Mỹ: Cơn đau đầu của Apple; Đấu giá SVB; Thêm ngân hàng sụp đổ; Các công ty đánh nhau vì cột điện; Trump chỉ trích Biden

Cơn đau đầu của Apple: 11 Phó chủ tịch đồng loạt nghỉ việc, có người gắn bó trên 15 năm cũng 'dứt áo ra đi'

(Ảnh minh họa).

Hầu hết những người rời đi thời gian gần đây là những nhân vật kỳ cựu ở Apple.

Tờ Bloomberg nhận định, Apple đang đối mặt với làn sóng các lãnh đạo cấp cao nghỉ việc nhiều chưa từng thấy. Điều đáng nói là từ trước tới nay, Apple luôn được biết tới là công ty có nhóm nhân sự cấp cao ổn định.

Mọi việc thay đổi kể từ nửa sau của năm 2022, Apple đã mất đi hàng chục lãnh đạo cấp cao. Hầu hết những người này đều có chức danh như Phó chủ tịch – tức là chỉ dưới 1 cấp so với Phó chủ tịch cấp cao – những người báo cáo trực tiếp cho CEO Tim Cook. Họ đều là những người nắm giữ những vị trí quan trọng tại công ty, chịu trách nhiệm hoạt động hàng ngày của nhiều mảng chủ chốt.

Sự rời đi của nhóm lãnh đạo gồm cả các phó chủ tịch phụ trách những lĩnh vực như thiết kế công nghiệp, cửa hàng trực tuyến, hệ thống thông tin, điện toán đám mây, phần cứng, phần mềm, vấn đề bảo mật, bán hàng tại những thị trường mới nổi, dịch vụ thuê bao và phòng mua. Nhìn chung, khoảng 11 người chủ chốt tại Apple đã rời khỏi công ty.

Để xảy ra tình trạng như bây giờ - không bàn đến việc có người nghỉ hưu, việc lãnh đạo cấp cao rời đi, nghỉ hoặc đến công ty khác đều đáng chú ý.

Dĩ nhiên, có những lớp lãnh đạo mới tới. Apple đã đưa Giám đốc nhân sự mới về và Giám đốc thông tin mới thay thế Mary Demby và David Smoley.

Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, việc các lãnh đạo rời đi khiến Apple buộc phải phân phối lại trách nhiệm hoặc bổ nhiệm người từ trong nội bộ:

- Phó chủ tịch cửa hàng trực tuyến Anna Mattiasson được thay thế bởi cấp dưới Karen Rasmussen.

- Các trách nhiệm của Tony Blevins – người điều hành mảng mua sắm thiết bị được chuyển cho Dan Rosckes và David Tom.

- Giám đốc phần cứng Laura Legros cũng đã nhường ghế cho Yannick Bertolus.

- Phó chủ tịch phần mềm John Stauffer cũng bị thay thế bởi 2 cấp dưới là Jeremy Sandmel và David Biderman.

- Người đứng đầu mảng dịch vụ Peter Stern và Giám đốc mảng điện toán đám mây Michael Abbott cũng chứng kiến tình trạng tương tự.

Nhìn vào những ví dụ này, có thể thấy Apple luôn có sẵn những người kế nhiệm – hay ít nhất là vài lãnh đạo có thể ngay lập tức phụ trách công việc của những người rời đi. Tuy nhiên, trong trường hợp của Evans Hankey – Giám đốc thiết kế công nghiệp của công ty, Apple không thể tìm được người thay thế. Thay vào đó, họ để những thành viên cá nhân của đội ngũ thiết kế báo cáo cho COO Jeff Williasm. Tương tự, Apple cũng không thay thế Giám đốc bảo mật.

Hầu hết những người rời đi thời gian gần đây là những nhân vật kỳ cựu ở Apple, có người gắn bó với công ty trên 15 năm. Tuy nhiên, trong trường hợp của Phó chủ tịch dịch vụ và thiết kế, Apple đã mất đi nhà lãnh đạo quan trọng – những người đều có tiềm năng sớm được lên cấp Phó chủ tịch cấp cao.

Hơn nữa, tờ Bloomberg nhận định rằng làn sóng rời đi thời điểm này mới chỉ vừa bắt đầu. Bản thân cấu trúc của Apple cũng gây ra áp lực không nhỏ. Công ty này được tổ chức theo chức năng – nghĩa là các đội nhóm cùng đóng góp công sức cho tất cả những sản phẩm lớn. Ví dụ, Phó chủ tịch phần cứng có thể giúp theo dõi các phần của iPhone, Apple Watch, iPad, Mac và AirPods. Và nhà lãnh đạo phần mềm cũng sẽ điều hành các đội ngũ đóng góp cho iOS, MacOS, watchOS và tvOS.

Kiểu tổ chức như vậy sẽ giúp ích trong giai đoạn đầu nhưng việc này hiện tại dẫn tới việc trì hoãn phát triển sản phẩm, tài nguyên bị phân tán và những sự phức tạp về vấn đề kỹ thuật. Dẫu vậy vẫn có những lợi ích. Việc này giúp Apple có những bộ não tốt nhất cho mỗi sản phẩm trong danh mục đầu tư.

Cuối cùng, cũng cần phải nhớ rằng lý do lớn nhất khi mọi người quyết định nghỉ việc là vì: TIỀN. Cổ phiếu Apple đã giảm 30% vào năm ngoái, sau 3 năm tăng mạnh. Điều này gây ảnh hưởng tới lương thưởng. Trong trường hợp của 1 Phó chủ tịch, vấn đề của cổ phiếu khiến người này bị giảm 1 nửa thu nhập.

Bản thân Tim Cook cũng chịu ảnh hưởng. Trên 80% thu nhập trong năm 2023 của Cook sẽ được trả bằng cổ phiếu và 75% trong đó liên quan tới hiệu quả kinh doanh của công ty.

(Nguồn: Soha)

Mỹ đấu giá SVB

Sau vụ sụp đổ lớn thứ 2 trong lịch sử ngành ngân hàng Mỹ, cơ quan quản lý đang gấp rút bán tài sản của SVB để hoàn trả tiền gửi không được bảo hiểm cho khách hàng.

Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang Mỹ (FDIC) đã bắt đầu quá trình đấu giá Silicon Valley Bank vào ngày 12/3. Nguồn tin của Bloomberg cho biết giá thầu cuối cùng sẽ được đưa ra trong chiều 13/3 (giờ Mỹ).

Nguồn tin này cho biết FDIC đang hướng tới một thỏa thuận nhanh chóng. Nhưng hiện các bên vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng và có thể không đạt được thỏa thuận nào.

SVB là nhà băng lớn nhất phải đóng cửa kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Vào ngày 8/3, SVB Financial Group - công ty mẹ của SVB - thông báo bán 21 tỷ USD chứng khoán từ danh mục đầu tư và gánh lỗ 1,8 tỷ USD. Ngân hàng này cũng bán thêm 2,25 tỷ USD cổ phiếu mới để huy động thêm tiền.

Động thái này khiến các quỹ đầu tư mạo hiểm sốt sắng. Founders Fund, Coatue Management và Union Square Ventures đồng loạt chỉ đạo bộ phận đầu tư của mình rút tiền khỏi nhà băng.

Đến ngày 10/3, SVB phải từ bỏ nỗ lực huy động vốn mới hay tìm người mua. Cổ phiếu của ngân hàng bị tạm dừng giao dịch.

SVB bị giao lại cho FDIC. Cơ quan này sau đó sẽ thanh lý tài sản của ngân hàng để trả tiền cho người gửi và chủ nợ của SVB.

FDIC cho biết đã thành lập một ngân hàng mới để thu giữ tài sản của SVB, Ngân hàng Bảo hiểm Tiền gửi Quốc gia Santa Clara. Theo cơ quan này, đối với những khoản tiền gửi được bảo hiểm - từ 250.000 USD trở xuống, khách hàng có thể lấy lại 100% vào ngày 14/3.

FDIC cũng đang chạy đua để bán tài sản của SVB và trả phần tiền gửi không được bảo hiểm cho các khách hàng. Đáng nói, phần lớn tiền gửi tại nhà băng này không được bảo hiểm. Tính đến ngày 31/12/2022, tỷ lệ này lên tới 93%.

SVB là ngân hàng niêm yết duy nhất tập trung vào Thung lũng Silicon và các dự án công nghệ mới. Nhà băng này đóng vai trò quan trọng trong giới startup Mỹ.

Trước đó, trong thời kỳ đại dịch, SVB gặp phải một vấn đề mà những đối thủ khác phải ganh tị. Đó là các khách hàng của ngân hàng này đổ xô gửi tiền.

Theo dữ liệu được Bloomberg tổng hợp, tổng tiền gửi của SVB đã tăng vọt từ 62 tỷ USD trong 12 tháng trước đó lên 124 tỷ USD. Để so sánh, mức tăng của JPMorgan và First Republic Bank lần lượt là 24% và 36,5%.

"Tôi luôn nói với mọi người rằng mình tự tin được điều hành ngân hàng tốt nhất thế giới và có thể là một trong những giám đốc điều hành tốt nhất", ông Becker khẳng định trong một cuộc phỏng vấn trên Bloomberg TV vào tháng 5/2021.

Khi được hỏi về tính bền vững của đà tăng trưởng, vị CEO khẳng định SVB đang ở trung tâm của một nền kinh tế đổi mới. Nhưng mọi thứ đã hoàn toàn thay đổi.

Với tổng tài sản 209 tỷ USD, SVB là ngân hàng được bảo hiểm liên bang lớn thứ 2 phải đóng cửa tại Mỹ. Đáng nói, thay vì đợi thị trường chứng khoán đóng cửa như thường lệ nhằm giảm thiểu thiệt hại, FDIC hành động ngay trong phiên giao dịch hôm 10/3.

Sự sụp đổ diễn ra chóng vánh trong ngày 10/3. SVB từ bỏ kế hoạch huy động thêm tiền sau khi cổ phiếu bốc hơi 60% giá trị.

(Nguồn: Zing News)

Thêm một ngân hàng đóng cửa sau vụ sụp đổ Silicon Valley Bank

(Ảnh minh họa).

Gần 1/4 số tiền gửi của Signature Bank đến từ lĩnh vực tiền điện tử.

Các cơ quan quản lý hôm 12/3 đã đóng cửa Signature Bank, một ngân hàng tiền điện tử lớn có trụ sở tại New York, đánh dấu vụ phá sản lớn thứ ba trong lịch sử ngành ngân hàng Mỹ. Vụ việc diễn ra chỉ 2 ngày sau khi chính quyền đóng cửa Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) trong một vụ sụp đổ khiến hàng tỷ USD tiền gửi bị mắc kẹt.

Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) đã nắm quyền kiểm soát Signature Bank, ngân hàng có tài sản trị giá 110,36 tỷ USD và 88,59 USD tiền gửi vào cuối năm ngoái, theo cơ quan Dịch vụ Tài chính của bang New York.

Bộ Tài chính Mỹ và các cơ quan quản lý ngân hàng khác cho biết trong một tuyên bố chung rằng, tất cả những người gửi tiền tại Signature Bank và SVB sẽ được hoàn trả toàn bộ và “người đóng thuế sẽ không phải chịu bất kỳ tổn thất nào”.

Theo một phóng viên của Reuters tại hiện trường, các nhân viên đã tập trung tại trụ sở chính của Signature Bank ở Manhattan để họp hôm 12/3. Mọi người đã tràn ra khỏi tòa nhà sau khi tin tức về việc đóng cửa được công bố.

Đại diện Signature Bank đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.

Vụ việc của Signature Bank diễn ra sau khi SVB bị đóng cửa hôm 10/3, vụ đóng cửa lớn thứ hai trong lịch sử ngành ngân hàng Mỹ, chỉ sau vụ Washington Mutual sụp đổ trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Các nhà đầu tư không khỏi lo lắng trước tốc độ sụp đổ của SVB, công ty cho vay lớn thứ 16 ở Mỹ với khách hàng chính là các công ty khởi nghiệp công nghệ (tech startup) và các quỹ đầu tư mạo hiểm (VC).

Diễn biến trên đã cướp mất hơn 100 tỷ USD giá trị thị trường của các ngân hàng Mỹ, khiến các quan chức chính phủ phải hành động nhanh chóng vào cuối tuần qua để cố gắng khôi phục niềm tin vào hệ thống tài chính.

FDIC hôm 12/3 đã thành lập một ngân hàng “cầu nối”, cho phép khách hàng tiếp cận tiền của họ vào ngày 13/3. FDIC cho biết, những người gửi tiền và người đi vay của Signature Bank sẽ tự động trở thành khách hàng của ngân hàng “cầu nối” này.

Các khách hàng của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) cũng sẽ có quyền truy cập vào tiền gửi của họ bắt đầu từ ngày 13/3, các quan chức Mỹ cho biết hôm 12/3. Chính phủ liên bang Mỹ cũng đã công bố các hành động để củng cố tiền gửi và cố gắng ngăn chặn mọi hậu quả nghiêm trọng hơn.

Signature Bank là một ngân hàng thương mại có văn phòng khách hàng tư nhân ở New York, Connecticut, California, Nevada và North Carolina, đồng thời có 9 ngành kinh doanh toàn quốc bao gồm bất động sản thương mại và ngân hàng tài sản kỹ thuật số.

Tính đến tháng 9 năm ngoái, gần 1/4 số tiền gửi của Signature Bank đến từ lĩnh vực tiền điện tử, nhưng ngân hàng đã thông báo vào tháng 12/2022 rằng họ sẽ giảm 8 tỷ USD tiền gửi liên quan đến tiền điện tử.

Giống như Silvergate Bank – ngân hàng cung cấp dịch vụ tài chính cho một số công ty tiền mã hóa đã sụp đổ vào ngày 8/3, Signature Bank có một mạng lưới cho phép các công ty tiền điện tử chuyển đổi sang USD trong thời gian thực. Nhưng khi cả 2 ngân hàng tiền điện tử lớn này đều đã “sập tiệm”, việc chuyển đổi sang USD có thể sẽ khó khăn hơn.

Signature Bank từng có mối quan hệ lâu dài với cựu Tổng thống Donald Trump và gia đình ông, cung cấp cho ông Trump và doanh nghiệp của ông các tài khoản séc và tài trợ cho một số dự án kinh doanh của nhà Trump. Signature Bank đã cắt đứt quan hệ với nhà Trump vào năm 2021 sau cuộc bạo loạn trên Đồi Capitol (ngày 6/1/2021)

(Nguồn: Người Đưa Tin)

Mỹ: Cuộc chiến xây dựng hệ thống Internet 60 tỷ USD khiến các công ty đánh nhau ‘vỡ đầu chảy máu’ vì... cái cột điện

Mỹ muốn chạy đua công nghệ, thu hút mở thêm nhà máy, nhưng “lợi ích nhóm” trong cơ sở hạ tầng lại chẳng phải chuyện có thể giải quyết trong chớp mắt.

Theo tờ Wall Street Journal (WSJ), Mỹ đang có kế hoạch dành ít nhất 60 tỷ USD trong 10 năm tới để xây dựng hệ thống Internet tốc độ cao trên toàn quốc. Thế nhưng chính điều này lại tạo nên một cuộc chiến “vỡ đầu chảy máu” giữa các công ty chỉ vì cái cột điện.

Tham vọng phủ sóng Internet tốc độ cao ra toàn quốc chắc chắn sẽ đòi hỏi việc lắp dây cáp quang đến từng hộ gia đình, từng nông trại và thậm chí len lỏi cả vào những khu vực nông thôn hẻo lánh tại Mỹ.

Thế nhưng vấn đề là nhiều nơi tại Mỹ vẫn chưa có cột điện để lắp dây, hoặc nếu đã có thì do chính những công ty điện, viễn thông lắp đặt chứ chẳng phải của chính phủ đầu tư, dẫn đến tình trạng tranh chấp quyền lợi với nhà mạng Internet.

Câu chuyện tranh chấp này là một trong những nguyên nhân khiến nhiều khu vực của Mỹ, từ Kentucky, Michigan cho đến South Carolina phải điêu đứng vì mạng yếu. Ví dụ như ở Socorro-New Mexico, hai trường tiểu học tại đây đã không có Internet tốc độ cao trong vài năm liền vì tranh chấp cột điện.

“Học sinh của chúng tôi đang phải chịu khổ vì mạng Internet quá yếu”, giám đốc học khu Socorro Ron Hendrix ngán ngẩm nói.

Căng thẳng

Trên thực tế, câu chuyện hạ tầng cơ sở, đường Internet và cột điện tại Mỹ đã tồn tại nhức nhối từ lâu nhưng chỉ trở nên gay gắt sau khi chính quyền Washington muốn rót vốn nâng cấp mạng lưới quốc gia. Kể từ khi đại dịch Covid-19 diễn ra, rất nhiều người dân đã than phiền vì Internet quá chậm khi họ về quê nhà cách ly.

Năm 2020, Hội đồng viễn thông quốc gia Mỹ (FCC) đã thực hiện chương trình 9 tỷ USD nhằm mở rộng Internet tại các vùng quê. Thế rồi các bang của Mỹ cũng chi hàng tỷ USD hỗ trợ nữa từ quỹ giải cứu Covid và ngân sách riêng của địa phương.

Bước sang năm 2021, đạo luật phát triển cơ sở hạ tầng của Mỹ tiếp tục bơm 42,5 tỷ USD cho việc phát triển Internet, xương sống của ngành công nghệ.

Những hãng chi tiền xây dựng cột điện như Exelon Corp hay AT&T cho biết họ có thể bố trí thêm đường dây để nhà mạng Internet sử dụng nhưng cần có phương án bồi thường cho các chi phí xây dựng mà công ty đã bỏ ra, ví dụ nhưng việc nâng cấp thay thế cột điện cũ hay kéo đường dây lên các cột.

Chính sự tranh chấp về cột điện này đã khiến những nhà mạng Internet như Charter Communications Inc chậm tiến độ trong công cuộc phủ sóng mà chính quyền Washington muốn thực hiện.

“Nếu không có sự can thiệp của chính phủ hay chính quyền bang trong cuộc tranh chấp cột điện này thì đây sẽ là cản trở lớn nhất cho tham vọng phủ sóng Internet 100% toàn nước Mỹ”, hãng Charter viết trong báo cáo gửi FCC.

Thậm chí, Charter còn đang thực hiện chiến dịch vận động hành lang nhằm kêu gọi chuyển chi phí xây dựng cột điện sang cho các hãng cung ứng điện, viễn thông hứng chịu. Ngay lập tức điều này đã bị những công ty sở hữu cột điện phản đối khi cho rằng chúng chỉ khiến tiến độ xây dựng chậm chạp hơn mà thôi.

“Cho dù không được đền bù xứng đáng thì chúng tôi vẫn xây cột điện mà. Mọi người cứ làm như thể chúng tôi không xây vậy, tiến độ chỉ chậm một chút thôi”, luật sư Tom Magee của Exelon và một số công ty điện khác ở Mỹ nói.

Tuy nhiên câu chuyện thực tế khác khá xa so với những lời tuyên bố của các hãng cung ứng điện.

Quay trở lại với trường tiểu học ở Socorro, chính quyền địa phương đã cố gắng để nối đường cáp quang Internet tốc độ cao với chiều dài 37km, sử dụng những cột điện của hãng Sorocco Electric Cooperative Inc từ năm 2017.

Dự án này của Sorocco đã được cấp kinh phí hỗ trợ từ FCC nhưng bất ngờ bị thay đổi khi chi phí kéo dây qua cột điện và lắp cột mới trở nên quá cao so với dự kiến. Phía Sorocco Electric cho biết 189/341 cột điện theo tuyến đường dự án quá yếu và cũng chẳng đủ cao để lắp thêm dây mạng nên cần thay thế. Hậu quả là chi phí bị đội thêm 200.000 USD so với dự kiến ban đầu.

Phía chính quyền Sorocco phản bác khi cho rằng việc bảo trì cột điện là trách nhiệm của công ty điện. Thế nhưng phía Sorocco Electric không chấp nhận điều này và khiến dự án bị kéo dài.

Năm 2022, chính quyền Sorocco quyết định nối đường cáp mạng ngầm dưới đất thay vì dùng cột điện và dự kiến sẽ bắt đầu khởi công trong năm 2023.

Tuy nhiên CEO Joseph Herrera của Sorocco Electric cảnh báo chi phí lắp cáp mạng ngầm còn đắt đỏ hơn dùng cột điện.

“Nối dây qua đường cột điện sẽ dễ dàng và rẻ nhất, trong khi lắp cáp ngầm sẽ tốn nhiều chi phí bảo trì, nâng cấp và khiến người dùng phải trả thêm tiền”, CEO Herrera nói.

Chơi xấu

Tờ WSJ cho biết không chỉ có sự tranh chấp về quyền lợi sử dụng cột điện mà nhiều hãng còn sử dụng chiêu trò khi có đối thủ cạnh tranh mới.

Năm 2020, hãng Charter đã thắng thầu xây dựng đường cáp quang Internet tới 6.000 địa điểm ở Bowling Green-Kentucky. Công ty này dự định dùng hệ thống cột điện của Warren Rural Electric Cooperative Corp.

Ngay lập tức, hãng Warren Rural Electric triển khai dịch vụ mạng của riêng mình thông qua các cột điện mà họ sở hữu tại địa phương, qua đó tranh giành tiền hỗ trợ từ quỹ của FCC vốn được giành cho Charter.

Phía Charter cáo buộc Warren Rural Electric đã đệ trình một kế hoạch xây dựng mạng lưới cho Charter nhưng phải tốn đến 14 năm mới hoàn thành, qua đó cạnh tranh không lành mạnh.

Sau hàng loạt đơn kiến nghị của Charter, phía Warren Rural Electric đã chấp nhận cho nhà mạng Internet này tiếp cận những cột điện của họ.

Người phát ngôn của Warren Rural Electric cho biết họ không cố tình cạnh tranh với Charter mà đơn giản là với lợi thế sở hữu các cột điện, công ty dễ dàng xây dựng mạng lưới Internet đến các hộ gia đình hơn.

(Nguồn: CafeF)

Ông Trump chỉ trích Tổng thống Biden vụ ngân hàng sụp đổ

(Ảnh minh họa).

Ông Trump cho rằng chính sách của Tổng thống Biden đã khiến ngân hàng Silicon Valley Bank sụp đổ và có thể dẫn đến suy thoái kinh tế.

"Với những gì đang xảy ra trong nền kinh tế của chúng ta, cùng những đề xuất liên quan đợt tăng thuế lớn nhất và ngớ ngẩn nhất lịch sử Mỹ, ông Joe Biden sẽ được ví là Herbert Hoover của thời hiện đại", cựu tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên mạng xã hội Truth Social ngày 12/3.

Hoover là tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 1929-1933, khi Đại khủng hoảng bắt đầu xảy ra ở nước này rồi lan ra thế giới. Các chính sách ứng phó khủng hoảng sau đó của ông Hoover không hiệu quả và ông bị ứng viên đảng Dân chủ Franklin Roosevelt đánh bại khi tái tranh cử.

"Chúng ta sẽ có một cuộc Đại khủng hoảng lớn hơn, ảnh hưởng mạnh hơn nhiều so với năm 1929. Bằng chứng là các ngân hàng đã bắt đầu sụp đổ", ông Trump cho biết thêm.

Chính quyền Tổng thống Biden chưa bình luận về tuyên bố của ông Trump.

Ông Trump bình luận sau khi Silicon Valley Bank (SVB), ngân hàng lớn thứ 16 Mỹ và chuyên cho vay các công ty khởi nghiệp, bị giới chức bang California đóng cửa hôm 10/3, sau vài ngày rơi vào rắc rối vì thiếu vốn. Đây là vụ sụp đổ lớn thứ hai lịch sử ngành ngân hàng Mỹ, sau Washington Mutual năm 2008.

Chiến dịch tranh cử của ông Trump cũng công kích chính quyền ông Biden, cho rằng sự sụp đổ của SVB là do chính sách của phe Dân chủ.

"Phe Dân chủ và chính quyền ông Biden cố gắng đổ lỗi cho ông Trump về những thất bại của họ như vụ khí cầu do thám Trung Quốc, tàu hỏa trật bánh ở East Palestine và bây giờ là sự sụp đổ của SVB", Steven Chueng, người phát ngôn chiến dịch tranh cử của ông Trump, nói với Fox News ngày 12/3.

Trong khi đó, Bernie Sanders, thượng nghị sĩ độc lập ủng hộ đảng Dân chủ, cho rằng một đạo luật được ông Trump ký ban hành khi đương nhiệm mới là nguyên nhân chính.

"Xin nói rõ, SVB sụp đổ là hệ quả trực tiếp từ dự luật bãi bỏ quy định với ngành ngân hàng năm 2018, mà tôi quyết liệt phản đối, được ông Trump ký thông qua", ông Sanders nói, nhắc đến Đạo luật Tăng trưởng kinh tế, Giảm bớt quy định và Bảo vệ người tiêu dùng (EGRRCPA) hồi tháng 5/2018.

EGRRCPA được coi là bước lùi đáng kể của Đạo luật Cải cách và Bảo vệ người tiêu dùng Phố Wall (còn gọi là Đạo luật Dodd-Frank), do hai nghị sĩ Barney Frank và Chris Dodd đề xuất và được thông qua năm 2010 để quản lý hệ thống tài chính Mỹ hiệu quả hơn sau Đại suy thoái năm 2009.

Ông Trump khi đó cho rằng Đạo luật Dodd-Frank đang "bóp nghẹt cộng đồng ngân hàng và các liên minh tín dụng toàn quốc". Với EGRRCPA mà ông ký duyệt, các ngân hàng nhỏ hơn được miễn trừ khỏi loạt quy định nghiêm ngặt, còn ngân hàng lớn được nới lỏng quy định. Đạo luật còn nâng ngưỡng tài sản để xác định "một tổ chức tài chính có vai trò quan trọng trong hệ thống" từ 50 tỷ USD lên 250 tỷ USD.

SVB hiện đã chuyển quyền quản lý tài sản cho Công ty Bảo hiểm Tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC). Chính phủ Mỹ sau đó lên tiếng trấn an người dân, tuyên bố người gửi tiền tại SVB, kể cả các khoản lớn hơn 250.000 USD, mức không được bảo hiểm, sẽ được tiếp cận tiền của mình kể từ ngày 13/3.

Nhiều nhà phân tích tại Phố Wall cho rằng rắc rối của SVB không thể lan rộng trong hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, ngày 12/3, một ngân hàng nữa ở Mỹ là Signature Bank, vốn quen thuộc với giới tiền điện tử, cũng đã bị chính quyền New York đóng cửa và chuyển giao tài sản cho FDIC.

(Nguồn: Vexpress)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang