Hàng rẻ TQ thống trị thế giới; Dân số già làm khó Tập; NATO tuổi 75; Ukraine sụp đổ phòng tuyến; Israel đối diện 'áp lực kép'

MỐI NGUY TĂNG CAO KHI HÀNG GIÁ RẺ TRUNG QUỐC THỐNG TRỊ THẾ GIỚI

Do cung lớn hơn cầu trong nước, Trung Quốc buộc phải xuất khẩu hàng hóa có giá thành rẻ ra nước ngoài dẫn đến căng thẳng với các đối tác thương mại thế giới.

Các nhà máy Trung Quốc được cho là đang sản xuất nhiều thép, ô tô và tấm pin mặt trời hơn mức nền kinh tế vốn đang chậm lại của nước này có thể sử dụng. Điều đó buộc các mặt hàng giá rẻ "Made in China" (Sản xuất tại Trung Quốc) cần phải xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.

Theo CNN , tình trạng dư cung hàng hóa Trung Quốc trong các ngành công nghiệp chủ chốt cũng dẫn đến căng thẳng giữa nhà sản xuất lớn nhất thế giới và các đối tác thương mại lớn, bao gồm Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Thặng dư thương mại hàng hóa toàn cầu của quốc gia này đã tăng vọt và hiện đạt gần 1.000 tỷ USD.

Mỹ và EU đang lo ngại về khả năng Trung Quốc “bán phá giá” - tức là xuất khẩu hàng hóa với giá thấp một cách có chủ đích - trong đó xe điện là một trong những sản phẩm điển hình.

Jens Eskelund, Chủ tịch Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc, cho biết: “Châu Âu không thể chấp nhận việc các ngành công nghiệp có tính chiến lược đang cấu thành cơ sở công nghiệp bị định giá ngoài thị trường”.

Dù vậy, Trung Quốc vẫn cần tăng cường xuất khẩu như một biện pháp quan trọng để vực dậy nền kinh tế đang phải vật lộn với tình trạng khủng hoảng bất động sản kéo dài, chi tiêu hộ gia đình yếu, dân số suy giảm và nhiều vấn đề khác.

Bắc Kinh hiện đặt trọng tâm vào xuất khẩu có giá trị cao hơn sau khi đầu tư hàng tỷ USD vào ngành sản xuất tiên tiến. Tuy nhiên, động thái này dường như diễn ra không đúng lúc khi bối cảnh kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm hơn, đồng thời người tiêu dùng phương Tây đang dần chuyển từ chi tiêu mua sắm hàng hóa sang nhu cầu về du lịch và giải trí.

Bên cạnh đó, động thái cũng đi ngược lại với lại những chính sách thúc đẩy của châu Âu và Mỹ nhằm mục đích giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, gia tăng sản xuất nội địa cũng như tạo cơ hội việc làm. Có thể kể đến các đạo luật đã được thông qua như Công nghiệp Net-Zero (EU) và Đạo luật Giảm lạm phát (Mỹ).

Ông Eskelund cho biết: “Châu Âu chắc chắn không ngồi yên chứng kiến quá trình phi công nghiệp hóa ngày càng tăng tốc, do nhu cầu tiêu thụ hàng hóa nội địa thấp ở Trung Quốc dẫn đến gia tăng xuất khẩu”.

Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, giá xuất khẩu của nước này đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2009, trong bối cảnh phương Tây đang quay cuồng vì cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Trong khi đó, thặng dư thương mại hàng hóa của Trung Quốc đã tăng hơn gấp đôi kể từ khi xảy ra đại dịch COVID-19, theo Brad W. Setser, thành viên cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ. Năm 2019, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới xuất khẩu hàng hóa ước tính nhiều hơn 400 tỷ USD so với nhập khẩu. Đến năm 2023, thặng dư đã tăng vọt lên mức 900 tỷ USD.

Đa dạng các ngành hàng

Hoạt động xuất khẩu hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc tăng mạnh sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001. Nền kinh tế và vị thế của nước này với tư cách là một "công xưởng" của thế giới cũng tăng trưởng đáng kể kể từ thời điểm đó.

Sau khi chinh phục ngành sản xuất quần áo và điện tử tiêu dùng, Trung Quốc hiện đang thống trị xe điện, tấm pin mặt trời và tua-bin gió, những ngành được coi là có tầm quan trọng chiến lược ở châu Âu và Mỹ khi họ tìm cách xanh hóa nền kinh tế và giảm thiểu ô nhiễm trong bối cảnh trái đất nóng lên.

Các nhà sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời của châu Âu gần như đã bị "xóa sổ" bởi sự cạnh tranh của Trung Quốc, và kịch bản tương tự cũng đe dọa ngành công nghiệp điện gió của châu lục này.

Markus W. Voigt, Giám đốc điều hành của Aream Group, tập đoàn quản lý tài sản chuyên về năng lượng tái tạo, cho biết: "Các công ty châu Âu có thể tụt hậu so với (nhà sản xuất Trung Quốc) Goldwind, vốn đã chào bán tua-bin với giá thấp hơn nhiều so với các nhà sản xuất châu Âu uy tín".

Trong ba tháng cuối năm 2023, BYD của Trung Quốc đã vượt qua Tesla để trở thành hãng bán xe điện nhiều nhất trên toàn thế giới, đánh dấu mức tăng trưởng vượt trội của nhà sản xuất ô tô được Warren Buffett hậu thuẫn.

So với Tesla, xe của BYD có giá cả phải chăng hơn và điều này giúp hãng thu hút được nhiều người mua hơn. Mẫu xe cơ bản của họ được bán ở Trung Quốc với giá tương đương dưới 10.000 USD. Trong khi đó, chiếc xe Tesla rẻ nhất là Model 3, có giá gần 39.000 USD.

Ông Brad W. Setser cho biết, bên cạnh “tăng cường xuất khẩu xe điện”, Trung Quốc sản xuất 80% tấm pin mặt trời trên thế giới và nhiều tua-bin gió so với hầu hết các quốc gia khác.

“Chính sách của Trung Quốc tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao năng lực trong lĩnh vực sản xuất tiên tiến, như một động lực chính cho tăng trưởng trong tương lai”, ông cho hay.

Đầu tháng này, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường phát biểu trước Quốc hội Trung Quốc rằng chính phủ sẽ đẩy mạnh xuất khẩu “bộ ba sản phẩm mới”, gồm xe điện, pin lithium và tấm pin mặt trời.

Ông Jens Eskelund từ Phòng Thương mại EU cho biết tổ chức này đang chứng kiến “tình trạng dư thừa năng lực trên mọi lĩnh vực” ở Trung Quốc, dù trong sản xuất hóa chất, kim loại hay xe điện.

Căng thẳng thương mại gia tăng

Theo CNN , Chính phủ Trung Quốc nhận thức được vấn đề dư thừa công suất của đất nước và lần đầu tiên sau một thập kỷ thừa nhận "đây là một vấn đề" tại cuộc họp thường niên của các quan chức cấp cao vào tháng 12/2023.

Tuy nhiên, trước khi diễn ra Diễn đàn Phát triển Trung Quốc được tổ chức vào cuối tháng 3 vừa qua, một số cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc đã đăng tải các bài xã luận, phản bác rằng tình trạng dư cung của nước này gây ra mối đe dọa cho các nền kinh tế khác.

Tờ Tân Hoa Xã viết: “Thứ Trung Quốc xuất khẩu là năng lực sản xuất tiên tiến, đáp ứng nhu cầu của khách hàng nước ngoài”.

Tuy nhiên, Washington và Brussels có quan điểm khác. Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây cam kết sẽ điều tra xem liệu việc nhập khẩu xe Trung Quốc có gây ra mối đe dọa an ninh quốc gia hay không.

Ông Biden cho biết trong một tuyên bố vào tháng trước: “Một ngành công nghiệp ô tô năng động có ý nghĩa sống còn đối với nền kinh tế Mỹ. Trung Quốc quyết tâm thống trị tương lai của thị trường ô tô, bao gồm cả việc thực hiện các hành động không công bằng. Các chính sách của Trung Quốc có thể khiến phương tiện của họ ngập tràn trên thị trường của chúng tôi, gây ra lo ngại về an ninh quốc gia”.

Trong khi đó, EU đang xem xét sự hỗ trợ của chính phủ Trung Quốc dành cho các nhà sản xuất xe điện, điều mà họ nghi ngờ có thể giúp các công ty này giữ mức giá siêu thấp, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh với các đối thủ châu Âu.

Các quan chức EU cũng đang xem xét liệu các biện pháp hiện hành để bảo vệ ngành thép châu Âu nên được gia hạn hay điều chỉnh hay không, cũng như điều tra các cáo buộc về việc bán phá giá dầu diesel sinh học của Trung Quốc, sau khiếu nại của các nhà sản xuất của khu vực này. Diesel sinh học là nguồn năng lượng tái tạo thay thế cho nhiên liệu hóa thạch được sử dụng trong lĩnh vực vận tải của EU.

Tháng 12/2023, Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan điều hành của EU, cho biết họ có thể áp thuế đối với dầu diesel sinh học nhập khẩu từ Trung Quốc nếu việc bán phá giá được xác nhận.

Về phần mình, Trung Quốc dường như đang có động thái đáp trả. Tuần này, họ thông báo đã nộp đơn khiếu nại lên WTO để phản đối “các chính sách trợ cấp phân biệt đối xử” đối với xe điện theo Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ. Đầu năm nay, Bắc Kinh cũng đã mở cuộc điều tra chống bán phá giá đối với rượu mạnh nhập khẩu từ EU.

Theo chuyên gia Jennifer McKeown, nhà kinh tế trưởng toàn cầu tại Capital Economics, nếu có một điểm tích cực nào đó về ảnh hưởng của Trung Quốc đối với thương mại toàn cầu, đó là việc "sẽ giúp kiểm soát giá hàng hóa và lạm phát tổng thể ở các nền kinh tế tiên tiến trong năm nay".

“Nhưng điều quan trọng hơn, tình trạng dư cung kéo dài và giá hàng hóa Trung Quốc thấp sẽ làm gia tăng căng thẳng địa chính trị, đồng thời xuất hiện các mối đe dọa về thuế quan và thuế quan đối kháng”, bà McKeown nói và cho rằng tất cả điều này "sau cùng có thể làm gia tăng lạm phát trong những năm tới".

TẬP CẬN BÌNH ĐỐI DIỆN MỐI NGUY TỪ DÂN SỐ GIÀ

Khi được hỏi về lương hưu của mình, người nông dân 72 tuổi Tào Hoán Xuân đáp lại bằng một nét cười nhăn nhó.

Ông rít điếu thuốc tự cuốn, nhíu mày và nghiêng đầu, như thể đó là một câu hỏi vô lý. "Không, không, chúng tôi không hề có lương hưu," ông Tào đáp khi nhìn người vợ hơn 45 năm chung sống của mình.

Ông Tào thuộc thế hệ chứng kiến sự ra đời của nhà nước Trung Quốc Cộng sản. Tương tự đất nước mình, ông Tào chưa kịp giàu thì đã già rồi. Giống nhiều lao động nông thôn và nhập cư, ông không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục làm việc và kiếm tiền bởi tấm lưới an sinh xã hội yếu kém.

Nền kinh tế giảm tốc, phúc lợi chính phủ bị thu hẹp và chính sách một con tồn tại hàng thập kỷ đã tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân khẩu học ngày càng gia tăng ở Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình.

Quỹ hưu Trung Quốc đang dần khô kiệt mà quốc gia này lại đang cạn thời gian trong việc kiếm đủ tiền cho quỹ này nhằm chăm sóc lượng người già ngày càng tăng.

Trong thập kỷ tới, khoảng 300 triệu người hiện ở độ tuổi từ 50 đến 60 sẽ rời khỏi lực lượng lao động Trung Quốc. Đây là nhóm tuổi đông nhất cả nước, gần như tương đương với dân số Mỹ.

Ai sẽ chăm sóc họ? Câu trả lời tùy thuộc vào địa điểm và người được hỏi.

Ông Tào cùng vợ sống tại Liêu Ninh, một tỉnh miền đông bắc Trung Quốc và là trung tâm công nghiệp cũ của nước này.

Những vùng đất nông nghiệp bao la cùng các ngọn đồi khai khoáng ôm lấy thành phố Thẩm Dương. Những cột khói từ các nhà máy luyện kim lấp đầy đường chân trời, cùng với đó là những di sản thế giới đã có từ thời nhà Thanh được bảo tồn cẩn thận.

Gần 1/4 dân số ở đây nằm trong độ tuổi 65 trở lên. Ngày càng nhiều người trưởng thành trong độ tuổi lao động rời bỏ trung tâm công nghiệp nặng để tìm kiếm việc làm tốt hơn ở các thành phố lớn hơn.

Con cái ông Tào cũng đã chuyển đi nhưng vẫn ở đủ gần để đến thăm cha mẹ thường xuyên.

"Tôi nghĩ mình chỉ có thể làm việc này thêm 4-5 năm nữa thôi," ông Tào nói sau khi cùng vợ đi kiếm củi về. Bên trong ngôi nhà, ngọn lửa kêu lách tách bên dưới chiếc giường được sưởi ấm. Đó cũng là nguồn sưởi ấm chính cho nhà ông Tào.

Vợ chồng ông Tào kiếm được khoảng 20.000 nhân dân tệ (khoảng 70 triệu đồng VN) mỗi năm. Nhưng bắp họ trồng thì đang rớt giá và họ sẽ không thể chi trả nếu bị bệnh.

"Nếu năm năm nữa mà vẫn còn khỏe mạnh, có lẽ tôi vẫn tự đi lại được. Nhưng nếu yếu đi, tôi có thể phải nằm trên giường. Và thế là hết. Tôi sẽ trở thành gánh nặng cho các con. Chúng sẽ phải chăm sóc tôi," ông Tào chia sẻ.

Đó không phải là tương lai mà người phụ nữ 55 tuổi Đường Quốc Huệ mong muốn. Chồng bà gặp tai nạn tại một công trường xây dựng còn việc học đại học của cô con gái đã ngốn hết tiền tiết kiệm của bà.

Thế là người cựu công nhân máy xúc này đã chuyển sang chăm sóc người cao tuổi để kiếm tiền lo cho tuổi già của chính mình. Bà mở một nhà dưỡng lão nhỏ cách Thẩm Dương không xa.

Heo và ngỗng kêu vang như chào đón từ phía sau căn nhà một tầng. Quanh đó là khu đất nơi bà Đường trồng trọt để chăm nuôi sáu người trong nhà dưỡng lão của mình. Những con vật tại đây không phải là thú cưng mà là thức ăn.

Bà Đường chỉ vào một nhóm bốn người đang chơi bài khi mặt trời chiếu xuyên qua ngôi nhà kính nhỏ.

"Hãy nhìn ông già 85 tuổi đó. Ông ấy không có lương hưu, hoàn toàn dựa vào con trai và con gái mình. Người con trai trả tiền một tháng rồi người con gái trả tiền tháng sau, nhưng chúng cũng cần phải lo cho bản thân nữa," bà Đường cho biết.

Bà Đường lo lắng rằng bà sẽ phụ thuộc vào người con gái duy nhất của mình.

Từ nhiều thế hệ, Trung Quốc đã dựa vào lòng hiếu thảo của con cái để lấp vào khoảng trống trong hoạt động chăm sóc người già. Trách nhiệm của con cái là chăm sóc cha mẹ già.

Nhưng chính sách một con đã khiến các bậc phụ huynh cao tuổi giờ đây có ít con cái để dựa vào. Chính sách này đã ngăn các cặp vợ chồng có hai con trở lên trong khoảng thời gian từ 1980 đến 2015.

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, người trẻ đã rời xa cha mẹ đến sinh sống ở nơi khác, khiến ngày càng nhiều người cao tuổi phải tự chăm sóc bản thân hoặc dựa vào các khoản trợ cấp của chính phủ.

Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc cho biết quỹ hưu trí có thể cạn kiệt vào năm 2035. Đây là ước tính vào năm 2019, trước khi Trung Quốc phong tỏa trong đại dịch COVID-19 khiến nền kinh tế nước này bị ảnh hưởng nặng.

Trung Quốc cũng có thể bị buộc phải tăng tuổi nghỉ hưu, điều mà họ đã lên kế hoạch từ nhiều năm nay. Quốc gia này nằm trong những nước có độ tuổi nghỉ hưu thấp nhất thế giới: 60 đối với nam, 55 đối với phụ nữ làm việc văn phòng và 50 đối với phụ nữ lao động tay chân.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế học nhận định việc tăng tuổi hưu chỉ giải quyết phần ngọn chứ không phải gốc rễ vấn đề, nhất là khi Trung Quốc muốn ngăn chặn cuộc khủng hoảng nhân đạo tiềm tàng trong 25 năm tới.

Cùng lúc đó, ngày càng nhiều người bước vào tuổi nghỉ hưu.

"Chào mừng đến với nhà tôi," bà Phùng, người phụ nữ 78 tuổi và chỉ tiết lộ họ của mình, nói và vẫy tay chào.

Bà Phùng chạy dọc hành lang để báo với chồng rằng có khách đến thăm phòng của họ tại viện dưỡng lão Dương Quang. Lớp học thể dục buổi sáng của bà Phùng vừa kết thúc và đó là nơi mà bà thường cười đùa, buôn chuyện cùng bạn bè.

Viện dưỡng lão này có thể cung cấp nơi ở cho hơn 1.300 người cao tuổi. Khoảng 20 thanh niên tình nguyện đến đây sống miễn phí để chăm sóc một số người già. Các công ty tư nhân tài trợ một phần chi phí cho viện dưỡng lão này, qua đó giảm áp lực cho chính quyền địa phương.

Việc kiếm các doanh nghiệp tư nhân tài trợ cho các viện dưỡng lão là thử nghiệm của giới lãnh đạo Trung Quốc nhằm đối mặt với tình trạng già hóa dân số. Thành phố Hàng Châu ở miền nam Trung Quốc là nơi giàu có để thực hiện các thử nghiệm như vậy.

Thành phố này là một bức tranh trái ngược với Liêu Ninh, với những tòa nhà mới sáng loáng đang mọc lên nhờ những ông lớn công nghệ như Alibaba và Ant. Các công ty này là thỏi nam châm thu hút những doanh nhân trẻ tham vọng.

Vợ chồng bà Phùng đã ở đây được tám năm. Viện dưỡng lão có bầu không khí thân thiện với nhiều hoạt động từ tập thể dục, bóng bàn đến ca hát và diễn kịch.

"Quan trọng là có thể tận hưởng chặng cuối cuộc đời ở một nơi tốt đẹp," bà Phùng nói. Vợ chồng bà đã kết hôn hơn 50 năm và họ chia sẻ rằng đó là tình yêu từ cái nhìn đầu tiên.

Khi người cháu trai hoàn thành bậc trung học cơ sở, vợ chồng bà Phùng cho rằng nhiệm vụ của mình đã xong.

"Rất ít người cùng lứa có chung suy nghĩ với chúng tôi. Dường như chúng tôi quan tâm nhiều hơn đến việc tận hưởng cuộc sống. Những người khác không đồng tình thì cho rằng không cần thiết phải trả nhiều tiền để sống ở đây khi họ có nhà riêng," bà Phùng cho hay.

Bà khẳng định mình "cởi mở" hơn. "Tôi nghĩ kỹ rồi. Tôi vừa trao lại căn nhà của mình cho đứa con trai. Tất cả những gì chúng tôi cần chỉ là lương hưu," bà nói tiếp.

Phòng của vợ chồng bà Phùng tại viện dưỡng lão có giá khoảng 2.000 nhân dân tệ (khoảng 6,9 triệu đồng) một tháng. Là cựu nhân viên của các công ty nhà nước, cả hai đều có đủ lương hưu để trang trải chi phí.

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế của Liên Hợp Quốc, lương hưu của họ cao hơn nhiều so với mức trung bình của Trung Quốc năm 2020 - khoảng 170 nhân dân tệ (khoảng 600.000 đồng) mỗi tháng.

Nhưng ngay cả với những khách hàng có lương hưu khá, viện dưỡng lão Dương Quang vẫn thua lỗ. Giám đốc viện này cho biết việc thành lập các viện dưỡng lão rất tốn kém và cần nhiều thời gian mới có thể tạo ra lợi nhuận.

Bắc Kinh đang gây áp lực buộc các công ty tư nhân lập các trung tâm giữ trẻ, các nhà bảo trợ trẻ em và những cơ sở chăm sóc người già để chia sẻ gánh nặng với các chính quyền địa phương đang ngập nợ. Nhưng liệu những công ty này có tiếp tục đầu tư nếu không thấy lợi nhuận trong thời gian ngắn.

Các nước Đông Á khác như Nhật Bản cũng đang tìm kiếm nguồn vốn để chăm sóc lượng lớn người cao tuổi. Nhưng Nhật Bản đã trở nên giàu có vào thời điểm nước này trở thành một trong những quốc gia sở có số người già lớn nhất thế giới.

Dân số Trung Quốc đang già nhanh mà quốc gia này lại không có điều kiện thuận lợi như Nhật Bản. Do đó, nhiều người cao tuổi buộc phải tự tìm cách kiếm sống ở độ tuổi mà đáng lẽ họ nên lên kế hoạch nghỉ hưu.

Bà Thủy Thủy, một người phụ nữ 55 tuổi, đã tìm được một việc làm mới trong cái gọi là "nền kinh tế tóc bạc" - một nỗ lực nhằm khai thác sức mua của những người cao tuổi thuộc tầng lớp trung lưu.

"Tôi nghĩ điều chúng ta có thể làm là cố gắng tác động đến những người xung quanh để họ trở nên tích cực hơn và tiếp tục học hỏi. Mỗi người có thể có mức thu nhập khác nhau, nhưng dù bạn đang ở trong hoàn cảnh nào, điều tốt nhất là trở nên tích cực," bà Thủy Thủy nói.

Bà Thủy Thủy từng là một doanh nhân và giờ là một người mẫu mới được đào tạo.

Trên bờ Đại Vận Hà đầy nắng ở Hàng Châu, bà và ba người phụ nữ trên 55 tuổi khác đang trang điểm và làm tóc.

Họ khoác lên mình trang phục truyền thống Trung Quốc mang tông đỏ và vàng. Đó là những chiếc váy lụa dài chấm đất và áo khoác ngắn lót lông để tránh cái lạnh mùa xuân. Các quý bà xinh đẹp này đang làm mẫu cho mạng xã hội.

Những người phụ nữ này bước đi bằng giày cao gót qua cây cầu Củng Thần lịch sử và mỉm cười trước ống kính khi nhóm người chuyên làm về mạng xã hội hét lớn để hướng dẫn họ.

Đây là hình ảnh duyên dáng về người già mà bà Thủy Thủy muốn cả thế giới xem được và bà cảm thấy mình đang làm những gì có thể để vực dậy nền kinh tế đang ốm yếu.

Nhưng hình ảnh này trái ngược với thực tế về hàng triệu người già ở Trung Quốc.

Trở lại Liêu Ninh, khói củi bốc lên từ ống khói báo hiệu giờ ăn trưa. Ông Tào đang nhóm lửa trong bếp để đun nước nấu cơm.

“Khi tôi 80 tuổi, tôi mong các con sẽ về sống với mình," ông nói trong lúc đang tìm cái xoong.

"Tôi sẽ không sống với chúng trên thành phố. Chỗ của chúng không có thang máy nên phải đi bộ năm tầng lầu. Điều đó còn khó hơn leo đồi," ông Tào chia sẻ.

Đối với ông Tào, đây cũng chỉ là chuyện thường tình thôi - ông phải tiếp tục lao động cho đến khi không thể làm việc nữa.

“Những người bình thường như chúng tôi sống như vậy," ông kể và chỉ vào những cánh đồng bên ngoài vẫn còn phủ đầy sương giá. Mùa xuân đến sẽ mang lại vụ mùa và đem đến việc làm cho vợ chồng ông Tào.

“Nếu so sánh với cuộc sống ở thành phố thì tất nhiên cuộc sống của người nông dân khó khăn hơn. Nhưng không chịu được sự khắc nghiệt thì làm sao mà kiếm sống?” ông nói.

NATO 75 TUỔI: ĐƯỢC - MẤT GÌ?

Giữa tháng 3/2024, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) phát động cuộc tập trận quy mô lớn nhất kể từ thời Chiến tranh lạnh, trong một kịch bản đối đầu trực tiếp với Nga, vốn được coi là căn nguyên dẫn đến sự ra đời của liên minh quân sự này cách đây 75 năm.

Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, Mỹ đã thực hiện Kế hoạch Marshall để giúp Tây Âu phục hưng kinh tế, can thiệp sâu vào các vấn đề của châu Âu. Đồng thời, Mỹ cũng bắt tay với Canada và các nước thành viên Hiệp ước Brusells (Anh, Pháp, Hà Lan, Bỉ và Luxembourg) thành lập một liên minh quân sự mang tên NATO, với Hiệp ước Washington ký ngày 4/4/1949.

Mục đích ban đầu của tổ chức gồm 12 nước phương Tây này là tạo đối trọng với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở châu Âu.

Sự ra đời của NATO đã dẫn đến việc năm 1952, Liên Xô và các nước Đông Âu ký Hiệp ước Vacsava để thiết lập một khối quân sự đối trọng hùng mạnh, khiến châu Âu hình thành 2 khối quân sự đối đầu kéo dài trong suốt nửa sau của thế kỷ XX. Sau khi bức tường Berlin sụp đổ năm 1989 dẫn đến sự giải thể của khối Hiệp ước Vacsava và Liên Xô tan rã năm 1991, kéo theo sự kết thúc của Chiến tranh lạnh, NATO vẫn tồn tại, tiếp tục mở rộng phạm vi địa lý và ảnh hưởng địa chính trị dù lý do ban đầu đã biến mất. Thậm chí tổ chức này còn kết nạp thêm thành viên, bao gồm các nước Đông Âu và một số nước CH thuộc Liên Xô trước đây, nâng tổng số thành viên hiện nay lên 32 nước.

Nhằm biện minh cho sự tồn tại và mở rộng, NATO liên tục tìm cách điều chỉnh học thuyết bằng việc đề cập đến các nguy cơ mới đe dọa lợi ích quốc gia của các nước thành viên, chẳng hạn xung đột sắc tộc ở LB Nam Tư trước đây, sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố quốc tế hoặc cuộc chiến chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Với những điều chỉnh này, NATO đã mở rộng phạm vi hoạt động qua nhiều chiến dịch can thiệp quân sự ở bên ngoài lãnh thổ các nước thành viên, như tại Bosnia - Herzegovina (1992 - 1995), tiến hành không kích CH Serbia (1999). Sau các vụ tấn công 11/9/2001 tại Mỹ, với lý do "tiến hành cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố", NATO can thiệp quân sự tại Afghanistan, Iraq và Libya.

Mặc dù vậy, học thuyết của NATO qua các thời kỳ luôn hàm chứa Nga như một thách thức tiềm tàng, kể cả trong những năm 2010, khi Nga trở thành một đối tác của khối này (sau sự ra đời của Hội đồng NATO - Nga) và quan hệ giữa hai bên được cho là êm ả nhất. Hiềm khích thường trực giữa Nga và NATO chủ yếu bắt nguồn từ việc liên minh quân sự này, bất chấp các cam kết với Moskva, liên tục mở rộng về phía Đông, kết nạp cả các nước sát biên giới Nga.

Như một hệ quả, căng thẳng đã lên tới đỉnh điểm khi Ukraine công khai ý định gia nhập NATO và Nga triển khai lực lượng quân sự quy mô lớn chưa từng có dọc biên giới với nước láng giềng vào năm 2021. Động thái của Nga và sự cứng rắn của NATO đã tạo nên một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong quan hệ hai bên kể từ năm 2014, thời điểm Nga sáp nhập trở lại bán đảo Crimea.

Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine tháng 2/2022 đã hối thúc NATO “đoàn kết hơn bao giờ hết” hướng tới mục tiêu bằng mọi giá phải làm Nga thất bại về mặt chiến lược. Kết quả, Hội đồng NATO - Ukraine ra đời và các nước thành viên ra sức viện trợ quân sự cho Kiev, đẩy căng thẳng giữa Nga và liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương lên đỉnh điểm.

Trải qua 75 năm tồn tại, có thể nói lịch sử của NATO gần như là lịch sử gắn với cái gọi là “mối đe dọa” Nga (trước đây là Liên Xô). Với cuộc chiến tại Ukraine, NATO đã thúc đẩy Phần Lan và Thụy Điển chấm dứt chính sách trung lập và không liên kết quân sự kéo dài nhiều thập niên để nhanh chóng gia nhập liên minh này.

Qua 3/4 thế kỷ, thông qua việc kết nạp thêm 20 thành viên và mở rộng ảnh hưởng tới sát biên giới Nga, NATO đã có cơ hội "hồi sinh" theo đúng nghĩa sau giai đoạn được cho là suy yếu và đứng trước nguy cơ "rã đám" khi ông Donald Trump nắm quyền tại Mỹ. Thậm chí khi đó Tổng thống Pháp Emmanuel Macron còn tuyên bố tổ chức này đã “chết não” và đề nghị thay thế bằng một hệ thống phòng thủ châu Âu tự chủ hơn.

Việc tăng thành viên cũng khiến sức mạnh phòng thủ của NATO được thúc đẩy, nhất là khi các nước NATO ở châu Âu nâng ngân sách quốc phòng lên mức từ 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trở lên. Với chiến lược “Đông tiến”, từ chính trị đến kinh tế và cuối cùng là quân sự - quốc phòng, NATO đã dần thu hút các nước thuộc không gian hậu Xô Viết trở thành thành viên, qua đó triển khai lực lượng và vũ khí ở quy mô đáng kể tại sườn phía Đông giáp Nga.

Không chỉ liên tục mở rộng về phía Đông, tăng mạnh số quốc gia thành viên, NATO ngày càng thể hiện tham vọng vươn tầm ảnh hưởng ngoài không gian châu Âu-Đại Tây Dương và những mục tiêu truyền thống. Khả năng NATO trở thành một tổ chức mang tính toàn cầu đã được một số người nghĩ tới trước những dấu hiệu NATO tìm cách thúc đẩy liên minh với Nhật Bản và Hàn Quốc, hai đồng minh thân cận của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương. Trong Khái niệm chiến lược mới công bố năm 2022, ngoài việc xem Nga là "mối đe dọa rõ rệt và trực tiếp nhất đối với an ninh của khối", NATO cũng đề cập đến Trung Quốc như một thách thức và một đối thủ cạnh tranh.

Tuy nhiên, qua 3/4 thế kỷ, NATO đã trải qua không ít chia rẽ, lục đục nội bộ. Hình ảnh của NATO cũng phần nào bị tổn hại do những chiến dịch can thiệp quân sự được cho vượt ra ngoài phạm vi phòng thủ, gây thương vong cho dân thường. Năm 1999, với lý do "bảo vệ người gốc Albania ở Kosovo", NATO mở chiến dịch ném bom kéo dài 78 ngày ở Serbia, mặc dù không được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc chấp thuận.

Các máy bay NATO tiến hành 2.300 vụ không kích, tấn công 995 mục tiêu khác nhau, khiến 3.500 - 4.000 người Nam Tư thiệt mạng, 10.000 bị thương, trong đó 2/3 là dân thường. Năm 2011, NATO từng can thiệp dẫn đến sự thay đổi chế độ ở một quốc gia có chủ quyền. Quy mô chiến dịch của NATO ở Libya khi đó đã bị đặt dấu hỏi. Theo báo cáo của NATO, các máy bay chiến đấu của khối đã thực hiện trung bình 150 đợt không kích mỗi ngày tại Libya. NATO thừa nhận hàng trăm hoặc thậm chí là hàng nghìn dân thường thiệt mạng trong các đợt không kích này.

Bên cạnh đó, quá trình Đông tiến của NATO, dù giúp liên minh tăng cường sức mạnh, song cũng gây hệ lụy đối với an ninh châu Âu. Cuộc “Chiến tranh Lạnh phiên bản 2.0” giữa NATO và Nga đang gây chia rẽ và phân cực sâu sắc, không chỉ cản trở hợp tác quốc tế trong việc giải quyết hàng loạt thách thức an ninh cả truyền thống và phi truyền thống, mà còn đẩy hai bên vào thế đối đầu trực tiếp với nguy cơ của một cuộc "Chiến tranh nóng" có thể gây hậu quả khôn lường đối với khu vực và thế giới.

Ở cột mốc kỷ niệm 75 năm thành lập, có thể thấy NATO vẫn là khối quân sự lớn nhất thế giới, với vai trò và ảnh hưởng đáng kể tới cục diện an ninh toàn cầu. Tuy nhiên, việc tăng sức mạnh qua chiến dịch Đông tiến có thực sự đem lại sự bảo đảm về an ninh cho các nước thành viên hay không, câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ.

UKRAINE CẢNH BÁO PHÒNG TUYẾN SỤP ĐỔ

Các quan chức quân sự Ukraine cảnh báo với tình trạng hiện nay, phòng tuyến của nước này có thể dễ dàng thất thủ trước một đợt tấn công lớn từ Nga.

Những tuyên bố hồi tháng 3 của tỷ phú công nghệ Elon Musk liên quan đến xung đột Ukraine đã khiến không ít người lo lắng. Ông cảnh báo mặc dù Nga không có cơ hội kiểm soát toàn bộ Ukraine, "chiến sự càng kéo dài, Nga sẽ càng giành được nhiều lãnh thổ cho đến khi họ đến được Dnipro, nơi rất khó vượt qua".

"Tuy nhiên, nếu giao tranh kéo dài đủ lâu, Odessa cũng sẽ thất thủ", ông nói.

Từng không ít lần kêu gọi Kiev nhượng bộ lãnh thổ và phản đối gói viện trợ quân sự trị giá 60 tỷ USD của Mỹ, Musk chắc chắn không được yêu quý ở Ukraine.

Nhưng dự báo từ tỷ phú thực ra khá giống với những cảnh báo nghiêm trọng mà Tổng thống Volodymyr Zelensky đưa ra trong vài ngày qua. Theo ông, nếu quốc hội Mỹ không sớm phê duyệt gói viện trợ quan trọng đã bị đình trệ suốt nhiều tháng qua, quân đội Ukraine sẽ phải "rút lui từng bước" và một số thành phố lớn có nguy cơ sụp đổ trước đà tiến mạnh mẽ của quân đội Nga.

Những cảnh báo từ Tổng thống Zelensky dường như nằm trong nỗ lực ngoại giao nhằm gỡ nút thắt đối với nguồn viện trợ quân sự mà quân đội Ukraine rất khao khát. Họ đang thiếu mọi thứ, từ đạn pháo 155 mm đến hệ thống phòng không Patriot và máy bay không người lái (UAV). Nhưng sự thật là ngay cả khi gói viện trợ 60 tỷ USD được quốc hội Mỹ thông qua, nguồn tiếp tế khổng lồ đó có thể vẫn không đủ để giúp Ukraine lật ngược thế cờ, bình luận viên kỳ cựu Jamie Dettmer từ Politico đánh giá.

Một thất bại của Ukraine, đặc biệt là giữa bối cảnh bầu cử Mỹ và châu Âu, sẽ gia tăng áp lực đáng kể lên phương Tây và có thể buộc họ phải chấp nhận các cuộc đàm phán có lợi cho Nga, Dettmer cho biết thêm.

Về cơ bản, mọi thứ hiện tại phụ thuộc vào nơi Nga sẽ quyết định tập trung sức mạnh trong chiến dịch tiến công dự kiến diễn ra vào mùa hè này. Trước thời điểm đó, Nga đang liên tục tập kích cơ sở hạ tầng Ukraine bằng tên lửa và UAV, trải dài từ Kharkov và Sumy ở phía bắc đến Odessa ở phía nam, khiến Kiev khó đoán được họ định thực hiện cú đánh lớn tại đâu.

Theo các sĩ quan quân đội cấp cao từng phục vụ dưới quyền tướng Valery Zaluzhny, cựu tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine rời ghế hồi tháng hai, tình thế của Ukraine hiện "rất nghiệt ngã".

Họ cho biết có nguy cơ rất lớn tiền tuyến Ukraine sẽ sụp đổ ở bất cứ nơi nào quân đội Nga quyết định tập trung tấn công. Hơn nữa, nhờ quân số vượt trội và áp dụng chiến thuật bào mòn sinh lực địch suốt thời gian qua, Nga hoàn toàn đủ khả năng "đột phá tiền tuyến Ukraine và đánh sập nó ở nhiều khu vực".

"Không gì giúp được Ukraine bây giờ vì không có công nghệ nào đủ sức bù đắp sức mạnh cho chúng tôi trước số quân lớn của Nga. Chúng tôi không nắm những công nghệ đó và phương Tây cũng không cung cấp đủ số lượng", một nguồn tin quân sự hàng đầu Ukraine nhấn mạnh.

Theo ông, Ukraine giờ đây chỉ có thể dựa vào sức kháng cự của chính mình và sai sót của các chỉ huy Nga để thay đổi tình thế. Ví dụ cụ thể là cuộc tấn công quy mô lớn bằng xe tăng và thiết giáp của Nga dọc theo con đường từ làng Tonenke tới làng Umanske gần thành phố Avdeevka hồi cuối tháng 3, trong đó Moskva mất khoảng 20 phương tiện cơ giới.

Tuy nhiên, các quan chức quân sự cấp cao Ukraine lưu ý rằng chờ đợi đối phương sai sót không phải một chiến lược và họ thừa nhận những bước đi sai lầm ngay từ đầu, của cả Ukraine lẫn phương Tây, đã khiến quân đội hụt hơi trong nỗ lực phản kháng.

Họ cũng gay gắt về việc phương Tây không hành động kiên quyết, nói rằng nguồn viện trợ và hệ thống vũ khí đến không kịp thời cũng như không đủ số lượng đã khiến Ukraine không thể tạo ra những đột phá mang tính bước ngoặt.

"Tướng Zaluzhny thường gọi đây là 'cuộc chiến của cơ hội duy nhất'", một sĩ quan nói. "Điều này có nghĩa các hệ thống vũ khí sẽ rất nhanh chóng bị khắc chế. Ví dụ, chúng tôi từng sử dụng rất thành công tên lửa hành trình Storm Shadow/SCALP do Anh và Pháp cung cấp, nhưng chỉ trong thời gian ngắn. Người Nga luôn rút kinh nghiệm. Họ không cho chúng tôi cơ hội thứ hai. Và họ đã thành công".

"Đừng tin vào những lời mô tả cường điệu về việc họ chỉ biết ném quân vào 'cối xay thịt'. Họ biết học hỏi và cải tiến từng ngày", ông cho biết thêm.

Các sĩ quan cho hay trong những tuần đầu tiên của cuộc xung đột, tên lửa chống tăng vác vai từ Anh và Mỹ đã đến kịp thời, giúp họ bảo vệ thành công Kiev. Pháo phản lực HIMARS cũng phát huy tác dụng giúp họ đẩy Nga ra khỏi Kherson hồi tháng 11/2022.

"Nhưng chúng tôi thường không nhận được hệ thống vũ khí vào thời điểm chúng tôi cần nhất, chúng chỉ đến khi không còn phù hợp nữa", một quan chức cấp cao khác nói, lấy ví dụ về tiêm kích F-16. Khoảng hơn 10 chiếc F-16 dự kiến được đưa vào hoạt động vào mùa hè này, sau khi các phi công Ukraine hoàn thành khóa huấn luyện cơ bản.

"Mỗi loại vũ khí đều có thời điểm thích hợp riêng. Cần có F-16 vào năm 2023, chúng sẽ không còn phù hợp cho năm 2024", ông giải thích.

"Vài tháng qua, chúng tôi nhận thấy người Nga khai hỏa tên lửa từ Dzhankoy ở phía bắc Crimea, nhưng không mang đầu đạn. Chúng tôi ban đầu không thể hiểu họ đang làm gì nhưng sau đó nhận ra họ đang thăm dò", ông nói. Nga đang tính toán nơi tốt nhất để triển khai các khẩu đội tên lửa S-400 nhằm mở rộng tối đa khu vực đánh chặn F-16, giữ những tiêm kích này tránh xa tiền tuyến và các trung tâm hậu cần của Moskva.

Các sĩ quan cũng cho biết hiện tại, họ cần nhiều UAV và vũ khí truyền thống cơ bản hơn. "Chúng tôi cần lựu pháo và đạn pháo, hàng trăm nghìn quả đạn pháo và tên lửa", một quan chức quân sự Ukraine giấu tên nói, ước tính Kiev cần đến 4 triệu quả đạn pháo và 2 triệu UAV. "Chúng tôi luôn giải thích với các đối tác phương Tây rằng chúng tôi có kinh nghiệm chiến đấu, chúng tôi hiểu về chiến trường. Họ có nguồn lực và cần cung cấp những gì chúng tôi cần".

Châu Âu đang cố gắng giúp Ukraine bù đắp nhược điểm to lớn về đạn pháo. Sáng kiến do Cộng hòa Czech triển khai có thể bổ sung cho Ukraine khoảng 1,5 triệu quả đạn 122 và 155 mm với tổng giá trị 3,3 tỷ USD, nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu chiến trường.

Ukraine cũng cần nhiều binh sĩ hơn nữa, theo các sĩ quan. Họ hiện không có đủ quân ở tiền tuyến và điều này đang làm trầm trọng thêm vấn đề.

Nhưng tuần trước, tướng Oleksandr Syrsky, người thay thế tướng Zaluzhny, đột ngột tuyên bố Ukraine có thể không cần quá nhiều tân binh. Ông nói với hãng tin Ukrinform rằng sau khi xem xét các nguồn lực, con số đã "giảm đáng kể" và "chúng tôi hy vọng có đủ người bảo vệ quê hương".

"Tôi không chỉ nói về những người được huy động mà còn về những binh sĩ tình nguyện", ông cho hay.

Kế hoạch của ông là sau một khóa huấn luyện chuyên sâu 3-4 tháng, Ukraine có thể chuyển càng nhiều nhân viên quân sự phụ trách các công việc văn phòng và những người không có vai trò chiến đấu ra tiền tuyến càng tốt. Nhưng các sĩ quan cấp cao mà Politico phỏng vấn tin rằng tư lệnh Syrsky đã sai lầm và ông đang đưa ra tuyên bố theo "những luận điệu của các chính trị gia".

Sau đó, hôm 2/4, Tổng thống Zelensky ký sắc lệnh hạ độ tuổi gọi nhập ngũ với nam giới từ 27 xuống 25, mở rộng số lượng người có thể được đưa vào quân ngũ. Nhưng đối với Ukraine, nỗ lực này chỉ như muối bỏ bể.

"Chúng tôi không chỉ có một cuộc khủng hoảng quân sự mà còn đang đối mặt một cuộc khủng hoảng chính trị", một sĩ quan nói. "Trong lúc Ukraine lưỡng lự thực hiện một đợt huy động quân lớn thì Nga đang tập trung nguồn lực và sẽ sẵn sàng phát động cuộc tấn công quy mô vào khoảng tháng 8, có thể sớm hơn".

ÁP LỰC KÉP THÁCH THỨC ISRAEL

Iran tiếp tục cảnh báo về khả năng trả đũa Israel, giữa lúc Israel hứng chịu chỉ trích của quốc tế, bao gồm một số đồng minh, vì vụ tấn công làm thiệt mạng các nhân viên cứu trợ tại Gaza.

Lời đe dọa từ Iran

Phát biểu trước các quan chức Iran tại thủ đô Tehran hôm 3.4, Lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei cảnh báo Israel sẽ "lãnh cái tát" sau cuộc không kích nhằm vào tòa nhà ngoại giao Iran tại Syria gần đây, theo AFP. Ông Khamenei cũng tuyên bố nỗ lực đánh bại Israel tại Gaza sẽ tiếp tục và "chế độ này sắp suy tàn và tan rã".

Vụ tấn công giết chết 7 thành viên của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã làm dấy lên lo ngại về vòng xoáy bạo lực mới tại Trung Đông. Báo The Times of Israel đưa tin dù không thừa nhận thực hiện vụ tấn công, Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) cho biết họ đã tăng cường năng lực phòng không cũng như huy động quân nhân dự bị để đề phòng phản ứng của Iran. IDF cũng tạm dừng việc nghỉ phép đối với các đơn vị chiến đấu vì họ "đang trong tình trạng chiến tranh và việc triển khai lực lượng đang được đánh giá liên tục theo yêu cầu", theo tuyên bố của IDF ngày 4.4.

Kênh truyền hình Channel 12 ở Israel nhận định rằng Iran có khả năng sẽ trả đũa bằng cách phóng tên lửa trực tiếp từ lãnh thổ của mình thay vì thông qua bất kỳ nhóm ủy nhiệm nào. Nếu Iran phản ứng thông qua lực lượng ủy nhiệm, Israel có thể chấp nhận và để cho vòng xung đột này dần nguội đi. Tuy nhiên, một cuộc tấn công từ lãnh thổ Iran có khả năng sẽ buộc Israel phải đáp trả mạnh mẽ, khiến căng thẳng leo thang.

Sức ép từ đồng minh

Cùng lúc, Israel phải đối diện sức ép ngày càng tăng từ các đồng minh và đối tác vì vụ tấn công đoàn xe chở hàng cứu trợ của tổ chức thiện nguyện World Central Kitchen (WCK) tại Gaza. 7 người, bao gồm công dân của Ba Lan, Úc và Anh, thiệt mạng trong vụ mà Israel đã lên tiếng giải thích và xin lỗi. Song Thủ tướng Úc Anthony Albanese tỏ ra không hài lòng với lời giải thích của Israel. "Chúng ta cần phải chịu trách nhiệm về cách thức sự việc xảy ra, và những tuyên bố đã được đưa ra, bao gồm việc cho rằng đây chỉ là sản phẩm của xung đột, là chưa đủ thuyết phục", Reuters dẫn lời nhà lãnh đạo phát biểu ngày 4.4.

Làn sóng kêu gọi Anh ngừng bán vũ khí cho Israel đã dâng cao sau vụ việc. Reuters hôm qua cho hay 3 cựu thẩm phán tòa tối cao cùng hơn 600 người làm việc trong ngành luật ở Anh đã gửi thư kêu gọi chính phủ của Thủ tướng Rishi Sunak thay đổi chính sách, nói rằng các giao dịch vũ khí với Israel sẽ khiến London trở thành đồng lõa trong "nạn diệt chủng" ở Gaza.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói rằng ông "phẫn nộ và đau lòng" vì vụ tấn công đoàn xe cứu trợ, dự kiến điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong ngày 4.4. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã "bày tỏ sự phẫn nộ". Theo tuyên bố từ Lầu Năm Góc, ông Austin nói thảm kịch đã "củng cố những lo ngại" của Washington về chiến dịch quân sự mà Israel có thể sắp tiến hành ở Rafah, một trong những nơi nương náu cuối cùng của dân thường Palestine tại Gaza.

Nguồn: Soha; BBC; Báo Tin Tức; Vnexpress; Thanh Niên

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang