EU: Áp giá trần mới dầu Nga; Biểu tình ở Pháp; Đức: Kinh tế suy thoái, mối lo sưởi ấm bằng than, Không cấp máy bay cho Ukraine

CÁC NƯỚC EU ÁP MỨC GIÁ TRẦN MỚI ĐỐI VỚI CÁC SẢN PHẨM DẦU CỦA NGA

(Ảnh minh hoạ).

Các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ áp dụng hai mức giá trần đối với các sản phẩm xăng dầu của Nga bắt đầu từ ngày 5/2, nhằm hạn chế doanh thu của Nga từ xuất khẩu dầu mỏ và thắt chặt các lệnh trừng phạt đối với nước này.

Ủy ban châu Âu, cơ quan điều hành của EU, đề xuất áp đặt mức giá trần 100 USD mỗi thùng đối với các sản phẩm dầu có giá trị cao như dầu diesel và giới hạn giá hàng hóa chiết khấu bao gồm dầu nhiên liệu ở mức 45 USD.

Mặt khác, Nhóm G7 chủ trương áp mức giá trần sản phẩm dầu diesel của Nga ở mức 100 - 110 USD/thùng để tránh thiếu hụt nguồn cung trên thị trường dầu diesel quốc tế.

Hai mức giá trần sẽ được áp dụng từ ngày 5 tháng 2, nhưng thời gian ân hạn sẽ được áp dụng cho các tàu chở sản phẩm được mua và chất hàng trước ngày đó và dỡ hàng trước ngày 1 tháng 4, theo Bloomberg News.
Các nước châu Âu đang tăng cường mua dầu diesel của Nga, với dữ liệu cho thấy hơn 600.000 thùng dầu diesel của Nga đang được các quốc gia châu Âu mua mỗi ngày trong năm nay, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái.

(Nguồn: VOA)

PHÁP: BIỂU TÌNH RẦM RỘ PHẢN ĐỐI TĂNG TUỔI NGHỈ HƯU, THỦ TƯỚNG TUYÊN BỐ 'KHÔNG THỂ THƯƠNG LƯỢNG'

Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne ngày 29/1 khẳng định kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64 của chính phủ nước này là “không thể thương lượng”.

Tuyên bố trên càng khiến các đối thủ trong Quốc hội và Công đoàn tức giận, lên kế hoạch cho các cuộc biểu tình và đình công rầm rộ trong tuần này.

Theo hãng tin AP, tăng tuổi hưởng lương hưu là một phần trong dự luật được coi là quyết sách hàng đầu trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Emmanuel Macron. Dự luật đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ công chúng, khi kể từ đầu tháng 1, hơn 1 triệu người tham gia tuần hành phản đối.

Trong một cuộc phỏng vấn với đài phát thanh France-Info phát sóng ngày 29/1, Thủ tướng Elisabeth Borne cho biết vấn đề tăng độ tuổi nghỉ hưu “không còn thể thương lượng được nữa”.

Nữ lãnh đạo cho biết việc nghỉ hưu ở tuổi 64 và kéo dài số năm cần thiết để được hưởng lương hưu đầy đủ “là thỏa hiệp mà chúng tôi đề xuất sau khi lắng nghe các tổ chức và công đoàn của người sử dụng lao động”.

Một đơn kiến nghị trực tuyến do công đoàn đứng đầu phản đối kế hoạch tăng độ tuổi nghỉ hưu đã chứng kiến ​​​​sự gia tăng số lượng chữ ký mới sau những phát ngôn của Thủ tướng Borne. Theo các quan chức của các công đoàn FO và CFDT, tám công đoàn hàng đầu của Pháp đang thảo luận để đưa ra phản ứng chung đối với những lời tuyên bố của nữ chức trách.

Nghị sĩ Manuel Bompard thuộc France Unbowed đang dẫn đầu cuộc vận động chống lại cải cách của quốc hội kêu gọi số người “lớn nhất có thể” tham gia cuộc đình công sắp tới.

“Chúng ta phải xuống đường vào ngày 31/1”, ông nói trên kênh truyền hình BFM.

Theo lời giải thích của Thủ tướng Borne, chính phủ Pháp nhận thấy việc thay đổi độ tuổi nghỉ hưu là cần thiết để giữ cho hệ thống lương hưu có khả năng thanh toán khi tuổi thọ của Pháp tăng lên và tỷ lệ sinh giảm.

“Mục tiêu của chúng tôi là đảm bảo rằng vào năm 2030, chúng ta có một hệ thống cân bằng về tài chính”, Thủ tướng Borne nhấn mạnh.

Tuy nhiên, thay vì tăng độ tuổi nghỉ hưu, các công đoàn và các đảng cánh tả muốn các công ty lớn hoặc các gia đình giàu có hơn tham gia nhiều hơn để cân bằng ngân sách lương hưu.

Dự luật sẽ được đưa ra Ủy ban Quốc hội vào ngày 30/1, và được đưa ra tranh luận toàn diện tại Quốc hội vào ngày 6/2. Những người phản đối đã đệ trình 7.000 đề xuất sửa đổi, được cho là sẽ làm “nóng” và kéo dài cuộc tranh luận.

(Nguồn: Báo Tin Tức)

KINH TẾ ĐỨC TIẾN GẦN HƠN TỚI SUY THOÁI

(Ảnh minh hoạ).

GDP Đức đã giảm trong quý IV/2022 - tệ hơn dự báo và làm dấy lên nguy cơ suy thoái tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Số liệu do Văn phòng Thống kê quốc gia Đức vừa công bố cho thấy GDP nước này giảm 0,2% quý cuối năm ngoái, ngược với dự báo hồi đầu tháng rằng GDP sẽ đi ngang. Việc này cũng đồng nghĩa nếu tăng trưởng âm thêm quý hiện tại, Đức sẽ rơi vào suy thoái.

Nhiều dấu hiệu trong vài tuần qua cho thấy niềm tin tại Đức đang tăng lên nhờ mùa đông ấm và các kho dự trữ khí đốt vẫn còn nhiều. Giá bán buôn khí đốt cũng đã giảm từ mức kỷ lục, làm dấy lên kỳ vọng lạm phát sớm hạ nhiệt.

Tuy nhiên, lạm phát vẫn đang gây sức ép lên nhu cầu, được thể hiện qua tiêu dùng. Xu hướng này cũng hiện hữu tại Thụy Điển. Số liệu công bố sáng nay cho thấy nền kinh tế này bất ngờ co lại trong quý IV/2022.

Các hãng sản xuất, vốn đóng vai trò lớn trong kinh tế Đức, đang ghi nhận số đơn hàng giảm. Chính phủ Đức tuần trước dự báo tăng trưởng năm 2023 đạt 0,2%. Dù vậy, Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck vẫn cảnh báo nguy cơ suy thoái và cuộc chiến Nga – Ukraine chưa chấm dứt.

Triển vọng của Đức hiện cũng vẫn thiếu chắc chắn. Lạm phát có thể kéo dài khi nhu cầu tăng lương lan rộng. Các công nhân bưu chính Đức vẫn đang đình công đòi tăng 15% lương. Công chức nước này cũng muốn tăng với mức 2 chữ số.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vẫn cương quyết với chính sách thắt chặt tiền tệ để ghìm lãi suất. Tuần này, ECB được dự báo nâng lãi thêm 50 điểm cơ bản (0,5%). Họ đang thực hiện chiến dịch thắt chặt mạnh tay nhất lịch sử. Tác động của các biện pháp này đến nay vẫn chưa được phản ánh đầy đủ trong nền kinh tế.

(Nguồn: Vnexpress)

TRÀO LƯU SƯỞI ẤM BẰNG THAN CỦI LÀM DẤY LÊN MỐI LO NGẠI MỚI TẠI ĐỨC

Tình trạng khủng hoảng năng lượng ở châu Âu khiến nhiều hộ gia đình chuyển sang sử dụng bếp sưởi đốt củi để tiết kiệm chi phí. Xu hướng trên đang khiến cơ quan môi trường Đức lo ngại do ảnh hưởng của nó tới chất lượng không khí.

Sau hơn 30 năm sống trong ngôi nhà nhỏ ở ngoại ô Munich (nước Đức), ông bà Moller đã nghỉ hưu quyết định lắp đặt một bếp sưởi đốt củi do lo ngại tình trạng thiếu gas và giá gas tăng cao. Trước cuộc khủng hoảng năng lượng, gia đình ông bà Möller chỉ phải chi khoảng 800 euro một năm cho khí đốt. Năm nay, mặc dù có hệ thống sưởi hoàn toàn mới, nhưng mức tiêu thụ của họ ước tính lên tới gần 2.300 euro, gần gấp 3 lần chi phí trước đó.

Vốn chỉ trông vào nguồn thu nhập chính là lương hưu, ông Gerd Möller cho biết gia đình ông phải cắt giảm tiêu dùng bằng việc tự lắp đặt lò sưởi đốt củi: “Chúng tôi đã giảm nhiệt độ sưởi ấm từ lò đun củi khô xuống 19 độ, bình nước nóng cũng đã để mức tối đa là 45 độ C. Chỉ vậy thôi cũng đã giúp chúng tôi tiết kiệm được kha khá. Hệ thống sưởi vào buổi tối thậm chí cũng được gia đình tắt bỏ hoàn toàn”.

Mặc dù củi rẻ hơn so với khí đốt hoặc điện, nhưng tại Đức, giá của nó vẫn tăng gấp đôi. Từ ngày rời xa nguồn khí đốt đắt đỏ, mỗi năm, ông bà Möllers có thể tiết kiệm khoảng 1.000 euro cho việc sưởi ấm. Ông bà Möllers chỉ là một trong số 11 triệu hộ gia đình sở hữu lò đốt củi ở Đức nhằm tiết kiệm tiền khí đốt sưởi ấm vào mùa đông.

Tuy nhiên, xu hướng này cũng bị các tổ chức môi trường chỉ trích. Cơ quan Môi trường Liên bang Đức cảnh báo rằng lượng khí thải CO₂ khi đốt gỗ thậm chí còn cao hơn so với nhiên liệu hóa thạch như than đá hoặc khí đốt…Chính vì vậy, cơ quan này yêu cầu người dân Đức nên chọn những cách tiết kiệm tiêu dùng vì môi trường hơn. Hưởng ứng xu hướng “tiết kiệm xanh” này, nhiều người dân Đức chọn cách đặt tour tới một nơi ấm áp để “trốn” cái lạnh của mùa đông châu Âu.

Silke Mothes, một người dân ở thành phố Munich chia sẻ: "Chúng tôi đã quyết định bay đến Thái Lan trong ba tuần vào mùa đông này và do đó căn hộ sẽ không có hệ thống sưởi. Ba tuần sẽ giúp chúng tôi tiết kiệm tiền bằng cách ở lại Thái Lan."

Nhiều người dân cũng bày tỏ: việc chuyển sang lò sưởi đốt củi dù tiết kiệm được chi phí nhưng lại gây thêm gánh nặng phát thải cho môi trường và đó không thể là giải pháp lâu dài khi khủng hoảng năng lượng vẫn còn tiếp diễn.

(Nguồn: Môi trường & Đô thị)

ĐỨC KIÊN QUYẾT GẠT KIẾN NGHỊ CUNG CẤP MÁY BAY CHIẾN ĐẤU CHO UKRAINE

(Ảnh minh hoạ).

Thủ tướng Đức Olaf Scholz vừa kiên quyết bác bỏ một lần nữa kiến nghị của Ukraine về việc cung cấp máy bay chiến đấu, sau khi Berlin đồng ý gửi xe tăng.

“Vấn đề máy bay chiến đấu hoàn toàn không được đặt ra. Tôi chỉ có thể khuyên không nên bước vào một cuộc cạnh tranh liên tục để cố gắng vượt trội hơn người khác trong vấn đề vũ khí”, ông Scholz nói trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Tagesspiegel đăng ngày 29/1.

Phát biểu được đưa ra sau khi một quan chức hàng đầu Ukraine nói rằng Kiev và các đồng minh phương Tây đang đàm phán cấp tốc về khả năng gửi máy bay chiến đấu và tên lửa tầm xa để giúp Ukraine đối phó tốt hơn với Nga.

Tuần trước, ông Scholz cũng đã gạt bỏ khả năng cung cấp máy bay chiến đấu, cho rằng cần ngăn chặn leo thang quân sự nghiêm trọng hơn nữa. “Sẽ không có việc chuyển giao máy bay chiến đấu cho Ukraine”, ông Scholz nói sau sau khi Đức và Mỹ đồng ý cung cấp xe tăng cho Kiev.

Ukraine đưa ra yêu cầu cung cấp máy bay chiến đấu gần như ngay sau khi Berlin và Washington khẳng định sẽ gửi xe tăng. Đức cho biết sẽ cùng các đồng minh châu Âu gửi cho Kiev khoảng 80 xe tăng Leopard 2.

“Ngay sau khi quyết định được đưa ra đã có cuộc tranh luận tiếp theo ở Đức, điều này có vẻ không nghiêm túc lắm và sẽ làm ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào các quyết định của chính phủ. Những cuộc tranh luận như vậy không nên diễn ra vì lý do chính trị nội bộ. Một điều cũng quan trọng với tôi là tất cả những ai đã thông báo ý định cung cấp xe tăng cho Ukraine cũng sẽ làm như vậy”, ông Scholz nói trong phát biểu mới nhất.

Trước đó, ông Mykhailo Podolyak, một cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky, nói rằng Kiev đang bàn với các đồng minh về việc cung cấp máy bay chiến đấu, nhưng một số đối tác có thái độ “bảo thủ” trong vấn đề cung cấp vũ khí. Dù không nêu tên quốc gia nào, ông Podolyak nói rằng thái độ này là do “sợ sẽ có những thay đổi trong cấu trúc quốc tế”.

(Nguồn: Soha)

(Xem thêm:

=> Cuộc chiến cua tuyết; Thụy Điển-Thổ căng thẳng; Đức: Thủ tướng thăm Mỹ Latin, tranh cãi bộ trưởng Ngoại giao, chính sách Ukraine ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang