Mỹ: Cali tình trạng khẩn cấp; Ngân hàng gặp nạn; Tăng ngân sách chống TQ; Đóng băng tài sản Nga; Căng thẳng mới với TQ

California ban bố tình trạng khẩn cấp

(Ảnh minh họa).

Thống đốc California Gavin Newsom hôm 9/3 ban bố tình trạng khẩn cấp ở 21 quận, giữa lúc 16 triệu người trong bang đang được cảnh báo theo dõi lũ lụt.

Thống đốc Newsom hôm 9/3 đã mở rộng tình trạng khẩn cấp dành cho 21 quận khác tại bang California (Mỹ), bao gồm một số cộng đồng miền núi vẫn đang vật lộn với lượng tuyết dày. Vào tuần trước, ông Newsom đã ban bố tình trạng khẩn cấp với 13 quận tại bang, theo New York Times.

“Tiểu bang đang làm việc suốt ngày đêm với các đối tác địa phương để triển khai thiết bị cứu sinh và điều những người nhân viên ứng phó khẩn cấp tới các cộng đồng trên khắp California”, ông Newsom cho biết tối 8/3.

“Với những cơn bão nguy hiểm hơn sắp xảy ra, chúng tôi sẽ tiếp tục huy động mọi nguồn lực sẵn có để bảo vệ người dân California”, ông nói thêm.

Một dòng sông khí quyển sắp xuất hiện và tuyết tan nhanh chóng đã đặt các cộng đồng trên khắp California vào tình trạng báo động cao về lũ quét, lở bùn và lở đá khi một cơn bão cận nhiệt đới quét qua bang này, theo Guardian.

Dịch vụ Thời tiết Quốc gia Mỹ cảnh báo rằng các con sông và suối cũng có thể nhanh chóng bị vỡ bờ. Nhìn chung, khoảng 16 triệu người đang được cảnh báo theo dõi lũ lụt.

Chuỗi các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt đã tàn phá miền Tây nước Mỹ trong những tuần gần đây. Ít nhất 12 người đã thiệt mạng ở miền Nam California kể từ cuối tháng 2, sau khi những trận bão tuyết lớn chia cắt các cộng đồng ở vùng núi San Bernardino và vùng núi San Gabriel liền kề.

Ở một số cộng đồng, mái nhà bị sập và nhiều người phải chịu cảnh mất điện do bão. Trên khắp tiểu bang, nhiều người bị mắc kẹt trong nhà và các khu nghỉ dưỡng cho thuê.

Tuyết rơi dày đã cản trở các nỗ lực cứu hộ, khi họ đã phải đào tuyết để giải cứu người dân ra khỏi nhà. Một số người thậm chí đã bị mắc kẹt hơn một tuần trong nhà của họ.

Các quan chức đã cảnh báo về khả năng xảy ra lũ lụt tồi tệ khi cơn bão đến. Gió mạnh cũng có thể làm đổ cây cối và đường dây điện.

“Đây là một sự kiện thời tiết có một không hai, chưa từng xảy ra trong vài thập kỷ, có lẽ kể từ năm 1969”, Kris Mattarochia, một nhân viên tại văn phòng Dịch vụ Thời tiết Quốc gia ở Hanford (California) cho biết hôm 9/3.

(Nguồn: Zing News)

Một ngân hàng sụp đổ, một ngân hàng khác chao đảo, cổ phiếu giảm 60% trong 1 phiên: Chuyện gì đang xảy ra với hệ thống ngân hàng Mỹ?

Những vấn đề xảy ra với một số ngân hàng gần đây mới chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”.

Ngân hàng Silvergate Capital đột ngột đóng cửa và Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) thiếu vốn nghiêm trọng là 2 sự kiện khiến các cổ phiếu ngân hàng ở Mỹ lao dốc. Khắp ngành, những lời bàn tán xôn xao nổi lên: Đây có phải khởi đầu của một vấn đề nghiêm trọng hơn nhiều?

Cả hai ngân hàng nổi tiếng tại California gặp tình trạng người gửi ồ ạt đi rút tiền. Nhưng đằng sau đó là một vết nứt đang lan rộng khắp lĩnh vực tài chính: lãi suất tăng khiến các ngân hàng phải nhanh chóng bán ra lượng lớn trái phiếu lãi suất thấp mà họ đang nắm giữ nếu không muốn chịu lỗ. Vì vậy, nếu quá nhiều khách hàng rút tiền cùng lúc, hậu quả có thể sẽ rất tồi tệ.

Trong khắp giới đầu tư, mọi người đều hỏi cùng một câu rằng “ngân hàng nào sẽ là đối tượng tiếp theo?”. Người sáng lập công ty phân tích thị trường Exante Data và Market Reader, Jens Nordvig, cho biết: “Tôi nhận được rất nhiều câu hỏi này từ các khách hàng của mình”.

Trước bối cảnh rút tiền ồ ạt tại ngân hàng SVB, giám đốc điều hành đã trấn an khách hàng rằng “hãy bình tĩnh”.

Theo các nhà phân tích, rủi ro trước mắt đối với nhiều ngân hàng có thể không tồn tại, nhưng nó vẫn gây ra ảnh hưởng. Tuy không đối mặt với tình trạng cạn kiệt tiền gửi, các ngân hàng sẽ buộc phải cạnh tranh gay gắt hơn để có được khách hàng. Họ có để đưa ra mức lãi suất cao hơn cho người gửi tiết kiệm. Chính điều đó sẽ xói mòn những gì ngân hàng kiếm được từ việc cho vay, làm giảm lợi nhuận.

Các ngân hàng vừa và nhỏ với nguồn vốn kém đa dạng hơn có thể phải chịu những áp lực đặc biệt. Họ buộc phải bán thêm cổ phiếu và khi đó cổ phiếu sẽ bị pha loãng.

Chủ tịch Christopher Whalen của công ty tư vấn tài chính Whalen Global Advisors cho biết: “SVB chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Tôi không lo lắng nhiều về những ông lớn, nhưng rất nhiều ngân hàng nhỏ sẽ chịu một cú giáng khủng khiếp. Nhiều ngân hàng sẽ phải huy động thêm vốn chủ sở hữu”.

Cổ phiếu mọi ngân hàng trong nhóm tài chính thuộc S&P 500 đều sụt giảm, khiến S&P 500 Financials Index giảm 4,1%, ngày tệ nhất kể từ giữa năm 2020. Cổ phiếu của SVB đã giảm 60%, trong khi ngân hàng First Republic ở San Francisco giảm 17%.

Trớ trêu thay, nhiều nhà đầu tư đã đổ tiền vào các cổ phiếu tài chính để tránh các đợt tăng lãi suất của Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed). Họ đánh cược rằng lãi suất tăng sẽ giúp các ngân hàng tăng lợi nhuận. Nhưng tuần này đối với họ là một cú sốc lớn.

Nhà phân tích Chris Marinac tại công ty tư vấn Janney Montgomery Scott cho biết thị trường hoàn toàn bị bất ngờ với việc SVB huy động thêm vốn. SVB đã thông báo bán ra lượng lớn cổ phiếu và hạ dự báo triển vọng kinh doanh.

Theo SVB, các khách hàng của họ là những công ty được hậu thuẫn bởi các quỹ đầu tư mạo hiểm đã ồ ạt rút tiền gửi vì họ cạn tiền. Do đó ngân hàng cần phải phát hành thêm cổ phiếu để bù đắp.

Vài giờ sau khi CEO Greg Becker kêu gọi khách hàng bình tĩnh, một số công ty đầu tư mạo hiểm nổi tiếng, bao gồm cả quỹ của Peter Thiel, khuyên các công ty trong danh mục nên rút tiền để đề phòng.

Tại ngân hàng Silvergate, vấn đề cạn kiệt tiền gửi bắt đầu từ năm ngoái. Khách hàng của Silvergate là các công ty tiền số. Họ muốn rút tiền mặt để vượt qua ảnh hưởng từ vụ sụp đổ của sàn giao dịch FTX. Sau thời gian thua lỗ, công ty đã thông báo chấm dứt hoạt động và thanh lý.

Cổ phiếu các ngân hàng Mỹ trong tuần này cũng lao đao sau khi KeyCorp cảnh báo về áp lực trả lãi cho những người tiết kiệm. Các ngân hàng đã hạ dự báo tăng trưởng trong năm tài chính hiện tại từ 6% - 9% xuống 1% - 4%. Lý do là vì môi trường giá cả cạnh tranh.

Các nhà quản lý cho rằng nên giảm thời gian kiểm soát bảng cân đối kế toán của các ngân hàng nhỏ, tạo cơ hội cho họ đổi mới. Thay vào đó, các nhà chức trách dành phần lớn thời gian để tập trung vào sự ổn định của các ngân hàng quan trọng trong hệ thống như JPMorgan Chase & Co. và Bank of America Corp..

Các quan chức đã buộc các ngân hàng lớn phải duy trì được nguồn vốn, để họ có thể đứng vững trong những thời điểm như hiện tại. Ngược lại, các ngân hàng nhỏ hơn được xử lý bằng “một cách tiếp cận nhẹ nhàng”.

Michael Barr, phó chủ tịch giám sát của Fed, cho biết: “Rõ ràng những tổ chức lớn hơn cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro, nhưng chúng chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong bảng cân đối kế toán của họ. Vì vậy, ngay cả khi bị rút cùng một lượng tiền, họ vẫn không bị ảnh hưởng”.

(Nguồn: CafeF)

Kế hoạch ngân sách Mỹ dành hàng tỷ đô chống lại Trung Quốc

(Ảnh minh họa).

Kế hoạch ngân sách mà chính quyền Biden đưa ra hôm 9/3 bao gồm các yêu cầu tài trợ hàng tỷ đô la cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhắm mục tiêu chống lại Trung Quốc thông qua đầu tư cơ sở hạ tầng và các hỗ trợ khác cho các đối tác và đồng minh của Hoa Kỳ trong khu vực.

Quyền Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách Quản lý và Tài nguyên John Bass nói với các phóng viên rằng sự cạnh tranh của Washington với Bắc Kinh là “rộng lớn và phức tạp khác thường” và hợp lý để được các hình thức tài trợ mới.

“Cách tiếp cận của chúng ta đối với thách thức thế hệ do CHND Trung Hoa đề ra tập trung vào việc đầu tư vào năng lực nội địa của chính chúng ta, điều chỉnh nỗ lực của chúng ta với nỗ lực của các đồng minh và đối tác và cạnh tranh với CHND Trung Hoa ở những chỗ có lợi ích và giá trị khác nhau,” ông Bass nói.

Đề xuất ngân sách của Tổng thống Biden đã vấp phải sự phản đối gay gắt từ các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa, cho dù các nhà lãnh đạo đảng nhìn chung ủng hộ các nỗ lực chống lại Trung Quốc.

Đề xuất ngân sách cho năm 2024 bao gồm 400 triệu đô la cho một quỹ “chống lại các hành vi cụ thể có vấn đề của CHND Trung Hoa trên toàn cầu,” theo Bộ Ngoại giao Mỹ.

Chính quyền Biden yêu cầu các khoản chi tiêu bắt buộc, ngoài khoản tài trợ tùy hỷ xưa nay, bao gồm 2 tỷ đô la để hỗ trợ các dự án cơ sở hạ tầng và 2 tỷ đô la để củng cố các nền kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và hỗ trợ các đối tác đẩy lùi Trung Quốc, ông Bass cho biết.

Ông nói ngân sách này cũng bao gồm tài trợ để mở rộng sự hiện diện của Hoa Kỳ ở Quần đảo Thái Bình Dương, khu vực mà Washington đang cạnh tranh với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.

Số tiền tài trợ có thể không đáng kể so với số tiền lớn của Trung Quốc rót ra nước ngoài thông qua sáng kiến cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường, nhưng các quan chức cho biết những nỗ lực của Hoa Kỳ tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng “chất lượng cao” và sẽ thu hút đầu tư của khu vực tư nhân.

“Chúng ta không tìm so kè với Trung Quốc từng đồng đô la, một phần vì bất kỳ khoản đầu tư nào của Trung Quốc… đều không mang nhiều ý nghĩa thương mại,” ông Bass khẳng định.

(Nguồn: VOA)

Mỹ và đồng minh đóng băng hơn 58 tỷ USD tài sản của người Nga bị trừng phạt

Ngày 9/3, Bộ Tài chính Mỹ cho biết, nước này cùng với các đồng minh thuộc Lực lượng đặc nhiệm đa phương REPO đã đóng băng tài sản của công dân Nga với số tiền hơn 58 tỷ USD trong năm qua.

Được thành lập hồi tháng 3/2022 bao gồm các quan chức tài chính và tư pháp hàng đầu của Mỹ, Australia, Pháp, Canada, Đức, Nhật Bản, Italia, Anh và Ủy ban châu Âu​​​​​​, REPO có nhiệm vụ truy tìm tài sản của giới tài phiệt Nga trên toàn thế giới.

Theo tài liệu, một năm sau khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt của Liên bang Nga ở Ukraine, nhóm REPO "với sự phối hợp đa phương đã gây áp lực chưa từng có đối với những người Nga bị trừng phạt".

Các thành viên nhóm REPO đã phong tỏa hoặc đóng băng thành công hơn 58 tỷ USD tài sản của những người Nga bị trừng phạt, theo dõi tài sản của Nga bị trừng phạt trên khắp thế giới và hạn chế đáng kể quyền truy cập của những người Nga bị trừng phạt vào hệ thống tài chính quốc tế.

Đặc biệt là việc "thu giữ hoặc đóng băng bất động sản xa xỉ", du thuyền, máy bay và các tài sản khác của người Nga. Đại diện của nhóm nêu rõ rằng, trong một năm họ đã thực hiện "tịch thu tài sản lần đầu tiên của những người Nga bị áp đặt lệnh trừng phạt, điều này cho phép chuyển 5,4 triệu USD viện trợ nước ngoài cho Ukraine."

Trước đó, Bộ Tài chính Bỉ thông báo Brussels đã phong tỏa tài sản của Liên bang Nga với số tiền 58 tỷ USD. Như Bộ kiểm soát thông tin Nga đã giải thích, một số chủ sở hữu bị ảnh hưởng sẽ có thể kiện đòi lại tiền của họ trong tương lai./.

(Nguồn: VOV)

Quan hệ Mỹ - Trung rơi vào vòng xoáy căng thẳng mới

(Ảnh minh họa).

Mức độ bất đồng trong quan hệ Mỹ - Trung cho thấy những khó khăn trong việc kiềm chế căng thẳng.

Theo tờ Wall Street Journal ngày 7/3, những chỉ trích gay gắt mới nhằm vào Mỹ của giới lãnh đạo cao cấp của Trung Quốc cho thấy mối quan hệ giữa hai cường quốc thế giới đã trở nên căng thẳng như thế nào.

Chỉ vài tuần trước, Trung Quốc và Mỹ đang có kế hoạch tiến tới "một điều gì đó giống như một lệnh ngừng bắn ngoại giao" khi đặc phái viên của Tổng thống Joe Biden dự kiến đến Bắc Kinh để thiết lập một khuôn khổ khả thi cho các cuộc đối thoại cấp cao liên chính phủ và ổn định quan hệ sau nhiều năm căng thẳng.

Sau đó, việc Mỹ bắn hạ một khinh khí cầu của Trung Quốc được phát hiện bay ngang qua Bắc Mỹ đã phủ bóng đen mới lên mối quan hệ của hai nước. Chuyến thăm trên đã bị hoãn lại và quan hệ giữa hai cường quốc có xu hướng rơi vào vòng xoáy của sự cáo buộc lẫn nhau và căng thẳng.

Tuần này, nhà lãnh đạo Tập Cận Bình và Ngoại trưởng Tần Cương của Trung Quốc đã cáo buộc Washington kìm hãm sự phát triển của Bắc Kinh và đẩy hai nước tới "xung đột".

Suisheng Zhao, một chuyên gia về chính sách đối ngoại của Trung Quốc tại Đại học Denver, bang Colorado (Mỹ) nhận định: “Mọi thứ mà một bên làm đều bị bên kia coi là tiêu cực và được thực hiện với mục đích xấu xa. Đó là tâm lý Chiến tranh Lạnh".

Ông Tập Cận Bình cho rằng Trung Quốc phải đối mặt với “sự kiềm chế, bao vây và đàn áp toàn diện” dưới áp lực của các quốc gia phương Tây đứng đầu là Mỹ. Ngày 7/3, tân Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương tiếp tục cảnh báo rằng trừ khi Mỹ thay đổi hướng đi nếu không “chắc chắn sẽ có xung đột và đối đầu”.

Khi được hỏi về những chỉ trích từ Bắc Kinh, người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho biết chính sách của chính quyền Biden không thay đổi: Họ tìm kiếm sự cạnh tranh với Trung Quốc chứ không phải xung đột.

Ông Kirby nói với các phóng viên ngày 7/3: “Đối với mối quan hệ song phương mang tính hệ quả nhất này, không có điều gì trong cách tiếp cận của chúng tôi khiến bất kỳ ai nghĩ rằng chúng tôi muốn xung đột. Chúng tôi hoàn toàn không muốn duy trì ở mức đó”.

Tuy nhiên, mức độ bất đồng trong quan hệ Mỹ-Trung cho thấy những khó khăn trong việc kiềm chế căng thẳng. Chính quyền Biden đã tiếp tục áp thuế thương mại từ thời Tổng thống Donald Trump, tăng cường kiểm soát xuất khẩu chất bán dẫn tiên tiến, đồng thời tập hợp các đồng minh và các quốc gia khác để kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc trên toàn thế giới.

Trong khi đó, Bắc Kinh vẫn duy trì mối quan hệ với Moskva, bất chấp cuộc xung đột ở Ukraine và đẩy mạnh các hoạt động diễn tập quân sự quanh Đài Loan và vào mùa hè năm ngoái cắt đứt nhiều kênh đối thoại với Mỹ, bao gồm cả kênh liên lạc quân sự.

Michael Auslin, một nhà sử học tại Viện Hoover của Đại học Stanford, cho biết những bình luận trên của giới lãnh đạo Trung Quốc về sự kiềm chế của Mỹ chứng tỏ rằng: "Bắc Kinh không muốn bị phong tỏa và lặp lại quan điểm truyền thống của các quan chức nước này rằng 'Trung Quốc là nạn nhân trong các hành động của phương Tây". Theo ông Auslin, điều có liên quan là hiện nay Trung Quốc có sức mạnh quân sự và Bắc Kinh dường như muốn ám chỉ "họ (Mỹ) ép chúng tôi [nhưng] chúng tôi sẽ không lùi bước trước áp lực”.

Trước đó trong vụ khinh khí cầu, Mỹ đã nhanh chóng bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc rằng đây là một thiết bị theo dõi thời tiết vô hại và bắn hạ thứ mà Washington nói là khinh khí cầu do thám bằng tên lửa Sidewinder. Đằng sau những căng thẳng và những cáo buộc mới này là những lo lắng rằng hai cường quốc đang trên quỹ đạo hướng tới xung đột thực sự trong tương lai.

Sau sự cố khinh khí cầu, Mỹ đã trì hoãn "bước đi tốt nhất của mình" để xoa dịu căng thẳng song phương: chuyến thăm Bắc Kinh của Ngoại trưởng Antony Blinken.

Tiếp đó trong chuyến thăm châu Âu, quan chức hàng đầu khác của Trung Quốc Vương Nghị tiếp tục đưa ra chỉ trích Mỹ tại mỗi điểm dừng chân. Washington phản ứng bằng cách bác bỏ kế hoạch hoà bình 12 điểm cho Ukraine của Bắc Kinh.

Ngoại trưởng Mỹ Blinken cũng công khai cảnh báo Bắc Kinh rằng Mỹ có thông tin tình báo cho thấy Trung Quốc đang cân nhắc cung cấp cho Nga viện trợ sát thương, chẳng hạn như máy bay không người lái và vũ khí.

Tóm lại, căng thẳng ngoại giao đã khiến việc cải thiện mối quan hệ Mỹ-Trung trở nên khó khăn, với việc tổ chức một hội nghị thượng đỉnh mà cả hai nước hy vọng diễn ra vào cuối năm nay ngày càng phức tạp hơn, trong bối cảnh các quốc gia ở châu Á và châu Âu mong muốn có mối quan hệ Mỹ-Trung ổn định hơn nhằm làm giảm rủi ro chính trị khi giao dịch với hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này.

(Nguồn: Báo Tin Tức)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang