Mỹ: Bạo lực súng đạn; Kinh tế mất 2 tỷ đô/ngày; Động thái lạ của Trump; Cài đặt lại quan hệ đồng minh; Tăng viện trợ Ukraine

BẠO LỰC SÚNG ĐẠN: NỖI BẤT LỰC CỦA NƯỚC MỸ?

(Ảnh minh hoạ).

604 vụ xả súng hàng loạt, giết chết ít nhất 40.000 người từ đầu năm 2022 đến nay- những con số được ghi nhận bởi Gun Violence Archive, một lần nữa cho thấy nước Mỹ dường như đang bế tắc, nếu không muốn nói là bất lực trước vấn nạn bạo lực súng đạn đang ngày càng diễn tiến dữ dội.

20 năm, năm nào cũng xảy ra các vụ xả súng hàng loạt

Kênh truyền hình CNN định nghĩa, một vụ xả súng là một vụ tai nạn trong đó trên 4 nạn nhân thiệt mạng hoặc bị thương do súng bắn.

Tháng 6/2022 sau khi hàng loạt vụ xả súng kinh hoàng xảy đến, tạp chí The New Republic, lấy số liệu từ Kho lưu trữ thông tin bạo lực súng đạn của Mỹ, đã đưa ra thống kê cho biết, chỉ trong 21 tuần đầu tiên của năm 2022, tại Mỹ xảy ra tổng cộng 213 vụ xả súng hàng loạt, trung bình mỗi tuần có khoảng 10 vụ xả súng xảy ra ở nước này.

Chừng đó chưa phải là những con số duy nhất gây sốc. Cách đó hơn một năm, cũng tại Mỹ, chỉ trong bảy ngày từ 17-23/7/2021, tại Mỹ xảy ra ít nhất 915 vụ nổ súng (trung bình cứ 12 phút lại có 1 vụ), giết chết ít nhất 430 người, làm bị thương ít nhất 1.007 người. Còn theo thống kê mới nhất của Gun Violence Archive, từ đầu năm đến nay tại Mỹ đã ghi nhận ít nhất 604 vụ xả súng hàng loạt, giết chết ít nhất 40.000 người và từ nay cho đến hết năm, không có gì có thể đảm bảo con số này sẽ được giữ nguyên.

Theo một số nghiên cứu, Mỹ có số vụ xả súng hàng loạt lớn hơn bất kỳ nước nào khác trên thế giới. Còn theo ông Jason R. Silva - trợ lý Giáo sư xã hội học và tư pháp hình sự tại Đại học William Paterson, Mỹ là quốc gia phát triển duy nhất xảy ra các vụ xả súng hàng loạt mỗi năm trong 20 năm qua. Mỹ cũng là nước có nhiều người chết vì bạo lực súng đạn hơn bất kỳ quốc gia phát triển nào khác nếu tính trên đầu người.

Vấn nạn xã hội kinh niên dường như không có lời giải

Thúc đẩy giảm bạo lực súng đạn là một trong những ưu tiên của Tổng thống Biden kể từ khi ông lên nắm quyền.

Ngày 25/6/2022, sau rất nhiều sức ép dữ dội từ dư luận, Tổng thống Mỹ Joe Biden rốt cuộc cũng đặt bút ký ban hành đạo luật lưỡng đảng "Vì cộng đồng an toàn hơn" về kiểm soát súng đạn. Trước đó một ngày, ngày 24/6, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật lưỡng đảng nói trên, được coi là quy định về vũ khí quan trọng nhất trong gần 30 năm qua ở một đất nước đang bị chấn động bởi các vụ xả súng xảy ra hằng ngày. Trong tuyên bố tại Nhà Trắng, Tổng thống Biden khẳng định đây là một ngày trọng đại, là nền tảng quan trọng bậc nhất nhằm giải quyết nạn bạo lực súng đạn tại Mỹ.

Tuy nhiên, một đạo luật được mong mỏi suốt hơn 30 năm, rốt cuộc cũng không mang lại tác động tích cực là bao cho vấn nạn bạo lực súng đạn vốn đã trở thành vấn nạn xã hội kinh niên suốt nhiều thập kỷ qua tại Mỹ. Vào tháng 7, chỉ hơn một tuần sau khi Tổng thống Biden ký thành luật dự luật cải cách súng đạn, 6 người đã thiệt mạng và trên 30 người bị thương sau một vụ xả súng hàng loạt trong cuộc diễu hành Ngày Độc lập ở Highland Park, Illinois.

Phát biểu ngay sau vụ xả súng mới nhất vừa xảy ra ngày 20/11/2022 ở Colorado Springs (bang Colorado) khi một tay súng 22 tuổi nổ súng trong hộp đêm của cộng đồng người đồng tính, giết chết ít nhất 5 người và làm bị thương hàng chục người, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố “Chúng ta phải giải quyết vấn nạn dịch bệnh bạo lực súng đạn dưới mọi hình thức”. Nhưng giải quyết cụ thể như thế nào cho hiệu quả thì có lẽ ông và chính quyền ông vẫn chưa thể có được đáp án.

Một cuộc khảo sát vào tháng 4/2021 của Trung tâm nghiên cứu Pew cho thấy, gần 1/3 số người trưởng thành ở Mỹ tin rằng, tội phạm sẽ ít đi nếu nhiều người sở hữu súng hơn. (Theo Cơ quan Khảo sát Vũ khí nhỏ (SAS) có trụ sở tại Thụy Sĩ, cứ 100 người Mỹ thì có 120 khẩu súng. Không quốc gia nào có nhiều vũ khí cá nhân hơn số dân như ở Mỹ).

Nhưng chừng đó, dường như là chưa đủ để đẩy lùi vấn nạn nan giải này. Theo nhiều nhà nghiên cứu, có 7 yếu tố chính kết hợp với nhau để tạo điều kiện thuận lợi cho một vụ xả súng hàng loạt diễn ra ở Mỹ: Thứ nhất, tỷ lệ tiếp cận và sở hữu súng cao; Thứ hai, bệnh tâm thần và việc điều trị bằng thuốc tâm thần (không đúng thuốc hoặc thiếu thuốc…). Tuy yếu tố này còn gây tranh cãi nhưng có một thực tế là nhiều đối tượng xả súng hàng loạt ở Mỹ mắc bệnh tâm thần; Thứ ba, ham muốn trả thù sau một thời gian dài bị bắt nạt ở trường và/hoặc ở nơi làm việc. Những năm gần đây, nhiều công dân Mỹ, những người tự gọi họ là các “cá nhân mục tiêu” cho rằng, họ hành xử bạo lực chết người là vì bị bắt nạt. Thứ tư, khoảng cách giữa kỳ vọng của mọi người đối với bản thân và thành tích thực tế của họ, và văn hóa chủ nghĩa cá nhân. Thứ năm, ham muốn danh tiếng và tai tiếng; Thứ sáu, hiện tượng bắt chước, hung thủ được truyền cảm hứng hoặc muốn nổi tiếng bằng cách sử dụng bạo lực. Thứ bảy, chính phủ thất bại trong việc kiểm tra thông tin nền của các cá nhân cụ thể sở hữu súng.

Như vậy, nếu 7 yếu tố này là đúng thì rõ ràng, nếu nước Mỹ mong đợi đẩy lùi vấn nạn bạo lực súng đạn thì ít nhất 7 yếu tố này cũng phải được xử lý đồng loạt. Nhưng như thế có là quá khó. Và nếu mọi sự còn quá khó, thì rõ ràng những con số, những câu chuyện đau lòng từ vấn nạn này sẽ còn xảy đến.

(Nguồn: Công Luận)

KINH TẾ MỸ ĐỨNG TRƯỚC NGUY CƠ THIỆT HẠI TỚI 2 TỈ USD/NGÀY

Kịch bản tồi tệ đó có thể xảy ra nếu công nhân đường sắt chở hàng Mỹ khởi động một cuộc đình công trên quy mô toàn quốc vào đầu tháng 12 tới.

Hạn chót là ngày 8/12

Kế hoạch này được đưa ra sau khi một trong những công đoàn đường sắt lớn nhất của Mỹ đã bỏ phiếu bác bỏ thỏa thuận về quyền lợi lao động do chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden làm trung gian đã đạt được từ giữa tháng 9 giữa công nhân đường sắt với giới chủ sở hữu lao động.

Cách đây 2 ngày, công đoàn đường sắt lớn nhất nước Mỹ đã bỏ phiếu thông qua việc phản đối thỏa thuận hồi tháng 9, với lý do công nhân nghỉ ốm đã không được trả lương đầy đủ.

Trong đó, 50,9% trong số 28.000 thành viên Công đoàn Giao thông SMART bỏ phiếu không chấp nhận thỏa thuận do Nhà Trắng làm trung gian. Nhiều công đoàn lao động khác trong ngành đường sắt Mỹ cũng bác bỏ thỏa thuận.

Tuy đã có 8 công đoàn đồng ý nhưng họ cũng nêu rõ nếu chỉ có 1 trong 12 công đoàn của ngành đường sắt Mỹ quyết định thực hiện hành động công nghiệp thì phần còn lại sẽ gia nhập, đồng nghĩa sẽ đặt hệ thống vận tải hàng bằng đường sắt vào tình trạng đình trệ.

Theo báo chí Mỹ, thời hạn cuối cùng để đạt thỏa thuận này là vào ngày 8/12. Nếu không đạt được, cuộc đình công sẽ diễn ra.

Thiệt hại cho kinh tế Mỹ 2 tỉ USD/ngày

Khi đó, giới chuyên gia dự báo, cuộc đình công quy mô toàn quốc sẽ có ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế vì đường sắt được coi là một trong những huyết mạch của Mỹ.

Theo hãng tin Sputnik, nếu công nhân đường sắt Mỹ đình công trên toàn quốc, phần lớn nền kinh tế nước này sẽ bị tê liệt trước mùa đỉnh điểm mua sắm sắp tới và là một cú giáng nữa với nền kinh tế Mỹ vốn đã lạm phát và suy thoái.

Theo Hiệp hội Đường sắt Mỹ, có khoảng 30% hàng hóa ở Mỹ được vận chuyển bằng đường sắt và nền kinh tế có thể mất tới 2 tỉ USD/ngày nếu ngành này quyết định đình công.

Một hành động công nghiệp quy mô lớn như vậy cũng có thể đe dọa tới tất cả các loại hình vận tải khác của quốc gia từ than cho tới nước uống. Ngoài gia, truyền thông Mỹ cũng cảnh báo hoạt động vận tải hành khách bằng đường sắt cũng có thể bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, Quốc hội Mỹ có thể can thiệp, áp đặt một thỏa thuận đối với ngành đường sắt để ngăn chặn hoặc chấm dứt cuộc đình công theo Luật Lao động Đường sắt năm 1926.

Chủ tịch và Giám đốc điều hành AAR - Ian Jefferies cho biết: “Nếu các công đoàn còn lại không chấp nhận thỏa thuận, Quốc hội cần chuẩn bị để hành động và chấm dứt hành động công nghiệp có thể khiến nền kinh tế Mỹ tổn thất tới 2 tỉ USD/ngày”.

Bộ trưởng Bộ Lao động Mỹ Marty Walsh dường như cũng có chung lập trường dù ông mong muốn sẽ đạt được các thỏa thuận mới với công đoàn.

Giới chức Nhà Trắng cũng kêu gọi các công đoàn trong ngành đường sắt đạt được thỏa thuận trước thời hạn tháng 12, nhấn mạnh rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden từng cảnh báo việc khiến ngành đường sắt rơi vào đình trệ là hành động không thể chấp nhận được.

Về phần mình, các công đoàn đường sắt Mỹ phản đối Quốc hội Mỹ can thiệp và muốn được phép thực hiện đình công để đạt được những mục tiêu trong các cuộc đàm phán sắp tới với chủ sở hữu lao động.

(Nguồn: Báo Giao Thông)

ĐỘNG THÁI ĐẶT DẤU HỎI CỦA ÔNG TRUMP SAU TUYÊN BỐ TRANH CỬ

(Ảnh minh hoạ).

Cựu Tổng thống Donald Trump đã ký thỏa thuận liên quan đến chính phủ một quốc gia Trung Đông, đặt ra nghi vấn về khả năng mâu thuẫn lợi ích khi ông tái tranh cử.

Khi trở lại văn phòng tại Tháp Trump ở New York vào tuần trước, ông Donald J. Trump đã cùng con trai Eric và giám đốc điều hành hàng đầu của Dar Al Arkan - công ty bất động sản hàng đầu từ Saudi Arabia - ký một thỏa thuận quan trọng.

Theo thỏa thuận này, khách sạn, biệt thự và sân golf mang thương hiệu Trump sẽ được xây dựng trong dự án bất động sản AIDA trị giá 4 tỷ USD ở Oman.

Hợp đồng mới nhất cho thấy gia đình ông Trump đã trở lại chiến lược quen thuộc: Bán quyền sử dụng thương hiệu cho dự án ở nước ngoài để đổi lấy khoản phí hậu hĩnh.

Song điểm bất thường trong dự án này là khi hợp tác với công ty từ Saudi Arabia, ông Trump cũng đang trở thành một phần của dự án do chính phủ Oman hậu thuẫn.

Nói cách khác, dù tuyên bố tái tranh cử tổng thống, ông Trump lại vướng vào thỏa thuận với một quốc gia có mối quan hệ phức tạp với Mỹ, liên quan đến nỗ lực chấm dứt giao tranh ở Yemen và các chính sách đối ngoại quan trọng khác.

Đối tác mới ở Trung Đông

Theo New York Times, Dar Al Arkan - công ty bất động sản có trụ sở tại Saudi Arabia - đang dẫn đầu dự án hợp tác với chính phủ Oman. Thỏa thuận ký kết ngày 20/11 là lần thứ hai ông Trump và gia đình tham gia dự án liên quan trực tiếp tới một chính phủ Trung Đông.

Trước đó, Trump Organization cũng tổ chức các giải đấu Golf LIV với sự hậu thuẫn từ chính phủ Saudi Arabia. Quỹ đầu tư công trị giá 620 tỷ USD của chính phủ Saudi Arabia đã tài trợ giải đấu và trả phí thuê các địa điểm như Trump National Doral ở Miami và Trump National Golf Club Bedminster ở New Jersey.

Trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump, Jared Kushner - con rể của ông Trump - cũng có quan hệ chặt chẽ với Saudi Arabia. Ông Kushner đã nhận khoản đầu tư 2 tỷ USD vào công ty tư nhân mới thành lập Affinity Partners từ chính phủ nước này.

Trước khi đắc cử tổng thống, ông Trump và gia đình cũng ký các thỏa thuận cấp phép sử dụng thương hiệu Trump ở nhiều quốc gia, bao gồm Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Philippines, Dubai, Ấn Độ, Panama và Canada, đồng thời sở hữu các khu nghỉ dưỡng ở Scotland và Ireland.

8 tháng trước khi ông Trump tham gia cuộc đua Nhà Trắng năm 2015, công ty gia đình của cựu tổng thống đã công bố kế hoạch cấp phép sử dụng thương hiệu cho một khách sạn 33 tầng ở Baku, Azerbaijan. Và đối tác của họ trong dự án này là con trai của một bộ trưởng.

Bên cạnh đó, trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump, Khách sạn Quốc tế Trump ở Washington thường xuyên là điểm đến cho các quan chức chính phủ nước ngoài.

Theo tài liệu mà công ty của ông Trump trình lên Quốc hội Mỹ, chính phủ Malaysia, Saudi Arabia, Qatar, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc đều từng chi tiền tại khách sạn nói trên. Các điều tra viên của Hạ viện Mỹ ước tính khách sạn đã nhận được hơn 3,75 triệu USD từ các chính phủ nước ngoài trong giai đoạn 2017-2020.

Mâu thuẫn lợi ích

Với thỏa thuận mới liên quan đến chính phủ Oman, các luật sư cho rằng ông Trump đang làm tăng khả năng xung đột lợi ích khi đảm nhận cả hai vai trò - ứng viên tống thống và giám đốc điều hành.

“Chính phủ Saudi Arabia và Oman có thể tin rằng việc ký kết thỏa thuận này với ông Trump sẽ có lợi cho họ trong tương lai, nếu ông Trump tái đắc cử. Thỏa thuận này có thể là một cách đảm bảo họ sẽ nhận được sự ưu ái từ ông Trump”, giáo sư luật Kathleen Clark thuộc Đại học Washington ở St. Louis, nhận định.

Dự án bất động sản AIDA ở Oman dự kiến được xây dựng bên ngoài thủ đô Muscat, trên một dãy đồi nhìn ra biển Arab. Khu vực này do cơ quan du lịch của chính phủ Oman kiểm soát. Dự án sẽ bao gồm 3.500 biệt thự sang trọng, hai khách sạn với tổng 450 phòng và một sân golf, cũng như nhiều nhà hàng và cửa hàng khác, theo Wion.

Dự án nằm trong kế hoạch Oman Vision 2040 được thực hiện với mục tiêu đa dạng hóa nền kinh tế bằng các điểm thu hút khách du lịch mới. Các quan chức Oman và đại diện cho Dar Al Arkan không trả lời yêu cầu bình luận về dự án.

Tuy nhiên, vào ngày 20/11, Dar Al Arkan đã gửi thông cáo báo chí xác nhận thỏa thuận, đồng thời chia sẻ các bức ảnh chụp ông Trump và con trai cùng các giám đốc điều hành của Dar Al Arkan tại Tháp Trump. Song công ty không tiết lộ các điều khoản tài chính trong hợp đồng, Reuters đưa tin.

Theo New York Times, đây là thương vụ đầu tiên mà ông Trump ký kết công khai kể từ khi cựu tổng thống rời Nhà Trắng.

Ziad El Chaar, Giám đốc điều hành của Dar Al Arkan Global và là người đã tham dự sự kiện ký hợp đồng, cho biết: “Chúng tôi tin tưởng mối quan hệ với ông Trump sẽ nâng cao hơn nữa vẻ đẹp của Aida, đồng thời thu hút các nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới”.

Trong khi đó, ông Eric Trump cho biết thỏa thuận này không đại diện cho xung đột lợi ích, và ngay từ nhiệm kỳ của ông Trump, công ty đã cố gắng tránh các động thái gây mâu thuẫn.

“Chúng tôi rất vui mừng khi mở rộng danh mục đầu tư khách sạn và sân golf tại vị trí tuyệt vời này”, ông Eric Trump nói. "Nó sẽ là một dự án đặc biệt".

Khi được hỏi về thỏa thuận và khả năng ông Trump tham gia nhiều hơn vào công việc kinh doanh, Steven Cheung, phát ngôn viên chiến dịch tranh cử của cựu tổng thống, cũng đã né tránh và chuyển sang công kích chính quyền Tổng thống Joe Biden.

(Nguồn: Zing News)

CÀI ĐẶT LẠI QUAN HỆ ĐỒNG MINH​​​​​​​

Chuyến thăm kéo dài 3 ngày vừa qua của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tới Philippines đã đánh dấu sự thay đổi mạnh mẽ trong mối quan hệ giữa hai nước đồng minh lâu đời, vốn đã rạn nứt đáng kể trong 6 năm cầm quyền (2016 - 2022) của cựu Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.

Dưới thời ông Duterte, quan hệ Philippines - Mỹ đã rơi xuống mức thấp nhất với việc Manila đơn phương hủy bỏ Thỏa thuận Lực lượng thăm viếng (VFA) ký năm 1998 và Thỏa thuận Tăng cường hợp tác quốc phòng (EDCA) ký năm 2014. Dù quyết định này được ông Duterte đảo ngược vào năm 2021, quan hệ giữa hai nước đồng minh vẫn nguội lạnh.

Tuy nhiên, quan hệ giữa hai nước đã nồng ấm trở lại sau chưa đầy 5 tháng cầm quyền của người kế nhiệm Ferdinand Marcos Jr., khi một loạt cuộc gặp cấp cao song phương diễn ra với tốc độ chưa từng thấy. Phó Tổng thống Harris là quan chức cấp cao nhất của Mỹ thăm Philippines kể từ khi ông Marcos nhậm chức hồi tháng 6 vừa qua. Trước bà Harris, Tổng thống Marcos đã gặp Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman vào tháng 6, tiếp Ngoại trưởng Antony Blinken tại Manila vào tháng 8 và có cuộc gặp trực tiếp đầu tiên với người đồng cấp Joe Biden vào tháng 9, bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York.

Theo giới phân tích, những cuộc gặp này cho thấy việc khởi động lại mối quan hệ với chính quyền mới ở Philippines là một ưu tiên của chính quyền Tổng thống Biden. Ngay trong cuộc gặp Tổng thống Marcos tại Điện Malacanang, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã tái khẳng định mối quan hệ lâu đời giữa hai nước, nhấn mạnh cam kết mang tính kiên định của Washington với Manila.

Bà Harris tới thăm đảo Palawan ở phía Tây Nam Philippines. Tại đây, bà nhắc lại rằng Washington ủng hộ phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài thường trực ở La Haye (Hà Lan) về Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh cần tôn trọng những quy định và luật lệ quốc tế trên Biển Đông. Theo đánh giá của Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI), ông Gregory Poling, sự hiện diện của Phó Tổng thống Harris ở Palawan gửi đi một “tín hiệu rõ ràng” rằng Mỹ sẽ có những động thái nhằm củng cố và duy trì các cam kết liên minh trong khu vực.

Không chỉ khẳng định cam kết an ninh, chuyến đi của bà Harris cũng cập nhật các thỏa thuận quân sự quan trọng giữa hai nước. Người phát ngôn Đại sứ quán Mỹ tại Philippines cho biết, Phó Tổng thống Harris đã thảo luận với Tổng thống Marcos về tầm quan trọng và lợi ích mà hai nước nhận được khi mở rộng quy mô EDCA, thỏa thuận cho phép quân đội Mỹ cất giữ các thiết bị và vật tư quốc phòng tại 5 căn cứ quân sự của Philippines, đồng thời cho phép quân đội Mỹ luân chuyển qua các căn cứ đó. Qua tham vấn, hai bên đã xác định được những địa điểm bổ sung mới theo đề xuất của Mỹ và đang hoàn thiện các kế hoạch cho bước tiếp theo. Giáo sư Aries Arugay của Đại học Philippines Diliman khẳng định đây là một thỏa thuận lớn và là một sự thay đổi lớn so với liên minh dưới thời chính quyền tiền nhiệm, cho thấy Mỹ đang thực sự xem Philippines là một phần quan trọng trong chiến lược địa chính trị ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Ngoài ra, nhân chuyến thăm, hai bên đã thúc đẩy hợp tác trong hàng loạt lĩnh vực như y tế hay năng lượng sạch, nhất trí thành lập các diễn đàn mới về an ninh lương thực, đầu tư thiết lập mạng 5G, nâng cao kỹ năng cho công nhân Philippines làm việc trong ngành sản xuất công nghệ cao. Phó Tổng thống Harris tuyên bố khởi động các cuộc đàm phán liên quan hợp tác hạt nhân dân sự, trong khi Cơ quan Thương mại và Phát triển Mỹ sẽ mở một văn phòng tại Manila để tạo điều kiện đầu tư vào năng lượng và cơ sở hạ tầng, vốn là những ưu tiên chính của chính quyền Tổng thống Marcos.

Tất cả những điều này phản ánh nỗ lực của Washington nhằm củng cố mối quan hệ với đồng minh lâu đời nhất ở châu Á và cũng là mối quan hệ then chốt trong chiến lược của chính quyền Tổng thống Biden ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Nỗ lực tăng cường quan hệ đối tác này cũng được Philippines đón nhận và phản hồi nồng nhiệt.

Trong cuộc gặp với bà Harris, Tổng thống Marcos đã khẳng định, xuất phát từ mối quan hệ lâu đời, vững chắc và quan trọng giữa hai bên, tương lai của Philippines luôn bao gồm quan hệ với Mỹ. Theo ông, những biến động đang diễn ra, đặc biệt trong khu vực, cho thấy "những mối quan hệ đối tác này ngày càng trở nên quan trọng hơn”. Trước cuộc gặp, nhà lãnh đạo Philippines cũng khẳng định chuyến thăm của bà Harris đánh dấu sự phát triển trong quan hệ song phương.

Giáo sư Renato De Castro, chuyên gia nghiên cứu quốc tế tại Đại học De La Salle ở Manila, nhận định chuyến thăm của bà Harris “mang tính biểu tượng, tượng trưng cho sự ủng hộ của Mỹ dành cho Philippines.” Hơn thế nữa, Mỹ còn có thể giúp Philippines nâng cao vị thế trên thế giới. Theo ông Stephen Cutler, cựu tùy viên pháp lý của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), “Mỹ và Philippines có thể cùng nhau hợp tác giúp Manila phát huy khả năng và có vị trí xứng đáng trên trường quốc tế và điều này sẽ có lợi cho tất cả các bên.”

Giới quan sát cũng cho rằng, những bài học về tình trạng căng thẳng trong quan hệ đồng minh dưới thời cựu Tổng thống Duterte, cũng như bối cảnh toàn cầu ngày càng phức tạp khiến hai nước nhận thấy sự cần thiết phải củng cố hơn nữa mối quan hệ song phương và hợp tác hướng tới tương lai. Giáo sư Gregory Winger thuộc Đại học Cincinnati và ông Julio Amador, Chủ tịch Hiệp hội vì lợi ích quốc gia ở Philippines đều đánh giá, để đối phó với các mối đe dọa mới nổi và những mối đe dọa phát sinh từ biến đổi khí hậu, Mỹ và Philippines cần phát triển quan hệ đối tác không chỉ về mặt quân sự mà còn về mặt chính trị.

Bên cạnh đó, việc cài đặt lại mối quan hệ với Washington cũng phù hợp với chính sách đối ngoại cân bằng quan hệ với các nước lớn mà chính quyền Tổng thống Marcos theo đuổi. Trước đó, ông đã khẳng định "lợi ích của người dân Philippines và lợi ích quốc gia sẽ được đặt lên hàng đầu và sẽ không bao giờ được thỏa hiệp". Theo các chuyên gia, đến nay, Tổng thống Marcos vẫn xử lý tốt quan hệ với Mỹ và Trung Quốc, khi vừa tìm cách duy trì và phát triển quan hệ đồng minh với Mỹ, vừa tiếp tục hợp tác về kinh tế với Trung Quốc mà không quá phụ thuộc vào siêu cường nào.

Nhìn chung, chuyến thăm của Phó Tổng thống Harris đã thúc đẩy hơn nữa thông điệp rằng Mỹ ngày càng nghiêm túc trong việc cải thiện quan hệ với Philippines. Như nhận định của ông Daniel Russel, cựu cố vấn Nhà Trắng về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, "đầu tư vào tiếp xúc cấp cao là bước đi hợp lý để khôi phục hợp tác sâu sắc trên mọi lĩnh vực với một đồng minh trẻ trung, đông dân, thịnh vượng và giữ vị trí chiến lược". Có thể nói, sau 6 năm bất ổn, chuyến thăm này sẽ giúp quan hệ giữa Mỹ và Philippines một lần nữa sát cánh “vai kề vai”.

(Nguồn: Soha)

MỸ CẤP THÊM CHO UKRAINE 400 TRIỆU ĐÔLA ĐẠN DƯỢC, MÁY PHÁT ĐIỆN

Mỹ đang gửi thêm 400 triệu đôla đạn dược và máy phát điện tới Ukraine, Nhà Trắng thông báo ngày thứ Tư, và đang lấy các thiết bị từ kho dự trữ của mình để hỗ trợ Kyiv nhanh nhất có thể trong khi Nga tiếp tục nhắm mục tiêu tấn công vào nguồn cung ứng năng lượng của Ukraine và mùa đông đã bắt đầu.

Tính luôn viện trợ mới nhất này, Mỹ đã cam kết cung cấp hơn 19 tỉ đôla vũ khí và các thiết bị khác cho Ukraine kể từ khi Nga khởi sự chiến tranh vào ngày 24 tháng 2. Gói viện trợ mới sẽ được cung cấp thông qua thẩm quyền giải ngân của tổng thống, cho phép Lầu Năm Góc lấy vũ khí từ kho của chính mình và nhanh chóng vận chuyển chúng đến Ukraine.

Gói mới nhất bao gồm 200 máy phát điện, một số lượng đạn bổ sung không được tiết lộ là bao nhiêu cho cả hệ thống phòng không NASAMS tiên tiến và hệ thống pháo HIMARS mà Mỹ đã chuyển đến Ukraine, 150 súng máy hạng nặng có kính ngắm nhiệt để bắn hạ máy bay không người lái, 10.000 viên đạn cối 120 li và thêm 20 triệu viên đạn vũ khí nhỏ, cùng những khí tài khác, Lầu Năm Góc cho biết.

"Với các cuộc tấn công bằng phi đạn và máy bay không người lái không ngừng nghỉ và tàn bạo của Nga nhắm vào cơ sở hạ tầng năng lượng hệ trọng của Ukraine, các năng lực phòng không bổ sung vẫn là ưu tiên cấp bách," Lầu Năm Góc nói trong một phát biểu. "Các loại đạn dược bổ sung cho NASAMS và súng máy hạng nặng sẽ giúp Ukraine chống lại những mối đe dọa khẩn cấp này."

Dòng vũ khí được cung cấp trong khi chính quyền Biden tìm cách thông qua khoản viện trợ quân sự và nhân đạo bổ sung trị giá 37 tỉ đôla cho Ukraine trong phiên nghị họp của Quốc hội sau bầu cử, trước khi phe Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Hạ viện vào tháng 1. Một số thành viên Cộng hòa bao gồm cả chủ tịch Hạ viện tiềm năng, Dân biểu Kevin McCarthy, đã nêu nghi vấn về số tiền được chi cho Ukraine.

(Nguồn: VOA)

(Xem thêm:

=> Mỹ: Bệnh viện quá tải; Ác mộng ở thung lũng Silicon; Điều đảng CH lo lắng; Trump thua cuộc; 'Ngoại giao kênh 2' với TQ ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang