Mỹ: Ác mộng từ SVB; Nỗi lo 'tuyệt chủng'; Mike Pence 'luận tội' Trump; Tan băng quan hệ EU; Nóng xung đột với TQ

‘Cơn ác mộng’ từ cú sập SVB: Hàng loạt công ty này đứng trước nguy cơ bị ‘xóa sổ’

(Ảnh minh họa).

Silicon Valley Bank (SVB) vừa gây chấn động toàn cầu khi trở thành ngân hàng lớn nhất phải đóng cửa kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Và nhiều công ty đứng trước tình cảnh ‘điêu đứng’ sau cú sập này.

Với vai trò của mình trong lĩnh vực khởi nghiệp, khi cú sập xảy ra với SVB, nhiều nhà sáng lập của các startup (công ty khởi nghiệp) có tiền gửi trong ngân hàng tự hỏi điều gì sẽ xảy ra với khoản tiền của họ. Bởi đối với một số công ty, khoản tiền này dùng để trả lương cho nhân viên. Liệu họ có khả năng tiếp tục trả lương hay công ty phải giải thể?

Theo Fortune, SVB đã được Tổ chức Bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC) tiếp quản với tư cách là đơn vị nhận tiền gửi. FDIC thông báo rằng những người có tiền gửi tại ngân hàng với giá trị từ 250.000 USD trở xuống sẽ được tiếp cập vào những khoản tiền đó muộn nhất là vào ngày 13/3.

Vậy câu hỏi đặt ra đối với các startup đã gửi tiền vào SVB là điều gì sẽ xảy ra với khoản tiền vượt quá 250.000 USD của họ.

Khoảng vài giờ sau khi SVB sụp đổ, nhà sáng lập của 1 startup từng thực hiện giao dịch với ngân hàng này đã nói với tạp chí Fortune thông qua 1 tin nhắn riêng rằng: “Đầu óc của chúng tôi đang quay cuồng. Chúng tôi không biết chắc chắn điều gì sẽ xảy ra tiếp theo”.

Một nhà sáng lập khác cũng nhắn tin cho Fortune: “Tôi nghĩ rằng toàn bộ hệ thống ngân hàng đang bị tê liệt”. Những người đứng đầu các công ty khởi nghiệp khẳng định trọng tâm trong lúc này của họ là làm cách nào để xoay sở đủ tiền mặt và có thể trả lương cho nhân viên của mình.

Trong khi đó, một số quỹ đầu tư mạo hiểm cũng không chắc chắn điều gì đang xảy ra với các công ty trong danh mục đầu tư của họ và cộng đồng khởi nghiệp nói chung.

Theo Fortune, một đại diện của quỹ đầu tư mạo hiểm (VC) đã chia sẻ rằng: Không biết điều gì sẽ xảy ra với số tiền mà các startup đã gửi tại ngân hàng nếu nó vượt qua 250.000 USD (mức tiền thuộc diện được bảo hiểm). Liệu chúng có bị “khóa” hay không?, đồng thời nhấn mạnh cuối tuần này rất quan trọng.

FDIC cho biết trước khi “gặp hạn”, SVB có tổng tài sản trị giá khoảng 209 tỷ USD và 175,4 tỷ USD tiền gửi. Không rõ chính xác tính đến ngày 10/3, có bao nhiêu khoản tiền gửi ngân hàng không được bảo hiểm, nhưng theo hồ sơ báo cáo thường niên thì đến 12/2022, SVB có hơn 151 tỷ USD tiền gửi không thuộc diện được bảo hiểm, tương đương hơn 90%.

Theo FDIC, muộn nhất là vào 13/3, những người có khoản tiền gửi được bảo hiểm tại SVB sẽ được tiếp cận đầy đủ các khoản tiền đó. Những người gửi tiền không được bảo hiểm sẽ nhận được 1 khoản trả trước. Còn đối với các trường hợp còn lại, họ sẽ nhận được 1 loại giấy xác nhận bản thân là người được chia tiền sau khi FDIC thanh lý các tài sản của SVB.

FDIC khuyến nghị những người có khoản tiền gửi trị giá hơn 250.000 USD nên gọi cho FDIC theo đường dây nóng 1-866-799-0959 để được giải đáp thắc mắc.

Tuy vậy, một số người đứng đầu startup không những không chắc chắn điều gì sẽ xảy ra với khoản tiền không được bảo hiểm của họ mà còn không có thời gian để chờ đợi và tìm hiểu chúng.

Một nhà sáng lập startup giấu tên đã nói với tạp chí Fortune rằng tình hình có thể trở nên rất tồi tệ đối với công ty khởi nghiệp của họ. “Có lẽ công ty của tôi sẽ đặt dấu chấm hết. Tôi chỉ có thể trả 1 đến 2 tháng lương nữa mà thôi”.

Những nhà sáng lập cũng nói rằng kể từ khi thông báo của FDIC được công bố, không có một ai biết điều đó có nghĩa là gì, họ đã nói chuyện với nhau trên khắp các nhóm, email,..và đã giúp đỡ nhau rất nhiều.

Một số nhà sáng lập còn đổ lỗi cho các quỹ đầu tư mạo hiểm (VC) vì đã không xử lý tình huống tốt.

Theo Fortune, có 1 nhà sáng lập startup đã nói rằng họ có tổng cộng khoảng 1 triệu USD tiền gửi tại SVB và chỉ đang mong đợi nhận lại phần tiền trị giá 250.000 USD vào ngày 13/3 mà thôi.

Họ nói rằng giả sử startup của mình có đội ngũ nhân sự quy mô nhỏ thì số tiền đó cũng chỉ đủ để duy trì cho khoảng ba tháng. Tuy nhiên, nhìn chung, đa phần công ty nào cũng lo lắng về đợt trả lương tiếp theo và không biết có thể duy trì được trong ngắn hạn hay không?.

Bên cạnh đó, những câu hỏi lớn cũng đã được đặt ra: Liệu số tiền họ gửi tại SVB được quản lý bởi quỹ BlackRock hoặc một tổ chức lớn khác và SVB là người giám sát hay đó thực sự là tiền của SVB?

Nhiều người trong ngành cũng đang thắc mắc ai có thể tham gia mua tài sản của SVB, và điều này khi nào sẽ xảy đến.

Chủ startup gửi 1 triệu USD tại SVB cũng nói thêm: Nếu đến 13/3, sự việc vẫn không có tiến triển hay không có thông báo nào liên quan đến số tiền dự kiến được chia sau khi FDIC thanh lý các tài sản của SVB thì tôi sẽ thực sự cảm thấy “bất an” và lo lắng.

(Nguồn: CafeF)

Nỗi lo về cuộc 'tuyệt chủng' sau khi Ngân hàng Silicon Valley sụp đổ

Nhiều giám đốc điều hành, quỹ đầu tư mạo hiểm và nhà sáng lập công ty công nghệ đang chạy đua hỗ trợ những doanh nghiệp nhỏ bị ảnh hưởng nặng nề sau sự sụp đổ bất ngờ của SVB.

Reuters nhận định sự sụp đổ của Ngân hàng Silicon Valley (SVB) hôm 10/3 là thất bại lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Sự kiện này đã khuấy động thị trường toàn cầu, giáng một đòn mạnh vào cổ phiếu ngân hàng và khiến hàng loạt công ty công nghệ ở California thấp thỏm.

SVB được coi là đơn vị cho vay hàng đầu đối với các startup công nghệ. Ngân hàng làm việc với gần một nửa các công ty khởi nghiệp được đầu tư mạo hiểm, phần lớn trong lĩnh vực công nghệ và chăm sóc sức khỏe, theo Washington Post.

Ông Garry Tan - Giám đốc điều hành (CEO) quỹ đầu tư mạo hiểm Y Combinator - gọi sự sụp đổ của SVB là sự kiện “mang cấp độ tuyệt chủng” đe dọa các start-up. Nhằm tránh những rủi ro tiềm tàng từ sự kiện này ảnh hưởng tới lĩnh vực công nghệ, nhiều nhà điều hành đã nhanh chóng làm mọi cách có thể để cứu các doanh nghiệp nhỏ.

Dây cứu sinh

CEO OpenAI Sam Altman đã cứu trợ một số doanh nghiệp bằng tiền túi của mình. Doktor Gurson, CEO Rad AI, cho biết mình “không còn lựa chọn nào nên đã gửi email cho ông ấy”.

Ông trình bày công ty khởi nghiệp có trụ sở tại San Francisco giúp các bác sĩ X quang làm việc hiệu quả hơn vốn dựa vào SVB. Việc ngân hàng bất ngờ sụp đổ đồng nghĩa ông thiếu tiền trả cho khoảng 65 nhân viên vào ngày 13/3.

“Sinh kế của họ phụ thuộc vào chúng tôi. Họ phải trả các khoản thế chấp và hóa đơn”, ông Gurson viết.

Công ty đã đợi 8 tiếng trên đường dây nóng của Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang Mỹ (FDIC) nhưng không nhận được kết quả gì. Nỗ lực chuyển tiền ra khỏi SVB cũng không thành công.

Sau đó, ông Gurson thấy bài đăng trên Twitter của Altman. Hai người không biết rõ về nhau.

“Trong vòng 1-2 tiếng sau, Altman trả lời, cho tôi lựa chọn 6 con số, đủ để trả lương và không có điều kiện ràng buộc nào, chỉ yêu cầu tôi trả lại tiền khi nào có thể”, ông Gurson nói.

“Điều này như chiếc dây cứu sinh với tôi”, CEO Rad AI nói về sự hào phóng của Altman, nói thêm ông ước tính CEO OpenAI đã chuyển hơn một triệu USD hỗ trợ các công ty khởi nghiệp khác có nhu cầu tương tự.

“Điều điên rồ ở đây là ông ấy (thậm chí) không phải là nhà đầu tư vào công ty chúng tôi”, Gurson nói thêm.

Trả lời Reuters, ông Altman nói mình hành động như vậy vì “nhớ tới những nhà đầu tư đã giúp đỡ tôi khi tôi điều hành công ty khởi nghiệp. Tôi thực sự rất cần điều đó, nên tôi luôn cố gắng đền đáp” những gì mình được nhận.

CEO OpenAI không đưa ra con số mình đã hỗ trợ các công ty, nhưng không coi khoản đóng góp này là “rủi ro”.

"Trong khi chờ đợi, mọi người đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng thanh khoản thực sự, trong khi đó không phải lỗi của họ, mà các nhân viên cần được trả lương”, ông nói.

Henrique Dubugras - đồng CEO của Brex - dành cuối tuần để làm việc qua điện thoại, sau khi công ty ông công bố hạn mức tín dụng khẩn cấp vào hôm 10/3, giúp đỡ các công ty khởi nghiệp vượt qua kỳ bảng lương tiếp theo của họ.

Tính đến tối 11/3, Brex nhận được yêu cầu 1,5 tỷ USD từ gần 1.000 công ty. “Chúng tôi đang cố gắng đăng ký cho những người cho vay tới cuối ngày mai. Mọi người đang chạy nước rút", ông nói.

100.000 việc làm rơi vào rủi ro

Ngay cả những công ty khởi nghiệp nhỏ cũng hành động. Aleem Mawani - người sáng lập Streak, công ty có khoảng 30 nhân viên - tối 10/3 thông báo sẽ bỏ tiền túi, cho các doanh nghiệp nhỏ đang gặp vấn đề với việc trả lương vay tiền mặt mà không đi kèm bất cứ yêu cầu nào.

Sau đó, ông nói mình đã thảo luận với một số công ty và ưu tiên những cá nhân chi tiêu hàng ngày chỉ dựa vào tiền lương hàng tháng.

“Tôi là người sáng lập, và tôi hiểu thật khủng khiếp nếu không lập được bảng lương”, Mawani nói.

Đến cuối ngày 11/3, hơn 3.500 CEO và người sáng lập đại diện cho khoảng 220.000 nhân viên đã ký vào bản kiến nghị do Y Combinator khởi xướng.

Theo đó, họ kêu gọi trực tiếp Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và những người khác hỗ trợ người gửi tiền. Nhiều trong số này là các doanh nghiệp nhỏ, có nguy cơ không thể trả lương cho nhân viên trong 30 ngày tới.

Bản kiến ​​nghị kêu gọi “giám sát quy định và các yêu cầu về vốn chặt chẽ hơn với các ngân hàng khu vực", bên cạnh điều tra về mọi "hành vi sai trái hoặc quản lý yếu kém" của các CEO SVB. Bản kiến nghị cảnh báo hơn 100.000 việc làm có thể gặp rủi ro.

(Nguồn: Zing News)

Cựu phó tổng thống Pence 'luận tội' ông Trump dữ dội

(Ảnh minh họa).

Ông Mike Pence, người từng là cấp phó của ông Trump, nói rằng lịch sử sẽ buộc ông Trump chịu trách nhiệm cho vụ bạo loạn Điện Capitol hồi đầu năm 2021.

"Ông Trump đã sai", cựu phó tổng thống Pence nói với các nhà báo và khách mời tại một sự kiện tối 11-3 (giờ Mỹ).

"Tôi không có quyền lật ngược cuộc bầu cử. Những lời nói liều lĩnh của ông ấy đã gây nguy hiểm cho gia đình tôi và mọi người tại Điện Capitol ngày hôm đó. Lịch sử sẽ buộc Donald Trump phải chịu trách nhiệm".

Theo Hãng tin Reuters, đây là lời chỉ trích mạnh mẽ nhất của ông Pence đối với ông Trump sau vụ bạo loạn Điện Capitol ngày 6-1-2021.

Ông Pence đang ở Điện Capitol khi hàng ngàn người ủng hộ ông Trump xông vào nhằm ngăn Quốc hội Mỹ xác nhận kết quả của cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Ông Trump đã thua ứng viên Đảng Dân chủ Joe Biden trong cuộc bầu cử đó.

Thời điểm đó ông Pence đang chủ trì nghi thức phê chuẩn các phiếu bầu của đại cử tri đoàn để chọn tổng thống và phó tổng thống.

Trong suốt cuộc bạo loạn, ông Trump đã đăng một số tweet trên mạng xã hội Twitter. Trong đó có một dòng kêu gọi các đảng viên Cộng hòa "chiến đấu" và những tweet khác cáo buộc gian lận bầu cử. Ông cũng chỉ trích ông Pence vì đã xác nhận kết quả.

Theo truyền thông Mỹ, một số người quá khích đã lùng sục nhiều phòng bên trong Điện Capitol để tìm ông Pence vì ông không đảo ngược kết quả bầu cử. May mắn ông Pence và các nhà lập pháp khác đã được sơ tán đến nơi an toàn trước đó.

"Việc miêu tả sự kiện ấy theo bất kỳ cách nào khác đều là sự nhạo báng", ông nhấn mạnh.

Cựu phó tổng thống cũng tuyên bố miễn là ông còn sống, ông sẽ không bao giờ quên những người đã bị thương hay thiệt mạng - những anh hùng đã bảo vệ nền dân chủ Mỹ vào hôm đó.

Người phát ngôn của ông Trump không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của Reuters.

Mối quan hệ của ông Pence với ông Trump trở nên phức tạp kể từ khi hai người rời nhiệm sở. Trong mấy tháng sau khi rời Nhà Trắng, ông Pence hiếm khi nhắc đến vụ bạo loạn Điện Capitol.

Tuy nhiên vài tháng trở lại đây, cựu phó tổng thống đã nhắm vào sếp cũ nhiều hơn. Trong hồi ký xuất bản tháng 11-2022, ông cáo buộc ông Trump gây nguy hiểm cho gia đình của mình bằng các tuyên bố vô căn cứ.

Theo Reuters, những phát ngôn của cựu phó tổng thống ngày 11-3 cho thấy ông đã sẵn sàng tách mình ra khỏi ông Trump một cách mạnh mẽ hơn khi chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2024 ngày một nóng hơn.

Hiện ông Pence chưa chính thức công bố ý định tranh cử. Song theo giới quan sát, khả năng cao ông sẽ gia nhập cuộc đua giành suất ứng viên chính thức của Đảng Cộng hòa, qua đó cạnh tranh trực tiếp với sếp cũ.
(Nguồn: Tuổi Trẻ)

Dấu hiệu tan băng trong căng thẳng thương mại Mỹ - EU

Mỹ và EU cam kết hợp tác khi cả hai bên hướng đến sự bùng nổ về sử dụng xe điện và các lĩnh vực xanh khác.

Theo hãng tin Reuters ngày 11/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã công bố đạt được sự tiến triển trong việc xoa dịu tranh chấp thương mại xuyên Đại Tây Dương và cam kết tiếp tục ủng hộ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.

Cụ thể, hai nhà lãnh đạo đã tuyên bố sau cuộc đàm phán tại Nhà Trắng rằng sẽ thảo luận về việc cho phép các nhà sản xuất khoáng sản quan trọng của EU tiếp cận thị trường Mỹ theo chương trình đặc biệt nhằm khuyến khích các ngành công nghiệp thân thiện với khí hậu.

Hai bên cam kết sẽ phối hợp chung khi cả nền kinh tế Mỹ và EU đều hướng đến sự bùng nổ về sử dụng xe điện và các lĩnh vực xanh khác.

Tuyên bố chung cũng chỉ ra rằng ông Biden và bà Leyen đã đạt được tiến bộ với thỏa thuận bắt đầu đàm phán về việc miễn trừ cho các nhà sản xuất châu Âu đang tìm cách xuất khẩu các khoáng chất quan trọng cho pin xe điện.

Tuyên bố nêu rõ "cả hai bên sẽ thực hiện các bước để tránh bất kỳ sự gián đoạn nào trong dòng chảy đầu tư và thương mại xuyên Đại Tây Dương có thể phát sinh từ các ưu đãi tương ứng riêng của họ".

Bên cạnh đó, trong cuộc gặp, ông Biden nói với bà Leyen rằng liên minh hỗ trợ Ukraine đã đánh dấu "một kỷ nguyên mới". Và trong tuyên bố chung sau đó, họ cho biết "Tổng thống Nga Vladimir Putin nghĩ rằng sẽ chia rẽ chúng tôi, nhưng chúng tôi đoàn kết hơn bao giờ hết. Chúng tôi sát cánh cùng nhau trong sự ủng hộ vững chắc đối với Ukraine trong thời gian dài nhất".

Tuy nhiên, căng thẳng đang bùng lên ở châu Âu liên quan đến Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) mang tính bước ngoặt của chính quyền Biden, với một khoản chi tiêu lớn của chính phủ Mỹ nhằm ủng hộ ngành sản xuất công nghệ thân thiện với khí hậu của Washington.

Trong bối cảnh EU cảnh báo rằng chính sách "sản xuất tại Mỹ" của các khoản trợ cấp sẽ gây tổn hại cho ngành năng lượng và ô tô của châu Âu, EU đang thực hiện các biện pháp khuyến khích của riêng mình, chẳng hạn như Kế hoạch Công nghiệp Thỏa thuận Xanh, để thúc đẩy lĩnh vực mới nổi.

Một lĩnh vực khó khăn khác là làm thế nào để đối phó với các chính sách ngoại giao và thương mại ngày càng quyết đoán của Trung Quốc. Nhà Trắng cho biết "những thách thức do Trung Quốc đặt ra là điểm nổi bật trong các cuộc đàm phán".

Washington đã hối thúc các đồng minh châu Âu có lập trường cứng rắn hơn với Bắc Kinh - không chỉ về mặt ngoại giao mà còn về kinh tế. Tuy nhiên, EU rất muốn tránh rạn nứt với Trung Quốc, khiến các đồng minh xuyên Đại Tây Dương phần nào bị chia rẽ về các bước tiếp theo.

Elvire Fabry, một nhà phân tích tại Institut Jacques Delors, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Paris (Pháp), nói với hãng tin AFP rằng cuộc gặp tại Nhà Trắng là cơ hội để bà Leyen thể hiện mong muốn của EU được hợp tác với Washington, "nhưng không phải ở vị trí của người theo sau. đặc biệt là khi nói đến Trung Quốc".

"Lập trường của EU dựa trên việc muốn duy trì đường lối riêng của mình liên quan đến Bắc Kinh", vị chuyên gia trên lưu ý.

(Nguồn: Soha)

Hai vấn đề tranh cãi "đốt nóng" quan hệ Mỹ - Trung

(Ảnh minh họa).

Mối quan hệ vốn đã "căng như dây đàn" giữa Mỹ và Trung Quốc gần đây tiếp tục xấu đi do hai vấn đề gây tranh cãi: nguồn gốc gây đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột tại Ukraine.

Những bất đồng mới giữa hai cường quốc gay gắt đến mức đã làm bùng nổ cuộc đối đầu ngoại giao chưa từng có. Hai vấn đề gây tranh cãi mới và gây căng thẳng nhất đó là nguồn gốc gây đại dịch Covid-19 và nghi vấn của Mỹ về việc Trung Quốc cho thể tính cấp vũ khí cho Nga trong cuộc xung đột tại Ukraine.

Mới đây, Bộ Năng lượng Mỹ đã công bố một báo cáo nói rằng, dịch Covid-19 có thể bắt nguồn từ phòng thí nghiệm. Dù báo cáo nói rằng, đánh giá được đưa ra với "mức độ tin tin thấp", nhưng điều đó cũng cho thấy sự thay đổi đáng kể trong quan điểm của cơ quan này, trong khi trước đây họ không nghiêng về giả thuyết nào.

Đánh giá Covid-19 bị nghi rò rỉ từ phòng thí nghiệm Trung Quốc là một quan điểm thiểu số trong cộng đồng tình báo Mỹ, các nguồn tin cho biết. Vì vậy, theo các nguồn thạo tin, đảng Dân chủ không quá quan tâm đến tầm quan trọng của đánh giá mới do Bộ Năng lượng đưa ra. Tuy nhiên, các nghị sĩ Cộng hòa cho rằng, nhận định của Bộ Năng lượng đáng quan tâm và nghi ngờ Bắc Kinh vẫn che giấu thông tin.

Ngay lập tức, Trung Quốc phản bác đánh giá mới của cơ quan Mỹ về nguồn gốc Covid-19, trong đó đề nghị Washington "không chính trị hóa" vấn đề nguồn gốc đại dịch này.

Về vấn đề Ukraine, mặc dù Trung Quốc không có dấu hiệu sẽ cung cấp vũ khí sát thương để hỗ trợ Nga trong cuộc xung đột tại Ukraine, Washington liên tục cảnh báo mạnh mẽ Bắc Kinh không được làm như vậy nếu không muốn "trả giá đắt".

Mỹ và các đồng minh phương Tây trong những ngày gần đây đã cố gắng ngăn Trung Quốc không thực hiện động thái như vậy. Bắc Kinh đã bác bỏ cáo buộc của Mỹ và khẳng định đang nỗ lực tìm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Ukraine.

Theo các chuyên gia, giữa lúc căng thẳng quanh cuộc xung đột Ukraine phủ bóng u ám nền chính trị toàn cầu, mối quan hệ ngày càng đối đầu căng thẳng giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất nhì thế giới này ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực trong đời sống của người Mỹ, từ kinh tế đến sức khỏe cộng đồng.

Thực tế này cũng đặt ra những thách thức mà quân đội Mỹ phải đối mặt, giữa những xung đột địa chính trị lớn vào đầu thế kỷ 21, với những rủi ro do các ứng dụng mạng của Trung Quốc được cài đặt trên các thiết bị điện tử của người dân Mỹ.

Và tất cả đang thúc đẩy một nguy cơ đáng lo ngại là Mỹ và Trung Quốc đang bị mắc kẹt trong tình trạng căng thẳng có thể dẫn đến xung đột.

Các chuyên gia quân sự cũng cho rằng, "mặt trận mới" trong cuộc đối đầu Mỹ-Trung đang bắt đầu thâm nhập vào chính trường Mỹ.

Mặc dù Quốc hội lưỡng đảng Mỹ đều có quan điểm cứng rắn với Bắc Kinh, phe Cộng hòa và Dân chủ ở Mỹ lại bất đồng trong chiến lược về cuộc xung đột ở Ukraine. Trong khi phe Dân chủ đang đi theo con đường hỗ trợ nhiều hơn cho Kiev, đảng Cộng hòa lại chủ trương ưu tiên phục vụ một "Nước Mỹ trên hết".

Những nhân vật có quan điểm cứng rắn truyền thống như lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell ủng hộ viện trợ hơn nữa cho Ukraine, nhưng một số nhân vật bảo thủ như Thống đốc Florida Ron DeSantis, chính trị gia sáng giá có khả năng tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2024, cảnh báo rằng viện trợ cho Kiev có nguy cơ khiến xung đột leo thang đáng lo ngại hơn nữa.

Trong một bình luận hiếm hoi về chính sách đối ngoại vào tuần trước, ông DeSantis đã đề cập cụ thể đến "khả năng Trung Quốc" hỗ trợ cho Nga ở Ukraine.

"Tôi không nghĩ chúng ta có lợi gì khi tham gia vào một cuộc chiến tranh ủy nhiệm với Trung Quốc, lao đầu vào những thứ như Crimea", ông DeSantis nói trên chương trình "Fox & Friends".

(Nguồn: Dân Trí)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang