Đại sa thải ngành ô tô; Dầu thô Nga đắt hàng; Nga mở đợt oanh tạc; Ukraine lộ kế hoạch phản công; Saudi Arabia ra giá cho Israel

Đại sa thải ngành ô tô: General Motor ‘hối lộ’ 58.000 lao động tự nghỉ việc để hãng rảnh tay đấu với Elon Musk

Tập đoàn ô tô nổi tiếng của Mỹ muốn tiết kiệm 2 tỷ USD chi phí để chuyển hướng tập trung làm xe điện.

Ngày 9/3/2023, CEO Mary Barra của General Motor (GM) đã gửi một bức thư điện tử đến toàn thể công ty, đề nghị chi trả một khoản tiền cho 58.000 lao động của hãng để họ tự nghỉ việc.

Tuyên bố gây sốc này của GM được đưa ra trong bối cảnh hãng muốn từ bỏ ngành xe xăng truyền thống để chuyển hướng tập trung làm xe điện, cạnh tranh với Tesla của Elon Musk. Theo dự kiến, kế hoạch này nếu được thực thi sẽ tiết kiệm cho GM khoảng 2 tỷ USD chi phí cố định trong 2 năm tới.

Dẫu vậy, động thái này vẫn khiến người lao động phẫn nộ khi GM vừa mới công bố báo cáo tài chính với khoản lợi nhuận kỷ lục 14,5 tỷ USD cho năm 2022. Tập đoàn xe hơi truyền thống này dự định sẽ chi hàng tỷ USD trong vài năm tới để chuyển hướng làm ô tô điện và những mảng khác.

Tương tự như GM, hãng Ford cũng đã tuyên bố chuyển hướng tập trung sang mảng xe điện và đuổi việc hàng nghìn lao động vào mùa thu năm 2022. Tập đoàn Ford cho biết họ đã chi tới 20 tỷ USD để tái cơ cấu lại tổ chức cho sản xuất ô tô điện, đồng thời chi 30 tỷ USD nữa để phát triển, nghiên cứu mảng này.

Trong khi đó, GM cho biết hãng sẽ chi đến 35 tỷ USD để biến xe điện thành mảng kinh doanh có lợi nhuận vào năm 2025.

Hiện công việc chuyển hướng của GM không được thuận lợi cho lắm khi dự án xe điện hạng sang của họ bị chậm tiến độ. Thế rồi dòng xe điện Hummer EV của GM cũng bị ngừng kinh doanh sau khi phát hiện lỗi rò rỉ nước vào ắc quy.

Quay trở lại câu chuyện đuổi việc, hãng tin Fox 2 News nhận định động thái của GM là nhằm đảm bảo việc tái cấu trúc không vấp phải sự phản đối kịch liệt từ người lao động khi công ty đã bồi thường để nhân viên tự nguyện nghỉ việc.

Theo ước tính, GM sẽ tốn khoảng 1,5 tỷ USD tiền bồi thường và 300 triệu USD tiền lương hưu nữa cho người lao động khi tiến hành cải tổ bộ máy.

Những lao động của GM sẽ được nhận trước 1 tháng lương cùng chi phí y tế, bảo hiểm trong vòng 1 năm nếu tự nguyện nghỉ thay vì bị sa thải.

Theo hãng tin CNBC, lần cuối cùng GM có động thái tương tự là vào năm 2018-2019 khi công ty phải đóng cửa vài nhà máy và đề nghị hàng nghìn lao động thôi việc thông qua các khoản bồi thường. Việc tránh sa thải không những giúp GM thoát khỏi các vụ kiện tụng từ phía công đoàn, sự biểu tình và giận giữ của người lao động cũng như những rắc rối liên quan.

“Bằng việc giảm vĩnh viễn chi phí cố định, chúng tôi có thể cải thiện lợi nhuận và gia tăng được lợi thế cạnh tranh trên thị trường”, CEO Barra nói trong bức thư điện tử gửi toàn thể nhân viên.

(Nguồn: CafeF)

Dầu thô Nga bán "đắt như tôm tươi", giá tăng mạnh

Mức chào giá đối với dầu thô Urals và ESPO của Nga cũng như dầu nhiên liệu đã tăng trong những tuần qua.

Giá bán dầu thô và nhiên liệu của Nga đang tăng đối với những khách hàng châu Á khi nhóm khách hàng lớn từ Trung Quốc và Ấn Độ ngày càng mở rộng, gây áp lực lên các nhà máy lọc dầu nhỏ hơn vốn đang háo hức mua được dầu giá rẻ.

Theo các thương nhân, mức chào giá đối với dầu thô Urals và ESPO của Nga cũng như dầu nhiên liệu đã tăng trong những tuần qua. Các thương nhân cho biết sự quan tâm ngày càng tăng từ các nhà máy lọc dầu tư nhân lớn và thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc như Sinopec, PetroChina Co. và Hengli Petrochemical Co. bên cạnh nhu cầu của Ấn Độ tăng vọt đã khiến họ phải mua dầu với giá cao hơn.

Các nhà máy lọc dầu lớn hiện đã tập trung vào một ngách thường bị chi phối bởi các nhà tinh chế độc lập nhỏ hơn của Trung Quốc, vốn là những người tiêu dùng nhất quán đối với dầu thô giảm giá của Nga. Dầu ESPO của Nga đặc biệt được ưa chuộng do khoảng cách vận chuyển ngắn.

Giá chào dầu ESPO thường được bốc tại cảng Kozmino thấp hơn gần 6,5 USD đến 7 USD/thùng so với giá dầu Brent được giao đến Trung Quốc, trong khi các loại dầu Urals hàng đầu được vận chuyển từ các cảng phía Tây có giá thấp hơn khoảng 10 USD so với mức chuẩn. Đó là mức sau khi đã tăng tới 2 USD so với tháng trước, đánh dấu một trong những bước nhảy mạnh nhất kể từ khi lệnh trừng phạt được áp dụng vào ngày 5/12/2022.

Trong khi đó, giá chào dầu nhiên liệu M-100 của Nga, một loại có thể được sử dụng thay cho dầu thô để sản xuất xăng và dầu diesel, đã tăng từ 160 - 180 USD/một tấn so với tiêu chuẩn định giá của Platts, tăng so với tháng trước khi phí bảo hiểm dao động quanh mức 130 USD/tấn.

Trung Quốc và Ấn Độ đã trở thành những khách hàng chính mua dầu thô Nga sau khi hầu hết các nước xa lánh năng lượng của Nga. Nhóm người mua sẵn sàng nhập khẩu dầu giá rẻ từ Nga đã tăng khi nhiều nước ngạt bỏ những lo ngại về các biện pháp trừng phạt của Phương Tây - đã từng khiến họ đứng ngoài cuộc.

Nhiều nhà nhập khẩu cảm thấy thoải mái với các phương pháp giảm rủi ro bằng cách yêu cầu người bán xử lý vận chuyển và bảo hiểm, ngoài việc sử dụng các ngân hàng ngoài phương Tây và thanh toán bằng đồng nhân dân tệ, rupee, dirham hoặc rúp. Các thương nhân cho biết, cách tiếp cận này giúp người mua tự tin hơn để duy trì và thậm chí tăng sản lượng mua mà không phải lo lắng quá nhiều về việc phải tuân thủ mức trần giá 60 USD/thùng.

Không rõ liệu hàng nhập khẩu của Ấn Độ và Trung Quốc hiện có đáp ứng các điều khoản của trần giá hay không, vì hầu hết hàng hóa được bán trên cơ sở giao hàng với chi phí vận chuyển và bảo hiểm không rõ ràng. Tuy nhiên, Mỹ cho biết, Ấn Độ vẫn đang tuân thủ cơ chế trần giá.

Các chuyến hàng trung bình trong bốn tuần tới các khách hàng châu Á của Nga cộng với những chuyến hàng trên các con tàu không có điểm đến cuối cùng đã tăng cao hơn trong khoảng thời gian tính đến ngày 3/3 lên 3,1 triệu thùng/ngày. Đó cũng là mức cao nhất kể từ khi Bloomberg bắt đầu theo dõi dòng chảy của dầu vào đầu năm 2022.

Theo Phó Chủ tịch S&P Toàn cầu Dan Yergin, Nga dự kiến ​​sẽ duy trì sản lượng dầu thô lâu hơn nhiều người dự kiến. Ông chia sẻ với Bloomberg TV rằn sản lượng của Nga sẽ giảm chậm nhưng không phải là “sự sụp đổ nghiêm trọng như một số người đã dự đoán một năm trước”.

(Nguồn: Soha)

Chiến tranh Ukraine: Nga bắn tên lửa siêu thanh trong đợt oanh tạc mới

Ít nhất chín người đã thiệt mạng trong làn sóng không kích mới trên khắp Ukraine trong đó Nga đã sử dụng các vũ khí mạnh gồm các tên lửa siêu thanh hiếm.

Đây được cho là lần đầu Nga bắn tên lửa siêu thanh Kinzhal - có khả năng tránh các hệ thống phòng không - kể từ những tháng đầu cuộc chiến.

Đợt oanh tạc mới nhất là đợt tấn công nặng nhất mà Ukraine phải gánh chịu trong nhiều tuần qua.

Nga bắn phá làm nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia bị mất điện, nhưng sau đó đã nối lại.

Hôm thứ Năm, người phát ngôn bộ quốc phòng Nga Igor Konashenkov nói: "Các vũ khí có độ chính xác cao tầm xa trên cạn, trên biển và trên không, trong đó có hệ thống tên lửa siêu thanh Kinzhal, đã đánh vào các vị trí quan trọng trong cơ sở hạ tầng quân sự của Ukraine."

Thứ năm ngày 9/3 là ngày Nga oanh tạc Ukraine mạnh nhất kể từ cuối tháng Một.

Quân đội Ukraine tuyên bố họ đã bắn hạ thành công 34 tên lửa hành trình và bốn drone Shahed sản xuất tại Iran.

Nhưng quân đội Ukraine cũng nói họ không thể chặn được sáu tên lửa đạn đạo Kinzhal - hay phá hủy được các vũ khí cũ hơn, như tên lửa chống hạm Kh-22 và tên lửa phòng không S-300.

"Đây là một vụ tấn công lớn và lần đầu tiên Nga tấn công với nhiều loại tên lửa khác nhau," hãng tin Reuters dẫn lời người phát ngôn không quân Ukraine. "Chưa bao giờ có đợt tấn công như vậy cả."

Tổng thống Vladimir Putin từng nhấn mạnh việc Nga đầu tư vào các tên lửa đạn đạo siêu thanh, có khả năng đi nhanh hơn tốc độ âm thanh tới năm lần.

Công ty năng lượng hạt nhân Energoatom nói vụ không kích vào nhà máy Zaporizhzhia đã cắt nhà máy này khỏi hệ thống điện Ukraine.

Đây là lần thứ sáu từ khi Nga chiếm nhà máy này cách đây một năm, nhà máy phải vận hành bằng máy nổ chạy diesel cho tới khi nguồn điện được nối lại.

"Việc mất tất cả điện bên ngoài ngày hôm nay một lần nữa cho thấy tình hình rất nguy hiểm và dễ tổn thương đối với Nhà máy Điện Hạt nhân Zaporizhzhia," ông Rafael Grossi, giám đốc Cơ quan Năng lượng Hạt nhân Quốc tế (IAEA) nói.

Sáng thứ Năm, ông kêu gọi cần có cam kết quốc tế bảo vệ nhà máy này, sau một chuỗi các đợt không kích kể từ khi Nga xâm lược Ukraine.

"Mỗi lần chúng ta lại lăn xúc xắc. Nếu chúng ta để tình trạng này tiếp tục hết lần này tới lần khác thì một ngày chúng ta sẽ không còn may mắn nữa," ông Grossi nói.

Ở thủ đô Kyiv, các dịch vụ khẩn cấp đến cứu hộ ở hiện trường nơi có các vụ nổ ở các quận phía tây và nam thành phố.

Một tên lửa cũng rơi trúng vào một nhà máy điện ở thành phố cảng Odesa, gây mất điện, thị trưởng Maksym Marchenko cho biết. Các khu dân cư cũng bị đánh nhưng không có thương vong nào bị ghi nhận.

Ở những nơi khác, quân đội Ukraine nói họ đã chống trả các cuộc tấn công tàn khốc của Nga ở thành phố Bakhmut, phía đông Ukraine. Quân Nga tuyên bố đã kiểm soát nửa phía đông của thành phố này.

Moscow đã tìm cách chiếm Bakhmut nhiều tháng qua, và cả hai bên chịu tổn thất nặng nề.

"Kẻ thù tiếp tục tấn công và không có dấu hiệu ngưng nghỉ đánh phá thành phố Bakhmut," tư lệnh quân đội Ukraine nói. "Các chiến sỹ tự vệ đã đẩy lùi các cuộc tấn công vào Bakhmut và các cộng đồng xung quanh."

Khoảng từ 20.000 tới 30.000 binh sỹ Nga đã bị giết hay bị thương trong trận đấu ở thành phố Bakhmut kể từ đầu mùa hè, các quan chức phương Tây nói. Con số này không thể được kiểm chứng độc lập.

(Nguồn: BBC)

Ukraine tiết lộ kế hoạch phản công

Giới chức Ukraine cho biết, quân đội nước này đang chuẩn bị cho kế hoạch phản công chiến dịch quân sự của Nga sau những tháng mùa đông chiến trường gần như đóng băng.

Newsweek ngày 10/3 dẫn lời ông Mykhailo Podolyak, cố vấn cấp cao của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, cho biết chiến dịch phản công của quân đội nước này có thể sẽ bắt đầu trong khoảng hai tháng tới.

Ông cho biết thêm, quân đội Ukraine trước tiên sẽ tập trung vào việc cố gắng giữ quyền kiểm soát thành phố Bakhmut ở tỉnh Donetsk, miền Đông nước này.

Bakhmut là mặt trận giao tranh dữ dội nhất ở Ukraine trong vài tháng qua. Theo đánh giá gần đây từ Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ, lực lượng Nga có thể đã quá kiệt quệ do giao tranh ở thành phố này cũng như các chiến tuyến khác. Tổ chức này cũng cho rằng, Ukraine có thể tiến hành một cuộc rút quân chiến thuật nhỏ ở Bakhmut, một phần để bảo toàn nguồn lực cho cuộc phản công sắp tới.

"Chúng tôi không vội vàng, chúng tôi sẽ tổ chức lại quân đội trong hai tháng tới. Chúng tôi sẽ khiến quân đội Nga ở Bakhmut kiệt sức và sau đó tập trung phản công ở nơi khác", ông Podolyak nói.

Ông cho biết thêm, vì quân đội Nga đã đưa rất nhiều binh sĩ đến Bakhmut, nên Ukraine có thể tập trung bổ sung lực lượng trong khi vẫn tham gia vào cuộc xung đột với Moscow.

"Điều quan trọng là, phía Nga đang phải di chuyển theo hướng này. Do đó, chúng tôi có hai mục tiêu: giảm số lượng binh sĩ sẵn sàng chiến đấu của họ càng nhiều càng tốt, ép họ tham gia vào một số trận chiến quan trọng nhưng vô cùng mệt mỏi, và làm gián đoạn đợt tấn công của họ. Đồng thời, chúng tôi sẽ tập trung nguồn lực vào nơi khác cho mục tiêu cuộc phản công trong mùa xuân", ông Podolyak nói.

Ông nhấn mạnh, chiến lược mà Ukraine áp dụng ở Bakhmut hiện khá hiệu quả, vượt qua các nhiệm vụ chính được đưa ra trước đó. Ngoài ra, ông lặp lại lời kêu gọi thường xuyên của Ukraine đối với các đồng minh phương Tây về việc cung cấp cho nước này tên lửa tầm xa và nhiều đạn pháo hạng nặng hơn.

Không chỉ ông Podolyak, các quan chức Ukraine khác gần đây cũng công khai phát biểu về một cuộc phản công mùa xuân được dự đoán trước. Cụ thể, ngày 24/2, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov cho biết, quân đội nước này đang chuẩn bị cho hành động như vậy.

"Một năm trước, rất khó để chúng tôi có được vũ khí quan trọng. Còn hiện nay, các nước văn minh khác nhận ra rằng chúng tôi là lá chắn của châu Âu ở phía đông. Vì vậy, sẽ có một cuộc phản công. Chúng tôi đang nỗ lực chuẩn bị và đảm bảo an toàn cho nó", AFP dẫn lời ông Reznikov.

Anton Gerashchenko, cố vấn của Bộ trưởng Nội vụ Ukraine, cũng nói với Newsweek trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 2 rằng, một cuộc phản công sắp diễn ra.

Ông cho biết, Nga đã bắt đầu cuộc tấn công của riêng mình và giao tranh đã tăng cường ở một số khu vực của tiền tuyến. Trong khi đó, Ukraine đang "chờ đợi nguồn cung cấp thiết bị của phương Tây để bắt đầu phản công".

Xung đột Nga - Ukraine đã bước sang năm thứ hai và tiếp tục căng thẳng. Tổng thống Ukraine Zelensky hôm qua nói rằng, Nga đã sử dụng hơn 5.000 tên lửa, hơn 1.000 máy bay không người lái kể từ khi mở chiến dịch quân sự ở Ukraine tháng 2 năm ngoái.

(Nguồn: Dân Trí)

Saudi Arabia ra giá đắt cho việc bình thường hóa quan hệ với Israel

Thái tử Saudi Arabia đang tìm kiếm một chương trình hạt nhân dân sự và đảm bảo an ninh từ Tổng thống Joe Biden - cái giá quá đắt cho thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với Israel.

Nếu được ký kết, thỏa thuận này có thể dẫn đến sự sắp xếp lớn trật tự chính trị ở Trung Đông, theo New York Times.

Yêu cầu đầy tham vọng của Riyadh mang đến cho Tổng thống Biden cơ hội làm trung gian cho một thỏa thuận kịch tính, tái định hình mối quan hệ giữa Israel và quốc gia Arab hùng mạnh nhất.

Thỏa thuận này cũng hoàn thành một trong những mục tiêu ấp ủ lớn nhất của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, nhằm tăng cường an ninh trước Iran.

Điều kiện của Saudi Arabia

Theo New York Times, các quan chức và chuyên gia ở cả Mỹ và Trung Đông có quan điểm trái ngược về đề xuất của Saudi Arabia, do mối quan hệ lạnh nhạt giữa ông Biden và Thái tử Mohammed bin Salman.

Gần đây, tình trạng bạo lực giữa Israel và Palestine cũng gia tăng. Chính phủ Saudi nhiều lần công khai lên án các hành động của Israel, làm mờ đi triển vọng thỏa thuận trong ngắn hạn.

Vào tháng 2, Ngoại trưởng Saudi Arabia Faisal bin Farhan mô tả tình hình ở Israel “rất nguy hiểm” và nói bất kỳ mối quan hệ nào với nước này phải “bao gồm cả người Palestine, vì nếu không giải quyết vấn đề nhà nước Palestine, chúng tôi sẽ không có một nền hòa bình thực sự trong khu vực”.

Tuy nhiên, Wall Street Journal dẫn lời một số nguồn thạo tin cho biết chính phủ Riyadh có thể sẽ hạ thấp yêu cầu.

“Thật thú vị. Ông Netanyahu rất muốn điều đó và ông ấy chỉ có thể đạt được với sự giúp đỡ của ông Biden”, Martin Indyk, cựu Đại sứ Mỹ tại Israel, nhận định.

“Tình huống này giúp Tổng thống Biden có đòn bẩy để thuyết phục ông Netanyahu rằng sẽ không có gì tốt đẹp xảy ra với Saudi Arabia nếu Israel khiến tình hình ở Bờ Tây và Đông Jerusalem bùng nổ”, ông cho hay.

Vị cựu đại sứ cũng nói thêm ông Biden sẽ coi việc bình thường hóa quan hệ giữa các quốc gia là vì lợi ích của Mỹ, nhằm chống lại ảnh hưởng của Iran.

Tuy nhiên, các yêu cầu của Riyadh gây ra một số trở ngại. Các quan chức Mỹ từ lâu đã cảnh giác với những nỗ lực thiết lập một chương trình hạt nhân dân sự của Saudi. Họ lo ngại đây có thể là bước đầu tiên hướng tới vũ khí hạt nhân, thứ mà Riyadh sẽ sử dụng như một sự bảo đảm chống lại Iran - quốc gia có khả năng trang bị vũ khí hạt nhân.

Theo các nguồn tin, hiện các điều khoản trong thỏa thuận an ninh chưa được xác định, nhưng có thể không đạt tới mức phòng thủ chung như điều khoản ràng buộc các quốc gia NATO.

Và ngay cả khi tổng thống Mỹ sẵn sàng đáp ứng các điều khoản của Thái tử Mohammed, ông sẽ gặp phải sự phản đối quyết liệt tại Quốc hội, nơi nhiều đảng viên Dân chủ đã thúc ép hạ cấp quan hệ với Saudi Arabia.

“Mối quan hệ của chúng ta với Saudi Arabia phải là mối quan hệ song phương trực tiếp. Nó không nên thông qua Israel", Thượng nghị sĩ Christopher S. Murphy, đảng viên Dân chủ và là thành viên của Ủy ban Đối ngoại, cho biết.

“Người Saudi Arabia đã liên tục cư xử tồi tệ hết lần này đến lần khác”, ông Murphy nói, đồng thời thúc giục chính quyền Mỹ giới hạn việc bán vũ khí cho quốc gia này.

Cơ hội hay cái bẫy?

Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ từ chối bình luận trực tiếp về các cuộc thảo luận ngoại giao nhưng cho biết chính quyền ông Biden ủng hộ mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa Israel và các nước láng giềng Trung Đông, bao gồm cả Saudi Arabia.

Đại sứ quán Israel tại Washington không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận. Mặc dù Thủ tướng Netanyahu thường xuyên nhấn mạnh mong muốn đạt được thỏa thuận ngoại giao với Saudi Arabia.

“Tôi tin rằng thỏa thuận hòa bình giữa chúng tôi và Saudi sẽ dẫn đến một thỏa thuận với người Palestine”, ông Netanyahu nói.

Trong khi đó, hai nguồn thạo tin tiết lộ các cuộc đàm phán đang được dẫn dắt bởi ông Brett McGurk, điều phối viên của Hội đồng An ninh Quốc gia về Trung Đông và Bắc Phi, và ông Amos Hochstein, trợ lý hàng đầu của Tổng thống Biden về các vấn đề năng lượng toàn cầu.

Thông tin về các cuộc thảo luận này được tiết lộ trong bối cảnh quan hệ giữa Washington và Riyadh có chiều hướng đi xuống, sau cuộc tranh cãi công khai về quyết định khuyến nghị các quốc gia OPEC+ giảm sản lượng dầu của Saudi Arabia.

Chỉ vài tháng trước đó, Tổng thống Biden đã đến thăm thủ đô Riyadh, gặp mặt Thái tử Mohammed và tin rằng quốc gia Trung Đông này sẽ duy trì sản lượng dầu cao hơn. Các quan chức chính quyền ông Biden cho biết họ rất ngạc nhiên và tức giận trước quyết định cắt giảm sản lượng, đồng thời tuyên bố đánh giá lại mối quan hệ của Mỹ với Riyadh, theo CNN.

Với tư cách ứng viên tổng thống năm 2020, ông Biden cũng từng cam kết biến Saudi Arabia thành đất nước bị cộng đồng quốc tế “bài xích” vì cuộc chiến ở Yemen, đồng thời buộc họ “trả giá” cho vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi năm 2018.

Do đó, ông Abdulaziz Alghashian, nhà nghiên cứu chính sách của Saudi Arabia với Israel, cho rằng với mối quan hệ căng thẳng giữa hai bên, đề xuất của Riyadh có thể được hiểu là một “động thái khoa trương”.

Mục tiêu của họ là đặt ông Biden vào tình thế khó xử khi từ chối hỗ trợ một thỏa thuận mà Israel luôn mong muốn - kết quả có thể khiến các nhóm người Mỹ gốc Do Thái có ảnh hưởng chính trị thất vọng.

Ông Alghashian nói rằng khó có khả năng các quan chức Saudi Arabia sẽ thực sự tạo điều kiện cho ông Biden giành được một chiến thắng đối ngoại lớn, do họ bất bình với chính quyền Mỹ hiện tại.

Tuy nhiên, thực tế là các cuộc thảo luận đang diễn ra. Điều này cho thấy cách Thái tử Mohammed lựa chọn hình ảnh một người thực dụng hơn là một nhà tư tưởng, sẵn sàng phá vỡ truyền thống để theo đuổi những gì ông coi là lợi ích đất nước.

“Chúng tôi không coi Israel là kẻ thù, mà là một đồng minh tiềm năng”, Thái tử Mohammed nói với tờ Atlantic, theo bản ghi được cơ quan báo chí Saudi Arabia công bố.

Vào tháng 7/2022, quốc gia này đã cho phép các hãng hàng không Israel tiếp cận nhiều hơn với không phận, trong một động thái mà các nhà phân tích coi là tín hiệu cho thấy Saudi Arabia đã sẵn sàng hợp tác với Israel.

(Nguồn: Zing News)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang