EU: Tích trữ dầu; Chính sách ngược của Hungary; Đức: Bộ trưởng QP từ chức, giảm hấp dẫn đầu tư, kinh tế khủng hoảng

CHÂU ÂU KHẨN TRƯƠNG TÍCH TRỮ TRƯỚC LỆNH CẤM NHẰM VÀO SẢN PHẨM TỪ DẦU CỦA NGA

(Ảnh minh hoạ).

Châu Âu đã nhập khẩu lượng lớn dầu diesel trong thời gian qua để tích đầy các thùng chứa trước khi lệnh cấm nhằm vào các sản phẩm từ dầu của Nga có hiệu lực.

Liên minh châu Âu (EU) đã áp dụng lệnh cấm nhập khẩu với dầu thô Nga vận chuyển qua đường biển từ ngày 5/12/2022.

Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Australia cũng áp đặt mức giá trần 60 USD/thùng với dầu thô của Nga xuất khẩu bằng đường biển từ ngày 5/12.

Nga tuyên bố nước này sẽ không tuân theo mức giá trần ngay cả khi buộc phải cắt giảm sản lượng.

Bước đi tiếp theo của EU là cấm các sản phẩm dầu của Nga bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5/2. Đây được coi là động thái sẽ gây thay đổi lớn đối với giao dịch dầu toàn cầu.

Các nước thành viên G7 và Australia cũng đang hình thành một cơ chế giá trần tương tự với nhiên liệu tinh chế như diesel, dầu hỏa và dầu nhiên liệu Nga từ 5/2.

Tuy nhiên, việc áp đặt giá trần với sản phẩm từ dầu phức tạp hơn nhiều so với tạo hạn chế giá đối với dầu thô bởi có rất nhiều sản phẩm từ dầu và giá của chúng thường phụ thuộc vào nơi được mua thay vì nơi chúng được sản xuất.

Theo công ty phân tích Vortexa, tính đến thời điểm này châu Âu nhập khẩu trung bình 700.000 thùng dầu diesel mỗi ngày, mức cao nhất kể từ tháng 3/2021. Điều này xuất phát từ việc các nhà giao dịch vội vã làm đầy các bể chứa trước khi lệnh cấm có hiệu lực.

Cùng thời điểm, châu Âu cũng tăng lượng nhập khẩu dầu diesel từ châu Á và Trung Đông. Nhu cầu tăng kết hợp với hành trình vận chuyển dài hơn dầu diesel đến châu Âu đồng nghĩa với việc giá cước vận tải tăng, kéo theo việc người tiêu dùng phải hứng chịu gánh nặng giá.

Ông Claudio Galimberti tại công ty nghiên cứu năng lượng Rystad đánh giá Kuwait và Saudi Arabia đã nổi lên là nhà xuất khẩu tiềm năng dầu diesel cho châu Âu thay thế Nga một khi lệnh cấm có hiệu lực.

Theo tờ Politico (Mỹ), trong tháng 12/2022, nhập khẩu dầu diesel vào châu Âu đã tăng đến mức kỷ lục 8,2 triệu tấn.

Trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022, một nửa số dầu diesel mà EU nhập khẩu xuất phát từ Nga.

Dầu diesel đóng vai trò quan trọng với các phương tiện đường bộ, tàu hỏa, tàu biển cùng máy móc công nghiệp và nông nghiệp.

Các nhà phân tích nhận định những dự án nhà máy lọc dầu mới sẽ nâng sản lượng dầu diesel toàn cầu, đẩy mạnh “dòng chảy” đến châu Âu vào cuối năm nay và giúp xoa dịu tình huống khó khăn.

Những dự án nổi bật bao gồm mở rộng nhà máy lọc dầu công suất 400.000 thùng mỗi ngày tại Saudi Arabia, nhà máy lọc dầu công suất 650.000 thùng mỗi ngày tại Nigeria dự kiến có sản phẩm từ quý đầu năm 2023.

Bên cạnh đó là nhà máy lọc dầu công suất 615.000 thùng/ngày ở Kuwait và nhiều dự án khác ở Trung Quốc.

(Nguồn: Báo Tin Tức)

CHÍNH SÁCH CỦA HUNGARY VỚI MOSCOW TIẾP TỤC KHIẾN EU TỨC GIẬN

Chính phủ Hungary mà đứng đầu là Thủ tướng Viktor Orban được xem là đồng minh thân cận nhất của Nga trong Liên minh châu Âu (EU).

Thủ tướng Hungary Viktor Orban mới đây đã cho rằng chính sách của Đức và Ủy ban châu Âu (EC) về vấn đề áp đặt các biện pháp trừng phạt chống Nga đã gây ra "cú sốc văn hóa" đồng thời làm giảm niềm tin của người dân Hungary vào tính thực tế của Đức.

“Ủy ban châu Âu có một chủ tịch người Đức. Họ đã thất bại với các biện pháp trừng phạt, họ đã tính toán sai, họ không tính đến cùng theo quan điểm chuyên nghiệp”, ông Orban nhấn mạnh trong một bài phát biểu trên đài phát thanh Kossuth.

Theo nhận xét, nhiều nguyên thủ các nước EU trong cuộc khủng hoảng năng lượng đang thi hành chính sách như "một con nhím cuộn tròn và dựng lông".

Trong bối cảnh đó, Hungary cho biết họ "chủ động phòng thủ" và ngừng “đổ gánh nặng tăng giá năng lượng lên người dân” như chính quyền các nước châu Âu khác. Chính sách của Budapest - như Thủ tướng Orban đánh giá, đã giúp mỗi gia đình tiết kiệm khoảng 500 USD tiền điện mỗi tháng.

Người đứng đầu chính phủ Hungary nói thêm rằng EU không đủ dũng khí để thừa nhận đã thực hiện chính sách sai lầm đối với Nga. Tuy nhiên, không phải tất cả đã mất đối với người dân châu Âu.

Trước diễn biến trên, nhà khoa học chính trị người Nga - ông Artem Sokolov trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ PolitExpert (PE) đã gợi ý rằng phương án khôi phục hợp tác giữa EU và Nga vẫn tồn tại, nó đang được Đức vạch ra.

Cụ thể, các phương tiện truyền thông đã thảo luận về chi phí khôi phục tuyến ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2. Đây là dấu hiệu cho thấy trong tương lai Đức có thể rút lại các biện pháp trừng phạt.

“Một điều cần nhấn mạnh là chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz đang chịu áp lực lớn từ Mỹ và họ còn phải tuân thủ chính sách đoàn kết xuyên Đại Tây Dương".

"Trong khuôn khổ hợp tác, Đức và nhiều nước phương Tây khác có một không gian cực kỳ hạn chế để hành động độc lập do phụ thuộc vào Washington. Do vậy việc quay trở lại quan hệ đối tác năng lượng toàn diện giữa Nga và Đức trong tương lai gần dường như rất khó xảy ra”, người đối thoại của PE cho biết.

Ông Sokolov nhận định thêm, nếu nói về Hungary, chúng ta nên hiểu rằng tất cả các quốc gia EU đều phụ thuộc vào tài nguyên của Nga. Mặt khác, Budapest đã chọn chính sách đúng đắn, khi hoạt động như một quốc gia có chủ quyền và tự duy trì nguồn cung cấp nhiên liệu với giá cả phải chăng do không cắt đứt liên lạc với Moskva.

Giờ đây, Hungary tiếp tục tiến về phía trước với tư cách là trung tâm quyền lực độc lập duy nhất ở châu Âu, trong khi họ vẫn là thành viên của EU cũng như NATO.

“Đây là hệ quả từ chính sách độc lập tự chủ của giới lãnh đạo Hungary. Trong một cái gì đó phi tiêu chuẩn, khiêu khích, nhưng dựa trên lợi ích quốc gia của họ, điều này gây ra sự không hài lòng từ phía EU và Đức".

"Thủ tướng Orban đã xoay sở để thoát khỏi tình thế khó khăn mà tất cả các quốc gia EU gặp phải sau khi bắt đầu cuộc khủng hoảng năng lượng, với lợi ích tối đa cho chính mình”, chuyên gia Sokolov kết luận.

(Nguồn: Soha)

BỘ TRƯỞNG QUỐC PHÒNG ĐỨC TỪ CHỨC

(Ảnh minh hoạ).

Bộ trưởng Quốc phòng Lambrecht xin từ chức giữa bối cảnh chịu nhiều chỉ trích về khả năng hồi sinh lực lượng vũ trang Đức.

"Tôi đã đề nghị Thủ tướng miễn nhiệm khỏi vị trí lãnh đạo Bộ Quốc phòng", Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht ra thông cáo cho biết hôm nay.

Phát ngôn viên chính phủ Đức cho biết Thủ tướng Olaf Scholz đã chấp thuận đơn từ chức của bà Lambrecht và sẽ sớm đề cử người thay thế. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Đức nói rằng Bộ trưởng Lambrecht sẽ giữ vai trò hiện nay cho đến khi Tổng thống Frank-Walter Steinmeier phê chuẩn đơn xin từ chức của bà.

Những ứng viên kế nhiệm bà Lambrecht gồm Ủy viên Quốc hội phụ trách Quốc phòng Eva Hoegl, Thứ trưởng Quốc phòng Siemtje Moeller, lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) Lars Klingbeil và Bộ trưởng Lao động Hubertus Heil.

Thông báo từ chức được bà Lambrecht đưa ra trong bối cảnh Đức chịu áp lực tăng viện trợ cho Ukraine, trong khi năng lực quốc phòng nội địa bị đặt dấu hỏi sau vụ toàn bộ xe chiến đấu bộ binh Puma tối tân của một đơn vị thiết giáp bị hỏng trong đợt diễn tập hồi năm ngoái.

Bộ trưởng Lambrecht bị chỉ trích vì không thể nhanh chóng khôi phục sức mạnh cho quân đội Đức, bất chấp quốc hội đã thông qua ngân sách đặc biệt trị giá 100 tỷ euro cho nhiệm vụ này sau khi bùng phát chiến sự Nga - Ukraine.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức cũng bị lên án vì bình luận về xung đột Ukraine trong bài phát biểu năm mới hôm 1/1, khi cho rằng chiến sự đã đưa tới "rất nhiều trải nghiệm đặc biệt" cũng như cơ hội "gặp gỡ những người tuyệt vời và thú vị".

(Nguồn: Vnexpress)

SỨC HẤP DẪN ĐẦU TƯ CỦA ĐỨC GIẢM DO GIÁ NĂNG LƯỢNG TĂNG, LAO ĐỘNG THIẾU

Theo xếp hạng của Viện nghiên cứu kinh tế ZEW, sức hấp dẫn đầu tư của Đức đã "tụt hạng" bốn bậc xuống vị trí thứ 18 trong số 21 nền kinh tế công nghiệp, chỉ đứng trên Hungary, Tây Ban Nha và Italy.

Theo tờ Augsburger Allgemeine, sức hấp dẫn đầu tư của Đức đã giảm bốn bậc xuống vị trí thứ 18 trong số 21 nền kinh tế công nghiệp theo xếp hạng của Viện nghiên cứu kinh tế ZEW.

Giá năng lượng tăng và tình trạng thiếu lao động tiếp diễn đã làm kết hợp các vấn đề hiện nay là thuế cao, tình trạng quan liêu và tốc độ đổi mới chậm đã khiến Đức tụt hạng, chỉ đứng trên Hungary, Tây Ban Nha và Italy.

ZEW xếp hạng Mỹ, Canada, Thụy Điển và Thụy Sĩ, dựa trên các yếu tố như giá năng lượng rẻ hơn hay việc tiếp cận nguồn vốn.

Về tình hình nền kinh tế Đức, số liệu sơ bộ do Cơ quan Thống kê liên bang Đức (Destatis) công bố ngày 13/1 cho biết, trong năm 2022, GDP của nền kinh tế lớn nhất châu Âu tăng trưởng 1,9% so với năm trước đó, dù xung đột giữa Nga và Ukraine, lạm phát cao và các vấn đề về nguồn cung đã gây ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp và người dân nước này.

Theo đánh giá của Tiến sỹ Ruth Brand, lãnh đạo Destatis, tình hình kinh tế tổng thể ở Đức trong năm 2022 chịu ảnh hưởng từ xung đột tại Ukraina, bên cạnh tình trạng tắc nghẽn nguồn cung nguyên liệu và hoạt động giao hàng trầm trọng, giá cả tăng cao cũng như việc nền kinh tế vẫn thiếu lao động lành nghề.

(Nguồn: VietnamPlus)

ĐỐI MẶT VỚI KHỦNG HOẢNG NĂNG LƯỢNG, NỀN KINH TẾ ĐỨC HIỆN NAY NHƯ THẾ NÀO?

(Ảnh minh hoạ).

Tình hình mùa đông và khủng hoảng năng lượng tại Đức đang có những diễn biến khả quan hơn so với dự kiến. Nhờ vậy, nền kinh tế Đức đang dần tránh xa khỏi những kịch bản tồi tệ nhất. Dù vậy, nước này cần phải tìm cách tái cơ cấu nền kinh tế vì tương lai của họ.

Theo Viện thống kê quốc gia Destatis, tuy trải qua “bối cảnh khó khăn” vì xung đột Nga - Ukraine và tình trạng giá cả tăng vọt, mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của năm 2022 vẫn đạt 1,9%, vượt xa kỳ vọng ban đầu.

Vào mùa thu năm 2022, Đức ước tính mức tăng trưởng của năm 2022 đạt 1,4%, so với mức 2,6% của năm 2021, vì GDP đã có biểu hiện “đình trệ” trong 3 tháng cuối cùng của năm 2022. Trước đó, viện Destatis từng cảnh báo nguy cơ “thụt lùi” của nền kinh tế nước Đức.

Ông Carsten Brzeski - nhà phân tích tại ngân hàng ING (Hà Lan), đưa kết luận: “Dù vậy, nền kinh tế hàng đầu của khu vực đồng euro vẫn đủ khả năng đương đầu với suy thoái”.

Nhờ chính sách tiêu dùng, sử dụng ngân sách nhà nước để trợ giá, tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp..., Đức vẫn vững vàng trong bối cảnh khủng hoảng. Theo bà Fritzi Köhler-Geib - nhà kinh tế tại ngân hàng Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW): “Vì ngay cả khi chiến tranh Nga - Đức vẫn chưa xảy ra, nền kinh tế đã từng chịu tổn thất đáng kể. Chúng tôi vẫn dự đoán rằng mức độ tăng trưởng ​​sẽ nâng cao gấp đôi”.

Thời tiết ôn hòa

Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức Robert Habeck đã có lời tán dương: “Chúng ta đã kiểm soát được cuộc khủng hoảng này (...). Mùa đông năm nay sẽ có ảnh hưởng ít hơn và ngắn hơn lên hoạt động sản xuất so với dự kiến”.

Tuy Chính phủ dự đoán GDP của năm 2023 sẽ giảm 0,4%, hầu hết những viện nghiên cứu đưa dự báo khả quan hơn.

Cuộc khủng hoảng năng lượng đã làm đảo lộn mô hình kinh tế của Đức, vốn dựa chủ yếu vào việc thường xuyên nhập khẩu khí đốt giá rẻ từ Nga.

Tuy nhiên, tình hình chiến tranh ở Ukraine đã đặt dấu chấm hết cho hoạt động giao khí đốt từ Nga, khiến giá khí đốt năm 2022 tăng vọt trong khu vực châu Âu. Khi lạm phát tăng cao, chi phí biên trong ngành công nghiệp cũng bị ảnh hưởng. Xét thấy ngành công nghiệp là động lực tăng trưởng kinh tế chính cho Đức, tình trạng này đã làm dấy lên lo ngại về nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng kinh tế quy mô lớn toàn quốc.

Theo Viện Destatis, trong bối cảnh này, nhu cầu tiêu dùng cá nhân đã trở thành yếu tố mang tính quyết định cao, là “trụ cột chính” quyết định sự tăng trưởng kinh tế của năm 2022, vì nhu cầu tiêu thụ năng lượng gần như đã trở lại mức trước giai đoạn đại dịch Covid-19.

Khi giá năng lượng và lương thực tăng cao, Chính phủ Đức đã trích ra một khoản tiền khổng lồ để hỗ trợ sức mua.

Ông Jan-Christopher Scherer - chuyên gia tại Viện Nghiên cứu kinh tế Đức (DIW), nhấn mạnh rằng các ngành công nghiệp “có nhiều cách sáng tạo” để tiết kiệm khí đốt.

Theo một nghiên cứu của Viện IFO (Đức), “ba phần tư” cơ sở công nghiệp lệ thuộc vào khí đốt trong nước đã giảm được mức tiêu thụ mà không cần hạn chế sản xuất.

Trong những tháng gần đây, giá năng lượng cũng đã giảm, nhờ có thời tiết mùa đông ôn hòa ở châu Âu và những công việc mà Berlin thực hiện nhằm gia tăng nguồn cung LNG.

Về vấn đề nguồn cung, căng thẳng trong chuỗi cung ứng toàn cầu cũng dần cải thiện, giảm áp lực lên hoạt động xuất khẩu.

Ông Brzeski kết luận: “Những tác động tích cực này đã giảm thiểu một phần hậu quả phát sinh từ chiến tranh và giá năng lượng cao.

“Một tương lai khó khăn”

Nhưng cuộc khủng hoảng vẫn chưa kết thúc. Ông Oliver Holtemöller - nhà nghiên cứu tại viện kinh tế Halle (IWH - Đức) cho biết: “Vài tháng tới sẽ là một giai đoạn rất khó khăn”.

Trong những tháng gần đây, tuy giá khí đốt đã giảm trong ngắn hạn, nhưng nhìn chung, trong dài hạn, giá vẫn sẽ cao hơn so với giai đoạn trước khủng hoảng.

Berlin đã tung ra gói trợ cấp năng lượng trị giá 200 tỷ euro, với trọng tâm là lá chắn thuế, nhằm giảm giá khẩn cấp năng lượng và khí đốt trong năm 2023 và 2024. Tuy nhiên, chính sách này không thể bù đắp cho mọi thứ, nhất là khi giá tăng mạnh.

Chưa kể, thâm hụt ngân sách năm 2022 đã tăng lên mức 2,6% GDP (tức 101,5 tỷ euro). Trong năm nay, con số này sẽ tăng lên 3,25%.

Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Đức (VDA), doanh số bán hàng năm 2023 của lĩnh vực ô tô vẫn sẽ “thấp hơn một phần tư so với năm 2019 - giai đoạn trước đại dịch”.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo, một vài ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng, chẳng hạn như ngành hóa chất, có nguy cơ phải rời khỏi Đức. Trong tháng 11/2022, năng lực sản xuất trong các lĩnh vực này đã giảm 12,9% so với giai đoạn cùng kỳ năm 2021 - một giai đoạn vẫn còn phức tạp vì dịch Covid-19.

Hiện nay, xã hội Đức đang kêu gọi nhiều hơn về việc từ bỏ những ngành được xem là không cạnh tranh này, nhằm tập trung vào những ngành công nghệ cao hơn và tiêu thụ ít năng lượng hơn.

(Nguồn: Năng Lượng Quốc Tế)

(Xem thêm:

=> EU: Hy vọng mới; Bầu cử Tổng thống Séc; Anh lên án Iran; Đức: Ngành CN vượt khủng hoảng, thận trọng viện trợ Ukraine ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang