Mỹ: Bế tắc trước bạo lực súng; Cuộc chiến của Tim Cook; Rà soát tài liệu mật; 'Cuộc chiến' dầu mỏ; Trừng phạt lính Wagner

NƯỚC MỸ VẪN BẾ TẮC TRƯỚC BẠO LỰC SÚNG ĐẠN

(Ảnh minh hoạ).

Liên tiếp các vụ xả súng trong thời gian qua khiến hàng chục người thiệt mạng cho thấy nước Mỹ đang bế tắc và không tìm được lời giải cho bài toán nạn bạo lực súng đạn.

Nước Mỹ khởi đầu năm 2023 với chuỗi vụ xả súng tại hàng loạt tiểu bang. Tới nay, đã có 39 người thiệt mạng vì xả súng trong tháng một. Các vụ xả súng đi kèm danh sách dài nạn nhân thiệt mạng chắc chắn sẽ chưa dừng lại, theo AP.

Chuỗi bạo lực súng đạn tại California trong 8 ngày qua khiến 25 người chết làm sống lại những ký ức đau thương của những gia đình có thân nhân thiệt mạng trong vụ xả súng ở Uvalde, Texas năm ngoái.

Hôm 24/1, nhiều gia đình ở Uvalde đã vượt chặng đường dài tới Austin, thủ phủ tiểu bang Texas, để kêu gọi chính quyền tiểu bang siết chặt quy định về súng đạn, dù biết rằng cơ hội thành công là rất nhỏ.

Súng nhiều hơn người

Năm 2022, vụ xả súng lớn đầu tiên tại Mỹ diễn ra ngày 23/1/2022. Trong khi đó, sau 23 ngày đầu năm 2023, nước Mỹ đã chứng kiến 6 vụ xả súng lớn làm 39 người chết.

"Người dân bị sát hại mỗi ngày. Đây là điều đáng lý không nên xảy ra. Nếu phải đi tới Austin mỗi ngày, chúng tôi sẵn sàng cho đến khi có sự thay đổi", Veronica Mata, mẹ của một bé gái 10 tuổi thiệt mạng trong vụ xả súng ở Uvalde năm 2022, nói.

Nước Mỹ chứng kiến các vụ xả súng xảy ra tại đủ mọi địa điểm, từ nhà riêng, nhà thờ, cửa hàng tạp hóa, buổi hòa nhạc, công viên cho tới trụ sở các doanh nghiệp.

Nhà chức trách thường cho biết các vụ xả súng xuất phát từ sự thù hận giữa các cộng đồng dân cư, sự bất mãn bên trong nội bộ các nhóm dân, lục đục gia đình, bất hòa giữa đồng nghiệp.

Bất kể nguyên nhân gì, kết quả sau cùng thường là một người mang đầy thù hận, dùng súng tước đi mạng sống của những người xung quanh. Nhưng đôi khi, nhà chức trách thậm chí không rõ thù hận có phải là nguyên nhân thúc đẩy nghi phạm ra tay hay không.

Kịch bản trên thực sự xảy ra trong vụ xả súng hôm 24/1 tại thành phố Yakima, bang Washington khiến 3 người chết. Cảnh sát thành phố Yakima cho biết nghi phạm không có mâu thuẫn với các nạn nhân, người này chỉ đơn giản là đi vào cửa hàng tiện lợi và nổ súng.

Khi đại dịch Covid-19 hoành hành cũng là lúc doanh thu súng đạn lập kỷ lục tại Mỹ. 2020-2021 là quãng thời gian nền kinh tế Mỹ lao dốc, người dân đổ xuống đường biểu tình chống lại sự lạm quyền của cảnh sát và bất công chủng tộc, nhiều vụ bạo loạn đã nổ ra.

Trong năm 2020, gần 23 triệu khẩu súng đã được bán tại Mỹ. Năm 2021, doanh số bán súng là 19,9 triệu khẩu, thấp hơn 12,5% so với 2020 nhưng vẫn là năm người dân tiêu thụ lượng súng đạn lớn thứ hai trong lịch sử, theo Forbes.

Trong tháng 1/2021, thời gian xảy ra vụ bạo loạn tại Điện Capitol, doanh số bán súng tăng 75%. Chỉ tới năm 2022, doanh số bán súng mới giảm xuống và chỉ còn khoảng 16 triệu khẩu.

Theo tính toán của các chuyên gia, khu vực tư nhân của Mỹ sở hữu 393 triệu khẩu súng. Trong khi đó, dân số nước Mỹ vào năm 2022 là 333 triệu người. Điều này đồng nghĩa trung bình mỗi người dân sở hữu nhiều hơn một khẩu súng.

Chưa có giải pháp khả thi

Một số người Mỹ nói họ không cảm thấy an toàn bất kể ở đâu. Theo Hiệp hội Tâm lý học Mỹ, một phần ba người được hỏi nói họ tránh đến một số địa điểm nhất định do lo ngại rủi ro bạo lực súng đạn. Một nghiên cứu gần đây của Hiệp hội Tâm lý học cho thấy đa phần người Mỹ lo lắng về rủi ro bạo lực súng đạn.

Dù vậy, chưa có nhiều hành động nhắm tới các giải pháp tiềm năng cho vấn nạn súng đạn, như dạy trong trường học kỹ năng giải quyết mâu thuẫn, hay đánh giá lại quan điểm xã hội về khía cạnh "nam tính", theo giáo sư Apryl Alexander của Đại học North Carolina.

"Trẻ con sẽ sớm trở thành người lớn. Nếu chúng không biết cách giải quyết xung đột, chúng ta sẽ phải chứng kiến những vụ việc đáng tiếc này tiếp tục xảy ra", bà Alexander nói.

Theo thống kê, 2.793 người đã thiệt mạng trong các vụ xả súng bừa bãi tại Mỹ từ 2006. Xả súng bừa bãi là các vụ việc có từ 4 người chết trở lên không bao gồm thủ phạm.

Năm 2022, Mỹ ghi nhận 42 vụ xả súng bừa bãi, mức cao nhất trong lịch sử. Làn sóng các vụ xả súng diễn ra tháng 1 đang tiếp nối tình trạng bạo lực súng đạn của 2022.

Thậm chí các vụ nổ súng không làm chết người, hoặc ít người thiệt mạng, vẫn có thể gây sốc.

Một trong đó là vụ nổ súng ở thành phố Newport News, bang Virginia vừa qua. Trong vụ việc, một đứa trẻ 6 tuổi nổ súng làm bị thương giáo viên của mình ngay trong lớp học, trước mặt các bạn.

Tới hôm 23/1, thêm một vụ nổ súng trong trường học khác xảy ra ở Des Moines, Iowa, theo CBS News. Vụ việc khiến 2 học sinh thiệt mạng, trong khi giám đốc trường học bị thương. Nghi phạm 18 tuổi đã bị bắt giữ.

California, tiểu bang vốn được coi là tương đối an toàn trước nạn bạo lực súng đạn so với các nơi khác ở Mỹ, vừa trải qua tuần lễ bất thường.

Khi công chúng còn đang bàng hoàng trước vụ xả súng tại Monterey Park hôm 21/1 khiến 11 người chết và 9 người bị thương, lại có thêm một vụ xả súng khác xảy ra ở Half Moon Bay khiến 7 người chết. Trong cả hai vụ việc, nghi phạm là người gốc Á trên 60 tuổi.

"Nói đơn giản là có quá nhiều súng trên đất nước này. Chúng ta cần thay đổi. Việc một xã hội hiện đại sống và đối xử với nhau như cách này là điều không thể chấp nhận", Chủ tịch Ủy ban giám sát hạt San Mateo, ông Dave Pine, nói hôm 23/1 sau vụ nổ súng ở Half Moon Bay.

Với một số người, bạo lực súng đạn thời gian qua được lý giải liên quan tới quãng thời gian đại dịch Covid-19 chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ, khi người dân bị cô lập khỏi xã hội, làm ảnh hưởng tới khả năng đối phó với khó khăn trong cuộc sống của họ.

Ông Jonathan Lee Walton, giảng viên Viện Thần học Princeton, cho biết đại dịch đã khuếch đại và làm trầm trọng hóa nhiều xu hướng xã hội nguy hiểm, hiện tượng suy thoái xã hội làm tan vỡ tâm hồn của người dân.

"Chúng ta đang tầm thường hóa những căn bệnh tinh thần như sự cô đơn, nghiện ngập, bạo lực súng đạn. Mạng xã hội, làm việc từ xa và thực tế ảo trông có vẻ thuận tiện, nhưng không thể thay thế sự kết nối giữa con người", ông Walton nói.

(Nguồn: Zing News)

APPLE VS GOOGLE: ‘CUỘC CHIẾN THẦM LẶNG’ CỦA TIM COOK

Sau Meta (Facebook) của Mark Zuckerberg thì Alphabet (Google) sẽ là con mồi tiếp theo của đế chế Apple.

Theo tờ Financial Times (FT), Apple đang từng bước tách hệ thống vận hành điện thoại di động của mình khỏi các ứng dụng của Alphabet (Google), từ những tiện ích như bản đồ, tìm kiếm cho đến quảng cáo, qua đó thúc đẩy một ‘Cuộc chiến thầm lặng’ (Silent War) giữa các Big Tech.

Cuộc chiến thầm lặng

Nếu như Meta (Facebook), Twitter hay nhiều ông lớn ngành game khác từng phải cúi đầu trước Apple thì hiện nay mục tiêu mới của nhà táo khuyết có lẽ chỉ còn lại Google.

Hai ông lớn công nghệ tại Thung lũng Silicon (Big Tech) này đã trở thành đối thủ của nhau từ lâu kể từ khi Google phát triển hệ thống điều hành điện thoại Android vào thập niên 2000.

Chính nhà sáng lập Steve Jobs đã gọi hệ điều hành Android là thứ “sản phẩm ăn cắp”, sao chép iOS của Apple, đồng thời tuyên bố một “cuộc chiến tổng lực” với Google. Sau đó Steve Jobs đã hất cẳng CEO của Google lúc đó là Eric Schmidt khỏi ban điều hành của Apple vào năm 2009.

Mặc dù cuộc chiến giữa 2 ông lớn này không ồn ào như những gì Steve Jobs từng tuyên bố, nhưng 2 cựu kỹ sư của Apple trả lời tờ FT cho biết nhà iPhone đang thực hiện một trận đánh “thầm lặng”, cố gắng hất cẳng Google khỏi hệ sinh thái của mình.

Minh chứng rõ ràng nhất là nhà táo khuyết vẫn liên tục phát triển những tiện ích giúp người dùng có thể tách rời khỏi các ứng dụng của Google. Đầu tiên phải kể đến tiện ích bản đồ khi Apple cho ra mắt “Maps” vào năm 2012, qua đó thay thế được ứng dụng bản đồ trước đó của Google, vốn khiến người dùng phải tải từ chợ ứng dụng.

Đáng lẽ ra đây là thời điểm sáng giá của Apple để ăn mừng thì tiện ích này lại dính vô số lỗi. Ví dụ như nhiều cây cầu thay vì hiển thị lại bị biến mất hoặc chìm xuống dưới biển. Những sai lầm này đã khiến chính CEO Tim Cook phải lên tiếng xin lỗi vì những bất tiện mà tiện ích trên gây ra. May mắn thay, tiện ích này trong 10 năm qua đã có những cải tiến vượt bậc.

Vào đầu tháng này, Apple lại công bố tiện ích “Business Connect”, qua đó cho phép các công ty xác nhận địa điểm trực tuyến của mình để dễ tương tác với khách hàng hơn, đồng thời tải hình ảnh cùng những thông tin khuyến mãi, dịch vụ, sản phẩm lên tiện ích “Maps” của Apple.

Đây là một bước đi đối đầu trực tiếp với Google Maps khi ứng dụng này cũng có tiện ích tương tự nhờ hợp tác với nền tảng Yelp. Phía Google sẽ thu phí và trích phần trăm quảng cáo từ tiện ích này khi người dùng sử dụng.

Ngoài ra, Business Connect còn tăng cường sức mạnh của hệ sinh thái nhà táo khuyết khi bổ trợ thêm tính liền mạch cho các tiện ích khác như Apple Pay hay Business Chat (một ứng dụng nhắn tin cho thương mại điện tử của Apple).

“Apple đang ở vị thế có thể ngày càng tách rời được Google nhờ những chính sách bảo mật thông tin cá nhân người dùng”, CEO Cory Munchbach của BlueConic nhận định về sức mạnh tệp khách hàng của nhà táo khuyết.

Apple Search

Dấu hiệu rõ nhất về việc Apple đang muốn tách rời Google khỏi hệ sinh thái của mình là tiện ích tìm kiếm (Search). Tờ FT cho biết dù nhà táo khuyết chưa bao giờ đề cập đến sản phẩm này nhưng thông tin nội bộ cho thấy hãng vẫn đang âm thầm phát triển “Apple Search” nhằm thay thế Google Search.

Đội phát triển dự án “Apple Search” này được cho là thành lập vào năm 2013 khi nhà táo khuyết mua lại Topsy Labs, một startup từng hợp tác với Twitter trong việc phát triển ứng dụng tìm kiếm và phân tích dữ liệu.

Công nghệ mới đang được phát triển sẽ dựa trên những thông tin mà người dùng iPhone hỏi trợ lý ảo Siri, gõ chữ trên màn hình hoặc tìm kiếm trên máy tính Mac để tổng hợp thành số liệu chính xác nhất.

Năm 2019, dự án xây dựng tiện ích tìm kiếm của Apple tiếp tục được tăng cường khi tập đoàn này mua lại Laserlike, một startup chuyên phát triển trí thông minh nhân tạo (AI) và nhà sáng lập là một cựu kỹ sư của Google. Nhiệm vụ của AI này là thu thập và truyền tải những thông tin chất lượng cao từ mọi chủ đề trên web.

Giám đốc chiến lược Josh Koenig của Pantheon thậm chí đã nhận định rằng Apple có thể dễ dàng chia cắt thị phần mảng công cụ tìm kiếm, vốn đang bị Google chiếm tới 92% thị phần toàn cầu, bằng cách thay thế tiện ích “Apple Search” của mình trên 1,2 tỷ người dùng iPhone.

“Nếu Apple có thể xây dựng được một công cụ tìm kiếm đủ mạnh thì người dùng iPhone có lẽ sẽ sử dụng chúng hơn là tải Google Search từ chợ ứng dụng về”, ông Koenig nhận định.

Tất nhiên, cái gì cũng có cái giá của nó. Hiện mỗi năm Alphabet trả cho Apple 8-12 tỷ USD để Google trở thành công cụ tìm kiếm mặc định trên iOS. Thế nhưng số tiền này chẳng là gì nếu Apple chia sẻ được thị phần tìm kiếm béo bở.

Thêm nữa, việc Apple tự chủ được công cụ tìm kiếm sẽ giúp họ đỡ lộ thông tin khách hàng cho bên thứ 3 hơn, qua đó phù hợp chiến lực chuyển trọng tâm sang phát triển phần mềm hiện nay của nhà táo khuyết thay vì nhiều năm chú trọng bán sản phẩm phần cứng do thị trường đã dần bão hòa.

Nóng dần

Kể từ khi Apple thay đổi chính sách bảo mật thông tin cá nhân vào tháng 4/2021, hàng loạt những tập đoàn công nghệ kiếm tiền từ tệp khách hàng của nhà táo khuyết như Facebook hay Snap chịu ảnh hưởng. Giá cổ phiếu của 2 hãng trên đã giảm tương ứng 58% và 84% ngay sau động thái của Apple.

Đây là một tín hiệu cảnh báo đến Google khi hãng có thể trở thành mục tiêu tiếp theo.

“Google hiện vẫn là công cụ tìm kiếm mạnh nhất thế giới nhưng Apple mới là bên nắm giữ được những thông tin cá nhân và thói quen của khách hàng”, CEO Anshu Sharma của Skyflow nhấn mạnh.

Xin được nhắc là hơn 80% doanh thu của Alphabet dựa vào quảng cáo trực tuyến, vốn phải dựa vào các thiết bị điện tử như hệ sinh thái iPhone của Apple, đồng thời cũng cần các thông tin cá nhân và thói quen tiêu dùng của người sử dụng.

Vào mùa hè năm 2022, Apple đã đăng tuyển vị trí tìm kiếm chuyên gia nhằm thiết kế một nền tảng có tính chất tương tự như một DSP (Demand Side Platform), vốn là một nền tảng giúp các nhà quảng cáo (Agency/Nhãn hàng) có thể mua quảng cáo 1 cách tự động thông qua hình thức đấu giá “Real Time Bidding” (RTB).

Bước đi này của Apple được cho là nhằm định hình lại thị trường quảng cáo trực tuyến, xây dựng một mạng lưới quảng cáo mới có thể ngăn chặn bên thứ 3 tiếp cận sử dụng thông tin người dùng của hệ sinh thái iPhone.

Tháng 9/2022, vị trí này đã được đảm nhận bởi Keith Wisburg với tư cách là giám đốc sản phẩm nền tảng quảng cáo Ad Platform. Ông Wisburg cũng từng dành nhiều năm làm việc với Google và Youtube, đồng thời là cựu quản lý mảng DSP cho Amazon.

Theo chuyên gia phân tích Andrew Lipsman của Insider Intelligence, hàng loạt những động thái của Apple khiến vị thế của Alphabet trong hệ điều hành iOS trở nên lung lay hơn bao giờ hết.

“Apple đang ngày càng tập trung phát triển công cụ tìm kiếm trong chiến lược phát triển quảng cáo trực tuyến của mình. Đây là chìa khóa để tiếp cận tệp khách hàng đầu tiên và chắc chắn sẽ trở thành chiến trường nóng bỏng mới cho quảng cáo trực tuyến trong tương lai”, ông Lipsman khẳng định.

(Nguồn: CafeF)

MỸ YÊU CẦU LOẠT CỰU TỔNG THỐNG VÀ CẤP PHÓ RÀ SOÁT TÀI LIỆU MẬT

(Ảnh minh hoạ).

Cục Lưu trữ Quốc gia Mỹ yêu cầu các cựu tổng thống, cựu phó tổng thống rà soát tài liệu cá nhân để tìm tài liệu mật nếu để sót.

Cục Lưu trữ Quốc gia (NARA) ngày 26/1 gửi thư tới các cựu tổng thống và phó tổng thống thuộc 6 chính quyền gần đây nhất, nằm trong phạm vi Đạo luật Hồ sơ Tổng thống (PRA), yêu cầu họ kiểm tra lại các tài liệu cá nhân để tìm khả năng để sót các hồ sơ mật hoặc tài liệu từ Nhà Trắng.

"Chúng tôi yêu cầu các vị rà soát bất kỳ tài liệu nào lưu giữ bên ngoài NARA, có thể vô tình chứa các hồ sơ mà tổng thống hoặc phó tổng thống phải tuân thủ theo PRA, dù có dấu mật hay không", CNN dẫn thư.

PRA quy định các tổng thống và phó tổng thống Mỹ phải bàn giao email, thư và các tài liệu chính thức khác cho NARA.

Thư lưu ý rằng "dù phần lớn sự chú ý trong những trường hợp này tập trung vào các tài liệu mật, PRA yêu cầu tất cả hồ sơ thuộc mọi chính quyền từ thời cựu tổng thống Ronald Reagan trở đi phải được chuyển đến NARA, bất kể tình trạng phân loại".

Các cựu quan chức nhận được thư này gồm cựu tổng thống Donald Trump, Barack Obama, George W. Bush, Bill Clinton, George H.W. Bush và Ronald Reagan, cùng các cựu phó tổng thống là Mike Pence, Joe Biden, Dick Cheney, Al Gore và Dan Quayle.

NARA không trả lời yêu cầu bình luận.

Đại diện của 4 cựu tổng thống là Clinton, George W. Bush, Obama và cố tổng thống George H.W. Bush nói với CNN rằng tất cả hồ sơ mật đã được chuyển giao cho NARA khi rời nhiệm sở.

Cựu tổng thống Jimmy Carter, 99 tuổi, không nhận thư từ NARA, bởi ông được miễn trừ khỏi luật PRA về mặt kỹ thuật. Dù Carter là người ký thông qua PRA, luật này không có hiệu lực cho đến khi ông kết thúc nhiệm kỳ.

Gần đây, cựu phó tổng thống Mike Pence thông báo bàn giao khoảng một tá tài liệu mật cho FBI, đánh dấu vụ phát hiện tài liệu mật thứ ba.

Trước đó, giới chức Mỹ đã phát hiện các tài liệu mật tại tư dinh và văn phòng của Tổng thống Joe Biden. 5 tháng trước, đặc vụ FBI khám xét tư dinh ông Trump ở Florida và phát hiện hơn 100 tài liệu mật, trong đó có một số tài liệu được đánh dấu tối mật.

Bộ Tư pháp Mỹ đã bổ nhiệm hai công tố viên đặc biệt phụ trách riêng các cuộc điều tra liên quan đến tài liệu mật tại nơi làm việc hoặc nhà riêng của ông Biden và ông Trump.

(Nguồn: Vnexpress)

NÓNG BỎNG “CUỘC CHIẾN” DẦU MỎ

Cuộc chiến dầu mỏ toàn cầu ngày càng nóng hơn khi Saudi Arabia “bắt tay” với Nga và một số quốc gia nhằm đánh gục hệ thống Petrodollars.

Nếu nói ngành công nghiệp dầu mỏ sắp tàn lụi, e rằng quá sớm. Nhưng nhân loại tỉnh thức đang nỗ lực đoạn tuyệt năng lượng hóa thạch, giải cứu tương lai.

Từ lòng đất đến chính trường

Còn nhớ vào tháng 8/1973, ông Anwar Sadat, Tổng thống Ai Cập đến Saudi Arabia gặp Nhà vua Faisal để thỉnh cầu quốc gia này ngừng bán dầu cho Mỹ, do Nhà trắng lúc ấy chống lưng cho Israel trong cuộc chiến tranh Yom Kippur, chống lại thế giới Ả rập.

Saudi Arabia đồng ý, cùng các thành viên OPEC gạt Mỹ ra khỏi thị trường của họ. Vài ngày sau quyết định này, giá dầu tăng 4 lần, từ 3 USD/thùng lên 12 USD/thùng. Điều này khiến kinh tế Mỹ không chịu nổi “cú sốc”, trong khi Nhật Bản và Tây Âu định tách khỏi Mỹ để tránh liên đới.

Đến lượt mình, Tổng thống Mỹ Reagan phái ông William Casey, Giám đốc CIA tới yết kiến Quốc vương Fahd. Ngay sau đó, “ông trùm” OPEC mở hết công suất hút dầu để tăng sản lượng từ 2 triệu lên 10 triệu thùng/ngày, kéo giá dầu từ 32 USD/thùng xuống 10 USD/thùng.

Nền kinh tế Liên Xô vốn dựa vào khai thác dầu mỏ, đã mất 20 tỷ USD trong năm 1986, ôm khoản nợ quốc tế lên tới 50 tỷ USD trước khi sụp xuống.

Ngày 13/7/2022, tức gần 5 tháng sau ngày Nga nổ súng tấn công Ukraine, người Mỹ lại thêm một lần cậy nhờ Saudi Arabia dùng dầu mỏ ép ông Putin dừng chiến sự. Nhưng lần này Saudi Arabia từ chối, OPEC không tăng sản lượng, thậm chí cắt giảm tới 2,5 triệu thùng/ngày. Giá “vàng đen” lại tăng mạnh, giúp Nga còn nguồn thu để duy trì cuộc chiến ở Ukraine, đẩy lạm phát về châu Âu và Mỹ. Có thể nói đây là quyết định liên quan đến dầu mỏ có ảnh hưởng địa chính trị mạnh mẽ nhất trong năm 2022.

Cho dù thế, châu Âu và Mỹ với chút quyền khách hàng còn ít ỏi của mình, vẫn cố nén đau không mua dầu và khí đốt từ Nga. Thế là mặt trận mới với con rối dầu mỏ được mở ra. Các thế lực chiến đấu nhau dữ dội trên “thị trường xám”, vét sạch hợp đồng giao dầu ngay.

Từ Bắc Kinh ra thế giới

Nếu cần nhận diện thế lực có thể thương lượng sòng phẳng với Mỹ trên thị trường dầu mỏ, đó chính là Saudi Arabia và OPEC. Khi bất cần, họ cũng chống Mỹ ra mặt và khi cần, họ thoải mái bắt tay.

Vậy lần này vì sao OPEC không còn nghe lời Mỹ? So với nhu cầu kinh tế hiện nay, việc cắt giảm 2,5 triệu thùng dầu mỗi ngày không đáng là bao so với thời điểm cuối thập niên 70. Chỉ OPEC nhận ra quyền lực Mỹ đang thoái trào, họ cần thân thiết với thế lực đang lên, có khả năng lãnh đạo thế giới sau năm 2030.

Trung Quốc là “tay chơi” thầm lặng trong cuộc cạnh tranh giành quyền kiểm soát “vàng đen”. Quá trình này chính thức được khởi động từ cách đây một thập kỷ rưỡi, xây dựng hệ thống dự trữ dầu mỏ, thu mua dầu thô từ các khu vực như Sudan, Iraq và Venezuela.

Đại dịch COVID-19 khiến giá dầu giảm, tiếp tục mang đến cơ hội cho Trung Quốc. Đến giữa năm 2020, nước này tích góp lượng dầu gấp 3 lần nhu cầu thế giới. Chiến sự Nga- Ukraine đã “bẻ” dòng dầu chảy mạnh hơn về cường quốc châu Á. Nhưng điều đó chưa là gì với loạt hợp đồng năng lượng trên 25 năm của Trung Quốc với Iran, Qatar, Saudi Arabia. Từ bây giờ, nói về an ninh năng lượng, mọi con mắt cầu cạnh đang đổ dồn về Bắc Kinh.

Trung Quốc đang sử dụng dầu mỏ để khuếch đại tầm ảnh hưởng, đầu tiên họ sẽ đề nghị dùng Nhân dân tệ giao dịch dầu mỏ. Ngoại trưởng Saudi Arabia Faisal Bin Farhan nói rằng: “việc này không có gì phải bàn thêm”.

Một dòng năng lượng từ Trung Quốc bắt đầu được rót về phía Tây, sang châu Âu với hạn ngạch khoảng 10 - 15 triệu tấn dầu diesel cuối năm 2022. Đây là động thái xuất khẩu chưa từng có, đặc biệt khi chính sách gần đây của Trung Quốc giới hạn sản xuất quá mức nhằm giảm lượng khí thải carbon.

Cuộc chiến dầu mỏ sẽ quyết liệt hơn trong năm 2023, nó không chỉ dừng lại ở việc tìm cách tăng nguồn cung khi Trung Quốc tái mở cửa nền kinh tế, mà còn là cuộc tấn công của “hệ giá trị” Trung Quốc, bao gồm tài chính, tiền tệ, quân sự.

(Nguồn: Soha)

MỸ TĂNG CƯỜNG TRỪNG PHẠT NHÓM LÍNH ĐÁNH THUÊ WAGNER CỦA NGA

(Ảnh minh hoạ).

Hoa Kỳ ngày 26/1 tăng cường các chế tài nhắm vào Tập đoàn Wagner, coi công ty lính đánh thuê của Nga đang chiến đấu ở Ukraine là một tổ chức tội phạm xuyên quốc gia chịu trách nhiệm về các vi phạm nhân quyền trên diện rộng.

Wagner đã tham gia trong một trận chiến để chiếm các thị trấn Bakhmut và Soledar ở vùng Donetsk phía đông Ukraine, nơi các quan chức phương Tây và Ukraine cho biết tập đoàn này đang sử dụng những tù nhân làm bia đỡ đạn.

Bộ Ngân khố Mỹ, như một phần của hành động nhắm mục tiêu vào hàng chục người và tổ chức trong nỗ lực làm suy giảm khả năng tiến hành chiến tranh của Nga, cho biết đã chỉ định Tập đoàn Wagner là một “tổ chức tội phạm xuyên quốc gia quan trọng” vào ngày 26/1.

“Các nhân viên của Wagner đã tham gia vào một mô hình hoạt động tội phạm nghiêm trọng đang diễn ra, bao gồm hành quyết hàng loạt, hãm hiếp, bắt cóc trẻ em và lạm dụng thể chất ở Cộng hòa Trung Phi (CAR) và Mali,” Bộ Ngân khố nói trong một tuyên bố.

Trước đây Bộ đã chỉ định Wagner theo các chương trình chế tài Nga.

Tòa đại sứ Nga tại Washington không trả lời ngay yêu cầu bình luận.

Washington cũng chỉ định các thực thể khác mà họ cáo buộc hỗ trợ các hoạt động quân sự của Tập đoàn Wagner, bao gồm công ty công nghệ có trụ sở tại Nga, Công ty Cổ phần Công nghệ Terra (Terra Tech), và nhắm mục tiêu vào tổ hợp công nghiệp quốc phòng của Nga.

Bộ Ngân khố cũng đã chỉ định Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Viện Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ Vũ trụ Changsha Tianyi có trụ sở tại Trung Quốc, được gọi là Spacety China, cáo buộc công ty này cung cấp cho Wagner hình ảnh vệ tinh radar về các địa điểm ở Ukraine cho Terra Tech.

“Những hình ảnh này đã được thu thập để giúp các hoạt động chiến đấu của Wagner ở Ukraine,” Bộ Ngân khố nói.

Một nguồn tin nói với Reuters trong tuần này rằng Hoa Kỳ đã xác định rằng một số công ty Trung Quốc đang cung cấp hỗ trợ phi sát thương cho Nga để sử dụng ở Ukraine.

Tòa đại sứ Trung Quốc tại Washington không hồi đáp yêu cầu bình luận. Không thể tiếp xúc ngay với đại diện của Spacety China để yêu cầu bình luận.

“Các chế tài mở rộng ngày hôm nay đối với Wagner... sẽ tiếp tục cản trở khả năng của (Tổng thống Nga Vladimir) Putin trong việc vũ trang và trang bị cho cỗ máy chiến tranh của ông ta,” Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen nói trong một tuyên bố.

Phát ngôn viên an ninh quốc gia của Tòa Bạch Ốc John Kirby tuần trước cho biết ông Putin ngày càng quay sang Wagner để được hỗ trợ quân sự, gây ra một số căng thẳng ở Moscow.

Ông nói Hoa Kỳ đánh giá Wagner có khoảng 50.000 nhân viên được triển khai tới Ukraine, trong đó có 40.000 tù nhân được tuyển mộ từ các nhà tù Nga.

Một cuộc điều tra của Reuters về các vụ chôn cất gần đây ở miền Nam nước Nga khớp tên của ít nhất 39 tù nhân đã chết cho Wagner ở Ukraine với hồ sơ tòa án Nga. Trong số này có một kẻ đâm thuê chém mướn, những tay sát nhân, tội phạm chuyên nghiệp.

Hành động ngày 26/1 của Hoa Kỳ là đợt trừng phạt mới nhất nhắm vào Nga về cuộc xâm lược Ukraine vốn đã khiến hàng ngàn người thiệt mạng hoặc bị thương và biến các thành phố thành đống đổ nát.

Trong một diễn biến khác, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 26/1 cũng chỉ định các tổ chức và cá nhân có liên kết với Wagner và chủ sở hữu của nó, Yevgeny Prigozhin.

Bộ Ngoại giao cũng nhắm mục tiêu nhiều hơn vào tài sản của ông Vladimir Potanin, siết chặt một trong những người đàn ông giàu nhất nước Nga, nhưng không nhắm vào viên ngọc quý trên vương miện đầu tư của ông ta, công ty khai thác mỏ khổng lồ Nornickel.

Tháng trước, Tòa Bạch Ốc cho biết Wagner đã nhận một lô hàng vũ khí từ Triều Tiên để giúp củng cố lực lượng Nga ở Ukraine, một dấu hiệu cho thấy vai trò ngày càng mở rộng của tập đoàn này trong cuộc xung đột.

Bộ Ngoại giao Triều Tiên gọi báo cáo đó là vô căn cứ. Ông Prigozhin phủ nhận việc nhận vũ khí từ Triều Tiên.

(Nguồn: VOA)

(Xem thêm:

=> Mỹ: Thảm kịch Stardance; Trump trở lại MXH; Ứng viên đảng CH; Nới trừng phạt Venezuela; Săn vũ khí cho Ukraine ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang