lệ nợ trên thu nhập đã tăng lên trên thị trường cho vay có đòn bẩy trong vòng 10 năm qua. Các khoản vay có thế chấp đang trở nên ngày càng rủi ro.

Trên toàn cầu, “doanh nghiệp thây ma” - những công ty không kiếm đủ tiền để trang trải cho chi phí - đã trở nên ngày càng phổ biến hơn. Chi phí đắt đỏ hơn, từ vốn, lao động cho tới hàng hóa, đã tạo ra kỳ vọng rằng nguy cơ vỡ nợ sẽ tăng lên, đặc biệt tại những doanh nghiệp nhiều nợ.

Nguy cơ một cuộc khủng hoảng tài chính khác

Các quy tắc cho vay đã được thắt chặt sau sự sụp đổ của thị trường tín dụng vào năm 2008. Tuy vậy, tốc độ tăng lãi suất đang làm gia tăng lo ngại rằng một phần nào đó trong hệ thống tài chính sẽ bị phá vỡ.

Vào tháng 9, chiến lược phòng ngừa rủi ro thường được các quỹ hưu trí của Anh sử dụng đã phản tác dụng, khi lợi suất trái phiếu chính phủ tăng mạnh. Ngân hàng trung ương Anh (BoE) đã phải can thiệp để xoa dịu tình trạng hỗn loạn trên thị trường.

Có lý do cho sự lạc quan?

Cho đến nay, người tiêu dùng Mỹ và những người đi vay vẫn đủ sức chịu đựng. Khả năng tiếp cận thị trường dễ dàng sau đại dịch đã giúp nhiều doanh nghiệp tái cấp vốn cho các khoản nợ ở mức lãi suất thấp.

Các khoản kích thích trong đại dịch và mức lương cao hơn sau đó đã giúp hộ gia đình có một tấm đệm để vượt qua một số suy thoái kinh tế. Nhìn chung, tỷ lệ rủi ro của người tiêu dùng trong vay thế chấp và mua ô tô đã giảm kể từ năm 2006, theo một báo cáo của UBS.

(Nguồn: VietnamBiz)

HỆ LỤY VỚI ÔNG TRUMP TỪ 'BỮA TỐI ÁC MỘNG'

Bữa tối với Fuentes, người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng, có thể khiến ông Trump đánh mất sự ủng hộ trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024.

Chỉ một tuần sau khi Donald Trump tuyên bố tái tranh cử vào Nhà Trắng, cựu tổng thống Mỹ đối mặt những sóng gió đầu tiên đến từ một bữa tối mà cố vấn của ông mô tả là "ác mộng tồi tệ".

Nam rapper Kanye West ngày 24/11 là người đầu tiên chia sẻ thông tin về bữa tối với cựu tổng thống Trump tại dinh thự Mar-a-Lago, bang Florida. West mô tả ông Trump "ấn tượng với Nick Fuentes", một người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng, thường xuyên có bình luận bài Do Thái và phân biệt chủng tộc.

Ông Trump sau đó xác nhận cuộc gặp diễn ra ngày 22/11, mô tả bữa tối "diễn ra nhanh chóng và không có chuyện gì xảy ra", giải thích rằng ông chỉ đang tìm cách giúp West sau khi rapper mất hợp đồng hợp tác với vài thương hiệu vì bình luận bài Do Thái. Trump nghĩ họ chỉ gặp riêng, nhưng nam rapper đi cùng ba người mà ông "không quen biết".

Cuộc gặp lập tức làm dấy lên tranh cãi trong nội bộ đảng Cộng hòa, trong bối cảnh ông Trump đang đối mặt với sự phản đối từ một số thành viên trong đảng, những người muốn có ứng viên khác phù hợp hơn ra tranh cử tổng thống.

"Với những người đang trông đợi Thống đốc bang Florida Ron DeSantis tranh cử với ông Trump trong nội bộ đảng Cộng hòa, họ đã có thêm lý do", một cố vấn lâu đời của ông Trump, người mô tả bữa tối với West và Fuentes là "cơn ác mộng tồi tệ", nói.

Dù chưa tuyên bố tranh cử, DeSantis được coi là ứng viên số một của đảng Cộng hòa, cạnh tranh trực tiếp với ông Trump. Kết quả các cuộc thăm dò ý kiến gần đây về ai nên là ứng viên đại diện đảng Cộng hòa cho thấy DeSantis và ông Trump ngang ngửa nhau. Tuy nhiên, cựu tổng thống lại chiếm ưu thế trong các cuộc thăm dò với nội dung khác.

Bữa tối gây tranh cãi còn khiến ông Trump mất thêm sự ủng hộ từ người gốc Do Thái, nhóm cử tri vốn đã có quan hệ không mấy tốt đẹp với cựu tổng thống.

"Tôi không nghĩ đó là ý hay, khi một lãnh đạo, tấm gương cho quốc gia hoặc một đảng, gặp người phân biệt chủng tộc hoặc bài Do Thái", Thống đốc bang Arkansas Asa Hutchinson, đảng Cộng hòa, nói với CNN ngày 27/11. "Đây là vấn đề rất rắc rối và không nên xảy ra".

Một nguồn thạo tin nói Fuentes không có tên trong danh sách khách mời, nhưng vẫn được vào trong dinh thự Mar-a-Lago vì đi cùng nam rapper. Theo người này, ông Trump không còn là tổng thống, nên việc kiểm soát người ra vào dinh thự cũng ít chặt chẽ hơn.

Ông Trump "chắc chắn cần suy xét kỹ hơn với người ăn tối cùng", nghị sĩ Cộng hòa James Comer nói với NBC News.

Fuentes, 24 tuổi, bày tỏ sự ủng hộ tư tưởng phân biệt chủng tộc cực đoan trên nhiều nền tảng trực tuyến. Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) gọi Fuentes là "người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng" trong hồ sơ gửi tòa án. Fuentes nổi lên từ khi còn là sinh viên, tham gia một cuộc tuần hành bạo lực ủng hộ chủ nghĩa da trắng thượng đẳng ở thành phố Charlottesville, bang Virginia, năm 2017.

Theo Liên đoàn Chống Phỉ báng, Fuentes còn có các bình luận phủ nhận thảm họa diệt chủng Holocaust.

"Kỳ thị, thù ghét và quan điểm bài Do Thái hoàn toàn không có chỗ trên đất Mỹ, kể cả ở Mar-a-Lago. Việc phủ nhận thảm họa diệt chủng Holocaust là hành động nguy hiểm và phải bị lên án mạnh mẽ", Phó thư ký báo chí Nhà Trắng Andrews Bates nói ngày 26/11.

"Gửi người bạn Donald Trump của tôi, ông là người tốt hơn thế này. Ngay cả một chuyến thăm xã giao từ một người bài Do Thái như Kanye West và kẻ tồi tệ như Nick Fuentes cũng không thể chấp nhận được", David Friedman, đại sứ Mỹ tại Israel dưới thời ông Trump, viết trên Twitter hôm 25/11.

"Chúng tôi lên án mạnh mẽ chủ nghĩa bài Do Thái của Kanye West và Nick Fuentes, kêu gọi mọi lãnh đạo chính trị bác bỏ thông điệp thù ghét của họ và từ chối gặp họ", Matt Brooks, giám đốc điều hành Liên minh Do Thái đảng Cộng hòa (RJC), nói.

RJC ngày 19/11 tổ chức một diễn đàn ở Las Vegas, bang Nevada. Ông Trump và một số đối thủ tiềm năng trong cuộc đua vào Nhà Trắng đều tham gia và phát biểu tại sự kiện, trong số này có cựu ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.

"Chủ nghĩa bài Do Thái là một loại ung thư", ông Pompeo bình luận, dường như ám chỉ bữa ăn tối gây tranh cãi của ông Trump.

"Đó là một hành động kinh tởm, không thể chấp nhận được với bất cứ ai, đặc biệt là với một cựu tổng thống và đang là ứng viên tranh cử", cựu thống đốc bang New Jersey Chris Christie, thành viên đảng Cộng hòa, nói.

Ông Hutchinson, cũng đang cân nhắc chạy đua vào Nhà Trắng, cho rằng đảng Cộng hòa đang dần xa rời ông Trump sau cuộc bầu cử giữa kỳ hồi đầu tháng 11. Nhiều ứng viên được ông Trump ủng hộ đã thất bại trong các cuộc đua giành ghế lưỡng viện.

"Chúng ta không thể chấp nhận những ứng viên thắng bầu cử sơ bộ của đảng nhưng lại thua trong bầu cử quốc gia. Không nên chọn một ứng viên không thể thu hút cử tri ở vùng ngoại ô và cử tri độc lập", Hutchinson nói.

Trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông Trump cũng hứng chỉ trích vì đưa ra những bình luận được cho là khuyến khích chủ nghĩa da trắng thượng đẳng. Ông từng "đổ lỗi cho cả hai phía" cho tình trạng bạo lực ở Charlottesville, khiến một phụ nữ đã thiệt mạng, hàng chục người bị thương.

Tranh luận với đối thủ đảng Dân chủ Joe Biden khi tái tranh cử tổng thống năm 2020, ông Trump từ chối lên án rõ ràng và mạnh mẽ các nhóm da trắng thượng đẳng hay nhóm cực hữu Proud Boys, thay vào đó kêu gọi họ "lùi lại và sẵn sàng".

Proud Boys ủng hộ các quan điểm kỳ thị phụ nữ, phân biệt chủng tộc và bài Do Thái, các thành viên của tổ chức này là những kẻ xúi giục tấn công vào Đồi Capitol hôm 6/1/2021. Ông Trump sau đó nói không biết Proud Boys và lên án họ.

Dean Obeidallah, nhà bình luận của Daily Beast, nhận định có thể vài ngày tới, khi áp lực lên cao từ đảng Cộng hòa, ông Trump sẽ lên án Fuentes giống như từng làm với David Duke, một người ủng hộ ông trong chiến dịch tranh cử năm 2016.

Ông Trump ban đầu cũng nói "không biết gì" về Duke, cựu lãnh đạo Ku Klux Klan (KKK) - hội kín cổ xúy thuyết người da trắng thượng đẳng, nhưng sau đó tìm cách cắt đứt mọi liên hệ với ông này.

"Dù vậy, các cuộc thăm dò trong tương lai sẽ cho thấy Trump không mất đi sự ủng hộ chỉ vì ăn tối với West và Fuentes, và không lên án những phát ngôn thù ghét của họ. Bê bối này có thể được gọi bằng nhiều cách, từ 'bình thường hóa chủ nghĩa bài Do Thái' cho đến 'khuyến khích chủ nghĩa da trắng thượng đẳng'. Nhưng điều quan trọng nhất là nó hoàn toàn phù hợp với 'thương hiệu cá nhân' của ông Trump", Obeidallah viết.

(Nguồn: Vnexpress)

THƯỢNG ĐỈNH MỸ-PHÁP: ĐIỀU CẢ ÔNG BIDEN VÀ ÔNG MACRON ĐỀU MUỐN VÀ CẦN

(Ảnh minh hoạ).

Trong chuyến thăm cấp nhà nước đến Washington, Tổng thống Pháp Macron mang theo một danh sách các mong muốn đối với Mỹ - đồng minh lâu năm.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sắp lên đường tới Washington trong chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên trong nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden, đánh dấu sự hồi sinh của các hoạt động ngoại giao đã bị đình trệ vì đại dịch Covid-19.

Mối quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Pháp có một khởi đầu khó khăn theo sau thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân AUKUS với Australia. Nhưng nay tình hình đã thay đổi khi họ đứng về cùng một chiến tuyến trong phản ứng của phương Tây đối với xung đột Nga-Ukraine. Chuyến thăm này — bao gồm các cuộc đàm phán tại Phòng Bầu dục, bữa tối thịnh soạn, họp báo và hơn thế nữa — diễn ra vào thời điểm quan trọng đối với cả hai nhà lãnh đạo.

Trọng tâm nghị sự

Theo các quan chức Mỹ và Pháp, hai vị Nguyên thủ Quốc gia sẽ có một chương trình nghị sự dài cho cuộc hội đàm chính thức vào ngày 1/12 tại Nhà Trắng, bao gồm chương trình hạt nhân của Iran, phản ứng đối với Trung Quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và những lo ngại ngày càng tăng về an ninh và ổn định ở khu vực Sahel của châu Phi.

Nhưng trọng tâm trong cuộc hội đàm tại Phòng Bầu dục của họ sẽ là xung đột Nga-Ukraine, khi cả ông Biden và ông Macron đều nỗ lực tìm cách duy trì hỗ trợ kinh tế và quân sự cho Kiev.

Tại Washington, Đảng Cộng hòa chuẩn bị nắm quyền kiểm soát Hạ viện Mỹ, nơi lãnh đạo Đảng Cộng hòa Kevin McCarthy tuyên bố rằng Đảng Cộng hòa sẽ không viết “tấm séc trắng” cho Ukraine nữa.

Bên kia Đại Tây Dương, những nỗ lực của ông Macron nhằm giữ cho châu Âu thống nhất sẽ được thử thách bằng chi phí ngày càng tăng trong việc hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột đã kéo sang tháng thứ 10, và khi châu Âu phải vật lộn với việc giá năng lượng tăng cao có nguy cơ làm hỏng quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Nhưng có lẽ cấp bách hơn là vấn đề về Đạo luật giảm lạm phát (IRA) mà chính quyền Tổng thống Biden thông qua hồi tháng 8, bao gồm mức chi tiêu cao kỷ lục cho các sáng kiến khí hậu và năng lượng.

Các quốc gia sản xuất ô tô lớn như Pháp và Đức đang tức giận vì IRA. Họ lập luận rằng những ưu đãi cho giao dịch mua xe điện Mỹ sẽ khiến dòng chảy đầu tư thoát ra khỏi châu Âu hơn nữa.

Trong bối cảnh châu Âu ngày càng thất vọng rằng Mỹ đang thu lợi từ cuộc giao tranh trên “lục địa già” trong khi các đồng minh của họ đang gặp khó khăn, ông Macron đã cáo buộc Mỹ theo đuổi cách tiếp cận bảo hộ “hung hăng” và nói rằng giá khí đốt của Mỹ là không “thân thiện”.

Nếu vấn đề không được giải quyết thỏa đáng, một cuộc thương chiến xuyên Đại Tây Dương ít nhiều sẽ không thể tránh khỏi, gây rủi ro cho một cuộc chạy đua trợ cấp giữa châu Âu và Mỹ và các mức thuế “ăn miếng trả miếng”.

Dung hòa khác biệt

Ngoài việc điều chỉnh IRA để các nhà sản xuất châu Âu được hưởng lợi từ các đặc quyền giống như các nhà sản xuất Canada và Mexico, người Pháp cũng muốn chính quyền ông Biden gây áp lực buộc các công ty bán khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho châu Âu phải giữ giá ở mức chấp nhận được và giúp người châu Âu chống chịu gánh nặng từ các biện pháp trừng phạt.

Điện Élysée tin rằng Tổng thống Mỹ có một số “lựa chọn” có thể thực hiện để hạ giá thành khí đốt. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu Mỹ có muốn nhượng bộ các yêu cầu của Pháp hay không.

Tổng thống Pháp Macron dự kiến đến Washington vào tối ngày 29/11 để chuẩn bị cho một lịch trình dày đặc vào ngày hôm sau 30/11, bao gồm chuyến thăm trụ sở NASA với Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, buổi nói chuyện với các quan chức Nhà Trắng về năng lượng hạt nhân, buổi lễ tại nghĩa trang quân đội Arlington, và bữa tối riêng với gia đình ông Biden.

Vào ngày 1/12, Tổng thống Pháp sẽ được chào đón chính thức tại Nhà Trắng bằng loạt đại bác và duyệt binh. Tiếp theo, hai nhà lãnh đạo sẽ hội đàm song phương, sau đó là cuộc họp báo chung và quốc yến.

Có rất nhiều điều mà hai Tổng thống sẽ đồng ý. “Ông Biden là một người theo chủ nghĩa quốc tế, ông ấy thích người châu Âu. Đã có một số căng thẳng với ông Macron, nhưng không có nhiều khác biệt trong quan điểm của họ về nhiều chủ đề”, bà Nicole Bacharan, nhà khoa học chính trị và tác giả người Mỹ gốc Pháp, cho biết.

“Tôi nghĩ chuyến thăm sẽ thành công vì cả hai đều muốn và cần nó. Ông Macron và ông Biden có thể hòa thuận. Đã có khoảnh khắc AUKUS xấu xí, nhưng xung đột Nga-Ukraine đã gắn kết họ lại với nhau”, bà nhận xét

(Nguồn: Người Đưa Tin)

CUNG CẤP VŨ KHÍ CHO UKRAINE, MỸ VÀ NATO ĐANG RƠI VÀO VÒNG XOÁY

Trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, Mỹ và NATO đang đau đầu tìm cách cung cấp vũ khí theo cam kết cho Kiev trong khi vẫn phải đảm bảo kho dự trữ vũ khí của mình.

Vừa cung cấp cho Ukraine, vừa đảm bảo kho dự trữ

Kể từ Nga triển khai chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi cuối tháng 2, Mỹ và các đồng minh phương Tây đã cung cấp hàng tỷ USD viện trợ quân sự cho Kiev. Cả Nga và Ukraine đều đang sử dụng pháo binh, đạn dược và hệ thống phòng không trong cuộc xung đột hiện tại.

Mỹ đã viện trợ quân sự cho Ukraine hơn 18,9 tỷ USD kể từ khi xung đột xảy ra. Washington đã cung cấp cho Kiev hàng chục nghìn hệ thống vũ khí chống tăng, đạn pháo,… Tuy nhiên, yêu cầu về một số loại vũ khí của Ukraine vẫn chưa nhận được hồi đáp từ Mỹ.

Cuộc xung đột ở Ukraine kéo dài hơn 9 tháng đang làm vơi đi kho vũ khí không chỉ ở Nga mà còn ở Mỹ, nơi ngành công nghiệp quốc phòng đang phải vật lộn để đáp ứng cam kết với Kiev mà không làm ảnh hưởng đến kho vũ khí dự trữ của Washington.

Khi cuộc xung đột đang bước sang giai đoạn mới và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, phương Tây đang cố gắng cung cấp vũ khí cho Ukraine nhưng đồng thời vẫn cần bổ sung cho kho dự trữ của NATO. Khi cả Nga và Ukraine đều đang “tiêu tốn” vũ khí với tốc độ chưa từng thấy kể từ Thế chiến thứ hai, cuộc cạnh tranh để duy trì kho vũ khí đã trở thành một mặt trận quan trọng có thể mang tính quyết định đối với nỗ lực của Ukraine.

Giới chức NATO cho biết số lượng pháo binh được sử dụng trong cuộc xung đột ở Ukraine là đáng kinh ngạc. Theo một quan chức cấp cao, vào mùa hè tại khu vực Donbass, Ukraine đã bắn từ 6.000-7.000 viên đạn pháo mỗi ngày. Lực lượng Nga bắn 40.000-50.000 viên đạn mỗi ngày. Trong khi đó, Mỹ chỉ sản xuất 15.000 viên đạn pháo mỗi tháng.

Vì vậy, phương Tây đang cố gắng tìm kiếm các thiết bị và đạn dược ngày càng khan hiếm từ thời Liên Xô mà Ukraine có thể sử dụng hiện nay, bao gồm tên lửa phòng không S-300, xe tăng T-72 và đặc biệt là đạn pháo cỡ nòng của Liên Xô.

Phương Tây cũng đưa ra các hệ thống thay thế, ngay cả khi chúng đã cũ hơn, để thay thế cho kho dự trữ tên lửa phòng không và tên lửa chống tăng Javelin đang bị thu hẹp. Các quốc gia phương Tây đang tìm cách mua đạn dược từ các quốc gia như Hàn Quốc để bù đắp kho dự trữ vũ khí gửi đến Ukraine.

Đã có các cuộc thảo luận về việc NATO đầu tư vào các nhà máy cũ ở Cộng hòa Séc, Slovakia và Bulgaria để khởi động lại việc sản xuất các loại đạn 152 mm và 122 mm của Liên Xô cho kho vũ khí pháo binh phần lớn vẫn còn từ thời Liên Xô của Ukraine.

Khó khăn về vũ khí của các bên

Nga đang gặp một số vấn đề vũ khí. Hiện tại, Nga đang sử dụng ít đạn pháo hơn. Moscow cũng cố gắng tăng cường sản xuất quân sự và được cho là đang tìm cách mua tên lửa từ Triều Tiên và nhiều máy bay không người lái từ Iran.

Các quan chức NATO cho biết, vào cuối tháng 2, khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra, kho dự trữ vũ khí của nhiều quốc gia chỉ bằng khoảng một nửa so với dự kiến.

Pháp đã cung cấp một số vũ khí tiên tiến và tạo ra một quỹ trị giá khoảng 208 triệu USD để Ukraine mua vũ khí sản xuất tại Pháp. Tuy nhiên, Pháp đã cung cấp ít nhất 18 khẩu lựu pháo Caesar hiện đại cho Ukraine, chiếm khoảng 20% ​​tổng số pháo hiện có của nước này, và hiện không muốn cung cấp thêm.

Đối với EU, liên minh đã phê duyệt 3,2 tỷ USD để trả tiền cho các nước thành viên đã gửi vũ khí cho Ukraine. Số tiền này được trích từ Quỹ Hòa bình châu Âu, vốn đã cạn gần 90%.

Đến nay, các nước NATO đã cung cấp khoảng 40 tỷ USD vũ khí cho Ukraine, gần bằng ngân sách quốc phòng hàng năm của Pháp.

Một quan chức NATO cho biết, các quốc gia nhỏ hơn đã cạn kiệt tiềm năng cung cấp vũ khí cho Ukraine, với 20 trong số 30 thành viên của liên minh này “đã bị khai thác khá nhiều”. Nhưng 10 nước còn lại vẫn có thể cung cấp nhiều vũ khí cho Ukraine, đặc biệt là các đồng minh lớn hơn, trong đó có Pháp, Đức, Italy và Hà Lan.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, hướng dẫn của NATO yêu cầu các nước thành viên duy trì kho dự trữ không nên là cái cớ để hạn chế chuyển giao vũ khí sang Ukraine. Tuy nhiên, theo NY Times, Đức và Pháp, giống như Mỹ, muốn hạn chế cung cấp một số loại vũ khí cho Ukraine để tránh leo thang căng thẳng.

Mỹ sẽ tiếp tục gửi vũ khí cho Ukraine?

Cố vấn cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Mark F. Cancian cho biết, những hệ thống mà Ukraine mong muốn có được nhưng phương Tây không cung cấp hoặc ít có khả năng cung cấp là tên lửa tầm xa ATACMS, một số loại máy bay chiến đấu và xe tăng, cùng nhiều hệ thống phòng không tiên tiến hơn.

Mỹ vẫn do dự trong việc cung cấp ATACMS, với tầm bắn khoảng 190km, cho Ukraine do lo ngại chúng được sử dụng để tấn công vào lãnh thổ của Nga.

Các quan chức Mỹ nhấn mạnh rằng quân đội nước này vẫn có đủ khả năng để tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine và bảo vệ lợi ích của Mỹ ở những nơi khác.

“Chúng tôi cam kết cung cấp cho Ukraine những gì họ cần trên chiến trường”, Sabrina Singh, phó phát ngôn viên Lầu Năm Góc Sabrina Singh cho biết sau khi thông báo Mỹ sẽ gửi thêm tên lửa Stinger cho Ukraine.

Các nguồn tin của CNN khẳng định sự thiếu hụt trong kho dự trữ vũ khí của Mỹ không ảnh hưởng đến an ninh quốc vì vũ khí nước này gửi cho Ukraine không đến từ nguồn cung cấp mà Lầu Năm Góc dùng cho các trường hợp dự phòng.

Washington cũng đang xem xét các giải pháp thay thế rẻ hơn như cung cấp cho Ukraine tên lửa TOW, vốn đang có nguồn cung dồi dào, thay vì tên lửa Javelin và tên lửa đất đối không Hawk.

Theo phân tích của chuyên gia Cancian, một số loại vũ khí của Mỹ đang cạn kiệt. Kể từ tháng 9, quân đội Mỹ có một số lượng hạn chế đạn pháo 155mm trong kho dự trữ và số lượng hạn chế tên lửa dẫn đường, bệ phóng tên lửa, lựu pháo, tên lửa Javelin và Stinger.

“Sự thiếu hụt đạn pháo 155mm có lẽ là vấn đề lớn khiến các nhà hoạch định chính sách Mỹ lo ngại nhất. Nếu muốn tăng khả năng sản xuất đạn pháo 155m, có lẽ phải mất 4-5 năm nữa”, ông Cancian nói.

(Nguồn: VOV)

(Xem thêm:

=> Mỹ: Ngàn chuyến bay bị hoãn; Black Friday thận trọng; Thị trường xe điện; 'Bão' điều tra; Cuộc đua vũ khí siêu thanh ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang