Mỹ: Bão tuyết ở Cali; Bơm tiền ngăn khủng hoảng; Giải cứu First Republic; Ép TikTok 'bán mình'; Chạy đua trục vớt UAV

Sự bất lực giữa bão tuyết tàn khốc ở California

(Ảnh minh họa).

Trận bão tuyết dữ dội ở Nam California đã khiến ông Robert Rice, một cựu binh Mỹ, phải chật vật kêu gọi sự trợ giúp để có thể đến bên vợ mình trong những giây phút cuối đời của bà.

Hai ngày sau khi tuyết rơi liên tục, khả năng không thể rời khỏi những ngọn núi ở California (Mỹ) ngày càng trở nên rõ ràng.

Ông Rice ban đầu không hề nao núng trước những cảnh báo về cơn bão sắp xảy ra. Người đàn ông 79 tuổi này đã sống hơn 4 thập kỷ trong một ngôi nhà ở Running Springs, một cộng đồng nằm sâu trong rừng quốc gia San Bernardino. Tuyết thường bao phủ cảnh quan nơi đây.

Mặc dù bị viêm khớp, ông Rice vẫn có sức khỏe tốt. Tại nhà, ông có một máy phát điện và một thùng xăng, đồng thời dự trữ súp và ớt.

Tuy nhiên, khi những cơn mưa tuyết đổ xuống với tốc độ kỷ lục, ông Rice nhận được một tin dữ. Bà Ann Rice, vợ của ông, đang khó thở. Carbon dioxide đang tích tụ trong phổi của bà và các bác sĩ cảnh báo bà có thể sắp ra đi. Cơ sở điều dưỡng nơi bà đang điều trị lại ở cách đó hơn 43 km.

Bất lực giữa tin dữ

Bà Rice, 81 tuổi, mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính từ lâu và cũng bị suy tim sung huyết. Bà còn mắc ung thư vú và di căn sang xương.

Kể từ khi bà điều trị tại đó, hầu như ngày nào ông Rice cũng đến thăm bà. Hai ông bà đã ở bên nhau 54 năm và cùng nhau nuôi nấng ba đứa con. Họ được biết đến như một cặp đôi không thể tách rời.

Giờ đây, khi những con đường phủ đầy tuyết đang ngăn cách họ, ông Rice sợ rằng mình sẽ không thể nói lời tạm biệt cuối cùng. Nhiều người cũng rơi vào tình cảnh tuyệt vọng như vậy trong cơn bão tuyết kỷ lục ở Nam California.

Trên khắp tiểu bang, nhiều người bị mắc kẹt trong nhà và các khu nghỉ dưỡng cho thuê. Theo Los Angeles Times, lớp tuyết dày trong những tuần gần đây đã khiến ít nhất 13 người thiệt mạng ở vùng núi San Bernardino.

Lớp tuyết dày gần 3 m đã đổ xuống khu vực nhà ông Rice, khiến nhiều mái nhà bị sập. Nhiều người phải sống trong cảnh không có thức ăn, không có điện và không có trợ giúp. Xẻng và máy thổi tuyết không thể chống lại “khối băng giá cao chót vót”.

Khi trận bão tuyết vào tháng trước bắt đầu, ông Rice nghĩ rằng ít nhất ông có thể duy trì một lối đi hơn 15 m từ đường phố vào chiếc garage của mình. Tuy nhiên, tuyết rơi quá nhiều.

Ông Rice từng là lính nhảy dù và là trung sĩ trong quân đội trong 6 năm, trước khi trở thành cảnh sát. Ông thích chịu trách nhiệm và dẫn dắt, đồng thời không muốn nhờ đến sự trợ giúp.

Ông nhận được tin về tình trạng của vợ mình từ con gái Shelley Renison. Lúc đó, cô Renison, em gái và anh trai đã đến bên giường bệnh của mẹ.

Khoảng 6 tháng trước, bà Rice dường như mất ý thức về môi trường xung quanh. Bà không nhận ra ai đã đến thăm.

Cầu xin giúp đỡ

Vào ngày 26/2, ông Rice quyết định đào một lối đi để có thể đi bộ ra đường. Ông bắt đầu dùng xẻng đập vào khối băng, sau đó dùng máy thổi tuyết để dọn sạch, bất chấp cái lạnh.

Dẫu vậy, sau hai giờ, đẫm mồ hôi và kiệt sức, ông đã đầu hàng. Ông chỉ vạch được một đường dài hơn 3 m. “Tôi nhìn ra ngoài đó và nói: Không đời nào tôi ra ngoài được’”.

Tối hôm đó, ông nhận được một cuộc gọi. Các bác sĩ đã xoay xở để tìm ra cách giúp vợ ông loại bỏ khí carbon dioxide thông qua máy thở. Tuy nhiên, trong những ngày tiếp theo, ông vẫn chưa có giải pháp nào đối với những con đường không thể đi qua vì tuyết.

Cuối cùng, khi tuyết ngừng rơi, một sự tĩnh lặng kỳ lạ bao trùm khu phố. Các bài đăng trên mạng xã hội đã tiết lộ sự thật phũ phàng. Rất nhiều người trong khu vực đã bị mắc kẹt ở nhà.

Ông gọi điện đến cơ sở điều dưỡng hàng ngày để kiểm tra tình trạng của bà Rice và liên tục nhắn tin cho con gái để cập nhật thông tin.

Đến ngày 5/3, ông Rice nhận thấy cửa sổ lồi trong phòng khách của mình bị nứt do sức nặng của tuyết. Trong khi đó, vẫn chưa có cách nào để ông có thể đi lên đường lớn.

Rồi ba ngày sau, ông Rice nhận được tin báo rằng nồng độ huyết sắc tố của vợ ông đang giảm xuống do chảy máu trong. Bà đã được truyền máu mỗi ngày. Các bác sĩ đề nghị ngừng can thiệp. Họ nói rằng bà Rice chỉ có thể còn sống trong 6 tháng nữa, hay thậm chí một vài tuần.

"Ôi Chúa ơi, bà ấy sẽ chết trước khi tôi đến đó", ông thốt lên. Sau đó, những giọt nước mắt đã rơi. Đó là khi ông quyết định thực hiện một cách tiếp cận khác, khi nhờ đến sự trợ giúp trên mạng xã hội.

“Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ phải làm việc này. Vợ tôi, Ann, đang ở trong một cơ sở điều dưỡng ở dưới đồi. Bà ấy không còn sống được bao lâu nữa. Tôi thậm chí không thể xuống đó để nói lời tạm biệt", ông viết.

Ông đồng thời kêu gọi mọi người giúp đỡ ông đào đường để có thể lái chiếc xe của mình ra khỏi garage. Người đàn ông cũng bày tỏ “sự xấu hổ” khi yêu cầu giúp đỡ như vậy.

Điện thoại của ông Rice sau đó đã nhanh chóng đổ chuông, với nhiều người ngỏ ý giúp đỡ và động viên. Một người hàng xóm sau đó đã mang đến một chiếc máy kéo để xúc tuyết nhằm hỗ trợ ông. Sau ba giờ, một lối đi đã được tạo ra để ông Rice lấy xe ra.

Vào sáng 9/3, ông Rice nhảy lên chiếc xe của mình và bắt đầu lùi ra khỏi garage, nhưng nó nhanh chóng va vào bức tường tuyết. Con đường vẫn chưa đủ rộng. Ông phải dành thêm 2 giờ để tiếp tục mở rộng nó.

Cuối cùng, ông cũng có thể xoay xở để ra được đến đường. Cảm giác nhẹ nhõm đã dâng trào khi ông trên đường đến bên vợ mình.

Khi đến bên cạnh bà, ông nắm chặt tay, vuốt ve khuôn mặt và mái tóc bà. Ông Rice đã kể cho vợ mình nghe ông đã trải qua những ngày như thế nào, nhớ bà và yêu bà biết bao nhiêu.

Ông Rice không thể biết liệu vợ ông có biết ông đã ở đó hay không. Tuy nhiên, ông nghe nói những người cận kề cái chết vẫn giữ được thính giác của họ rất lâu, sau khi các giác quan khác đã không còn hoạt động. Ông sẽ tiếp tục đến thăm bà vào ngày hôm sau.

(Nguồn: Zing News)

Bơm tiền ngăn khủng hoảng ngân hàng

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ dự kiến bơm 2.000 tỉ USD vào hệ thống ngân hàng Mỹ nhằm giảm bớt khủng hoảng thanh khoản.

Chính quyền Thụy Sĩ đã ném "phao cứu sinh" cho ngân hàng Credit Suisse trong bối cảnh nỗi lo khủng hoảng thanh khoản ngân hàng lan rộng ở châu Âu.

Làn sóng bán tháo cổ phiếu lĩnh vực ngân hàng tiếp diễn hôm 16-3 sau khi Ngân hàng Quốc gia Saudi (SNB), cổ đông lớn nhất của Credit Suisse, tuyên bố không mua thêm cổ phần tại ngân hàng này.

Theo nhà kinh tế trưởng William Lee tại tổ chức kinh tế Milken (Mỹ), quyết định của SNB đã thúc đẩy các nhà đầu tư kiểm tra lại "sức khỏe tài chính" của các ngân hàng lớn trên toàn cầu.

Theo Reuters, Ngân hàng Credit Suisse hôm 16-3 cho biết họ sẽ vay đến 54 tỉ USD từ Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ để củng cố thanh khoản và niềm tin của nhà đầu tư. Credit Suisse nói thêm khoản vay trên là theo một chương trình cho vay được bảo đảm bằng các tài sản chất lượng cao và một chương trình thanh khoản ngắn hạn.

Tập đoàn ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sĩ này cũng sẽ bán chứng khoán nợ ưu tiên để tăng lượng tiền mặt lên đến 3 tỉ franc, qua đó hỗ trợ các khách hàng và doanh nghiệp chủ chốt của ngân hàng.

Credit Suisse là ngân hàng lớn đầu tiên trên toàn cầu được cứu trợ khẩn cấp kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Trong khi đó, các chi nhánh ngân hàng Credit Suisse ở châu Á đã liên hệ để trấn an khách hàng. Hai nguồn tin nói với Reuters rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng đã liên lạc với các ngân hàng để tìm hiểu về mức độ liên quan với Credit Suisse.

Tương tự Thụy Sĩ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến bơm tới 2.000 tỉ USD vào hệ thống ngân hàng Mỹ nhằm giảm bớt khủng hoảng thanh khoản thông qua chương trình cho vay khẩn cấp.

Trong báo cáo gửi khách hàng hôm 15-3, các chiến lược gia thuộc Tập đoàn Dịch vụ tài chính đa quốc gia JPMorgan Chase (Mỹ) nhận định chương trình cho vay mới có tên gọi tắt là BTFP của FED sẽ mang đến những tác động rất lớn.

Theo Bloomberg, các nhà chức trách Mỹ đã khởi động BTFP sau sự sụp đổ của 3 ngân hàng Silicon Valley (SVB), Signature và Silvergate với mục đích ngăn chặn tình trạng bán tháo trái phiếu chính phủ để tìm kiếm nguồn vốn mới.

Theo nhận định của các chiến lược gia JPMorgan Chase, BTFP sẽ bơm đủ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng Mỹ, đồng thời giúp đảo ngược những tác động của chương trình thắt chặt tiền tệ của FED 1 năm qua.

Trước đó, Ngân hàng HSBC (Anh) đã đạt được thỏa thuận mua lại chi nhánh SVB ở Anh với giá tượng trưng 1 bảng, mục đích là bảo vệ người gửi tiền và ngành công nghệ trong nước.

Cũng ưu tiên bảo vệ người gửi tiền chứ không phải ngân hàng, Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết các khách hàng sẽ được nhận lại tiền gửi của mình và giới chức trách sẽ tăng cường các quy định ngân hàng nhằm ngăn chặn những vụ việc tương tự.

Trong khi đó, theo Reuters, các nhà hoạch định chính sách ở Úc và Hàn Quốc đồng loạt trấn an thị trường hôm 16-3 khi cho rằng các ngân hàng trong khu vực có vốn hóa tốt.

Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki cũng cho biết ngành ngân hàng Nhật Bản sẽ không đối mặt với những sự cố tương tự vụ SVB do khác biệt trong cơ cấu tiền gửi ngân hàng. Theo ông Suzuki, các ngân hàng Nhật Bản có đủ nguồn vốn bắt buộc để chống lại rủi ro.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc hôm 15-3 cũng tuyên bố sẽ ngăn chặn rủi ro hệ thống tài chính và bảo đảm hoạt động thận trọng. Cuộc thanh lọc "ngân hàng ngầm" trong những năm gần đây của Trung Quốc cũng như sửa đổi khung pháp lý tài chính quốc gia đã giúp giảm thiểu những rủi ro tiềm tàng trong hệ thống ngân hàng, theo tờ Securities Times.

Ngoài ra, ông Arun Sai tại Công ty Quản lý tài sản Pictet (Anh) nhận định: "Sự sụp đổ của SVB sẽ gây áp lực buộc các ngân hàng trung ương phải giảm tốc độ tăng lãi suất. Các ngân hàng trung ương giờ đây phải xem xét tác động của bất kỳ đợt tăng lãi suất nào sắp tới đối với sự ổn định của hệ thống tài chính".

Cần sẵn giải pháp ứng phó

Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết đang có sự lan tỏa khủng hoảng tại Mỹ và châu Âu. Dù chưa biết có hay không mối liên quan về giao dịch giữa Ngân hàng Credit Suisse và 2 ngân hàng của Mỹ là Silicon Valley (SVB) và Signature, đang có tác động lan tỏa toàn cầu và rất nhiều khách hàng của các ngân hàng xem tình hình tài chính để rút tiền.

Theo quan điểm cá nhân của TS Nguyễn Trí Hiếu, chưa thấy dấu hiệu khủng hoảng nào của Credit Suisse và họ cũng đã có phương án xử lý khó khăn. Trong bối cảnh này, lãi suất ở Mỹ và châu Âu có thể vẫn tăng theo lộ trình đã định sẵn chứ không hẳn lùi lại việc chống lạm phát do những diễn biến mới phát sinh như vừa nêu.

"Riêng với thị trường Việt Nam, tác động của việc tăng lãi suất có thể tác động tới tỉ giá USD/VNĐ và có thể ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán trong nước khi dòng vốn ngoại rút dần. Đồng thời, việc Mỹ, châu Âu tăng lãi suất cơ bản có thể tác động tới chính sách tiền tệ của Việt Nam và chúng ta cần có giải pháp ứng phó" - TS Hiếu nói.

Trong khi đó, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Maybank Investment Bank cho rằng chưa nên vội kết luận khủng hoảng SVB sẽ có nguy cơ lây lan rộng hơn, bởi những ngân hàng lớn như JP Morgan, Bank of America, Wells Fargo và Citi là ngân hàng toàn cầu có tập khách hàng đa dạng, thay vì mô hình chỉ tập trung vào 1 lĩnh vực hẹp như SVB.

"FED sẽ khó lùi bước trong cuộc chiến chống lạm phát. Thị trường đã hạ thấp kỳ vọng về khả năng lãi suất của FED sẽ tăng lên mức khoảng 5,15% nên không loại trừ khi mọi chuyện lắng xuống, mức tăng lãi suất sẽ cao hơn và cần thận trọng với kịch bản đồng USD bật tăng trở lại. Với thị trường Việt Nam, áp lực hiện tại vẫn là mặt bằng lãi suất cao và trái phiếu doanh nghiệp đến hạn của các nhà phát triển bất động sản" - các chuyên gia của Maybank Investment Bank phân tích.

(Nguồn: Soha)

Các “ông lớn” Phố Wall đổ hàng chục tỷ USD giải cứu First Republic

(Ảnh minh họa).

Cổ phiếu ngân hàng First Republic đã giảm 74% trong tuần này do ảnh hưởng của vụ phá sản của Ngân hàng Thung lũng Silicon và ngân hàng Signature.

Với nỗ lực phi thường nhằm ngăn chặn sự lây lan khủng hoảng và trấn an thế giới rằng hệ thống tài chính của Mỹ vẫn duy trì ổn định, 11 ngân hàng hàng đầu nước Mỹ hôm 16/3 đã cùng nhau bơm 30 tỷ USD vào Ngân hàng First Republic, một ngân hàng nhỏ hơn đang trên bờ vực sụp đổ sau vụ phá sản của Ngân hàng Thung lũng Silicon vào tuần trước.

Rắc rối của First Republic đã bắt đầu khoảng một tuần trước khi Ngân hàng Thung lũng Silicon lung lay. First Republic thu hút sự giám sát đặc biệt từ các nhà đầu tư vì ngân hàng này phục vụ nhiều khách hàng giàu có, và tiền gửi của họ không được bảo hiểm trong trường hợp ngân hàng đổ vỡ.

Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã nêu ý tưởng kêu gọi sự tham gia của lĩnh vực tư nhân vào nỗ lực giải cứu First Republic hôm 14/3, trong một cuộc điện đàm với Giám đốc điều hành JPMorgan Chase Jamie Dimon.

Bà Yellen tin rằng động thái như vậy của khu vực tư nhân sẽ củng cố niềm tin vào sự ổn định của các ngân hàng. Trong 48 giờ, thỏa thuận đã được thực hiện. Mỗi ngân hàng được yêu cầu gửi ít nhất 1 tỷ USD vào First Republic.

Ngân hàng trung ương Mỹ (BoA), Wells Fargo, Citigroup và JPMorgan Chase sẽ gửi mỗi ngân hàng khoảng 5 tỷ USD; Goldman Sachs và Morgan Stanley gửi khoảng 2,5 tỷ USD; còn các ngân hàng PNC, US Bancorp; State Street và Bank of New York Mellon gửi khoảng 1 tỷ USD vào First Republic.

Thỏa thuận này chưa từng có tiền lệ trong nhiều thập kỷ và là dấu hiệu cho thấy tình trạng khó khăn của ngành ngân hàng đã trở nên nghiêm trọng như thế nào trong vòng một tuần. Với dư âm của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon và Ngân hàng Signature đã gây ra một cơn hoảng loạn dường như khó có thể lắng xuống ngay lập tức.

“Động thái này của các ngân hàng lớn nhất nước Mỹ phản ánh niềm tin của họ vào First Republic và các ngân hàng thuộc mọi quy mô, đồng thời thể hiện cam kết chung của họ trong việc giúp các ngân hàng phục vụ khách hàng và cộng đồng của họ”, nhóm các ngân hàng này cho biết trong một tuyên bố.

Theo một thông báo từ First Republic, các khoản tiền này sẽ được gửi lại ở lại ngân hàng này trong ít nhất 120 ngày.

Chủ tịch điều hành của First Republic Jim Herbert và Giám đốc điều hành Mike Roffler cho biết trong một tuyên bố rằng “chúng tôi muốn chia sẻ sự đánh giá cao sâu sắc của mình” đối với 11 ngân hàng.

“Sự hỗ trợ này của một nhóm các ngân hàng lớn rất được hoan nghênh và thể hiện khả năng phục hồi của hệ thống ngân hàng,” Cục Dự trữ Liên bang, Bộ Tài chính, Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang và Văn phòng Kiểm soát Tiền tệ cho biết trong một tuyên bố chung.

Tin tức về sự chung tay của các “ông lớn” Phố Wall được đưa ra sau khi cổ phiếu của First Republic lao dốc trong những ngày gần đây, theo sau sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) và ngân hàng Signature vào tuần trước.

Cả hai ngân hàng này đều có số lượng tiền gửi không được bảo hiểm cao, và First Republic cũng vậy. Do đó, First Republic lo ngại rằng khách hàng sẽ nhanh chóng rút tiền của họ ra khỏi ngân hàng. Các khoản tiền gửi mới từ các ngân hàng lớn cũng không được bảo hiểm.

Cổ phiếu của First Republic, đóng cửa ở mức 115 USD/cổ phiếu vào ngày 8/3, nhưng đã giảm xuống còn dưới 20 USD/cổ phiếu tại một thời điểm hôm 16/3. Cổ phiếu này liên tục bị chững lại và tăng gần 10% trong ngày, đóng cửa ở mức 34,27 USD/cổ phiếu.

Hôm 12/3, First Republic cho biết họ có hơn 70 tỷ USD thanh khoản khả dụng. Con số này giảm xuống còn khoảng 34 tỷ USD tính đến ngày 15/3, chưa tính 30 tỷ USD tiền gửi mới.

First Republic đã vay hàng chục tỷ USD từ Cục Dự trữ Liên bang và Ngân hàng cho vay mua nhà Liên bang trong tuần qua, nhưng dòng tiền gửi hàng ngày hiện đã “chậm lại đáng kể”, ngân hàng này cho biết.

First Republic thường phục vụ cho các khách hàng và công ty cao cấp. Hoạt động kinh doanh của ngân hàng này bao gồm quản lý tài sản và cho vay bất động sản nhà ở. Công ty báo cáo tài sản trị giá hơn 212 tỷ USD vào cuối tháng 12/2022 và tạo ra hơn 1,6 tỷ USD thu nhập ròng vào năm 2022

(Nguồn: Người Đưa Tin)

Mỹ ép Tiktok phải ‘bán mình’, nhưng liệu có ai dám mua?

Bài học Elon Musk mua Twitter vẫn còn đó, việc tiếp quản một mạng xã hội không chỉ đơn giản là chi tiền, chưa kể đến luật chống độc quyền của Mỹ khiến nhiều Big Tech cũng phải chùn chân.

Theo tờ New York Times, Tiktok là nền tảng đang thu hút đến 100 triệu người dùng Mỹ với vô số doanh thu quảng cáo trực tuyến. Thế nhưng có vẻ như chẳng công ty nào mua nổi, hoặc chịu bỏ số tiền lớn ra mua lại Tiktok khi bị chính phủ Mỹ ép “bán mình”.

Câu chuyện chính quyền Washington yêu cầu Tiktok phải tách khỏi công ty mẹ ByteDance của Trung Quốc nếu còn muốn hoạt động ở Mỹ đã không có gì lạ, nhưng với mức giá theo ước tính của NYT vào khoảng 50 tỷ USD hoặc thậm chí hơn, không phải tập đoàn nào cũng mua nổi. Ngay cả với đối thủ Snap, mức giá này cũng là quá đắt đỏ để thâu tóm Tiktok.

Chỉ có một vài công ty chịu được số tiền này, như Meta (Facebook), Google hay Microsoft. Thế nhưng theo NYT, các tập đoàn này không mặn mà lắm với việc mua Tiktok vì lo lắng dính vào những vụ kiện tụng liên quan đến độc quyền, bảo vệ dữ liệu người dùng...tại Mỹ.

Bài học Elon Musk mua Twitter vẫn còn đó, việc tiếp quản một mạng xã hội không chỉ đơn giản là chi tiền mà còn phải giải quyết vô số thứ nhức đầu, từ những bình luận ác ý, nội dung độc hại đến việc phải chiều lòng khách hàng doanh nghiệp.

Thêm vào đó, hiện vẫn chưa rõ Tiktok có tách hoàn toàn khỏi ByteDance để “bán mình” hay không, và liệu chính phủ Trung Quốc có đồng ý với điều này hay không vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.

Gánh nặng

Chuyên gia Brian Wieser của mảng truyền thông và quảng cáo trả lời phỏng vấn tờ NYT rằng Tiktok có quá nhiều gánh nặng và điều đó khiến việc thâu tóm nền tảng này không hề dễ dàng.

Ví dụ như liệu ByteDance có bán hoàn toàn Tiktok cho chủ mới hay sẽ thỏa thuận một hợp đồng ràng buộc? Liệu chính phủ Mỹ có chấp nhận hợp đồng này hay lại bắt đầu một cuộc chiến kéo dài mới?

Với sự nổi tiếng của mình, Tiktok đã trở thành nạn nhân trong cuộc đấu khẩu giữa Mỹ và Trung Quốc. Dù không riêng gì Tiktok mà còn hàng loạt nền tảng đến từ Trung Quốc như Shein hay Temu nhưng các chính trị gia lại chỉ nhắm vào ứng dụng quay video này để chỉ trích.

Hiện nhiều bang tại Mỹ đã ban hành lệnh cấm các thiết bị công quyền được cài đặt Tiktok, trong khi dự luật cấm toàn diện nền tảng này trên đất Mỹ đang được thảo luận.

Tờ NYT đã liên hệ với hàng loạt công ty nổi tiếng như Apple, Amazon, Google, Meta, Microsoft và Twitter về việc có hứng thú mua lại Tiktok không nhưng đều bị từ chối trả lời.

Cách đây 3 năm dưới quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi đó, Tiktok cũng chịu áp lực phải “bán mình” và Microsoft cùng Oracle cũng hứng thú. Thế nhưng việc Trung Quốc thông qua đạo luật mới vào năm 2020 cho phép chính phủ chặn một thương vụ như của Tiktok đã khiến nhiều người mua nản lòng.

Mặc dù có thông tin Oracle và Walmart đạt được thỏa thuận mua cổ phần của Tiktok nhưng thương vụ này chưa bao giờ được công bố hay thông báo giao dịch thành công.

Chống độc quyền

“Việc mua lại Tiktok cứ như một cái bẫy vậy. Nền tảng này đã có 2 năm phát triển và đang có tầm ảnh hưởng sâu rộng trên mạng xã hội Mỹ. Bởi vậy việc thâu tóm công ty này sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy đi kèm”, chuyên gia Glenn S.Gerstell của Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) nhận định.

Đầu tiên là luật chống độc quyền khi Bộ tư pháp và Ủy ban thương mại liên bang Mỹ (FTC) đều đang ngày càng lo lắng trước thực trạng các tập đoàn lớn gia tăng mua lại, sáp nhập những công ty khác.

Trước đây, FTC đã cố gắng ngăn cản nhưng không thành công việc Meta mua lại một startup về vũ trụ ảo. Hiện cơ quan này đang cố ngăn chặn Microsoft mua lại hãng game Activision Blizzard.

“Tôi cho rằng những nỗi lo về luật chống độc quyền sẽ ảnh hưởng đến quyết định sáp nhập của các doanh nghiệp. Những ông lớn công nghệ sẽ phải suy nghĩ rất kỹ về rủi ro vi phạm luật này trước khi mua bất cứ doanh nghiệp nào, dù công ty đó có không cùng mảng thì vẫn có thể bị coi là gây nên sự độc quyền trong ngành công nghệ”, William J.Baer, cựu cục trưởng cục chống độc quyền thuộc Bộ tư pháp Mỹ nhận định.

Nguồn tin của NYT cho biết tinh thần nhân viên Tiktok tại Mỹ hiện đang xuống thấp khi nhiều bang cấm nền tảng này, trong khi các lãnh đạo công ty thì luôn than phiền rằng dù ByteDance có thoái vốn thì nỗi lo về bảo mật thông tin người dùng của các chính trị gia Mỹ vẫn sẽ không biến mất.

(Nguồn: CafeF)

Mỹ, Nga chạy đua trục vớt UAV rơi ở Biển Đen

(Ảnh minh họa).

Mỹ và Nga đã có các cuộc điện đàm cấp cao để thảo luận về vụ UAV trinh sát Mỹ rơi ở Biển Đen trong lúc chạy đua để trục vớt các mảnh vỡ.

Vụ máy bay không người lái (UAV) trinh sát MQ-9 Reaper của Mỹ rơi ở Biển Đen hôm 14.3 với cáo buộc qua lại giữa Mỹ và Nga tiếp tục gây căng thẳng cho mối quan hệ hai bên. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và người đồng cấp Nga Sergei Shoigu ngày 15.3 đã có cuộc điện đàm hiếm hoi sau nhiều tháng để thảo luận về vụ việc. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley cũng có cuộc điện đàm riêng với Tổng tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Nga Valery Gerasimov.

Theo TASS, Bộ Quốc phòng Nga cho biết ông Shoigu nói vụ việc là do Mỹ đã vi phạm giới hạn không phận do Nga thiết lập. Bộ trưởng Quốc phòng Nga tuyên bố các chuyến bay UAV của Mỹ gần bờ biển Crimea mang tính khiêu khích và có thể dẫn đến sự leo thang ở Biển Đen.

Ông Shoigu cũng cảnh báo dù không mong muốn như vậy, Nga sẽ tiếp tục đáp trả tương xứng với tất cả hành động khiêu khích.

Chiến sự ở Ukraine vẫn nóng

Giữa lúc Nga - Mỹ đang căng thẳng vụ UAV, tình hình chiến sự ở Ukraine tiếp tục nóng, đặc biệt ở Bakhmut, thuộc vùng Donetsk ở miền đông. Theo Reuters, tướng Milley ngày 15.3 cho rằng Nga đang đạt được những bước tiến nhỏ gần Bakhmut nhưng với cái giá rất đắt. Báo cáo Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW) ở Mỹ đưa ra ngày 16.3 cũng nhận định tốc độ hoạt động của Nga ở Ukraine dường như đã giảm so với các tuần trước.

Trong lúc đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết các tướng lĩnh hàng đầu của Ukraine đã khuyên nên củng cố phòng thủ ở Bakhmut. Nga chưa phản ứng trước các thông tin trên. Tuy nhiên, TASS ngày 16.3 dẫn lời ông Denis Pushilin, lãnh đạo phe ly khai ở Donetsk do Nga hậu thuẫn, cho biết tình hình ở Bakhmut rất ác liệt và khó khăn. Ông Pushilin cũng nói không có dấu hiệu cho thấy Ukraine sẽ rút khỏi thành phố.

Về phía Mỹ, Bộ trưởng Austin từ chối cung cấp các chi tiết về cuộc điện đàm, kể cả việc ông có chỉ trích hành động của Nga hay không. Tuy nhiên, theo Reuters, ông Austin tại cuộc họp báo sau đó khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục bay ở những nơi luật pháp quốc tế cho phép, đồng thời yêu cầu máy bay quân sự Nga hoạt động một cách an toàn, chuyên nghiệp.

Trong lúc đó, cả Nga và Mỹ đều đang chạy đua để trục vớt chiếc MQ-9 Reaper. Kênh truyền hình Rossiya-1 dẫn lời Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev cho biết Nga sẽ cố gắng trục vớt UAV Mỹ. Tuy nhiên, tướng Milley cho biết chiếc UAV có thể đã vỡ ra và chìm ở vùng biển sâu đến 1.500 m nên rất khó để thu hồi, và Mỹ có thể sẽ mất vài ngày để xác định diện tích khu vực có mảnh vỡ. Ông Milley cũng nói Mỹ đã thực hiện các biện pháp để đề phòng việc mất thông tin tình báo nhạy cảm nếu Nga tìm thấy chiếc UAV.

Dù vậy, CNN ngày 16.3 dẫn lời hai quan chức Mỹ cho biết Nga đã tiếp cận địa điểm UAV rơi. Một nguồn tin nói chiếc UAV đã rơi xuống vùng biển quốc tế cách Crimea khoảng 113 km về phía tây nam. Người phát ngôn của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby không xác nhận thông tin trên. Nga cũng chưa lên tiếng và hiện vẫn chưa rõ Nga có thể trục vớt được chiếc UAV hay không.

(Nguồn: Thanh Niên)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang