Mỹ: Có tránh được vỡ nợ; Tăng giám sát ngân hàng; Làn sóng vỡ nợ; Dữ liệu vũ khí hạt nhân; Thượng viện điều trần về TQ

Nước Mỹ có tránh được vỡ nợ?

(Ảnh minh họa).

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gặp gỡ các quan chức Quốc hội hôm 16/5, một ngày sau khi Bộ Tài chính cảnh báo chính phủ nước này có thể cạn tiền trước ngày 1/6.

Số nợ công của Mỹ đã chạm trần 31.400 tỷ USD vào ngày 19/1, và Bộ Tài chính đã sử dụng các biện pháp kế toán đặc biệt để kéo dài thời gian thanh toán các hóa đơn của mình.

Trong lá thư thứ hai gửi Quốc hội Mỹ sau 2 tuần, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết, cơ quan này khó có thể đáp ứng tất cả các nghĩa vụ thanh toán của chính phủ Mỹ vào đầu tháng 6, do đó Mỹ rất có khả năng vỡ nợ lần đầu tiên.

Mỹ không còn nhiều thời gian để đạt được thỏa thuận về trần nợ, do đó Tổng thống Joe Biden và các nhà lãnh đạo Quốc hội nước này đã gặp nhau hôm 16/5 để đàm phán trực tiếp tại Nhà Trắng nhằm ngăn kịch bản vỡ nợ xảy ra.

Tín hiệu lạc quan

Buổi đàm phán giữa Tổng thống Biden và các nhà lãnh đạo của đảng Dân chủ và Cộng hòa đã mang đến những tia hy vọng về việc đạt được thỏa thuận nhằm nâng trần nợ công trước ngày 1/6.

“Chúng tôi vừa kết thúc một cuộc họp tốt đẹp, hiệu quả khác với lãnh đạo quốc hội về con đường phía trước để đảm bảo rằng nước Mỹ không vỡ nợ”, ông Biden chia sẻ sau cuộc họp kéo dài một giờ tại Phòng Bầu dục.

“Vẫn còn nhiều việc phải làm nhưng tôi đã nói rõ với chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy và những người khác rằng chúng tôi sẽ nói chuyện thường xuyên trong vài ngày tới. Các nhân viên sẽ tiếp tục họp hàng ngày để đảm bảo rằng Mỹ sẽ không vỡ nợ”, ông Biden nói với các phóng viên sau cuộc đàm phán.

Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy nói rằng ông có thể thấy một thỏa thuận đạt được “vào cuối tuần”. Giọng điệu của ông đã thay đổi rõ rệt sau khi than thở về tình hình các cuộc đàm phán chỉ vài giờ trước đó.

Tuy nhiên, ông McCarthy cũng thừa nhận rằng quan điểm của hai bên trong cuộc đàm phán vẫn còn cách xa nhau, do đó chưa thống nhất về bất kỳ đề xuất chính sách nào.

Khi các cuộc đàm phán dường như đạt được một số động lực, ông Biden cho biết ông sẽ rút ngắn chuyến công du nước ngoài tới châu Á để trở lại Washington tham dự “các cuộc đàm phán cuối cùng” với các nhà lãnh đạo Quốc hội Mỹ.

Tổng thống Mỹ vẫn sẽ khởi hành sang Hiroshima, Nhật Bản vào ngày 17/5 để tham dự cuộc họp Nhóm G7 ở đó, nhưng ông sẽ trở về vào ngày 21/5, hủy các chuyến thăm dự kiến tới Papua New Guinea và Australia.

Sự trở lại của ông sẽ tạo ra một bước ngoặt quan trọng trong nỗ lực tránh vỡ nợ lần đầu tiên của Mỹ và ngăn ngừa thiệt hại kinh tế lớn cho quốc gia này.

Con đường duy nhất

Quyết định của ông Biden phản ánh thực tế rằng sự hiện diện của ông sẽ rất quan trọng để giải quyết tranh chấp chính trị khiến Mỹ - thiên đường của sự ổn định tài chính toàn cầu - đứng trước nguy cơ vỡ nợ.

Nó cũng là một dấu hiệu cho thấy những tiến triển trong các cuộc đàm phán tại Phòng Bầu dục giữa ông Biden với ông McCarthy hôm 16/5 không làm chậm quá trình đếm ngược đến thảm họa tiềm ẩn có thể phá vỡ nền kinh tế Mỹ, đồng thời ảnh hưởng đến hàng triệu người dân ở quốc gia này.

Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ đều đã báo hiệu rằng họ coi phiên họp hôm 16/5 là thời điểm quyết định, quan trọng hơn nhiều so với một cuộc tụ họp tương tự tại Nhà Trắng một tuần trước và cấp bách hơn vì chỉ còn 16 ngày trước khi đất nước được dự đoán sẽ vỡ nợ.

Khi cuộc họp hôm thứ Ba bắt đầu, ông Biden đã nói rằng “chúng tôi đang có khoảng thời gian tuyệt vời. Mọi thứ đang diễn ra tốt đẹp”. Tuy nhiên, phiên họp đã kết thúc mà không có đột phá.

Trong nhiều tuần qua, ông Biden đã khẳng định rằng đảng Dân chủ sẽ chỉ chấp nhận tăng trần nợ mà không có điều kiện nào từ đảng Cộng hòa của Hạ viện. Giờ đây, có vẻ như Nhà Trắng sẽ phải nhượng bộ.

Cả hai nhà lãnh đạo đảng Dân chủ từ New York, Thượng nghị sĩ Chuck Schumer, lãnh đạo phe đa số và Hạ nghị sĩ Hakeem Jeffries, lãnh đạo phe thiểu số, đều khẳng định việc thông qua một dự luật lưỡng đảng là con đường duy nhất để tiến tới.

“Chúng ta phải đạt được tiếng nói chung. Đó là cách duy nhất để giải quyết vấn đề này. Chúng ta phải thống nhất ý kiến của cả 2 bên”, ông Chuck Schumer cho biết.

Ông McCarthy đã đề xuất thu hồi các khoản tiền Covid chưa được sử dụng mà các quan chức Đảng Cộng hòa tin rằng có thể lên tới 50-60 tỷ USD. “Tôi nghĩ rằng cuối cùng nó sẽ được đưa vào thỏa thuận mới”, ông McCarthy khẳng định

(Nguồn: Người Đưa Tin)

Mỹ sẽ thắt chặt các quy định, tăng cường giám sát các ngân hàng

Theo Phó Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phụ trách giám sát, Michael Barr, Fed sẽ công bố kế hoạch thắt chặt các quy định về vốn đối với các ngân hàng trong mùa Hè và sẽ tăng cường giám sát các ngân hàng sau khi một số ngân hàng khu vực phá sản gần đây.

Ông Barr cho biết Fed đang cân nhắc một cách thận trọng việc điều chỉnh các quy định đối với các ngân hàng khu vực có giá trị tài sản trên 100 tỷ USD.

Ông dự kiến sẽ công bố kế hoạch chấn chỉnh các quy định về vốn và thanh khoản trong mùa Hè này, khởi động cho việc soạn thảo lại các quy định tham vọng đối với các cơ quan quản lý ngân hàng.
Nỗ lực trên có thể bao gồm một số quy định chặt chẽ hơn đối với các ngân hàng lớn như việc yêu cầu giải trình về các khoản lỗ trên sổ sách khi tính toán số vốn. Dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, quy định đối với những ngân hàng này được nới lỏng.

Các cơ quan giám sát ngân hàng đã chịu áp lực sau khi các ngân hàng Silicon Valley Bank và Signature Bank phá sản, khiến cổ phiếu ngân hàng lao dốc trên toàn cầu và gây lo ngại về sự lây lan.

Các quan chức đứng đầu của Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang và Văn phòng Kiểm soát Tiền tệ đã ra điều trần trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện.

Các quan chức đã cam kết sẽ có lập trường cứng rắn hơn sau khi các báo cáo về các vụ phá sản cho thấy các cơ quan giám sát nhận biết một số vấn đề nhưng đã phản ứng chưa đủ nhanh để giải quyết.

(Nguồn: Báo Tin Tức)

7 công ty lớn phá sản trong 48 giờ, làn sóng vỡ nợ vì sức ép lãi suất cao dâng lên ở Mỹ

(Ảnh minh họa).

Nước Mỹ đang ở trong tình trạng khan hiếm tín dụng – thứ lây lan rất nhanh và nhanh chóng vùi dập những công ty có nhiều nợ.

Cách đây vài năm, Vice Media vẫn là “con cưng” của giới truyền thông. Công ty này được định giá hơn 6 tỷ USD, có những series phim tài liệu chất lượng được chiếu trên HBO. Và công ty này được hưởng lợi rất lớn, lượng độc giả tăng đột biến nhờ những phát ngôn giật gân của cựu Tổng thống Donald Trump (khi đó vừa nhậm chức). Thời điểm đó là vào năm 2017.

Vice đã nhận được rất nhiều khoản đầu tư lớn. Quỹ PE TPG rót vào đây 450 triệu USD. Ông trùm truyền thông James Murdoch mua cổ phần của Vice lần đầu năm 2019 và sau đó đã có nhiều lần tăng đầu tư, trong đó có khoản 135 triệu USD năm 2021.

Disney cũng đầu tư 400 triệu USD vào Cie năm 2015.

Còn ở hiện tại, Vice lại vừa gây chấn động khi phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chapter 11 với các khoản nợ lên đến 1 tỷ USD.

Vice không đơn độc. 6 công ty lớn khác của Mỹ vừa tuyên bố phá sản chỉ trong 48 giờ, lập kỷ lục nhiều vụ phá sản nhất trong 1 thời gian ngắn như vậy kể từ năm 2008 theo thống kê của Bloomberg trên các công ty có ít nhất 50 triệu USD nợ phải trả.

Lý do khá rõ ràng: các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dù được thiết kế để hạ nhiệt lạm phát nhưng lại gây ra gánh nặng rất lớn cho các doanh nghiệp. Nước Mỹ đang ở trong tình trạng khan hiếm tín dụng – thứ lây lan rất nhanh và nhanh chóng vùi dập những công ty có nhiều nợ.

Trên tất cả các ngành, doanh nghiệp đang chật vật đối phó với lãi suất cao, thứ khiến họ khó có thể tiếp cận nguồn vốn trong khi sức ép từ các nhà đầu tư và chủ nợ thì ngày càng lớn.

Ngoài Vice còn có Envision Healthcare Corp, công ty hoạt động trong lĩnh vực y tế được hậu thuẫn bởi quỹ đầu tư KKR nổi tiếng. Vừa mới huy động được hơn 1 tỷ USD vốn mới trong năm ngoái nhưng hồi giữa tháng 4 Envision đã không thể thanh toán lãi suất coupon trái phiếu.

Bên cạnh đó là công ty an ninh Monitronics International Inc., nhà sản xuất hóa chất Venator Materials Plc, công ty dầu mỏ Cox Operating LLC, công ty cung cấp thiết bị phòng cháy Kidde-Fenwal và Athenex, 1 công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ sinh học. Tất cả đều có chung 1 điểm: nợ quá lớn (trong nhiều trường hợp lên đến 1 tỷ USD).

Tất nhiên nộp đơn phá sản không có nghĩa là doanh nghiệp sẽ chết. Thông thường các cổ đông sẽ mất trắng nhưng các công ty sẽ có cơ hội để tái cơ cấu nợ để hồi sinh với 1 bảng cân đối kế toán khỏe mạnh hơn. Tuy nhiên làn sóng phá sản vẫn gióng lên hồi chuông báo động về sức khỏe nền kinh tế Mỹ.

Dữ liệu từ Moody’s cho thấy làn sóng phá sản chỉ mới đang bắt đầu. Hãng xếp hạng tín dụng này dự báo đến tháng 3/2024, tỷ lệ vỡ nợ trong nhóm các công ty có trái phiếu bị xếp hạng đầu cơ (speculative-grade debt) sẽ tăng lên mức 4,9% - gần gấp đôi so với mức 2,9% ở thời điểm cuối quý I/2023.

Một hãng khác là S&P Global dự đoán tỷ lệ vỡ nợ của nhóm này sẽ chạm mức 4% vào cuối năm nay, cao hơn nhiều so với con số 1,7% của cuối năm 2023.

Nhìn kỹ hơn vào các vụ phá sản của những doanh nghiệp tư nhân chưa niêm yết, vấn đề còn nghiêm trọng hơn. Theo UBS, tính đến đầu tháng 4 số công ty tư nhân nộp đơn phá sản thậm chí còn cao hơn thời kỳ đầu đại dịch.

Xét theo từng nhóm ngành cụ thể, lĩnh vực tài chính đang đứng trước nhiều áp lực sau vụ sụp đổ của ngân hàng SVB và sau đó nhiều định chế khác cũng theo chân SVB. Trong lĩnh vực bán lẻ, một số cái tên đình đám như Bed Bath & Beyond hay David’s Bridal đã phá sản trong vài tuần gần đây.

(Nguồn: CafeF)

Mỹ công khai dữ liệu kho vũ khí hạt nhân

Mỹ đã công khai thông tin kho vũ khí hạt nhân của nước này và kêu gọi Nga hành động tương tự.

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 15/5 đã công bố dữ liệu kho vũ khí hạt nhân của nước này. Cụ thể, Washington có 1.419 đầu đạn hạt nhân trong trạng thái sẵn sàng triển khai kể từ ngày 1/3, giảm so với 1.515 đầu đạn vào tháng 3/2022 và nằm trong giới hạn 1.550 đầu đạn theo Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược Mới (New START).

Năm ngoái, Nga cho biết nước này có 1.474 đầu đạn hạt nhân trong trạng thái sẵn sàng triển khai.

Số đầu đạn của Mỹ được gắn trên 662 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và các hệ thống phóng khác, giảm so với 686 hệ thống một năm trước đó và nằm trong giới hạn 700 hệ thống theo hiệp ước New START. Nga đã báo cáo 526 hệ thống triển khai đầu đạn hạt nhân một năm trước đó.

Mỹ tuyên bố duy trì 800 hệ thống phóng, bao gồm những hệ thống trong trạng thái sẵn sàng triển khai, tương tự một năm trước và cũng là mức tối đa được hiệp ước New START cho phép.

Mỹ kêu gọi Nga hành động tương tự và công khai dữ liệu kho vũ khí hạt nhân.

"Mỹ tiếp tục coi sự minh bạch giữa các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân là điều quan trọng để giảm khả năng nhận thức, tính toán sai lầm và các cuộc cạnh tranh vũ khí tốn kém. Mỹ kêu gọi Nga tuân thủ các nghĩa vụ ràng buộc pháp lý của mình bằng cách quay trở lại thực hiện đầy đủ hiệp ước New START và tất cả các biện pháp xác minh trong đó", Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố.

Hồi tháng 3, Mỹ thông báo ngừng chia sẻ một số dữ liệu hạt nhân sau khi Nga tạm đóng băng hiệp ước New START Mới về kiểm soát vũ khí với Washington. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, Moscow vẫn để ngỏ đối thoại với phương Tây về vấn đề hạt nhân, song phải trên cơ sở bình đẳng và xét đến các lợi ích của Nga.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov tuyên bố, nếu Mỹ thực sự quan tâm tới việc nối lại hiệp ước New START với Nga, Washington cần bỏ ý tưởng khiến Nga chịu thất bại chiến lược. Ông Ryabkov cho biết, Moscow đã buộc phải tạm ngừng tham gia hiệp ước New START vì cáo buộc Mỹ sử dụng hiệp ước này để giúp Ukraine tấn công các địa điểm chiến lược của Nga.

Hiệp ước hạt nhân cuối cùng giữa Nga và Mỹ có hiệu lực từ năm 2011, trong đó quy định mỗi nước không triển khai quá 1.550 đầu đạn hạt nhân và 700 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

Nga nhiều lần khẳng định nước này không rút khỏi hiệp ước New START, nhưng nói rằng họ sẽ nối lại thảo luận về hiệp ước khi thỏa thuận xét đến cả năng lực hạt nhân của Anh và Pháp - các đồng minh của Mỹ trong NATO.

Việc Moscow tạm ngừng tham gia hiệp ước New START giữa lúc xung đột ở Ukraine leo thang làm dấy lên lo ngại Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, các quan chức Nga nhiều lần khẳng định Moscow sẽ không dùng vũ khí hủy diệt này trong chiến dịch quân sự ở Ukraine.

(Nguồn: Dân Trí)

Thượng viện Hoa Kỳ điều trần về Trung Quốc, ba bộ trưởng tham gia

(Ảnh minh họa).

Ba trong số các thành viên nội các của Tổng thống Joe Biden sẽ giải trình về chính sách Trung Quốc tại phiên điều trần của Thượng viện Hoa Kỳ vào thứ Ba 16/5, một sự xuất hiện chung hiếm hoi của bộ ba này nhấn mạnh sự tập trung của Washington vào việc cạnh tranh với cường quốc châu Á đang vươn lên.

Ngoại trưởng Antony Blinken, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo sẽ điều trần vào lúc 2 giờ chiều. Phiên điều trần của Ủy ban Chuẩn chi Thượng viện bàn về yêu cầu ngân sách của ông Biden vì nó liên quan đến an ninh, khả năng cạnh tranh và con đường phía trước cho mối quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc.

Các bộ trưởng nội các hiếm khi điều trần cùng nhau tại các phiên điều trần công khai của quốc hội, nhưng các nhà lập pháp của cả hai đảng và chính quyền thuộc đảng Dân chủ của ông Biden đã cố gắng thể hiện rằng họ coi chính phủ Cộng sản Trung Quốc là thách thức lớn nhất mà Washington phải đối mặt.

Hai tuần trước, các đảng viên Dân chủ tại Thượng viện, bao gồm cả Chủ tịch Ủy ban Chuẩn chi Patty Murray, đã công bố một nỗ lực lập pháp mới nhằm ngăn chặn sự cạnh tranh từ Trung Quốc.

“Để duy trì vị thế dẫn đầu trong nền kinh tế toàn cầu, bao gồm cả với chính phủ Trung Quốc, đòi hỏi chúng ta phải thực hiện các khoản đầu tư quan trọng mà chúng ta cần để duy trì tính cạnh tranh và an ninh, trong chính phủ của chúng ta”, ông Murray nói trước đó.

Tuần trước, cố vấn an ninh quốc gia của ông Biden, Jake Sullivan, đã gặp nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, Vương Nghị, khi cả hai bên tìm cách vượt qua sự cố khinh khí cầu bị cáo buộc hoạt động do thám đã gây ra một khoảng dừng trong quan hệ trong năm nay giữa hai siêu cường kinh tế.

Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết các thành viên nội các sẽ bàn về cách tiếp cận “toàn bộ chính phủ” mà chính quyền đang thực hiện khi đối phó với Trung Quốc.

Một đường lối cứng rắn đối với Trung Quốc được xem là quan điểm lưỡng đảng hiếm hoi ở thủ đô của Mỹ vốn đang bị chia rẽ sâu sắc.

Với sự ủng hộ mạnh mẽ của cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa, Quốc hội năm ngoái đã thông qua, và ông Biden đã ký thành luật, “Đạo luật khoa học và chip” sâu rộng chuẩn thuận hàng trăm tỷ đô la để thúc đẩy cạnh tranh với Bắc Kinh trong lĩnh vực chất bán dẫn và công nghệ khác.

Các nhà lập pháp hiện đang xem xét việc ngăn chặn Trung Quốc khơi mào xung đột với Đài Loan, cải thiện mối quan hệ với các nước thứ ba để ngăn chặn sự cạnh tranh của Trung Quốc, thắt chặt các quy định để ngăn chặn vốn của Hoa Kỳ chảy vào các công ty Trung Quốc và hạn chế dòng chảy công nghệ của Hoa Kỳ đến Trung Quốc.

Họ cũng đang xem xét kỹ lưỡng các mối đe dọa về bảo mật có thể xảy ra từ Trung Quốc, bao gồm cả việc xem xét TikTok, một ứng dụng thuộc sở hữu của công ty công nghệ Trung Quốc ByteDance.

Ứng dụng này đã bị cấm trên điện thoại do chính phủ cấp ở các quốc gia như Canada và Úc do lo ngại Trung Quốc có thể truy cập dữ liệu người dùng hoặc ảnh hưởng đến nội dung mà người dùng truy cập.

(Nguồn: VOA)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang