EU: Cuộc đua hydro hóa lỏng; Triệu phú rời Anh; Anh trừng phạt Iran; Đức đưa Patriot tới Ba Lan; Đức-Pháp bất đồng

CHÂU ÂU TĂNG TỐC CÔNG NGHỆ HYDRO HÓA LỎNG

(Ảnh minh hoạ).

Các nước châu Âu đang tăng tốc phát triển công nghệ sản xuất hydro hóa lỏng và mở rộng sử dụng hydro thay thế nhiên liệu hóa thạch.

Tại châu Âu, phát triển năng lượng sạch nay không còn chỉ đơn thuần vì mục tiêu bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu mà đang trở thành một phần trong chính sách duy trì chủ quyền quốc gia.

Chiến sự nổ ra, khí đốt trở thành yếu tố chính trị khi Nga dọa không bán, châu Âu dọa không mua. Các nước châu Âu vật lộn tìm nguồn năng lượng mới thay thế. Hydro nổi lên như một giải pháp lý tưởng vì không lệ thuộc nhập khẩu, không tạo ra khí thải, có thể dùng cho mọi loại động cơ, kể cả động cơ máy bay.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói: "Một dạng công nghệ mới đang hình thành. Công nghệ đó không chỉ tốt cho khí hậu, môi trường và cho sự thịnh vượng của đất nước chúng ta với tư cách là một quốc gia công nghiệp, mà còn cải thiện chính sách năng lượng độc lập tự chủ của chúng ta".

Việc thử nghiệm tàu hỏa chạy hydro do Pháp nghiên cứu nhưng chạy thử tại Đức cho thấy ưu điểm của động cơ hydro. Theo đó, động cơ chạy êm, chỉ thải ra hơi nước. Hãng Airbus cũng có dự án 3 mẫu máy bay dùng nhiên liệu hydro hóa lỏng, dự kiến chuyến bay đầu tiên sẽ được thực hiện vào năm 2035.

Ông Michel Brioude, Giám đốc Kỹ thuật động cơ máy bay Safran, Pháp, cho biết: "Hydro hóa lỏng sẽ được bơm vào thùng nhiên liệu của máy bay, có nghĩa là chúng tôi sẽ phải chế tạo cho được thiết bị chứa nhiên liệu siêu lạnh, hệ thống bơm hydro siêu lạnh mà không đông đá, phải chế tạo được đường ống và vòng đệm chịu được siêu lạnh, rất nhiều chi tiết".

Song song với đó là một cuộc chạy đua xây dựng hạ tầng lưu giữ, phân phối, vận chuyển, an toàn cháy nổ, sử dụng hydro hóa lỏng trong mọi ngành vận tải và công nghiệp, kể cả trong lò cao luyện thép. Ngày 9/12/2022, Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã khởi công đường ống dẫn hydro hóa lỏng xuyên 3 nước, bước đầu tiên của một mạng lưới kết nối 28 quốc gia thành viên.

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez tuyên bố: "Dự án đường ống hydro xuyên Địa Trung hải sẽ vận hành vào cuối thập kỷ này và có thể vận chuyển 10% lượng hydro hóa lỏng mà Liên minh châu Âu tiêu thụ ở thời điểm 2030, khoảng 2 triệu tấn mỗi năm. Chi phí ước tính cho dự án đường ống khoảng 2,5 tỷ Euro".

Còn có vô số thách thức, trong đó mấu chốt là tăng quy mô sản xuất hydro nhờ sức gió, ánh nắng, thủy triều và nguyên tử, những nguồn năng lượng sạch mà Liên minh châu Âu có thể chủ động hoàn toàn. Hydro được kỳ vọng sẽ giúp Liên minh châu Âu đi đầu trên con đường tìm tòi, phát triển các dạng năng lượng xanh cho tương lai.

(Nguồn: CafeF)

CÁC TRIỆU PHÚ ĐANG RỜI KHỎI ANH

Các doanh nhân giàu có đang chuyển từ Anh đến các nước khác thuộc Liên minh châu Âu (EU), Trung Đông và châu Á.

Truyền thông Anh mới đây đã đưa tin rằng hơn 1.000 triệu phú đã rời khỏi nước này trong năm 2022, theo một nghiên cứu của công ty tư vấn di cư đầu tư Henley & Partners.

Cụ thể, 1.400 cá nhân có tài sản trên một triệu USD đã đi khỏi nước Anh trong năm 2022. Những cuộc di cư mới nhất này đã tiếp tục xu hướng sau cuộc bỏ phiếu Anh rời EU (Brexit) vào năm 2016. Cụ thể, số triệu phú rời Anh trong các năm 2017, 2018 và 2019 lần lượt là 4.200, 2.800 và 2.200.

Theo Bloomberg, Henley & Partners ước tính sau Brexit có tổng cộng khoảng 12.000 triệu phú đã rời khỏi Anh, dù trước đó nước này là nơi tập trung phần lớn lượng lớn vốn ròng từ các cá nhân.

Theo ông Stuart Wakeling - người đứng đầu của văn phòng Henley & Partners ở London, Brexit đang cho thấy những hậu quả dài hạn rất thực tế. “Chúng tôi đã chứng kiến dòng di chuyển ngày càng tăng từ những công dân Anh giàu có. Họ đang tìm cách lấy lại vị thế của mình bằng cách có được quyền cư trú hoặc quốc tịch các nước khác trong EU thông qua đầu tư”, ông Wakeling nói với tờ The Times.

Nhiều triệu phú đang tìm đến Trung Đông và châu Á - những điểm đến đầy hứa hẹn cho tái định cư - để thay thế Anh. Vào năm 2022, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã chứng kiến một số lượng triệu phú lớn chưa từng có đổ đến nước này.

Một nghiên cứu gần đây của Trung tâm Cải cách châu Âu còn cho thấy Brexit đã gây thiệt hại cho nền kinh tế Anh khoảng 33 tỷ bảng (tương đương 40 tỷ USD).

(Nguồn: Zing News)

ANH ÁP ĐẶT LỆNH TRỪNG PHẠT MỚI ĐỐI VỚI IRAN VỀ NẠN ‘ĐÀN ÁP DÃ MAN’

(Ảnh minh hoạ).

Anh vừa áp đặt trừng phạt đối với thêm nhiều cá nhân và tổ chức của Iran vào ngày 23/1 vì nước này đã “đàn áp dã man” người dân của họ, bao gồm cả đàn áp các cuộc biểu tình chống chính phủ và vụ hành quyết ông Alireza Akbari, một công dân mang hai quốc tịch Anh-Iran, gần đây.

Các biện pháp trừng phạt bao gồm phong tỏa tài sản đối với Phó tổng công tố Iran Ahmad Fazelian, người mà bộ ngoại giao Anh cho là phải chịu trách nhiệm về một hệ thống tư pháp không công bằng, sử dụng án tử hình cho các mục đích chính trị.

“Những người bị trừng phạt hôm nay, từ các nhân vật tư pháp sử dụng án tử hình vì mục đích chính trị cho đến những kẻ côn đồ đánh đập người biểu tình trên đường phố, là trung tâm của sự đàn áp tàn bạo của chế độ đối với người dân Iran”, Ngoại trưởng Anh James Cleverly nói trong một tuyên bố.

“Vương quốc Anh và các đối tác của chúng tôi đã gửi một thông điệp rõ ràng thông qua các biện pháp trừng phạt này rằng sẽ không có nơi ẩn náu cho những kẻ vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất”.

Liên minh châu Âu cũng đưa ra các biện pháp trừng phạt mới đối với Iran vào ngày 23/1 vì “việc sử dụng vũ lực tàn bạo và không phù hợp” đối với người biểu tình.

Các cuộc biểu tình chống chính phủ lan rộng đã nổ ra ở Iran vào tháng 9 sau cái chết trong lúc bị giam giữ của Mahsa Amini, một phụ nữ người Iran gốc Kurd đã bị cảnh sát đạo đức bắt giam khi thực thi quy định về trang phục bắt buộc của quốc gia Cộng hòa Hồi giáo đối với phụ nữ.

Những người khác đã bị Anh trừng phạt hôm 23/1 bao gồm Kiyumars Heidari, tổng tư lệnh lực lượng trên bộ của Iran; Hossein Nejat, phó tư lệnh Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo; và Lực lượng Kháng chiến Basij (IRGC) và phó chỉ huy của lực lượng này là Salar Abnoush.

IRGC có quân số ước tính khoảng 125.000 người với các đơn vị lục quân, hải quân và không quân, và các chỉ huy lực lượng dân quân tôn giáo Basij thường được sử dụng trong các cuộc đàn áp.

Tổ chức Hợp tác Basij, liên kết với lực lượng dân quân Basij, và Qasem Rezaei, phó chỉ huy lực lượng công luật của Iran, cũng bị trừng phạt.

Anh hiện đã áp đặt 50 biện pháp trừng phạt mới đối với Iran kể từ sau cái chết của cô Amini, bộ ngoại giao cho biết.

(Nguồn: VOA)

ĐỨC ĐƯA RÀO CHẮN TÊN LỬA ĐẾN BA LAN

Đức đã triển khai 2 trong số 3 hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot đầu tiên tới thị trấn Zamosc của Ba Lan, gần biên giới Ukraine nhằm ngăn chặn tên lửa bay lạc hướng.

Hai người đã thiệt mạng vì một tên lửa Ukraine lạc hướng rơi xuống ngôi làng biên giới Przewodow của Ba Lan hồi tháng 11 năm ngoái. Sự cố từng dấy lên lo ngại về nguy cơ xung đột ở Ukraine có thể tràn ra ngoài biên giới. Vì vậy, Berlin đã đề nghị gửi 3 hệ thống rào chắn tên lửa Patriot của họ tới Ba Lan nhằm giúp Warsaw bảo vệ không phận.

Phát biểu trước báo giới tại thị trấn Gnoien, miền đông nước Đức hôm 23/1, Đại tá Joerg Sievers giải thích: “Một trong những lí do tại sao Đức giờ đây sẽ hỗ trợ sườn phía đông của NATO ở Ba Lan bằng Patriot, là vì chúng tôi đã thấy chiến sự giữa Nga - Ukraine có thể lan sang các nước thành viên NATO nhanh như thế nào. Chúng tôi không phải là lực lượng phòng thủ duy nhất trong khu vực. Người Anh và người Mỹ cũng đang hiện diện tại đây”.

Đại tá Sievers sẽ chỉ huy lực lượng Đức ở Ba Lan. Ông nhấn mạnh đến bản chất phòng thủ của hệ thống Patriot.

Reuters dẫn lời vị chỉ huy Đức nói thêm: "Patriot là một hệ thống phòng thủ nghiêm ngặt. Chúng tôi hy vọng có thể cung cấp đủ sự bảo vệ ở đó (Ba Lan) để ngăn chặn các cuộc tấn công hoặc tai nạn như sự cố hồi tháng 11/2022 trong tương lai".

(Nguồn: Vietnamnet)

QUAN HỆ PHÁP-ĐỨC: BẤT ĐỒNG VẪN TỒN TẠI BẤT CHẤP BỀ NGOÀI HÒA THUẬN

(Ảnh minh hoạ).

Vào hôm qua 22/03/2023, hai lãnh đạo Pháp-Đức là tổng thống Emmanuel Macron và thủ tướng Olaf Scholz cố sức phô trương tình đoàn kết giữa hai nước bằng những lời lẽ hoa mỹ và một loạt tín hiệu cho thấy sự đồng thuận. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, bất chấp các dấu hiệu hòa thuận đó, bất đồng giữa hai nước vẫn nghiêm trọng, đe dọa vai trò đầu tàu của Paris và Berlin trong công cuộc xây dựng châu Âu.

Phải nói là cuộc gặp thượng đỉnh Pháp-Đức vào hôm qua cùng lúc với cuộc họp Hội Đồng Bộ Trưởng của cả hai nước rất được mong đợi, sau hai lần bị hoãn kể từ tháng 7 năm ngoái 2022. Đối với hai quốc gia đầu tầu của Châu Âu, đây là dịp lý tưởng để hai bên thống nhất ý kiến, khôi phục khả năng thúc đẩy châu Âu tiến lên vào lúc nhiều nước Châu Âu đồng minh của Ukraina đang bất bình trước thái độ kiềm chế quân sự tương đối của cả Paris lẫn Berlin trước nước Nga.

Thế nhưng, trên hồ sơ Ukraina, cả Emmanuel Maccron lẫn Olaf Scholz vẫn không thống nhất ý kiến được trên một đối sách chống Nga mạnh mẽ, cụ thể vẫn dè dặt trên yêu cầu chi viện xe tăng hạng nặng cho Kiev vốn được nhiều nước Liên Âu thúc đẩy.

Ngoài ra, cuộc họp đầy mong đợi của Hội Đồng Bộ Trưởng Pháp-Đức cũng không đề ra được bước nhảy vọt thực sự nào trong công cuộc xây dựng châu Âu, mặc dù ý tưởng củng cố “chủ quyền” của lục địa đều được hai bên bảo vệ trong một thời gian dài trước đây.

Theo ghi nhận của tờ Le Monde ngày 23/01, xem xét kỹ các ý kiến mà hai ông Macron và Scholz nêu lên trước báo giới vào hôm qua, người ta có thể khẳng định rằng trong hai lĩnh vực hợp tác thiết yếu - quốc phòng và năng lượng - Paris và Berlin vẫn đang gặp khó khăn trong việc dung hòa quan điểm.

Về quốc phòng, trong khi ông Macron từ lâu đã hy vọng củng cố “quyền tự chủ chiến lược” của châu Âu để đảm bảo an ninh cho châu lục, thì cuộc chiến ở Ukraina lại khiến phe thân NATO được củng cố mạnh thêm. Ba ngày sau khi nổ ra cuộc chiến Ukraina, ông Scholz loan báo quyết định mua máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ để thay thế phi đội Tornado cũ của mình. Sau đó ông công bố một dự án lá chắn phòng không châu Âu liên quan đến 14 quốc gia NATO, nhưng không có Pháp hay Ba Lan.

Về dự án này, ông Scholz đã nhắc lại hôm qua rằng cánh cửa vẫn chưa đóng nhưng ý định của ông là “dựa trên những gì đã tồn tại, mà không phải đợi quá lâu để có được một số vũ khí nhất định”. Ngược lại, ông Macron lại đề nghị phát triển một “chiến lược chung” với Đức và Ba Lan để “tiến tới chủ quyền tối đa về công nghệ và công nghiệp”.

Tại Paris, những quyết định ở Berlin đã gây nghi ngờ về ý chí của chính phủ mới của Đức trong việc tiếp tục phát triển các dự án phòng thủ chung khác như Hệ Thống Không Chiến Trong Tương Lai (SCAF) mà Tây Ban Nha cũng tham gia, hoặc là Hệ Thống Chiến Đấu Trên Bộ Chính (SCTP).

Lĩnh vực căng thẳng thứ hai là năng lượng. Giữa Pháp, quốc gia vẫn phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân, và Đức, nước từ lâu dựa vào khí đốt của Nga, đã có sự hiểu lầm từ lâu, nhưng cuộc chiến ở Ukraina đã làm trầm trọng thêm hiểu lầm đó.

Sau một thời gian dài miễn cưỡng, chính phủ của Olaf Scholz cuối cùng đã đồng ý, vào tháng 12 năm 2022, cùng mua khí đốt ở cấp độ châu Âu và đồng ý có giá trần. Pháp và Đức đã đồng ý cung cấp khí đốt và điện cho nhau để tránh các vấn đề trong mùa đông này. Nhưng thủ tướng Scholz vẫn tiếp tục từ chối yêu cầu của Pháp về việc cải cách thị trường điện, đặc biệt là khi giá năng lượng lại đang có xu hướng giảm.

(Nguồn: RFI)

(Xem thêm:

=> EU: TikTok bị cấm vĩnh viễn; Tách café bất thường; Đức nói về siêu chiến xa, tiếp tục hỗ trợ Ukraine; Ba Lan chỉ trích Đức ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang