Lạm phát ở Nhật; Thách thức chờ Lý Cường; TQ tụt lại cuộc đua ChatGPT; Thỏa thuận Iran-Saudi Arabia; Tuần sóng gió Gruzia

Điều gây lo ngại nhất trong ác mộng lạm phát ở Nhật Bản

(Ảnh minh họa).

Những khoản trợ cấp của chính phủ đang giúp các hộ gia đình Nhật Bản đối phó với lạm phát, nhưng giá lương thực và năng lượng tăng cao vẫn khiến nhiều người điêu đứng.

Chỉ số lạm phát tiêu dùng cơ bản đã tăng trở lại ở Tokyo vào tháng 2, mặc dù ở tốc độ chậm hơn so với con số 4,3% được ghi nhận vào tháng 1 - mức cao nhất trong 42 năm.

Bên cạnh đó, trong khi mức tăng giá 3,3% tại thị trường trọng điểm Tokyo đã giảm một điểm phần trăm, người tiêu dùng trên khắp Nhật Bản vẫn đang nói về tác động của việc tăng giá trong khi tiền lương của họ không theo kịp.

Chỉ số giá tiêu dùng của thủ đô Nhật Bản, không bao gồm thực phẩm tươi sống nhưng bao gồm nhiên liệu, đã vượt qua mục tiêu lạm phát 2% của Ngân hàng Nhật Bản trong tháng thứ 9 liên tiếp vào tháng trước.

Theo giới phân tích, sự sụt giảm tương đối so với số liệu của tháng 1 chủ yếu là kết quả của sự can thiệp của chính phủ nhằm cung cấp các khoản trợ cấp cho những người đang gặp khó khăn.

Điều lo ngại nhất

Theo CNN, Nhật Bản đang vật lộn với việc mức sống giảm mạnh nhất trong gần một thập kỷ qua, khi lạm phát tiếp tục tăng cao.

Giữa lúc đó, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida kêu gọi các chủ doanh nghiệp tăng lương cho công nhân, đồng thời cảnh báo rằng nền kinh tế có nguy cơ rơi vào tình trạng “đình lạm” nếu việc tăng lương không theo kịp tốc độ lạm phát.

Đình lạm mô tả một thời kỳ lạm phát cao và tăng trưởng kinh tế trì trệ, làm suy yếu sức mua của người dân.

Trong khi đài truyền hình quốc gia NHK đưa tin hóa đơn tiền điện giảm trung bình 1,7%, mức giảm đầu tiên kể từ tháng 7/2021, hóa đơn tiền gas vẫn cao hơn 20% so với năm ngoái.

Giới chức Nhật Bản cũng thừa nhận điều đáng lo ngại nhất là giá thực phẩm có thể để lâu được đã tăng 7,8%, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1976.

“Hóa đơn gas gần đây nhất của tôi là khoảng 10.000 yen (khoảng 73 USD), nhưng đó là số tiền khá lớn. Tôi sống trong một căn hộ nhỏ một mình, và chi phí gas một tháng của tôi vào năm 2019 sẽ vào khoảng 2.000 yen”, Shizuko Utsumi, một người đã nghỉ hưu sống ở Sapporo, cho biết.

Bên cạnh đó, bà cho biết nhiệt độ mùa đông năm nay cũng không quá khắc nghiệt nên bà đã cố gắng sử dụng máy sưởi ít hơn.

“Tôi cũng tự nấu ăn ở nhà và ít ra ngoài ăn hơn. Tôi không thể tưởng tượng nổi những gia đình phải sưởi ấm cả nhà hay những người thường xuyên ăn tối bên ngoài sẽ khó khăn như thế nào”, bà chia sẻ.

Bên cạnh đó, bà cho biết bản thân cũng lấy làm tiếc cho những người chủ quán bar và nhà hàng. Theo bà, họ đã phải đối mặt với chi phí cao hơn, nhưng lại không có nhiều khách hàng như trước đây.

Yoko Tsukamoto, một học giả cũng sống ở Sapporo, cho biết hóa đơn năng lượng của cô cũng tăng vọt.

“Hiện tại, chúng lên tới 30.000 yen/tháng (tương đương 220 USD/tháng). Điều đó thật điên rồ. Tuy nhiên, không chỉ năng lượng, giá của mọi thứ đều tăng”, cô cho biết.

"Tôi mua một thức uống protein khi tôi tập thể dục, nhưng nó đã tăng từ 6.000 yen lên 10.000 yen một cách nhanh chóng. Mọi thứ hiện tại đều như vậy", cô nói thêm.

Đặc biệt, trong khi giá cả tăng vọt, cô chỉ ra rằng tiền lương gần như vẫn giữ nguyên so với mức ở thời điểm bong bóng kinh tế Nhật Bản vỡ vào đầu những năm 1990.

Theo cô, các công ty Nhật Bản muốn giữ lại lợi nhuận của họ thay vì chia sẻ chúng với nhân viên. “Giá đang tăng ở Mỹ và các nước khác, nhưng ít nhất các công ty ở đó đã phản ứng bằng cách tăng lương”, cô Tsukamoto nhận định.

Tín hiệu tích cực

Văn phòng Nội các cho biết giá cả tăng cao đang gây tổn hại cho người tiêu dùng Nhật Bản, đặc biệt là những người trẻ tuổi, theo Japan Times.

Ngoài ra, một báo cáo ngày 1/3 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho thấy 58,2% công ty vừa và nhỏ có kế hoạch tăng lương vào năm 2023, mặc dù phần lớn trong số họ sẽ chỉ tăng ở mức 2%, thấp hơn lạm phát. Chỉ hơn 1/4 số công ty được hỏi cho biết họ sẽ tăng lương cơ bản lên 4%.

Một nghiên cứu hàng tháng về tâm lý doanh nghiệp của Reuters cũng đã chỉ ra sự ảm đạm kéo dài giữa các nhà sản xuất lớn và lĩnh vực dịch vụ trong tháng 2. Họ có mối lo ngại sâu sắc về tiêu dùng tư nhân - vốn chiếm hơn một nửa nền kinh tế Nhật Bản.

Các công ty bày tỏ lo ngại về giá năng lượng và hàng hóa, cũng như việc đồng yen suy yếu đã đẩy chi phí nhập khẩu lên cao. Nhiều doanh nghiệp cũng lưỡng lự trong việc đẩy chi phí đó cho khách hàng do lo ngại họ sẽ lựa chọn các giải pháp thay thế rẻ hơn.

Đồng thời, dữ liệu mới được công bố cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của Nhật Bản đã giảm xuống mức thấp nhất trong 3 năm, ở mức 2,4% vào tháng 1. Điều đó đã phản ánh việc tìm kiếm nhân sự khó khăn như thế nào.

Ông Martin Schulz, nhà kinh tế trưởng của đơn vị nghiên cứu thị trường toàn cầu thuộc Fujitsu, nhận định chính phủ đang kêu gọi các công ty tăng lương vì họ tin rằng việc lương tháng và tiết kiệm tăng có thể khuyến khích mọi người ra ngoài và sử dụng số tiền dư thừa đó.

Bên cạnh đó, ông cũng lạc quan rằng đà tăng lạm phát ở Nhật Bản có thể đang chậm lại.

Ông nhận thấy giá năng lượng đã dần ổn định, mặc dù có thể mất thời gian để người tiêu dùng cuối có thể cảm nhận được điều đó. Không những vậy, ông cũng nhận thấy những tín hiệu tích cực từ phía nguồn cung.

Khi thị trường khí đốt và dầu mỏ trở nên ổn định hơn, sự tăng trưởng sẽ trở nên mạnh mẽ hơn.

“Năm ngoái, giá năng lượng đã tăng cao hơn do tâm lý mua hàng tích trữ và nhu cầu dự trữ. Tuy nhiên, hiện tại, chúng ta đã bỏ lại điều đó phía sau và giá năng lượng ổn định sẽ có tác động tích cực đến nền kinh tế rộng lớn hơn”, ông nói.

(Nguồn: Zing News)

Thách thức chờ tân Thủ tướng Trung Quốc

Nhiệm vụ hàng đầu của ông Lý Cường trong năm nay là đạt được mục tiêu tăng trưởng 5% đề ra mà không gây ra lạm phát nghiêm trọng

Quốc hội Trung Quốc hôm 11-3 bỏ phiếu thông qua đề cử của Chủ tịch Tập Cận Bình, qua đó ông Lý Cường trở thành thủ tướng mới của nước này. Ông Lý Cường tuyên thệ nhậm chức cùng ngày, đảm nhận nhiệm kỳ 5 năm với nhiệm vụ trọng tâm là khôi phục nền kinh tế bị "trúng đòn" bởi đại dịch COVID-19.

Ngoài ra, ông Lý Cường kế nhiệm ông Lý Khắc Cường vào thời điểm căng thẳng giữa Trung Quốc và phương Tây gia tăng về một loạt vấn đề, như Mỹ tìm cách ngăn Trung Quốc tiếp cận các công nghệ then chốt và nhiều công ty toàn cầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng để giảm sự phụ thuộc vào nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Giới phân tích nhận định ông Lý Cường chưa có kinh nghiệm làm việc trong chính quyền trung ương trước khi đảm nhận vị trí mới, đồng nghĩa ông có thể đối mặt khó khăn trong những tháng đầu tiên sau khi nhậm chức.

Theo tờ South China Morning Post, ông Lý Cường sẽ có cuộc họp báo đầu tiên trên cương vị thủ tướng sau khi kỳ họp quốc hội bế mạc ngày 13-3. Sự kiện này sẽ được giới quan sát theo dõi chặt chẽ nhằm nắm bắt dự định của ông Lý Cường về cách thức vực dậy nền kinh tế, đối phó các thách thức về nhân khẩu học và những vấn đề khác.

Bà Ava Shen, chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc và Đông Bắc Á tại Công ty Tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group (Mỹ), cho biết: "Thách thức lớn nhất của ông Lý là vực dậy nền kinh tế Trung Quốc trong năm nay. Vẫn chưa chắc liệu nhu cầu của người tiêu dùng có thể phục hồi đáng kể trong năm nay để thúc đẩy tăng trưởng hay không. Trong khi đó, rủi ro tài chính trong lĩnh vực bất động sản và nợ công vẫn còn đó. Ông ấy cần đưa ra các chính sách để thúc đẩy hơn nữa nhu cầu trong khi vẫn ngăn ngừa rủi ro tài chính".

Một số nhà quan sát cho rằng ông Lý Cường có thể được trao nhiều quyền hạn hơn trong việc xử lý các vấn đề kinh tế vì mối quan hệ gần gũi với ông Tập Cận Bình. Ông Lý Cường từng là Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Chiết Giang giai đoạn 2004-2007. Thời điểm này, ông Tập Cận Bình là Bí thư Tỉnh ủy Chiết Giang.

Theo giới quan sát, đối mặt với niềm tin kinh doanh thấp, nhu cầu tiêu dùng chưa hồi phục, lĩnh vực bất động sản ảm đạm, khủng hoảng nợ của các chính quyền địa phương và căng thẳng địa chính trị leo thang với Mỹ, thách thức lớn nhất đối với cả ông Tập Cận Bình và ông Lý Cường vẫn là bảo đảm lộ trình phục hồi kinh tế đi đúng hướng.

Ông Joerg Wuttke, Chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh châu Âu (EU) tại Trung Quốc, cho rằng ông Lý Cường từng thể hiện sự nhạy bén về kinh tế khi còn làm Bí thư Thành ủy Thượng Hải và cộng đồng doanh nghiệp vẫn đặt nhiều kỳ vọng vào tân thủ tướng.

Ông Craig Allen, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Trung Quốc, nhận định thêm rằng ông Lý Cường đã tìm cách tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp nước ngoài khi đề cập đến tốc độ nhà máy sản xuất ôtô của hãng Tesla (Mỹ) tại Thượng Hải đi vào hoạt động năm 2019. Nhà lãnh đạo này cũng đóng vai trò trong việc thúc đẩy Trung Quốc chấm dứt chính sách không khoan nhượng với COVID-19 vào cuối năm ngoái, theo Reuters.

Nền kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 3% vào năm ngoái và Bắc Kinh đặt mục tiêu con số này năm nay là khoảng 5%, mức thấp nhất trong gần 3 thập kỷ. Ông Christopher Beddor, Phó Giám đốc nghiên cứu về Trung Quốc tại Công ty Tài chính Gavekal Dragonomics (Hồng Kông - Trung Quốc), cho rằng nhiệm vụ hàng đầu của tân thủ tướng trong năm nay là đạt được mục tiêu tăng trưởng nói trên mà không khiến nợ hoặc lạm phát thêm nghiêm trọng.

Nhân dịp Kỳ họp thứ nhất khóa XIV Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa bầu ra Thủ tướng Quốc vụ viện, ngày 11-3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gửi điện mừng tới Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Lý Cường

(Nguồn: Soha)

Trung Quốc chậm chân trong cuộc đua ChatGPT vì thiếu chip

(Ảnh minh họa).

Sự thiếu hụt các loại chip GPU hiệu suất cao có thể là nguyên nhân chính khiến ngành công nghệ Trung Quốc bị tụt lại phía sau trong cuộc đua ChatGPT.

Thách thức từ sự thiếu hụt chip tiên tiến

Kể từ khi công ty khởi nghiệp OpenAI được hậu thuẫn bởi Microsoft cho ra mắt ChatGPT hồi tháng 11 năm ngoái và nhanh chóng cán mốc 100 triệu người dùng chỉ sau hai tháng, hàng loạt tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đã lần lượt tiến hành tích hợp vào hệ thống hoặc tìm cách phát triển các công cụ AI có tính năng tương tự để cạnh tranh. Trung Quốc dĩ nhiên cũng không đứng ngoài cuộc cạnh tranh này khi hàng loạt hãng khổng lồ công nghệ như hãng thương mại điện tử Alibaba, công ty tìm kiếm Internet Baidu, nhà cung cấp mạng xã hội và trò chơi điện tử Tencent, đều đã lần lượt công bố các dự án phát triển chatbot AI của riêng mình.

Tuy nhiên, tham vọng cạnh tranh của các công ty công nghệ Trung Quốc được dự báo sẽ vấp phải một trở ngại lớn: sự thiếu hụt các loại chip tiên tiến.

Theo các chuyên gia, để đào tạo các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) cần thiết cho các công cụ AI như ChatGPT, Trung Quốc cần phải sử dụng một lượng lớn các chip xử lý đồ họa (GPU). Trong đó, loại chip A100 của Nvidia ra mắt hồi năm 2020 là sản phẩm mạnh mẽ hơn cả. Với mức giá 10 nghìn dollar Mỹ, loại chip đồ họa này được tối ưu hóa cho nhiệm vụ học máy và chuyên hoạt động trong máy chủ tại các trung tâm dữ liệu và được coi là thành phần thiết yếu của ngành công nghiệp AI.

Theo một nghiên cứu từ TrendForce, việc triển khai một lượng lớn GPU có hiệu năng cao như A100, sẽ giúp giảm đáng kể thời gian đào tạo AI, vốn đòi hỏi phải xử lý một lượng dữ liệu khổng lồ. Các báo cáo cho thấy, lượng tham số đào tạo của mô hình vận hành công cụ ChatGPT đã tăng từ 120 triệu năm 2018 lên gần 180 tỷ vào năm 2020.

"Số lượng GPU cần thiết để thương mại hóa những mô hình như ChatGPT dự kiến sẽ đạt trên 30 nghìn" - TrendForce cho biết khi đưa ra ước tính giả định về việc các hệ thống sẽ sử dụng toàn bộ chip đồ họa A100 của Nvidia.

Tuy nhiên, hồi tháng 8 năm ngoái, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ban hành lệnh cấm Nvidia bán A100 và các GPU trung tâm dữ liệu mạnh mẽ H100 cho các khách hàng có trụ sở tại Trung Quốc, nếu chưa được cấp giấy phép. Đây là một phần trong các nỗ lực của chính phủ Mỹ nhằm ngăn cản các công ty Trung Quốc có thể tiếp cận những loại chip tiên tiến. Các dòng CPU và GPU tiên tiến của các công ty như Intel, AMD và Nvidia đều đang được các nhà cung cấp dịch vụ đám mây AI của Trung Quốc sử dụng rộng rãi.

Nvidia sau đó cho biết, đã cung cấp một dòng sản phẩm thay thế với các thông số kỹ thuật thấp hơn dành cho khách hàng Trung Quốc, trong đó bao gồm GPU A800. Hiệu suất của loại chip đồ họa này đã được hạ thấp để đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu. Theo giám đốc kinh doanh của Sitonholy - một đối tác của Nvidia tại Trung Quốc, chuyên cung cấp các giải pháp cho máy chủ AI và thiết bị điện toán công suất cao, sản phẩm thay thế này vẫn cung cấp đủ sức mạnh điện toán theo nhu cầu hiện nay của phần lớn khách hàng.

Thế nhưng, việc sử dụng các loại chip đồ họa có hiệu suất kém hơn A100 để đáp ứng nhu cầu phát triển các công cụ cạnh tranh với ChatGPT lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Trong một cuộc hội thảo kín gần đây, một doanh nhân công nghệ AI thuộc Hiệp hội Trí tuệ nhân tạo Trung Quốc cho biết, sở dĩ Mỹ có thể vượt trước Trung Quốc về sức mạnh điện toán đám mây, chủ yếu là nhờ lợi thế về GPU.

"Chúng tôi không có chip đồ họa mạnh như Nvidia A100, và có thể khắc phục bằng cách sử dụng các loại chip yếu hơn, với số lượng lớn để bù đắp sự thiếu hụt chất lượng. Tuy nhiên, sức mạnh xử lý vẫn là yếu tố cực kỳ quan trọng, mang tính quyết định với cuộc cạnh tranh hiện nay" - doanh nhân này cho biết.

Trung Quốc chật vật xoay xở nguồn cung chip

Để khắc phục sự phụ thuộc quá mức vào nguồn cung chip tiên tiến từ nước ngoài, chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy hoạt động sản xuất nội địa. Tuy nhiên, tình hình được dự báo khó có thể được cải thiện trong thời gian ngắn, đặc biệt là khi áp lực từ phương Tây ngày càng gia tăng.

Hồi tháng 10 năm ngoái, chính phủ Mỹ đã siết chặt các quy định xuất khẩu, nhằm ngăn cản Trung Quốc mua được các thiết bị sản xuất chip hiện đại, đồng thời hạn chế các nhà sản xuất nước ngoài cung cấp cho khách hàng Trung Quốc các dòng chip sử dụng công nghệ Mỹ có khả năng tính toán trên 4.800 TeraOPS. Bên cạnh đó, Washington cũng thuyết phục các nhà cung cấp thiết bị sản xuất bán dẫn hàng đầu khác là Nhật Bản và Hà Lan tham gia vào các nỗ lực hạn chế ngành chip Trung Quốc.

Mới đây nhất, chính phủ Hà Lan đã công bố kế hoạch áp đặt các hạn chế mới đối với việc xuất khẩu công nghệ sản xuất chip thiết yếu ra nước ngoài để "bảo vệ an ninh quốc gia". Dự kiến, các lệnh hạn chế xuất khẩu máy in khắc tia cực tím sâu DUV sẽ được công bố trước mùa Hè năm nay. Mặc dù không nêu đích danh Trung Quốc, chính sách mới được cho là sẽ nhắm vào các nỗ lực của nước này nhằm vượt Mỹ và phương Tây trong chuỗi cung ứng chip toàn cầu. Nhật Bản dự kiến cũng sẽ sớm triển khai các động thái tương tự.

Đây được coi là đòn giáng mạnh vào ngành bán dẫn nội địa Trung Quốc vốn đang phụ thuộc rất nhiều vào phần mềm, thiết bị và công nghệ nhập khẩu. Một giám đốc kinh doanh giấu tên của Sitonholy đánh giá, ngay cả khi các nhà sản xuất Trung Quốc có thể thiết kế được các loại GPU phức tạp như A100, họ vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc chế tạo, do các biện pháp hạn chế của Mỹ và các nước phương Tây.

"Hệ sinh thái chip GPU của Trung Quốc không đủ mạnh. Các nhà cung cấp hiện mới chỉ đạt đến ngang tầm của GPU V100 mà Nvidia đưa ra thị trường hồi năm 2017".

Một giám đốc tại UnilC Semiconductors, công ty con của Tsinghua Unigroup, cũng thừa nhận họ đang gặp phải hàng loạt thách thức trong nỗ lực tiếp cận công nghệ sản xuất chip tiên tiến.

"Quá trình sản xuất thử nghiệm có thể đối mặt nhiều hạn chế nếu năng lực xử lý của chip AI hoặc GPU vượt giới hạn do Mỹ áp đặt. Trước đây, Trung Quốc đã có cơ hội nâng cấp quy trình sản xuất các loại chip tiên tiến 7 nm và 5 nm, nhưng những biện pháp hạn chế xuất khẩu các công cụ sản xuất chip tiên tiến, đang khiến mọi việc trở nên rất khó khăn" - vị giám đốc này cho hay.

Nguy cơ bị tụt lại phía sau trong cuộc đua AI

Theo Nikkei Asia, do lo ngại các biện pháp trừng phạt từ Mỹ, trong những năm qua, các công ty công nghệ Trung Quốc đã tích trữ đủ lượng chip tiên tiến để phòng ngừa trường hợp xấu nhất. Tuy nhiên, các nguồn tin thân cận tại Baidu và Tencent cho biết, những tiến bộ công nghệ AI có thể bị cản trở đáng kể, nếu các công ty này không sớm tiếp cận được các loại chip thế hệ tiếp theo.

Chuyên gia Jeffrey Lee tại quỹ đầu tư mạo hiểm NLVC ở thung lũng Silicon đánh giá, các công ty công nghệ Trung Quốc có thể vẫn có đủ lượng chip tiên tiến để triển khai các công cụ AI, tương tự như ChatGPT nhưng "quy mô có lẽ sẽ không quá lớn".

Tình hình sẽ chỉ được cải thiện, nếu Trung Quốc thành công trong các nỗ lực phát triển ngành công nghiệp bán dẫn nội địa. Theo ông Peter Wennink - Giám đốc điều hành công ty cung cấp thiết bị sản xuất chip hàng đầu thế giới ASML, các biện pháp hạn chế của phương Tây khó có thể ngăn cản Trung Quốc xây dựng các phiên bản máy móc của riêng mình.

Chia sẻ với Bloomberg, ông cho biết: "Nếu Trung Quốc không thể có được những chiếc máy đó, họ sẽ tự phát triển chúng. Điều này sẽ mất thời gian, nhưng cuối cùng họ sẽ làm được".

Tuy nhiên quá trình này được dự báo sẽ mất nhiều thời gian, và trong khi chờ đợi tình hình được cải thiện, ngành công nghiệp AI của Trung Quốc vẫn đang phải đối mặt với nguy cơ bị tụt lại phía sau. Dan Ives, giám đốc điều hành của Wedbush Securities nhận định: "Các con chip sẽ là yếu tố quan trọng có thể làm chậm quá trình phát triển của ngành công nghiệp trí tuệ nhân tạo tại Trung Quốc".

Chia sẻ quan điểm trên, một kỹ sư cấp cao tại Nvidia cũng dự báo: "Phát triển GPU không phải là phép thuật và Trung Quốc vẫn có cơ hội bắt kịp với những công nghệ như ChatGPT. Tuy nhiên, xuất phát điểm chậm hơn có thể khiến khoảng cách ngày càng bị nới rộng ra".

(Nguồn: CafeF)

Thỏa thuận Ả Rập Saudi – Iran: Lần đầu tiên Mỹ bị gạt ra ngoài lề ở Trung Đông

Thỏa thuận do Trung Quốc làm trung gian đã giúp khôi phục quan hệ giữa Ả Rập Saudi và Iran, hai quốc gia được coi là đối thủ ở Trung Đông, trong khi Mỹ bị gạt ra ngoài lề.

Cuối cùng, một thỏa thuận hòa bình đã được thiết lập ở Trung Đông, không phải giữa Israel và thế giới Ả Rập, mà là giữa Ả Rập Saudi và Iran. Thỏa thuận cũng không phải do Mỹ sắp xếp mà là Trung Quốc, theo tờ New York Times.

Mỹ đã là trung tâm ảnh hưởng ở Trung Đông trong 3/4 thế kỷ qua, gần như không thể thiếu vắng Mỹ trong các vấn đề quan trọng. Nhưng buổi lễ ký kết thỏa thuận khôi phục quan hệ Iran - Ả Rập Saudi không có sự tham gia của quan chức Mỹ.

Trong khi đó, Trung Quốc vốn chỉ có vai trò thứ yếu ở Trung Đông, nay lại thể hiện tầm ảnh hưởng lớn. Israel cũng có lý do để lo lắng vì nước này và Ả Rập Saudi từng có cùng đối thủ là Iran, nay trở nên đơn độc.

“Đây rõ ràng là một thỏa thuận mang tính bước ngoặt”, Amy Hawthorne, nhà nghiên thuộc tổ chức Dự án Dân Chủ Trung Đông có trụ sở ở Washington, nói. “Đúng là Mỹ không thể làm được điều như vậy. Nhìn chung, Trung Quốc đang tạo ra tầm ảnh hưởng ngoại giao vượt Mỹ ở Trung Đông”.

Nhà Trắng đã đưa ra tuyên bố hoan nghênh thỏa thuận khôi phục quan hệ giữa Iran và Ả Rập Saudi, cũng như không bày tỏ lo ngại về vai trò gia tăng của Bắc Kinh ở Trung Đông.

Washington cho rằng, vẫn còn quá sớm để đánh giá quan hệ Iran và Ả Rập Saudi sẽ được khôi phục đến mức nào. Việc hai nước mở lại đại sứ quán sau 7 năm đóng cửa mới chỉ là bước đầu tiên.

Iran là quốc gia Hồi giáo dòng Shia còn Ả Rập Saudi là nước Hồi giáo dòng Sunni. Hai nhánh của đạo Hồi này luôn có tư tưởng đối lập nhau từ lâu đời và có những cản trở nhất định trong quan hệ Iran - Ả Rập Saudi.

Trước mắt, hai nước sẽ có hai tháng để bắt đầu hoạt động trao đổi ngoại giao ở cấp đại sứ. Với thỏa thuận mới, Ả Rập Saudi mong muốn các nhóm thân Iran ngừng tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng của nước này. Điều mà Mỹ đã không thể đảm bảo với đồng minh.

Theo tờ New York Times, thỏa thuận Iran - Ả Rập Saudi là kết quả của một thời gian dài chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tạo ra rắc rối với thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman (MbS), đặc biệt là trong lĩnh vực dầu mỏ.

Ông Biden từng cảnh báo hậu quả khi Ả Rập Saudi xích lại gần hơn với Nga trong chiến lược dầu mỏ. Thực tế là cho đến nay, Mỹ đã không áp đặt bất cứ lệnh trừng phạt nào nhằm vào Ả Rập Saudi.

Hiện tại, thái tử MbS đã quay sang thúc đẩy hợp tác sâu rộng hơn với Trung Quốc. “Ả Rập Saudi đã bày tỏ sự quan tâm đến việc gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và thúc đẩy việc bán dầu cho Trung Quốc”, Steven A. Cook, chuyên gia am hiểu vấn đề Trung Đông tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, nói.

Ông Cook cho rằng, thái tử MbS muốn xây dựng quan hệ hợp tác với Nga và Trung Quốc, trong khi vẫn duy trì quan hệ đồng minh với Mỹ, nhằm tạo ra lợi ích lớn nhất có thể.

Daniel C. Kurtzer, cựu đại sứ Mỹ tại Israel và Ai Cập, nói Trung Quốc đang khỏa lấp khoảng trống mà Mỹ tạo ra ở Trung Đông. “Trung Quốc đã nhanh tay giành lấy vai trò khi Ả Rập Saudi và Mỹ xảy ra bất đồng. Mỹ đã không có bất cứ tác động gì khi Ả Rập Saudi và Iran thúc đẩy đàm phán”.

Ả Rập Saudi và Iran xích lại gần nhau ở thời điểm Israel muốn Ả Rập Saudi đứng về phía nước này. Dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump, Israel đã khôi phục quan hệ với một số quốc gia Trung Đông như UAE và Bahrain.

Diễn biến mới càng khiến nỗ lực khôi phục quan hệ giữa Isreal và Ả Rập Saudi càng khó khăn hơn. Ả Rập Saudi từng yêu cầu Mỹ đưa ra cam kết an ninh, hỗ trợ nước này phát triển chương trình hạt nhân vì mục đích dân sự. Đây là các yêu cầu mà Mỹ chưa chính thức phản hồi. Iran là quốc gia phát triển các dự án điện hạt nhân thành công và điều này có thể khiến Ả Rập Saudi quan tâm.

Theo New York Times, Mỹ vẫn đóng vai trò quan trọng ở Trung Đông trong các lĩnh vực thương mại, quân sự và tình báo. Nhưng trong tương lai, mọi thứ có thể sẽ vẫn còn thay đổi.

“Các đối tác Trung Đông của Mỹ ngày càng thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc. Điều đó chưa tạo ra mối đe dọa với Mỹ. Nhưng trật tự ở Trung Đông đã bắt đầu thay đổi”, cựu đại sứ Kurtzer nói.

(Nguồn: Người Đưa Tin)

Dự luật châm ngòi tuần sóng gió ở Gruzia

(Ảnh minh họa).

Dự luật kiểm soát NGO bị cáo buộc "thân Moskva", châm ngòi làn sóng biểu tình bạo lực tại Gruzia, cho thấy nước này luôn bị giằng xé giữa "hướng EU" và "hướng Nga".

Đảng Quyền lực Nhân dân, một đảng nhỏ tại Gruzia có thiên hướng bài xích phương Tây, hồi đầu tháng trình lên quốc hội dự luật nhằm tăng cường kiểm soát các tổ chức phi chính phủ (NGO) và truyền thông nhận tài trợ từ nước ngoài.

Theo dự luật được đảng Giấc mơ Gruzia (GD) cầm quyền ủng hộ, các NGO hay tổ chức truyền thông nhận hơn 20% tài trợ từ nước ngoài phải được xếp vào diện "đặc vụ nước ngoài". Tổ chức nào không minh bạch hóa nguồn tài trợ có nguy cơ chịu phạt hành chính. "Đặc vụ nước ngoài" là khái niệm để chỉ các cá nhân hoặc tổ chức tích cực thúc đẩy lợi ích của một quốc gia nước ngoài trong khi hoạt động ở nước sở tại.

Trong khi Chủ tịch đảng GD cầm quyền Irakli Kobakhidze cho rằng dự luật chỉ nhằm đảm bảo minh bạch nguồn tài trợ của các tổ chức phi chính phủ, phe đối lập cáo buộc đảng này chịu ảnh hưởng từ Nga, xây dựng luật mới nhằm kiểm soát ảnh hưởng của phương Tây.

Họ chỉ trích dự luật này là "luật Nga", khi cho rằng các điều khoản của nó giống hệt đạo luật kiểm soát các tổ chức phi chính phủ được Nga ban hành năm 2012. Phe đối lập lo ngại dự luật là động thái nhằm cản đường Gruzia gia nhập Liên minh châu Âu (EU), đồng thời gia tăng ảnh hưởng của Nga.

Gruzia nộp đơn xin vào EU năm 2022 nhưng vẫn chưa được trao tư cách ứng viên như Ukraine. Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu Josep Borrell, đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh EU, đã cảnh báo dự luật đi ngược lại những nguyên tắc và giá trị chung của khối.

Dự luật đã châm ngòi cho phong trào phản đối ở thủ đô Tbilisi trong tuần này, với nhiều vụ đụng độ bạo lực giữa người biểu tình và cảnh sát. Hàng chục nghìn người liên tục xuống đường, tạo thành làn sóng biểu tình nghiêm trọng nhất trong hàng chục năm qua ở Gruzia, nơi nhiều người dân vẫn chưa quên cuộc chiến với Nga năm 2008.

Trong cuộc chiến 12 ngày đó, Nga đã đưa quân vào Gruzia để bảo vệ hai vùng lãnh thổ ly khai Nam Ossestia và Bắc Abkhazia. Hai vùng lãnh thổ này đến nay vẫn do quân đội Nga bảo hộ an ninh. Lãnh đạo hai vùng này năm ngoái đã lên kế hoạch tổ chức trưng cầu dân ý để sáp nhập vào Nga, nhưng phải gác lại do chưa được Moskva ủng hộ.

Cảnh sát thủ đô Tbilisi đã bắt 133 người trong hai cuộc biểu tình ngày 7 và 8/3, theo thông báo từ Bộ Nội vụ Gruzia. Người biểu tình đã ném đá và bom xăng vào lực lượng an ninh, trong khi cảnh sát chống bạo động phải dùng hơi cay và vòi rồng để giải tán đám đông trước tòa nhà quốc hội. Các vụ đụng độ khiến hàng chục người bị thương, trong đó có cả cảnh sát và người biểu tình.

Biểu tình bạo lực leo thang buộc GD ngày 9/3 tuyên bố rút ủng hộ "vô điều kiện" với dự luật nhằm "giảm không khí đối đầu trong xã hội", đồng thời cáo buộc phe đối lập lan truyền thông tin "cực đoan". Một ngày sau, quốc hội Gruzia bỏ phiếu bác dự luật.

Theo giới chuyên gia, biểu tình tại Gruzia leo thang nghiêm trọng vì bất đồng giữa mong muốn "hướng EU" mạnh mẽ trong xã hội nước này và yếu tố "hướng Nga" trong giới cầm quyền.

Phần lớn hoài nghi của người biểu tình Gruzia đối với đảng GD cầm quyền xoay quanh vai trò của tỷ phú Bidzina Ivanishvili, người sáng lập đảng và có quan hệ làm ăn chủ yếu tại Nga. Ivanishvili từng được bầu làm thủ tướng Gruzia vào năm 2012 nhưng hiện không còn nắm vai trò chính thức nào trong chính phủ hay đảng cầm quyền.

Phe đối lập và giới chức phương Tây nhiều lần cáo buộc tỷ phú Ivanishvili vẫn âm thầm chi phối chính trường cùng những cơ quan trọng yếu trong mảng tư pháp và an ninh của Gruzia. Năm 2020, một nhóm nghị sĩ Mỹ còn nhận định Ivanishvili là đồng minh của Moskva, giúp Nga tạo ảnh hưởng tại Gruzia.

Trước khi tìm cách đưa dự luật kiểm soát NGO ra quốc hội, đảng GD cầm quyền đã khiến dư luận Gruzia hoài nghi về lập trường gia nhập EU, khi chính phủ do đảng này kiểm soát kiện Tổng thống theo đường lối trung lập Salome Zourabishvili ra Tòa án Hiến pháp hồi giữa năm 2022.

Chính phủ Gruzia khi đó cho rằng bà Zourabishvili đã hành động vượt quyền khi đến thăm một số nước châu Âu để vận động EU cấp tư cách ứng viên cho nước mình.

Theo khảo sát năm 2022 của Viện Dân chủ Quốc tế (NDI) tại Mỹ, 75% người Gruzia ủng hộ gia nhập EU, 69% muốn nước này nộp đơn xin vào NATO. Xu hướng ngả về phương Tây ở Gruzia được thúc đẩy khi tổng thống Mikheil Saakashvili nắm quyền trong giai đoạn 2004-2013.

Năm 2009, một năm sau chiến sự Nga - Gruzia, nước này ký thỏa thuận thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ. Chính quyền thủ đô Tbilisi thậm chí đặt tên cho con đường từ sân bay dẫn vào thành phố là George W. Bush.

Gruzia cũng thiết lập quan hệ hợp tác với EU năm 2014 và sau đó là thỏa thuận thương mại tự do. Quốc hội Gruzia năm 2018 đã thêm phụ lục thể hiện mục tiêu "hội nhập toàn diện" vào EU và NATO trong hiến pháp.

Phe đối lập lo ngại dự luật là bước đầu tiên để đảng GD cầm quyền từng bước gạt bỏ quan điểm thân phương Tây khỏi nền chính trị nước này. Họ chỉ trích khái niệm "đặc vụ nước ngoài" có thể dẫn đến ấn tượng tiêu cực rằng các tổ chức dân sự là bình phong cho hoạt động gián điệp hoặc phục vụ lợi ích của nước khác, dù nguồn tài trợ có thể đến từ các tổ chức liên quốc gia.

Hungary từng phải bãi bỏ một đạo luật tương tự vào năm 2021, sau khi Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) kết luận luật mang tính phân biệt đối xử và áp đặt nhiều hạn chế không công bằng lên các tổ chức phi lợi nhuận.

"Chúng tôi cho rằng chính phủ cuối cùng vẫn muốn thông qua dự luật kiểm soát các NGO. Họ chỉ đang thăm dò phản ứng của xã hội", Nino Dolidze, giám đốc một tổ chức giám sát bầu cử tại Gruzia, nói.

Gigi Ugulava, thành viên lãnh đạo đảng châu Âu Gruzia thuộc phe đối lập, cho rằng việc đảng GD rút ủng hộ với dự luật "chỉ là chiến thắng bước đầu". Những người phản đối dự luật lo ngại đây mới là khởi đầu cho nhiều bước đi khác có thiên hướng "thân Nga" từ đảng cầm quyền.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 9/3 khẳng định Nga không có mối liên hệ nào đối với dự luật gây sóng gió chính trường Gruzia. "Điện Kremlin không thúc đẩy hay can dự dưới bất kỳ hình thức nào trong sự vụ tại Gruzia", ông Peskov nhấn mạnh.

Ông cho biết Nga quan ngại về tình hình tại nước láng giềng dù hai bên không còn duy trì quan hệ ngoại giao chính thức từ sau xung đột năm 2008. Moskva hy vọng hai nước giữ ổn định ở khu vực biên giới và không mong muốn chứng kiến tình hình xấu đi tại Gruzia.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho rằng dự luật kiểm soát NGO đang "được dùng làm cái cớ để bắt đầu nỗ lực nhằm thay đổi chính phủ Gruzia bằng vũ lực". Theo ông, các cuộc biểu tình tại Gruzia "được dàn dựng từ nước ngoài với mục đích gây căng thẳng ở biên giới Nga" và phe đối lập ở Gruzia "được phép làm bất cứ điều gì họ muốn vì lợi ích của phương Tây".

Chính phủ Gruzia và đảng cầm quyền những ngày qua liên tục chỉ trích phe đối lập lợi dụng tình hình để lan truyền "thông tin cực đoan". Họ cam kết sau khi rút dự luật sẽ tổ chức thêm nhiều cuộc tiếp xúc cử tri để giải thích rõ hơn lập trường của đảng về tương lai hội nhập châu Âu.

Chủ tịch đảng GD Irakli Kobakhidze tuần này thông báo đã gửi bản thảo dự luật đến Ủy ban Venice, cơ quan tham vấn pháp lý thuộc Hội đồng châu Âu, để xin góp ý xây dựng.

"Chúng tôi nhận thấy có chiến dịch bịa đặt rằng đây là dự luật của Nga. Hoàn toàn dối trá. Họ còn nói dự luật này sẽ kéo đất nước ngày càng xa tấm vé ứng viên EU. Đó cũng là tuyên bố giả dối", Kobakhidze nói.

(Nguồn: Vnexpress)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang