EU: TikTok bị cấm vĩnh viễn; Tách café bất thường; Đức nói về siêu chiến xa, tiếp tục hỗ trợ Ukraine; Ba Lan chỉ trích Đức

TIKTOK ĐỨNG TRƯỚC NGUY CƠ BỊ CẤM VĨNH VIỄN TẠI CHÂU ÂU

(Ảnh minh hoạ).

Tương lai của TikTok tại châu Âu đang khá mịt mờ, và nếu không tuân thủ theo đạo luật dưới đây, nền tảng mạng xã hội TikTok nhiều khả năng sẽ bị cấm tại nhiều quốc gia EU.

CEO của TikTok - ông Shou Zi Chew mới đây đã bị ủy viên của Liên minh châu Âu EU là Thierry Breton cảnh cáo qua một cuộc gọi video. Ông Breton tuyên bố rằng EU sẽ dùng tất cả mọi biện pháp nhằm bảo vệ quyền riêng tư của công dân tại khối liên minh châu Âu và trong trường hợp căng thẳng nhất, họ sẽ cấm vĩnh viễn ứng dụng này.

EU muốn TikTok phải tuân thủ tất cả mọi quy tắc cũng như quy định được nêu trong Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số DSA. Đạo luật này có hiệu lực vào tháng 11/2022 và được coi là một tiêu chuẩn vàng về mảng quản trị nội dung và nền tảng Internet. Ngoài ra, DSA cũng mang tới rất nhiều biện pháp cứng rắn với mục đích trừng phạt và răn đe, bao gồm cả lệnh cấm vĩnh viễn khỏi EU đối với các hành vi tái phạm nhiều lần có thể đe dọa đến sự an nguy của công dân EU.

Nhiều điều khoản của DSA chỉ áp dụng cho các nền tảng có hơn 45 triệu người dùng ở EU. Ngưỡng này đưa các nền tảng nổi tiếng như YouTube, Twitter, Facebook và TikTok vào phạm vi điều chỉnh của đạo luật.

Cuộc gọi của ủy viên EU với CEO của TikTok có nội dung như sau: "Chúng tôi sẽ không ngần ngại áp dụng trừng phạt cao nhất để bảo vệ công dân của mình nếu không cho thấy sự tuân thủ đầy đủ”.

TikTok là ứng dụng đã có tới hơn 3 tỷ lượt tải xuống tính đến thời điểm tại và là một trong những nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất thế giới dành cho giới trẻ. Thế nhưng nó lại mang đến rất nhiều mối lo ngại, mà đặc biệt nhất chính là quyền riêng tư và an toàn dữ liệu của người dùng. Trước đây, công ty mẹ của TikTok là ByteDance đã bị cáo buộc về hành vi thu thập dữ liệu người dùng.

Hiện nay, TikTok đã bị cấm ở một vài quốc gia châu Á như Pakistan, Bangladesh, Ấn Độ và Azerbaijan. Tại Mỹ, tình hình của mạng xã hội này cũng không khả quan hơn là mấy khi đã có tới hơn 20 tiểu bang bị quân đội và quốc hội nước này cấm vĩnh viễn. Vì vậy, nếu như TikTok bị xóa sổ tại châu Âu, đây sẽ là một báo động đỏ đối với mạng xã hội này.

(Nguồn: VnMedia)

TÁCH CÀ PHÊ BẤT BÌNH CỦA NGƯỜI CROATIA

Sau quyết định chuyển đổi từ tiền kuna sang đồng euro, cuộc tranh cãi về giá cà phê và nhiều hàng hóa khác đang khiến chính phủ Croatia “đau đầu”.

Không ai có thể “chia cắt” người Croatia và tách cà phê của họ, BBC mở đầu bài viết. Nếu tản bộ trên đường phố thủ đô Zagreb, du khách sẽ dễ dàng bắt gặp những quán cà phê vỉa hè chật ních người dân địa phương, ngay cả trong những tháng mùa đông.

Tuy nhiên, vào đầu năm nay, một số người nhận thấy đồ uống yêu thích của họ đã có sự thay đổi.

Theo CNN, từ ngày 1/1, Croatia đã thay thế đồng nội tệ kuna lịch sử bằng đồng euro, sau một thập kỷ gia nhập Liên minh châu Âu (EU). Và quyết định này khiến nhiều người Croatia tin rằng các quán cà phê, cũng như các nhà bán lẻ và nhà cung cấp dịch vụ, đang lợi dụng tình thế và tăng giá sản phẩm.

"Thật khó hiểu", Vina - cư dân Croatia - nói và nhận được cái gật đầu đồng tình từ hai người bạn Monika và Tonka. "Trông có vẻ rẻ hơn nhưng thực ra rất đắt. Chúng tôi vừa trả 6 euro (khoảng 6,5 USD) cho hai cốc cà phê và một cốc coca. Tôi đã sốc".

Một cư dân địa phương khác, tên Zivana, cũng có suy nghĩ tương tự. "Tất cả đợt tăng giá này bắt đầu vào tháng 6/2022", cô nói. "Bây giờ... thậm chí còn tồi tệ hơn. Chúng tôi không hài lòng với cách chính phủ xử lý tình huống".

Cuộc tranh cãi vô nghĩa?

Cuộc tranh cãi về giá hàng hóa diễn ra gay gắt đến mức chính phủ Croatia phải can thiệp. Quốc gia này đã triệu tập các nhà bán lẻ và cảnh báo rằng chính phủ sẽ không dung thứ cho hành vi tăng giá vô cớ. Đáp lại, các doanh nghiệp tỏ ra phẫn nộ trước việc chính phủ bôi nhọ danh tiếng của họ.

Song các nhà chức trách nhận thấy họ không thể để đồng euro trở thành cái cớ cho hành vi trục lợi lén lút. Do đó, chính phủ đã yêu cầu các nhà bán lẻ đảm bảo không tăng giá cao hơn mức giá vào ngày 31/12/2022. Đội ngũ thanh tra đã xem xét nhiều trường hợp vi phạm, với khoảng 200 nhà bán lẻ trong một tuần.

Song một số người cảm thấy cuộc tranh cãi về giá cà phê ở Croatia chỉ đơn giản là vô nghĩa. Khi đang làm việc trong một quán bar trên Quảng trường thủ đô Zagreb, nhân viên pha chế Luka nói rằng anh nghi ngờ mọi người đang phản ứng thái quá.

“Chúng tôi đã hiển thị giá tính theo euro trước cả khi có sự chuyển đổi. Họ nói hiện chúng tôi (bán) quá đắt, nhưng thực chất giá vẫn giữ nguyên như trước dịp năm mới", anh chia sẻ.

Việc chuyển đổi tiền tệ không phải một quá trình đơn giản. Hungary - quốc gia láng giềng của Croatia - ban đầu có kế hoạch loại bỏ đồng forint vào năm 2007. Nhưng 16 năm sau, họ vẫn chưa thể thực hiện.

Thực tế này khiến quyết tâm của Croatia trong việc đáp ứng các tiêu chí sử dụng đồng euro dường như càng ấn tượng hơn, phản ánh sự ổn định của nhiều yếu tố, chặng hạn tỷ lệ lạm phát, thâm hụt ngân sách chính phủ, tỷ lệ nợ trên GDP quốc gia và lãi suất dài hạn.

Thống đốc Ngân hàng Quốc gia Croatia Boris Vujcic nói rằng chính phủ, các doanh nghiệp và người dân đã chuẩn bị rất tốt cho việc áp dụng đồng tiền chung.

“Croatia vốn đã bị ‘euro hóa’ nặng nề. Các khoản nợ của công ty, chính phủ và hộ gia đình được tính bằng đồng euro hoặc liên kết với đồng tiền này. Giờ đây, các khoản thu nhập cũng vậy", ông nói.

Ông Vujcic cũng từng khẳng định: “Croatia là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ việc gia nhập khu vực đồng euro. (Vì) rủi ro ngoại hối ở Croatia là cao nhất”, theo Financial Times.

Hứa hẹn nhiều lợi ích

Ông Vujcic tin rằng việc sử dụng đồng tiền chung không hề gây ra tình trạng tăng giá. Thay vào đó, nó giúp nước này thoát khỏi tình trạng lạm phát tồi tệ nhất mà các nước bên ngoài khu vực đồng euro phải đối mặt trong năm 2022.

“Có thể thấy tác động của cuộc khủng hoảng ít nghiêm trọng hơn nhiều ở Croatia, vì thị trường đã nhận thức được việc chúng tôi gia nhập khu vực đồng tiền chung châu Âu”, ông Vujcic nói.

Giờ đây, các doanh nghiệp Croatia đang mong đợi sự thúc đẩy từ đồng euro, kết hợp với việc Croatia trở thành thành viên của khu vực Schengen không biên giới.

Sự thay đổi này khiến trải nghiệm của khách du lịch châu Âu đến Croatia bằng ôtô hoặc xe khách dễ dàng hơn đáng kể. Họ không còn phải xếp hàng dài tại các cửa khẩu biên giới và không cần lo lắng về tỷ giá hối đoái. Do đó, ngành du lịch của Croatia dự kiến được thúc đẩy mạnh.

Giới chuyên gia cũng dự đoán các nhà xuất khẩu của Croatia sẽ hưởng lợi khi những khác biệt cuối cùng trong hoạt động thương mại xuyên biên giới nội khối được loại bỏ.

Goran Saravanja, nhà kinh tế trưởng của Phòng Thương mại Croatia, cho biết: “Trong vòng chưa đầy một thập kỷ là thành viên của EU, chúng tôi đã chứng kiến lượng hàng hóa xuất khẩu tăng hơn gấp đôi. Hiện nay, các công ty bên ngoài khu vực đồng euro cũng đang (để mắt đến Croatia)”.

"Chúng tôi vốn giỏi về hậu cần nhờ vị trí địa lý. Khi không có chi phí bổ sung, nhờ gia nhập khu vực không biên giới Schengen và sử dụng đồng euro, (họ) sẽ có động lực (tìm đến chúng tôi)", ông kết luận.

Nếu dự đoán chính xác, Croatia sẽ nhận thấy lợi ích rõ ràng trong vài năm tới. Nhưng hiện tại, người tiêu dùng vẫn lo ngại nhiều hơn về việc túi tiền của họ bị ảnh hưởng.

Người dân Croatia không còn có thể chi tiêu bằng đồng kuna. Nhưng các nhà bán lẻ vẫn phải hiển thị giá tính theo đồng tiền này cho đến cuối năm nay, nhằm trấn an khách hàng rằng mức giá vẫn giữ nguyên.

(Nguồn: Zing News)

ĐỨC TUYÊN BỐ VỀ SIÊU CHIẾN XA ĐẾN UKRAINE, NGA CẢNH BÁO THẢM KỊCH TOÀN CẦU

(Ảnh minh hoạ).

Tuyên bố mới nhất của Đức rằng sẽ không ngăn cản Ba Lan gửi cho Ukraine siêu chiến xa Leopard 2 và chuyến thăm Kiev của cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson gần như song song với tuyên bố gay gắt của Nga gửi tới các nước viện trợ quân sự cho Ukraine.

Theo Reuters, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đức Annalena Baerbock hôm 22-1 đã phát biểu trên LCI TV của Pháp: "Hiện tại câu hỏi vẫn chưa được đặt ra, nhưng nếu chúng tôi được hỏi, chúng tôi sẽ không cản trở", khi được phóng viên hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu Ba Lan tiếp tục gửi xe tăng Leopard 2 tới Ukraine mà chưa có sự chấp thuận của Đức.

Tuyên bố của bà dường như đi xa hơn so với tuyên bố trước đó của Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Hội nghị thượng đỉnh ở Paris cùng ngày, rằng tất cả quyết định về chuyển giao vũ khí sẽ được đưa ra với sự phối hợp của các đồng minh bao gồm Mỹ.

Đức phải chịu áp lực nặng nề về việc để Leopard 2 đến Ukraine. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho biết hôm cùng ngày rằng ông mong đợi một quyết định sớm về xe tăng này, mặc dù vẫn thận trọng.

Ông Pistorius nói với ARD TV của Đức rằng nước này sẽ không đưa ra quyết định vội vàng vì chính phủ còn nhiều yếu tố để xem xét, bao gồm các hậu quả đối với an ninh của người dân Đức.

Theo The Guardian, Leopard 2 - siêu chiến xa do Đức sản xuất lần đầu tiên vào năm 1979 và có nhiều phiên bản cải tiến - có thể có tầm bắn lên tới 500 km và tốc độ di chuyển 68 km/giờ, thuộc dòng xe tăng chiến đấu chủ lực. Nó được trang bị vũ khí chính là súng nòng trơn 120 mm và 2 súng máy hạng nhẹ.

Cũng hôm 22-1 Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã lặp lại lời kêu gọi về xe tăng đối với cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson, người hiện đang có chuyến thăm Kiev.

Moscow cảnh báo phương Tây về "thảm kịch toàn cầu"

Theo đài RT, hôm 22-1 nhà lập pháp cấp cao Vyacheslav Volodin, Chủ tịch Duma Quốc gia Nga (Hạ viện Nga) cảnh báo về "thảm kịch toàn cầu" có thể xảy ra với nhân loại nếu phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Thông điệp được ông đăng tải trên Telegram, viết rõ: "Xét đến ưu thế công nghệ của vũ khí Nga, các chính trị gia nước ngoài đưa ra quyết định như vậy cần hiểu rằng: đây có thể trở thành một thảm kịch toàn cầu, sẽ hủy diệt đất nước của họ".

Ông Volodin nhấn mạnh nếu vũ khí do Mỹ và các quốc gia thành viên NATO cung cấp được sử dụng để "tấn công các thành phố dân sự và cố gắng chiếm giữ các vùng lãnh thổ của chúng tôi", Moscow sẽ đáp trả bằng "vũ khí mạnh hơn".

(Nguồn: Soha)

THỦ TƯỚNG ĐỨC: ‘CHÚNG TÔI SẼ TIẾP TỤC HỖ TRỢ UKRAINE’

Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 22/1 cho biết rằng Đức sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine, vài ngày sau khi các đồng minh phương Tây làm giảm hy vọng của Ukraine về việc nhanh chóng chuyển giao xe tăng chiến đấu.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine”, ông Scholz phát biểu tại Paris tại một sự kiện kỷ niệm tình hữu nghị giữa Đức và Pháp.

Ông cũng nói thêm rằng sự hỗ trợ “toàn diện” này sẽ tiếp diễn chừng nào còn cần thiết.
“Cùng nhau, với tư cách là người châu Âu - để bảo vệ dự án hòa bình châu Âu của chúng ta", ông Scholz phát biểu.

Các đồng minh phương Tây đã cam kết cung cấp hàng tỷ đô la vũ khí cho Ukraine vào tuần trước, mặc dù họ đã thất bại trong việc thuyết phục Đức dỡ bỏ quyền phủ quyết đối với việc cung cấp xe tăng chiến đấu Leopard, do một loạt các quốc gia NATO nắm giữ nhưng việc cung cấp cho Ukraine sẽ cần có sự chấp thuận của Berlin.

Xe tăng Leopard được các chuyên gia quốc phòng đánh giá là phù hợp nhất với Ukraine.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh James Cleverly cho biết Anh vẫn muốn có một thỏa thuận quốc tế để cung cấp cho Ukraine các xe tăng do Đức sản xuất mà Kiev nói rằng họ cần trong cuộc chiến chống lại Nga nhưng việc chuyển giao cần có sự đồng ý của Đức.

"Tất nhiên, tôi muốn thấy người Ukraine được trang bị những thứ như Leopard 2 cũng như các hệ thống pháo do chúng tôi và các nước khác cung cấp", ông Cleverly nói trong một cuộc phỏng vấn với Sky News.

(Nguồn: VOA)

THỦ TƯỚNG BA LAN CHỈ TRÍCH ĐỨC

(Ảnh minh hoạ).

Thủ tướng Ba Lan chỉ trích Đức vì quyết định không cung cấp xe tăng Leopard 2 cho Ukraine, coi lập trường của Berlin là "không thể chấp nhận được".

"Thái độ của Đức là không thể chấp nhận được. Đã gần một năm từ khi xung đột bắt đầu, những người vô tội đang chết mỗi ngày", Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki hôm nay cho hay. "Những quả bom của Nga đang tàn phá các thành phố Ukraine. Mục tiêu dân sự đang bị tấn công, phụ nữ và trẻ em đang bị sát hại".

Khoảng 50 quốc gia hôm 20/1 đồng ý cung cấp cho Ukraine khí tài quân sự trị giá hàng tỷ USD, trong đó có xe bọc thép và đạn để đối phó lực lượng Nga. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Vladimir Pistorius cho biết dù có nhiều kỳ vọng, "chúng tôi vẫn chưa thể nói khi nào quyết định được đưa ra và quyết định sẽ là gì, liên quan xe tăng Leopard 2".

Đức là nước sản xuất xe tăng Leopard 2 và Thủ tướng Ba Lan cũng cho biết ông đang chờ "tuyên bố rõ ràng" từ Berlin về việc các quốc gia sở hữu Leopard 2 có thể chuyển giao chúng cho Ukraine hay không.

Ba Lan tuyên bố sẵn sàng cung cấp 14 xe tăng Leopard 2 cho Ukraine và đang thảo luận vấn đề này với khoảng 15 quốc gia.

"Nếu Berlin từ chối cung cấp xe tăng cho Ukraine, chúng tôi sẽ thành lập 'liên minh nhỏ' gồm các quốc gia sẵn sàng tặng một số thiết bị, xe tăng hiện đại của họ", ông Morawiecki nói thêm.

Trong tuyên bố chung hôm 21/1, Ngoại trưởng ba quốc gia vùng Baltic gồm Latvia, Estonia và Litva kêu gọi Đức "cung cấp xe tăng Leopard cho Ukraine ngay bây giờ".

Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm nay nói rằng sẽ cùng Pháp tiếp tục hỗ trợ Ukraine. "Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine, lâu dài và toàn diện đến chừng nào còn cần thiết. Cùng nhau, với tư cách người châu Âu, để bảo vệ hòa bình châu Âu của chúng ta", ông Scholz phát biểu tại Paris nhân sự kiện kỷ niệm tình hữu nghị giữa Đức và Pháp.

Leopard 2 là xe tăng chiến đấu thế hệ ba được phát triển hồi thập niên 1970 cho quân đội Tây Đức, đưa vào biên chế năm 1979. Xe được trang bị pháo chính cỡ nòng 120 mm, mang giáp rỗng để đối phó đạn xuyên giáp nổ lõm, trong khi những phiên bản sau được bổ sung giáp phức hợp.

Phương Tây đang tích cực hỗ trợ Ukraine về cả mặt tài chính lẫn thiết bị quân sự. Nga trong khi đó nhiều lần cảnh báo vũ khí phương Tây cung cấp cho Ukraine chỉ càng kéo dài cuộc chiến và sẽ bị lực lượng Nga nhắm mục tiêu.

(Nguồn: Vnexpress)

(Xem thêm:

=> EU: Anh mất vị thế thiên đường; Biểu tình ở Stockholm; Đức: Nhận chỉ trích, đoán vận đầu năm, Hội chợ Tuần lễ Xanh Berlin ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang