Mỹ: Bệnh viện quá tải; Ác mộng ở thung lũng Silicon; Điều đảng CH lo lắng; Trump thua cuộc; 'Ngoại giao kênh 2' với TQ

BỆNH VIỆN Ở MỸ QUÁ TẢI DO CÁC BỆNH VỀ ĐƯỜNG HÔ HẤP

(Ảnh minh hoạ).

Các bệnh viện trên khắp nước Mỹ đang trong tình trạng quá tải, trong bối cảnh “bộ ba" dịch bệnh đường hô hấp (COVID-19, cúm mùa và virus hợp bào hô hấp RSV) hoành hành đồng thời, cùng với tình trạng thiếu nhân viên và việc đóng cửa các viện dưỡng lão, làm trầm trọng thêm hệ thống chăm sóc sức khỏe vốn đã căng thẳng.

Theo báo cáo của Hiệp hội Y khoa Mỹ, hơn 500.000 người trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và dịch vụ xã hội ở nước này đã bỏ việc vào tháng 9 vừa qua do kiệt sức vì đại dịch COVID-19, và cứ 5 bác sĩ thì có 1 người có ý định rời khỏi lĩnh vực này trong 2 năm tới.

Kể từ đầu đại dịch, nhân viên y tế đối mặt với tình trạng bạo lực gia tăng. Theo hiệp hội trên, 44% số y tá cho biết họ đã hứng chịu bạo lực về thể xác và 68% bị bạo hành về tinh thần kể từ khi đại dịch bắt đầu bùng phát.

Bà Anne Klibanski, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Hệ thống chăm sóc sức khỏe Mass General Brigham ở Boston đánh giá đây không chỉ là vấn đề, mà là một cuộc khủng hoảng.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) ước tính đến nay đã có ít nhất 4,4 triệu ca mắc bệnh cúm mùa, với 38.000 ca nhập viện và 2.100 ca tử vong. Ngoài ra, hơn 26.000 xét nghiệm RSV cho kết quả dương tính từ ngày 30/10 - 12/11, cao hơn đáng kể so với cùng thời điểm năm ngoái.

Các chuyên gia y tế Mỹ dự đoán nước này có thể chứng kiến một làn sóng mới các bệnh hô hấp khi nhiều người đi du lịch và tụ tập trong nhà dịp lễ cuối năm. Dự kiến, gần 55 triệu người Mỹ sẽ đi du lịch trong kỳ nghỉ lễ Tạ ơn (Thanksgiving) vào cuối tuần này. Ngày 21/11, Cục Hàng không Liên bang Mỹ ước tính có gần 400.000 chuyến bay cất cánh tại nước này từ ngày 19 - 27/11, với 23.000 chuyến bay sẽ được thực hiện vào ngày Lễ Tạ ơn (24/11).

Theo đó, các chuyên gia y tế khuyến cáo mọi người tiêm chủng và thực hiện các biện pháp phòng ngừa an toàn trong những ngày lễ sắp tới.

(Nguồn: Báo Tin Tức)

ÁC MỘNG TẠI THUNG LŨNG SILICON: GOOGLE, HP CŨNG SẮP SA THẢI HÀNG CHỤC NGHÌN NHÂN VIÊN

Alphabet - công ty mẹ của Google được cho là đang có kế hoạch sa thải tới 10.000 nhân viên làm việc kém hiệu quả.

Theo thông tin mới đây, một cuộc sa thải hàng loạt sắp diễn ra tại gã khổng lồ tìm kiếm Google. Được biết, công ty này đang lên kế hoạch đánh giá hiệu suất của nhân viên thông qua chương trình cải thiện hiệu suất và xếp hạng mới.

Sau Twitter, Meta và Amazon, công ty mẹ của Google là Alphabet, được cho là đang lên kế hoạch sa thải tới 10.000 nhân viên làm việc kém hiệu quả. Theo một báo cáo mới, công ty có kế hoạch loại bỏ gần 6% lực lượng lao động của mình trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn.

Điều này xảy ra sau khi 3 công ty công nghệ hàng đầu gồm Meta, Twitter và Amazon sa thải hàng chục nghìn nhân viên trên toàn cầu trong vài tuần qua.

Một báo cáo của The Information, hệ thống quản lý hiệu suất mới có thể giúp các nhà quản lý loại bỏ hàng nghìn nhân viên làm việc kém hiệu quả vào khoảng đầu năm 2023.

Xếp hạng trong hệ thống này sẽ giúp các nhà quản lý của Google đánh giá vị trí của các thành viên để lên kế hoạch thưởng và trợ cấp cổ phiếu. Ngược lại, những người chểnh mảng công việc và có thành tích thấp sẽ không được thưởng hoặc thậm chí là bị cho thôi việc.

Đến thời điểm này, Alphabet vẫn chưa chính thức xác nhận việc sa thải. Tuy nhiên một vài tháng trước, CEO Sundar Pichai từng nói bóng gió về việc sa thải sắp tới.

Phát biểu tại Hội nghị Code được tổ chức gần đây ở Los Angeles, Pichai cho biết: “Chúng tôi muốn đảm bảo rằng với tư cách là một công ty, khi bạn có ít nguồn lực hơn trước, bạn sẽ ưu tiên tất cả những điều phù hợp để làm và nhân viên của bạn thực sự làm việc hiệu quả. Chúng tôi mong muốn rằng họ thực sự có thể có tác động đến những thứ đang làm, vì vậy đó là những gì chúng tôi đang dành thời gian để thực hiện”.

Tuần trước, nhiều tờ báo đưa tin nhân viên Google đang bày tỏ sự lo ngại rằng làn sóng sa thải trong làng công nghệ gần đây sẽ ảnh hưởng đến công ty của họ. Và với thông tin trên, có lẽ mối lo ngại của họ sẽ sớm trở thành hiện thực.

Không chỉ Google, mới đây, hãng máy tính HP đã thông báo rằng họ sẽ cắt giảm khoảng 4.000 – 6.000 nhân viên trong những năm tới.

Nhà sản xuất máy tính xách tay và thiết bị điện tử Mỹ quyết định kéo dài thời gian sa thải cho đến cuối năm tài chính 2025. Con số 6.000 người tương đương với 12% trong tổng số 50.000 nhân viên toàn cầu của HP.

Quyết định cắt giảm nhân sự của HP được đưa ra trong bối cảnh doanh số bán hàng ở phân khúc máy tính cá nhân và laptop giảm sau khi tăng đột biến trong đại dịch.

Lo ngại về lạm phát và suy thoái trên thị trường toàn cầu cũng có thể là một trong những yếu tố khiến HP sa thải hàng loạt để tiết kiệm chi phí. Trước những vấn đề này, HP dự kiến lợi nhuận sẽ thấp hơn trong thời gian tới do nhu cầu giảm xuống.

HP đưa ra thông báo cắt giảm nhân sự hàng loạt như một phần của kế hoạch chuyển đổi cho tương lai. Hãng máy tính ước tính sẽ tiết kiệm được tổng chi phí vận hành hàng năm ít nhất là 1,4 tỷ USD vào cuối năm tài chính 2025. Bên cạnh đó, việc tái cơ cấu và cắt giảm các chi phí khác cũng sẽ giúp HP tiết kiệm thêm khoảng 1 tỷ USD.

(Nguồn: Soha)

ĐIỀU ĐẢNG CỘNG HÒA LO LẮNG

(Ảnh minh hoạ).

Số lượng lớn đối thủ tiềm năng của ông Donald Trump để chạy đua ghế tổng thống có thể khiến đảng Cộng hòa lo ngại về viễn cảnh tiếp tục bị chia rẽ sâu sắc.

Tại một cuộc họp của nhiều đảng viên Cộng hòa, Thượng nghị sĩ Ted Cruz đã tích cực giao lưu với các nhà tài trợ và nhà hoạt động, theo New York Times.

Trong khi đó, Thống đốc Larry Hogan của Maryland đã hoan nghênh các đảng viên Cộng hòa khác gọi ông Trump là “thua cuộc trong cuộc bầu cử".

Cùng với nhiều đảng viên Cộng hòa nổi bật khác, họ tham dự buổi tụ họp lớn đầu tiên dành cho các ứng viên tiềm năng, nhằm tìm kiếm đề cử của đảng để chạy đua vào Nhà Trắng năm 2024. Buổi họp đã diễn ra vào cuối tuần qua, tại khách sạn Venice ở Las Vegas.

Khoảng 10 ứng viên tổng thống tiềm năng của đảng Cộng hòa đã thử nghiệm các chiến lược và thông điệp của họ vài ngày sau khi ông Trump tuyên bố tranh cử.

AP cho biết họ đã bước lên sân khấu để trình bày kế hoạch khắc phục tình hình của đất nước, cũng như đảng của mình.

Khả năng dọn đường cho ông Trump

Theo Reuters, căng thẳng đã nổi lên tại cuộc họp này, khi nhiều thành viên trong đảng Cộng hòa bày tỏ mong muốn tách khỏi ông Donald Trump, bất chấp nhiều nghi ngờ về tính khả thi của điều đó.

Thống đốc Ron DeSantis, một trong những người được mong đợi nhất, đã nhận được sự đón nhận nồng nhiệt cho bài phát biểu quan trọng. Trong đó, ông nêu rõ thành công của mình ở Florida có thể trở thành một công thức cho các đảng viên Cộng hòa khác như thế nào.

Cuộc họp thường niên vào cuối tuần của Liên minh Do Thái đảng Cộng hòa diễn ra vào thời điểm ông Trump rất dễ bị tổn thương, sau kết quả bầu cử giữa kỳ không như mong đợi của đảng này. Nhiều đảng viên Cộng hòa đã chỉ trích ông Trump về điều đó.

Tuy nhiên, việc có quá nhiều đối thủ tiềm năng của ông Trump trong đảng Cộng hòa dường như sẽ khiến kịch bản năm 2016 lặp lại. Điều đó có thể dọn đường giúp cựu tổng thống Mỹ thắng đề cử của đảng Cộng hòa vì tầm ảnh hưởng lâu dài đối với một phần cơ sở đảng.

Đội ngũ của ông Trump tin rằng những người được đảng Cộng hòa khuyến khích cho cuộc đua vào năm 2024 có thể đã vô tình tạo ra các điều kiện vốn từng giúp ông Trump thành công trong năm 2016, theo AP.

Về vấn đề này, CNN lý giải rằng với 100% phiếu bầu trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa, ông Trump có thể giành được 30-35% số phiếu, nhờ vào tầm ảnh hưởng lâu dài của ông với cơ sở đảng Cộng hòa. Theo kịch bản đó, sẽ còn lại khoảng 65-70% cho tất cả ứng cử viên khác.

Chẳng hạn, khi chia tỷ lệ 65%-70% đó cho 7 ứng cử viên khác, thì rất có thể tỷ lệ 30%-35% của ông Trump là đủ để giúp ông giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử sơ bộ.

Vào năm 2016, ông Trump đã nhận đề cử của đảng Cộng hòa khi đa số cử tri của đảng này bầu cho những ứng viên khác trong hai tháng đầu của những cuộc bầu cử sơ bộ. Ông Trump đã thắng, một phần vì số phiếu chống lại ông luôn được chia cho ít nhất hai ứng cử viên khác.

Những người chỉ trích ông Trump - và thậm chí một số đối thủ tiềm năng - trong đảng Cộng hòa đang thảo luận về cách tránh lặp lại kịch bản năm 2016.

Những lo ngại về một cuộc đua bị chia rẽ là lý do ông DeSantis được coi là đối thủ tiềm tàng đáng gờm nhất đối với ông Trump, bất chấp việc nhiều người dẫn đầu sớm từng thất bại trước đó.

Liệu vị thế của ông Trump có suy yếu?

Bên cạnh đó, cuộc họp mặt của Liên minh Do Thái đã thu hút đầy đủ các ứng viên tiềm năng của đảng Cộng hòa, một dấu hiệu cho thấy việc tranh cử sớm của ông Trump đã không làm lu mờ tham vọng của những đối thủ khác.

“Tất cả những gì ông ấy làm là nhấn mạnh điểm yếu của mình. Bạn là cựu tổng thống, nhưng thực ra, cho đến hôm nay, bạn chỉ giống như một trong 12 người đang tranh cử tổng thống”, Thống đốc Chris Sununu, đảng viên Cộng hòa ở New Hampshire, nói.

Ngoài ra, những người phát biểu tại cuộc họp còn có cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo, cựu Phó tổng thống Mike Pence, cựu Đại sứ Liên Hợp Quốc Nikki Haley, cũng như nhiều đối thủ cũ của ông Trump trong năm 2016.

Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng ý rằng vị thế của ông Trump đã giảm sút trong đảng Cộng hòa.

New York Times nhận định cơ chế của cuộc cạnh tranh đề cử đảng Cộng hòa có thể giúp những ứng viên hàng đầu như ông Trump giành lợi thế nếu những đối thủ còn lại vẫn bị chia rẽ.

Nhiều bang tại nước này đã áp dụng cơ sở “người chiến thắng được tất cả”, ngay cả khi họ kết thúc cuộc đua với ít hơn đa số phiếu bầu.

Chủ đề đó xuất hiện trong một cuộc trò chuyện trong những ngày gần đây giữa James Carville - chiến lược gia đảng Dân chủ, và Reince Priebus - Cựu chủ tịch đảng Cộng hòa, tại một sự kiện ở Đại học Nam California.

Ông Carville giải thích điều đó có nghĩa là nếu ông Trump giữ được sự ủng hộ của 40% đảng viên Cộng hòa và có bốn đối thủ, ông có thể giành chiến thắng.

Tuy nhiên, các đảng phái chính trị có thể thống nhất với nhau để tạo thế đối lập một cách nhanh chóng. Đảng Dân chủ đã làm điều đó vào năm 2020.

Sau khi ứng cử viên lúc đó là Joseph Biden Jr. giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ ở Nam Carolina, một số đối thủ còn lại của ông - Pete Buttigieg, Amy Klobuchar, Beto O'Rourke - đã nhanh chóng bỏ cuộc. Họ ủng hộ ông Biden như một ứng viên cuối cùng để ngăn chặn Thượng nghị sĩ Bernie Sanders giành chiến thắng.

Và chiến lược đó đã hiệu quả, giúp ông Biden giành được đề cử của đảng Dân chủ.

Trong khi đó, ông Chris Christie, cựu Thống đốc bang New Jersey, đã bác bỏ ý kiến ​​cho rằng một cuộc đua bị chia rẽ sẽ tiếp tục giúp ích cho ông Trump.

“Mọi người đều mắc sai lầm khi nhìn vào chiến dịch tiếp theo qua lăng kính của chiến dịch gần nhất. Và chúng không bao giờ giống nhau”, ông nói.

(Nguồn: Zing News)

ÔNG TRUMP THUA CUỘC TRONG TRANH CÃI VỀ HỒ SƠ THUẾ

Tòa án Tối cao của Mỹ ra phán quyết mở đường cho việc buộc cựu Tổng thống Donald Trump phải công bố hồ sơ thuế.

Reuters đưa tin, Tòa án Tối cao của Mỹ ngày 22/11 bác đơn kháng nghị hồi cuối tháng 10 của cựu Tổng thống Donald Trump về việc từ chối nộp hồ sơ thuế cho ủy ban Hạ viện Mỹ theo quy định. Ông Trump hiện chưa bình luận về phán quyết trên.

Khi còn đương chức, ông Trump là tổng thống Mỹ đầu tiên trong 4 thập niên không công bố bản khai thuế, và ông đấu tranh quyết liệt nhằm giữ kín chi tiết về tài sản của mình và tập đoàn gia đình Trump Organization.

Cuộc chiến pháp lý bắt đầu nổ ra từ năm 2019 khi một ủy ban Hạ viện khởi kiện, đề nghị ông Trump phải công khai hồ sơ thuế. Ủy ban này dẫn một đạo luật cho phép chủ tịch ủy ban được yêu cầu bản khai thuế của bất kỳ ai. Phe Dân chủ trong Hạ viện nói họ muốn biết cơ quan thuế IRS có kiểm toán đầy đủ thu nhập của tổng thống hay không, để biết được có cần thêm quy định mới không.

Một tòa án cấp dưới đã phán quyết ủy ban này hợp lý khi yêu cầu xem các tài liệu thuế. Tuy nhiên, ông Trump và các luật sư đã kháng nghị và cho rằng ủy ban do các nghị sĩ đảng Dân chủ dẫn dắt có động cơ chính trị.

Phán quyết của Tòa án Tối cao đưa ra chỉ vài ngày sau khi ông Trump chính thức thông báo tái tranh cử tổng thống vào năm 2024.

Tranh cãi liên quan đến hồ sơ thuế là một trong những rắc rối pháp lý mà ông Trump phải đối mặt khi tuyên bố kế hoạch chạy đua vào Nhà Trắng một lần nữa. Ngoài ra, ông cũng đang là trung tâm của hàng loạt vụ kiện và điều tra khác, trong đó có cuộc điều tra liên quan đến cáo buộc ông đưa trái phép tài liệu mật ra khỏi Nhà Trắng khi hết nhiệm kỳ.

(Nguồn: Dân Trí)

MỸ - TRUNG TÌM TỚI 'NGOẠI GIAO KÊNH 2'

Bên cạnh cuộc gặp giữa giới lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc, các cuộc thảo luận không chính thức từ hai bên cũng góp phần giữ quan hệ hai nước không trầm trọng thêm.

Vài ngày trước khi Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau ở Bali , Bắc Kinh đã cử phái đoàn cố vấn chính sách cấp cao và nhiều giám đốc doanh nghiệp đến New York để trao đổi với phái đoàn Mỹ - được dẫn đầu bởi Maurice “Hank” Greenberg, một trong những doanh nhân Mỹ thành công nhất ở Trung Quốc.

Những nhân vật nổi bật ở phố Wall từ lâu luôn có vị trí quan trọng với Bắc Kinh. Nhiều lãnh đạo Trung Quốc coi ông Greenberg là "người bạn cũ". Doanh nhân 97 tuổi này đang là CEO của công ty bảo hiểm và đầu tư C.V. Starr & Co.

Những cuộc gặp cấp cao giữa phái đoàn hai nước đã không xuất hiện ở Mỹ kể từ khi đại dịch bùng phát. Đó cũng là bắt đầu thời điểm quan hệ hai bên xuống mức thấp nhất trong nhiều thập niên.

Bước chạy đà cho các cuộc gặp thượng đỉnh

“Ngoại giao kênh 2”, hay kiểu ngoại giao không chính thức giữa các tổ chức nghiên cứu, các chuyên gia, học giả của các nước. Đây được cho là bước đệm và là sự hỗ trợ cho các cuộc ngoại giao "kênh 1" giữa quan chức chính phủ và lãnh đạo.

Hồi tháng 7, ông cho biết đã thành lập một nhóm gồm những lãnh đạo về chính sách và lãnh đạo doanh nghiệp của Mỹ nhằm “tái thiết đối thoại song phương mang tính xây dựng”.

Ngay sau đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng bật đèn xanh cho Bộ Ngoại giao nước này thành lập một nhóm gồm các cựu quan chức cấp cao và lãnh đạo doanh nghiệp, tương tự nhóm của ông Greenberg, theo Wall Street Journal.

Viện Ngoại giao Nhân dân Trung Quốc, tổ chức tư vấn trực thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã được thành lập, và đã thảo luận với đối tác từ Washington.

Cả phái đoàn Bắc Kinh và Washington đều bày tỏ thiện chí và muốn cố gắng giữ quan hệ hai nước không đi xuống hơn nữa. Sau đó, điểm sáng cũng xuất hiện khi tại cuộc gặp thượng đỉnh, ông Tập và ông Biden nhất trí nối lại hợp tác chống biến đổi khí hậu và nối lại liên lạc cấp cao.

Dù vậy, sự nghi hoặc giữa hai bên vẫn còn đó, trong bối cách cả Washington và Bắc Kinh đều đối lập nhau trong nhiều vấn đề và đang ra sức cạnh tranh ảnh hưởng toàn cầu.

“Ông Tập đang tìm sự ổn định như một phần để chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh lớn hơn với Mỹ”, Daniel Russel, cựu quan chức Mỹ tại Trung Quốc dưới thời ông Barack Obama, nói. "Cuộc đối thoại trực tiếp nào cũng có giá trị khi hai bên ít gặp nhau ở mọi cấp độ".

Tân Hoa xã cho hay lịch sử quan hệ hai nước 50 năm qua đã chứng minh hai bên sẽ có lợi khi hợp tác và mất mát khi đối đầu. Thế giới cũng hưởng lợi khi quan hệ Bắc Kinh và Washington lành mạnh.

Trên trường quốc tế, hai nước đã từng chung tay thúc đẩy phê chuẩn Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, cùng nhau khắc phục hậu quả của khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và cùng nhau giải quyết đại dịch Ebola ở Tây Phi.

Điểm hạ nhiệt quan hệ Mỹ - Trung

Tiếng nói và quan hệ tốt của ông Greenberg với Trung Quốc được cho là cầu nối các cuộc đối thoại giữa Washington và Bắc Kinh.

Vào cuối những năm 1990, ông Greenberg đã vận động cho chính quyền cựu Tổng thống Bill Clinton để giúp Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2001.

Vào năm 2018, khi Trung Quốc kỷ niệm 40 năm chính sách cải cách mở cửa, Chủ tịch Tập Cận Bình đã trao Huân chương Hữu nghị Cải cách Trung Quốc cho ông Greenberg, biến ông thành một trong 10 người nước ngoài được vinh danh.

Khi căng thẳng Mỹ - Trung leo thang hồi mùa hè, vị doanh nhân 97 tuổi cũng kêu gọi đối thoại, thay vì xa rời Trung Quốc.

Viện Ngoại giao Nhân dân Trung Quốc sau đó đã có mặt ở New York ngày 10/11 để cùng trao đổi với đại diện từ Washington, với 13 thành viên mỗi bên.

Cựu đô đốc Mike Mullen, người tham dự phiên thảo luận, nói rằng ông cùng nhiều người trong phái đoàn Mỹ quan ngại về “quỹ đạo đi xuống” của quan hệ Mỹ - Trung, điều mà phái đoàn Trung Quốc cũng quan tâm.

"Chúng ta đang ở thời điểm nguy hiểm", ông Mullen nói, cho biết hai bên đều có chung cảm nghĩ như vậy. "Là hai cường quốc đương thời, chúng ta cần thay đổi điều này".

Theo những người dự cuộc thảo luận, trong hơn một ngày, hai bên đã thảo luận những bất đồng về vấn đề Đài Loan, và tìm những điểm mà Washington và Bắc Kinh có thể hợp tác.

Trong khi phái đoàn Mỹ nhấn mạnh việc cần thiết đảm bảo hòa bình trên eo biển Đài Loan, lập trường từ phía Trung Quốc khẳng định sự thống nhất của hòn đảo với đại lục.

Những người tham dự cho biết phía Trung Quốc đã đưa ra vấn đề xung đột ở Ukraine và tình hình Triều Tiên để đưa ra những phương án hai bên có thể hợp tác, nhưng đoàn Trung Quốc muốn điều kiện tiên quyết là Washington tôn trọng lợi ích cốt lõi của Bắc Kinh về Đài Loan, và nới lỏng hạn chế xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao cho công ty Trung Quốc.

(Nguồn: Zing News)

(Xem thêm:

=> Mỹ: Cơn sốt đất; Elon Musk đang trả giá; Ai có thể thách thức Biden; Món quà cho Trump; Bảo vệ Philippines).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang