Cuộc chiến cua tuyết; Thụy Điển-Thổ căng thẳng; Đức: Thủ tướng thăm Mỹ Latin, tranh cãi bộ trưởng Ngoại giao, chính sách Ukraine

MỌI ÁNH MẮT ĐANG DỒN VÀO CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ VỀ CUA TUYẾT Ở NA UY

(Ảnh minh hoạ).

Cuộc chiến pháp lý về quyền đánh bắt cua tuyết ở ngoài khơi quần đảo phía bắc của Na Uy có thể tạo ra những ảnh hưởng lớn đối với việc tiếp cận dầu mỏ ở Bắc Cực.

Tuần này, Tòa án Tối cao Na Uy đang xét xử một vụ kiện về việc liệu các tàu cá Latvia có thể đánh bắt cua tuyết trong một vùng nước rộng xung quanh quần đảo Svalbard, CNN đưa tin.

Theo Reuters, vấn đề trong vụ việc là liệu các tàu của EU có quyền đánh bắt cua tuyết ở khu vực này giống như cách mà các tàu của Na Uy đã làm hay không. Thịt của loại cua này được coi là cao lương mỹ vị ở nhiều quốc gia, trong đó có Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ,...

Vụ việc được coi là có thể quyết định ai có quyền thăm dò dầu và khoáng sản trong khu vực.

Cua tuyết hôm nay, dầu khí ngày mai

Svalbard là một quần đảo nằm sâu bên trong Vòng Bắc Cực, ở giữa Na Uy và Bắc Cực. Đây cũng là nơi có khu định cư xa xôi hàng đầu hành tinh.

Bloomberg nhận định vụ kiện về quyền đánh bắt cua tuyết là thử thách cho khả năng kiểm soát các nguồn tài nguyên bên ngoài lãnh hải của quần đảo này.

Theo Hiệp ước Svalbard năm 1920 - được ký kết bởi các quốc gia bao gồm Mỹ, Nhật Bản và nhiều quốc gia thuộc Liên minh châu Âu - Na Uy có chủ quyền đối với quần đảo này, song các bên ký kết khác có quyền bình đẳng đối với những nguồn tài nguyên trong lãnh hải của Svalbard bao gồm cá, dầu và khí đốt.

Câu hỏi trọng tâm của vụ kiện là phạm vi áp dụng trên biển của các quyền này. Nếu hiệp ước này mở rộng đến thềm lục địa, các bên ký kết sẽ có quyền bình đẳng đối với tài nguyên của khu vực đó.

“Những ảnh hưởng là rất đáng kể: Cua tuyết hôm nay và dầu khí ngày mai”, Klaus Dodds, giáo sư địa chính trị tại Royal Holloway thuộc Đại học London, nói.

Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, Bắc Cực có thể nắm giữ 13% nguồn tài nguyên dầu và 30% nguồn khí đốt chưa được khai phá của thế giới.

Trong vụ kiện trước Tòa án Tối cao, công ty Latvia tuyên bố họ được quyền đánh bắt cua tuyết ở một vùng biển mở rộng xung quanh Svalbard theo giấy phép của EU, nhưng không được Na Uy chấp thuận.

"Câu hỏi quan trọng ở đây là Hiệp ước Svalbard và các khu vực xung quanh. Nếu hiệp ước được áp dụng, thì việc từ chối giấy giấy phép đánh bắt là không hợp lệ", Hallvard Oestgaard, đại diện cho công ty đánh cá Latvia, nói với tòa án.

Vấn đề đặc biệt phức tạp

Øystein Jensen, giáo sư nghiên cứu tại Viện Fridtjof Nansen của Na Uy, nói: “Họ lập luận rằng vì ngư dân Na Uy có giấy phép, thì họ cũng có quyền được cấp phép”.

Mặt khác, Na Uy cho rằng các điều khoản của hiệp ước về quyền bình đẳng không áp dụng ngoài phạm vi 12 hải lý của quần đảo Svalbard. Ngoài ra, Tuva Bogsnes, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Na Uy, nhận định không có cơ sở pháp lý nào cho yêu sách liên quan đến việc này.

Cua, loài sống dưới đáy biển, được coi là ít vận động - không giống như cá, loài di chuyển rộng rãi hơn. Điều đó đồng nghĩa với việc chúng được coi là một phần của đáy biển.

Một số người nhận định vụ kiện này có thể mở ra cơ hội khai thác các nguồn tài nguyên khác dưới đáy biển như dầu, khí đốt và các khoáng sản khác.

Nếu Tòa án Tối cao quyết định ủng hộ quyền đánh bắt cá của người Latvia mà không cần giấy phép của Na Uy, “điều đó đồng nghĩa với nghĩa vụ không phân biệt đối xử đối với tất cả nguồn tài nguyên sinh vật và phi sinh vật trên thềm lục địa, bao gồm cả các hoạt động khoan dầu”, ông Jensen nói. Theo ông, đây là vấn đề liên quan đến việc có tất cả hoặc không có gì.

Trong khi đó, Rachel Tiller, nhà khoa học trưởng tại tổ chức nghiên cứu công nghiệp SINTEF Ocean, cho biết điều đó có thể mở ra một vấn đề rất phức tạp.

Bà cho rằng “điều đó có nghĩa là dầu khí hay bất cứ thứ gì ở đáy biển, bất kỳ ai cũng có thể khai thác những khu vực đó”, mặc dù sẽ không “tự do cho tất cả” khi Na Uy vẫn sẽ quản lý khu vực này.

“Bất kể phán quyết của Tòa án về vấn đề này như thế nào, chính phủ Na Uy sẽ quyết định có nên mở thêm các khu vực cho hoạt động dầu mỏ hay không”, bà Bogsnes khẳng định.

Khi biến đổi khí hậu khiến Bắc Cực nóng lên và băng tan, các nguồn tài nguyên có thể bắt đầu trở nên dễ tiếp cận hơn.

“Biến đổi khí hậu khiến Bắc Cực trở nên hấp dẫn hơn để khai thác tài nguyên, bao gồm cả khu vực xung quanh Svalbard. Nó thúc đẩy sự quan tâm của tất cả quốc gia trong khu vực”, chuyên gia Jensen nói.

Tuy nhiên, giáo sư Dodds cảnh báo rằng sự nóng lên nhanh chóng của khu vực cũng có thể khiến việc khai thác dầu khí trở nên khó lường và tốn kém hơn.

Vào năm 2021, Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết sẽ không có dự án dầu, khí đốt và than mới nào nếu thế giới tiếp tục hạn chế mức tăng nhiệt độ ở ngưỡng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp cho đến năm 2050.

Tòa án Tối cao Na Uy dự kiến đưa ra quyết định về vụ kiện này trong 2-3 tháng tới.

(Nguồn: Zing News)

CĂNG THẲNG THỔ NHĨ KỲ - THỤY ĐIỂN: NGA ĐỨNG ĐẰNG SAU VỤ ĐỐT KINH CORAN ?

Rasmus Paladan, người biểu tình mang hai quốc tịch Đan Mạch-Thụy Điển đốt kinh Hồi Giáo Coran trước tòa đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ ở Stockholm hôm 21/01/2023, dường như đã làm theo yêu cầu của các thành viên phe cực hữu Thụy Điển.

Một trong những thành viên này, người đã bỏ tiền ra tổ chức biểu tình, lại có liên hệ với bộ máy tuyên truyền của Nga. Mục đích của hành động khiêu khích nói trên chính là nhằm phá hỏng tiến trình gia nhập khối NATO của Thụy Điển và Phần Lan, hai quốc gia Bắc Âu cùng nộp đơn xin làm thành viên Liên minh Bắc Đại Tây Dương. Đó là khẳng định của nhật báo Pháp Ouest France hôm 26/01/2023, dựa trên thông tin của báo chí Thụy Điển.

Vụ đốt kinh Coran ở Stockholm rõ ràng đã đạt được mục tiêu, đó là khiến tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phẫn nộ. Hôm 23/01, ông Erdogan đã tuyên bố, sau khi để xảy ra hành động báng bổ đạo Hồi nói trên, Thụy Điển “đừng trông chờ vào sự ủng hộ của Ankara” cho việc gia nhập NATO.

Tiếp đến, hôm sau 24/01, Thổ Nhĩ Kỳ, một trong 30 nước thành viên hiện nay của Liên minh Bắc Đại Tây Dương, đã đình hoãn vô thời hạn một cuộc họp tay ba với Thụy Điển và Phần Lan, dự kiến vào đầu tháng 2. Trong cuộc họp này, trên nguyên tắc, Ankara sẽ bật đèn xanh cho NATO thâu nhận hai nước Bắc Âu.

Mặc dù Stockholm đã mạnh mẽ lên án vụ đốt kinh Coran và đã bày tỏ thái độ tôn trọng người Hồi Giáo, con đường vào Liên minh Bắc Đại Tây Dương của Thụy Điển coi như bị chặn lại, đến mức mà Phần Lan lần đầu tiên đã nêu lên khả năng gia nhập NATO một mình, không đợi láng giềng Bắc Âu.

Người được hưởng lợi trong vụ này không ai khác hơn chính là tổng thống Vladimir Putin, vì nếu Phần Lan và Thụy Điển vào NATO cùng lúc, như vậy là sẽ hình thành một đường biên giới dài đến 1.300 km giữa Nga và khối quân sự phương Tây. Vào tháng 5 năm ngoái, chưa tới 24 tiếng đồng hồ sau khi Phần Lan chính thức nộp đơn xin làm thành viên NATO, Matxcơva đã tuyên bố đây là một “sai lầm nghiêm trọng sẽ có những hậu quả to lớn”. Tiếp đến, vào cuối tháng 6/2022, khi NATO họp thượng đỉnh ở Madrid, tổng thống Putin đã lên án việc mở rộng này thể hiện tham vọng “đế quốc”, “bá quyền” của Liên minh Bắc Đại Tây Dương.

Cho nên khả năng Matxcơva tìm cách phá hỏng tiến trình gia nhập NATO của hai quốc gia Bắc Âu là hoàn toàn có thể xảy ra, nhất là sau những phát hiện của báo chí Thụy Điển: Rasmus Paludan, kể đốt kinh Coran, khai là đã hành động theo yêu cầu của một số thành viên phe cực hữu Thụy Điển. Một trong những người này, “nhà báo” Chang Frick, nguyên là đảng viên đảng cực hữu Những Nhà Dân Chủ Thụy Điển, thừa nhận là người đã nộp tiền đăng ký biểu tình cho cảnh sát Stockholm.

Nhưng có chắc là Chang Frick đã hành động một mình? Không chắc, bởi vì “nhà báo” này đã từng cộng tác với Russia Today, kênh truyền hình tuyên truyền của điện Kremlin. Chang Frick còn được biết là đang điều hành một trang mạng sống nhờ vào tiền quảng cáo của một công ty bán phụ tùng xe hơi trên mạng, trụ sở ở Berlin, mà sở hữu chủ là 3 người Nga và một người Ukraina. Theo kết quả điều tra của tờ New York Times được tiết lộ vào năm 2019, công ty này hoạt động cho Nga, chuyên tài trợ cho những trang mạng phao tin giả để gây xáo trộn công luận tại nhiều nước châu Âu.

Trả lời trang mạng Atlantico hôm nay, 27/01, nhà phân tích người Pháp Michael Lambert nhắc lại là chính phủ Nga vẫn yểm trợ các đảng cực hữu có tư tưởng chống NATO, chống Liên Hiệp Châu Âu ở các nước nước châu Âu, để qua đó gây nhiễu thông thông tin và gây mất ổn định ở những nước này, nhất là những nước đang gặp khủng hoảng như Ý, Hy Lạp, Bulgari…

(Nguồn: RFI)

THỦ TƯỚNG ĐỨC CÔNG DU MỸ LATINH

(Ảnh minh hoạ).

Ngày 28/1, Thủ tướng Đức Olaf Scholz bắt đầu chuyến công du Mỹ Latinh, đưa ông cùng phái đoàn gồm các nhà lãnh đạo doanh nghiệp tới thăm Argentina, Chile và Brazil - 3 quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên và là những đối tác rất tiềm năng của nền kinh tế hàng đầu châu Âu.

Trả lời phỏng vấn của Hiệp hội các tờ báo Nam Mỹ (GDA), Thủ tướng Scholz nêu rõ Đức muốn tăng cường hợp tác với khu vực Mỹ Latinh và Caribe trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, công nghệ hydro xanh và thương mại có trách nhiệm đối với nguyên liệu thô.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh các doanh nghiệp Đức đang tìm kiếm cơ hội mới ở nước ngoài sau cú sốc kinh tế do cuộc xung đột tại Ukraine gây ra và đa dạng hóa nguồn cung năng lượng.

Trong chuyến công du này, Brazil là điểm đến thu hút nhiều sự chú ý của dư luận hơn cả. Thủ tướng Scholz sẽ là nhà lãnh đạo phương Tây đầu tiên gặp Tổng thống Brazil Lula da Silva kể từ khi chính khách theo đường lối cánh tả này nhậm chức vào ngày đầu tiên của năm 2023.

Một trong các chủ đề chính được thảo luận trong chuyến thăm sẽ là một thỏa thuận giữa Liên minh châu Âu (EU) và khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR), gồm Argentina, Brazil, Paraguay và Uruguay. Dù các bên đã đạt một thỏa thuận năm 2019 sau 20 năm đàm phán, nhưng văn kiện này vẫn chưa được phê chuẩn và đang đối mặt với một làn sóng chỉ trích tại châu Âu, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp và sinh thái. Tuy nhiên gần đây, Tổng thống Lula da Silva đã đề cập đến thúc đẩy nỗ lực này, khẳng định rằng việc ký kết thỏa thuận “có vai trò đặc biệt quan trọng và khẩn cấp”. Thủ tướng Scholz bày tỏ ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực của Ủy ban châu Âu (EC) nhằm đạt thỏa thuận với các đối tác MERCOSUR.

Cùng với thương mại, môi trường cũng sẽ là một chủ đề trọng tâm trong các cuộc hội đàm tại Brazil. Sau khi ông Lula da Silva đắc cử tháng 10/2022, Berlin đã khẳng định sẵn sàng nối lại việc đóng góp cho một quỹ bảo vệ rừng nhiệt đới Amazon. Trước đó, Đức cùng với nhà tài trợ lớn nhất là Na Uy, đã ngừng đóng góp sau khi tình trạng phá rừng gia tăng dưới thời cựu Tổng thống Jair Bolsonaro.

(Nguồn: Báo Tin Tức)

TRANH CÃI XUNG QUANH PHÁT BIỂU CỦA BỘ TRƯỞNG NGOẠI GIAO ĐỨC

Nga cho rằng Đức và NATO là một bên trong cuộc xung đột ở Ukraine, điều mà phương Tây phủ nhận.

Theo báo Deutsche Welle (Đức), Chính phủ Đức ngày 28/1 cho rằng Nga đã sử dụng tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Annalena Baerbock để diễn giải theo mục đích riêng của Điện Kremlin và nhắc lại rằng cả Đức và NATO đều không phải là bên tham gia cuộc xung đột ở Ukraine.

Bà Baerbock đã kêu gọi sự thống nhất của phương Tây trong cuộc họp của Hội đồng châu Âu tại Strasbourg hôm 24/1: "Chúng ta đang tiến hành một cuộc chiến chống Nga, không phải chống lại nhau".

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Đức cho biết tuyên bố của bà Baerbock được đưa ra trong bối cảnh cuộc thảo luận về lập trường thống nhất của EU, các quốc gia G7 và NATO trong việc phản đối chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.

Đại sứ quán Đức tại Moskva cũng phủ nhận rằng Berlin là một bên trong cuộc xung đột trong khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz một lần nữa khẳng định nước này và các đồng minh không trực tiếp tham gia vào cuộc chiến mặc dù đã lên kế hoạch chuyển giao xe tăng chiến đấu cho Kiev.

Phát biểu với đài truyền hình công cộng ZDF, ông Scholz nói: "Không nên có chiến tranh giữa Nga và NATO".

NATO và Đức đã nhấn mạnh rằng sự ủng hộ dành cho Ukraine không đồng nghĩa với việc họ tham gia vào cuộc xung đột.

Tuy nhiên, tuyên bố của Berlin ngày 25/1, sau một thời gian dài do dự, rằng sẽ cung cấp xe tăng chiến đấu Leopard 2 cho các lực lượng của Ukraine, đã củng cố lập trường của Nga rằng phương Tây đang tiến hành cuộc chiến chống Moskva dưới vỏ bọc hỗ trợ cho Kiev.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova, được hãng thông tấn nhà nước TASS trích dẫn, đã mô tả bình luận của bà Baerbock là một bằng chứng cho thấy phương Tây đang tiến hành một "cuộc chiến có tính toán trước chống Nga".

Các chính trị gia bảo thủ và cực hữu ở Đức cũng chỉ trích về tuyên bố của bà Baerbock. Martin Huber, Tổng thư ký của Liên minh xã hội Cơ đốc giáo Bavaria cáo buộc bà Baerbock gây nguy hiểm cho Đức. Đồng Chủ tịch của đảng “Alternative for Germany” cực hữu, Tino Chrupalla, đã kêu gọi cách chức bộ trưởng ngoại giao.

(Nguồn: Soha)

THỦ TƯỚNG SCHOLZ NÊU CHÍNH SÁCH TIẾP CẬN 3 MŨI NHỌN CỦA ĐỨC VỀ UKRAINE

(Ảnh minh hoạ).

Thủ tướng Olaf Scholz cho biết, Đức theo đuổi chính sách 3 mũi nhọn kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra cách đây gần một năm.

Trong một bài phát biểu ngắn qua video ngày 28/1, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết, kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra hồi tháng 2/2022 đến nay, Đức tiếp tục theo đuổi chính sách tiếp cận 3 mũi nhọn. Các mũi nhọn này gồm hỗ trợ Ukraine về nhân đạo, tài chính và khí tài; ngăn chặn chiến sự leo thang, tránh nguy cơ xung đột trực tiếp NATO - Nga; phối hợp với các đồng minh, đặc biệt là Mỹ, nhằm kiềm chế các hành động đơn phương.

Thủ tướng Scholz khẳng định, Berlin sẽ kiên định với chính sách trên trong tương lai. Ông nhấn mạnh, mục tiêu mà Đức đang cố gắng đạt được là ngăn chặn Nga thay đổi biên giới bằng biện pháp quân sự.

"Mục tiêu của chúng tôi rất rõ ràng: Không để Nga đạt được mục đích thay đổi biên giới thông qua biện pháp quân sự", nhà lãnh đạo Đức nêu rõ.

Những bình luận trên đưa ra chỉ vài ngày sau khi Đức cam kết hỗ trợ 14 xe tăng Leopard 2 cho Ukraine, đồng thời cho phép các nước đồng minh, đối tác tái xuất loại xe tăng do Đức sản xuất này cho Kiev. Mục tiêu trước mắt của Đức là cùng với các đồng minh giúp Ukraine thiết lập 2 tiểu đoàn xe tăng. Thủ tướng Scholz cho rằng, động thái này hoàn toàn phù hợp với chính sách mà Đức theo đuổi.

Theo một khảo sát của tổ chức YouGov công bố tuần trước, 43% người Đức phản đối cấp xe tăng cho Ukraine, 39% ủng hộ trong khi 16% do dự.

Về phía Nga, họ coi quyết định viện trợ xe tăng của Đức là "nguy hiểm". "Quyết định vô cùng nguy hiểm này sẽ đẩy nguy cơ đối đầu lên tầm cao mới, và đi ngược lại các tuyên bố của giới chính khách Đức về việc không sẵn sàng cho phép Liên bang Đức can dự vào chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine", Đại sứ Nga tại Đức Sergei Nechaev hôm 25/1 cảnh báo.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói, Nga coi quyết định của Đức cũng Mỹ, Anh là động thái "can dự trực tiếp" của NATO vào xung đột Ukraine. "Sự can thiệp này ngày càng lớn", ông Peskov bình luận. Mặt khác, ông cũng cho rằng, việc phương Tây ồ ạt cam kết viện trợ xe tăng cho Ukraine không thể thay đổi cục diện chiến sự.

Theo giới quan sát, kế hoạch cung cấp xe tăng cho thấy bước ngoặt quan trọng trong chính sách viện trợ của Đức, quốc gia trước đó từng rất do dự về việc trang bị vũ khí hạng nặng cho Ukraine.

Chính phủ của Thủ tướng Scholz thời gian qua đối mặt với không ít sức ép và chỉ trích vì từ chối gửi xe tăng theo đề nghị của Kiev. Sự do dự của Đức đến từ nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, Berlin lo ngại xung đột Ukraine sẽ leo thang. Thứ hai, đa số người Đức không muốn nước này bị cuốn vào một cuộc xung đột vũ trang. Đức cũng muốn tránh căng thẳng trong quan hệ với Nga. Những lo ngại đó chỉ tạm gác sang một bên khi Mỹ đồng ý sẽ gửi xe tăng của họ cho Ukraine.

(Nguồn: Dân Trí)

(Xem thêm:

=> EU: Truy tố tội ác ở Ukraine; Gia hạn trừng phạt Nga; Đức Chính phủ bị kiện, chưa chuyển tiêm kích, Ngoại trưởng bị chỉ trích )

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang