Mỹ: Hết sạch tiền, vỡ nợ; Cuộc chuyển giao lớn nhất lịch sử; Làn sóng 'di cư ngược'; Tin vui cho Trump; Gia hạn hiệp ước COFA

Bộ trưởng Tài chính cảnh báo Mỹ sẽ hết sạch tiền và 'vỡ nợ' vào ngày 1/6

(Ảnh minh họa).

Hôm nay Nhà Trắng và các nghị sĩ Quốc hội sẽ có cuộc họp quan trọng để bàn giải pháp cho bế tắc hiện nay.

Hôm qua (15/5), Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen lại lên tiếng cảnh báo nước Mỹ có thể vỡ nợ sớm nhất vào ngày 1/6 tới.

“Giờ đã có thêm thông tin, tôi lưu ý rằng Bộ Tài chính vẫn ước tính sẽ không thể đáp ứng tất cả các nghĩa vụ nợ của Chính phủ nếu như Quốc hội không hành động để nâng hoặc ngừng áp dụng trần nợ vào đầu tháng 6 tới, thậm chí là ngay trong ngày 1/6”, bà viết trong bức thư gửi tới Quốc hội Mỹ.

Hôm nay Nhà Trắng và các nghị sĩ Quốc hội sẽ họp để tiếp tục đàm phán về các biện pháp cắt giảm chi tiêu để đổi lại là Hạ viện Mỹ chấp nhận nâng trần nợ. Hiện Thượng viện, nơi các nghị sĩ Dân chủ chiếm thế thượng phong, được kỳ vọng sẽ ủng hộ bất cứ biện pháp nào mà Nhà Trắng đưa ra để đàm phán với Hạ viện (nơi các nghị sĩ Cộng hòa đang kiểm soát).

Trong những ngày gần đây cũng nổi lên tin đồn các nhà đàm phán đã đạt được một số bước tiến. Cuối tuần trước, Tổng thống Joe Biden tỏ ra lạc quan về khả năng đạt được thỏa thuận nâng hoặc ngừng áp dụng trần nợ kịp thời để có thể tránh các hệ lụy kinh tế nếu nước Mỹ vỡ nợ.

Nhưng có vẻ như ông đã quá lạc quan. Hôm 14/5, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy trả lời với báo giới tại Delaware rằng “chúng tôi vẫn đang ở cách xa nhau, nhìn từ góc độ của tôi có vẻ như họ vẫn chưa muốn 1 thỏa thuận”.

Giống như bức thư trước, bà Yellen một lần nữa nhấn mạnh tình thế hiện nay rất cấp bách. “Chờ đến phút cuối mới hành động có thể gây ra những tổn hại nghiêm trọng đến niềm tin của người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp, khiến chi phí đi vay ngắn hạn tăng cao mà người nộp thuế là nhóm bị ảnh hưởng nặng nhất, và còn ảnh hưởng tiêu cực đến xếp hạng tín dụng của Mỹ”.

Bà cho biết hiện chi phí đi vay đã tăng lên đối với những chứng khoán đáo hạn vào đầu tháng 6.

Đáng lẽ cuộc họp giữa Tổng thống Biden, Chủ tịch Hạ viện kevin McCarthy, lãnh đạo nhóm đa số tại Hạ viện Hakeem Jeffries, lãnh đạo nhóm đa số tại Thượng viện Chuck Schumer và lãnh đạo nhóm thiểu số tại Thượng viện Mitch McConnell đã diễn ra từ thứ 6 tuần trước. Tuy nhiên cuộc họp đã bị hoãn đến hôm nay để các bên cố vấn có thêm thời gian.

Trong khi đó chỉ cách đây vài ngày, Văn phòng ngân sách Quốc hội (CBO) cho biết nguồn thu thuế và các biện pháp khẩn cấp được áp dụng sau ngày 15/6 “sẽ cho phép chính phủ có thể tiếp tục hoạt động ít nhất là đến cuối tháng 7”, dù “nếu trần nợ không thay đổi thì có nguy cơ rất lớn là trong 2 tuần đầu của tháng 6 chính phủ Mỹ sẽ không còn có khả năng thanh toán các nghĩa vụ nợ của mình”.

(Nguồn: CafeF)

Cuộc chuyển giao tài sản lớn nhất lịch sử đã bắt đầu: Những người thừa kế được 'trao tận tay' hàng chục nghìn tỷ đô

Trong thời đại giá trị nhà và cổ phiếu tăng vọt, tài sản của các gia đình ở Mỹ đã tăng vọt. Hiện tại, hàng chục nghìn tỷ USD sẽ "đến tay" những người thừa kế thuộc thế hệ sau.

Trong số 73 triệu người thuộc thế hệ baby boomer, nhóm người trẻ nhất đang bước sang tuổi 60 và nhóm già nhất thì gần 80 tuổi. Sinh ra vào giữa thế kỷ 20, khi tỷ lệ sinh của Mỹ tăng song song với sự giàu có sau thời kỳ suy thoái và Thế chiến II, ngày càng nhiều người thuộc thế hệ boomer của Mỹ đang bước sang “ngưỡng cửa” bên kia của cuộc đời.

Hầu hết họ sẽ để lại hàng nghìn USD, một ngôi nhà hay không có gì nhiều. Số khác thì cho con cái số tài sản hàng trăm, hàng triệu hay hàng tỷ USD dưới những hình thức khác nhau.

Năm 1989, tổng giá trị tài sản các hộ gia đình ở Mỹ đạt khoảng 38 nghìn tỷ USD đã điều chỉnh theo lạm phát. Đến năm 2022, con số này tăng gấp 3 lần lên 140 nghìn tỷ USD. Trong số 84 nghìn tỷ USD dự kiến sẽ được chuyển giao từ những người Mỹ lớn tuổi sang nhóm thừa kế thuộc thế hệ Y và X cho đến năm 2046, 16 nghìn tỷ USD sẽ được chuyển giao vào thập kỷ tới.

Nhóm người thừa kế không cần phải đợi thế hệ trước qua đời mới được nhận tài sản của gia đình, do xu hướng “cho đi khi còn sống” ngày càng phổ biến ở Mỹ. Họ có thể mua bất động sản, sử dụng hình thức chuyển tiền mặt nhiều lần không bị đánh thuế.

Douglas Boneparth, một cố vấn tài chính tại công ty cung cấp dịch vụ cho thế hệ Y giàu có, nhận định: “Đây không còn là hiện tượng sắp xảy ra mà đó là ‘ngày hôm nay’.”

10% hộ gia đình giàu nhất sẽ thực hiện phần lớn đợt chuyển giao này. Trong số đó, 1% “tinh hoa” - nắm giữ khối tài sản tương đương 90% của nhóm nghèo nhất, sẽ quyết định hầu hết hướng đi của dòng tiền. 50% hộ gia đình nghèo nhất sẽ chỉ chiếm 8% quá trình này.

Lý do chính khiến những khoản thừa kế ở đợt chuyển giao này lớn đến vậy là cách mà thế hệ boomer Mỹ kiếm tiền từ đà tăng trưởng của thị trường tài chính và bất động sản.

Giá trung bình của 1 ngôi nhà ở Mỹ tăng khoảng 500% kể từ năm 1983, khi hầu hết nhóm boomer ở độ tuổi 20 và 30 là những năm đầu tiên để hình thành hộ gia đình. Khi các doanh nghiệp Mỹ phát triển thành những “gã khổng lồ” quy mô toàn cầu, những người đầu tư mạnh vào TTCK thậm chí còn hưởng lợi lớn hơn. S&P 500 đã tăng hơn 2.800% kể từ đầu năm 1983.

Tuy nhiên, trong toàn bộ quá trình này, giống như bất kỳ hiện tượng tài chính phổ biến nào, nhiều khía cạnh khác cũng được bộc lộ. Nhóm người có thu nhập thấp hơn có thể sẽ chuyển đến ngôi nhà đã được thanh toán đầy đủ của cha mẹ mình hoặc cũng chỉ có thể nhận được khoản tiền nhỏ, đủ để trả nợ.

Trong khi đó, một số thuộc thế hệ Y, X và những boomer thuộc tầng lớp trung thượng lưu dường như là nhóm được hưởng lợi nhất. Tuy nhiên, họ là “thế hệ bánh mỳ kẹp”, phải đối diện với việc phải chi trả cả chi phí chăm sóc cha mẹ già và con cái cùng một lúc.

Những cá nhân giàu hoặc siêu giàu - sở hữu ít nhất 5 triệu USD và 20 triệu USD tiền mặt hoặc tài sản dễ chuyển đổi thành tiền mặt, chỉ chiếm 1,5% tổng số hộ gia đình ở Mỹ. Theo công ty nghiên cứu tài chính Cerulli Associates, những người này chiếm 42% khối lượng tài sản chuyển giao dự kiến cho đến năm 2045, con số này là khoảng 36 nghìn tỷ USD vào năm 2020 nhưng có thể đã tăng lên kể từ thời điểm đó.

Quy mô lớn của quá trình chuyển đổi được diễn ra trơn tru một phần là nhờ chính sách thuế của Mỹ. Các cá nhân có thể chuyển tới 12,9 triệu USD, với các cặp vợ chồng là 26 triệu USD cho người thừa kế, khi còn sống hoặc đã qua đời, mà không phải trả thuế bất động sản liên bang.

Do đó, các cá nhân giàu hoặc siêu giàu có thể thừa kế hơn 30 nghìn tỷ USD vào năm 2024, các khoản thế họ phải đóng với bất động sản và việc chuyển nhượng là 4,2 nghìn tỷ USD.

Jennifer Doherty, một nhà báo 33 tuổi sống tại Union City, New Jersey, cho biết dù đã lên kế hoạch tự lực về tài chính cho cuộc sống, nhưng vẫn muốn có cơ hội nhận được tài sản thừa kế từ người ông quá cố là 1 nhà nghiên cứu y sinh.

Tuy nhiên, cha của Jennifer đã phải sử dụng ngân sách của gia đình nhiều hơn dự tính để chi trả chi phí y tế và cuộc sống hàng ngày. Vì vậy, Jennifer cũng gác lại mọi kỳ vọng về một khoản thừa kế lớn.

Tháng 9, dù lãi suất thế chấp tăng nhưng cô và chồng vẫn quyết định mua một căn hộ chung cư ở Union City. Giá nhà trung bình tại đây dao động gần 500.000 USD, tăng khoảng 50% kể từ mùa hè năm 2020.

Thế nhưng, họ vẫn gặp khó khăn khi là “thế hệ bánh mỳ kẹp”. Jennifer phải cùng con nhỏ di chuyển giữa New Jersey và New Orleans khoảng 1 tháng 1 lần để chăm sóc người mẹ 74 tuổi đang bị ung thư. Trong khi đó, giá vé máy bay thì tăng 26,5% so với 1 năm trước hồi tháng 2, còn học phí mẫu giáo là 1.800 USD/tháng.

Jennifer than thở: “Tôi không biết làm thế nào mà mọi người có thể vượt qua được. Có vẻ như bạn phải thật giàu có hoặc rất may mắn.

Khi quá trình chuyển giao tài sản diễn ra, các học giả, nhà nghiên cứu và nhà phân tích thị trường cho rằng việc định hình sự giàu có của mỗi cá nhân sẽ khiến tình trạng bất bình đẳng trở nên căng thẳng hơn nữa và được thảo luận nhiều hơn trong các cuộc thảo luận về chính sách.

Joseph Brusuelas, nhà kinh tế trưởng tại công ty tư vấn RSM, cho rằng những thay đổi sẽ diễn ra nhưng chỉ khi những lao động được trả lương cao không còn đủ khả năng chi trả cho gia đình, nhà ở, chăm sóc người già hay các dịch vụ giải trí.

Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Joe Biden kỳ vọng sẽ đẩy nhanh tiến độ của các chính sách công có liên quan đến tình trạng bất bình đẳng giàu nghèo. Khoản ngân sách mới công bố của ông sẽ nhằm mục đích bù đắp phần lớn chi tiêu cho các chương trình xã hội bằng doanh thu từ thuế tài sản hàng năm là tối thiểu 25% với các hộ gia đình có 100 triệu USD tài sản ròng trở lên.

(Nguồn: Soha)

Làn sóng 'di cư ngược' của người Mỹ gốc Hàn

(Ảnh minh họa).

Nhiều người ở Hàn Quốc từng di cư đến Mỹ để theo đuổi viễn cảnh "giấc mơ Mỹ" hào nhoáng. Nhưng giờ đây, họ lại chứng kiến hành trình ngược trở lại của ​thế hệ tiếp theo.

Lớn lên ở Bắc Carolina (Mỹ), Kevin Lambert biết mình khác với những người da trắng cùng trang lứa. Những nét đặc trưng của người Hàn Quốc mà anh thừa hưởng từ mẹ rất nổi bật, và anh “luôn cảm thấy bị ruồng bỏ".

“Cả tuổi thơ của tôi, vào những năm 80-90, tất cả điều tôi được hỏi là: 'Này, bạn có phải là người Trung Quốc không? Bạn có biết kung fu không?'”, anh kể lại.

Cảm giác khó chịu đó kéo dài đến tuổi trưởng thành, thôi thúc anh chuyển đến Hàn Quốc vào năm 2009.

Kevin Lambert là một trong số nhiều người Mỹ gốc Á sinh ra hoặc lớn lên ở Mỹ. Từ nhiều thập kỷ trước, cha mẹ họ đã tới đây để theo đuổi “giấc mơ Mỹ”, nhưng rồi lại chứng kiến ​​thế hệ tiếp theo thực hiện hành trình ngược trở lại.

Stephen Cho Suh, nhà nghiên cứu về người Mỹ gốc Á tại Đại học Bang San Diego, cho biết phần lớn người "di cư ngược" lớn lên vào thời điểm mà kiến ​​thức chung của nhiều người Mỹ về châu Á chỉ giới hạn ở Nhật Bản và Trung Quốc. Thậm chí khi đó, họ vẫn xoay quanh những định kiến ​​​​xúc phạm.

Trải nghiệm bị phân biệt chủng tộc và không được coi là người Mỹ hoàn toàn đã thúc đẩy nhiều người hướng về quê hương của cha mẹ họ.

Nhưng cuộc sống ở Hàn Quốc mang đến những thách thức riêng, và nhiều người cuối cùng đã quay trở lại Mỹ, theo CNN.

“Mọi người đều đề cập đến vấn đề chủng tộc”

Nhiều yếu tố đã thúc đẩy quá trình "di cư ngược" này. Năm 1999, Hàn Quốc thông qua luật mở cửa cho “người Hàn Quốc ở nước ngoài” giúp họ dễ dàng quay lại và ở trong thời gian dài hơn.

Nhưng có một yếu tố khác bao trùm. Ông Suh đã phỏng vấn hơn 70 người trong quá trình nghiên cứu và chia sẻ: “Mọi người đều đề cập đến chủng tộc, phân biệt chủng tộc, sắc tộc”.

Sau khi Daniel Oh rời Hàn Quốc cùng gia đình khi còn nhỏ, anh chuyển đến Canada và sau đó là Mỹ - nơi phân biệt chủng tộc là một thực tế hàng ngày. Oh, giờ đã 32 tuổi, nhớ lại “rất nhiều lần tôi cảm thấy xấu hổ vì là người nhập cư”.

“Tôi cố gắng thoát khỏi cảm giác xa lạ", anh nói. Nhưng “cho dù bạn nói tiếng Anh giỏi đến đâu, bạn biết bao nhiêu tài liệu tham khảo về văn hóa, bạn hòa nhập trong cách cư xử và lời nói như thế nào… thì bề ngoài, bạn vẫn là người Mỹ gốc Á”.

Daniel Oh bắt đầu trở lại thăm Hàn Quốc ở độ tuổi 20. Anh không hoàn toàn thoải mái khi nói tiếng Hàn.

Tuy nhiên, “theo một cách nào đó, tôi cảm thấy như ở nhà”, anh nói. Những điều từng khiến anh khác biệt ở Mỹ - một phần tính cách và cách cư xử, ý thức về bản sắc - “có ý nghĩa hơn rất nhiều khi tôi trở lại Hàn Quốc”.

Sức hút ấy ngày càng mạnh mẽ hơn sau mỗi chuyến đi. Cho đến năm 24 tuổi, anh chuyển đến Seoul - nơi anh đã sống suốt 8 năm qua.

Ji-Yeon O. Jo, giám đốc Trung tâm Châu Á Carolina tại Đại học Bắc Carolina ở Chapel Hill, cho biết nhiều người di cư tận hưởng “giai đoạn trăng mật”, thích hòa vào đám đông có những gương mặt Hàn Quốc và cảm thấy thân thuộc.

Không chỉ con cái của những người nhập cư quay trở lại, nhiều người Mỹ gốc Hàn thế hệ thứ nhất cũng vậy.

Kim Moon Kuk (72 tuổi), di cư từ Seoul đến Los Angeles năm 1985 cùng vợ và hai con. Ông điều hành một số cơ sở kinh doanh trong nhiều thập kỷ, bao gồm một nhà hàng, chợ trời, cửa hàng vàng bạc và xưởng may.

Nhưng ông và vợ đã quay trở lại Hàn Quốc vào năm 2020, định cư tại thành phố Chuncheon. Ông cho biết có nhiều lợi ích khi sống tại Hàn Quốc, như dịch vụ chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền, giao tiếp bằng tiếng Hàn dễ dàng và gần gũi với gia đình.

Trong khi đó, ở Mỹ, phân biệt chủng tộc là một mối nguy hiểm xấu xí và thường trực. Ông nhớ lại việc ghé qua một quán bar vào những năm 90, nơi có những khách hàng quen là người da trắng xếp hàng bên ngoài. Ông đã bị từ chối “vì nó chỉ dành cho thành viên”.

Gần đây hơn, ông nhận định “cuộc sống của người châu Á trở nên khó khăn” với việc cựu Tổng thống Donald Trump gọi Covid-19 là “virus Trung Quốc” và "kung flu" (tạm dịch "cúm Tàu").

Báo cáo về các sự cố thù ghét chống người châu Á đã tăng đột biến.

Vì vậy, đối với ông Kim, thật nhẹ nhõm khi được trở lại Hàn Quốc, nơi an toàn “tốt hơn 100%”.

“Tôi dự định sống (ở Hàn Quốc) cho đến khi chết”, ông nói.

Ông Suh cho biết mong muốn trên phổ biến ở những người Mỹ gốc Hàn lớn tuổi, nhưng không phải ai cũng có thể thực hiện được. Sau nhiều thập kỷ xa cách, nhiều người đã mất liên lạc với gia đình và bạn bè, hoặc cảm thấy quá già để thực hiện hành trình “di cư ngược".

Bên cạnh đó, trong khi Hàn Quốc phát triển với tốc độ nhanh chóng trong những thập kỷ gần đây, chi phí sinh hoạt cũng tăng chóng mặt.

Hình ảnh phản chiếu của phân biệt chủng tộc

Tuy nhiên, sau khi “giai đoạn trăng mật” kết thúc, nhiều người bắt đầu thấy xung đột giữa “cuộc sống hàng ngày của người Hàn Quốc” và “các giá trị, lối sống mà họ quen thuộc ở Mỹ”, bà Jo cho hay.

Ngay cả những công việc thông thường như tìm căn hộ, thiết lập tài khoản ngân hàng hay đăng ký với bác sĩ cũng phức tạp do rào cản ngôn ngữ và các giao thức không quen thuộc.

Giám đốc Trung tâm Châu Á Carolina chia sẻ đó là tâm lý chung. Nhiều người cho biết họ bị mọi người nhìn với ánh mắt kỳ lạ khi nói tiếng Anh trên phương tiện giao thông công cộng.

Một số thậm chí còn phải đối mặt với những câu hỏi của người lạ như: “Bạn là người Hàn Quốc, tại sao bạn không thể nói tiếng Hàn?”. Hoặc, khi thấy khó khăn vì gặp phải thuật ngữ y tế trong phòng khám, họ được hỏi: “Bạn không phải là người Hàn Quốc sao?”.

Theo một cách nào đó, trải nghiệm này lặp lại những gì cha mẹ họ phải đối mặt khi họ nhập cư vào Mỹ.

“Chúng tôi thấy hình ảnh phản chiếu của phân biệt chủng tộc. Trong trường hợp này, (phân biệt đối xử) nội bộ sắc tộc dựa trên quốc gia mà bạn có quốc tịch", bà Jo nói.

“Ở Mỹ, đó là phân biệt chủng tộc giữa các chủng tộc. Động lực có một chút khác biệt”, nhưng có điểm tương đồng trong cách chúng thể hiện trong cuộc sống hàng ngày, bà cho hay.

Những khoảnh khắc như thế đã khiến Lambert trở lại Mỹ vào năm 2020, sau 11 năm ở Hàn Quốc.

Ngoài ra, có lý do khác khiến một số người “di cư ngược” chọn quay trở lại Mỹ. Chẳng hạn khó khăn trong việc hẹn hò.

Nhiều phụ nữ gặp phải xung đột với chuẩn mực hẹn hò và giới tính bảo thủ ở Hàn Quốc - những “quy tắc ngầm" cho rằng họ “quá thẳng thắn… không đủ nghiêm trang, quá nữ quyền”, ông Suh nói.

Trong khi đó, nam giới có thể gặp khó khăn trong việc tìm bạn đời nếu họ không “làm những công việc được ao ước”.

Việc làm có lẽ cũng là thách thức lớn nhất. Công việc giảng dạy rất dễ tìm với những người di cư, nhưng chuyển sang một ngành khác khó hơn. Suh cho biết cho dù vì lý lịch hay tình trạng thị thực của họ, người Mỹ gốc Hàn có thể phải đối mặt với sự phân biệt đối xử của nhà tuyển dụng trong một số lĩnh vực khác.

Trong bối cảnh đó, nhiều người Mỹ gốc Hàn trẻ tuổi có một cái nhìn khác về bản sắc của họ sau những chuyến di cư.

Suh cho biết một số người nhận thức rõ hơn về bản sắc Mỹ trong họ, khi họ “nhận ra (họ) không phải là người Hàn Quốc theo cách mà người Hàn Quốc định nghĩa về tính chất Hàn Quốc”.

Sự chênh lệch này đặc biệt phổ biến ở người Mỹ gốc Hàn, những người thường “muốn ở giữa” hai quốc gia, bà Jo nói.

Nhiều người Mỹ gốc Hàn dẫn các yếu tố như muốn lập gia đình ở Mỹ, hoặc không muốn con cái lớn lên trong hệ thống giáo dục siêu cạnh tranh, áp lực cao của Hàn Quốc.

Kết quả là họ “tìm thấy không gian riêng với tư cách là những người có cả hai danh tính”, với mối liên hệ chặt chẽ với cả hai nơi, bà cho biết thêm. Nó giống việc nói: “Tôi vẫn là người Hàn Quốc, nhưng tôi cũng là người Mỹ”.

(Nguồn: Zing News)

Tin vui bất ngờ dành cho ông Trump

Công tố viên đặc biệt John Durham kết luận, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) thiếu "bằng chứng thực tế" để điều tra chiến dịch tranh cử năm 2016 của cựu Tổng thống Donald Trump.

Theo Reuters, báo cáo công bố ngày 15/5 đã đánh dấu sự kết thúc cuộc điều tra kéo dài 4 năm, bắt đầu từ tháng 5/2019 khi Bộ trưởng Tư pháp Mỹ lúc đó William Barr chỉ định công tố viên kỳ cựu Durham xem xét khả năng sai lầm của FBI khi khởi động cuộc điều tra "Crossfire Hurricane" giai đoạn đầu về mối liên hệ tiềm ẩn giữa chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 của ông Trump với Nga.

FBI về sau đã chuyển giao cuộc điều tra Crossfire Hurricane cho Công tố viên đặc biệt Robert Mueller, người hồi tháng 3/2019 cũng xác nhận không có bằng chứng về âm mưu phạm tội giữa chiến dịch tranh cử của ông Trump và Nga.

Trong báo cáo mới dài 306 trang, ông Durham kết luận, các cơ quan tình báo và hành pháp Mỹ đã không có trong tay bất kỳ "bằng chứng thực tế" nào chống lại ông Trump và dựa quá nhiều vào chỉ dẫn từ các đối thủ chính trị của chính khách Cộng hòa này để xúc tiến điều tra. Công tố viên đặc biệt cũng cáo buộc FBI đã đối xử với cuộc điều tra ông Trump khác với những cuộc điều tra nhạy cảm về chính trị lâu nay, kể cả một số vụ việc liên quan đến cựu Ngoại trưởng Dân chủ Hillary Clinton.

Công tố viên Durham nêu ví dụ, bà Clinton và các quan chức khác được cung cấp báo cáo tóm tắt về việc có thể là mục tiêu của sự can thiệp từ nước ngoài, trong khi ông Trump không nhận được báo cáo nào như vậy trước khi FBI mở cuộc điều tra nhằm vào 4 thành viên trong chiến dịch tranh cử của ông.

Báo cáo của ông Durham được công bố trước Quốc hội Mỹ ngày 15/5 mà không cần chỉnh sửa, sau khi được trình lên Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland cuối tuần trước. Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Jim Jordan thông báo trên Twitter rằng, ông đã mời Công tố viên đặc biệt Durham đến điều trần về báo cáo vào tuần tới.

Sau khi báo cáo được công bố, FBI khẳng định đã tiến hành hàng chục biện pháp khắc phục trong một khoảng thời gian nhất định.

Theo CNN, ông Trump cũng có phản ứng ngay lập tức trước diễn biến mới. Cựu tổng thống viết trên mạng xã hội Truth Social: "Ồ! Sau khi nghiên cứu sâu rộng, Công tố viên đặc biệt John Durham kết luận FBI không bao giờ nên tiến hành cuộc điều tra Trump - Nga! Nói cách khác, công chúng Mỹ đã bị lừa, giống như họ đang bị lừa bởi những người không muốn thấy sự vĩ đại dành cho nước Mỹ!”.

Giới quan sát đánh giá, những phát hiện của ông Durham có thể sẽ trở thành động lực chính trị cho cựu Tổng thống Trump, người đã khởi động chiến dịch tái chạy đua vào Nhà Trắng năm 2024 dù phải đối mặt với cáo buộc hình sự ở New York và 2 cuộc điều tra liên bang của Công tố viên đặc biệt Jack Smith liên quan đến việc ông lưu giữ hồ sơ mật sau khi mãn nhiệm và vai trò của ông trong vụ biểu tình bạo loạn trên Đồi Capitol ngày 6/1/2021 nhằm lật ngược kết quả bầu cử tổng thống năm 2020.

(Nguồn: Vietnamnet)

Mỹ gia hạn hiệp ước chiến lược với quốc đảo Thái Bình Dương

(Ảnh minh họa).

Mỹ và Micronesia đã đồng ý gia hạn một hiệp ước chiến lược quan trọng trong bối cảnh Washington gia tăng ảnh hưởng ở Thái Bình Dương để đối phó Trung Quốc.

Joseph Yun, đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Joe Biden, thông báo Hiệp ước Liên kết Tự do (COFA) giữa Mỹ và Micronesia sẽ được ký kết vào ngày 22/5 tại một buổi lễ ở Papua New Guinea, với sự tham dự của Tổng thống Mỹ Joe Biden và tân Tổng thống Micronesia Wesley Simina.

Ông Yun dự kiến sẽ thăm Quần đảo Marshall từ ngày 18-21/5, tuy nhiên ông "hoài nghi" về việc thỏa thuận COFA giữa Mỹ và Quần đảo Marshall có thể được hoàn tất vào thời điểm này.

Micronesia là một trong ba quốc gia Thái Bình Dương có thỏa thuận quốc phòng COFA với Mỹ. Theo thỏa thuận này, quân đội Mỹ được quyền tiếp cận không phận và lãnh hải của Liên bang Micronesia, Cộng hòa quần đảo Marshall và Cộng hòa Palau. Đổi lại, các quốc đảo Thái Bình Dương nhận được hỗ trợ tài chính của Washington.

Các nhà phân tích cảnh báo, mối quan hệ ngày càng nồng ấm giữa Micronesia và Trung Quốc có thể làm mai một mối quan hệ quốc phòng lâu đời với Mỹ. Do vậy, việc gia hạn thỏa thuận COFA đã trở thành một phần quan trọng trong chiến lược của Mỹ nhằm đẩy lùi nỗ lực mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương.

Ông Biden vào tuần tới sẽ trở thành tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đến thăm quốc đảo Papua New Guinea ở Thái Bình Dương sau hội nghị thượng đỉnh G7 ở Nhật Bản, nhấn mạnh sự đầu tư của chính quyền Mỹ vào khu vực Thái Bình Dương để đối phó với Trung Quốc.

Các thỏa thuận COFA cũ sẽ hết hạn vào năm 2023 đối với Quần đảo Marshall, Micronesia và vào năm 2024 đối với Palau.

Bắc Kinh đã cam kết các khoản đầu tư phát triển kinh tế giá trị cao với Micronesia. Những năm gần đây, đầu tư của Trung Quốc ở Micronesia tập trung vào xây dựng các tổ hợp văn phòng và nhà ở cho các quan chức chính phủ, trung tâm hội nghị quốc gia, cơ sở hạ tầng giao thông, trao đổi du học sinh.

(Nguồn: Dân Trí)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang