Mỹ: Khủng hoảng thị trường tài chính; USD mạnh trở lại; Cuộc chiến trần nợ; DeSantis tranh cử; Hiệp định thương mại với Đài

Khủng hoảng nợ công phủ bóng thị trường tài chính Mỹ

(Ảnh minh họa).

Vỡ nợ sẽ tàn phá thị trường tài chính Mỹ nhưng trần nợ công được nâng lên kịp thì cũng không gì đảm bảo mọi thứ sẽ ổn, theo Politico.

Tuần này, Bộ Tài chính Mỹ tiếp tục nhắc lại rằng chính phủ có thể không thể thanh toán được các khoản nợ đến hạn sau ngày 1/6 nếu quốc hội không chấp thuận tăng trần nợ công.

Tháng trước, Hạ viện Mỹ do đảng Cộng hòa kiểm soát đã thông qua dự luật cho phép tăng trần nợ công với điều kiện chính phủ phải cắt giảm sâu chi tiêu. Tuy nhiên, Nhà Trắng không chấp nhận các điều khoản. Các quan chức của ông Biden lập luận rằng dự luật này sẽ gây căng thẳng cho nền kinh tế và đánh mất việc làm.

Nhưng theo giới quan sát, giờ Nhà Trắng có thể đồng ý hạn chế vài chi tiêu để đổi lấy sự nhượng bộ từ đảng Cộng hòa khi "X-date" - thời gian Bộ Tài chính hết tiền đến gần. Ngoài ra, thị trường tài chính đang đối mặt với bất ổn đáng kể bởi lãi vay tăng và sự bất mãn ngày càng tăng với nền kinh tế cũng là nguyên nhân.

Mike Reynolds, Phó chủ tịch chiến lược đầu tư tại Glenmede, đồng tình với khả năng Nhà Trắng chấp nhận cắt giảm chi tiêu để đạt thỏa thuận. Nhưng hệ quả là có thể xuất hiện "một số biến động" trên thị trường chứng khoán.

Jenny Johnson, Chủ tịch kiêm CEO quỹ tương hỗ Franklin Templeton, nói bà không rõ thị trường tài chính sẽ phản ứng chính xác ra sao. Tuy nhiên, bà thừa nhận đang chán nản với hàng loạt sự kiện bất lợi trong nhiều tháng qua.

"Thật đáng xấu hổ với tư cách là một quốc gia mà chúng ta phải đến nông nỗi này", bà bình luận. Dù tin rằng các nhà hoạch định chính sách sẽ đạt được thỏa thuận nâng trần nợ công kịp thời và Mỹ vẫn tiếp tục duy trì sự thống trị trên thị trường tài chính nhưng bà nói các cuộc khủng hoảng lặp đi lặp lại đang "làm sứt mẻ" niềm tin của nhà đầu tư.

Trong lịch sử, chứng khoán Mỹ từng đỏ lửa vào lần cuối Mỹ bên bờ vực vỡ nợ. Năm 2011, khi chỉ còn chưa đầy một tuần đến X-date, các chỉ số chính giảm 20%. Lần này, Moody's Analytics ước tính giá cổ phiếu có thể giảm khoảng 20%.

Bối cảnh kinh tế hiện tại là một tiền đề khó khăn để ông Biden và đảng Cộng hòa đàm phán. Nó cũng đồng thời tạo nguy cơ làm xói mòn niềm tin của công chúng vào khả năng quản lý nền kinh tế của Nhà Trắng.

Sau làn sóng phá sản của một số ngân hàng khu vực, cộng đồng và các tổ chức tài chính cỡ trung bình đang bắt đầu rút lui khỏi thị trường tín dụng. Niềm tin người tiêu dùng đang suy giảm. Và ngay cả khi người Mỹ vẫn tiếp tục mua sắm các nhà bán lẻ lớn và dữ liệu thẻ ngân hàng nhận thấy xu hướng thắt lưng buộc bụng.

Trong khi đó, lạm phát dai dẳng khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã báo hiệu rằng họ khó có thể cắt giảm lãi suất cho đến khi tự tin rằng đà tăng giá đột biến đã được kiểm soát. Khả năng nền kinh tế đi xuống cũng sẽ ảnh hưởng đến cách thị trường tài chính đón nhận bất kỳ thỏa thuận nào mà Biden và McCarthy đưa ra.

Mặc dù dự luật trần nợ công của đảng Cộng hòa hứa hẹn các cải cách về cấp phép lĩnh vực năng lượng và những thay đổi khác mang tính cổ vũ thị trường, nhưng nó cũng bao gồm các khoản cắt giảm chi tiêu lớn có thể khiến các nhà giao dịch tài chính hoảng sợ nếu nền kinh tế trở nên tồi tệ hơn.

Đó là những gì đã xảy ra vào năm 2011, sau khi Tổng thống Barack Obama và các đảng viên Cộng hòa công bố một thỏa thuận chỉ hai ngày trước X-date. "Điều đó gần như là một nghịch lý, nhưng S&P 500 đã giảm sau khi trần nợ công mới được thông qua vào năm 2011", Reynolds nói.

Hai ngày sau khi ông Obama ký dự luật trần nợ công mới khi ấy, thị trường chứng khoán Mỹ ghi nhận mức sụt giảm lớn nhất từ cuộc khủng hoảng tài chính. Bởi lẽ, các nhà đầu tư lo rằng việc cắt giảm chi tiêu để đổi lấy thỏa thuận sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế vẫn đang mắc kẹt trong vũng bùn.

Vào 5/8/2011, S&P đã công bố một quyết định lịch sử là hạ bậc tín nhiệm trái phiếu chính phủ Mỹ, càng đẩy thị trường chứng khoán đi xuống. Các chỉ số chính của thị trường đã không phục hồi cho đến năm sau đó, tức 2012.

Như vậy, ngay cả khi quốc hội và Nhà Trắng đạt được thống nhất mức trần nợ công mới trước 1/6 thì vẫn có khả năng trái phiếu chính phủ Mỹ bị hạ bậc tín nhiệm. Richard Bernstein, CEO Richard Bernstein Advisors, Cựu chiến lược gia trưởng đầu tư tại Merrill Lynch, tin rằng khả năng bị hạ cấp là 50%.

"Chúng ta chỉ còn hai tuần nữa là đến X-date. Chúng ta phải tăng trần nợ ngay bây giờ và tránh thảm họa kinh tế", hạ nghị sĩ Brendan Boyle, đảng viên Dân chủ cấp cao nhất trong Ủy ban Ngân sách Hạ viện, nói.

Nhưng vẫn có những niềm tin vào khả năng vượt cơn bão trần nợ công lần này. Wall Street Journal nhận định nền kinh tế Mỹ có khả năng phục hồi tốt hơn nhiều so với sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tỷ lệ thất nghiệp chỉ bằng một phần nhỏ so với năm 2011. Các hộ gia đình và doanh nghiệp rủng rỉnh tiền mặt thời điểm Fed bắt đầu tăng lãi suất vào năm ngoái, điều này giúp họ có một bước đệm vững chắc để chống chọi với thua lỗ khi lãi suất cao hơn.

Dù đảng Cộng hòa thuyết phục được Nhà Trắng cắt giảm chi tiêu, họ cũng có thể đổi quan điểm nếu một cuộc suy thoái càn quét đến những địa phương mà họ kiểm soát, theo Joe Brusuelas, Kinh tế trưởng RSM US.

Ngay cả khi các giới hạn chi tiêu mới là ràng buộc, cách đàm phán hiện tại giữa Nhà Trắng và quốc hội cho thấy bất kỳ giới hạn nào được đưa ra cũng sẽ không bị trói buộc trước nhu cầu phát sinh khi suy thoái, theo Joe.

(Nguồn: Vnexpress)

Vì sao đồng USD mạnh trở lại?

Các nhà đầu tư đồng thuận rằng trong năm nay, đồng USD sẽ giảm giá. Điều đó làm cho thực tế đồng bạc xanh tăng 2% trong tháng 4 trở nên đặc biệt khó hiểu.

Lạm phát tại Mỹ đang hạ nhiệt và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể tạm dừng tăng lãi suất trong tháng 6. Vì vậy, đồng USD sẽ giảm giá?

Các nhà phân tích cho rằng một số yếu tố có thể đang diễn ra. Một là hàng loạt lo lắng về các cuộc đàm phán trần nợ công của Mỹ, "sức khỏe" của các ngân hàng và triển vọng của nền kinh tế toàn cầu đang "đốt cháy chứng chỉ" là nơi trú ẩn an toàn của đồng USD.

Trong khi đó, có một số dấu hiệu cho thấy, FED có thể phải tăng lãi suất một lần nữa và có nhiều yếu tố kỹ thuật hơn liên quan đến việc định vị nhà đầu tư.

Chỉ số đồng USD, dùng để đo lường đồng USD của Mỹ so với 6 đồng tiền khác, đã tăng khoảng 2% kể từ giữa tháng 4, lên khoảng 103, mặc dù nó vẫn giảm khoảng 10% so với mức cao nhất trong 20 năm qua vào tháng 9/2022 là 114,78.

Lời giải thích của các nhà chiến lược tiền tệ hiện nay là sự thất bại về trần nợ công đang thúc đẩy đồng USD.

Đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa Mỹ đang tiến gần hơn đến việc đạt được thỏa thuận về việc nâng giới hạn vay 31,4 nghìn tỷ USD. Tuy nhiên, mối đe dọa về khả năng vỡ nợ của Mỹ vẫn tồn tại, vào thời điểm mà nhiều ngân hàng bị suy yếu.

Khi thị trường đối mặt với sự thiếu chắc chắn như vậy, họ thường mua các tài sản ít rủi ro hơn như trái phiếu, vàng và USD.

Esther Reichelt, chiến lược gia tiền tệ tại Commerzbank, nhận định: "Sức mạnh của đồng USD gần đây chủ yếu được thúc đẩy bởi nhu cầu "trú ẩn an toàn" gia tăng trước những "ẩn số" chưa biết. Các lỗ hổng trong những ngân hàng khu vực của Mỹ nghiêm trọng đến mức nào và điều gì có thể là hậu quả của sự leo thang trong cuộc xung đột trần nợ công của Mỹ?"

Một số dấu hiệu đáng lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng có thể góp phần thúc đẩy hoạt động mua "trú ẩn an toàn". Dữ liệu từ Trung Quốc trong tuần này cho thấy, nền kinh tế của nước này hoạt động kém hiệu quả trong tháng 4.

Các nhà đầu tư đã đặt cược lớn vào đồng USD. Số tiền đặt cược bán ròng của các quỹ phòng hộ và nhà đầu cơ khác lên tới 14,56 tỷ USD vào tuần trước, dữ liệu từ Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai cho thấy, đây vị thế lớn nhất kể từ giữa năm 2021.

(Nguồn: CafeF)

Bốn người giữ vận mệnh nước Mỹ trong cuộc chiến trần nợ

(Ảnh minh họa).

Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đang kỳ vọng rằng một nhóm nhà đàm phán có thể tìm ra thỏa thuận về trần nợ, giúp Mỹ tránh được nguy cơ bất ổn kinh tế.

Các nhà đàm phán đang chạy đua trước hạn chót ngày 1/6 - thời điểm Bộ Tài chính cảnh báo Mỹ có thể vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử. Trong khi các cuộc họp căng thẳng diễn ra, một số chuyên gia lo ngại có quá nhiều người tham gia vào cuộc đàm phán.

Dưới đây là góc nhìn về 4 nhà đàm phán được Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy chỉ định trong cuộc chiến trần nợ, theo AP.

Hạ nghị sĩ Cộng hòa Garret Graves

Hạ nghị sĩ Cộng hòa Garret Graves, 51 tuổi, đang phục vụ nhiệm kỳ thứ năm, đại diện cho khu vực quốc hội gồm thành phố Baton Rouge, nơi ông giành được hơn 80% phiếu bầu vào tháng 11/2022.

Khi ông McCarthy nỗ lực giành được vị trí chủ tịch Hạ viện, ông Graves là một trong những đồng minh liên tục gặp gỡ và thuyết phục các nghị sĩ Cộng hòa bỏ phiếu cho ông McCarthy.

Hiện nay, ông Graves cũng đang phát huy vai trò "người xoa dịu" trong cuộc tranh luận về trần nợ.

Hôm 17/5, chủ tịch Hạ viện Mỹ khen ngợi ông Graves là “người giúp tập hợp mọi người lại với nhau trong việc soạn thảo dự luật và hiểu rõ quan điểm của các thành viên”.

“Ông ấy hiểu chính sách. Nhiều người sẽ gọi ông ấy là một nhà hoạch định chính sách”, ông McCarthy nói thêm.

Trước khi trở thành nghị sĩ, ông Graves từng là chủ tịch Cơ quan Phục hồi và Bảo vệ Bờ biển Louisiana - đơn vị dẫn đầu nỗ lực phòng tránh thiên tai thông qua cải thiện hệ thống kiểm soát lũ lụt, khôi phục vùng đất ngập nước và các dự án khác, sau cơn bão Katrina.

Trước đó, ông Graves đã công tác hơn một thập kỷ với tư cách nhân viên quốc hội. Ban đầu, ông là thực tập sinh giúp việc cho Thượng nghị sĩ bang Louisiana John Breaux, sau đó trở thành phụ tá cho Hạ nghị sĩ Billy Tauzin. Ông Graves cũng là cố vấn cho các nghị sĩ trong cả hai viện.

Cố vấn tổng thống Steve Ricchetti

Ông Steve Ricchetti là một trong những cố vấn thân cận và đáng tin cậy nhất của Tổng thống Biden, cũng là một trong những trợ lý hàng đầu trong thời gian ông Biden làm phó tổng thống.

Trong chính quyền Mỹ hiện nay, ông Ricchetti được tin tưởng là người có khả năng đạt được thỏa thuận lưỡng đảng, bao gồm cả dự luật cơ sở hạ tầng sâu rộng - một trong những thành tựu lớn trong nhiệm kỳ của Tổng thống Biden.

Trong những ngày đàm phán cuối cùng cho dự luật này, ông Biden đã nhờ ông Ricchetti đạt thỏa thuận với cựu Thượng nghị sĩ Rob Portman (Ohio) - người dẫn dắt cuộc đàm phán thay mặt cho các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa.

Cả hai đã hoàn tất thỏa thuận về cơ sở hạ tầng, được Hạ viện và Thượng viện thông qua sau đó với tỷ lệ chênh lệch lớn. Ông Biden đã ký ban hành luật vào tháng 11/2021.

Trong nhiều tháng trao đổi về vấn đề cơ sở hạ tầng, ông Biden ca ngợi “khả năng đàm phán khéo léo” của các trợ lý cấp cao và quan chức nội các - nhóm do ông Ricchetti lãnh đạo.

Ông Ricchetti cũng duy trì mối quan hệ tốt với nhiều đảng viên Cộng hòa chủ chốt, đặc biệt là ở Đồi Capitol. Tuy nhiên, mối quan hệ của ông Ricchetti với Phố K, cũng như hoạt động vận động hành lang của anh trai ông bị một số người từ phe cánh tả chỉ trích.

Ông Ricchetti cũng từng giữ vai trò cấp cao trong Nhà Trắng dưới thời cựu Tổng thống Bill Clinton.

Giám đốc Văn phòng Lập pháp Nhà Trắng Louisa Terrell

Bà Louisa Terrell từng là phó chánh văn phòng của ông Biden tại Thượng viện và trợ lý đặc biệt về các vấn đề lập pháp cho cựu Tổng thống Barack Obama.

Bà cũng là chánh văn phòng của Thượng nghị sĩ Cory Booker (đảng viên Dân chủ) - một trong những đối thủ của ông Biden trong cuộc bầu cử sơ bộ năm 2020.

Mối quan hệ giữa ông Biden và bà Terrell rất sâu sắc. Trong cuộc phỏng vấn với CNN vào năm 2022, bà kể đã biết gia đình ông Biden từ lúc 5 tuổi, khi gặp Beau Biden - con trai của vị tổng thống tương lai - trong lớp mẫu giáo ở Wilmington, Delaware. Beau đã qua đời vào năm 2015 vì bệnh u nguyên bào thần kinh đệm.

“(Tôi) luôn có một câu hỏi rằng Beau sẽ làm gì? Tôi nghĩ về những điều đó như một phần động lực giúp tôi thực hiện công việc”, bà nói với CNN.

Vào năm 2017, bà Terrell cũng từng đứng đầu Quỹ Biden - tổ chức giúp thúc đẩy các ưu tiên hàng đầu của cựu phó tổng thống như nghiên cứu ung thư và hỗ trợ các gia đình quân nhân. Bà Terrell cũng từng làm việc tại Facebook.

Giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách Shalanda Young

Bà Shalanda Young - nhân viên kỳ cựu trong Quốc hội Mỹ - có quan hệ tốt với cả hai bên. Bà tham gia vào cuộc chiến trần nợ với kinh nghiệm nhiều năm đàm phán về các điều khoản quan trọng trong ngân sách chi tiêu của chính phủ liên bang.

Trước đó, bà Young từng là giám đốc Ủy ban Phân bổ Hạ viện, người đi đầu trong các cuộc đàm phán về dự luật tài trợ hàng năm và nỗ lực ngăn chặn đóng cửa chính phủ.

Nhờ nhận được sự đánh giá cao từ cả hai đảng, bà Young đã chuyển những mối quan hệ đó sang cơ quan hành pháp.

Ban đầu, bà được chọn vào vị trí phó giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách Mỹ (OMB), sau đó được thăng chức lên vị trí cao nhất khi lựa chọn đầu tiên của ông Biden - bà Neera Tanden - quyết định rút lui vì không có đủ sự ủng hộ tại Thượng viện.

Bà Young là phụ nữ da đen đầu tiên lãnh đạo OMB. Sau khi bà giữ chức quyền giám đốc của cơ quan trong phần lớn năm 2021, Tổng thống Biden chính thức đề cử, nói rằng bà gây ấn tượng với ông và cả các nhà lãnh đạo quốc hội.

Ngoài ra, bà Young cũng có mối liên hệ với bộ tứ nữ lãnh đạo tại hai ủy ban phân bổ ngân sách của Quốc hội. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử 4 nhà lãnh đạo của Ủy ban Phân bổ Ngân sách Hạ viện và Thượng viện Mỹ đều là phụ nữ.

“Chúng tôi không phải bắt đầu lại từ đầu. Đó (vốn) là một mối quan hệ đặc biệt”, bà Young nói trong cuộc phỏng vấn với AP về mối quan hệ với nhóm lãnh đạo này.

(Nguồn: Zing News)

Thống đốc Florida DeSantis tham gia tranh cử tổng thống Mỹ vào tuần tới

Thống đốc Cộng hòa của bang Florida, Ron DeSantis, sẽ chính thức tham gia tranh cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2024 vào tuần tới, Reuters dẫn hai nguồn tin am tường cho biết. Ngay lập tức, ông trở thành đối thủ lớn nhất của ông Donald Trump cho sự đề cử của Đảng Cộng hòa và làm rung chuyển cuộc tranh cử phần lớn đã nghiêng về một phía.

Theo một nguồn tin, ông DeSantis có thể sẽ nộp giấy tờ tuyên bố ứng cử vào ngày 25/5, trùng với cuộc họp của các nhà tài trợ ở Miami, với buổi ra mắt chính thức hơn vào tuần lễ 29/5.

Giấy mời sự kiện ngày 25/5 nói rằng các nhà tài trợ sẽ được đưa vào “công việc”, một ám chỉ rõ ràng là quyên góp tiền cho ông DeSantis, theo một nguồn tin quen thuộc với sự kiện.

Đại diện của ông DeSantis không trả lời lập tức yêu cầu bình luận của Reuters.

Tổng thống Trump trong những tuần gần đây đã tăng cường các cuộc tấn công chính trị nhằm vào thống đốc Florida và duy trì vị trí dẫn đầu trong cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Cộng hòa năm 2024, theo một cuộc thăm dò gần đây của Reuters/Ipsos. Việc ông DeSantis khăng khăng đứng ngoài cuộc đua cho đến khi cơ quan lập pháp Florida hoàn tất phiên họp mùa xuân vào đầu tháng này đã khiến một số nhà tài trợ nổi tiếng của Đảng Cộng hòa lo lắng, những người muốn ông tham gia sớm hơn để loại bỏ ông Trump.

Những cuộc tấn công đã gây thiệt hại cho vị thế của ông DeSantis trong các cuộc thăm dò quốc gia. Nhưng ông DeSantis và các cố vấn của ông hy vọng sẽ sử dụng phiên họp của cơ quan lập pháp để làm bàn đạp thông báo về chiến dịch tranh cử và tuân thủ đúng thời gian biểu của họ.

Các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa đã mang lại cho ông DeSantis một loạt chiến thắng trong những tháng gần đây: Họ mở rộng chương trình phiếu mua hàng cho trường học của bang, cấm sử dụng công quỹ trong các nỗ lực đầu tư bền vững, loại bỏ các chương trình đa dạng tại các trường đại học công lập, cho phép mang vũ khí giấu kín mà không cần giấy phép và có lẽ đáng chú ý nhất là việc cấm gần như tất cả các vụ phá thai trong tiểu bang.

Ông DeSantis đã giúp chuẩn bị sẵn sàng cho việc ứng cử của mình. Một ủy ban hành động chính trị mới ủng hộ ông, Never Back Down, có thể gây quỹ không giới hạn, đã thuê nhân viên ở các bang bỏ phiếu sớm và chạy các quảng cáo trên truyền hình ủng hộ ông DeSantis và đánh bại ông Trump.

Ông DeSantis, 44 tuổi, đã được bầu lại làm thống đốc vào năm ngoái, vượt qua đối thủ Đảng Dân chủ của mình gần 20 điểm phần trăm.

(Nguồn: VOA)

Mỹ, Đài Loan đạt thỏa thuận hiệp định thương mại 'Thế kỷ 21'

(Ảnh minh họa).

Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ cho biết Mỹ và Đài Loan đã đạt được thỏa thuận về phần đầu tiên của sáng kiến ​​thương mại “Thế kỷ 21”.

Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) cho hay, sau khi thỏa thuận ban đầu của Sáng kiến ​​Mỹ - Đài Loan về thương mại Thế kỷ 21 được ký kết, các cuộc đàm phán sẽ bắt đầu trong lĩnh vực thương mại, bao gồm nông nghiệp, kỹ thuật số, tiêu chuẩn lao động và môi trường, doanh nghiệp nhà nước cũng như chính sách và thông lệ phi thị trường.

Đại diện Thương mại Mỹ Kinda Tai cho biết thỏa thuận này củng cố quan hệ Mỹ - Đài Loan, đồng thời chứng minh rằng hai bên có thể hợp tác để thúc đẩy các ưu tiên thương mại.

“Chúng tôi mong muốn tiếp tục các cuộc đàm phán này và hoàn tất hiệp định thương mại mạnh mẽ, tiêu chuẩn cao để giải quyết các thách thức kinh tế của Thế kỷ 21”, bà Kinda Tai nói.

Thoả thuận dự kiến ​​sẽ không thay đổi thuế quan hàng hóa song sẽ củng cố mối quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Đài Loan bằng cách đơn giản hóa việc kiểm tra hải quan, cải thiện các thủ tục pháp lý và mở cửa cho việc xuất khẩu nhiều hàng hoá của Mỹ sang hòn đảo này.

Theo USTR, văn bản về hải quan và tạo thuận lợi thương mại sẽ giảm tình trạng nhũng nhiễu về thủ tục đối với các công ty Mỹ xuất khẩu sản phẩm sang Đài Loan, cho phép nộp các biểu mẫu hải quan điện tử và thanh toán thuế phí trực tuyến, cắt giảm thời gian chờ cho các tàu.

USTR cũng cho hay, các văn bản về thực hành quản lý và quy định về dịch vụ nhằm hợp lý hóa giấy phép hoạt động cho các công ty đang tìm cách hoạt động xuyên biên giới và thúc đẩy các cơ hội cạnh tranh công bằng.

Mặc dù Mỹ và Đài Loan không có quan hệ ngoại giao chính thức, nhưng Washington vẫn duy trì quan hệ không chính thức với hòn đảo này thông qua cơ quan ngoại giao của Mỹ tại Đài Bắc, tổ chức có tên Viện Mỹ tại Đài Loan.

(Nguồn: Soha)

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang