Mỹ: Siết chính sách tiền tệ; Lời đe dọa từ Trump; Tương lai CIA; Bắt tay Đài Loan; Bác dự luật rút binh tại Syria

FED sẽ tăng cường siết chính sách tiền tệ?

(Ảnh minh họa).

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell hôm 7-3 cho biết cơ quan này có thể nâng lãi suất cao hơn và nhanh hơn so với dự kiến khi lạm phát vẫn còn cao.

Ông Powell cảnh báo sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa sau khi dữ liệu vào đầu năm nay cho thấy lạm phát không còn duy trì đà giảm như vào cuối năm 2022. Theo chủ tịch FED, chặng đường để đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu 2% vẫn còn dài và có thể nhiều chông gai.

Tuyên bố trên của ông Powell để ngỏ khả năng các quan chức FED nâng lãi suất lên 0,5 điểm % trong cuộc họp vào ngày 21 và 22-3 sắp tới nếu các báo cáo về việc làm và lạm phát trong tuần này cho thấy lãi suất tăng không giúp hạ nhiệt nền kinh tế.

Trước đó, hầu hết các thị trường đều kỳ vọng FED duy trì mức tăng 0,25 điểm % vào cuộc họp cuối tháng này. Lãi suất cơ bản tại Mỹ hiện là 4,5%-4,75% sau lần tăng 0,25 điểm % vào tháng 2-2023.

Hồi tháng 12-2022, các quan chức FED ước tính lãi suất ở cuối chu kỳ tăng này sẽ đạt 5,1%. Tuy nhiên, dữ liệu của Công ty Tài chính CME Group (Mỹ) chỉ ra các nhà đầu tư đang đặt cược vào kịch bản con số này đạt mức 5,5%-5,75%.

Trong khi đó, ông Powell từ chối dự báo lãi suất cuối cùng sẽ tăng cao đến mức nào. Dù vậy, ông nhắc lại rằng các quyết định về lãi suất sẽ được đưa ra theo từng cuộc họp và sẽ phụ thuộc vào dữ liệu cũng như tác động của chúng đối với lạm phát và hoạt động kinh tế thay vì theo một lộ trình định sẵn.

Phản ứng trước cảnh báo từ ông Powell, thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Elizabeth Warren lo ngại việc lãi suất tiếp tục tăng sẽ dẫn đến hàng triệu người mất việc (như dự tính của FED) nhưng lại không làm gì nhiều để hạ nhiệt lạm phát vốn đang bị thúc đẩy bởi các yếu tố khác, như nguồn cung hạn chế.

(Nguồn: CafeF)

Lời đe dọa bất ngờ từ ông Trump

Phát biểu trước những người ủng hộ hôm 4/3, ông Donald Trump cho thấy hướng đi chưa từng có trước đây: Thẳng thắn đe dọa dùng quyền lực tổng thống để trả đũa chính trị.

Ngôn ngữ thù địch luôn nằm trong từ điển của cựu Tổng thống Donald J. Trump suốt nhiều thập kỷ, từ những ngày còn là nhà phát triển bất động sản ở New York thề sẽ “ăn miếng trả miếng”, cho đến khi đe dọa những đảng viên Cộng hòa bỏ phiếu luận tội ông vào năm 2022.

Tâm lý thù hằn từ lâu đã là phần tính cách của cựu tổng thống. Song bài phát biểu tại Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ hôm 4/3 vẫn gây ấn tượng mạnh. Trong đó, ông Trump báo hiệu rõ ràng rằng nền chính trị Mỹ sẽ bước vào thời kỳ trả đũa nếu ông trở lại Nhà Trắng.

“Vào năm 2016, tôi đã tuyên bố: 'Tôi là tiếng nói của mọi người”, ông Trump nói với đám đông ở National Harbor, Maryland.

“Hôm nay, tôi nói thêm: Tôi là chiến binh, là công lý của mọi người. Và đối với những người có hành vi sai trái và phản bội, tôi là quả báo của họ”, ông nhấn mạnh.

Theo New York Times, khi định hình cuộc bầu cử năm 2024 như “trận chiến cuối cùng” giữa “chúng ta và họ”, ông Trump đã tiến về hướng đi chưa từng được khám phá trong nền chính trị Mỹ. Đó là tuyên bố thẳng về việc tận dụng quyền lực tổng thống để trả thù.

Mục đích của ông Trump

Với dư âm từ cuộc bạo động Điện Capitol hôm 6/1/2021, New York Times cho rằng cần nhìn nhận lời đe dọa của ông Trump một cách nghiêm túc hơn.

Quan điểm những người ủng hộ ông có thể bị kích động bạo lực không còn là giả thuyết. Cuộc bạo động cho thấy rõ những người ủng hộ cuồng tín nhất coi trọng phát ngôn của ông Trump như thế nào và họ sẵn sàng đáp trả bằng hành động.

Dù thường xuyên đưa ra những tuyên bố công kích, cho đến trước ngày 4/3, ông Trump vẫn thường tránh vượt qua ranh giới một cách rõ ràng.

Steven Cheung, phát ngôn viên của ông Trump, cho biết bài phát biểu hôm 4/3 là “lời kêu gọi hành động chính trị nhằm đánh bại đảng Dân chủ, bất cứ ai nghĩ khác đều không trung thực”.

Tuy nhiên, ông John Bolton, cựu cố vấn an ninh quốc gia dưới thời ông Trump và là người đã công khai phản đối cựu tổng thống sau đó, lại có góc nhìn khác.

“Tôi nghĩ rằng ông ấy đang nói về sự trừng phạt với những người vượt qua mình”, ông Bolton nói và nhấn mạnh tuyên bố không hướng đến những người ủng hộ, mà là về chính ông Trump.

“Đầu tiên và quan trọng nhất là trả đũa những người mà ông (Trump) cho rằng đáng bị trừng phạt vì đã không làm theo lời ông”, vị chuyên gia nói thêm.

Sau khi bất hòa với ông Trump, ông Bolton đã viết cuốn sách chi tiết về thời gian làm việc cho cựu tổng thống, mô tả hành vi của ông này là “cản trở công lý như một lẽ sống”.

Ông Bolton từng chỉ trích cựu tổng thống là ngoại lệ không có tầm nhìn rõ ràng cho tương lai đảng Cộng hòa. "Đó không phải triết lý bảo thủ, hay bất kỳ triết lý nào. (Những gì ông Trump làm) chỉ là nghệ thuật biểu diễn", tờ Hill dẫn lời ông Bolton.

Những bình luận của ông Trump hôm 4/3 cũng được chuẩn bị từ trước chứ không phải hành động bộc phát. Các phụ tá của cựu tổng thống thậm chí khá hài lòng với giọng điệu này. Họ nhanh chóng nhắc lời ông Trump trên trang Twitter của chiến dịch tranh cử và câu nói “Tôi là quả báo của bạn” được in hoa trên tiêu đề của một email gây quỹ.

Trong khi đó, New York Times nhận định bài phát biểu của ông Trump ám chỉ đến Thống đốc Florida Ron DeSantis - đối thủ tiềm năng nhất cho vị trí đại diện đảng Cộng hòa tính đến nay.

Khi mô tả bản thân như “chiến binh”, ông Trump muốn thể hiện quyết tâm không để bất kỳ ai - kể cả thống đốc Florida - thể hiện sức mạnh cao hơn cựu tổng thống.

Cả riêng tư và công khai, ông Trump bắt đầu công kích đối thủ tiềm năng. Trong tuần này, đội ngũ của ông Trump đã chi khoản tiền nhỏ để chạy quảng cáo đầu tiên trên Facebook nhắm vào ông DeSantis, trong đó có hình cả hai với dòng chú thích: “Người học việc từ bậc thầy”.

Đóng vai nạn nhân

Đối mặt với các cuộc điều tra, ông Trump cũng liên tục khẳng định mọi người không nên tin tưởng vào hệ thống tư pháp, đồng thời coi ông và những người ủng hộ là trọng tài thực sự của công lý. Ông cũng tuyên bố sẽ không rút khỏi cuộc đua tổng thống nếu bị truy tố.

“Hoặc họ thắng hoặc chúng ta thắng. Và nếu họ thắng, chúng ta không còn đất nước nữa”, ông Bolton chỉ vào một phần khác trong bài phát biểu của cựu tổng thống.

“Tôi nghĩ đó là tín hiệu cho thấy ông Trump sẽ không chấp nhận thất bại lần thứ hai, giống như cách ông không chấp nhận thất bại đầu tiên”, ông Bolton nhớ lại những cáo buộc vô căn cứ về kết quả bầu cử năm 2020.

Về bản chất, cựu tổng thống như đang “kêu gọi một điều gì đó gần giống với nổi dậy dân sự”, ông Bolton nhận định.

Tuy nhiên, ông Mick Mulvaney, người từng là quyền chánh văn phòng của ông Trump, nhìn nhận bài phát biểu có khả năng làm mất lòng những cử tri từng từ chối cựu tổng thống vào năm 2020.

“Đó là tuyên bố tuyệt vời dành cho những người ủng hộ cốt lõi. Nhưng (ông Trump) vừa mất thêm hai điểm với những phụ nữ ở ngoại ô vùng Trung Tây”, ông Mulvaney nhận định.

Trong khi đó, kế hoạch cho năm 2025 nếu ông Trump tái đắc cử đang dần được xây dựng. Các cố vấn đã thảo luận về việc áp dụng lại sắc lệnh hành pháp thời Trump, được gọi là Schedule F. Ông Trump đã ám chỉ những nỗ lực đó vào ngày 4/3.

“Tôi sẽ sa thải các quan chức không được bầu chọn và các thế lực đen tối đã vũ khí hóa hệ thống tư pháp của chúng ta”, ông nói.

Trong nhiều thập kỷ, ông Trump luôn tìm cách đóng vai nạn nhân và cam kết trả thù những ai cản trở mình, bắt đầu từ năm 1973 với cuộc điều tra đầu tiên của Bộ Tư pháp về hoạt động kinh doanh nhà ở phân biệt chủng tộc của doanh nghiệp gia đình Trump.

Vị cựu tổng thống cũng “khóc dở mếu dở” hồi tháng 8/2022 khi FBI lục soát dinh thự Mar-a-Lago và tìm thấy các tài liệu mật mà ông không giao nộp. Ông phản đối các cuộc điều tra ở New York và Georgia, tố cáo cả hai công tố viên da đen ở những bang này là "phân biệt chủng tộc" vì nhắm vào ông.

“Đây là trận chiến cuối cùng”, ông Trump nói hôm 4/3. “Họ biết điều đó, tôi biết điều đó, bạn biết điều đó, mọi người đều biết điều đó”.

Đòi hỏi lòng trung thành vô điều kiện và hứa trả đũa nếu không đạt được mong muốn vốn đã trở thành một phần sự nghiệp của ông Trump, đến nỗi các nhân viên cũ tại công ty ông thường nói rằng công chúng vẫn chưa hiểu hết về ông chủ họ.

“Nếu có cơ hội, tôi sẽ trả thù một số người đã không trung thành với tôi”, ông Trump từng nói trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 11/1992.

(Nguồn: Zing News)

Tương lai CIA được quyết định bởi cuộc chạy đua công nghệ của Mỹ với Trung Quốc

(Ảnh minh họa).

Tương lai của Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ sẽ được xác định bởi cuộc chạy đua công nghệ đang diễn ra giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc, giám đốc CIA, William Burns, tuyên bố hôm 8/3 trong phiên điều trần của Thượng viện.

Nhận xét của ông Burns được đưa ra sau khi công bố Đánh giá Đe dọa Hàng năm của Cộng đồng tình báo Hoa Kỳ, trong đó chỉ ra Trung Quốc là mối đe dọa an ninh quốc gia lớn nhất mà Mỹ phải đối mặt. Phúc trình trích dẫn việc Trung Quốc sử dụng mạnh mẽ các chiến thuật mạng để giám sát người Mỹ, thành công của nước này trong việc đánh cắp tài sản trí tuệ và khả năng tiếp thu công nghệ nước ngoài.

“Tôi nghĩ rằng cuộc cách mạng công nghệ không chỉ là đấu trường chính để cạnh tranh với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa,” ông Burns nói. “Đó cũng là yếu tố chính quyết định tương lai của chúng tôi với tư cách là một cơ quan tình báo.”

Giám đốc CIA phát biểu trong phiên điều trần của Quốc hội Mỹ được gọi là Các mối Đe dọa Toàn cầu, với sự góp mặt của những người đứng đầu khác trong cộng đồng tình báo Hoa Kỳ, bao gồm Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia, Tướng Paul Nakasone, Giám đốc Tình báo Quốc gia Avril Haines, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng, Trung tướng Scott Berrier và Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Christopher Wray.

Các giám đốc tình báo nói Bắc Kinh đặt ra nhiều mối đe dọa đối với lợi ích của Hoa Kỳ, bao gồm cả việc sử dụng tin tặc.

Nếu Bắc Kinh sợ rằng một cuộc xung đột lớn với Hoa Kỳ sắp xảy ra, họ “gần như chắc chắn sẽ xem xét thực hiện các hoạt động tấn công mạng nhằm vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Hoa Kỳ và các tài sản quân sự trên toàn thế giới,” phúc trình cho biết. “Một cuộc tấn công như vậy sẽ được thiết kế để ngăn chặn hành động quân sự của Hoa Kỳ bằng cách cản trở việc ra quyết định của Hoa Kỳ, gây ra sự hoảng loạn trong xã hội và can thiệp vào việc triển khai lực lượng của Hoa Kỳ.”

Phúc trình chỉ ra “sự bành trướng chủ nghĩa độc tài do công nghệ thúc đẩy trên toàn cầu” của Trung Quốc, trích dẫn những nỗ lực tích cực của họ nhằm kiểm soát và thao túng luồng nội dung tự do trên toàn cầu. Phúc trình cũng khẳng định rằng Trung Quốc “gần như chắc chắn” có khả năng tiến hành các cuộc tấn công mạng có thể đánh sập các dịch vụ cơ sở hạ tầng quan trọng, bao gồm cả việc chống lại các đường ống dẫn dầu khí và hệ thống đường sắt.

Phản ánh cách bộ máy an ninh của Bắc Kinh thu thập một lượng lớn dữ liệu sức khỏe về dân số của họ, các cơ quan tình báo Hoa Kỳ nói Trung Quốc đã thu thập dữ liệu về sức khỏe và gen của Hoa Kỳ thông qua các vụ xâm nhập mạng và mua lại các công ty Hoa Kỳ.

Tướng Nakasone, Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia, nói các hoạt động không gian mạng của Trung Quốc gần đây đã phát triển mạnh mẽ hơn.

“Đối với Trung Quốc, chúng tôi nhận thấy mức độ chấp nhận rủi ro ngày càng tăng liên quan đến việc đánh cắp tài sản trí tuệ của chúng tôi, thậm chí tăng cường các hoạt động gây ảnh hưởng của họ,” tướng Nakasone nói. “Đây là các nỗ lực rất đáng quan ngại.”

(Nguồn: VOA)

Mỹ và Đài Loan tiếp tục bắt tay chọc giận Trung Quốc

Trung Quốc hôm qua (8/3) tức giận cho biết họ "quan ngại sâu sắc" về kế hoạch "quá cảnh" qua Mỹ của Nhà lãnh đạo Vùng lãnh thổ (VLT) Đài Loan Tsai Ing-wen. Bắc Kinh đồng thời yêu cầu Washington làm rõ mọi việc sau khi có tin Nhà lãnh đạo Đài Loan Tsai sẽ có cuộc gặp với Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy tại Mỹ trong thời gian tới.

Ông McCarthy có kế hoạch gặp bà Tsai tại Mỹ trong những tuần tới, hai nguồn tin đã tiết lộ như vậy với hãng tin Reuters. Cuộc gặp này có thể thay thế cho chuyến đi được mong đợi nhưng nhạy cảm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ hòn đảo Đài Loan.

Chủ tịch Hạ viện McCarthy mới đây đã lên tiếng xác nhận kế hoạch gặp Nhà lãnh đạo Đài Loan Tsai Ing-wen tại Mỹ trong năm nay đồng thời nhấn mạnh cuộc gặp đó không ngăn cản chuyến thăm Đài Loan sau này của ông, hãng tin Bloomberg đưa tin.

Các nhà lãnh đạo Đài Loan, bao gồm cả bà Tsai Ing-wen, vốn thường hay thực hiện các chuyến đi quá cảnh qua nước Mỹ trên đường thực hiện chuyến công du đến các quốc gia khác. Các chuyến quá cảnh này thường kéo dài trong một hoặc hai ngày. Tuy nhiên, chính phủ Mỹ thường tránh các cuộc gặp với các quan chức cấp cao của Đài Loan tại Washington.

Văn phòng Nhà lãnh đạo Đài Loan đã đưa ra một tuyên bố ngắn gọn để trả lời những gì họ nói là câu hỏi của giới truyền thông về các chuyến thăm nước ngoài của bà Tsai Ing-wen. Trong tuyên bố này, Đài Loan cho biết "những sắp xếp cho hoạt động quá cảnh" đã được thực hiện trong nhiều năm qua nhưng hòn đảo này không đề cập trực tiếp đến nước Mỹ.

"Hiện tại, các bộ phận khác nhau đang liên lạc và chuẩn bị cho những kế hoạch có liên quan, và việc lập kế hoạch cho hành trình chuyến đi sẽ được giải thích đúng thời điểm sau khi kế hoạch được hoàn thành", tuyên bố của VLT Đài Loan cho biết nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Phát biểu ở thủ đô Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết nước này "quan ngại sâu sắc về tin tức" nói trên.

Bà Mao Ninh nói thêm rằng: “Chúng tôi đã gửi công hàm tới phía Mỹ và yêu cầu họ làm rõ việc này”.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh, Bắc Kinh kiên quyết phản đối bất kỳ hình thức trao đổi chính thức nào giữa Mỹ và Đài Loan, đồng thời nói thêm rằng: "Không ai nên đánh giá thấp quyết tâm mạnh mẽ của chính phủ và người dân Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ."

“Mối đe dọa thực sự đối với hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan là lực lượng ly khai của Đài Loan”, bà Mao cho hay.

Trung Quốc đã từ chối lời kêu gọi đàm phán của bà Tsai kể từ khi bà nhậm chức vào năm 2016, tin rằng nhà lãnh đạo Đài Loan là một người ly khai.

Trung Quốc chưa bao giờ loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để thống nhất Đài Loan.

Đài Loan là nguồn cơn gây mâu thuẫn và đối đầu thường xuyên giữa Bắc Kinh và Washington. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc hôm 7/3 cho biết Đài Loan là "ranh giới đỏ đầu tiên" không được vượt qua trong quan hệ Trung-Mỹ.

Trung Quốc đã tổ chức các cuộc tập trận quân sự xung quanh Đài Loan vào tháng 8 sau chuyến thăm Đài Bắc của Chủ tịch Hạ viện Mỹ khi đó là bà Nancy Pelosi.

Mỹ không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan nhưng bị ràng buộc bởi một đạo luật yêu cầu nước này cung cấp cho hòn đảo các phương tiện để phòng thủ.

(Nguồn: Soha)

Hạ viện Mỹ bác dự luật rút binh sĩ tại Syria

(Ảnh minh họa).

Hạ viện Mỹ bác dự luật do nghị sĩ Cộng hòa đề xuất, yêu cầu Tổng thống Biden rút 900 binh sĩ thực hiện nhiệm vụ chống IS khỏi Syria.

Dự luật được Matt Gaetz, nghị sĩ Cộng hòa đại diện bang Florida, đệ trình, yêu cầu Nhà Trắng rút số binh sĩ này khỏi Syria trong vòng 180 ngày. Tuy nhiên, dự luật bị Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát bác bỏ trong cuộc bỏ phiếu ngày 8/3, với 321 phiếu chống và 103 phiếu thuận.

Gaetz cho biết ông đề xuất dự luật sau khi 4 binh sĩ Mỹ bị thương trong cuộc đột kích hạ sát thủ lĩnh cao cấp của phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hồi tháng 2 ở đông bắc Syria. "Tôi không tin rằng thứ ngăn IS tồn tại là 900 binh sĩ Mỹ bị đưa tới chiến trường như địa ngục này mà không có định nghĩa về chiến thắng", ông nói.

Tuy nhiên, các nghị sĩ phản đối cho rằng dự luật có thể cho phép IS tiếp tục trỗi dậy, gây nguy hiểm cho Mỹ và các đồng minh.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Michael McCaul cho biết quân đội nước này cùng đồng minh trong năm 2022 hạ 466 tay súng IS và bắt 250 thành viên của nhóm. Ông nhận định IS có thể trỗi dậy nếu Mỹ rút quân khỏi Syria.

Nghị sĩ Cộng hòa Gregory Meeks phản đối quân đội Mỹ hiện diện vô thời hạn tại Syria, nhưng cho rằng dự luật yêu cầu rút quân của Gaetz là quá sớm.

Sau chiến dịch kéo dài nhiều năm của quân đội Mỹ và đồng minh, IS không còn kiểm soát bất cứ vùng lãnh thổ nào tại Syria và Iraq từ đầu năm 2019. Tuy nhiên, hàng trăm tay súng IS tiếp tục hoạt động tại khu vực quanh biên giới Iraq - Syria. Lực lượng dân quân người Kurd và binh sĩ Mỹ tại Syria nhiều lần mở chiến dịch truy quét IS ở đông bắc nước này.

Đại tướng Mark Milley, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, tuần trước tới thăm một căn cứ tại đông bắc Syria để đánh giá hiệu quả chiến dịch chống IS. Bộ Ngoại giao Syria sau đó chỉ trích chuyến thăm "vi phạm trắng trợn chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ" nước này.

(Nguồn: Vnexpress)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang