Mỹ: Bên bờ vỡ nợ; Cú sốc 1.000 tỷ USD; Mục tiêu 'không tưởng' của Trump; Ngừng XK sang Nga; Vấn đề lao động nước ngoài

Bên bờ vực vỡ nợ

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 18/5 tuyên bố tin tưởng rằng có thể đạt được thỏa thuận cần thiết về ngân sách và nước Mỹ sẽ không thể vỡ nợ.

Thế giới đang đổ dồn sự chú ý vào Mỹ khi nguy cơ nước này rơi vào cảnh vỡ nợ vào ngày 1/6 tới, nếu chính phủ thuộc phe Dân chủ không thể đạt được thỏa thuận nâng trần nợ công với phe Cộng hòa.

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 18/5 tuyên bố tin tưởng rằng có thể đạt được thỏa thuận cần thiết về ngân sách và nước Mỹ sẽ không thể vỡ nợ. Nhưng vấn đề này đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới chuyến công du châu Á của ông, dù nhà lãnh đạo Mỹ vẫn tới Nhật Bản dự Hội nghị Thượng đỉnh G7.

Ông Biden đã phải rút ngắn lịch trình chuyến công du châu Á - Thái Bình Dương, hủy cuộc gặp với Thủ tướng Australia để quay trở lại Washington vào ngày 21/5 nhằm tập trung cho cuộc đàm phán về trần nợ với lãnh đạo đảng Cộng hòa, trước khi không thể cứu vãn được tình thế.

Trong tuần này, Tổng thống Joe Biden và các nhà lãnh đạo Quốc hội bao gồm Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy của đảng Cộng hòa đã tổ chức 2 vòng đàm phán trực tiếp để cố gắng đạt được thỏa thuận nâng trần nợ công của Mỹ và cho phép thanh toán các nghĩa vụ nợ hiện có. Tuy nhiên, các bên chưa đạt được tiến triển đáng kể nào và nguy cơ nước Mỹ vỡ nợ vào ngày 1/6 tới còn hiện hữu.

Dù Tổng thống Joe Biden luôn khẳng định nước Mỹ sẽ không vỡ nợ, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy lại cho rằng đã hết cơ hội để tìm một thỏa thuận vì thời gian để dàn xếp còn lại là quá ngắn. Ông cũng đá quả bóng trách nhiệm khi nhấn mạnh việc nước Mỹ có vỡ nợ hay không là do Tổng thống Joe Biden.

Vấn đề cốt lõi dẫn đến nguy cơ vỡ nợ của Chính phủ Mỹ hiện nay là việc nước này đã đạt đến giới hạn nợ vay từ ngày 19/1 vừa qua, buộc Bộ Tài chính Mỹ phải áp dụng nhiều biện pháp đặc biệt. Song song với đó là việc chính phủ phải đàm phán với phe đa số Cộng hòa tại Hạ viện để nâng trần nợ công.

Tuy nhiên, phe Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ vẫn giữ nguyên yêu cầu cơ quan hành pháp, tức Chính phủ Mỹ, phải cắt giảm chi tiêu đáng kể nếu muốn họ phê duyệt thỏa thuận nâng trần nợ công. Tình thế giằng co kéo dài này khiến đảng Dân chủ cáo buộc đảng Cộng hòa đang sử dụng các chiến thuật cực đoan để thúc đẩy chương trình nghị sự của họ.

Hồi đầu tuần này, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tuyên bố ngày X, tức thời gian đánh dấu sự vỡ nợ của nước Mỹ sẽ là ngày 1/6 nếu trần nợ công 31.400 tỷ USD không được nâng lên.

Đây là ngày Bộ Tài chính Mỹ sẽ cạn kiệt khả năng thanh toán nợ đúng hạn và đầy đủ. Trong khi đó, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ dự báo rằng điều này có thể xảy ra vào ngày 15/6.

Chính vì vậy, thời điểm càng đến gần ngày 1/6, các nhà đàm phán của hai đảng đang phải chạy đua hết tốc lực với thời gian. Trước những lo ngại về viễn cảnh vỡ nợ, hơn 140 giám đốc điều hành doanh nghiệp, tổ chức hàng đầu của Mỹ đã phải gửi thư cho Tổng thống Joe Biden và các lãnh đạo Quốc hội, nhấn mạnh sự cần thiết của một thỏa thuận ngăn chặn thảm họa tài chính quốc gia.

Dù cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ vẫn còn đang giằng co nhau về quan điểm, nhưng cả hai đều đồng ý rằng nếu để kịch bản đất nước vỡ nợ xảy ra thì sẽ là một thảm kịch không chỉ đối với nền kinh tế Mỹ, mà cả kinh tế toàn cầu.

Nhiều khả năng thỏa thuận sẽ đạt được vào phút chót, nhưng cuộc đàm phán này sẽ vẫn là một trong những thử thách lớn nhất của Tổng thống Joe Biden trong nhiệm kỳ của mình.

(Nguồn: Soha)

Nỗi sợ mới của nước Mỹ: Cú sốc 1 nghìn tỷ USD 'không ai ngờ' sau khi trần nợ công được tăng

Ẩn sau những lo ngại của thị trường về khả năng nước Mỹ vỡ nợ lại là mối rủ ro ít được nhắc đến về những gì sẽ xảy ra khi một thoả thuận nâng trần nợ công được thực hiện.

Nhiều người trên Phố Wall dự đoán các nhà lập pháp sẽ đi đến một thoả thuận về trần nợ và vụ vỡ nợ lịch sử sẽ không diễn ra. Tuy nhiên, điều đó cũng không có nghĩa là nền kinh tế Mỹ không chịu ảnh hưởng, từ không chỉ là những bế tắc ở hiện tại mà còn là những nỗ lực của Bộ Tài chính khi tiếp tục đi vay trở lại.

Ari Bergmann, điều hành Penso Advisors, một công ty chuyên về những rủi ro khó kiểm soát, cho biết nhà đầu tư nên đề phòng hậu quả của một quyết định từ Washington.

Điều mà những nhà đầu tư kỳ cựu đang chú ý là Bộ Tài chính sẽ cần nỗ lực để bổ sung số dư tiền mặt, vốn đang cạn kiệt, nhằm duy trì khả năng thanh toán các nghĩa vụ của mình thông qua một đợt bán tín phiếu Kho bạc.

Ước tính, giá trị tín phiếu đạt hơn 1 nghìn tỷ USD vào cuối quý III. Tình trạng nguồn cung tiền bỗng dưng "bùng nổ" sẽ nhanh chóng khiến lĩnh vực ngân hàng mất thanh khoản, lãi suất huy động vốn ngắn hạn tăng cao và thắt chặt các điều kiện cho vay trong nền kinh tế Mỹ. Theo ước tính của BofA, điều này sẽ có tác động kinh tế tương tự như việc Fed tăng lãi suất 0,25%.

Chi phí đi vay tăng cao sau đợt thắt chặt chính sách của Fed đã khiến nhiều doanh nghiệp lao đao và đang dần kìm hãm đà tăng trưởng kinh tế. Trong bối cảnh đó, Bergmann đặc biệt cảnh giác trước một động thái của Bộ Tài chính nhằm khôi phục “kho” tiền mặt, nhận thấy việc này sẽ khiến lượng dự trữ ngân hàng sụt giảm đáng kể.

Bergmann cho hay: “Mối lo ngại lớn của tôi là khi trần nợ được giải quyết. Và tôi nghĩ hệ thống ngân hàng sẽ bị cạn thanh khoản ở mức rất sâu và đột ngột. Đây không phải điều quá hiển nhiên nhưng là thực tế. Trước đây, chúng ta từng chứng kiến tình trạng tương tự và nó ảnh hưởng điêu cực đến các thị trường rủi ro như chứng khoán và tín dụng.”

Ngay cả sau khi Washington giải quyết được những bế tắc về trần nợ công, thì việc Bộ Tài chính tác động đến số dư tiền mặt, chương trình thắt chặt định lượng của Fed và tác động từ lãi suất cao hơn sẽ ảnh hưởng đến các loại tài sản rủi ro và nền kinh tế Mỹ.

Sau khi vấn đề về trần nợ được giải quyết, tài khoản chung của kho bạc (TGA) sẽ tăng vọt lên 550 tỷ USD vào cuối tháng 6 từ mức khoảng 95 tỷ USD hiện tại và đạt 600 tỷ USD vào 3 tháng sau đó.

Sự hồi phục này sẽ ảnh hưởng đến tình trạng thanh khoản trên toàn bộ hệ thống tài chính, vì kho tiền mặt có chức năng như tài khoản vãng lai của chính phủ tại Fed, tức là được ghi vào bên “nợ” trong bảng cân đối kế toán của NHTW.

Khi Bộ Tài chính phát hành nhiều tín phiếu hơn ở mức cần thiết trong một khoảng thời gian nhất định, tài khoản chung của cơ quan này sẽ tăng vọt, khiến tiền bị rút khỏi khu vực tư nhân và đổ vào tài khoản của họ tại Fed.

Một phần quan trọng khác là thoả thuận repo đảo ngược của Fed (RRP), là loại hợp đồng mà các quỹ MMF gửi tiền mặt cho NHTW qua đêm với lãi suất hơn 5%. Các hợp đồng trị giá hơn 2 nghìn tỷ USD này cũng là một nghĩa vụ nợ với Fed.

Matt King, chiến lược gia từ Citigroup, cho biết xu hướng giữ tiền trong RRP của các quỹ MMF có thể sẽ kéo dài. Điều này có thể khiến khoản dự trữ ngân hàng hao hụt đáng kể, khi lượng tiền mặt của Kho bạc tăng vọt.

Và điều này sẽ xảy ra khi các NHTW lớn khiến thanh khoản sụt giảm sau những đợt thắt chặt chính sách tiền tệ và giảm quy mô bảng cân đối kế toán.

King nhận định: “Chúng ta đang chuyển từ mối lo ngại về thanh khoản của các NHTW toàn cầu sang khoản dự trữ của các ngân hàng, vốn đã sụt giảm. Vì thế, tôi lo ngại về nhà đầu tư sẽ bán tháo các tài sản rủi ro ở thời điểm này.”

Priya Misra, chiến lược gia lãi suất toàn cầu của TD Securities, cho rằng điều đáng lo ngại là khoản dự trữ ngân hàng sẽ cạn kiệt, khiến thị trường vốn đảo lộn. Theo bà, tình trạng này có thể sẽ khiến lãi suất của các RRP tăng lên và điều này thường dẫn đến những rủi ro lớn.

Bà cho hay: “Nếu tôi là một quỹ phòng hộ, toàn bộ mô hình kinh doanh của tôi dựa vào việc đi vay. Và điều sẽ xảy ra không chỉ là lãi suất tăng, mà tôi còn có thể bị từ chối cho vay.”

Đây là những vấn đề mà thị trường Mỹ đã chứng kiến trong giai đoạn vấn đề trần nợ được giải quyết năm 2017-2018, khi Bộ Tài chính phát hành 500 tỷ USD tín phiếu trong 6 tuần.

Đương nhiên, cơ quan này hiểu rõ rằng “trận đại hồng thuỷ” có thể khiến thị trường lao đao và hỏi các nhà tạo lập thị trường về chủ đề này. Họ khuyến khích Bộ Tài chính Mỹ giám sát những mối căng thẳng tiềm tàng, để đảm bảo không tăng số dư tiền mặt quá nhanh.

(Nguồn: CafeF)

Ông Trump đặt mục tiêu đàm phán nợ 'không tưởng' cho đảng Cộng hòa

Cựu Tổng thống Trump hôm 19/5 đặt ra mục tiêu "không tưởng" cho Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy trong đàm phán về trần nợ công với Nhà Trắng, Bloomberg đưa tin.

"Các thành viên đảng Cộng hòa không nên đồng ý thỏa thuận với đảng Dân chủ trừ khi đạt được tất cả những gì họ muốn, bao gồm cả những điều kiện lớn nhất. Đó là cách mà đảng Dân chủ đã đối xử với chúng ta. Đừng đầu hàng", cựu Tổng thống Donald Trump chia sẻ trên mạng xã hội Truth Social vào lúc 11h (giờ địa phương) hôm 19/5.

Tuyên bố của vị tổng thống thứ 45 của Mỹ được đăng tải chỉ một vài phút sau khi các thành viên chủ chốt của đảng Cộng hòa rời khỏi cuộc gặp với quan chức Nhà Trắng, khẳng định những người này không hành xử một cách "hợp lý".

Trả lời phóng viên, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy cho biết thường xuyên nói chuyện với cựu Tổng thống Trump, ca ngợi nhà cựu lãnh đạo này đã giúp ông giành được vị trí lãnh đạo tại Hạ viện trong cuộc bầu cử vào tháng 1. Nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa cũng khẳng định chính phủ Mỹ phải giảm chi tiêu vào năm 2024.

Ông Trump thường xuyên chỉ trích các lãnh đạo đảng Cộng hòa vì đồng ý các thỏa thuận nâng trần nợ công với đảng Dân chủ. Tuy nhiên, khi còn là tổng thống, Trump từng đồng ý với một thỏa thuận tương tự, đồng thời khiến nợ công của Mỹ tăng 7.800 tỷ USD trong 4 năm cầm quyền.

Các quan chức đảng Dân chủ và Nhà Trắng khẳng định rằng ông McCarthy phải thỏa hiệp để dự luật nâng trần nợ công được chấp thuận tại Thượng viện và ký ban hành.

Trước ngày 19/5, đã có những dấu hiệu cho thấy 2 bên đã đạt được một số tiến triển trong quá trình đàm phán, cho phép bỏ phiếu dự luật nâng trần nợ công tại Hạ viện trong tuần tới.

Các thành viên cấp tiến của đảng Dân chủ đang kêu gọi Tổng thống Biden áp dụng Tu chính án thứ 14, tuyên bố trần nợ công là phi hiến, nếu đảng Cộng hòa không chịu thỏa hiệp trong vấn đề cắt giảm chi tiêu công.

(Nguồn: Zing News)

Từ kính râm đến máy vắt sữa, Mỹ ngưng xuất khẩu nhiều mặt hàng sang Nga

Chính quyền Biden ngày 19/5 tạm dừng xuất khẩu nhiều loại hàng tiêu dùng sang Nga và thêm 71 công ty vào danh sách đen thương mại, giữa lúc Nhóm Bảy quốc gia giàu có loan báo các chế tài mới đối với Moscow vì cuộc chiến ở Ukraine.

Các hạn chế mới đối với Nga nhắm vào các mặt hàng có thể được sử dụng để hỗ trợ quân đội Nga, bao gồm các mặt hàng được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày như máy sấy quần áo, máy xúc tuyết và máy vắt sữa mà Hoa Kỳ cho rằng có thể bị đổi mục tiêu sử dụng để hỗ trợ cỗ máy chiến tranh của Moscow.

“Thậm chí không thể xuất khẩu kính áp tròng hoặc kính râm lúc này,” luật sư Kevin Wolf, cựu quan chức Bộ Thương mại của Washington, cho biết khi ông xem xét các quy tắc mới. Ông Wolf nói “sẽ dễ hơn nếu liệt kê các mặt hàng nào không bị kiểm soát xuất khẩu sang Nga.”

Các công ty trong danh sách đen bao gồm 69 thực thể của Nga, một từ Armenia và một từ Kyrgyzstan.

Các công ty bị nhắm mục tiêu bao gồm các nhà máy sản xuất linh kiện và sửa chữa máy bay, nhà máy sản xuất thuốc súng, máy kéo và ô tô, các nhà máy đóng tàu và các trung tâm kỹ thuật ở Nga.

Các hành động này là một phần trong đợt trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu mới nhất của Hoa Kỳ và các quốc gia khác nhằm đáp trả cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine. Chúng được thiết kế để làm suy giảm cơ sở công nghiệp của Nga và khả năng duy trì chiến tranh của nước này.

Hoa Kỳ và liên minh gồm 37 quốc gia khác đã áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chưa từng có đối với Nga kể từ khi nước này tấn công Ukraine vào tháng 2/2022.

Các động thái mới được đưa ra khi Hoa Kỳ và các thành viên còn lại trong G7, nhóm các nền kinh tế lớn, đồng ý tăng cường các chế tài đối với Nga khi họ gặp nhau tại Nhật Bản.

Tuần trước, chính quyền Hoa Kỳ đã bắt giữ hai người đàn ông Nga sống ở Florida bị cáo buộc gửi các bộ phận và linh kiện máy bay của Hoa Kỳ cho các hãng hàng không Nga, vi phạm kiểm soát xuất khẩu. Các công tố viên cho biết hai người này khai rằng số hàng gửi đi là cho khách hàng ở Thổ Nhĩ Kỳ chứ không phải Nga và rằng họ đã cố gắng chuyển các mặt hàng này qua Maldives.

(Nguồn: VOA)

Mỹ thận trọng mở cửa đối với lao động nước ngoài

Nước Mỹ vẫn còn chia rẽ về nhập cư, trong khi các quốc gia khác hạ thấp rào cản về vấn đề này nhằm giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động.

Theo bài phân tích đăng trên tờ Wall Street Journal (Mỹ) ngày 16/5, nước Mỹ vẫn còn chia rẽ về nhập cư, trong khi các quốc gia khác hạ thấp rào cản về vấn đề này nhằm giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động. Dòng người di cư đổ tới nhiều nước cao mức kỷ lục và một số quốc gia thiếu lực lượng lao động đã mở cửa biên giới rộng hơn để đón nhận nguồn nhân lực này, giúp giảm sức ép lạm phát.
Xu thế tiếp nhận lao động nước ngoài
Chính phủ tìm cách thu hút công dân nước ngoài để bổ sung cho nguồn lao động trình độ cao và lao động chân tay. Đó là trường hợp của Đức, Nhật Bản cho tới những nước từng áp dụng hạn chế nhập cư trong thời gian dài. Nhưng Mỹ vẫn là ngoại lệ. Có hàng trăm nghìn lao động nhập cư đổ vào Mỹ thông qua các kênh cửa sau, nhưng Mỹ vẫn không cởi mở chào đón dòng người này. Theo giới quan chức và chuyên gia kinh tế, chính sự ngập ngừng đó gây ra tổn thất kinh tế, nhất là khan hiếm lao động thường trực, lạm phát tiền lương, nhân công.
Tỷ lệ thất nghiệp trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) với 38 quốc gia thành viên hiện ở mức thấp kỷ lục 4,8%. Những nước này công bố một danh sách dài chờ tuyển dụng nhân công vào các vị trí như lái xe tải, bê vác hành lý, thợ khai mỏ. Giới chuyên gia nhận định ngoài yếu tố thiếu hụt nhân công do đại dịch COVID-19, nhu cầu đối với lao động nhập cư tăng vọt còn đến từ xu thế suy giảm, già hóa dân số, giảm tỷ lệ sinh nở. “Lực lượng lao động tại các nước giàu có hơn đang giảm”, Michael A. Clemens, Giáo sư kinh tế tại Đại học George Mason, bình luận.
Theo ước tính của Liên hợp quốc, dân số trong độ tuổi lao động ở châu Âu và Bắc Mỹ được dự báo giảm từ mức 730 triệu người xuống còn 680 triệu người trong hai thập kỷ tới. Một số quốc gia như Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) có nguy cơ giảm 50% lực lượng lao động trong vài thập kỷ tới. Cũng theo tính toán này, dân số trong độ tuổi lao động ở khu vực Sahara phía Nam châu Phi sẽ tăng lên mức 700 triệu người vào năm 2050. Còn tại khu vực Mỹ Latinh và Caribe, lực lượng lao động tăng thêm khoảng 40 triệu người đến giữa thế kỷ này.
Với những nước giàu, rất khó để cưỡng lại thặng dư lao động ở nước ngoài. Trên thực tế, mất cân bằng lao động toàn cầu đã đẩy nhân công nước ngoài vào vòng tay của nhiều quốc gia cần đến nguồn lực này. Theo phân tích của tờ Wall Street Journal, trong năm 2022, mức chênh lệch giữa số người đổ đến các nước giàu so với số rời đi lên đến 5 triệu người, tăng 80% so với mức trước đại dịch. Khảo sát được thực hiện tại 10 nước nhận lao động di cư nhiều nhất, trong đó có Mỹ, Đức, Anh, Canada, Australia và Tây Ban Nha. Các chuyên gia về di cư nhìn nhận đây là con số cao kỷ lục từ trước đến nay. Riêng người di cư Ukraine đã chiếm khoảng 2 triệu người. Ngay cả khi trừ đi nguồn này, số người di cư ròng năm 2022 vẫn cao hơn nhiều so với năm 2019.
Đức đang sửa lại luật về nhập cư, nhằm thu hút nhiều hơn lao động có trình độ đại học trở lên và lao động chân tay thông qua hệ thống mới dựa trên điểm số. Điểm cộng sẽ được ưu tiên theo các tiêu chí như độ tuổi, tuổi càng trẻ điểm càng cao. Tương tự như vậy là tiêu chí về trình độ giáo dục đào tạo, kinh nghiệm làm việc và mức độ sử dụng thành thạo tiếng Đức. Theo Herbert Brücker, trưởng bộ phận di cư tại Viện Nghiên cứu Lao động Đức (IER), trong vài thập kỷ tới Đức cần bổ sung khoảng 500.000 lao động nhập cư/năm, khi kỷ nguyên vàng về sinh nở tại Đức chấm dứt.
Canada trong năm 2022 cũng công bố kế hoạch thu hút thêm 1,5 triệu lao động nhập cư vào năm 2025. Chính quyền bang Tây Australia (Western Australia) mới đây cũng cử phái đoàn tới Anh và Ireland, nhằm tuyền dụng hàng nghìn lao động, trong đó có cảnh sát, thợ cơ khí, thợ đường ống.
Hàn Quốc lên kế hoạch thu hút 110.000 lao động phổ thông người nước ngoài trong năm nay, làm việc trong một số ngành như nông trại, sản xuất chế tạo, tăng 60% so với mức hạn ngạch năm ngoái. Nhật Bản, nước đang mở ra những con đường mới về visa cho lao động nước ngoài trình độ cao, trong tháng Tư vừa qua cũng công bố ý định tạo điều kiện thuận lợi hơn với lao động phổ thông di cư, làm việc trong các nhà máy, nông trại, thông qua việc nới rộng thời hạn định cư tại Nhật Bản, thậm chí cho phép họ mang theo gia đình. Hai nước Đông Á này trong một thời gian dài từng rất nghi ngại lao động nhập cư.
Tây Ban Nha năm 2022 cũng sửa lại luật, cho phép tiếp nhận lao động chân tay đến từ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) nhằm bù đắp thiếu hụt nguồn lao động do già hóa dân số. Bộ trưởng An sinh xã hội và Nhập cư Tây Ban Nha José Luis Escrivá Belmonte ước tính nước này sẽ cần tới 300.000 lao động nước ngoài mỗi năm để duy trì phát triển kinh tế và hỗ trợ hệ thống lương hưu quốc gia. Tỷ lệ thất nghiệp tại Tây Ban Nha hiện ở mức 13%, ngang bằng hoặc cao hơn mức trung bình 15 năm qua. Ông Escrivá cho biết số người không có việc làm chủ yếu rơi vào nhóm đối tượng trên 50 tuổi và không phù hợp cho những công việc cần tuyển dụng nhân công như nông nghiệp, xây dựng hay sản xuất phim.
Nước Mỹ với câu chuyện lao động nhập cư
Mỹ chưa có bất kỳ thay đổi, cải cách quan trọng nào về nhập cư trong 33 năm qua. Nỗ lực thực chất nhất mà Quốc hội Mỹ từng khởi xướng về nhập cư cũng đã cách đây 20 năm. Nhiều vấn đề còn gây tranh luận tại Washington, khiến cơ hội về một cuộc cải tổ chính sách là gần như không có.
Bất chấp những chính sách hạn chế nhập cư, người di cư tìm kiếm việc làm ở Mỹ lại nhanh chóng tìm được việc làm, với mức chi trả cao hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử. Theo giới chức Cơ quan kiểm soát Biên phòng Mỹ, có hàng chục nghìn người vượt biên giới từ Mexico vào Mỹ bất hợp pháp và bị bắt giữ trong 10 ngày qua. Cũng có khoảng 20.000 người di cư bị phát hiện bằng các hình thức theo dõi, nhưng không bị bắt giữ.
Tại Mỹ, hạn chế về visa H-1B (cơ chế visa cho phép công ty, doanh nghiệp Mỹ bảo lãnh cho lao động nước ngoài trình độ cao làm việc tại Mỹ) gần như không có thay đổi kể từ năm 1990. Theo Giovanni Peri, Chủ tịch Khoa kinh tế tại Đại học California, các đời chính quyền Mỹ trong 15 năm qua mạnh tay ngăn chặn vượt biên xuyên biên giới vào Mỹ bất hợp pháp, nhưng không tạo ra cách thức mới về nhập cư hợp pháp. Chính điều này đặt ra nhu cầu thảo luận cấp thiết về sửa đổi chính sách nhập cư trong điều kiện nền kinh tế Mỹ khan hiếm lao động.
Lực lượng biên phòng Mỹ đã bắt giữ 2,2 triệu người vượt biên giới Mexico vào Mỹ trong năm tài khóa 2022, một con số kỷ lục. Giới chuyên gia kinh tế nhìn nhận dòng người vượt biên tăng vọt xuất phát từ thực trạng kinh tế Mỹ khan hiếm nhân công. Một số kênh mới về tiếp nhận lao động nước ngoài cũng được mở ra trong thời gian gần đây. Kể từ khi xảy ra xung đột Nga- Ukraine, có khoảng 300.000 người tị nạn Ukraine nhập cảnh vào Mỹ, nhiều trong số này đi theo diện chương trình có tên gọi “Đoàn kết vì Ukraine” mà chính quyền Tổng thống Joe Biden triển khai. Con số này vượt tổng số người tị nạn được phép vào Mỹ thông qua các con đường chính thức của bảy năm trước.
Số liệu do FWD.us - một tổ chức nghiên cứu độc lập thiên về ủng hộ người di cư tại Mỹ, công bố hồi tháng Tư vừa qua cho thấy có khoảng 450.000 lao động di cư tị nạn từ Afghanistan, Ukraine và khu vực Mỹ Latinh được tiếp nhận vào Mỹ hợp pháp trong năm 2021 và 2022. Số này đang làm việc dưới các điều kiện bảo đảm tạm thời của chính phủ, trong các ngành thiếu hụt lao động. Họ chiếm khoảng 25% tổng nhu cầu tuyển dụng nhân công mới trong năm nay ở ngành xây dựng, phục vụ nhà hàng, sản xuất chế tạo.
Thiếu hụt lao động là tác nhân đẩy lạm phát tăng cao ở nhiều nước, khi nhà tuyển dụng tranh giành nhân công, tăng lương để thu hút và giữ chân người lao động. “Tôi nghĩ rằng tăng lao động nhập cư sẽ giúp giảm lạm phát”, Spencer Cox, Thống đốc bang Utah và là người thuộc đảng Cộng hòa, nhìn nhận. Utah là bang có tỷ lệ thất nghiệp ở mức 2,4%, một tỷ lệ thấp hơn nhiều so với mức trung bình 3,4% trên cả nước Mỹ.
Ông Cox cùng với đồng cấp bang Indiana Eric Holcomb, muốn tập hợp thêm các thống đốc bang khác để cùng đưa ra đề xuất tới Quốc hội, theo hướng trao quyền cho chính quyền bang trong vấn đề nhập cư hợp pháp. Để có được ủng hộ lưỡng đảng đối về tăng số lượng lao động nước ngoài hợp pháp, Thống đốc Cox cho rằng Chính phủ cần cho thấy khả năng kiểm soát tốt hơn trên tuyến biên giới Mỹ-Mexico./.

(Nguồn: Bnews)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang